Truyện đồ họa: Thể nghiệm mới của nhà văn, họa sĩ Việt Nam
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt độc giả bộ ba tác phẩm thuộc thể loại “truyện đồ họa”. Đây có thể coi là một thể nghiệm mới của nhà văn họa sĩ Việt Nam.
Ba tác phẩm gồm: “Cô bé ganh tị” (Nguyên Hương - Phương Thảo), “Phía sau cánh cửa” (Ngọc Linh – Phạm Ngọc Tân), “Hạ về trên đồi cỏ lau hồng” (Vương Thùy Linh - Hoàng Phương Thúy).
Truyện đồ họa (Graphic Novel) là một thể loại mới lạ tại Việt Nam, được các nhà văn họa sĩ tham gia Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch phối hợp sáng tác sau nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
Nếu như ở các truyện có minh họa truyền thống, họa sĩ vẽ minh họa từ truyện đã có nội dung hoàn chỉnh, thì ở thể loại mới này, nhà văn và họa sĩ phải làm việc với nhau ngay từ khâu ý tưởng.
Phần tranh và phần lời hòa quyện với nhau. Tranh minh họa đa dạng về cách thể hiện: ngoài các minh họa nhân vật, bối cảnh thông thường, họa sĩ có thể vẽ những khung tranh lớn thay thế hoàn toàn cho lời, những typography làm tăng hiệu ứng thị giác hay đôi lúc là những minh họa dạng tranh truyện hiện đại thay cho việc diễn giải lời thoại theo cách thông thường…
Cô bé ganh tị
“Cô bé ganh tị” là tác phẩm của nhà văn Nguyên Hương và họa sĩ Phương Thảo, gồm 2 truyện “Cô bé ganh tị” và “Chuyện bốn mùa”.
“Cô bé ganh tị” là câu chuyện về Bích – một cô bé có mẹ làm đầu bếp, và Thúy – có mẹ là ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Làm con của một đầu bếp và con của một siêu sao điện ảnh, ai sướng hơn ai? Những ganh tị, hiểu lầm, những chăm chút, yêu thương và xúc cảm vỡ òa… được nhà văn Nguyên Hương khéo léo xây dựng trong một câu chuyện ngắn, dồn nén về dung lượng.
“Chuyện bốn mùa” là câu chuyện giả tưởng về nhóm bạn ở trường tiểu học Bốn Mùa. Nơi đây, ngoài các lớp học văn hóa, còn có bốn lớp năng khiếu: Mùa Xuân, Mùa Hạ, Mùa Thu và Mùa Đông và một lớp Không Mùa.
Những học trò của lớp Không Mùa là con của các phù thủy, đã lười học còn hay phá phách. Một ngày nọ, trường Bốn Mùa đón một học sinh mới tên là Tóc Tiên – một cô bé đã chuyển trường nhiều lần, từng “làm sập hàng rào chỉ vì bác bảo vệ không chịu mở cổng ra cho đứa đi học trễ là nó”. Liệu ở ngôi trường mới, Tóc Tiên sẽ tác oai tác quái ra sao? Liệu cô nàng có giữ mãi tính ương bướng, quậy phá của mình? Cuối tác phẩm, nhà văn Nguyên Hương đã khéo léo để kết thúc mở để độc giả tự viết tiếp câu chuyện của riêng mình.
“Chuyện bốn mùa” là câu chuyện thú vị về tình bạn, về tính cá nhân và tinh thần tập thể, về lòng bao dung, sự vị tha.
Phía sau cánh cửa
Tác phẩm khai thác nỗi sợ trong tâm trí mỗi người. Bởi ai cũng từng có ít nhất một nỗi sợ. Ông lão trong khu vườn xanh tươi sợ cô đơn. Nhóc Xíu hậu đậu không chỉ sợ mèo, mà còn sợ bảng cửu chương không thuộc. Riêng Răng Thỏ lại có một nỗi ám ảnh về con búp bê từ thời thơ ấu.
“Phía sau cánh cửa” bật mí những câu chuyện bí mật và cách để vượt qua nỗi sợ của ba người bạn tình cờ mà gặp, qua chuyến phiêu lưu thần tốc của hai chị em Xíu và Răng Thỏ trong căn nhà lạ lùng giữa phố.
Tác giả Ngọc Linh chia sẻ, đây là lần đầu tiên cô viết dựa trên câu chuyện có thật từ tuổi thơ của hai anh em họa sĩ và đây cũng là lần đầu tiên cô viết lời dựa trên ý tưởng ban đầu hoàn toàn của người khác, chú trọng khắc họa tâm lý nhân vật. Nhà văn Ngọc Linh cũng nhấn mạnh, chỉ 64 trang in màu, nhưng là một kỳ công của làm việc nhóm giữa người viết và người vẽ, cùng đội ngũ biên tập nhà xuất bản.
Hạ về trên đồi cỏ lau hồng
“Hạ về trên đồi cỏ lau hồng” là câu chuyện lãng mạn về tình bạn giữa Hạ An – một cô gái đam mê vẽ và cậu bạn Jude đa tài. Họ tình cờ gặp nhau trên đồi cỏ lau hồng bát ngát.
Từ đây, hai người bạn bắt đầu những kỉ niệm đẹp bên nhau.
Jude thấu hiểu từng suy nghĩ, mong muốn của Hạ An. Nhưng cậu không thể hiểu được, Hạ An không bao giờ vẽ con người trong tranh dù cô vẽ phong cảnh rất đẹp “mặt đất và bầu trời cứ bừng sáng trên tranh của cô ấy”.
Câu hỏi này cứ ám ảnh trong tâm trí Jude, cho đến một ngày, Hạ An thổ lộ điều cô hằng giữ kín bấy lâu, trước khi hai người mãi mãi rời xa nhau.
Câu chuyện buồn đẹp đẽ được tô điểm bằng những khung hình tuyệt mĩ để lại dư vị sâu lắng trong lòng độc giả.
Họa sĩ Vương Thùy Linh bày tỏ, đây là lần đầu tiên cô tham gia vẽ minh họa cho một tác phẩm thuộc thể loại truyện đồ họa. Trong quá trình thực hiện, họa sĩ và nhà văn phải thường xuyên trao đổi kĩ càng, và cần có sự đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc.
Cái khó của họa sĩ là minh họa các khung tranh trong phần đối thoại, làm sao để thể hiện được tốt nhất cảm xúc của nhân vật. Những câu văn mượt mà, đầy chất thơ đã truyền cảm hứng cho cô rất nhiều. Mỗi lần ngắm nhìn lại những cánh đồng cỏ lau, những bông hoa màu hồng trong gió… trong tác phẩm vẫn khiến cô bồi hồi.
Chị Hường Lý, biên tập viên sách văn học Nhà xuất bản Kim Đồng, người đã theo đuổi đề tài này trong một thời gian dài cho biết: “Với cách thể hiện mới này, lúc đầu nhóm làm việc có một chút bối rối. Chẳng hạn, làm sao nhà văn có thể sáng tác câu chuyện kết hợp từ các nhân vật và ý tưởng của những người khác, hay làm sao để họa sĩ có thể không chỉ đơn thuần là vẽ minh họa mà còn phát triển câu chuyện bằng hình ảnh…
Nhưng sau những bỡ ngỡ là sự ngỡ ngàng. Bởi sự kết hợp tư duy trí tuệ của hai người đã tạo ra một thành quả có tính sáng tạo theo cấp số nhân. Vì thế các nhà văn và họa sĩ đã làm việc với sự đam mê hào hứng cao độ.”
Với việc xuất bản bộ truyện đồ họa này, Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn, bộ sách sẽ mang đến sự hứng thú cho độc giả, không chỉ các bạn đọc nhỏ tuổi mà cả các bạn đọc trẻ khi thưởng thức các tác phẩm văn chương. Hy vọng, đây sẽ là một làn gió mới cho thể loại truyện nhiều minh họa.
Bảo Ngọc