Giao lưu trực tuyến với nghệ sĩ Đặng Thái Sơn trên VietnamNet

NSND Đặng Thái Sơn sẽ có buổi trò chuyện với độc giả VietNamNet từ 14h30 - 16h ngày 27/11, 1 tuần trước khi buổi hòa nhạc đặc biệt diễn ra vào ngày 4/12 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ngay từ bây giờ, xin mời quý độc giả yêu nhạc đặt câu hỏi giao lưu với ông tại đây!

"Ước mơ của tôi rất khiêm tốn. Tôi phải làm điều gì đó cho đất nước mình", NSND Đặng Thái Sơn trả lời phỏng vấn tờ Examiner (Mỹ) năm 2011.

Cần phải có một nguồn cảm hứng nào đó để một người bắt đầu theo đuổi một bộ môn nghệ thuật hay khoa học. Với những thế hệ nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam sau này như Trang Trịnh hay Lưu Hồng Quang, họ thổ lộ rằng, mình đã bắt đầu với những phím đàn bằng cảm hứng từ người Việt đầu tiên, đồng thời cũng là người Châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng Chopin danh giá. 

Gần 30 năm đã trôi qua sau khi đoạt giải Nhất tại cuộc thi Chopin năm 1980, và sau đó trở thành người trẻ tuổi nhất được vinh danh như một Nghệ sĩ nhân dân năm 1984, Đặng Thái Sơn đã luôn là một tên tuổi lớn rong ruổi khắp châu Âu, kết nối Việt Nam với nghệ thuật cổ điển hàn lâm thế giới. 

Có thể nói ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc và nghệ thuật. Giờ đây, hơn lúc nào hết, ông mong được truyền lửa cho thế hệ những người kế cận tại Việt Nam, mong mỏi Việt Nam có tiếng nói và vị trí trên trường quốc tế về âm nhạc và nghệ thuật. Đó là lý do mà càng ngày ông càng về nước nhiều hơn, biểu diễn, giảng dạy, tổ chức các cuộc thi piano và festival cổ điển. 

Nhưng cống hiến cả cuộc đời cho âm nhạc, cũng có nghĩa là niềm hạnh phúc riêng tư của ông cũng dồn cả vào âm nhạc. Đặng Thái Sơn từng thổ lộ: "Suy cho cùng, cuộc đời của tôi không được thuận lợi so với các nghệ sỹ quốc tế khác. Sự trắc trở diễn ra từ cuộc sống hàng ngày đến những phức tạp trong gia đình." 

"Năm 1976 là một năm định mệnh" - ông kể lại, "Khi quyết định cho tôi đi học nước ngoài, bố mẹ tôi đã ly dị. Tôi vẫn còn giữ tờ giấy li hôn của tòa, trong phần phân chia tài sản ghi rõ cha tôi được cái xe đạp thiếu nhi, mẹ tôi thì được mấy cái xoong nồi…". Đặng Thái Sơn cũng đã trải qua những bi kịch cá nhân hết sức riêng tư, để rồi học cách vượt lên trên nó và chạm tới những giá trị tinh khiết của nghệ thuật. 

Nếu ai đó quan sát Đặng Thái Sơn kỹ lưỡng hơn một chút, sẽ không khó để nhìn thấy ở ông một con người có nội tâm lãng mạn và dịu dàng, quan tâm chu đáo và sâu sắc. Ông để ý đến từng cây đàn tốt cho sinh viên Nhạc viện Việt Nam, kêu gọi các dự án tài trợ, lưu ý ươm mầm từng tài năng nhỏ bé. 

Ông nói, "Nghệ thuật không chỉ cốt để giải trí mà còn là giáo dục. Nó cần thiết trong một thế giới còn rất nhiều vấn đề như hiện nay". Ngày 4/12, gần 1 năm sau cuộc chạy marathon cùng L.V.Beethoven - một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của lịch sử, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sẽ trở lại khán phòng Nhà hát lớn - nơi đã từng chật cứng khán giả trong 2 buổi hòa nhạc ngày 15 và 18/01. Lần này ông sẽ mang đến "Âm thanh mới của thế kỉ 20", với Claude Debussy - bậc thầy của trường phái Ấn tượng và những tác phẩm kinh điển dành cho piano; và Francis Poulenc - nhà soạn nhạc đầy chất thơ và tính trữ tình. 

Đây cũng là buổi biểu diễn hiếm hoi NSND Đặng Thái Sơn sẽ chơi tác phẩm của những nhà soạn nhạc đương thời tại Việt Nam: biến tấu trên chủ đề “Người đi đâu?” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, và tổ khúc “Chùm hoa Việt Nam” của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. 

Ban Văn hóa VietnamNet

Tin nổi bật