Mô hình kinh doanh dịch vụ trực tuyến Internet thân thiện “Vườn tri thức VNPT"
1. Giới thiệu
Kinh doanh thông qua những tiện ích của Internet, CNTT đang là mô hình được áp dụng rộng rãi tại rất nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, việc kinh doanh này đang trong giai đoạn khởi đầu, đa phần tập trung ở những thành phố lớn, khu đông dân cư. Còn tại các vùng nông thôn hay miền núi, việc đưa Internet đến với người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người,v.v. thực sự hết sức khó khăndo dân trí thấp, thói quen, tập quán và sự e ngại khi tiếp cận với máy tính. Kinh doanh Internet vẫn chủ yếu là các cửa hàng, đại lý Game online nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao, không ứng dụng được Internet vào thương mại điện tử.
Mô hình kinh doanh dịch vụ Internet thân thiện “Vườn Tri thức VNPT” đã được triển khai để tối ưu hoá lợi nhuận, mở rộng mạng lưới kinh doanh viễn thông, CNTT và nhất là các tiện ích của Internet, giới thiệu trực tiếp thông qua hệ thống thương mại điện tử các sản phẩm trưyền thống, đặc trưng địa phương ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Với ý tưởng tạo ra một môi trường sinh hoạt CNTT, tiếp cận Internet cho giới trẻ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng và phổ cập CNTT vào đời sống như các chương trình cộng ích Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động phổ cập tin học quốc tế của Quỹ Melinda - Bill Gates vừa đạt mục tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh Internet.
Điểm mấu chốt là mô hình đã tạo ra sự gần gũi với môi trường và văn hoá người dân các vùng miền khác nhau, kích thích người dùng tham gia sử dụng Internet hỗ trợ trực tiếp cho đời sống lao động và học tập, vì họ có thể biết được giá cả các loại hàng hoá, địa chỉ mua bán, kiến thức canh nông, thông tin, sức khoẻ, v.v.. Mô hình cũng đã kết hợp kinh doanh qua mạng các sản phẩm dịch vụ viễn thông, CNTT, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương với việc quản lý mềm dẻo của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội nông dân,..
2. Tình hình triển khai mô hình “Vườn tri thức VNPT”
Mô hình “Vườn tri thức VNPT” đã được triển khai giai đoạn 1 với mục tiêu chủ yếu phục vụ công ích, phổ cập tin học cho đối tượng là thanh thiếu niên nông thôn và nhân dân vùng sâu, vùng xa. Sau khi triển khai giai đoạn 2 với mục đích kinh doanh hiệu quả các sản phẩm dịch vụ viễn thông và CNTT, mô hình đã phát huy khả năng kinh doanh biến Vườn tri thức VNPT giống như một chuỗi hệ thống liên hoàn gồm Siêu thị Viễn thông, Trung tâm Internet cộng đồng, Khu bày bán sản phẩm làng nghề, khuôn viên giao lưu văn hoá Wifi. Mô hình đã tạo ra sự gần gũi với phong tục, tập quán của người dân địa phương, khắc phục những rào cản trong tâm lý, thói quen khi tham gia sử dụng dịch vụ CNTT.
Vườn tri thức VNPT đã được triển khai thí điểm tại các vùng miền khác nhau cho các đối tượng khác nhau nhằm khảo sát, nghiên cứu định tính và định lượng, quan sát nhu cầu và sở thích khi sử dụng máy tính cũng như Internet của các đối tượng khách hàng để phục vụ đời sống, lao động, học tập của người dân địa phương. Qua nghiên cứu các mô hình đã triển khai, rút kinh nghiệm và xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh phát huy hiệu quả kinh tế của “Vườn tri thức VNPT”, cụ thể như sau:
+ Năm 2006: Nhà Thiếu nhi - Tỉnh đoàn Ninh Thuận: được lấy tên là “Vườn tri thức” cho đối tượng thanh thiếu nhi bao gồm 13 máy tính, tủ sách, hệ thống mạng,...
+ Năm 2007: Điểm BĐVHX Hồng Khê (Bình Giang - Hải Dương): được đặt tên là “Vườn tri thức trẻ” tại với mục tiêu phát huy những tiện ích của điểm BĐVHX, tạo ra môi trường tiếp cận Internet cho thanh thiếu niên (TTN) nông thôn và tăng cường hình ảnh VNPT đối với cộng đồng, xã hội: VTT quy định trong tuần có hai buổi truy cập Internet miễn phí vào sáng thứ 3 và chiều thứ 5 hàng tuần, các buổi còn lại thu cước phí, kinh doanh bước đầu thu đủ bù chi. Tổng trị giá 140.000.000đ.
+ Năm 2008: “Vườn tri thức VNPT” được đặt tên thống nhất đã triển khai tại Trung đoàn E952 – Hải quân vùng 1, Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) mà đối tượng phục vụ là bộ đội, chiến sĩ trên đảo: 04 máy tính, 01 máy in, hệ thống Hub, cáp mạng, webcam, tủ sách khoa học, các thiết bị như TV, đầu ĐV,.. miễn phí truy cập Internet băng thông ADSL 1 tháng, tổng giá trị 60.000.000đ
+ Năm 2008: Tại trường tiểu học An Phước (Đà Nẵng), việc xây dựng Vườn tập trung vào đối tượng là học sinh, TTN các xã lân cận. Từ tháng 6/2009 đến nay, đã có 4238 lượt TTN, học sinh và giáo viên truy cập Internet và đọc sách tại đây. Vườn còn tổ chức đào tạo tin học cho 50 lượt cán bộ Đoàn xã; Tổng trị giá 100.000.000đ.
+ Năm 2009: Còn tại Bến Tre, với sự đầu tư 40 máy tính của VNPT Bến Tre và nhiều đầu sách, báo của Tỉnh Đoàn có tổng trị giá 400.000.000đ. Không chỉ ĐVTN ở đây được tiếp cận Internet phục vụ cho học tập mà hoạt động kinh doanh tại đây cũng rất có hiệu quả (từ tháng 10/2009 đến nay, doanh thu tại Vườn tri thức do Đoàn Thanh niên VNPT Bến tre thực hiện từ dịch vụ bán hàng đạt trên 1 tỉ đồng). Ngoài ra, Vườn còn đào tạo được 7 khóa học cho Công an tỉnh, 1 lớp bằng A tin học cho cán bộ đoàn và 1 lớp học cơ bản cho thanh niên nông thôn.
+ Năm 2009: Trung đoàn Cảnh sát cơ động tại miền Trung - Tây Nguyên (E25) thuộc Tổng cục Cảnh sát đóng tại Gia Lai, cán bộ chiến sĩ ở đây cũng trở thành đối tượng chính được tiếp cận với Internet trong khuôn viên truy cập mạng của Vườn tri thức VNPT rộng 300m2, có đủ vườn hoa, ghế đá, cây cảnh … và 10 bộ máy tính có kết nối Internet, 01 máy in, webcam…Bên cạnh đó là Tủ sách tri thức của VNPT với hàng trăm đầu sách báo khác nhau để các cán bộ chiến sĩ đọc, tìm hiểu sau những giờ trực vất vả. Trong vòng 3 tháng đầu sau khai trương, cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân được miễn phí truy cập Internet 100% và được miễn 50% trong 6 tháng tiếp theo. Huy động them nguồn lực thừ Ban thanh niên Tổng cục Cảnh sát, BIDV, CAVICO: tổng trị giá khoảng 146.000.000đ
+ Thư viện Huyện Côn Đảo (Vũng Tàu) cho các đối tượng là thanh thiếu nhi, nhân dân trên đảo. Tổng trị giá 170.000.000đ.
“Vườn tri thức VNPT” đã được xã hội ghi nhận về những hữu ích của công trình về việc hỗ trợ cộng đồng xã hội trong việc ứng dụng Internet vào lao động và học tập, rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Tuy vậy, các “Vườn tri thức VNPT” hiện tại đã triển khai mới chỉ tập trung tăng cường hình ảnh thương hiệu VNPT và phát huy tính tiện ích của các điểm Bưu điện văn hóa xã, trường học, doanh trại quân đội, công an, khuôn viên tỉnh đoàn, v.v. chưa kết hợp được việc kinh doanh dịch vụ, tạo doanh thu chủ yếu từ dịch vụ băng rộng cũng như các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và CNTT khác. Do đó, cũng khó khăn khi bố trí nguồn chi phí, nguồn nhân lực sửa chữa, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của Vườn tri thức. Vì vậy, tại một số điểm không mang lại kết quả như mong muốn, chỉ mang tính phục vụ cộng đồng, rất khó khăn trong việc duy trì và quản lý lâu dài. Việc kết hợp với đoàn thanh niên địa phương hay trường học cũng chỉ duy trì được thời gian từ 3 đến 4 năm, sau đó thiết bị hỏng dần và bộ phận quản lý không có nguồn để tu sửa, bảo dưỡng hệ thống máy tính.
3. “Vườn tri thức VNPT” tại Hưng Yên - Mô hình kinh doanh dịch vụ Internet thân thiện
Từ những kinh nghiệm đó, “Vườn tri thức VNPT” tại Hưng Yên được thiết kế là một công trình kinh doanh kết hợp công ích hoàn chỉnh, đầy đủ các hạng mục để tạo ra nguồn thu và bộ phận quản lý lâu dài. “Vườn tri thức VNPT” được xây dựng trong khuôn viên VNPT Hưng Yên, có diện tích 500m2 bao gồm cả Trung tâm mạng máy tính với 10 bộ máy tính được nối mạng Internet (đầu tư giai đoạn 1), máy in, máy chiếu, webcam….; Showroom trưng bày - bán hàng dịch vụ bưu chính viễn thông và khuôn viên truy cập mạng wifi bao gồm vườn hoa cây xanh. Sau khi chính thức đưa vào hoạt động, Vườn tri thức là địa chỉ sinh hoạt cộng đồng hữu ích cho cho giới trẻ, là không gian tri thức xanh cho thanh niên nông thôn, kết hợp việc nâng cao kiến thức kinh tế- xã hội trên môi trường Internet với việc ứng dụng ngày một hiệu quả hơn công nghệ thông tin trong nghiên cứu, học tập và tạo ra các giá trị hữu ích cho xã hội.
“Vườn tri thức VNPT” tại Hưng Yên (trị giá đầu tư thiết bị 750 triệu đồng) được đánh giá là một mô hình của tương lai, đưa Internet đến vùng sâu, vùng xa có tính bền vững cao bằng việc thiết kế sáng tạo “phần hồn” của các phòng máy tính cộng đồng chính là người quản lý, quy trình vận hành và luồng không khí trẻ trung. Đặc biệt là tạo nguồn thu cho bộ phận quản lý là tổ chức Đoàn thanh niên và các cán bộ đoàn. Không gian gồm 4 phần: Siêu thị Viễn thông, Phòng Internet cộng đồng, Không gian sản phẩm làng nghề và Khuôn viên giao lưu Wifi.
Phòng Internet cộng đồng |
Được thiết kế theo phòng giao dịch chuẩn của VNPT về màu sắc và nhận diện thương hiệu có màu chủ đạo là màu xanh VNPT, không gian trong phòng gồm 3 phần, được phân biệt bằng độ cao mặt sàn và giá trị sử dụng của từng phần cụ thể: Trưng bày, trình chiếu các sản phẩm dịch vụ của VNPT, có ý nghĩa như điểm giao dịch trưng bày, tiếp nhận các sản phẩm. dịch vụ VNPT; Nhận là điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Ngày bình thường phòng có sử dụng nhạc cổ điển, một số tác phẩm âm nhạc kinh điển để tạo không khí thanh bình cho những người đến sử dụng dịch vụ.
Phòng Internet cộng đồng
- Tốc độ băng thông cao với mục đích nghiên cứu, học tập và giải trí.
- Đào tạo tin học văn phòng, công nghệ thông tin theo yêu cầu của tỉnh Đoàn, Hội Nông dân có quy mô nhỏ, có thể đào tạo theo cụm hoặc theo huyện, trong đó Đoàn VNPT Hưng Yên chịu trách nhiệm đào tạo, các chi phí về tài liệu cho học viên. (Định kỳ quý 1 lần).
- Đào tạo cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu.
-Thông qua Internet, vườn tri thức VNPT Hưng Yên là điểm để thanh, thiếu nhi trong tỉnh đến học tập nghiên cứu và giải trí:
-Tủ sách Thanh niên: Lưu trữ các tài liệu liên quan đến công tác Đoàn và các tài liệu khác do thanh niên ủng hộ tạo điều kiện để đoàn viên, TTN đến tra cứu tìm đọc và khai thác kiến thực, tư liệu phục vụ công tác chuyên môn.
- Tổ chức các buổi giao lưu, toạ đàm, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức hội họp của thanh niên.
+ 30% máy tính phục vụ công tác học tập, nghiên cứu miễn phí.
+ 70% máy tính truy cập còn lại sử dụng vào mục đích giải trí thu phí theo quy định hiện hành của VNPT Hưng Yên để đủ chi phí trang trải cho các khoản thuê nhân công, các chi phí khác luôn đảm bảo hiệu quả khai thác Vườn Tri thức và có doanh thu như một điểm giao dịch của VNPT Hưng Yên.
Không gian sản phẩm làng nghề (Youth Cafe)
- Thông qua việc trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản làng nghề địa phương, có niêm yết giá, nếu khách hàng có nhu cầu, có thể bán và hưởng tỷ lệ phần trăm hoa hồng.
- Sử dụng Website: vuontrithuc.com để giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua mạng.
- Kinh doanh trà thảo dược, café, giải khát.
Không gian sản phẩm làng nghề |
Khuôn viên giao lưu Wifi
- Thiết kế kiểu sân vườn treo, có quầy bar, phục vụ café, giải khát nhẹ, có công trình vệ sinh cộng cộng, trong đó có giàn hoa phong lan, một số cây cảnh, hòn non bộ, một số cây to toả bóng mát, bên ngoài giáp hành lang Quảng trường được tôn cao nền, lợp mái là vị trí để công nhân viên chức, thanh niên thư giãn có thể truy cập Wifi,…
- Đây cũng là điểm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao của thanh thiếu niên trong tỉnh.
- Vườn Tri thức VNPT tại Hưng Yên, không chỉ là điểm học tập, sinh hoạt văn hoá tinh thần thông qua giao diện Internet của thanh thiếu nhi trong tỉnh, mà còn được tổ chức thành lập Tổng đại lý để kết hợp phát triển dịch vụ VNPT với việc tăng thêm nguồn thu cho các cán bộ Đoàn, gây quỹ Đoàn tại địa phương. Tại “Vườn tri thức” sẽ được tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu thanh niên, phổ cập tin học và Internet, đào tạo từ xa, tôn vinh và trao tặng các suất học bổng khuyến học “VNPT chắp cánh tài năng Việt” cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại địa bàn tỉnh Hưng Yên.
4. Kết quả triển khai
Tính đến thời điểm hiện nay, “Vườn tri thức VNPT” tại Hưng Yên do Trung tâm dịch vụ khách hàng và Đoàn thanh niên VNPT Hưng Yên quản lý đã có doanh thu bán hàng cho VNPT Hưng Yên khoảng 500 triệu đồng /tháng, phát triển bình quân mỗi ngày 20 đến 50 dịch vụ bưu chính viễn thông các loại; kinh doanh thương mại như máy tính, điện thoại, thiết bị viễn thông,.. Ngoài ra, Ban quản lý còn tự cân đối thu chi các khoản thuê nhân công, bảo dưỡng thiết bị, tái đầu tư, mở rộng các hoạt động tổ chức sự kiện, cho thuê địa điểm đào tạo tin học, game online, v.v..
Mô hình “Vườn tri thức VNPT” đã được cộng đồng CNTT thế giới biết đến thông qua Diễn đàn CNTT thế giới WITFOR 2009, năm 2010 cùng với chương trình “Một triệu giờ đồng hành” được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện của tuổi trẻ cả nước. Các cơ quan truyền thông như Báo Lao Động, Báo Nhân Dân, Báo Bưu Điện, Báo Điện tử Vnmedia, Báo Tiền Phong, Báo Thanh Niên... đã đánh giá: “Vườn tri thức VNPT” tại Hưng Yên khẳng định tính bền vững của mô hình phổ cập tin học và Internet cho các tầng lớp nhân dân vùng sâu, vùng xa, thực hiện chủ trương của Chính phủ sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về CNTT trên thế giới.
5. Kết luận
Việc triển khai mô hình kinh doanh Internet thân thiện Vườn tri thức VNPT rất khả thi cho các địa phương mới tiếp cận với CNTT và chuẩn bị ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong thời gian tới. Để phát huy tính bền vững và hiệu quả, các doanh nghiệp Viễn thông và CNTT cần kết hợp chính sách công ích của các sở, ban, ngành địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị đoàn thể để tiết kiệm tối đa chi chí xây dựng và chi phí quản lý và thuê nhân công bằng việc thiết lập “Vườn tri thức VNPT” như một Tổng đại lý uỷ quyền mà thành viên chính là các cấp cán bộ đoàn thể, chính trị-xã hội.
Nguyễn Đồng Long
Tài liệu tham khảo
[1]. Trương Đình Chiến, Sách “Quản trị kênh phân phối”, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2010.
[2. Trần Thị Ngọc Trang, Trần Văn Thi, Sách “Quản trị kênh phân phối”, NXB Thống kê.
[3]. Lữ Ý Nhi, Bài viết “Kênh phân phối siêu thị”, Báo Doanh nhân Sài Gòn, số 104 tháng 8 năm 2010.
[4]. Thanh Huyền, “Chợ truyền thống - kênh phân phối hàng Việt hiệu quả”, Báo Hà Nội Mới Online, ngày 8/5/2013.
[5]. Philip Kotler, Quản Trị Marketing, NXB Lao động - Xã hội, 2008.
[6]. Tạp chí Công nghệ Thông tin & Truyền thông số tháng 8/2011.
[7]. Tuần tin VNPT số 159, 160, 161 phát hành ngày 15/8/2011 đến 4/9/2011.
[8]. Tạp chí Doanh nhân & Pháp luật các sô 25, 27 ra ngày 5/7/2011 và 20/7/2011.
[9]. http://www.vnpt.vn