Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản

Ngày lễ Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật, có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ, được các tín đồ Phật giáo và dân chúng đón nhận. Lễ Phật Đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha (nhằm ngày 15 tháng tư âm lịch, năm 624 Trước Công Nguyên), một ngày rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo.

Đức Phật Thích Ca xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 TCN (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Vì thế, lễ Phật đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Theo Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn). Ngày Phật Đản hay là lễ Vesak, Tam Hiệp được kỷ niệm vào các ngày khác nhau, tùy theo quốc gia. Tuy nhiên theo Phật giáo Bắc Tông thì ngày này là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca.
Ở Việt Nam, lễ Phật Đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời.
Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.
Một trong những nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ Phật Đản là tắm Phật hay còn gọi là lễ Mộc Dục. Việc tắm Phật trong ngày lễ Phật Đản là để những người con Phật tưởng nhớ lại ngày Đức Phật ra đời. Không chỉ thế, tắm Phật còn có ý nghĩa xóa bỏ những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ, hướng đến một đời sống an lạc.
Nghi thức tắm Phật được tiến hành bằng cách tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Đây là nghi thức được phổ biến ở nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau, đã xuất hiện từ lâu ở các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam… và được xem là một trong những nghi thức cao đẹp nhất để nói lên lòng tôn kính của những người con nhà Phật đối với đấng Giác Ngộ đã cứu vớt chúng sinh.
Trong ngày này, các Phật tử không sát sinh, nhiều người còn thực hiện phóng sinh nhằm tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài.
Bên cạnh đó, Phật tử thường đến chùa gần nơi mình sinh sống để làm việc thiện giúp nhà chùa vào ngày này, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để tâm hồn được thanh tịnh.
Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày Đại lễ.
Có thể thấy rõ hơn ý nghĩa ấy về Hoa đăng trong Phật giáo. Một trong những danh hiệu của đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là, hào quang của Ngài chiếu khắp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ. Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối.
Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa còn tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với đạo pháp hoặc những gia đình Phật tử có thành tích trong xây dựng Phật pháp, xây dựng địa phương… thực hiện ghi công, tri ân và báo ân theo tinh thần Phật giáo và tổ chức thuyết Pháp cho các Phật tử.

 Theo Tuyết Mai/hanoitv.vn

Tin nổi bật