Ngoài hạ tầng, Việt Nam cần chuẩn bị gì thêm cho 5G?
Với định hướng 5G là động lực chính để phát triển nền kinh tế số và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam trong thời gian tới. Vậy, Việt Nam cần chuẩn bị gì để hiện thực được tầm nhìn 5G.
9 công nghệ nổi bật năm 2018
Bằng cách phân tích chuyển động (bản tin trên báo mạng và bài đăng trên mạng xã hội) theo các từ khóa như 5G, blockchain (chuỗi khối)… của hơn 500 tổ chức lớn toàn cầu ngành Công nghệ và tài chính năm 2018, chúng ta nhận thấy 5G là công nghệ mới nóng nhất hiện nay với tổng cộng 3.805 các bài viết được đăng tải, nóng hơn cả công nghệ chuỗi khối mã hóa blockchain với 2.153 bài viết.
Số liệu phần nào củng cố vững hơn cho tầm nhìn 5G, Việt Nam muốn có lợi thế về kinh tế số thì phải có lợi thế về hạ tầng số, nghĩa là phải mạnh về hạ tầng mạng lưới số.
Tổng hợp chuyển động công nghệ nổi bật 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Bên cạnh công nghệ 5G, chúng ta thấy các công nghệ khác cũng được quan tâm trong năm 2018 như công nghệ chuỗi khối mã hóa Blockchain giúp tăng an toàn và hiệu quả giao dịch số, công nghệ tí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) giúp tối ưu hóa khả năng xử lý và phân tích dữ liệu lớn, công nghệ tự động hóa Autonomous giúp tối ưu sức lao động.
Quan sát người dẫn đầu 5G
Cách làm cơ bản để trở thành một trong những quốc gia chủ động với mạng 5G là, quan sát phân tích sâu các thị trường và tổ chức dẫn đầu về 5G trên thế giới, học hỏi ứng dụng cái hay phù hợp bản địa và tránh các sai lầm họ đã mắc phải. Với cách tiếp cận này, Việt Nam cần tìm cách thúc đẩy phát triển một cách cơ bản hoạt động tự nghiên cứu cũng như làm chủ các công nghệ mới cốt lõi cho hạ tầng số.
Có thể xem Trung Quốc là ví dụ điển hình cho văn hóa nghiên cứu và làm chủ công nghệ mới khá thành công trên thế giới: với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile đã tự phát kiến mạng 3G, 4G và 5G theo chuẩn riêng cho thị trường nội địa trong nước. Tại Việt Nam, nhà mạng Viettel định hướng làm chủ công nghệ ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, và hiệu quả đến nay cũng rất khả quan. Tuy nhiên, Việt nam cũng cần xác định công nghệ mũi nhọn liên quan 5G để nghiên cứu làm chủ hoặc tích hợp thành tựu từ các đối tác toàn cầu, tránh làm những cái không cần thiết và vượt ngoài khả năng.
15 tổ chức có nhiều chuyển động về 5G năm 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Hình minh họa cho thấy hiện có 6 nhà cung cấp công nghệ liên quan 5G nổi bật trong năm 2018, đó là Ericsson của Thụy điển, Nokia của Phần Lan, Qualcomm và Intel tại Mỹ, Huawei Trung Quốc và Samsung tại Hàn Quốc.
Trong đó, Ericsson có nhiều chuyển động nhất về 5G trong năm 2018. Bên cạnh các tổ chức công nghệ, các nhà mạng tại Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang rất tích cực tham gia vào 5G. Bằng việc nghiên cứu và theo dõi chuyển động liên tục của các tổ chức này, cũng là bước đi đầu tiên cần thiết để giúp các nhà mạng Việt Nam thu hẹp khoảng cách công nghệ.
Hệ sinh thái và công nghệ mềm bổ trợ 5G
Theo lộ trình, dự kiến năm 2020 chúng ta sẽ thương mại hóa 5G; tối thiểu tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, và để hiệu quả thương mại từ mạng 5G cao thì Việt Nam nên xem xét có lộ trình thúc đẩy phát triển các công nghệ mềm bổ sung sức mạnh và tăng hiệu quả thương mại cho mạng 5G sớm. Vì mạng 5G chỉ có hiệu quả thương mại cao nếu có hệ sinh thái và công nghệ mềm bổ trợ phù hợp với 5G, ngược lại mạng 4G đã đủ đáp ứng các nhu cầu hiện tại và cho tương lai ngắn hạn. Ví dụ lượng dữ liệu lớn sinh ra từ mạng lưới cảm biến phủ khắp thành phố thông minh hoặc từ hệ thống giao thông tự hành từ mạng 5G cần được phân tích xử lý tự động, tức thì và chuẩn xác với công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học, thiếu hay yếu năng lực này sẽ không thể khai thác tốt nguồn dữ liệu sinh ra từ mạng 5G.
Hoạt động nghiên cứu 5G của Ericsson năm 2018, Nguồn: litbi 4.1 |
Điểm qua một số hoạt động nghiên cứu nổi bật về 5G năm 2018, chúng ta thấy có ít hoạt động nghiên cứu lớp mạng lưới 5G, mà phần lớn tập trung nghiên cứu cách thức ứng dụng và khai thác mạng 5G, ví dụ như sự cộng tác nghiên cứu cách khai thác dữ liệu lớn sinh ra từ 5G giữa nhà cung cấp dịch vụ số lớn nhất Trung Quốc Tencent và Nokia, về ứng dụng AI vào 5G giữa nhà mạng lớn nhất Trung Quốc China Mobile và Nokia, cũng như nghiên cứu ứng dụng 5G vào ngành năng lượng giữa nhà mạng Đức Telekom và Ericsson… phần nào là chỉ dấu cho thấy các tổ chức lớn đã làm chủ cơ bản công nghệ lớp mạng 5G và đang ưu tiên chuyển sang nghiên cứu lớp công nghệ mềm bổ trợ 5G.
Khác với công nghệ cứng, chỉ cần có ngân sách đầu tư là chúng ta có thể trang bị mạng lưới 5G phủ sóng vào năm 2020 với sự hỗ trợ của các đối tác công nghệ lớn. Tuy nhiên, với công nghệ mềm 5G như công nghệ AI hoặc máy tự hành thì việc chuyển giao sẽ khó khăn hơn và cần sự chuẩn bị căn cơ hơn.
Ví dụ với công nghệ AI thì một yếu tố rất quan trọng là khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tuy nhiên, hiện mạng ngôn ngữ tiếng Việt vẫn chưa có dấu hiệu được đầu tư chuẩn hóa và xử lý cơ bản, dù ở cấp độ nào. Cách đây vài năm, tập đoàn FPT có phát kiến biểu tượng Robot nói tiếng Việt, có khả năng trả lời một số câu hỏi tiếng Việt đơn giản, nhưng gần đây chưa thấy có thêm dấu hiệu tiến triển rõ hơn nào về chủ đế này, ngoài giới thiệu một số sản phẩm tích hợp giọng nói Việt ở mức độ cơ bản.
Kịch bản thương mại 5G
Ngoài khía cạnh hạ tầng mạng và hệ sinh thái công nghệ mềm 5G, Việt Nam cũng cần nghiên cứu lựa trọn các kịch bản thương mại khả thi khi tiến lên 5G, vì chi phí đầu tư hạ tầng 5G lớn, chỉ chú trọng phát triển băng rộng di động sẽ khó bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Kịch bản ứng dụng 5G, Nguồn: ITU - litbi |
Mô hình dịch vụ ứng dụng 5G được chia thành 3 nhóm chính: nhóm ứng dụng phù hợp với băng rộng di động tăng cường (Enhanced mobile broadband), nhóm truyền thông kết nối đa thiết bị rộng lớn (Massive machine-type communications) và nhóm truyền thông kết nối có độ trễ mạng thấp và ổn định siêu cao (Ultra-reliable, low-latency communications).
Mỗi nhóm ứng dụng có các đặc điểm sử dụng mạng lưới khác nhau, trong đó nhóm Băng rộng di động tăng cường phù hợp cho giai đoạn tiền phát triển 5G, hướng đến các nhóm dịch vụ ứng dụng cần băng thông tốc độ cao, nhưng chưa cần độ trễ thấp hoặc chưa cần kết nối rộng khắp, điển hình như các ứng dụng về giải trí và dịch vụ tòa nhà thông minh.
Hai nhóm ứng dụng còn lại cần các đặc điểm mạng với độ trễ thấp và kết nối rộng khắp thì mới có cơ sở thương mại hóa, và để đạt được cấp độ này thì có thể sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn.
Các tổ chức quan tâm hơn về diễn biến mạng 5G toàn cầu trong năm 2018, có thể xem thêm báo cáo chi tiết tại đây: bản chiếu ppt và pdf.
Phạm Việt