Tin tức ICTPress
Bộ Tư lệnh Hải quân và LCH nhà báo TT&TT trao đổi công tác tuyên truyền biển đảo
Submitted by nlphuong on Tue, 03/07/2012 - 18:39(ICTPress) - “Các nhà báo Thông tin và Truyền thông đã tuyên truyền tích cực và hiệu quả về biển đảo, Trường Sa” là đánh giá của Đại tá Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân tại buổi làm việc với Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hải Phòng hôm nay 3/7.
(ICTPress) - “Các nhà báo Thông tin Truyền thông đã tuyên truyền tích cực và hiệu quả về biển đảo, Trường Sa” là đánh giá của Đại tá Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân tại buổi làm việc với Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hải Phòng hôm nay 3/7.
Làm việc với Liên chi hội nhà báo TT&TT còn có các đồng chí đại diện của Phòng Tuyên huấn, Phòng Dân vận, Phòng Tài chính, Báo Hải Quân của Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tương cũng cho biết được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác tuyên truyền biển đảo thời gian qua thực sự hiệu quả, tích cực, các cấp, nhân dân đã hiểu rõ về biển đảo, có hoạt động thiết thực để nâng cao khả năng quản lý bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội biển đảo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV khóa X.
Năm nay, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với các ban ngành tổ chức 18 đoàn đi thăm Trường Sa. Điều đọng lại theo Bộ Tư lệnh Hải quân là hiệu quả của các đoàn đi thăm Trường Sa rất lớn, hiểu được sự biến đổi sâu sắc của huyện đảo Trường Sa kể từ ngày giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 đến nay.
Các cơ quan, ban ngành đều có những chương trình hành động cụ thể đối với biển, đảo để tăng cường nguồn lực cho biển đảo, đặc biệt cho Trường Sa. Đây là tín hiệu đáng mừng, động viên bộ đội Hải quân và các lực lượng hoạt động trên các tuyến đảo yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của biển đảo Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Ngọc Tương khẳng định chiến sỹ hải quân hiện nay luôn “Sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tương tặng bức ảnh Bác Hồ với Hải quân nhân dân Việt Nam cho Liên chi hội nhà báo TT&TT |
Nhà báo Trần Bình Tám tặng bức tranh tem Bác Hồ và các tác phẩm báo chí về Trường Sa cho Bộ Tư lệnh Hải quân |
Đại tá Nguyễn Ngọc Tương nhận học bổng cho học sinh Trường Sa do đại diện Báo Vietnamnet trao tặng |
Nhân dịp thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân, nhà báo Trần Bình Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế đã đại diện cho Liên chi hội nhà báo TT&TT, đoàn nhà báo Liên chi hội đi thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa từ ngày 19 - 29/4/2012 đã trao tặng 1 bộ phim phóng sự “Tháng Tư ở Trường Sa” và 20 tác phẩm báo chí mà các nhà báo của Liên chi hội đã thực hiện cho tới thời điểm hiện nay.
Tại buổi làm việc này, Báo điện tử VietNamNet cũng đã trao tặng học bổng trị giá 60.000.000 đồng cho các cháu học sinh tại quần đảo Trường Sa, được trích quỹ bạn đọc của báo. Qua nhịp cầu là Báo VietNamNet, Công ty cổ phần tích hợp công nghệ mạnh IOPT JSC cũng gửi tặng 35 bộ sách và thiết bị điện tử học tiếng Anh cho các cấp học và Trường Sa.
Minh Anh
Video: Niềm tự hào của mỗi nhà báo khi đến với Trường Sa
Submitted by nlphuong on Wed, 20/06/2012 - 17:13(ICTPress) - Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012, ICTPress xin giới thiệu một số hình ảnh “bếp núc” của đoàn nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT đi thăm Quần đảo Trường Sa tháng 4/2012.
Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió, nơi cả nước luôn gửi gắm niềm tin yêu là điểm đến của Đoàn công tác số 7 gồm các nhà báo Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông từ Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế, Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT, Báo điện tử VietnamNet, Báo Bưu điện Việt Nam, Tạp chí Công nghệ TT&TT, Tạp chí Xã hội Thông tin, Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng - Tập đoàn VNPT nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2012).
Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012, ICTPress xin giới thiệu một số hình ảnh “bếp núc” của chuyến đi ý nghĩa này của các nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá rất cao đóng góp của Liên chi hội nhà báo TT&TT
Submitted by nlphuong on Tue, 19/06/2012 - 20:32“Hội nhà báo Việt Nam trong những năm qua đánh giá rất cao những nỗ lực, những đóng góp của Liên chi hội nhà báo TT&TT đối với sự phát triển của Hội nhà báo Việt Nam".
(ICTPress) - “Hội nhà báo Việt Nam trong những năm qua đánh giá rất cao những nỗ lực, những đóng góp của Liên chi hội nhà báo TT&TT đối với sự phát triển của Hội nhà báo Việt Nam".
"Liên chi hội nhà báo TT&TT là một Liên chi hội đặc biệt, bởi không chỉ tập trung nhiều cơ quan báo chí, nhiều ấn phẩm uy tín trong cả nước, có đội ngũ hội viên nhà báo hùng hậu, 254 hội viên mà không phải Liên chi hội nhà báo nào cũng có được và mong Liên chi hội tiếp tục phát huy nghiệp vụ của mình trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái đánh giá và phát biểu tại lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2012 và trao giải thưởng báo chí TT&TT lần thứ 8 năm 2011 do Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức chiều nay 19/6/2012 tại trụ sở Bộ TT&TT, Hà Nội.
Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái cũng phấn khởi, xúc động chúc mừng sức khỏe, thành công và phát triển của các bác, các đồng nghiệp làm báo của ngành TT&TT.
Tới dự lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Hội nhà báo Việt Nam đối với sự tác nghiệp của Liên chi hội nhà báo TT&TT và cũng mong Hội nhà báo Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục ủng hộ Liên chi hội hoạt động, tác nghiệp tốt hơn nữa.
Về phía Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết “Lãnh đạo Bộ TT&TT cam kết sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để Liên chi hội, các nhà báo trong Liên chi hội hoạt động hiệu quả và tốt hơn nữa”.
Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho 10 nhà báo |
Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012, thay mặt Lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” cho 10 nhà báo thuộc Liên chi hội Nhà báo TT&TT: Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ TT&TT Chu Văn Hòa; Chuyên viên Cơ quan đại diện Bộ TT&TT tại TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Linh; Giám đốc Trung tâm Truyền hình Kỹ thuật số VTC Đỗ Thị Minh Hương; Tổng Biên tập Tạp chí Tem Việt Nam Vũ Văn Tỵ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tem Đoàn Quang Vinh; Phó Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Nguyễn Văn Bá; Trưởng Ban bạn đọc và Công tác xã hội Báo Bưu điện Phạm Thị Hương, Đạo diễn phim Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế Nguyễn Xuân Đại; Phóng viên Trung Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế Nguyễn Văn Vĩnh và Biên tập viên Tạp chí Tem Lương Huấn.
Cũng nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012, Liên chi hội đã tổ chức trao giải thưởng báo chí ngành TT&TT lần thứ 8 năm 2011. Giải thưởng được Tập đoàn VNPT tài trợ.
Sau 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 48 tác phẩm báo chí xuất sắc đã được tuyển chọn từ 7 cơ quan báo chí gồm: Trung tâm Thông tin, Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Bưu điện Việt Nam, Tạp chí Tem, Tạp chí Xã hội Thông tin, Báo điện tử VietnamNet, Báo điện tử VNMedia. Qua sơ khảo, Ban tuyển chọn giải báo chí Liên chi hội năm 2011 đã chọn được 43 tác phẩm vào vòng chung khảo và được đánh giá là những tác phẩm, phóng sự chuyên sâu, có chất lượng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT trao 2 giải A, giải cao nhất của Giải báo chí Liên chi hội nhà báo TT&TT cho 2 tác giả Trần Bình Tám và Nguyễn Kiên Trung |
Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Nguyễn Huy Luận trao các giải B |
Giám đốc Trung tâm Thông tin và QHCC, Tập đoàn VNPT Bùi Quốc Việt, đại diện nhà tài trợ Giải báo chí TT&TT trao các giải C |
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT Nguyễn Đoàn trao giải tập thể cho các chi hội nhà báo |
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT, Trưởng Ban Tuyển chọn Giải báo chí Liên chi hội nhà báo TT&TT, nhà báo Nguyễn Đoàn đánh giá cao các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo, phóng viên ngành TT&TT đã kịp thời phản ánh mọi mặt của xã hội, của Ngành trong năm qua. Các tác phẩm báo chí ngành TT&TT năm 2011 đã đạt được chất lượng cao, tham mưu giúp đất nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong mỏi của độc giả, được dư luận đánh giá cao như bộ phim “Đồng hành cùng tiến quân ca”, các loạt bài báo điện tử: “Bức tử làng cổ Hòa Mục”, “Thất thoát 42 tỷ - Cả giới điện ảnh giật mình”, “Góp ý cho đề án cải cách lương công chức”, “Băm nát dòng sông Lô”, “Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu” (Báo điện tử VietnamNet); “Cấm ô tô xe máy ở phố cổ: nên hay không nên?", “Bất cập cho vấn đề nhà ở cho người nghèo”, “Quản lý thị trường vàng…” (Báo điện tử VNMedia).
Là Liên chi hội có các cơ quan báo chuyên ngành TT&TT, các cơ quan báo trong ngành đã tổ chức những loạt bài viết, phóng sự chuyên đề mang tính thời sự, đóng góp cho sự phát triển của Ngành và có tác động xã hội như bộ phim tài liệu: “Điểm Bưu điện - Văn hóa xã - Hiện trạng và giải pháp” (Tạp chí Xã hội Thông tin), “Tin rác vẫn tung hoành do thiếu luật chặt chẽ”, “Kịch bản nào cho con nợ EVN Telecom” (Báo Bưu điện), “Thị trường di động hết nạc vạc tới ngách” (Báo điện tử VNMedia)...
Giám đốc Trung tâm TT&QHCC, Tập đoàn VNPT Bùi Quốc Việt cũng cho biết Tập đoàn VNPT đã và sẽ tiếp tục ủng hộ Liên chi hội trong các giải báo chí TT&TT các năm tiếp theo và ủng hộ các hoạt động của Liên chi hội.
Kết quả cụ thể, đã có 2 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 15 giải khuyến khích cho các tác giả có tác phẩm đạt giải. Ban tổ chức cũng trao 7 giải tập thể cho các Chi hội đã có nhiều đóng góp vào giải Báo chí Liên chi hội nhà báo TT&TT.
Tại buổi gặp mặt hôm nay, đoàn nhà báo TT&TT vừa có chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa đã báo cáo kết quả chuyến đi của đoàn bằng một phim phóng sự tài liệu xúc động về cuộc sống, hi sinh thầm lặng của quân và dân trên quần đảo Trường Sa để bảo vệ vùng biển, vùng trời của tổ quốc với nhan đề “Tháng Tư ở Trường Sa”.
Danh sách các cá nhân đạt giải báo chí TT&TT lần thứ 8 năm 2011:
Giải A:
1. Phim: “Đồng hành cùng tiến quân ca”, tác giả: Trần Bình Tám, Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Chức, Trần Bình Minh, Trung tâm Hợp tác báo chí và Truyền thông quốc tế, Bộ TT&TT
2. Loạt bài “Bức tử làng cổ Hòa Mục”, tác giả: Nguyễn Kiên Trung, Báo điện tử Vietnamnet
Giải B:
1. Loạt bài: “Đồng bằng Sông Cửu Long kêu cứu”, tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Báo điện tử VietnamNet;
2. Loạt bài: “Sống dở chết dở tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á”, tác giả: Nguyễn Huy Tuấn, Trần Thăng Long, Báo điện tử VietnamNet;
3. Loạt bài: “Quản lý thị trường vàng”, Nhóm tác giả: Khổng Thị Nhung, Lê Phan Thủy Nguyên, Trần Văn Sỹ, Báo điện tử VnMedia.
Giải C:
1. Loạt bài: “Theo dấu chân A Phủ”, tác giả Hoàng Thị Thu Hường, Báo điện tử VietnamNet
2. Tác phẩm: “Món quà tặng Bác và kiện tướng sáng kiến ngành Bưu điện”, tác giả Vũ Hoàng Huệ, Báo Bưu điện Việt Nam
3. Loạt bài: “Loạn giá xe máy”, tác giả: Chu Hữu Thọ, Báo điện tử VNMedia
4. Phim “Điểm Bưu điện Văn hóa xã - Hiện trạng và giải pháp”, Nhóm tác giả: Bùi Quốc Việt, Đặng Quốc Khánh, Lê Hiền Trung, Võ Minh Đức, Nguyễn Hùng Cường, Vũ Quang Lê Bình, Lê Trọng Hiếu, Nguyễn Kim Nghĩa, Tạp chí Xã hội Thông tin
5. Loạt bài: “Bất cập trong vấn đề nhà ở cho người nghèo”, tác giả: Phí Thanh Hường, Báo điện tử VnMedia
Giải Khuyến khích:
1. Loạt bài “Giáo sư Hoàng Tụy buồn”, tác giả Lê Thị Hạnh, Báo điện tử VietnamNet
2. Bài “Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020: Quốc gia giàu và mạnh vì biển”, tác giả: Trần Thị Huệ, Báo Bưu điện Việt Nam;
3. Bài “Nhà mạng thiệt vì khuyến mại mập mờ”, Tác giả: Vũ Thị Hải Hà, Tạp chí Xã hội Thông tin
4. Bài “Kịch bản nào cho con nợ EVN Telecom”, tác giả Thái Khang, Báo Bưu điện
5. Bài “Kinh hoàng đêm giải cứu nạn nhân vụ cháy cao ốc”, tác giả Nguyễn Văn Dũng, Báo Bưu điện
6. Phim “Internet thanh niên - Điểm sáng văn hóa cho thanh niên miền núi”, Nhóm tác giả: Nguyễn Hùng, Vũ Quang Bình, Võ Minh Đức, Mai Hữu Chính, Đặng Quốc Khánh, Tạp chí Xã hội Thông tin
7. Bài “Mua lại và sáp nhập doanh nghiệp”, tác giả Nguyễn Ngô Hồng, Chi hội Tạp chí Xã hội thông tin
8. Bài “Lên Tân Thanh gánh hàng xịn”, tác giả Phan Chí Hiếu, Tạp chí Xã hội Thông tin
9. Bài “Đằng sau những tấm biển văn hóa”, tác giả Trần Thị Thúy Hằng, Báo Bưu điện
10. Bài “Phần mềm diệt virus BKAV chiếm hơn 85% thị phần bán lẻ”, tác giả Nguyễn Thế Khiêm, Báo Bưu điện
11. Bài “Thị trường di động hết nạc vạc tới ngách”, tác giả Lê Phan Thủy Nguyên, Báo điện tử VNMedia
12. Loạt bài: “Cấm ô tô xe máy ở phố cổ: nên hay không nên?”, tác giả: Nguyễn Xuân Tùng, Báo điện tử VNMedia
13. Bài: “Bộ tem đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh”, tác giả Vũ Văn Tỵ, Tạp chí Tem
14. Bài “Tin rác vẫn tung hoành do luật thiếu chặt chẽ”, tác giả Đặng Đức Hiệp, Báo Bưu điện
15. Phim “Internet kết nối trái tim”, nhóm tác giả: Mai Hữu Chính, Thu Hoài, Đức Hiền, Minh Đức, Tạp chí Xã hội Thông tin.
Lan Phương
50 năm Tạp chí CNTT&TT ra mắt bạn đọc số đầu tiên
Submitted by nlphuong on Tue, 12/06/2012 - 16:39(ICTPress) - Là Tạp chí “thông tin - lý luận và khoa học công nghệ” chuyên ngành trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước, Tạp chí luôn hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra, thực hiện chức năng trao đổi thông tin, công bố các kết quả nghiên cứu, phổ biến kiến thức...
(ICTPress) - Sáng nay 12/6, Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức kỷ niệm 50 năm Tạp chí phát hành số đầu tiên 1962 - 2012. Đến dự có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, nguyên là Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ BCVT, Lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ: Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Tổng Biên tập Tạp chí Lê Đức Niệm, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Nguyên Tổng Biên tập GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT, Nguyên Tổng Biên tập TS. Mai Liêm Trực và cán bộ của Tạp chí qua các thời kỳ.
Tháng 6/1962, Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh (tiền thân của Tạp chí Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin) ra mắt bạn đọc số đầu tiên.
Năm 1987, sau 25 năm hoạt động liên tục với nhiều cố gắng của đội ngũ biên tập viên và cộng tác viên, Tập san được nâng cấp và đổi tên thành “Tạp chí Kỹ thuật Bưu điện truyền thanh”. Một năm sau đó, tháng 4/1998, Tạp chí tiếp tục được đổi tên thành “Tạp chí Bưu chính Viễn thông” cho phù hợp với sự phát triển về lượng và chất của Ngành thời kỳ đầu đổi mới.
Năm 2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý 5 lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí và Xuất bản. Theo đó, Tạp chí chính thức đổi tên thành Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Là Tạp chí “thông tin - lý luận và khoa học công nghệ” chuyên ngành trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước, Tạp chí luôn hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra, thực hiện chức năng trao đổi thông tin, công bố các kết quả nghiên cứu, phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình tiên tiến về thông tin - lý luận khoa học, kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước.
Tham dự Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu "Lãnh đạo Bộ TT&TT đánh giá cao những đóng góp của Ban Biên tập, Hội đồng Biên tập, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý trong Ngành, các nhà khoa học làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong các viện, trường đại học, các doanh nghiệp, bạn đọc trong nước và quốc tế suốt 50 năm qua đã nhiệt tình cống hiến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của Ngành TT&TT".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trao tặng bức trướng lưu niệm cho ông Vũ Chí Kiên, Quyền Tổng biên tập Tạp chí CNTT&TT với ý nghĩa “Truyền thống - Kết nối - Trí thức”. |
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BCVT từ 11/1985 đến 2/1990 Lê Đức Niệm xúc động nhớ lại thời kỳ đầu của Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh chỉ có 5 người với một khối lượng công việc đồ sộ và phải nói là quá sức đã “kỳ cà kỳ cục” để ra hàng trăm số tập san, đáp ứng đào tạo từ trung cấp đến đại học, phổ cập TT&TT lúc ban đầu của Ngành. Tập san lúc ban đầu nói sử dụng nội bộ nhưng về sau phát hành công khai được đông đảo bạn đọc đặt mua, mỗi kỳ 3000 số, rồi 5000 số, có lúc lên đến 7000 số. Vào thời kỳ đó, số lượng đã phát hành này không phải Tạp chí nào cũng đạt được.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí BCVT Lê Đức Niệm |
Chủ bút đầu tiên của Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh Phạm Văn Bảy, người đóng góp vào sự thành công tạp chí những ngày đầu tiên, nay đã ngoài 85 tuổi, giọng nói vẫn sang sảng nhớ lại những ngày đầu làm báo. Là một người được đào tạo kỹ sư ở Pháp ban đầu còn bỡ ngỡ với công tác làm báo nhưng ông và các đồng nghiệp làm Tập san đầu tiên đã mày mò sáng tạo. Ông nhớ lời căn dặn của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Chủ nhiệm Trần Quang Bình đã căn dặn đội ngũ làm Tập san không để có một sai sót nào, phải chú ý đề việc nâng cao trình độ cho công nhân. Tập san thời đó đã tổ chức nhiều cuộc thi, thăm dò thu hút được hàng ngàn người đọc. Rồi Chủ bút Phảm Văn Bảy kể lại những chuyện “bếp núc” của người làm báo trong thời chiến.
Chủ bút đầu tiên của Tập san Kỹ thuật Bưu điện Truyền thanh Phạm Văn Bảy |
“Tôi bày tỏ biết ơn với đồng nghiệp, công sức của anh em làm báo thời kỳ đó”, Chủ bút Phạm Văn Bảy rưng rưng cảm động cho biết.
Năm 1999, Tạp chí đã xây dựng ấn phẩm Chuyên san “Các công trình nghiên cứu, triển khai Viễn thông và CNTT” đáp ứng nhu cầu thực tế từ cộng đồng khoa học về CNTT Việt Nam. Sau 13 năm, Chuyên san đã trở thành 1 trong 2 tạp chí khoa học cấp quốc gia, được các tổ chức khoa học có uy tín trong nước công nhận. Năm 2007, Chuyên san đã ra mắt ấn phẩm tiếng Anh.
Có được 1 ấn phẩm Chuyên san khoa học uy tín và chất lượng như ngày nay phải kể đến công lao của Hội đồng Biên tập và Ban Biên tập Chuyên san do GS. TS. Nguyễn Thúc Hải, người đã đề xuất xây dựng Chuyên san và Trưởng Ban Biên tập từ thời kỳ đầu đến nay, đã quy tụ được các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, các nhà khoa học có uy tín.
Theo chức năng nhiệm vụ, Tạp chí định hướng xây dựng mô hình gọn nhẹ, hiệu quả tận dụng nền tảng ứng dụng CNTT hiện đại thống nhất.
Lan Phương
Ảnh: Mạnh Vỹ
Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức nhiều hoạt động thiết thực
Submitted by nlphuong on Fri, 18/05/2012 - 15:32(ICTPress) - "Trong năm qua báo chí Ngành và Liên chi hội đã nỗ lực vượt bậc. Với kinh phí hầu như là không có, con người, cơ sở vật chất còn thiếu nhưng Liên chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực".
(ICTPress) - Sáng nay 18/5, tại Hà Nội Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác 2012 và phát thẻ hội viên mới giai đoạn 2011 - 2016.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã tới dự và phát biểu chỉ đạo công tác báo chí. Đến dự còn có Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phan Hoàng Đức, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tham dự và phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá trong năm qua báo chí Ngành và Liên chi hội đã nỗ lực vượt bậc. Với kinh phí hầu như là không có, con người, cơ sở vật chất còn thiếu nhưng Liên chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực.
Trong năm qua, nhân kỷ niệm 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước để thực hiện chương trình công tác trong đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Liên chi hội đã tổ chức chuyến đi thăm các địa chỉ đỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Và cuối tháng 4 vừa qua, Liên chi hội đã tổ chức đoàn nhà báo Ngành tham gia đoàn công tác số 7 đi thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa từ ngày 19/4 đến 29/4.
Cho tới nay, đoàn nhà báo TT&TT đã có 15 tác phẩm báo chí được đăng tải từ ngày 30/4 đến nay, 2 phim đang hoàn thành hậu kỳ và đang tiếp tục có các hoạt động thiết thực giúp đỡ quân, dân và các cháu học sinh ở huyện đảo Trường Sa.
Trong năm qua, Liên chi hội năm 2011 đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang tin điện tử của Liên chi hội vào dịp ngày Truyền thống Ngành 15/8 với tên miền ictpress.vn. Hiện nay, trang tin đã lọt vào Top 300 Website được nhiều người truy cập nhất Việt Nam theo đánh giá của Hãng thông kê Internet Alexa. Ngành TT&TT là ngành có những báo điện tử sớm nhất và hàng đầu của cả nước và Liên chi hội cũng là 1 liên chi trực thuộc Hội nhà báo Việt Nam đầu tiên có trang tin điện tử riêng. Đây là một nỗ lực rất lớn mà không phải Liên chi hội, chi hội nhà báo nào cũng có thể làm được.
Liên chi hội trong năm qua đã kịp thời khen thưởng động viên các nhà báo, tổ chức gặp mặt và trao giải báo chí thường niên vào dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tham gia tích cực các hoạt động của Hội nhà báo Việt Nam: Giải báo chí quốc gia hàng năm, Phong trào Văn nghệ, Thể dục thể thao… Ở hoạt động nào, Liên chi hội cũng được giải cao: như giải Khuyến khích Giải báo chí quốc gia 2010 và tác phẩm lọt vào Chung khảo; 1 trong 2 giải A, giải cao nhất của Cuộc thi tiếng hát nhà báo toàn quốc năm 2011…
Giải đáp các kiến nghị công tác của Liên chi hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ủng hộ các đề nghị, sáng kiến của Liên chi hội về mong muốn tham gia thực hiện các công tác truyền thông công ích để có tiếng nói của Liên chi hội, của các nhà báo Ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết qua các kênh báo chí thông tin trong và ngoài ngành, người dân và xã hội sẽ hiểu biết hơn về các hoạt động công ích trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, những lợi ích thiết thực đóng góp cho xã hội. Qua đó người dân và xã hội hiểu thêm về vai trò nhiệm vụ của Bộ TT&TT đối với người dân và xã hội, thêm tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho Ban chấp hành Liên chi hội và 3 bức ảnh về Trường Sa và khối báo chí cho Liên chi hội |
Nhân dịp 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2012, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã trao tặng huy hiệu Bác Hồ cho Ban chấp hành Liên chi hội với mong muốn các nhà báo Ngành học tập tấm gương nhà báo Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng tặng 3 bức ảnh Đảo Trường Sa lớn, Đảo Song Tử Tây, tỉnh Khánh Hòa và Khối báo chí cách mạng Việt Nam qua lễ đài quốc gia trong ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội cho Liên chi hội.
Thay mặt Hội nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban công tác hội Lê Văn Thiềng đã trao bằng khen cho Chi hội Báo điện tử VNMedia và 5 cá nhân của Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông có hoạt động xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội trong năm 2011, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội Thông tin Bùi Quốc Việt; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế Trần Bình Tám; Phó Tổng Biên tập Tạp chí CNTT&TT Nguyễn Quý Minh Hiền; Phó Tổng biên tập Báo điện tử VNMedia Nguyễn Tất Hồng Dương và Thư ký Chi hội Nhà báo Bưu điện Phạm Minh Quyên.
Chủ tịch Liên chi hội Nguyễn Huy Luận trao tặng Giấy khen của Liên chi hội cho tập thể và hội viên có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Liên chi hội |
Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TT&TT đã trao giấy khen của Liên chi hội cho 4 chi hội nhà báo: Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông quốc tế, Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí Xã hội Thông tin, Tạp chí CNTT&TT và 36 hội viên đã có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Liên chi hội.
Nhân dịp này, Liên chi hội nhà báo TT&TT chân thành cảm ơn đến Trung tâm Thông tin và Quan hệ Công chúng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), các chi hội: Báo Bưu điện Việt Nam; Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT; Báo điện tử VietnamNet; Công ty Chíp Sáng và Ashmanov (CSA) đã tài trợ, ủng hộ Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức thành công Hội nghị.
Lan Phương
Ảnh: Quốc Dũng, NN
Trường Sa - chuyến đi cuộc đời của mỗi nhà báo
Submitted by nlphuong on Wed, 02/05/2012 - 13:56(ICTPress) - “Được trực tiếp gặp quân dân trên các điểm đảo ở Trường Sa, nghe và thấy những câu chuyện đời thường nơi đảo xa, tôi cảm nhận những gì mình đã biết trước đây chỉ là một góc rất nhỏ so với thực tế từ chuyến đi này".
(ICTPress) - Từ ngày 19 đến 29/4/2012, đoàn nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gồm các nhà báo từ Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế, Trung tâm Thông tin, Báo điện tử VietnamNet, Báo Bưu điện, Tạp chí CNTT&TT, Tạp chí Xã hội Thông tin, Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT đã tham gia Đoàn công tác số 7 đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 năm 2012.
Nhà báo Trần Bình Tám tặng quà của đoàn cho quân và dân đảo Trường Sa lớn |
8 nhà báo ở 6 đơn vị đã “hành quân” vào phía Nam từ sáng sớm khi trời Hà Nội còn tối đen. Vào TP. Hồ Chí Minh 8 giờ sáng, chúng tôi được di chuyển về nhà khách Hải Quân số 1A Tôn Đức Thắng. Đầu giờ chiều, Bộ Tư lệnh Hải quân họp mặt toàn Đoàn gồm Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy ngoài nước, Hội Nhà văn Việt Nam, TP. Đà Nẵng, Tổng cục Biển và Hải đảo, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng…
Đúng lịch trình, 8 giờ sáng ngày 19/4, con tàu HQ 996 chở toàn bộ đoàn ra khơi. Hai ngày liên tục trên biển, 8 giờ sáng ngày 21/4, chúng tôi đến “thủ đô” của Trường Sa, Trường Sa lớn. Đón chúng tôi là các lực lượng và người dân trên đảo. Sau những cái bắt tay, những lời hỏi thăm, cả những cái ôm chầm ấm áp giữa đoàn với quân và dân trên đảo, cả đoàn tiến vào trung tâm đảo, đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc. Cảm giác tự hào và thiêng liêng dâng trào khi đứng ở cột mốc chủ quyền ở Trường Sa lớn và xem diễu binh của các lực lượng trên đảo.
Mặc dù đã bắt đầu tác nghiệp từ khi đoàn lên tàu từ TP. HCM nhưng Trường Sa lớn được tính là ngày đầu tiên tác nghiệp chính thức. Từ thời điểm đó và liên tục những ngày sau đó là nhiều giờ liên tục tác nghiệp trong nắng nóng rát mặt và cả những trận mưa biển bất chợt. Từ tàu để ra được các đảo, đoàn công tác luôn ưu tiên các nhà báo đi chuyến cano đầu tiên vì vậy việc di chuyển đòi hỏi phải thật nhanh, chính xác khi từ tàu xuống cano, lên đảo và quay trở lại. Hai máy quay, các máy ảnh, đồ dùng của đoàn lúc nào cũng được bọc nilon lớn, chắc chắn, cẩn thận và sẵn sàng tác nghiệp ngay khi rời khỏi tàu. Trang phục của cả đoàn là áo phao màu cam rực rỡ, dép quai hậu, mũ cối… Để ghi chép lại tất cả, các nhà báo thường lên đảo đầu tiên, ra xuồng cuối cùng nhưng gương mặt ai cũng phấn khởi, rộn ràng nhưng quyến luyến, bịn rịn không muốn rời xa đảo.
Sẵn sàng tác nghiệp |
Ngọc Khôi, Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, người ít tuổi nhất của đoàn, chia sẻ: “Tôi đã từng đọc qua rất nhiều tài liệu, xem rất nhiều hình ảnh về quần đảo Trường Sa và ước mơ trong đời có lần được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Vì thế, khi được Liên chi hội nhà báo TT&TT tạo cơ hội, tôi đã chuẩn bị ngay hành trang để lên đường”.
“Được trực tiếp gặp quân dân trên các điểm đảo ở Trường Sa, nghe và thấy những câu chuyện đời thường nơi đảo xa, tôi cảm nhận những gì mình đã biết trước đây chỉ là một góc rất nhỏ so với thực tế từ chuyến đi này. Và với những câu chuyện đời thường đó, chính những người dân, những lính đảo Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành hơn sau chuyến đi” - Ngọc Khôi nói thêm.
Trưởng đoàn, nhà báo Trần Bình Tám lần thứ hai đi Trường Sa cho biết dường như mỗi nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa trong chuyến đi này đều cảm thấy như không đủ thời gian, chạy đua với thời gian để kịp ghi chép lại tất cả. Từ trải nghiệm đặc biệt trong chuyến công tác lần này mỗi nhà báo ở từng cơ quan ngoài thời gian tác nghiệp, đã có thời gian trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm tác nghiệp, làm việc nhóm, hỗ trợ nhau và phát huy những ưu điểm của nhau. Trưởng đoàn Trần Bình Tám cho biết từ chuyến đi đầy ý nghĩa này, mỗi nhà báo sẽ phát huy nghiệp báo của mình hơn nữa trong tương lai.
Lê Trọng Hiếu, phóng viên quay phim Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT xúc động chỉ nói 1 câu duy nhất khi tôi hỏi về ấn tượng nhất của Hiếu về chuyến đi lần này: “Đã là công dân Việt Nam, nếu có cơ hội hãy ra Trường Sa ít nhất 1 lần”.
Trong chuyến đi lần này, Ban Tổ chức đoàn công tác số 7 phát động một cuộc thi viết về Trường Sa cho toàn bộ các thành viên trong đoàn để kịp thời trao giải vào ngày cuối của chuyến đi. Tất cả các nhà báo TT&TT đã hưởng ứng với các bài viết khác nhau và hạn chót là ngày thứ 7 của chuyến đi. Kiên Trung, phóng viên Báo điện tử VietnamNet đã có 2 bài viết dài, trong đó có bài viết dài 6 trang đầy cảm động với tựa đề “Những pháo đài biển”.
Câu mở đầu bài viết của Trung làm tôi ấn tượng: Tôi năm nay 31 tuổi. Tôi được ra Trường Sa lần đầu tiên trong đời, sau rất nhiều ngày tháng ấp ủ. Cảm xúc của tôi như thế nào, có lẽ không nói các bạn cũng hiểu…
Tôi là người đầu tiên đọc bài báo của Trung và xúc động với những dòng: “Những con người Trường Sa tôi gặp, còn hơn cả những đồng bào ruột thịt. Mỗi con người Trường Sa tôi gặp, với tôi, mỗi người là một pháo đài, kiên trung, bền chắc đến lì lợm, như những cây pơ-mu khổng lồ mọc giữa biển khơi”.
Trung tiếp tục mạch “Những pháo đài biển” với chi tiết Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm Tốc Tan C.
“Đôi môi của anh dường như vẫn còn nguyên một vết răng cắn chặt. Vết cắn làm đôi môi anh tứa máu, và vết thương vẫn chưa liền.
Chúng tôi chạm được con sóng ngầm đang được anh cất giấu trong lòng: đứa con đầu lòng ba tuổi của anh ngoài đất liền vừa mất vì một cơn bạo bệnh.
Anh nhận được tin dữ hơn một tuần trước nhưng không về được. Anh vẫn chốt trên đảo.”
Phải nói thêm là để có những bài viết này, Trung khó khăn hơn những người khác trong đoàn là máy tính mang theo đã bị đứt cáp ngay ngày đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh.
Kiên Trung và Trọng Hiếu may mắn hơn cả đoàn là được đi nhiều hơn đoàn 1 đảo chìm - Đảo Đá Lát bởi Đảo chìm Đá Lát có không gian “eo hẹp” nên không thể đón tiếp cả đoàn công tác. Ngày cuối của chuyến đi, gió mạnh bất thường, các phóng viên nam trong cả đoàn cũng may mắn hơn 2 nhà báo nữ chúng tôi là được lên nhà dàn DK1. Tuy nhiên, nhờ có bộ đàm của tổ điều hành đoàn đi, chúng tôi cũng đã được giao lưu và trò chuyện với các chiến sỹ trên nhà dàn cao chót vót giữa biển khơi mà chỉ cách tàu vài chục mét.
Đạo diễn, quay phim Nguyễn Xuân Đại là người duy nhất quay được hình ảnh thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa trong không khí trang nghiêm, hào hùng giữa biển khơi từ boong tàu HQ 996. Để chuẩn bị ghi lại được hình ảnh đầy cảm động này, anh đã được các thuyền viên tàu HQ 996 chuẩn bị cano từ sáng sớm và cùng với hai thuyền viên lái cano, anh đã phải vòng đi vòng lại không biết bao nhiêu lần để ghi lại hình ảnh xúc động chỉ xuất hiện vài giây trong bộ phim dài khoảng nửa tiếng.
Ghi lại từng hình ảnh về Trường Sa |
Có những đảo, cả đoàn công tác số 7 phải chia làm 2 mũi đi 2 điểm đảo. Người làm báo thì luôn muốn ghi chép tất cả trong 1 chuyến đi đặc biệt thế này và may mắn là đoàn nhà báo TT&TT luôn được tham gia cả 2 tốp đi và như vậy chúng tôi có thông tin của các đảo trong hành trình để không phải tiếc nuối là không thể vào đảo.
Luôn là những người cuối cùng rời khỏi đảo |
Buổi tối ngày cuối trước khi về chúng tôi lại “họp đoàn” như những ngày trước đó nhưng hôm nay đặc biệt hơn đó là chúng tôi trao đổi, tổng hợp tất cả các thông tin mà mỗi thành viên đã có cơ hội trò chuyện, trao đổi với các chiến sỹ tại các điểm đảo đến thăm hay các hình ảnh về Trường Sa thân yêu.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hải Đường, Trưởng đoàn công tác số 7 một lần trò chuyện trên boong tàu đã cho tôi biết, ông đánh giá cao nhất các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa lần này vì những hoạt động không ngừng nghỉ kể cả khi các đoàn khác, thành viên khác trong đoàn đã nghỉ ngơi. Đặc biệt, ông cảm động khi biết các nhà báo TT&TT đã dành những phần tiền tiết kiệm cá nhân để trực tiếp trao tặng, giúp đỡ các chiến sỹ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như lực lượng không quân tại đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Đá Lát, Tốc Tan, An Bang, nhà giàn DK1... và xây dựng chùa trên đảo Trường Sa lớn.
Cũng vào tối trước khi kết thúc chuyến công tác, nhà báo Trần Bình Tám được chúng tôi gọi với cái tên thân mật là "bố", như thường lệ ngồi viết nhật ký của hành trình và cho tôi xem một câu nhận xét về các nhà báo: “khen bao nhiêu cho các nhà báo trong chuyến đi lần này cũng là không đủ”.
Tổng kết chuyến đi, Đoàn công tác số 7 đã trao Kỷ niệm chương Trường Sa cho nhà báo Trần Bình Tám với hai lần đi Trường Sa và Huy hiệu chiến sỹ Trường Sa cho 8 nhà báo trong đoàn. Nhà báo Trần Bình Tám còn được trao tặng kỷ lục vì có nhiều tác phẩm viết nhiều về Trường Sa với hơn 10 tác phẩm báo chí. Các nhà báo Nguyễn Xuân Đại, Lê Trọng Hiếu, Nguyễn Kiên Trung, Nguyễn Lan Phương, Bùi Thị Hương Giang đã được đoàn công tác khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong chuyến công tác và có tác phẩm dự thi cuộc vận động sáng tác về Trường Sa thân yêu trên tàu HQ 996.
Còn nhiều nhiều nữa những câu chuyện, chi tiết tác nghiệp trong suốt chuyến đi này của cả đoàn nhưng kể ra thì rất dài nhưng tôi có thể nói đến thời điểm này, ngày cuối của chuyến công tác, là tôi vui mừng vì đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, an toàn, mạnh khỏe và có màu da “rắn rỏi”. Chúng tôi đã và đang truyền tải những tác phẩm báo chí về Trường Sa đến với bạn đọc và bạn xem truyền hình trong thời gian tới.
Nhân dịp này, đoàn công tác chân thành cảm ơn các đơn vị đã gửi tặng tiền, quà cho quân và dân huyện đảo Trường Sa: Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT, Công ty Tem Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT, Chi đoàn Cục Tần số Vô tuyến điện, Chi đoàn Tạp chí Xã hội Thông tin, Chi đoàn Báo điện tử VNMedia, Chi đoàn Tạp chí CNTT&TT, Chi đoàn Tạp chí Toàn cảnh Sự kiện và Dư luận, Tạp chí Echip. Tổng tiền, quà các đơn vị và các cá nhân hảo tâm, các thành viên trong đoàn đóng góp tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa trị giá 25 triệu đồng.
Lan Phương
Khởi động Giải báo chí TT&TT lần thứ 8
Submitted by nlphuong on Mon, 16/04/2012 - 22:11(ICTPress) - Hướng tới kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012), Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức Giải báo chí TT&TT thường niên lần thứ 8, năm 2011 với sự tài trợ của Tập đoàn VNPT.
(ICTPress) - Hướng tới kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2012) và để ghi nhận, động viên, khen thưởng những cán bộ, phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí trong ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Liên chi hội nhà báo TT&TT tổ chức Giải báo chí TT&TT thường niên lần thứ 8, năm 2011 với sự tài trợ của Tập đoàn VNPT.
Lễ trao giải báo chí TT&TT lần thứ 7 - 2010 |
Các tác phẩm dự thi cần phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả các nội dung sau:
Các tác phẩm báo chí dự giải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong năm 2011 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng; các tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực CNTT, Thông tin và Truyền thông.
Các loại hình báo chí tham dự Giải là: báo in, báo điện tử, và báo hình (truyền hình).
Tác phẩm báo chí được xét thưởng bao gồm các thể loại: bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí… được các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước sử dụng kể từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2011.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 02 tác phẩm tham dự.
Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 16/4/2012 đến hết ngày 5/5/2011 (tính theo dấu Bưu điện) được gửi về: Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội.
Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012.
Liên chi hội nhà báo TT&TT
Đoàn nhà báo TT&TT sẽ thăm quần đảo Trường Sa
Submitted by nlphuong on Tue, 10/04/2012 - 15:36(ICTPress) - Đoàn nhà báo TT&TT sẽ đi thăm các đảo, nhà giàn thuộc Quần đảo Trường Sa, kết hợp nắm tình hình thực tế, điều kiện cuộc sống sinh hoạt của quân, dân, huyện đảo Trường Sa...
(ICTPress) - Được sự đồng ý của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, và Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày 19/4/2012, đoàn nhà báo Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông gồm các cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong Ngành: Trung tâm Thông tin, Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế, Tạp chí Xã hội Thông tin, Truyền hình Bưu điện, Báo Bưu điện, Tạp chí CNTT&TT và Báo điện tử VietnamNet sẽ đi thăm quần đảo Trường Sa.
Ảnh: Internet |
Đoàn nhà báo TT&TT sẽ đi thăm các đảo, nhà giàn thuộc Quần đảo Trường Sa, kết hợp nắm tình hình thực tế, điều kiện cuộc sống sinh hoạt của quân, dân, huyện đảo Trường Sa để đề xuất hình thành các dự án hỗ trợ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao năng lực phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhân dịp chuyến đi đầy ý nghĩa này của các nhà báo Liên chi hội nhà báo TT&TT, Liên chi hội nhà báo TT&TT rất mong sự giúp đỡ của các tổ chức, quý cơ quan, doanh nghiệp về vật chất để ủng hộ, làm quà tặng cho quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Mọi sự liên hệ xin gửi về:
Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông
Địa chỉ: 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Số điện thoại: 04.37821710, 0915520999
Email: lch@mic.gov.vn
Trân trọng và mong nhận được sự hồi đáp sớm của Quý cơ quan, đơn vị tổ chức quan tâm trước ngày 16/4/2012.
Liên chi hội nhà báo TT&TT
VNMedia giao lưu trực tuyến “Tiết kiệm điện thời tăng giá”
Submitted by nlphuong on Fri, 30/03/2012 - 20:10(ICTPress) - Trong 1,5 giờ đồng hồ, các khách mời của chương trình đã trả lời 64 câu hỏi được gửi trực tuyến về tòa soạn xung quanh các vấn đề về làm sao tiết kiệm điện, giảm chi phí cho gia đình, doanh nghiệp,...
(ICTPress) - Hưởng ứng “Giờ Trái đất” (20 giờ 30 đến 21 giờ 30 thứ 7 ngày 31/3), cùng xã hội hành động về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, Báo điện tử VnMedia đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến “Tiết kiện điện thời tăng giá” chiều nay 30/3/2012, tại Trụ sở của Báo tại 142 Lê Duẩn, Hà Nội.
Buổi giao lưu có sự tham gia của: Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội; đại diện các doanh nghiệp có các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần HTSV, doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn VNPT và ông Lê Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty CP OPPLE.
Trong 1,5 giờ đồng hồ, các khách mời của chương trình đã trả lời 64 câu hỏi được gửi trực tuyến về tòa soạn xung quanh các vấn đề về làm sao tiết kiệm điện, giảm chi phí cho gia đình, doanh nghiệp, thời gian tới giá điện có còn tăng và giải pháp ngôi nhà thông minh để tiết kiệm năng lượng. ICTPress xin tổng hợp một số nội dung đáng chú ý của cuộc giao lưu trực tuyến này.
Tiết kiệm điện vẫn là ý thức
Làm thế nào để tiết kiệm điện cho gia đình là chủ đề được nhiều câu hỏi gửi về tòa soạn. Bạn Hoàng My, Hải Phòng hỏi: “gia đình tôi gồm 8 người: gồm ông bà, vợ chồng tôi, 2 con nhỏ và thêm 2 người em. Một tháng gia đình tôi dùng hết gần 3 triệu tiền điện (nếu có dùng điều hòa). Tôi đọc hóa đơn thấy phần tính lũy tiến rất cao. Hay bạn Trần Bách ở Bắc Giang cho biết “Giá điện tính theo lũy tiến như hiện nay không phải đánh vào người nhiều tiền mà đang gây khó khăn đối với những hộ đông người, như vậy có đúng không?”.
TS. Nguyễn Minh Phong cho biết rất thông cảm với chi phí tiền điện quá lớn theo mặt bằng thu nhập hiện nay của xã hội. Trong trường hợp của gia đình cần chú ý mấy điểm sau đây:
- Nên tách hộ khẩu theo quy định quản lý hộ khẩu hiện hành, để được hưởng các chế độ ưu đãi về giá điện dành cho mỗi hộ gia đình.
- Chú ý điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức 27 - 28o, vì theo các chuyên gia mỗi sự điều chỉnh tăng 1o (mùa Đông) và giảm 1o (mùa Hè) khiến chi phí về điện tăng 10%,
- Không nên bật điều hòa cả ngày mà nên bật theo khoảng giờ, có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu có nhu cầu thường xuyên thì cũng không nên tắt mở nhiều lần để tránh tổn hao năng lượng cơ hội.
Theo TS. Phong mức tính lũy tiến giá điện hiện nay chỉ thuần túy xét theo số kw tiêu thụ mà không tính đến số nhân khẩu trong gia đình. Những gia đình càng đông, nhu cầu tối thiểu càng lớn thì càng chịu mức giá điện lũy tiến cao hơn những gia đình khác. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, mức tiết kiệm điện và ý thức tiết kiệm điện có ảnh hưởng lớn đến hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình, dù là đông hay ít người, dù là giàu hay là nghèo.
Trả lời câu hỏi “Giá điện hiện nay chỉ khổ người nghèo nhà đông.Văn hóa Việt Nam thì tứ đại đồng đường, nhà đông bao nhiêu thì tiền điện dùng nhiều bấy nhiêu. Tính lũy tiến chỉ chết người nghèo có đúng không thưa ông?”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: chúng tôi rất đồng cảm và ủng hộ văn hóa tứ đại đồng đường, như là một nét đặc trưng của gia đình Việt Nam, nếu ngành điện mà quan tâm có chế độ ưu đãi về giá điện cho những gia đình như vậy sẽ là một điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế ngày nay ngành điện chỉ mới tính lũy tiến theo mức tiêu thụ điện, mà chưa tính đến các yếu tố xã hội đặc biệt là nhân khẩu trong gia đình. Vì vậy, trước mắt gia đình vẫn nên thực hiện chính sách triệt để tiết kiệm điện, đồng thời có thể xem xét tách hộ để hưởng mức lũy tiến ban đầu thấp...
Bạn Trần Bảo An cho biết: tiền điện một tháng của gia đình tôi đã gần 2 triệu đồng, nên tôi cũng khá quan tâm. Làm thế nào để tiếp kiệm hơn được đây thưa các chuyên gia. Nói tiết kiệm nhưng lạnh thì cũng phải bật điều hòa, nóng cũng phải bật, rồi bình nước nóng cũng phải dùng, quạt cũng phải chạy, đèn cũng phải thắp, tivi cũng phải xem... nói chung rất khó tiết kiệm nếu không bán bớt hoặc hạn chế các loại thiết bị dùng bằng điện. quan điểm của các chuyên gia như thế nào?
TS. Nguyễn Minh Phong thông cảm cho biết: Quả thật đây là một bài toán nan giải mang tầm vĩ mô chứ không còn là vi mô... Tuy nhiên, gia đình vẫn nên cân nhắc kế hoạch sử dụng những thiết bị, tiện nghi sinh hoạt có mức tiết kiệm điện cao nhất, sử dụng hợp lý nhất, phù hợp với nhu cầu thực tế thiết yếu của mình; giảm thiểu tình trạng bật nước nóng, điều hòa, điện cả ngày mà không có người sử dụng. Cũng không nên sử dụng ti vi quá to, tốn điện và càng không nên mở ti vi khi không có ai xem.
Giá điện sẽ còn tăng
“Dự báo giá điện của Việt nam trong năm nay còn tăng giá nữa hay không? Nếu tăng, ở mức nào là hợp lý?” là câu hỏi của bạn Nguyên ở Hà Nội. TS. Nguyễn Minh Phong trả lời: “Thật đáng tiếc là hiện nay cơ cấu chi phí, sản xuất và kinh doanh ngành điện vẫn chưa được cung cấp một cách hệ thống và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là chưa được các cơ quan kiểm toán xác nhận. Vì vậy, việc phân tích mức cụ thể của giá điện và xu hướng điều chỉnh giá điện là khó khăn đối với không chỉ người dân, các chuyên gia mà còn cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Về nguyên tắc, giá điện tùy thuộc vào giá xăng dầu, giá than, điều kiện cung cấp nước cho thủy điện cũng như các chi phí về hao tổn kỹ thuật trong sản xuất cung ứng điện; chi phí về tiền lương và các chi phí cần thiết khác để đầu tư phát triển ngành điện”.
Ở Việt Nam hiện nay, giá điện còn tùy thuộc vào mức lãi định mức và mức thu ngân sách mà Nhà nước áp đặt cho ngành điện. Ngoài ra, các chi phí về thất thu, thất thoát điện và tiền thu điện cũng ảnh hưởng đến giá điện... Trong tương lai khi cạnh tranh thị trường trong ngành điện được thực hiện đầy đủ thì giá điện sẽ do kết quả của sự cạnh tranh này quyết định. Với những nhân tố trên, có thể thấy trong bối cảnh ngành điện còn độc quyền cao như hiện nay thì khả năng tăng giá điện một chiều (chỉ tăng , không giảm) sẽ còn rất đậm. Trong năm 2012, ít nhất giá điện cũng có thể sẽ tăng tới khoảng 5% theo dự kiến đề xuất của ngành điện...
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, tăng giá điện từ nay đến cuối năm là một động thái khá nhạy cảm, bởi bản thân ngành điện đang còn những nghịch lý, những tồn tại mà dữ dư luận rất quan tâm đó là giá điện là giá chỉ tăng 1 chiều, trong lịch sử tất cả các loại giá ở Việt Nam; Thứ hai giá điện ảnh hưởng rất nhiều các yếu tố đầu vào và mức sống của người dân, từ người nghèo cho đến người giàu, từ công nghiệp cho đến dịch vụ; Thứ ba, đang có cấu thành về giá rất phức tạp mà hiện nay chưa được chứng minh, giải trình đầy đủ.
“Nếu theo đúng tuyên bố của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là giá điện phải tăng lên hơn 9 cent thì mới đạt được giá thành, mà hiện nay mới chỉ đạt 5 cent, thì điều này sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp”, TS. Phong phát biểu.
Giải pháp Ngôi nhà thông minh để quản lý và tiết kiệm năng lượng
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP HTSV, vấn đề tiết kiệm năng lượng phụ thuộc vào việc chọn thiết bị điện và sử dụng thiết bị điện như thế nào cho hiệu quả.
Trả lời nhiều câu hỏi bạn đọc quan tâm tới giải pháp ngôi nhà thông minh (Homeon) để quản lý và tiết kiệm năng lượng, ông cho biết Homeon chủ yếu tập trung vào việc sử dụng thiết bị điện thế nào cho hiệu quả và nhắc nhở cho người sử dụng nếu các hành vi sử dụng của họ có vấn đề (lãng phí điện). Cụ thể là những thiết bị rất tốn điện năng như điều hòa, bình nóng lạnh chiếm khoảng 60 - 70% lượng điện tiêu thụ. Ví dụ như điều hòa nếu biết đặt chế độ sử dụng hợp lý sẽ tiết kiệm được 30 - 40% nếu sử dụng không đúng chế độ. Hệ thống Homeon sẽ tự động điều chỉnh để điều hòa trở về đúng chế độ hoạt động tối ưu nhất cho dù người dùng không am hiểu sâu về điều hòa, ví dụ như trẻ con, người già,...
Hệ thống Homeon cũng có những giải pháp làm mát không khí mà không cần sử dụng điều hòa, các giải pháp này thường áp dụng tại các khu resort. Các thiết bị điện khác như bình nóng lạnh cũng tiêu tốn nhiều năng lượng, tuy nhiên nhiều người vô ý thức hoặc lãng quên khi sử dụng, hệ thống Homeon sẽ tự động tắt các thiết bị này khi không sử dụng. Các thiết bị điện khác như đèn chiếu sáng được hệ thống Honeon lập trình sẵn hàng trăm kịch bản giúp hệ thống có thể hoạt động theo mong muốn của người sử dụng tối ưu nhất tùy theo từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ có người đi qua mới bật bóng đèn và sau tự tắt khi không có người, hoặc nếu thấy phòng không có đủ ánh sáng sẽ tự động kéo rèm ra,...
Để tiết kiệm điện có hệ thống, hệ thống Homeon có thể đưa ra kế hoạch sử dụng điện. Ví dụ, mỗi ngày sử dụng không quá 10 số điện, nếu sử dụng quá hệ thống sẽ tự động nhắc nhở chủ nhân. Đây là tính năng kiểm soát trực tuyến, giải pháp này thực sự hữu hiệu để giúp cả nhà cung cấp điện và người sử dụng điện sẽ có ý thức sử dụng điện tốt hơn, tiết kiệm hơn. Khả năng nhân rộng rất đơn giản vì hệ thống được thiết kế theo kiểu các module rất nhỏ gọn, giá thành rẻ và ứng dụng các công nghệ truyền thống sẵn có như mạng GSM và tận dụng hết ứng dụng công nghệ của mạng này. Do đó việc ứng dụng và nhân rộng sẽ rất dễ dàng.
Tuyên truyền tiết kiệm điện tránh hô khẩu hiệu
Bạn đọc Hoàng Hải có gửi câu hỏi quan tâm đến vấn đề tuyên truyền tiết kiệm điện cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng, những người nghèo thì không cần kêu gọi họ cũng tự tiết kiệm điện, còn những người giàu thì tiết kiệm vài bóng điện không giải quyết gì cho cá nhân họ. Vậy theo TS, làm thế nào để tuyên truyền tiết kiệm điện hiệu quả? Báo chí có thể góp phần tuyên truyền như thế nào?
“Việc tuyên truyền hiệu quả cần tránh chung chung kiểu hô khẩu hiệu, hoặc những lời khích lệ dài dòng, mà các cơ quan báo chí cần cụ thể hóa chúng bằng những lời khuyên thiết thực, ví dụ cần sử dụng máy nóng lạnh như thế nào để tiết kiệm điện. Mỗi một thiết bị tiêu tốn bao nhiêu năng lượng điện trong một giờ và nên sử dụng nó như thế nào để vẫn đáp ứng được nhu cầu với chi phí năng lượng thấp nhất. Ngoài ra, cũng cần thông tin về so sánh chất lượng, giá cả và nơi cung cấp các sản phẩm tiết kiệm điện để người tiêu dùng biết và có thể căn cứ đưa ra các quyết định”, TS. Nguyễn Minh Phong đề nghị.
Một chương trình giao lưu trực tuyến ngắn gọn nhưng có thể nói đã giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp tăng cường sự hiểu biết trong các giải pháp, sản phẩm tiết kiệm năng lượng, xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.
HM
ICTPress.vn đứng trong Top 300 Website được truy cập nhiều nhất Việt Nam
Submitted by nadung on Wed, 21/03/2012 - 12:25(ICTPress) - Chỉ chưa đầy một tháng sau khi lọt vào Top 500, tính đến ngày hôm qua (20/3), ICTPress.vn tiếp tục tăng hơn 200 bậc để đứng trong Top 300 Website được truy cập nhiều nhất Việt Nam.
(ICTPress) - Chỉ chưa đầy một tháng sau khi lọt vào Top 500, tính đến ngày hôm qua (20/3), ICTPress.vn tiếp tục tăng hơn 200 bậc để đứng trong Top 300 Website được truy cập nhiều nhất Việt Nam.
Theo đánh giá của Hãng thống kê Internet Alexa (Mỹ), hiện ICTPress.vn đang đứng thứ 274 tại Việt Nam, và tiến sát tới Top 100.000 Website trên thế giới - mốc quan trọng để Alexa cập nhật số liệu về Website thường xuyên hơn.
ICTPress.vn đứng trong Top 300 Website hàng đầu Việt Nam. Ảnh chụp màn hình. |
Qua theo dõi số liệu thống kê từ công cụ Google Analytics, Ban Biên tập cũng nhận thấy số lượng độc giả thường xuyên cũng như lượng độc giả mới của ICTPress.vn đều đạt tăng trưởng tốt.
Đây là nguồn khích lệ rất lớn đối với những người trực tiếp thực hiện ICTPress.vn nhưng đồng thời cũng tạo sức ép không nhỏ giúp chúng tôi có động lực tiếp tục cung cấp tin bài nhanh và chất lượng tới độc giả.
Song, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng của ICTPress.vn thời gian qua chủ yếu dựa trên những nỗ lực riêng thay vì sự phát triển chung của báo chí ngành CNTT-Truyền thông.
Qua theo dõi, gần đây, nhiều báo điện tử/trang tin điện tử trong lĩnh vực CNTT-Truyền thông chưa đạt được sự phát triển tương ứng với quy mô phát triển của ngành, thậm chí nhiều trang có dấu hiệu giảm thứ hạng.
Do đó, với vai trò là tổ chức báo chí tập hợp đầu tiên và nhiều nhất các Báo điện tử - đặc biệt trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, tới đây, Liên chi hội nhà báo Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các biện pháp phối hợp cùng các Chi hội nhà báo trực thuộc nhằm mở rộng "vùng phủ sóng", đáp ứng nhu cầu còn rất nhiều tiềm năng của các độc giả quan tâm tới lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Ban Biên tập ICTPress