Viễn thông VN 2011: 'Nhà giàu' cũng... khóc

Năm 2011 kết thúc với những cơn sóng lớn chưa từng có trên thị trường viễn thông  di động với những tác động không thể đo đếm.

Khuyến mại giảm, thuê bao chững, doanh thu không đạt

Một điều dễ nhận thấy nhất ngay từ những ngày đầu năm 2011 là các gói cước trả trước của tam đại gia Viettel, VinaPhone và MobiFone đã không còn những mức khuyến mại "khủng" hay các SIM trả trước tài khoản lớn.

Với mức khuyến mại thẻ chỉ còn tối đa 50% giá trị, dường như trả trước không còn là miếng bánh ngon đối với người tiêu dùng. Điều này dẫn đến hệ quả là khách hàng không còn mặn mà với việc cào thẻ nạp tiền.

Lãnh đạo một nhà mạng cho biết: "Mặc dù giảm giá trị tiền nạp nhưng nếu khách hàng tinh ý sẽ thấy chúng tôi gia tăng mật độ khuyến mại. Tuy nhiên, xem ra vẫn chưa đủ để kích cầu thuê bao".

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, các gói cước khuyến mại của nhà mạng lớn tập trung vào các khoảng thời gian giữa tháng và cuối tháng với thời gian kéo dài trong 3 ngày. Càng sát thời điểm cuối năm, lượng khuyến mại càng tăng và thị trường ghi nhận sự trở lại của các dòng SIM rác tài khoản khủng từ các đại gia viễn thông.

Một thực trạng khác, lượng khách hàng cũng ngày càng bão hoà và không còn mấy quan tâm đến việc nạp thẻ. Chị Lương ở Thanh Xuân cho biết: "Năm ngoái tôi mua nạp cả triệu để được khuyến mại gấp rưỡi, gấp đôi. Bây giờ dùng cũng chưa hết tài khoản vì chẳng mấy khi gọi, toàn nghe và nhắn tin. Năm nay khuyến mại ít nên cũng chưa có hứng nạp lắm, cũng chẳng dùng để làm gì".

Ngoài ra, xu hướng trung thành với nhà mạng cũng dần được định hình rõ trong các thuê bao. Theo một thống kê gần đây, hiện tượng thuê bao nhảy mạng trong các đợt khuyến mại đã không tái diễn với mức tăng trưởng kỷ lục và chỉ lác đác trong một bộ phận người tiêu dùng, tập trung ở các khách hàng trẻ.

Nếu trước đây người dùng đổi mạng để được hưởng khuyến mại thì hiện nay, khi khuyến mại ít đi, việc đổi mạng chỉ diễn ra khi người dùng phát sinh nhu cầu đổi số hay do những yếu tố ngoại cảnh như sóng của nhà mạng A kém tại nơi đang ở hay công tác, phải chuyển sang mạng B v.v...

Đây có thể coi là một nỗ lực đáng ghi nhận của các mạng di động trong việc tiến tới định hình lớp khách hàng viễn thông bền vững, nhưng đồng thời cũng tạo ra khó khăn cho các nhà mạng nhỏ bởi không thu hút được thuê bao mới.

Sóng yếu, 3G không có hoặc độ phủ hẹp, SIM đầu số xấu... là những thực tế nhà mạng nhỏ phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt mà Beeline, SFone là những cái tên tiêu biểu. Ngoài ra, lợi thế trong cuộc đua về giá dường như cũng không còn phát huy tác dụng khi các đại gia liên tục "lách luật" bằng những gói cước nội mạng siêu rẻ như Cà chua xanh của Viettel hay chương trình "cặp đôi hoàn hảo" VinaPhone - MobiFone gọi nội mạng khiến những chương trình "Tỷ phú 2", "Gọi cả ngày" của các mạng "tiểu gia" cũng lâm vào cảnh lao đao trong cuộc chiến không cân sức.

Mặc dù cạnh tranh bằng đủ chiêu trò nhưng sau một năm 2011 đầy biến động, một thực tế dễ thấy là các nhà mạng không đạt đủ thuê bao như kế hoạch đề ra từ cuối năm 2010.

Viettel với sự bành trướng của "đế chế" 3G cũng vẫn chưa đạt nổi doanh thu và vào những ngày cuối năm, mỗi nhân viên của tập đoàn này dù ở kỳ vị trí nào cũng phải kiêm vai trò một người bán hàng để phát triển thêm thuê bao D-Com 3G.

VinaPhone với “canh bạc” iPhone 4S cũng cho thấy một doanh số không như kỳ vọng dù theo thông cáo phát ra thì lượng máy nhập về lần đầu tiên đã được tiêu thụ hết. Không còn cảnh chen lấn, xếp hàng, hay danh sách đăng ký mua máy dài dằng dặc mà thay vào đó là cảnh "chợ chiều" ghi nhận ở hầu hết các điểm bán máy vào sáng ngày 16/12 - một điều hiếm thấy trong những lần bán iPhone 4 trước đây.

Khởi động xu thế sáp nhập - chia tách

Ngay từ đầu năm 2010, thông tin SKTelecom thoái vốn hoàn toàn khỏi SFone đã là một dự liệu được tiên đoán sớm xuyên suốt quá trình kinh doanh liêu xiêu của nhà mạng này.

Giờ đây, khi còn đơn thương độc mã trên phân khúc thị trường CDMA, liệu SFone sẽ đứng lên hay "gục ngã" trên thị trường là một câu trả lời dễ tìm ra lời giải. Việc chuyển sang chuẩn mạng LTE dường như là một viễn cảnh rất xa vời với nhà mạng này nhưng cũng là lối thoát duy nhất. Tuy nhiên khó khăn mà SFone đang phải đối mặt là trong tương lai gần chưa có một trợ lực nào về mặt vốn.

Về câu chuyện trợ lực, Beeline cũng là nhà mạng đình đám trong năm qua khi được cam kết rót thêm tới gần 500 triệu USD từ tập đoàn mẹ VimpelCom. Thay tướng, thêm đầu số đẹp 099, thêm tiền đầu tư, Beeline đặt ra khá nhiều tham vọng trên thương trường “top 4 từ dưới lên” (hiện chỉ còn top 3). Tuy nhiên nhà mạng này cũng phải đón nhận cú shock đầu tiên là việc gói cước Tỷ phú nội mạng bị Bộ TT-TT "tuýt còi".

Không nản lòng, Beeline tiếp tục tung ra gói Tỷ phú 2, nhưng xem ra cuộc chiến cạnh tranh với các gói nội mạng của VinaPhone, MobiFone và Viettel thật căng thẳng và tương lai nào cho Beeline trong năm mới cũng vẫn là ẩn số khó đoán.

Nếu có một bình chọn nhà mạng tiêu biểu của năm thì chắc chắn EVN Telecom sẽ được vinh danh đầu tiên với những lùm xùm xuyên suốt năm 2011. Từ canh bạc trăm tỷ đổ bể với FPT cho tới việc "tình tay ba" giữa Hanoi Telecom, Viettel khiến nhà mạng này bỗng dưng... nổi tiếng.

Số phận của EVN Telecom dường như đã được định đoạt, nhưng dư âm của nó sẽ còn kéo dài khá lâu khi mà Hanoi Telecom đang liên đới phải chịu cảnh bĩ cực hậu sáp nhập.

Cùng liên thông giấy phép 3G năm 2009 nhưng giờ đây khi "hôn thú tách đôi", mạng Vietnamobile của Hanoi Telecom sau hồi kêu cứu không thành đã phải gồng mình triển khai 3G trong một bối cảnh đầy khó khăn và những bài toán nan giải. Độ phủ hẹp, băng tần cao khiến chi phí triển khai, vận hành đắt đỏ cùng yếu thế của một nhà mạng đi sau hơn 2 năm, Vietnamobile đang đứng trước những thách thức cao như núi và lời giải cũng không dễ tìm.

Về phần đại gia MobiFone và VinaPhone, số phận của 2 đứa con thuộc Tập đoàn VNPT cũng vẫn kín như bưng bởi theo luật thì thời điểm 2 mạng phải nhập lại thành 1 không còn bao xa.

Thị trường đã lác đác xuất hiện các mạng di động ảo nhưng để tiến tới một thị trường mở, đầy cạnh tranh và ổn định, có lẽ năm 2012 chưa phải thời điểm. Thương vụ EVN Telecom - Viettel báo hiệu xu thế nhà mạng nhỏ bị “xóa sổ” đã trở thành sự thực sau một thời gian dài chỉ có thêm mạng di động mới. Viễn cảnh nào sẽ xảy ra nếu một mạng “Vi-Mo-Fone” ra đời cạnh tranh với “Viet-EVN” và mạng 4G của “S-Bee” được thành lập? Đó không phải là một kịch bản mang tính đùa cợt, mà dường như năm 2012 sẽ là thời khắc bản lề để quyết định hướng chuyển của ngành viễn thông Việt Nam.

Vương Long

VietnamNet

Tin nổi bật