Người đứng đầu các cấp, ngành phải chịu trách nhiệm ứng dụng hiệu quả CNTT

(ICTPress) - Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 với chủ đề "CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia" khai mạc sáng nay 20/6 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M. Vỹ)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết để CNTT thật sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu triển khai một số giải pháp nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao cạnh tranh quốc gia,coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước, tiến cùng thời đại.

Hai là, xây dựng hạ tầng quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia, bảo đảm an ninh, kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin quốc gia.

Ba là, Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới, ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách, tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển.

Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo thị trường vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường ngoài nước.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT.

Bảy là, phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sự bùng nổ của CNTT với các nền tảng ứng dụng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh, y tế giáo dục thông minh, đến chính phủ, quốc gia thông minh. Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp để thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong đó xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất của phát triển góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Hơn 10 năm qua CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP của đất nước, đồng thời có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ tầng Viễn thông và dịch vụ viễn thông đang phát triển ngang tầm thế giới.

Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới, mức độ triển khai CPĐT vươn lên thứ 4 trong các quốc gia Đông Nam Á. Theo kết quả khảo sát của UNESCO Liên hợp quốc, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 83 trên tổng số 190 quốc gia được thực hiện đánh giá. Với kết quả này Việt Nam tăng 7 bậc so với năm 2010. Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Brunei. Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.

Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013 - 2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ thực tiễn phát triển, chúng ta cần khẳng định CNTT là trục kết nối chính, là yếu tố có ảnh hưởng quyết định để góp phần thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược gồm hoàn thiện thể chế phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Là khách mời của Diễn đàn, ông Yukio Hatoyama, Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á đã phát biểu cho biết để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược “Nhật Bản điện tử” (e-Japan), giảm phí truy nhập Internet còn một phần ba so với trước trong vòng 4 năm trong khi tăng số thuê bao Internet tốc độ cao lên 20 lần. Nói cách khác hạ tầng CNTT ở Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng.

Ông Yukio Hatoyama phát biểu tại Diễn đàn

Ông Yukio Hatoyama nghĩ rằng vì Việt Nam hiện đang trải nghiệm tăng trưởng, kinh tế cao, nên rất đáng để tư vấn Việt Nam nên đồng thời tiến vào cái mà chúng tôi tạm gọi là chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược “u-Vietnam” hướng đến xây dựng xã hội mạng phổ cập, phổ quát mọi nơi.

Tại Diễn đàn này Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đã cho biết Bộ TT&TT đang thực hiện các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng CNTT để Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.

Diễn đàn cấp cao CNTT - Truyền thông là diễn đàn cấp cao quốc gia để thảo luận và chia sẻ về tầm nhìn, xu thế phát triển, chiến lược và đặc biệt các giải pháp trong phát triển CNTT, đặc biệt là trong ứng dụng, phát huy CNTT trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững và thực hiện hiện đại hóa từng doanh nghiệp, cơ quan, ngành địa phương và đất nước.

Diễn đàn sẽ diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6 tại Hà Nội với các tọa đàm về hạ tầng thông tin quốc gia - Vấn đề và giải pháp; CNTT - nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; CNTT - cải cách đào tạo đại học; CNTT - Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và trình diễn, giải pháp công nghệ.

HM

Tin nổi bật