Nhà báo không thể đứng ngoài mạng xã hội

(ICTPress) - Mạng xã hội lên một thực tế nhà báo không thể không tham gia, không thể đứng ngoài. 

Trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được triển khai thực hiện từ 1/1/2017 cùng với việc thực hiện Luật Báo chí 2016, có Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam đã chia sẻ quy định này là quy định mới, chưa có trong các quy định đạo đức trước đây của Người làm báo Việt Nam. Điều này theo sát sự phát triển CNTT-TT, mạng xã hội tại buổi tọa đàm “Làm báo trong môi trường cạnh tranh với mạng xã hội” với các hội viên nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT ngày 29/3/2017.

Đông đảo các hội viên nhà báo TT&TT tham gia buổi Tọa đàm

"Mạng xã hội là một hiện thực rất vui và đau đầu đối với mỗi nhà báo, liên quan đến cả chuyên môn và đạo đức của người làm báo", ông nhấn mạnh.

Mạng xã hội lên một thực tế nhà báo không thể không tham gia mạng xã hội, không thể đứng ngoài. Theo đó, nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm, phải tự biết cương vị để hướng dẫn dư luận xã hội. Quan điểm, hình ảnh, phát ngôn của nhà báo trong bài viết, và trên mạng xã hội phải thống nhất, TS Dung cho hay.

Theo ông, mạng mạng xã hội vừa là đối tác vừa là đối thủ.

Đối tác ở chỗ mạng xã hội là nguồn tin phong phú, đầu tiên, đa chiều cho các nhà báo, là nơi chia sẻ tin tức phong phú nhất; Là kênh thông tin rộng rãi nhất, nắm bắt người dân, công chúng thích cái gì, giúp nhà báo nắm bắt nhu cầu công chúng biết gì, thích gì, chiều hướng dư luận để có thể hình dung mình có thể làm gì; Là một kênh phát hiện ra sai sót của báo chí rất nhiều. Nhiều người, trong đó có chuyên môn sâu tham gia mạng xã hội giúp phát hiện lỗi cho nhà báo mà không phải diễn đàn nào cũng nêu được; Là kênh góp ý kiến, phản biện các chủ trương, chính sách với nhiều ý kiến phản biện sắc sảo, hay. Bỏ qua mạng xã hội cũng là bỏ qua một nguồn trí tuệ, một kênh giúp nhà báo thêm sự tỉnh táo, sâu sắc; Giúp nhà báo tìm hiểu, ghi nhận thông tin sinh động cho bài báo, bởi những người tham gia mạng xã hội thường có một góc nhìn, một hình ảnh sinh động hơn, mà nhà báo có thể chắt lọc; Giúp nhà báo nâng cao khả năng, kỹ năng của nhà báo, về tương tác với đồng nghiệp. Mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá nội dung, phát triển thương hiệu cho tòa báo. Nhiều bài đưa lên mạng đã được lan tỏa.

Mạng xã hội là đối thủ vì tăng áp lực cho nhà báo trong khả năng phát hiện, tìm kiếm thông tin. Chậm chân một chút là nhà báo mất điểm, thành thừa; Tốc độ lan truyền của mạng xã hội nhanh hơn báo chí rất nhiều; Khả năng kiểm định thông tin và xử lý khủng hoảng truyền thông.

Vậy nhà báo phải ứng xử thế nào với mạng xã hội với tràn ngập thông tin, TS. Dung khẳng định nhà báo chuyên nghiệp không bao giờ hết việc, cơ quan báo chí vẫn cần thiết bởi có những cái mạng xã hội không bao giờ đảm đương được. Mạng xã hội không bao giờ đi giải thích đường lối chính sách, việc tuyên truyền bao giờ cũng cần cơ quan báo chí. Các nước cũng thế, do đó nhà báo cần chuyên nghiệp

Người dùng mạng xã hội đưa tin tự phát, nhà báo đưa tin trách nhiệm, ông nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ với các nhà báo Liên chi hội, nhất là những người làm báo điện tử hãy chú ý nhiều tính đa phương tiện. Nếu không làm được, thì tác phẩm mất tính hiệu quả. Theo đó, có 11 nội dung về tính đa phương tiện dành cho báo điện tử cần quan tâm: Văn bản (text), Hình ảnh tĩnh, hình ảnh động (slideshow), đồ họa (infographic); âm thanh (âm thanh); Video (clip); Tương tác (Interactive), Timeline, Map, Live, Links.

Nhân dịp này, Liên chi hội nhà báo TT&TT đã trao thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam 2017 - 2021 cho các hội viên của Chi hội nhà báo Báo điện tử VNMedia, Tạp chí Xã hội thông tin.

TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam và Chủ tịch LCH nhà báo TT&TT trao thẻ hội viên nhà báo cho các hội viên hai chi hội Báo điện tử VNMedia và Tạp chí XHTT

----------

10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam 

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. 

Lan Phương

Tin nổi bật