Chuyện dọc đường
Việt Nam giành Huy chương vàng ảnh quốc tế tại Ấn Độ
Submitted by nlphuong on Sat, 20/02/2021 - 09:51Tác giả Vũ Mạnh Cường của Việt Nam với tác phẩm "Vân núi 5" đã được trao Huy chương vàng FIP chủ đề "Du lịch" trong Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow lần thứ tư năm 2021 do Worlds of Shadow tổ chức.
Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow lần thứ tư năm 2021 do Worlds of Shadow tổ chức và được sự bảo trợ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ (FIP) và Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP).
Cuộc thi gồm bốn chủ đề: "Tự do màu", "Tự do đơn sắc", "Thiên nhiên", "Du lịch" đã thu hút đông đảo các nghệ sĩ nhiếp ảnh khắp thế giới như Anh, Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Trung Quốc,... và nước chủ nhà Ấn Độ gửi tác phẩm dự thi. Mỗi nội dung Ban tổ chức sẽ trao giải vàng của FIAP và FIP và nhiều giải thưởng khác.
Tác giả Vũ Mạnh Cường của Việt Nam với tác phẩm "Vân núi 5" đã được trao Huy chương vàng FIP chủ đề "Du lịch".
Cùng ở chủ đề Du lịch, Giải thưởng lớn nhất (FIAP gold) thuộc về tác phẩm: Mưa ở Venice của tác giả người Anh Siviter Peter.
Tác giả Nguyễn Hữu Dũng với tác phẩm "Bến đò mùa Covid" cũng nhận Bằng danh dự ở chủ đề "Du lịch".
Ngoài ra, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh của Việt Nam như Đỗ Hiếu Liêm, Đỗ Trọng Hoài Ân, Nguyễn Hữu Dũng, Tô Hoàng Vũ, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Xuân Tuyến, Phí Thị Thu Hà, Nguyễn Trang Kim Cương, Nguyễn Phục Anh… có tác phẩm được chọn tham gia triển lãm vào ngày 24 và 25-4 tới.
Nguồn: Minh Giang/nhandan.vn
Nhiếp ảnh gia Việt Nam đạt giải vàng cuộc thi ảnh quốc tế TIFA
Submitted by nlphuong on Thu, 18/02/2021 - 22:06Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam vừa vinh dự giành hai giải cao, trong đó có một giải vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) năm 2020.
Bức ảnh "The Childrens Dancing With Gong" của Khánh Phan. Ảnh: www.tokyofotoawards.jp |
Ban Tổ chức TIFA 2020 cho biết nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã đoạt giải vàng ở nội dung Con người/Văn hóa với tác phẩm “The Childrens Dancing With Gong” (Những đứa trẻ nhảy múa với cồng chiêng), và giải bạc ở nội dung Quảng cáo/Lữ hành/Du lịch với tác phẩm “Drying Fish” (Phơi cá). Tác phẩm “The Childrens Dancing With Gong” được chụp ngày 2/12/2018 tại một lễ hội của người dân tộc thiểu số Jrai ở tỉnh Gia Lai, trong khi tác phẩm “Drying Fish” được chụp ngày 26/7/2020 ở chợ cá Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
TIFA là một cuộc thi ảnh quốc tế khá uy tín. TIFA 2020 gồm 9 hạng mục là quảng cáo, kiến trúc, sách, xã luận, sự kiện, nghệ thuật, thiên nhiên, con người và khoa học. Mỗi hạng mục lại được chia nhỏ thành nhiều nội dung khác nhau, chẳng hạn hạng mục “con người” có 7 nội dung gồm trẻ em, văn hóa, gia đình, phong cách sống, chân dung, chân dung bản thân, đám cưới.
Trước đó, hồi năm ngoái, Bùi Huy Trang, một nhiếp ảnh gia khác của Việt Nam cũng đã đoạt giải vàng TIFA ở nội dung Sách/Tư liệu.
Khởi nghiệp: Chàng trai " tuổi Sửu" đưa sản phẩm làng nghề Đại Bái vươn xa
Submitted by nlphuong on Tue, 16/02/2021 - 22:10Khi nói về làng nghề Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh, không mấy ai xa lạ với những sản phẩm đúc đồng nổi tiếng có từ gần 1.000 năm qua. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng nghề truyền thống mai một, nhưng với sự sáng tạo cùng với đôi bàn tay lão luyện của các nghệ nhân, sản phẩm đồng đúc Đại Bái một lần nữa cất cánh vươn xa.
Nghệ nhân chỉ dạy bí quyết trạm trổ sản phẩm đúc đồng |
Sinh ra trên mảnh đất Đại Bái trong một gia đình có 3 đời làm nghề đúc đồng, Đinh Lâm Tới, chàng trai tuổi Sửu (1985) mang trong người dòng máu đam mê sản phẩm của mảnh đất quê hương.
"Sản phẩm của làng nghề khi đó cũng không phong phú. Các gia đình ở đây chủ yếu đúc mâm, nồi đồng và cao hơn là tượng đồng", anh Đinh Lâm Tới chia sẻ.
"Tuy sản phẩm ít nhưng các công đoạn đúc rất công phu, tỉ mỉ. Có lẽ cái tiếng của đồng đúc Đại Bái cũng có được từ chính sự tỉ mỉ và công phu đó", anh Tới cho biết thêm.
Chính niềm đam mê vẻ đẹp của sản phẩm đã thôi thúc chàng trai tuổi Sửu dấn thân vào con đường kinh doanh sản phẩm đúc đồng Đại Bái và thương hiệu KingGold Art ra đời trong niềm đam mê này.
Vạn sự khởi đầu nan, những vấp ngã đầu tiên trên con đường khởi nghiệp đã khiến doanh nhân trẻ Đinh Lâm Tới nhận ra rằng, để thành công, đam mê sản phẩm là chưa đủ.
Tầm sư học đạo
"Đi một dặm học một sàng khôn", tham gia khóa học Eagle Camp của nhà đào tạo Phạm Thành Long, chàng trai Đinh Lâm Tới đi tìm lời giải cho doanh nghiệp của mình qua những chương trình về chiến lược kinh doanh, Maketting sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cho tới đóng gói bao bì.... Vấn đề dần được gỡ rối.
"Tự tin quá vào sản phẩm của mình. Coi sản phẩm của mình là nhất mà không hề quan tâm tới việc khách hàng đang cần gì, là bước đi sai lầm lớn nhất của cá nhân tôi", anh Đinh Lâm Tới nói.
Anh Đinh Lâm Tới (phía trong) đang giới thiệu sản phẩm quà tặng cao cấp với khách hàng |
ới triết lý "Bán cho khách hàng cái họ cần, chứ đừng bán cái mình có cho khách hàng", KingGold Art đã thay đổi chiến lược kinh doanh. Với sự hiểu biết về nghề đúc đồng, nghiên cứu về nhu cầu thị trường quà tặng và những cuộc trao đổi về mẫu mã với những nghệ nhân Đại Bái, đã giúp Đinh Lâm Tới tìm ra hướng đi riêng biệt.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống vốn có, hàng loạt những sản phẩm đồng đúc cao cấp được mạ vàng 24 k và trạm trổ tinh xảo ra đời.
Làng nghề đúc đồng Đại Bái giờ đây không chỉ còn là nơi sản xuất tượng đồng hay mâm đồng, nồi đồng, mà còn được biết tới là nơi cho ra thị trường những món đồ quà tặng từ trung bình tới cao cấp với đủ mức giá cả khác nhau.
Sản phẩm quà tặng cao cấp phong phú về chủng loại với các mức giá cả phù hợp với thị trường |
"Đa dạng hóa sản phẩm là yếu tố quan trọng thay đổi cách kinh doanh của KingGold Art chúng tôi. Không còn phải mang mẫu đi chào hàng như trước kia, qua Internet, chúng tôi đã được các khách hàng biết tới nhiều hơn và các đơn đặt hàng ngày càng nhiều với đa chủng loại mẫu mã", anh Đinh Lâm Tới phấn khởi chia sẻ.
"Chỉ riêng tết Tân Sửu này, hàng trăm tượng "Trâu Vàng phú quý" đã được trao tới tay khách hàng, như là một món quà đặc biệt cho những người thân yêu của họ", Đinh Lâm Tới nói.
Sản phẩm đồng đúc "Trâu Vàng phú quý" của KingGold Art sản xuất tại làng nghề nổi tiếng Đại Bái |
Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc các doanh nghiệp tìm hướng đi riêng rất quan trọng. Không chỉ là đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ là Maketting, mà bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cần phải luôn biết lắng nghe thị trường, khách hàng để nắm bắt nhu cầu. KingGold Art cùng nhiều thương hiệu khác đã và đang làm được điều đó khi sản phẩm của làng nghề truyền thống Đại Bái không chỉ ngày càng đa dạng, phong phú, mà còn được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết tới./.
Tản mạn những cung đường Morocco
Submitted by nlphuong on Sat, 13/02/2021 - 22:37Sahara, cái tên nghe thôi đã gợi lên ý vị về sự kì vĩ và biến hóa của một trong những hoang mạc khắc nghiệt và rộng lớn nhất thế giới. Fez – một trong những thành phố đầu tiên của Morocco - cổ kính, sầm uất, nức tiếng bởi những tấm thảm, da thuộc, đồ đồng, gạch gốm, gợi tới không khí tấp nập buôn bán, ngựa xe, và những huyền thoại. Hành trình từ Sahara tới Fez đã thôi thúc tôi đi dọc từ mam tới bắc xứ sở nghìn lẻ một đêm – đất nước Bắc Phi Morocco huyền bí.
Trên đường vào sa mạc Sahara từ miền nam Morocco |
Thiên nhiên Marocco đẹp và đa dạng. Miền nam Morocco hùng vĩ với núi đá hồng tía dựng đứng, cát đỏ và những cung đường ngoạn mục, ngoặt tay lái chỉ thấy trời xanh thăm thẳm để nhận ra mình đang ở mép vực sâu trên những cung đường lắm khúc quanh đột ngột. Cảm giác mạo hiểm và cảnh tượng ngộp thở như trong phim hành động. Đường vào sa mạc với cát mịn tỏa ra hai bên. Đợi khi hoàng hôn, trong nắng gắt chiều tàn, Sahara kiêu hãnh hiện ra với những dải tím hồng phủ trên những cồn vàng vòng cung cao như những con sóng bạc đầu, đẹp kì vĩ. Thỉnh thoảng dọc những cung đường miền nam Morocco, đột ngột một màu xanh nhiệt đới cao vút dựng đứng hai bên đường, trong nắng vàng rót mật, trải ra tít tắp. Ấy là màu xanh của những hàng cọ vươn cao, đẹp đẽ, xòe tán tàu lược to rộng. Và sau những hàng cọ ấy, thấp thoáng những ngôi nhà hiện ra, những ngôi nhà hồng phấn hòa vào sắc núi.
Cảnh sắc miền nam Morocco |
Miền bắc Marocco lại là khung cảnh nên thơ với thung lũng xanh, thỉnh thoảng suối chảy dưới chân những ngọn núi, làn nước trong vắt nhìn rõ từng viên sỏi nhỏ, trơn nhẵn. Qua những hàng cây mảnh dẻ rủ hai bên đường, bỗng thảng thốt khi thấy lấm chấm hoa vàng nở trên vùng cỏ xanh non. Hoa lau, hoa dại ngập lối đi, bầy cừu trắng tràn từ đồi xuống gặm cỏ, bác chăn cừu lững thững bước theo sau. Sắc trời, non nước, cỏ cây hài hòa, đẹp tươi mà chẳng cần bàn tay con người tỉa tót. Trên nền xanh non của núi đồi và thảo nguyên thì nảy những chấm vàng của hoa mùa xuân. Trên nền đất nâu ngập nắng vàng chanh thì nảy cây bụi ghi sáng.
Đến Morocco, tôi có cơ hội được đặt chân tới Sahara. Chờ đợi rất lâu sau khi qua bao núi và cát đỏ để vui sướng tột cùng khi thấy Sahara hồng rực dưới nắng hoàng hôn dần hiện ra từ cửa kính ô tô. Thấy biết ơn cậu bé Maroc đã bắt mình cởi giầy, bỏ tất để giẫm chân trần trên cát, để biết cát Sahara lạnh như đồng và mịn như tơ, để cát sà vào từng kẽ chân và lún sâu trong cát. Leo lên những cồn cao của sa mạc không dễ dàng. Mỗi bước đi chịu một lực cản vô cùng từ biển cát mênh mông. Cát mịn lấp đầy chân và hơi thở thêm gấp gáp. Vậy mà những câu bé Maroc đi thoăn thoắt, chỉ nhón ngón chân như lướt trên biển cát mịn màng.
Dãy Atlas vắt chênh chếch theo dáng hình Morocco như một chiếc xương sống, mà cũng như đôi vai rắn rỏi, vững chắc nâng bổng trời xanh. Cung đường từ rìa phía Tây Sahara tới Fez cạnh bên dãy núi chính Atlas, đỉnh trắng tuyết phủ và bàng bạc mây mờ. Trước khi tới dãy núi chính này, có những đoạn Atlas xanh lất phất màu cây bụi, liên tiếp những đường cung nối nhau, cao thấp đan xen và dưới chân núi những mảng xanh, nâu cắt xẻ tầng lớp dần hiện ra.
Từ người Berber tới người Moor
Morocco là vùng đất của người Berber và người Moor. Văn hóa của người Berber gắn với những bộ lạc và những chuyến di cư trên lưng lạc đà. Người ta không cần biết tên của những thành viên trong bộ lạc và họ cũng không có tên. Danh tính của một người được xác định từ những hình săm trên gương mặt – kí hiệu bộ lạc mà họ thuộc về. Nhìn vào nét vẽ ấy, những bộ lạc Berber khác nhau nhận ra nơi chốn, sắc tộc của nhau. Với người phụ nữ Berber, các nét vẽ trên gương mặt còn tiết lộ nhiều hơn những thông tin ghi trên một tấm thẻ căn cước công dân. Từ những nét vẽ, những chấm trên gương mặt đó, ta có thể biết được người phụ nữ ấy có gia đình chưa, góa bụa hay đã li hôn, có bao nhiêu con trai, con gái, có hạnh phúc không hay đang chật vật trong cuộc hôn nhân của mình.
Một người phụ nữ Berber ở miền nam Morocco |
Một số bộ lạc Berber ở Morocco cư trú trong các hang; một số khác ở sâu trong sa mạc. Họ không đến trường, không có thẻ căn cước. Đời sống diễn ra với những trao đổi hàng hóa đơn giản. Trong những túp lều, đàn bà nấu tagine, couscous, chăm lo gia đình, đàn ông lãnh trách nhiệm đưa cả bộ tộc trên lưng lạc đà đi khai hoang những vùng đất mới. Một trong những nhóm người làm chủ sa mạc Sahara là người ‘Blue men’. Đây là những chiến binh dạn dày, được coi là những người du mục vĩ đại của sa mạc. Sở dĩ gọi là người ‘blue men’ bởi họ bôi một lớp bột màu xanh để làm mát da dưới nắng Sahara rát bỏng. Nhờ cuộc sống du mục, nay đây mai đó và sự giao lưu giữa các bộ lạc mà mỗi gia đình có những tấm thảm khác nhau. Những tấm thảm ra đời trên gió cát, khi người phụ nữ thảnh thơi, không bực dọc chồng con. Khi tranh cãi với chồng, thỉnh thoảng họ cắt chính những tấm thảm mà mình đã dệt. Sau những cãi vã, chính tay họ lại nối lại những đoạn thảm đã đứt, nhưng dấu vết của những khúc mắc, cãi cọ vẫn hằn lên tấm thảm. Màu của thảm được lấy từ những sắc màu tự nhiên, màu vàng từ hoa nghệ tây, hoa mimosa; màu xanh lá cây được lấy từ cỏ linh lăng (cây alfalfa), từ lá bạc hà; màu xanh lam từ hoa oải hương (lavender); màu đỏ từ cây lá móng (henna) và hoa anh túc (hoa poppy). Thảm thường được dệt từ lông cừu, và đặc biệt có những loại thảm được dệt từ xương rồng. Trên thảm, người phụ nữ thêu những hình đôi mắt (để che chở bảo vệ khỏi quỷ dữ), hình tam giác nối nhau biểu tượng cho cuộc sống hằng ngày có thăng có trầm, hay hình chữ thập biểu tượng cho những người đi sa mạc.
Thảm treo trong căn nhà một người Morocco |
Mấy ngày rong ruổi qua bao cung đường, những núi đá dựng đứng, cây bụi xù xì, đất đỏ và mênh mang sa mạc. Đêm dưới ánh trăng, ngắm sao trời, đốt lửa hồng, nghe người Berber hát, đệm trống, tôi cảm nhận phần nào cuộc sống du mục tự do, bốn bể là nhà, trà ấm, bánh mì và tagine nóng hổi thành anh em. Đêm nay sẽ có đại tiệc ở Sahara. Tôi mới chỉ dừng chân ở bìa Sahara, cảm nhận cát lạnh như đồng, cát vàng như nghệ chảy dưới chân, nào đã được vào sâu trong sa mạc như người 'Blue men' - những chiến binh kì vĩ chinh chiến khắp Sahara, làm chủ biển cát hùng vĩ mà biến hóa. Nằm trong lều, nghe trống đập rộn ràng, cố giữ ấm dưới những lớp chăn lông và mường tượng về đại tiệc thực sự của những bộ lạc Berber trên khắp Bắc Phi, bên ánh lửa hồng, giữa mênh mông gió cát mà cảm giác như đang sống cùng lịch sử ở một không gian khác. Không gian của rất nhiều năm cũ đã qua, từ buổi ban sơ khởi thủy của loài người. Không có đêm tiệc Sahara nhưng có đêm “lược sử thời gian” ở trong mình.
Người Moor chính là cuộc hợp hôn lớn giữa người Berber và người A Rập. Vào thời hoàng kim của mình, người A Rập mang theo niềm tin vào Allah, với tôn giáo Islam (người tuân lệnh) tràn ra khắp Bắc Phi, không loại trừ Morocco. Chính nhờ cuộc hợp hôn lớn này, những thành phố của Morocco mang đậm màu sắc Hồi giáo. Tôi vẫn nhớ đều đặn năm lần trong ngày, tiếng loa gọi mọi người đi cầu nguyện. Mỗi khi chiều xuống ngắm hoàng hôn và nghe tiếng loa gọi cầu kinh ở thành Fez là cảm giác không thể quên sau khi tới Marocco. Tên mỗi con phố ở Fez đều được viết bằng tiếng Berber bên cạnh tiếng A Rập như để nhắc nhở về nguồn cội đầu tiên.
Cổng thành Fez với màu xanh lam biểu tượng của thành phố |
Người Moor đã từng tới Andalucía (miền nam Tây Ban Nha) và góp phần thành lập nên vùng đất này sau những bước chân đầu tiên của người La Mã. Sau khi người Cơ Đốc chiếm lại Andalucía, những người Moor ở lại đây hợp hôn với người Cơ Đốc. Họ sinh sôi trên lãnh thổ Tây Ban Nha, làm người Tây Ban Nha. Những người về Morocco, họ là người Marocco. Dễ hiểu vì sao các cậu bé, cô bé Morocco mũi nhỏ, mắt sâu, gương mặt xinh xắn, nom chẳng khác mấy người Tây Ban Nha vậy. Họ cũng chia sẻ phần nào cội nguồn và văn hóa.
Thành Fez
Fez (còn được viết là Fes) là thành phố lớn thứ hai của Morocco, sau Casablanca. Đây là hồn cốt Morocco. Thành Fez được xây dựng từ thế kỉ 8 – 9 sau công nguyên. Người có công lập nên thành Fez chính là hậu duệ của Fatima và Ali (con gái và con rể của Mohammad, vị thiên sứ cuối cùng mà Thượng đế gửi tới loài người, để truyền những lời dạy của Người). Fez có nghĩa là cái rìu. Đây là một trong những thành phố được xây dựng đầu tiên vì hội tụ những phẩm chất tự nhiên không phải nơi đâu cũng có được. Ba phẩm chất đó lần lượt là nước, gỗ và đá. Nếu nhìn trên bản đồ, Fez là thung lũng nằm giữa hai dãy núi (dãy Trung Atlas và dãy Rif). Vượt qua dãy Rif ở phía Bắc sẽ tới Chefchouen (thành phố màu xanh của Maroc). Gỗ và đá là nguyên liệu tạo ra những màu sắc đẹp tươi của gốm.
Một góc Medina của thành Fez |
Gốm của thành Fez là một sự kì công. Đây là loại gốm mosaic được tạo nên từ đất sét màu ghi xám, mà những hình dáng, hoa văn được tạo thành bằng việc ghép lại các mảnh gốm nhỏ. Những viên gạch vuông màu xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen được tạo ra với kích thước 10cm2, sau đó được đẽo thành các chi tiết khác nhau (tùy theo kiểu dáng, đường nét của một bức tranh). Tiếp đến, các chi tiết được ghép lại, gắn kết vào nhau nhờ một loại keo đặc biệt, và tới khi lật ngược lên, bức tranh gốm hiện ra, nổi từng đường vân, sắc màu rõ nét. Màu sắc của gốm là cả một kĩ nghệ. Thay vì được lấy từ cỏ cây, hoa lá, gỗ trong rừng như màu sắc của vải, màu của gốm được tạo nên từ đá như hổ phách, copal. Nhờ việc tạo ra các màu sắc từ đá, màu của gốm lâu phai và có thể kéo dài hàng trăm năm. Gốm ở đây được nung bằng những mẩu gỗ của cây ô liu, loài cây đặc trưng của Địa Trung Hải ngập nắng tươi vàng, khô khốc và cát sỏi.
Đồ gốm ở thành Fez |
Đứng từ điểm quan sát cả thành phố, những nóc nhà màu xanh lục (màu của Hồi giáo) chính là nóc nhà thờ. Màu xanh lam là màu của thành Fez. Tôi băn khoăn tìm các ‘ryad’ (những ngồi nhà vườn) giữa medina mênh mông, chằng chịt như mê cung, tìm cổng chợ màu xanh lam, chỗ làm đồ da, dệt vải, chỗ làm đồ đồng.
Trong tiếng Arab, “medina” có nghĩa là “thành phố ánh sáng” (thực chất là một đô thị cổ trong lòng thành phố Fez). Medina của thành Fez giống như một tổ mối lớn, chằng chịt các khoang, với màu vàng cát nhạt. Vào thì rất khó tìm lối ra. Tôi đã từng vào medina và lạc lối, càng đi càng lạc. Tất cả các sạp vải, sạp thảm, đồ ăn, trang sức, mĩ kí dày đặc hai bên đường, khiến người ta hoa mắt. Những nụ cười chào khách, những lời mời hòa trong vô vàn âm thanh của cuộc sống đời thường (tiếng xoong nồi va nhau, tiếng trẻ con nói chuyện trên đường về nhà khi tan học,...). Lối đi lại trong medina là những con đường ngoằn nghoèo, đôi khi bé tẹo chỉ đủ một người lách, khi lên khi xuống.
Một cửa hàng bán đồ đồng thủ công ở thành Fez |
Thỉnh thoảng có chú ngựa đi, phải rất từ từ để không bị trượt chân vì lắm khi nhà nào đó dội nước khiến đường trơn trượt, ánh sáng chỉ đủ rọi những khe hẹp. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày diễn ra trên các ngách nối các ngách (mà cũng là các phố nối các phố), trẻ con đi học, các mẹ, các bà, các ông bán hàng. Phụ nữ quấn khăn và giấu cơ thể mình trong những bộ áo choàng rộng. Người mua đồ ăn, người ăn, người nấu. Tất cả gợi nhắc cho tôi những thước phim về Trung Đông, và mường tượng về cuộc sống của medina những buổi đầu ban sơ hay những ngày hoàng kim rực rỡ. Một kinh thành rộng lớn, giao thương sầm uất cùng niềm tin vào tôn giáo mà với một kẻ ngoại đạo như tôi luôn là thế giới bí ẩn với những câu chuyện mang không khí “Nghìn lẻ một đêm”.
Đêm đầu tiên gặp Fez, sau những ngày ở sa mạc và vùng quê, cảm giác đã mắt và choáng ngợp bởi ánh đèn lấp lánh trên những dãy nhà trắng khi xe ô tô đang leo dốc cao để nhìn xuống thành phố lung linh. Vẻ ngoài giàu sang và sầm uất là những cảm nhận đầu tiên khi tới đây. Gió mát lộng thổi qua cửa kính ô tô. Không khí núi đồi, đèn vàng hòa với dãy nhà trắng phía dưới, và ngay chỗ tôi đứng là bức tường thành khu người Do Thái ở ngày xưa, tất cả làm mình háo hức. Nhìn xuống cả thành phố được dát vàng trong ánh đèn và hỏi bạn lái xe “Thành phố nào bạn thích nhất ở Morocco?’ Bạn trả lời ngay ‘Fez’. Tất cả như vừa khẳng định, vừa kích thích sự tò mò về nơi đây.
Một góc nhuộm vải ở medina, thành Fez |
Thành Fez được phân làm ba khu: medina, khu người Do Thái từng ở ngày trước và khu đô thị mới. Nếu như medina chằng chịt như một mê cung, khu đô thị mới giàu có với những tòa nhà trắng ngay ngắn, thoáng đãng, lấp lánh ánh đèn về đêm, là nơi ở của người Do Thái hiện nay; thì khu người Do Thái ở trước kia có phần chật chội với những tấm thảm treo dọc các bờ tường. Thảm đã sờn và màu đã bạc, không phải sắc màu của những tấm thảm đắt tiền trong khu buôn bán sầm uất ở medina. Khu vực người Do Thái trước kia nay là nơi cư ngụ của những người dân lao động Morocco tới từ các tỉnh thành khác.
Ở Fez tôi đã gặp một nhà thông thái. Câu chuyện gặp nhà thông thái này bắt đầu từ việc đi lòng vòng trong medina tìm một người dẫn tour miễn phí. Cuối cùng không gặp được người dẫn tour mà lại lạc vào một ryad phong lưu với mùi thơm của hoa, chữ thập dẫn nước, đèn thắp lung linh cùng những người làm trong bộ taqiyah trắng. Chính tại ryad này, tôi đã gặp bác thông thái và những câu chuyện tôn giáo, lịch sử được kể lại trong một ngày ở thành Fez như thế. Như một già làng, bác đi đâu cũng thấy người quen, nhiều khi mình tự hỏi liệu bác có quen cả thành Fez không? Thỉnh thoảng lại thấy bác đỗ lại chào và hỏi han người bên đường, lúc thì người bán bánh, khi thì lính gác cung điện. Bác bảo nếu không chào, họ sẽ tức giận với bác. Và thế là đi đâu bác cũng nói ‘salaam alaikum’, rồi mọi người sẽ cười đáp lại ‘alaikum salaam’.
Lần đầu tiên gặp bác, khi đó dịch Covid mới bắt đầu tới châu Âu và còn chưa sang châu Phi. Tôi hỏi bác: “Bác thấy cháu là người châu Á, có sợ không?”. Bác chớp mắt, đang định nói nhưng lại thôi, để chờ thêm chút, rồi dẫn tôi ra khỏi ryad, tới chỗ có ánh sáng mặt trời, già chỉ lên bầu trời xanh rồi ôn tồn đáp: “Ta tin vào Thượng Đế. Nếu Ngài bảo ta đi, ta sẽ lên đường’. Mọi việc ở đời đều có sự sắp đặt sẵn hay mọi việc đều có nhân duyên. Bác dẫn mình tới nhà thờ Hồi giáo và trường đại học đầu tiên ở Fez. Ở nhà thờ, bác chỉ cho mình những viên đá nhỏ dưới chân các cột, những viên đá để chà lên những vết nhơ, để khiến cho bản thân trở nên sạch sẽ trước khi cầu nguyện (đặc biệt với những người bị ốm, cơ thể kiêng nước).
Bác cũng kể rằng khi ở sa mạc, không có nước để tắm rửa, cát sẽ làm sạch con người. Vì vậy, người Hồi giáo còn dùng cát để thanh tẩy cơ thể. Bác giải thích về màu sắc mái ngói xanh lục (màu của đạo Hồi), về việc nhà thờ làm từ gỗ (nguyên liệu quý giá của Fez) và về lá cờ của Morocco. Cờ Marocco có nền đỏ tượng trưng cho máu đổ xuống trong các cuộc khởi nghĩa, ngôi sao viền xanh lục tượng trưng cho năm điều răn của đạo Hồi và màu sắc của Hồi giáo – tôn giáo của Morocco. Bác thông thạo từng ngóc ngách của medina, những quán ăn địa phương ngon nhất, nơi dệt vài và thuộc da, chỗ làm đồ đồng thủ công với từng đường nét trạm khắc tinh sảo.
Tạm biệt Marocco
Điểm cuối hành trình, tôi rời Fez tới Rabat để bắt chuyến bay về Andalucía, Tây Ban Nha, nơi tôi học tập. Mang theo tấm thảm người Berber dệt ở sa mạc, gốm Morocco và kí ức về trà ấm, tagine nóng hổi, cát lạnh và đỉnh Atlas phủ trắng tuyết bạc giữa trời Bắc Phi xanh thẳm nắng vàng. Kỉ niệm về lần đầu thong dong trên lưng lạc đà và ngửa mặt ngắm trời cao mỗi lúc một xanh sẫm trước khi tối hẳn, cảm nhận làn gió mát giữa mênh mông cát bụi. Tôi cũng như một hạt cát nhỏ bé và tự do chu du giữa bốn bể bạt ngàn. Mỗi hành trình đã qua, gió đều thổi bay, không chút dấu vết, tất cả chỉ thấy biển cát mênh mông.
https://nhandan.com.vn/hanh-trinh-kham-pha/tan-man-nhung-cung-duong-morocco-635330/
Văn hóa đầu năm " Mua muối" cầu may của người Việt
Submitted by nlphuong on Fri, 12/02/2021 - 15:18Người Việt lâu nay có tục lệ mua muối vào những ngày đầu năm, đặc biệt đêm giao thừa hoặc ngay ngày mồng một tết, muối được bán tại nhiều điểm du lịch để phục du khách đi lễ cầu tài, cầu lộc đầu năm.
Ông cha ta có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", mua muối vào ngày đầu năm là tập tục từ xa xưa của người Việt nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết về ý nghĩa của nó.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no.
Vì thế, sáng mùng 1 Tết hay ngay sau giao thừa, tại một số vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều người đi bán muối dạo quanh khắp cách đường làng, ngõ xóm. Tại đền, chùa, muối được bày bán kèm với hoa quả, hương đăng, vàng mã...
Trong đời sống thường nhật, muối giữ vị trí quan trọng, chỉ đứng sau gạo. Theo quan điểm phong thủy, muối mặn có tác dụng chống xú uế, xua đuổi tà khí, ma quỷ và mang lại nhiều may mắn trong mỗi gia đình.
Vị mặn mà của muối như tình cảm thắm thiết, mặn nồng, mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng, sự hòa thuận vợ chồng, con cái, sự thuận lợi trong các quan hệ làm ăn.
Người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, cũng có nơi mua muối ngay sau khi giao thừa kết thúc. Mỗi túi muối nhỏ được bán với giá 10.000 đồng.
Người xưa khi bán muối họ sẽ đong một bát đầy, có ngọn chứ không đong vơi hay gạt ngang miệng. Bởi mọi người quan niệm rằng, bát muối có ngọn mới mang lại sự trọn vẹn, giúp cả năm may mắn, no đủ.
Sau khi mang muối về nhà, người ta có thể chia ra thành từng nhóm nhỏ, cho vào túi nilon hay túi vải, phong bao lì xì... vừa cho đẹp mắt mà lại tiện cất giữ. Người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc, đi du lịch xa cũng đặt túi muối trong vali để lộ trình được bình an.
Theo quan niệm của người xưa truyền lại, ngày mùng 1 Tết tuyệt đối không quét nhà. Nếu quét nhà trong ngày này đồng nghĩa với việc quét hết tài lộc, may mắn ra ngoài. Không cho vay mượn tiền bạc, bởi sự vay mượn báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến. Bên cạnh đó, mọi người tránh nhắc nợ nhau vào ngày đầu xuân năm mới.
Đầu năm mới nhiều người còn kiêng cho nước, lửa, bởi đây là những thứ tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa, cả năm sẽ không giữ được may mắn, tài lộc. Tương tự nếu cho nước sẽ mất lộc, mất tiền tài. Không làm đổ, vỡ đồ đạc, kỵ đánh thức người khác sáng mùng 1, vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống suốt năm.
Nguồn: hanoitv.vn
http://hanoitv.vn/van-hoa-dau-nam--mua-muoi-cua-nguoi-viet-d159905.html
Truyền thông Anh dự báo ngành du lịch Việt Nam bùng nổ hậu COVID-19
Submitted by nlphuong on Wed, 10/02/2021 - 20:38Trang yourlocalguardian.co.uk của Anh mới đây đăng tải bài viết nêu ra 4 lý do khiến Việt Nam sẽ trở thành điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất sau đại dịch.
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. (Nguồn: TTXVN) |
Trang yourlocalguardian.co.uk của Anh mới đây đăng tải bài viết cho rằng Việt Nam có thể trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhờ chiến lược ứng phó với dịch bệnh một cách chuyên nghiệp.
Theo báo trên, có 4 lý do khiến Việt Nam sẽ trở thành điểm du lịch được lựa chọn nhiều nhất sau đại dịch.
Thứ nhất, đó là Việt Nam đã hành động nhanh chóng và dứt khoát trong ứng phó với dịch COVID-19.
[Trong năm 2021, nội địa vẫn là hướng đi chủ đạo của du lịch Việt]
Ngay khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang điều tra về sự xuất hiện của loại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp quyết đoán để bảo vệ người dân như đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, nhà hàng và quán bar. Người dân được yêu cầu chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Với những biện pháp trên, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất. Do đó, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn so với các nước khác.
Tiếp đến, Việt Nam hiện vẫn đóng cửa biên giới với khách du lịch nước ngoài. Đây là điều khá đặc biệt vì các điểm du lịch nổi tiếng như Ai Cập vẫn chào đón khách du lịch dù tình hình dịch nghiêm trọng hơn nhiều.
Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa trở lại đón du khách nhằm thúc đẩy đáng kể nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: sức khỏe người dân là trên hết.
Lý do thứ ba là thành tích phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi của quốc tế và Việt Nam trở thành điểm đến nổi tiếng về sự an toàn và đáng tin cậy về sức khỏe.
Tiêu chí này, chứ không phải là các điểm thu hút khách du lịch trong nước hoặc lòng hiếu khách, sẽ là yếu tố quyết định việc thu hút du khách quốc tế khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Cuối cùng, Việt Nam có một hệ thống thị thực kỹ thuật số hiện đại, cho phép khách du lịch xin thị thực trực tuyến nhanh chóng và dễ dàng./.
Chuẩn bị tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021
Submitted by nlphuong on Mon, 08/02/2021 - 20:34Cuộc thi này nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên và nhi đồng, từ đó thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Cuộc thi còn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Theo đó, cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh phổ thông, sinh viên trên cả nước (bao gồm các trường thuộc lực lượng Công an nhân dân) và người khiếm thị. Thí sinh gửi bài dự thi chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc... Ban tổ chức khuyến khích thí sinh vẽ tranh minh họa, thực hiện quay video, sử dụng song ngữ Việt - Anh... để bài dự thi phong phú, thuyết phục, sinh động.
Các địa phương, trường học phát động cuộc thi trong tháng 2-2021, lựa chọn các bài dự thi xuất sắc gửi về Ban tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7-2021. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chấm, chọn và tổng kết, trao giải vào tháng 10-2021.
Nguồn: hanoitv.vn
http://hanoitv.vn/chuan-bi-to-chuc-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-nam-2021-d159679.html
Bộ sách mang tính bước ngoặt về lịch sử nhà nước hiện đại bán chạy nhất
Submitted by nlphuong on Fri, 05/02/2021 - 10:01Đây là bộ sách mang tính bước ngoặt bán chạy nhất về lịch sử nhà nước hiện đại nhận được nhiều lời khen.
Combo Lịch sử chính trị là bộ sách gồm 2 tập: “Nguồn gốc trật tự chính trị: Từ thời tiền sử đến Cách mạng Pháp” và “Trật tự chính trị và suy tàn chính trị: Từ cách mạng công nghiệp tới toàn cầu hóa” của tác giả Francis Fukuyama, khởi đầu từ nỗ lực viết lại và cập nhật tác phẩm kinh điển Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong các xã hội biến đổi) của Samuel P. Huntington, xuất bản lần đầu năm 1968.
Trong đó, tập một “Nguồn gốc trật tự chính trị: Từ thời tiền sử đến Cách mạng Pháp” đã được bình chọn là Cuốn sách đáng chú ý nhất năm 2011 bởi New York Times, Cuốn sách hay nhất của năm 2011 bởi Globe and Mail và Tựa sách phi hư cấu hay nhất năm 2011 bởi Kirkus Reviews
Tác giả Francis Fukuyama là nhà triết học, nhà kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và từng làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ. Fukuyama hiện là giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế và Giám đốc Chương trình Phát triển Quốc tế tại Trường Paul H. Nitze về Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao, thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, DC. Ông cũng là một trong 25 nhân vật hàng đầu của Ủy ban Thông tin và Dân chủ do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đưa ra.
Những hiểu biết mới mẻ về nguồn gốc của các xã hội dân chủ
Trong Tập 1 của bộ sách Lịch sử chính trị - Nguồn gốc trật tự chính trị: Từ thời tiền sử đến Cách mạng Pháp, Fukuyama sẽ đưa ra những giải thích sâu rộng về cách các thể chế chính trị cơ bản ngày nay phát triển. Dựa trên một khối kiến thức lớn về lịch sử, sinh học tiến hóa, khảo cổ học và kinh tế, tác giả đã cung cấp những hiểu biết mới mẻ về nguồn gốc của các xã hội dân chủ và đặt ra những câu hỏi thiết yếu về bản chất cũng như những bất mãn của chính trị.
Cuốn sách bắt đầu bằng câu chuyện về thể chế chính trị giữa các tổ tiên linh trưởng của chúng ta, tiếp nối theo đó là sự xuất hiện của các xã hội bộ lạc, sự lớn mạnh của nhà nước hiện đại đầu tiên ở Trung Quốc, sự khởi đầu của pháp quyền ở Ấn Độ cũng như Trung Đông, và sự phát triển của trách nhiệm giải trình chính trị ở châu Âu cho đến trước thời kỳ Cách mạng Pháp.
Theo Fukuyama, một nhà nước ổn định cần mang tính hiện đại và mạnh mẽ, cần tuân thủ pháp luật áp dụng hiện hành và có trách nhiệm giải trình. Cuốn sách nhằm mục đích lý giải tại sao việc xây dựng nhà nước hiện đại và xây dựng các thiết chế ở những quốc gia như Afghanistan, Iraq, Somalia, Haiti, Timor-Leste, Sierra Leone và Liberia lại không được như kỳ vọng.
Một nội dung lớn khác mà Fukuyama muốn tập trung làm rõ là “trở thành Đan Mạch”, nghĩa là, tạo ra những xã hội ổn định, hòa bình, thịnh vượng, đầy đủ và trung thực. Ông hàm ý trật tự chính trị phải được ưu tiên hơn so với các cấu trúc xã hội nguyên thủy nếu muốn đạt được sự ổn định.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng làm sáng tỏ lý do việc định hình các quốc gia (nằm ngoài thế giới phương Tây) theo hình mẫu dân chủ kiểu phương Tây thất bại? Người đọc hãy theo chân Fukuyama tìm hiểu căn nguyên cho điều đó qua hai chặng: tìm kiếm nguồn gốc thật sự của trật tự chính trị, và lần theo lịch sử của Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu và một vài quốc gia Hồi giáo từ góc nhìn ba hợp phần.
Những câu chuyện hiện đại
Nếu Tập 1 bàn về quá khứ, thì Tập 2 Trật tự chính trị và suy tàn chính trị: Từ cách mạng công nghiệp tới toàn cầu hóa sẽ đưa câu chuyện đến thời hiện đại, đặc biệt chú ý đến tác động của các thể chế chính trị phương Tây đối với xã hội ở các nước này khi họ tìm cách hiện đại hóa. Sau đó, cuốn sách sẽ mô tả cách phát triển chính trị xảy ra trong thế giới đương đại.
Tập 2 nối gót câu chuyện dang dở của Tập 1, kể tường tận việc nhà nước, pháp luật, và dân chủ hình thành phát triển trong vòng hai thế kỷ qua ra sao; chúng tương tác với nhau và với các chiều kích phát triển kinh tế - xã hội như thế nào, và cuối cùng, chúng đã bộc lộ những dấu hiệu suy tàn tại Mỹ và các nền dân chủ phát triển khác ra sao.
Cuốn sách đặt ra câu hỏi cốt yếu về việc làm thế nào để các xã hội phát triển các thể chế chính trị mạnh mẽ, công tâm và có trách nhiệm giải trình. Đó là câu chuyện từ Cách mạng Pháp đến cái gọi là Mùa xuân Arab và những rối loạn sâu sắc của nền chính trị Mỹ đương đại.
Ông xem xét tác động của tham nhũng đối với quản trị và tại sao một số xã hội lại có thể thành công trong việc loại bỏ nó. Ông khám phá những di sản khác nhau của chủ nghĩa thực dân ở châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, đồng thời đưa ra một giải thích rõ ràng về lý do tại sao một số khu vực lại phát triển và phát triển nhanh hơn những khu vực khác. Và ông mạnh dạn tính đến tương lai của nền dân chủ khi đối mặt với tầng lớp trung lưu toàn cầu đang gia tăng và sự tê liệt về chính trị ở phương Tây.
ND
Tác phẩm đúc kết những bài học lịch sử đoạt giải Pulitzer ra mắt tại Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 02/02/2021 - 10:13“Những bài học lịch sử” (tên tiếng Anh: “The Lessons of History”) là tác phẩm được thiết kế để đi kèm bộ “Câu chuyện của nền văn minh” (The Story of Civilization) – bộ sách 10 tập được giới phê bình đánh giá cao của cặp vợ chồng tác giả từng đoạt giải Pulitzer – Will & Ariel Durant.
Tác giả cuốn sách là Will Durant (1885–1981) là tác giả tiêu biểu đấu tranh cho các vấn đề nhân quyền. Ông được trao giải Pulitzer vào năm 1968 và Huân chương Tự do của Tổng thống vào năm 1977. Cùng với vợ của mình là Ariel Durant, ông đã dành hơn 20 năm để viết bộ truyện 11 tập được giới phê bình đánh giá cao – “Câu chuyện về nền văn minh”.
Trong tác phẩm - Những bài học lịch sử, vợ chồng Durant đã thành công trong việc chắt lọc kho kiến thức và kinh nghiệm tích lũy suốt 4 thập kỷ làm việc của họ từ mười tập đồ sộ của "Câu chuyện về nền văn minh" và mang đến một cuộc khảo sát về lịch sử loài người với đầy những hiểu biết sâu sắc về sự tiến hóa của nền văn minh, văn hóa và bản chất của các trải nghiệm nhân loại.
Cuốn sách vốn được viết ra như một phần vĩ thanh, ghi nhận những đúc kết của chính các tác giả trong quá trình đọc rà để tái bản bộ sách “The Story of Civilization” (Câu chuyện văn minh). Hai tác giả đã tổng kết những sự kiện và lời bình có thể giúp mọi người tỏ tường các vấn đề hiện tại, các viễn cảnh khả dĩ trong tương lai, bản chất con người và cách vận hành của các quốc gia.
Các tài liệu tham khảo xuyên suốt cuốn sách này được trích từ bộ sách “Câu chuyện về văn minh” để làm sáng tỏ và đưa ra các ví dụ minh họa.
Sách gồm 13 tiểu luận được chia theo các chủ đề như “Do dự” (những thử thách nào mà bất cứ sử gia nào cũng phải trải qua), “Sinh học và lịch sử”, “Lịch sử và chiến tranh”, “Lịch sử và tôn giáo”…
Với tập tiểu luận này, các tác giả từng đoạt giải Pulitzer sẽ đưa chúng ta vào hành trình xuyên suốt lịch sử, khám phá những khả năng và hạn chế của loài người theo thời gian, giúp độc giả dễ dàng đi vào nội hàm triết học của các chu kỳ tiến bộ-suy tàn của xã hội loài người. Và thông qua những cuộc đời, ý tưởng và thành tựu vĩ đại xen kẽ với các chu kỳ chiến tranh và chinh phục từng xảy ra trong quá khứ, Will & Ariel Durant vén màn hé lộ cho chúng ta hiểu được ý nghĩa bối cảnh lịch sử ở chính thời đại của mình.
Tạp chí Library Journal đánh giá: “Ấn bản mở rộng này được đề xuất cho những độc giả quan tâm nghiêm túc đến lịch sử và triết học. Nó đặc biệt có giá trị nhờ sự kết hợp của các bài bình luận từ các tác giả.”
Trong khi đó, tờ Kirkus Reviews cho hay: “Tác phẩm của Durant, bất chấp những ý kiến trái chiều của một số nhà sử học, là sự tổng hợp lịch sử xuất sắc cho những người không chuyên.”
Các tác phẩm tiêu biểu của tác giả còn có The Story of Philosophy (Câu chuyện triết học, năm 1926 – Will Durant viết riêng), Bộ sách The Story of Civilization (Câu chuyện văn minh, năm 1935-1975, 11 tập, Will & Ariel viết chung ở năm tập cuối), The Lessons of History (Những bài học lịch sử, năm 1968 – viết chung) và The Greatest Minds and Ideas of All Times (Những tư tưởng và lý tưởng vĩ đại nhất mọi thời đại, Will Durant viết riêng).
ND
AEON Hải Phòng trang bị trạm sạc nhanh, trải nghiệm mới cho người dùng
Submitted by nlphuong on Mon, 25/01/2021 - 11:40Ngoài trải nghiệm mua sắm thú vị có một không hai dành cho khách hàng của mình tại trung tâm thương mại mới nhất tọa lạc tại thành phố Hải Phòng, AEON MALL Hải Phòng Lê Chân còn mang tới trải nghiệm dịch vụ sạc xe ô tô điện nhanh và hiệu quả do ABB cung cấp.
AEON MALL Hải Phòng Lê Chân là trung tâm thương mại thứ 6 trong hệ thống AEON MALL Việt Nam. Với mức đầu tư hàng triệu USD, AEON MALL Hải Phòng Lê Chân sẽ mang tới trải nghiệm dịch vụ toàn diện và độc đáo bao gồm mua sắm - ẩm thực - giải trí trong không gian thiết kế mang tính đương đại.
Bên cạnh đó, nơi đây cũng được trang bị đầy đủ các tiện ích thông minh và hiện đại bậc nhất, góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy giao thông bền vững trong khu vực.
Trong thập kỷ tới, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh và mạnh được dự báo sẽ làm thay đổi lối sống và đẩy mạnh xu hướng tiêu dùng tại những khu vực thành thị và các thành phố lớn của Việt Nam và tại Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam nói riêng.
Với vị trí chiến lược là thương cảng lớn nhất của miền Bắc và lợi thế cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ để thay đổi diện mạo của thành phố công nghiệp, Hải Phòng đặt mục tiêu sẽ trở thành cửa ngõ giao thương chính và là trung tâm kinh tế của khu vực miền Bắc. Vì vậy, đã có các sáng kiến nhằm cải thiện hệ thống giao thông hiện nay cũng như tìm kiếm giải pháp giao thông mới như xe điện song song với việc sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, và các nguồn năng lượng có phát thải khí nhà kính thấp.
Trung tâm mua sắm mới được xây dựng nhằm hỗ sự phát triển của thành phố thông qua không gian xanh, sạch và tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa cùng với thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản. AEON Mall Hải Phòng Lê Chân sẽ mang đến cho khách hàng những tiện ích hiện đại bậc nhất như bãi đỗ xe với sức chứa lên đến 1.700 ô tô, dịch vụ sạc nhanh miễn phí dành cho ô tô điện với trạm sạc Terra 54 CJG và trạm sạc treo trường Terra DC của ABB.
Terra 54 CJG, trạm sạc được bán nhiều nhất của ABB ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ, là giải pháp sạc xe điện toàn diện. Trạm sạc xoay chiều DC 50 kW sẽ phục vụ toàn bộ các nhu cầu sạc nhanh và có thể nạp điện nhanh chóng, giúp phương tiện đi thêm quang đường 100 km nữa chỉ trong vòng 25 phút sạc tại nơi đỗ xe trong khi khách hàng vào tham quan mua sắm tại trung tâm.
Với chuẩn chân sạc CCS, CHAdeMO và AC, Terra 54 CJG cho phép sạc liên tục tới 50 kW ở công suất 150-500 V. Với khả năng sạc một chiều, sạc xoay chiều hoặc cả hai loại cùng lúc, Terra 54 CJG giúp giảm chi phí đầu tư thiết bị cho nhà đầu tư. Bộ sạc đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn quốc tế liên quan và đảm bảo hoạt động an toàn tại các khu dân cư, văn phòng, cửa hàng bán lẻ và trạm xăng dầu.
Trạm sạc treo tường Terra DC của ABB cung cấp khả năng sạc nhanh đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Terra DC đã được chứng minh trong các thử nghiệm chứng nhận độc lập trên toàn thế giới và là giải pháp sạc an toàn và tin cậy phục vụ mục đích sử dụng dân dụng và thương mại.
Trạm sạc treo tường Terra DC có giao diện trực quan với màn hình cảm ứng 7 inch thân thiện với người dùng và có bộ dây cáp dễ dàng sử dụng, thuận tiện cho khách hàng khi đỗ xe và cắm sạc. Hộp treo tường DC 24kW có thiết kế nhỏ gọn mang tới sự linh hoạt khi lắp đặt tại nhiều địa điểm khác nhau.
Theo Deloitte, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba về số lượng người tiêu dùng và lớn thứ năm về tổng mức chi tiêu ở Đông Nam Á vào năm 2030. Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất quán nhờ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Với thu nhập khả dụng ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số và mức sống ngày càng cao, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, Việt Nam cần có những giải pháp mới để các thành phố phát triển bền vững. Việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ phương tiện xe điện ở những nơi công cộng như trung tâm mua sắm sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc cải thiện môi trường đô thị.
Ông Noel Hupont, Tổng Giám đốc, Giám đốc Ban Công nghệ Điện của ABB Việt Nam cho biết: "Chúng tôi vui mừng được hợp tác với AEON MALL Việt Nam để mang tới trải nghiệm mới hoàn toàn cho khách hàng thông qua cơ sở hạ tầng thông minh cũng như thúc đẩy phong cách sống mới thân thiện với môi trường tại thành phố Hải Phòng".
ABB gia nhập thị trường sạc xe điện vào năm 2010 và cho đến nay đã bán được hơn 17.000 trạm sạc nhanh DC tại hơn 80 quốc gia. Với quan hệ đối tác với Giải đua Vô địch Xe điện Thế giới (ABB FIA Formula E World Championship), là giải đấu sắp bước vào mùa giải thứ tư, ABB thể hiện rất rõ ràng cam kết của công ty đối với công cuộc thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực phát triển xe điện.
ND