'Thời 4.0 vẫn cần loa phường'

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, trả lời VnExpress về loa truyền thanh xã, phường, chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.

- Hệ thống truyền thanh cơ sở, hay ở đô thị người dân quen gọi là "loa phường", đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Vì sao phương tiện này tiếp tục được phát triển trong thời gian tới?

- Hoạt động thông tin cơ sở là truyền thông tin trực tiếp đến người dân ở xã, phường, thị trấn bằng nhiều loại hình, phương tiện khác nhau, như loa truyền thanh, bảng tin, tờ rơi; truyền thông trên mạng xã hội; họp dân, hội nghị cung cấp thông tin tại tổ dân phố. Mỗi loại hình phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng miền, từng nhóm nhỏ người dân, với tính chất, yêu cầu khác nhau về nội dung thông tin.

Hệ thống truyền thanh cơ sở là kênh thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở mà người dân cần biết để thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trên địa bàn.

Truyền thanh cơ sở là phương tiện truyền thông có giá thành rẻ, tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc trưng tiếp nhận thông tin của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở. Ảnh: MIC

- Ông có thể nói cụ thể hơn về lợi thế của loa truyền thanh cơ sở?

- Trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của các phương thức thông tin hiện đại như truyền hình, báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn so với trước.

Tuy nhiên, đài truyền thanh vẫn là kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân ở cơ sở. Nội dung các bản tin phát thanh ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, gần gũi, mang tính thuyết phục cao vì được thực hiện bởi chính những người địa phương, nói tiếng nói của địa phương, phạm vi chỉ bao gồm thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh ở địa phương đó.

Loa truyền thanh đặc biệt hiệu quả khi thông tin trong các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, cháy nổ; sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đây là kênh hiệu quả để phổ biến chính sách liên quan trực tiếp đến người dân, như: Giải phóng mặt bằng, sửa đường, làm cầu, thuế, nghĩa vụ quân sự; hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, hay nâng cao kỹ năng người dân ở nông thôn, miền núi trồng cây gì, nuôi con gì và làm thế nào.

Chính vì những yếu tố đó mà truyền thanh cơ sở vẫn được coi là một trong phương tiện thông tin thiết yếu trong hệ thống báo chí, truyền thông của Đảng, Nhà nước. Điều này đã được khẳng định trong Chỉ thị số 07 ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Quyết định số 52 ngày 6/12/2016 của Thủ tướng ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở và Quyết định số 135 ngày 20/1/2020 của Thủ tướng phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

- Những công nghệ nào sẽ được ứng dụng với loa truyền thanh cơ sở trong thời gian tới?

- Từ nay đến 2025, các địa phương sẽ từng bước chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, hay còn gọi là truyền thanh kỹ thuật số. Việc phát thanh sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tức là sử dụng phần mềm để chuyển văn bản cần thông tin đến người dân sang giọng nói và giọng nói có thể theo từng vùng, miền để người dân dễ nghe, dễ hiểu.

Với công nghệ truyền thanh kỹ thuật số, cán bộ phụ trách đài truyền thanh có thể sử dụng điện thoại thông minh, laptop để xử lý, biên tập thông tin và đưa ngay lên hệ thống phát thanh thay vì phải đến trụ sở UBND để đọc bản tin như trước. Công nghệ này đặc biệt hữu dụng trong những tình huống phổ biến thông tin khẩn cấp, đột xuất.

Công nghệ truyền thanh kỹ thuật số cũng khắc phục được tình trạng loa truyền thanh công nghệ cũ dùng một thời gian có hiện tượng nhiễu, rè âm thanh, hoặc bị chèn sóng do trùng tần số với các thiết bị phát thanh khác.

Cụm loa phường ứng công nghệ mới có bộ thu sử dụng Internet ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

- Lộ trình chuyển đổi cũng như chi phí thay đổi công nghệ này thế nào, thưa ông?

- Về lộ trình thực hiện, Chiến lược phát triển thông tin cơ sở xác định không làm đồng loạt mà theo nguyên tắc thay thế dần những đài truyền thanh công nghệ cũ đã hỏng, xuống cấp, hết khấu hao để tránh lãng phí trong đầu tư.

Đối với công nghệ truyền thanh cũ, mỗi đài truyền thanh sử dụng một máy phát sóng, cột ăng-ten và các thiết bị kỹ thuật kèm theo. Với gần 10.000 đài truyền thanh xã, phường hiện nay trên cả nước, chúng ta đang sử dụng mỗi đài là một hệ thống truyền dẫn phát sóng riêng.

Nhưng khi chuyển sang công nghệ truyền thanh kỹ thuật số thì không cần đầu tư máy phát sóng, cột ăng-ten mà sử dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để truyền dẫn âm thanh. Các địa phương chỉ cần đầu tư cụm thu phát thanh là sử dụng được. Hàng tháng địa phương chỉ trả chi phí thuê bao viễn thông khoảng 30.000-50.000 đồng với mỗi cụm thu phát thanh.

Chi phí đầu tư ban đầu với một cụm thu phát thanh khoảng 20 triệu đồng, đài truyền thanh xã, phường có 10 bộ thu phát thanh thì khoảng 200 triệu đồng, giảm khoảng 20-30% so với đầu tư truyền thanh có dây/không dây FM, và khi các địa phương sử dụng càng nhiều thì chi phí sẽ thấp hơn nữa.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang giao các cơ quan nghiên cứu thiết kế "trợ lý ảo" để có thể hỗ trợ cán bộ truyền thanh cơ sở các kỹ năng tuyên truyền, khai thác thông tin, các quy định pháp luật.

- Sau nhiều năm hoạt động, loa phường vẫn chịu định kiến từ một số người dân ở khu vực thành thị. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?

- Để phát huy được hiệu quả của hệ thống truyền thanh trong thời đại công nghệ 4.0, có hai việc cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần làm là đổi mới công nghệ truyền thanh như tôi đã nói để khắc phục những hạn chế về chất lượng tín hiệu của hệ thống truyền thanh có dây/không dây FM và nâng cao chất lượng nội dung thông tin phổ biến đến người dân.

Đối với khu vực thành thị, dân cư đông đúc, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, cần bố trí cụm loa ở địa điểm công cộng, âm lượng không quá lớn; có thời lượng và khung giờ phát phù hợp, nội dung thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền cần ngắn gọn, trọng tâm.

Chính quyền từng địa phương cũng cần thực hiện khảo sát để biết người dân muốn nghe thông tin gì, vào thời gian nào, để việc phát thanh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân.

Đội ngũ làm truyền thanh cơ sở cần được bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền để nâng cao chất lượng biên tập tin, bài phát thanh. Việc bồi dưỡng, tập huấn cũng được chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến, sử dụng hệ thống này đưa lên các tài liệu bồi dưỡng, các chuyên đề tập huấn để cán bộ truyền thanh cơ sở nghiên cứu, tự học, tự đánh giá.

Theo Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư; đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Thống kê của Cục Thông tin cơ sở, hiện cả nước có 9.793 đài truyền thanh/10.599 xã, phường, thị trấn, với khoảng 13.800 nhân viên. Ở cấp huyện, 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình đang hoạt động trên tổng số 705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với 7.300 nhân viên.

Ngoài ra, hệ thống thông tin cơ sở còn có hơn 5.000 trang thông tin điện tử của UBND cấp xã; 67.400 bảng tin công cộng các loại; 179.000 tuyên truyền viên cơ sở.

Nguồn: Sơn Hà thực hiện/vnexpress.net

 https://vnexpress.net/thoi-4-0-van-can-loa-phuong-4494720.html
Tin nổi bật