Đến thăm nhà văn Lê Lựu

(ICTPress) - Ở đáy sông vẫn có sóng, nhưng những điều tốt đẹp thì không xa vắng. Chúng tôi tin như thế.

Chúng tôi đến thăm nhà văn Lê Lựu vào một chiều tháng năm. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng”, cuốn tiểu thuyết đã có thời vang bóng khiến nhiều người gọi ông bằng cái tên anh Giang Minh Sài - là tên nhân vật chính trong chuyện, cũng một cựu chiến binh như ông. Cái sự vang bóng này lan tới tận phía bên kia quả địa cầu, khiến cho anh cựu chiến binh nông dân Lê Lựu - Giang Minh Sài có cơ hội sang Mỹ giao lưu với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Rồi ông tiếp tục cho ra đời một cơ số kha khá nữa các thể loại chuyện ngắn, dài. Khi “Sóng ở đáy sông” được phát sóng truyền hình, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông, thì anh chàng Giang Minh Sài - Lê Lựu lại được người ta gọi là bố thằng Núi, nhân vật trong tiểu thuyết và phim.

Nhiều năm trước, một cách ngẫu nhiên, tôi mua ngôi nhà được xây trên nền căn nhà cũ của ông ở phố Hoàng Hoa Thám. Căn nhà đã qua đôi lần chủ khác, họ đập đi xây mới rồi bán lại cho tôi. Nhưng hàng xóm cũ của nhà văn Lê Lựu thì vẫn ở bên cạnh và là hàng xóm của tôi bây giờ. Bà hàng xóm kể lại cho tôi nghe bà đã đọc bản thảo viết tay “Thời xa vắng” thế nào. “Sao chú lại lôi chuyện đời chú ra mà viết thế này”, bà hàng xóm kể rằng bà đã bảo nhà văn như thế. Thế là dù chưa từng gặp Lê Lựu, tôi cũng vẫn hình dung ra cái cảnh mà nhà văn đã ngồi viết “Thời xa vắng”. Ấy là chuyện của những năm về trước.

Giờ đây, khi đến thăm nhà văn Lê Lựu, trước mắt chúng tôi là… một cái lưng. Ông ngồi trong phòng họp của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, nơi ông sáng lập và vẫn điều hành ngay cả khi đau ốm, lưng quay ra cái cửa mà chúng tôi vừa bước vào. Cô bé nhân viên của Trung tâm sau khi mở cửa và rót nước mời chúng tôi thì quay lại tiếp tục bóp chân cho ông, cẩn thận chu đáo như một cô con gái chăm cha.

Ông ngồi quay lưng ra cửa, cây gậy chống đặt bên bàn, hai chân gác lên cái ghế phía trước, dáng vẻ mệt mỏi và buồn rầu. Chúng tôi tự giới thiệu rồi câu chuyện bắt đầu một cách rời rạc khi ông nói về bệnh tật, về gia đình. Rồi ông kể về mỗi sáng, ông cố tập đi bộ hàng cây số, với sự giúp đỡ của các cháu nhân viên Trung tâm và cũng chỉ có các cháu nhân viên Trung tâm giúp ông thôi. Con cháu máu mủ ruột thịt của ông thì còn mải mê bận rộn công kia việc nọ mà quên mất họ còn có một người cha, người ông.

Câu chuyện vui hơn khi chúng tôi nói với ông rằng, thế thì ông cũng cứ việc nọ công kia mà quên những người đã quên ông thôi, và rằng ông không đẻ không nuôi mà giờ đây có năm người con, hai trai ba gái, là các cháu của Trung tâm đang chăm sóc ông đây, đó là phúc phận lớn của ông rồi. Rồi tôi đùa rằng nhà văn Lê Lựu thì chắc chưa tài ba danh tiếng như nhà văn Nga Lev Tolstoy nhưng ông may mắn hơn hẳn nhà văn Nga ở chặng cuối đời. Lev Tolstoy khi trở về già đã phải rời bỏ lâu đài dinh thự, ngao du vô định không người thân thích ở bên; còn Lê Lựu giờ có tới những năm người chăm sóc hàng ngày.

Nét mặt nhà văn tươi hẳn lên, chả hiểu có phải vì chợt nhận ra mình còn may mắn hơn vô khối danh nhân. Ông say sưa kể về cái đận đi Liên xô nhiều năm trước, từ chuyện kiếm sống đến chuyến viếng thăm quê hương  Tchekhov. Rồi ông vui hơn, hỏi chuyện hàng xóm cũ phố Hoàng Hoa Thám, hỏi chiếc máy nước công cộng ngày trước bên sườn nhà nay có còn không khiến tôi ngạc nhiên thán phục trí nhớ của nhà văn. Ông hỏi thăm cậu bé hàng xóm đã nói sõi chưa. Cậu bé hàng xóm của ông nay đã là bố của hai đứa trẻ và đang sống ở Đức. Khi tôi về thuật lại câu hỏi của ông với bà hàng xóm thì bà xác nhận rằng con trai bà ngày bé có chút tật nói lắp. Quả thật, trí nhớ và sức làm việc của Lê Lựu thật đáng khâm phục khi đôi năm gần đây tuy hay đau yếu nhưng ông vẫn cho ra đời ba ấn phẩm mới.

Những câu chuyện chả đầu chả cuối nhưng rôm rả khiến nét mặt nhà văn  vui hẳn lên, hồng hào, tươi tỉnh. Ông cười òa khi tôi với ông rằng điều cần trước hết là ông đừng quay lưng ra cửa, đừng quay lưng lại với cuộc đời khi vẫn còn rất nhiều người trân trọng quý mến ông.

Trước khi chia tay ra về chúng tôi chúc Lê Lựu sớm có những tác phẩm mới, những chuyện vui hơn, chuyện về năm người con mà ông không sinh ra nhưng đang chăm ông hàng ngày, chuyện những người hàng xóm cũ tuổi cũng đã như ông hoặc hơn ông vẫn trìu mến nhắc đến anh nông dân Giang Minh Sài - Lê Lựu từ quê ra phố vẫn mộc mạc chất quê…

Ở đáy sông vẫn có sóng, nhưng những điều tốt đẹp thì không xa vắng. Chúng tôi tin như thế.   

Hiền & Phương

(ICTPress)

Tin nổi bật