Nguy cơ tiền kinh doanh từ game đổ ra nước ngoài
Nhằm tránh các quy định quản lý của cơ quan chức năng, các nhà phát hành đã tiến hành đặt máy chủ ở nước ngoài khiến các game thủ phải chơi game quốc tế. Điều này dẫn tới nguy cơ tiền kinh doanh từ game online đổ ra nước ngoài là vô cùng lớn.
Tiền chảy ra nước ngoài
Trên thực tế, game online bị tạm ngưng cấp phép ở Việt Nam từ tháng 7/2010, từ đó đến nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh game đã tiến hành "lách luật" nhằm tránh các quy định quản lý của cơ quan chức năng bằng cách đặt máy chủ của game ở nước ngoài để phục vụ game thủ cũng như đảm bảo việc kinh doanh của mình. Đây được xem như việc làm cực chẳng đã, bởi khi biện pháp tạm ngưng cấp phép game ở trên được đưa ra, có rất nhiều game online các doanh nghiệp đã mua bản quyền của đối tác, tuyển nhân lực và triển khai kỹ thuật... Vì vậy, họ không thể để game nằm "đắp chiếu" mà phải thực hiện đúng cam kết với đối tác và bắt buộc họ phải áp dụng hình thức trên.
Sử dụng cách thức đó, các doanh nghiệp đã đưa được game của mình vào vận hành mà hoàn toàn không chịu sự tác động của cơ quan quản lý, bởi Thông tư liên tịch số 60 về quản lý trò chơi trực tuyến hoàn toàn không có quy định hay chế tài để xử phạt trường hợp này. Tuy nhiên, việc làm này cũng tạo ra một hệ luỵ lớn cho ngành game, đó chính là việc một khoản tiền rất lớn thu được từ kinh doanh các sản phẩm game online đã chảy vào túi của các công ty nước ngoài.
Trước đây, khi phát hành một game online trong nước, các công ty chỉ phải trả tiền mua bản quyền cho đối tác, còn lại toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực triển khai... đều do họ tự làm. Nhưng giờ đây, với việc triển khai game online từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải thuê máy chủ, thuê hạ tầng kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực phụ trách ở nước khác... Điều này khiến cho các doanh nghiệp mất thêm một khoản tiền không hề nhỏ, nói cách khác gần như 2/3 doanh thu từ game đã chảy ra nước ngoài để đi vào túi của đối tác.
Bên cạnh đó, việc không có game mới để chơi ở thị trường trong nước khiến game thủ sẽ tìm đến với các game nước ngoài. Đây là việc vô cùng đơn giản bởi rất nhiều công ty nước ngoài cũng đã tiến hành phát hành game theo khu vực và game thủ Việt Nam có thể dễ dàng tham gia vào các game quốc tế mà không gặp trở ngại nào. Và tất nhiên, khi tham gia chơi game quốc tế, game thủ cũng sẽ phải nạp tiền để mua các vật phẩm trong game, trả tiền giờ chơi... và một lần nữa tiền lại chảy vào túi của doanh nghiệp kinh doanh game nước ngoài.
Cần một giải pháp hợp lý
Năm 2009, trong toàn bộ doanh thu ngành nội dung số 2.500 tỷ đồng, game online chiếm gần như phần lớn với 1.200 tỷ đồng. Theo dự đoán trong báo cáo Tầm nhìn nội dung số Việt Nam 2004 – 2014 của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), đến năm 2014 doanh thu từ ngành nội dung số tầm 20.000 tỷ đồng. Với việc game luôn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, con số lúc đó sẽ là rất lớn và tiền thuế thu được từ ngành này cũng sẽ rất cao. Tuy nhiên, nếu tình hình phát triển game online vẫn như hiện nay, doanh thu từ game sẽ chảy phần lớn ra nước ngoài. Có thể nói thất thoát không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cả cho nhà nước.
Chính vì thế, việc đưa ra một giải pháp hợp lý về chính sách quản lý cho ngành game hiện nay là một điều cấp thiết.
Với việc triển khai game online từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải thuê máy chủ, thuê hạ tầng kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực phụ trách ở nước khác... Điều này khiến cho các doanh nghiệp mất thêm một khoản tiền không hề nhỏ. |
Lê Mỹ
Theo ICTNews