Ngày Sách Việt Nam 21/4: Nỗ lực để việc đọc sách trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng

Những năm gần đây, phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc đang được hình thành, phát triển và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều phong trào, mô hình đọc sách, phát triển văn hóa đọc đã ra đời trên khắp mọi miền Tổ quốc, được người dân đồng tình, hưởng ứng. Trong đó, đáng chú ý là chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" do anh Nguyễn Quang Thạch trực tiếp xây dựng, vận hành.

Xây dựng thói quen đọc sách

Sách hoá nông thôn  là phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam được anh Nguyễn Quang Thạch ứng dụng thực tiễn từ năm 2007 sau 10 nghiên cứu, thiết kế lộ trình cho một cuộc cách mạng thư viện dân sự.

Anh cho biết: Những năm gần đây, phong trào đọc sách và đề cao văn hóa được đã được quan tâm hơn, nhiều người dân hưởng ứng hơn. Thế nhưng vẫn cần thẳng thắn nhìn vào thực tế là văn hóa đọc chưa được phát triển rộng khắp. Bởi lẽ trước năm 1945, hơn 90% dân số nước ta mù chữ. Từ năm 1945 -1975, toàn dân tham gia kháng chiến chiến trường kỳ, giải phóng đất nước, rất ít người có thời gian đọc sách. Đất nước hòa bình, người dân lại phải ưu tiên, lo lắng phát triển kinh tế gia đình, thêm vào đó Việt Nam còn thiếu tư duy vĩ mô về thư viện, nên chưa tạo thành thói quen đọc cho số đông dân chúng.

Anh Nguyễn Quang Thạch đã tiến hành phỏng vấn cá nhân và tập thể với trên 3.000 học sinh, sinh viên và người lao động trong chuyến đi bộ từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để tăng tốc chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" trong năm 2015.

Kết quả cho thấy chỉ có 38 người biết đến cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”; 20 người biết đến “Robinson Cruiso” và tập thơ “Góc sân khoảng trời”. Đây là 3 tác phẩm được trích dẫn trong sách giáo khoa nhưng rất ít trẻ em biết đến. 

Các số liệu bình quân số đầu sách được đọc của người Việt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra dao động từ 0,8 đến 4 cuốn sách/năm gồm cả sách giáo khoa và giáo trình. 

Tình trạng ít đọc sách khá trầm trọng đối với khu vực nông thôn. “Qua các khảo sát trên diện rộng và trong 20 năm qua, cho thấy ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa, sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó”- anh Thạch cho biết.

Từ sự thiếu sách trầm trọng, sự thiếu vắng hệ thống thư viện cấp xã, sự vận hành chưa hiệu quả của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ít đọc của người dân nông thôn.

Ngoài ra, sự thiếu vắng chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng, lấy tri thức làm chủ đạo chưa thể kích thích được tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Mặt khác, nhiều ngôi làng xây dựng cổng làng hết hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ để ganh đua với làng khác. Trong khi đó, một tủ sách với vài trăm đầu sách trị giá khoảng 8-10 triệu đồng thì rất hiếm làng làm được. Nói chung sự đọc ở nông thôn đang ở mức cận con số “không” - ảnh hưởng đến phát triển đất nước, anh Thạch nói.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Ngày sách Việt Nam ra đời (từ tháng 2/2014) góp phần tạo nhận thức xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách. Đặc biệt, tạo “tác động mềm” để xã hội quan tâm đến sinh hoạt sách từ địa phương đến bộ ngành. 

Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX ngày 31/12/2015 về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non là bước tiến của Bộ GD&ĐT trong việc đưa sáng kiến dân sự vào áp dụng trong hệ thống giáo dục.

Cụ thể là việc nhân rộng mô hình Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp học - một sáng kiến của các nhóm dân sự đến các lớp học. Các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư (Thái Bình), các tỉnh Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên và một số tỉnh khác đã tiếp nhận, áp dụng mô hình Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách lớp học, Tủ sách dòng họ do chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" thiết kế và ứng dụng. Tỉnh Thái Bình và Nam Định đã có khoảng 17.000 Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp em/Tủ sách lớp học. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mừng tuổi sách và vận động học sinh dùng tiền mừng tuổi để mua sách, tặng sách bạn bè, lớp học vào dịp Tết 2019. Bộ TT&TT, Bộ Công An cũng phát động việc tặng sách trong dịp Tết 2019. Hình ảnh này đã tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc.

Các tổ chức, cá nhân cũng tích cực vào cuộc nhằm phát triển văn hóa đọc. Điển hình trong xây dựng thư viện phục vụ cộng đồng là cựu chiến binh Bùi Đình Thăng ở thôn Đoàn Đào (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Ông Thăng đã xây dựng thư viện từ cuối thập niên 1990 phục vụ bạn đọc gần 20 năm qua. Thư viện của ông Phạm Thế Cường (số 352 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) được thiết lập vào năm 2008, nay có gần 30.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Nhóm bác sĩ Hồ Đắc Duy khởi động Tủ sách giải trí và giáo dục vào cuối năm 2006, đến nay nhóm đã có khoảng 1.000 tủ sách. 

Chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" thí điểm các tủ sách đầu tiên vào tháng 3/2007 đến nay đã góp phần tạo ra phong trào đưa sách về nông thôn ở nhiều nơi. Đặc biệt là từ 2015 đến nay, nhiều nhóm đưa sách về nông thôn với nhiều tên gọi khác nhau được thiết lập và hàng chục ngàn tủ sách lớp học, dòng họ, xứ đạo, nhà tù, gia đình chiến sĩ…được xây dựng. Hơn 1 triệu người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em được hưởng lợi...

Tặng Tủ sách lớp em ở Phú Yên

Các mô hình tủ sách do chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng có giá thấp, rất dễ làm. Những người nông dân của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã góp 50.000 đồng cho năm đầu tiên để làm Tủ sách phụ huynh trong lớp học. Từ năm 2014 đến nay, học sinh ở đây đã dùng 3 tỷ đồng tiền mừng tuổi mua khoảng 150.000 bản sách cho các tủ sách mà cha mẹ gây dựng nên.

Ngoài trường học, "Sách hóa nông thôn Việt Nam" đã nhân rộng tủ sách đến các dòng họ, xứ đạo, gia đình chiến sĩ, nhà chùa, nhà tù…ở Việt Nam.

Các không gian đọc “Hi vọng”, “Niềm tin” do người khuyết tật xây dựng và quản lý ở Thái Bình đã và đang truyền cảm hứng đến nhiều người trong xã hội. Tủ sách Nghĩa Dũng Karate đã thiết lập mạng lưới tủ sách đến hơn 1.000 võ đường trên toàn quốc và trao tặng nhiều trăm tủ sách đến các lớp học ở Phú Yên, Huế…

Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cũng thí điểm “Mừng tuổi sách” từ Tết Nguyên đán năm 2014 đến nay đã thành hoạt động của nhiều nhóm nhân rộng tủ sách, cá nhân và các tổ chức trên cả nước. 

Cần thêm nhiều giải pháp tích cực

Hơn 10 năm qua, với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hóa đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng: Kết quả vẫn mới chỉ là vài "hàng gạch" cho một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng. 

Để ngôi nhà đó được hoàn thiện, bền chắc, anh kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện. Bộ tiêu chuẩn phải bao gồm cấu trúc thư viện đến từng lớp học. Việc xây dựng tủ sách và phong trào khuyến đọc ở trường và ở nhà là nhiệm vụ của tất cả hiệu trưởng, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và học sinh, trong đó nêu rõ chỉ tiêu số đầu sách tối thiếu trẻ em nghe, đọc hàng năm.

Hàng năm, ước tính học sinh Việt Nam có hơn 1.500 tỷ đồng tiền mừng tuổi, chỉ cần đưa tiêu chí Tủ sách lớp em, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học vào Tiêu chuẩn thư viện trường học, mỗi năm có ít nhất 30 triệu bản sách đến các lớp học nông thôn và đô thị, hơn 18 triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông có sách nghe và đọc. Bộ GD&ĐT cũng cần có tổ chức, đơn vị chăm lo việc khuyến khích đọc sách để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên.

Các bộ ngành từ trung ương đến địa phương hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Ngày quốc tế Thiếu nhi, Ngày Tết Nguyên đán và năm mới bằng cách tặng sách, mừng tuổi sách trẻ em, đồng nghiệp để hình ảnh sách đi vào tâm trí xã hội. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học cần đưa “tủ sách” thành tiêu chí của làng văn hóa, dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học để tạo nhân thức sâu về khuyến học; đưa hoạt động đọc sách và  chia sẻ tri thức vào hội làng.

Anh Nguyễn Quang Thạch cũng đề xuất Bộ TTTT nghiên cứu thiết lập hệ thống thống kê đọc sách hàng tháng, hàng quý và năm, thống kê lượng sách tại các lớp học, thư viện trường học, đại học và trong cộng đồng trên toàn quốc nhằm cung cấp dữ liệu cho thiết kế, điều tiết vĩ mô, các giải pháp kỹ thuật để tạo cơ hội thu nhận tri thức bình đẳng giữa các vùng miền, giữa nông thôn, đô thị....

Mỹ Bình

Tin nổi bật