Người dân chính là nhân tố quan trọng ngăn ngừa thông tin xấu, độc
Theo đại biểu tỉnh Phú Yên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nhận thức của người dân và toàn xã hội vì khi công chúng không tin, không theo thì những tin xấu, độc cũng sẽ không có đất tồn tại.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp, ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các thành viên Chính phủ liên quan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nắm chắc vấn đề ngành mình phụ trách, trả lời rõ ràng các vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vấn nạn lừa đảo qua mạng; hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử và việc thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Xử lý thật nghiêm những đối tượng lừa đảo qua mạng
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng rất nan giải, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Việc đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai để xử lý vấn nạn này là hoàn thiện các quy định.
Ủng hộ giải pháp này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, những vấn đề Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời cho thấy, thời gian qua, Bộ đã tích cực triển khai những giải pháp, khắc phục tình trạng lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, tình trạng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Những năm qua cơ quan chức năng đã tăng chế tài xử phạt, thậm chí có những hành vi lừa đảo bị tăng mức xử phạt lên gấp ba lần nhưng theo đại biểu Nga, mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe do mức lợi nhuận thu được do lừa đảo qua mạng rất lớn.
Đại biểu cho biết công tác cảnh báo của cơ quan chức năng về tệ nạn này vẫn chưa thường xuyên, kịp thời, chủ yếu người dân tự phát hiện và thông báo với nhau để đề phòng. Để ngăn chặn tối đa tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp cảnh báo song song với đó là hoàn thiện các văn bản pháp luật để hiệu quả hơn và đổi mới hình thức tuyên truyền. “Phải xử lý hình sự thật nghiêm những đối tượng lừa đảo qua mạng mới đủ sức răn đe,” đại biểu nêu ý kiến.
Về việc xử lý sim rác, đại biểu Nga cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp hoàn toàn có tính khả thi và sẽ đem lại hiệu quả cao nếu chúng ta thực hiện tốt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung thêm những giải pháp làm sao để nâng cao được nhận thức của người dân mới thực sự đem lại hiệu quả.
Đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, người dân có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào các nền tảng xã hội, nhưng sự nhận thức của họ trong kỷ nguyên số này vẫn chưa theo kịp hạ tầng kỹ thuật nên còn nhiều hạn chế…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với giải pháp của Bộ trưởng là để giải quyết tình trạng thông tin xấu, độc không chỉ mình Bộ Thông tin và Truyền thông có thể làm được mà phải có sự vào cuộc rất tích cực của nhiều bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên vai trò của Bộ vẫn là chính yếu.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời đúng và trúng những vấn đề mà cử tri quan tâm. Cho rằng vẫn còn vùng “lõm” trong phủ sóng viễn thông ở một số địa phương, nhất là Nghệ An, đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo khoảng cách số giữa vùng núi, vùng sâu, vùng xa và thành phố được rút ngắn.
Cần có "vaccine" nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu, độc
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), không gian mạng là nền tảng đa quốc gia, khác với việc quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin xấu, độc và xử lý những tài khoản vi phạm thì cũng giống như việc phòng, chống COVID-19 mới dừng lại ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cần có "vaccine" nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu, độc, tức là công chúng không tin, không nghe các thông tin xấu, độc.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, truyền thông cần mang đến cho công chúng nhiều hơn các thông tin đa chiều, tích cực, có tính thuyết phục cao và khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm; không nên khen nhiều bởi trên thực tế: "thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Nếu để độc hại ngấm vào rồi mới uống giải độc thì chúng ta mãi mãi sẽ phải chạy theo khắc phục," đại biểu nói.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Cho rằng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là người nắm chắc vấn đề, đặc biệt là công nghệ, rất say sưa với những nội dung của ngành và cơ bản cũng đáp ứng được yêu cầu của đại biểu và cử tri. Tuy nhiên, theo đại biểu, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là nhận thức của người dân và toàn xã hội vì khi công chúng không tin, không theo thì những loại tin xấu, độc cũng sẽ không có đất tồn tại.
“Người dân chính là nhân tố quan trọng ngăn ngừa thông tin xấu, độc. Thế hệ trẻ là chủ nhân của đất nước nên nếu họ nhận thức tốt thì việc loại bỏ thông tin xấu, độc sẽ rất hiệu quả,” đại biểu nhấn mạnh.
Kiểm soát tốt quá trình chuyển đổi số để phát huy cơ hội
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, phiên chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra rất thành công, thể hiện từ việc điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng như phần trả lời của Bộ trưởng và các câu hỏi cơ bản tuân thủ thời gian. Không khí phiên chất vấn cũng hết sức xây dựng, thẳng thắn và tập trung.
Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra bám sát vào tình hình và chủ đề mà Quốc hội đã lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành liên quan khác. Đồng thời các vấn đề được nêu trong câu hỏi cũng được trả lời toàn bộ, đặc biệt, qua quá trình trả lời thể hiện Bộ trưởng nắm rất chắc lĩnh vực quản lý trong khi đây là ngành quản lý nhà nước nhưng có tính chất kỹ thuật.
Theo đại biểu, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số cũng là những định hướng chiến lược của đất nước, thời gian vừa qua đã có những đóng góp rất quan trọng, có nhiều khía cạnh đi trước mong đợi của xã hội. Chính vì vậy, những câu trả lời của Bộ trưởng không chỉ thu hút sự chú ý của những đại biểu nêu câu hỏi mà của cả nghị trường Quốc hội.
Có thể thấy phiên chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông có rất nhiều sự tranh luận, điều này thể hiện sự quan tâm của các đại biểu, làm sâu sắc hơn những giải pháp để có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, trong quá trình trả lời, Bộ trưởng đã khẳng định và có những lời hứa trực tiếp trước Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước. Đại biểu hy vọng, với tinh thần làm việc, thái độ tiếp thu ý kiến như vậy, trong thời gian tới, những nguyên nhân và giải pháp sẽ lần lượt được cụ thể hóa và tiếp tục triển khai để đáp ứng được mong mỏi của Quốc hội và sự chờ đợi của cử tri, nhân dân trong chuyển đổi số - một lĩnh vực đặc biệt mới và khá nhạy cảm.
Theo đại biểu, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho đất nước rất nhiều cơ hội nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức rất khó lường. Cho nên, nếu kiểm soát được thì sẽ phát huy được nhiều cơ hội hơn thách thức.
Ngoài ra, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, bên cạnh việc chuyển giao công nghệ, có những nỗ lực kết hợp giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành thì thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu để có những công nghệ, kỹ thuật riêng biệt của Việt Nam góp phần giải quyết được những thách thức đặt ra.../.
https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-chinh-la-nhan-to-quan-trong-ngan-ngua-thong-tin-xau-doc/827393.vnp