Những “liều thuốc” trị bệnh thuê bao ảo

Việt Nam hiện đang có trong tay trên 120 triệu thuê bao di động, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia viễn thông, trong số này có khá nhiều thuê bao ảo chỉ khiến nhà mạng tốn chi phí duy trì trên hệ thống mà không đem lại nguồn doanh thu nào…

Ảnh minh họa: Internet

Tháng 5 vừa rồi, theo con số mà Tổng Cục thống kê công bố, bỗng dưng, Việt Nam mất tới hơn 40 triệu thuê bao di động chỉ trong vòng một tháng. Nếu như tháng 4/2011, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, Việt Nam đã có tới 174,3 triệu thuê bao trong đó có 157,8 triệu là di động, thì sang tháng 5/2011, chỉ còn lại có 112.3 triệu.

Nhưng khi tìm hiểu ra, đây chỉ là cách tính mới của cơ quan chức năng về số thuê bao thực hiện có của Việt Nam. Thay vì công bố số liệu thuê bao di động là các số thuê bao đã kích hoạt của các doanh nghiệp viễn thông dù chưa phát sinh lưu lượng, giờ Tổng cục Thống kê sẽ chỉ công bố thuê bao phát sinh lưu lượng trong tháng.

Theo các chuyên gia viễn thông, áp dụng theo cách tính mới này sẽ giúp nhà mạng không còn khai khống số thuê bao của mình nữa. Thậm chí, không ít số thuê bao được kê khai chỉ là thuê bao ảo, nhưng vì chạy theo thành tích, vẫn có mạng tính vào.

Khi Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào năm 2009, nhiều ý kiến cho răng đây cũng là một biện pháp khá mạnh tay góp phần giảm nạn thuê bao ảo. Đó là quy định mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động, trừ trường hợp là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức.

Thông tư 22 còn nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao hoặc sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức). Đồng thời, Thông tư cũng xiết chặt việc quản lý SIM của doanh nghiệp bằng cách nghiêm cấm lưu thông trên thị trường những SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Ra đời trước Thông tư 22, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản chính thức quy định cách tính thuê bao di động thực mới. Nếu như theo cách tính cũ, thuê bao được coi là thuê bao thực khi còn đang hoạt động hai chiều trên mạng hoặc còn một chiều (chiều nghe) thì cách tính mới chỉ công nhận thuê bao di động thực khi nó tồn tại trên tổng đài tính cước. Và cách tính này giờ đã được áp dụng thống nhất.

Theo một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thông thường, cách tính thuê bao thực mà Việt Nam từng áp dụng vốn được nhiều quốc gia lựa chọn nhưng với thực tế phát triển nóng như Việt Nam, tình trạng thuê bao “ăn sổi” chỉ hoà mạng SIM khi được khuyến mại, giảm giá rồi sau đó không sử dụng đó nữa, lại kích hoạt SIM mới mà tổng đài của các mạng vẫn phải bỏ chi phí duy trì SIM đã “về hưu” khiến cách tính này không thực sự chính xác.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn có tình trạng “lách” quy định của nhà nước. Do chưa kiểm tra được độ chính xác của thông tin mà thuê bao di động đăng ký nên tình trạng nhờ người đăng ký, đăng ký khống vẫn xảy ra. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Công an đang hoàn thiện việc đối soát, đưa ra con số chính xác nhất về việc kiểm tra dữ liệu hơn 4 thuê bao trả trước tại Hà Nội.

Nhiều người dự đoán, lượng thuê bao khai sai thông tin sẽ khá đông. Nếu không đăng ký lại với nhà mạng sau khi đã được cơ quan quản lý nhà nước “điểm mặt, chỉ tên” rõ ràng trong thời gian tới, những thuê bao này sẽ bị cắt liên lạc, xóa số. Đây cũng là cách để người dùng có ý thức hơn trong việc sở hữu số thuê bao của mình, không dùng tràn lan, lãng phí.

Từ ngày 1/8 vừa rồi, hai mạng di động VinaPhone, MobiFone đã bắt đầu tính thời gian lưu hành SIM/KIT của mình. Theo đó, các loại SIM/KIT của VinaPhone và MobiFone phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 chỉ có thời hạn sử dụng tối đa đến hết ngày 31/12/2013. Các SIM/KIT phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng 24h00 ngày 31/12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành. Sau thời gian này, VinaPhone và MobiFone sẽ thu hồi lại các số đã phát hành ra thị trường nhưng không được kích hoạt, hoặc đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước.

Việc giới hạn thời gian lưu hành đối với SIM/KIT chưa hòa mạng được nhận định là một chính sách đúng nhằm hạn chế nạn đầu cơ số đang ảnh hưởng lớn tới thị trường viễn thông trong suốt thời gian qua. Đây cũng sẽ là liều thuốc giúp doanh nghiệp giảm tình trạng thuê bao ảo vốn tồn tài lâu nay, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số.

Những ngày vừa rồi, thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quy hoạch lại kho số di động bằng cách nghiên cứu, có thể sẽ nâng độ dài thuê bao di động 10 số hiện nay lên 11 chữ số khiến người dùng không khỏi lo lắng. Thế nhưng, việc nghiên cứu của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết ở thời điểm này để có thể giúp cho tài nguyên kho số di động của Việt Nam được sử dụng hiệu quả nhất. Tránh nạn SIM số rác, ảo vẫn còn hiện nay.

Tuy nhiên, mọi biện pháp phải được triển khai thống nhất. Từ phía cơ quan quản lý nhà nước tới cả các doanh nghiệp và bản thân người dùng. Có thể nói,nếu hàng loạt các "liều thuốc" trị bệnh thuê bao ảo, sim số rác được áp dụng đồng bộ ở thời điểm này là rất cần thiết  và đem lại hiệu quả cho thị trường di động Việt.

 Theo Hiền Mai

VnMedia

Tin nổi bật