Nghiện game có điều trị được?
(ICTPress) - Tôi biết nhiều bậc làm cha làm mẹ hiện nay phải rất đau đầu khi bế tắc trong con đường dắt con em mình thoát khỏi sự hoang tưởng trong thế giới game và mạng.
Ảnh minh họa: gamescreenshot |
Với sự phát triển bùng nổ của Internet, ngày nay, khái niệm game đã trở nên quá quen thuộc với không chỉ lớp trẻ mà còn thành phổ thông trong xã hội. Con số trẻ em nghiện game, nghiện mạng không phải ít. Kèm theo đó là nhiều tệ nạn xã hội, sự xuống cấp của sức khoẻ, sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản pháp quy, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng game và mạng đến nay vẫn còn là vấn đề cần bàn nhiều. Nhiều gia đình quản lý con cái không được lại chuyển sang chế độ “sống chung với lũ” để rồi từ đó bao hệ luỵ khác đến từ lúc nào không biết.
Bản thân tôi từ lâu đã kịch liệt phản đối việc thanh thiếu niên và một bộ phận không nhỏ người trưởng thành (đa số là công chức, viên chức) cứ sa đà vào các trò game trên máy tính mà quên đi mình là ai. Thực ra, bản thân những trò game lành mạnh không có gì là xấu, thậm chí rất tốt cho sự phát triển trí tuệ, là một người bạn đồng hành tốt nếu bạn biết sử dụng nó đúng cách. Nhưng chính vì sự lạm dụng quá đáng của nhiều người mà game đôi khi lại trở thành một thứ ma túy, một thứ giặc phá hoại cuộc sống, một vấn nạn cho loài người.
Nhiều em học sinh cấp một đã đeo cặp kính dày cộp, người ú phệ, bụng to tướng nhưng chân tay suông đuỗng, chỉ cần bước lên mấy bậc cầu thang là thở hổn hển rồi thì thử hỏi đến khi tuổi lớn, sức khoẻ các em sẽ như thế nào? Bên cạnh đó là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng. Các em cứ sống trong thế giới ảo với những cảnh bạo lực, những cuộc phiêu du viễn tưởng đến các vì sao, thiên hà xa xôi, đến cung vua thuỷ tề để… cứu công chúa…; còn trở về với thế giới thực thì các em cứ ngơ ngơ ngác ngác làm sao, không biết chào hỏi và gần như vô cảm với mọi thứ.
Nhiều em học sinh khi thấy người lớn vào nhà cứ như là thấy một vật lạ, trố mắt nhìn mà chẳng buồn hé nửa lời thưa hỏi. Đó là chưa nói đến các game có nội dung đậm chất sex mà các chủ đại lý cố tình “tiếp thị” để các cô cậu choai choai thử dùng. Còn nữa, nào là anh giết em, cháu giết ông ngoại chỉ để lấy vài trăm ngàn đồng chơi game - một sự vô cảm, tàn nhẫn và xuống cấp đạo đức đáng kinh sợ đang hiện dần trong xã hội.
Vậy thì vai trò của những người có trách nhiệm ở đâu? Chúng ta đã làm nhiều thứ nhưng chúng ta còn quá thờ ơ, chúng ta biện hộ đủ điều để những hậu quả đau lòng như vậy do chính chúng ta tạo ra làm hư hỏng cả một thế hệ. Nhưng theo tôi, không một giải pháp nào hữu hiệu bằng chính nhận thức và hành động đúng đắn của các bậc phụ huynh.
Phải khẳng định rằng không thể cấm game và cấm chơi game. Ở đây, cái khó của các bậc làm cha làm mẹ là không biết cho con mình chơi game nào, với mức độ nào là vừa. Vậy nên, theo tôi, để con mình không trở nên lạc hậu nhưng cũng không trở thành con nghiện của game thì có các cách như sau:
-
Luôn giáo dục cho trẻ hiểu rằng tất cả những thứ trên game đều là thế giới ảo còn những gì đạt được ngoài cuộc sống mới là giá trị thật cần hướng đến.
-
Hãy cho con chơi game như là phần thưởng về một thành tích nào đó. Chẳng hạn, con hãy làm bài được điểm 10, bố sẽ cho chơi game. Để trẻ cùng chơi một môn thể thao nào đó trước khi cho cháu chơi game. Sắp xếp thời gian biểu của trẻ có mục game với thời lượng hạn chế đan xen với học tập, thể thao, giải trí.
- Dùng các ứng dụng khoá mạng bằng mật khẩu trên máy tính hoặc thiết lập (setting) ngay trên router/modem để khoá/mở mạng theo thời gian yêu cầu. Như vậy, trẻ không thể sa đà trong thế giới mạng được.
-
Hãy bỏ thời gian sưu tầm và chơi thử những trò game trí tuệ. Hiện nay, tôi được biết có nhiều trò có tác dụng như Olympic, Ai là triệu phú, xếp chữ, tập gõ bàn phím 10 ngón… rất bổ ích cho sự phát triển trí não của trẻ, đồng thời cũng ôn luyện những kiến thức học được ở trường.
- Đặt máy vi tính tại vị trí “đắc địa” nhất để cha mẹ có thể vừa làm việc vừa thỉnh thoảng quan sát nội dung mà trẻ đang dùng.
-
Nếu có thời gian thì bố mẹ nên chơi cùng con để vừa tăng sự gần gũi, quan tâm tình cảm của bố mẹ với con, đồng thời cũng kiểm soát được thời gian và theo dõi được mức độ “nghiện” của con đến đâu nhằm kịp thời “điều trị” trước khi quá đà.
Có một bạn trẻ đã từng nghiện game và tự tìm cách cứu được mình. Với bài viết “Tôi đã dứt được sau 10 năm ăn ngủ cùng game” trên mạng, bạn ấy đã tâm sự rằng: “Thay vì hẹn bạn đi vào quán game oi bức ngột ngạt thì tôi rủ bạn đi cà phê, uống bia, chúng tôi đều nhận ra rằng game không đem lại cho tôi những giá trị quý báu như cuộc sống mang lại, niềm vui khi chiến thắng (trong game –tác giả) mất dần trong suy nghĩ của tôi” (http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/tam-su/2011/08/toi-da-dut-duoc-sau-10-nam-an-ngu-cung-game). Qua đó mới thấy việc cai nghiện game là một quá trình đấu tranh bền bỉ lâu dài chứ không hề đơn giản.
Hy vọng với vài lời mách nước nhỏ như vậy có thể góp phần cùng các bậc cha mẹ kiểm soát tốt hơn con cái mình trong việc sử dụng game và Internet.
Cách Tân