Việt Nam xếp thứ tư Đông Nam Á về môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo “Chỉ số toàn cầu về Hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số” (GIDES) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng, Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: CAO TÂN)

Được ADB công bố như là một phần của báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2022”, chỉ số GIDES đo lường chất lượng của môi trường dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số bằng cách xem xét mức độ số hóa trên 8 phương diện: văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, hạ tầng, vốn con người, tri thức, tài chính và mạng lưới.

Theo chỉ số này, với 23,1 điểm (trên tổng số 100 điểm), Việt Nam xếp thứ 63 trong tổng số 113 nền kinh tế trong bảng xếp hạng GIDES và đứng thứ tư tại Đông Nam Á.

Singapore được đánh giá có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất thế giới, với 81,3 điểm, dẫn đầu bảng xếp hạng GIDES. Mỹ đứng thứ hai (79,7 điểm), trong khi Thụy Điển đứng thứ ba (79,6 điểm) trong số 113 nền kinh tế trong danh sách.

Ở khu vực Đông Nam Á, trong số các nền kinh tế được thống kê, Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu này, tiếp đến là Malaysia (hạng 27 thế giới, 43,1 điểm) và Thái Lan (hạng 59 thế giới, 25,9 điểm).

Nguồn số liệu: Báo cáo "Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2022" của ADB

Theo đánh giá của ADB, số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương, là động lực đổi mới, chìa khóa cho các nền kinh tế đang phấn đấu đạt được mức thu nhập cao.

Số hóa cũng có thể giúp cho các nền kinh tế trở nên dễ thích ứng hơn, thí dụ như công nghệ kỹ thuật số đã giúp nhiều doanh nghiệp "sống sót" sau đại dịch Covid-19, và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện nhờ giảm chi phí khởi nghiệp.

Tuy vậy, 17 trong số 21 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có mặt trong danh sách GIDES lại xếp thứ hạng chót. Theo ADB, điều này nhấn mạnh nhu cầu của nhiều quốc gia trong số đó cần phải khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số.

 

ADB đánh giá, mặc dù môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, vẫn còn rất nhiều điểm cần phải cải thiện.

Khởi nghiệp kỹ thuật số giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch Covid-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.

Ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB

Đối với toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nền văn hóa thiếu tính hỗ trợ là một trong những điểm yếu lớn nhất khi đề cập đến khuyến khích khởi nghiệp kỹ thuật số.

Công chúng nói chung còn chưa đánh giá cao vai trò quan trọng mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng góp trong tiến trình phát triển kinh tế. Do đó, ADB khuyến nghị, một cách để thay đổi điều này là nâng cao nhận thức của công chúng về khởi nghiệp thông qua giáo dục.

Ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, khởi nghiệp kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch Covid-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.

Để làm được điều đó, chuyên gia ADB khuyến nghị cần tạo lập 1 môi trường mang tính hỗ trợ thông qua các chính sách tạo điều kiện và các ưu đãi khuyến khích.

Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số như mạng băng thông rộng, các chính phủ cần thúc đẩy ổn định chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy, thị trường mở và cạnh tranh, cũng như quyền sở hữu mạnh mẽ. 

Tin nổi bật