IC3 - Chứng chỉ tin học khẳng định cá nhân thời công nghệ số

(ICTPress) - Ngày 23/5/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với mục tiêu có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận (đến năm 2020).

Đề án quy định rõ 6 tiêu chí để một trường nghề được công nhận là trường nghề chất lượng cao, trong đó IC3 được coi là chuẩn tin học đầu ra bắt buộc của 100% sinh viên tốt nghiệp và toàn bộ giáo viên giảng viên. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của chứng chỉ IC3 đối với nguồn nhân lực ngày nay.

Là một trong nhiều sản phẩm của Certiport (Hoa Kỳ) và được thực hiện trên 25 ngôn ngữ khác nhau, IC3 không phải là chứng chỉ tin học dành cho nhân sự chuyên về công nghệ thông tin, mà được sử dụng phổ biến cho đông đảo đối tượng có nhu cầu tiếp xúc và sử dụng máy tính cũng như internet. Đó có thể là học sinh phổ thông hay sinh viên đại học, giáo viên hay kế toán văn phòng, công chức thuộc các cơ quan chính phủ hay nhân viên công ty tư nhân, người đang đi làm hay đang trong hành trình tìm việc… 

IC3, hay còn gọi là chương trình chứng nhận kỹ năng sử dụng máy tính cốt lõi và Internet (Internet and Computing Core Certification program), là chương trình đào tạo và chứng nhận có giá trị toàn cầu để chứng minh rằng người sở hữu nó được trang bị những kỹ năng máy tính vượt trội trong thế giới số, có khả năng sử dụng một loạt công nghệ máy tính - từ phần cứng đến phần mềm, hệ điều hành, các ứng dụng và Internet, đồng thời tạo tiền đề cho người đó tiến xa hơn trong sự nghiệp bằng cách thi các bài thi chứng chỉ về công nghệ máy tính như CompTIA’s A+ và các bài thi ứng dụng căn bản khác.

Những kiến thức và kỹ năng được IC3 đảm bảo đã giúp cho chứng chỉ này trở thành chứng chỉ tin học cơ bản hàng đầu thế giới, được ưa thích sử dụng bởi các chính phủ, tổ chức... Trong khu vực châu Á, các nước ASEAN đã áp dụng chuẩn IC3 gồm có Brunei, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Tại Việt Nam, IC3 đang dần trở thành xu hướng rõ nét khi ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng IC3 làm tiêu chuẩn để tuyển dụng nhân viên và xem xét đề bạt. Với các nhà tuyển dụng, IC3 hiện là bài thi tin học phổ biến thứ nhì chỉ sau bài thi MOS (Microsoft Office Specialist - một sản phẩm khác của Certiport).

Tính ưu việt và cần thiết của chứng chỉ IC3 còn thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở đào tạo. Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã công nhận áp dụng bài thi IC3 làm tiêu chuẩn đánh giá trình độ tin học cho học sinh sinh viên THCS, hệ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, đồng thời triển khai chuẩn hóa trình độ tin học cho toàn bộ giáo viên trên địa bàn theo tiêu chuẩn IC3. Sở GD&ĐT Vĩnh Long và Đồng Nai cũng bước đầu triển khai sử dụng IC3 nhằm nâng cao trình độ tin học cho giáo viên và học sinh trong tỉnh. Hàng loạt trường đại học, cao đẳng và trường nghề chú trọng trang bị cho sinh viên chứng chỉ này như một công cụ để khẳng định khả năng cá nhân trên ngưỡng cửa của thị trường lao động như Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Cao đẳng Nghề TP.HCM, Cao đẳng Nghề Ispace, Đại học CNTT và Truyền thông Thái Nguyên…

Bài thi IC3 thường xuyên được cập nhật phù hợp với các thay đổi liên tục trong các phần cứng, phần mềm, kết nối mạng và internet. Phiên bản IC3 mới nhất - GS4 - dự kiến sẽ chính thức được triển khai trên toàn Việt Nam từ tháng 9/2014. Phiên bản GS3 đang được sử dụng rộng rãi vẫn tiếp tục được khai thác song song với GS4 nhưng không muộn hơn thời điểm cuối tháng 11/2014.

IIG Việt Nam - đại diện quốc gia của Certiport tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là đơn vị duy nhất tại Việt Nam và khu vực được Certiport ủy quyền tổ chức thi và cấp chứng chỉ IC3. Để biết thêm thông tin liên quan đến bài thi và chứng chỉ IC3, truy cập website www.mos.edu.vn hoặc liên hệ với các văn phòng IIG Việt Nam trên toàn quốc.

QA

Tin nổi bật