Syndicate content

Thời sự ICT

Thủ tướng: Xây nền tảng để nhân dân truy cập dịch vụ Chính phủ điện tử

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua một ứng dụng trên thiết bị di dộng truy cập được mọi dịch vụ của Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 12/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các bộ, ngành địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng dự.

Công tác cải cách hành chính đạt kết quả tích cực

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp. Cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%.

Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương Hệ thống dịch vụ công quốc gia (09/12/2019) đến ngày 09/02/2020, hơn 44.200 tài khoản đã đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ 3.900 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.

100% Bộ, ngành, địa phương đã cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tăng cường sử dụng văn bản điện tử

Báo cáo kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nghị quyết số 17/NQ-CP thể hiện sự kết hợp giữa văn bản Chiến lược và Kế hoạch thực thi Chính phủ điện tử, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử.

Đến nay, đã có chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%…

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tăng từ 3% năm 2018 lên 27% năm 2019.

Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa để kết nối, chia sẻ tri thức cho các tầng lớp xã hội trong thời đại số. Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Các công nghệ nền tảng khác của Chính phủ điện tử như trục liên thông văn bản, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây cũng do các công ty Việt Nam làm chủ. Chiến lược “Make in Vietnam” với tinh thần làm sản phẩm công nghệ Việt Nam đã khích lệ nhiều công ty công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển các giải pháp, các ứng dụng Chính phủ điện tử.

Việt Nam đủ sức làm Chính phủ điện tử

Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn mạnh có đủ sức làm Chính phủ điện tử.

Những thành công của việc xây dựng chính phủ năm 2019 sẽ làm tiền đề quan trọng cho năm 2020 và những năm tiếp theo để thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là rất cao, rút ngắn so với nhiều nước khác.

Đánh giá cao những tiến bộ đáng mừng nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ: Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN.

Như vậy, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN." Chúng ta cần nhìn thẳng sự thật này để tiếp tục phấn đấu," Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của việc xếp hạng chưa cao là do cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ là khâu yếu, thấp điểm, mất điểm của Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số vấn đề khác làm chậm, chưa đồng bộ, chưa quyết tâm, vẫn còn một vài nơi tình trạng “án binh bất động” trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những tồn tại hiện nay, cụ thể là chưa hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng Chính phủ điện tử, các cơ sở sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử, nền tảng thanh toán điện tử còn nhiều vấn đề.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp. Hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan Nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là công tác an toàn an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ.

Đầu tư cho cấu thành này mới chiếm 5%, còn tình trạng để mất an toàn mạng ở trong các cơ quan trọng yếu. Hạ tầng điện toán đám mây ít được sử dụng, vẫn còn phổ biến tâm lý muốn đầu tư riêng biệt, vừa không đảm bảo chất lượng, vừa gây lãng phí.

Mạng số liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng cơ sở của Chính phủ điện tử.

Công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức mới bước đầu được quan tâm nhưng chưa được quan tâm đúng. Công tác báo cáo, đề xuất các bấp cập trong quá trình thực hiện Chính phủ điện tử chưa tốt.

Nguồn lực triển khai cho Chính phủ điện tử còn thiếu, nhiều địa phương bố trí ngân sách hạn chế cho Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Còn tình trạng mạnh ai nấy làm, tình trạng chưa kiểm soát tốn, dễ dẫn đến lãng phí, tiêu cực xảy ra.”

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên mức 30%.

Việc đầu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh là xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp đến, là hoàn thiện thể chế.

Năm 2020 phải ban hành được các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về bảo vệ thông tin cá nhân… tiến đến các bước sửa đổi về luật giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.

Vấn đề thứ 3 là phải làm là hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh những yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử và chỉ đạo "chúng ta phải làm cho được."

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đưa ra những mục tiêu: Phấn đấu 100% các bộ ngành địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng...; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành.

Để đảm bảo nguồn tài chính cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính đề xuất chuyển một phần quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý 1/2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung nội dung Chính phủ điện tử vào nội dung chi của quỹ viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính đảm bảo đủ tài chính cho các dự án nền tảng về Chính phủ điện tử. Các địa phương, các ngành phải quản lý tốt, hiệu quả, tránh tham nhũng, tiêu cực trong phát triển Chính phủ điện tử.

Thủ tướng lưu ý vai trò của người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

Các hệ thống cơ sở dữ liệu truyền thông vượt quá phạm vi của bộ, ngành phải do bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan điều phối thống nhất về Chính phủ điện tử, tổng hợp chiến lược, kế hoạch các dự án đầu tư, thuê công nghệ thông tin... tháo gỡ khó khăn kịp thời, lan tỏa kinh nghiệm tốt, kịp thời báo cáo các bất cập để xử lý.

"Xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đi liên với cải cách hành chính, giúp giảm biên chế, phải tiết kiệm chi phí," Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Bộ Thông tin về Truyền thông để Ban Chỉ đạo quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm các vấn đề về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, đề xuất không thành lập thêm các Ban Chỉ đạo quốc gia mới; đồng ý đề xuất về xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, vận hành và khai thác các nền tảng dùng chung.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng Trung tâm Giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn an mạng và dịch vụ của Chính phủ điện tử...

Đề cập đến các vấn đề đào tạo nhân lực, truyền thông đến người dân, Thủ tướng kêu gọi các địa phương, thành phần kinh tế, người dân Việt Nam tham gia vào xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam theo khả năng.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua một ứng dụng trên thiết bị di dộng truy cập được mọi dịch vụ của Chính phủ điện tử./.

Nguồn: Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)/vietnamplus.vn

Giám sát giá khẩu trang trên các sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các hành vi vi phạm.

Trước lo ngại lây nhiễm, người dân càng gia tăng nhu cầu mua khẩu trang. Không ít người bán hàng online đã lợi dụng tình hình này để tăng giá bất thường, thậm chí có hành vi tăng giá vận chuyển, giao thiếu sản phẩm, giao sản phẩm không đúng như cam kết.

Những hành vi này đã bị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cùng các website, sàn giao dịch thương mại điện tử kiểm tra, xử lý gỡ bỏ. Các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các hành vi vi phạm. Đến nay đã có 18.000 sản phẩm vi phạm bị xử lý, 700 gian hàng bị khóa.

Nguồn: vtv.vn

https://vtv.vn/trong-nuoc/giam-sat-gia-khau-trang-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-20200211134424406.htm

Khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo cước viễn thông quốc tế

Trong thời gian vừa qua, VNPT đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226).

Theo VNPT, thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn..

Khi phát hiện ra tình trạng này, VNPT đã chủ động phân loại và chặn các cuộc gọi đến từ các các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn các hiện tượng trên, giữ an toàn cho khách hàng.

Đồng thời VNPT cũng thông báo rộng rãi tới khách hàng qua các kênh truyền thông như website, tổng đài chăm sóc khách hàng (CSKH)...

Để tránh thiệt hại cho khách hàng VNPT khuyến cáo: Quý khách hàng nên cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ các đầu số lạ quốc tế gọi hoặc nháy máy, nhắn tin vào số điện thoại của mình.

Đặc biệt vào các thời điểm buổi tối hoặc trong thời gian nửa đêm về sáng khi khách hàng còn ngái ngủ hoặc tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp. Hầu hết các cuộc gọi được thực hiện với thời lượng vài giây rồi tắt máy. 

Nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản của họ sẽ lập tức bị trừ những khoản tiền rất lớn.

Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có, VNPT cho biết một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo và biện pháp phòng tránh như sau:

Các cuộc gọi, tin nhắn Quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam).

Các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại.

Khách hàng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời Khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí. Do vậy khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, Quý khách hàng lưu ý kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.

Khi có hiện tượng như trên, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để kịp thời giải quyết.

QA

Phát hiện các tệp mã độc được ngụy trang dạng tài liệu liên quan đến virus corona

Kaspersky vừa thông báo cho biết công ty phát hiện các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu liên quan đến virus corona - một loại virus đường hô hấp nguy hiểm đang là chủ đề quan tâm hàng đầu của truyền thông toàn cầu.

Các tệp mã độc ngụy trang dưới dạng tệp pdf, mp4, hoặc docx về virus corona. Tên của tệp thể hiện nội dung hướng dẫn cách bảo vệ mọi người khỏi virus, cập nhật về các mối nguy hại, và thậm chí là quy trình phát hiện virus - nhưng tất cả thông tin đều không đúng sự thật.

Trên thực tế, các tệp này chứa một loạt các mối đe dọa từ Trojan đến Worm, có khả năng phá hủy, chặn, sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu, cũng như can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng.

 Anton Ivanov, Nhà phân tích mã độc từ Kaspersky cho biết: “Virus corona hiện đang là chủ đề đang rất được quan tâm, và do đó, đã trở thành “mồi” cho tội phạm mạng. Cho đến nay, chúng tôi đã phát hiện thấy 10 tệp mã độc có liên quan. Xu hướng hoạt động tấn công này thường diễn ra theo những chủ đề truyền thông lớn. Chúng tôi cho rằng hoạt động này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Khi mọi người vẫn đang cực kỳ lo lắng cho an toàn sức khỏe của bản thân, thì ngày càng nhiều phần mềm độc hại ẩn dưới dạng tài liệu giả mạo về virus corona vẫn đang lan truyền.”

 Các sản phẩm của Kaspersky đã phát hiện những tệp độc hại liên quan đến virus corona có tên:

Worm.VBS.Dinihou.r

Worm.Python.Agent.c

UDS:DangerousObject.Multi.Generic

Trojan.WinLNK.Agent.gg

Trojan.WinLNK.Agent.ew

HEUR:Trojan.WinLNK.Agent.gen

HEUR:Trojan.PDF.Badur.b

 Để tránh trở thành nạn nhân của mã độc ẩn dưới nội dung đang được quan tâm, Kaspersky đề xuất người dùng nên:  Tránh truy cập các liên kết đáng ngờ, hứa hẹn mang nội dung độc quyền. Thay vào đó, nên tham khảo các nguồn tin chính thức, đáng tin cậy; Chú ý phần mở rộng của tập tin tải xuống. Cẩn thận những tài liệu và tệp video có định dạng .exe hoặc .lnk.

Ngoài ra, cũng nên ử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy như Kaspersky Security Cloud, để bảo vệ khỏi một loạt các mối đe dọa mạng.

 Trước đó, ngày 31/1 vừa qua, đội ứng phó khẩn cấp máy tính Singapore (SingCert) đã đưa ra cảnh báo những người sử dụng Internet về việc mở các tệp đính kèm e-mail độc hại hoặc nhấp vào liên kết đáng ngờ trong các tin nhắn.

SingCert là một đơn vị thuộc Cơ quan an ninh mạng Singapore, điều phối các hoạt động ứng phó đe doạ trực tuyến của Singapore cho biết: Một tin nhắn điển hình của việc này có chứa thông tin như “cách làm thế nào tự bảo vệ bạn khỏi virus, cập nhật về các quy trình phát hiện mối đe dọa hoặc phát hiện virus”.

Theo các chuyên gia an ninh mạng tại IBM X-Force và chuyên gia bảo mật không gian mạng của Kapersky, đó là một mánh khóe để cài đặt một phần mềm độc hại có tên Emotet.

Emotet được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 dưới dạng một phần mềm độc hại ngân hàng được thiết kế để đánh cắp thông tin tài chính. Phần mềm độc hại này cũng cho phép tin tặc theo dõi nạn nhân và sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu.

Nhà phân tích phần mềm độc hại của Kaspersky, Anton Ivanov cảnh báo: “Tấn công thiết bị có thể lan rộng khi mọi người tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của họ”.

QA

Tuyên truyền phòng, chống dịch virus Corona dựa trên nền tảng công nghệ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Chỉ thị số 05/CT-BTTTT về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Theo đó, Bộ trưởng Bộ TTTT yêu cầu toàn ngành TTTT bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, trong đó: Xác định công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra; Kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong ngành TTTT phải vào cuộc, tham gia công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan có liên quan phòng, chống dịch hiệu quả.

Các DN công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Chỉ thị cũng nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể ngành TTTT cần khẩn trương triển khai thực hiện để phòng, chống dịch nCov. Theo đó:

Tuyên truyền phòng, chống dịch nCoV dựa trên nền tảng công nghệ

Theo đó, tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona gây ra đến từng thuê bao điện thoại di động; Sản xuất các video clip, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam, trên các nền tảng công nghệ số như Facebook, Zalo, YouTube, Lotus v.v…

Phát động chiến dịch đồng bộ gắn hashtag #ICT_anti_nCoV, thống nhất mẫu biểu trưng cho chiến dịch “Cộng đồng công nghệ số Việt Nam phòng, chống  dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra”.

Tuyên truyền qua báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại

Phối hợp với Bộ Y tế định hướng nội dung thông tin về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, các mạng lưới quảng cáo điện tử trên các nền tảng khác nhau.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng để thực hiện các chuyên đề, đối thoại, giao lưu trực tuyến, hỏi và đáp trực tuyến nhằm cập nhật thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính xác tới người dân.

Xây dựng, đăng tải các video clip, banner ảnh tĩnh, biểu ngữ cổ động,… để tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng người xem lớn.

Xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên báo chí nhằm củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ sở; đấu tranh chống các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Tổ chức biên tập, lựa chọn các tin, bài từ nguồn Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) và nguồn từ Bộ Y tế phù hợp với từng vùng miền, triển khai phát thanh phát sóng trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã để khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây bệnh và những dấu hiệu nhận biết khi nhiễm bệnh để chủ động đi khám, thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.    

Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sản xuất tin bài phát sóng trên hệ thống thông tin đối ngoại nhằm mục tiêu thể hiện rõ trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, tinh thần hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với các nước khác…(báo in, báo điện tử đối ngoại, phát thanh, truyền hình đối ngoại).

Bảo đảm thông tin liên lạc, kết nối các bệnh viện, các cơ sở y tế, kịp thời chia sẻ thông tin

Phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế đang quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm vi rút Corona (nCoV) và những địa bàn có thể xuất hiện ca nghi nhiễm với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế.

Bảo đảm miễn phí cước gọi đến các đường dây nóng của Bộ Y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kịp thời xử lý thông tin sai sự thật, lợi dụng gây hoang mang dư luận

Chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật.

Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Về tổ chức thực hiện, thành lập Tổ công tác của Bộ TTTT về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (gây ra với thành phần gồm: Lãnh đạo Bộ TTTT - Tổ trưởng; Đại diện Lãnh đạo Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Bưu chính, Vụ CNTT, các Cục: Viễn thông, Bưu điện Trung ương, An toàn thông tin (ATTT), Báo chí, Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Thông tin cơ sở, Thông tin đối ngoại, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Chỉ thị cũng nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân trong toàn ngành TTTT.

Đối với các DN công nghệ số, Chỉ thị yêu cầu các DN chủ động hỗ trợ đơn vị chức năng của Bộ Y tế trong việc nâng cấp trang/cổng thông tin điện tử chính thống về dịch bệnh, bảo đảm tính sẵn sàng về băng thông, đường truyền, tối ưu hoá hiệu ứng tuyên truyền; Chủ động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, truyền thông chủ động để phát hiện thông tin giả mạo, sai sự thực; tham gia lan truyền thông tin từ trang/cổng thông tin điện tử chính thống về dịch bệnh.

Các DN ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, chủ động báo cáo, khuyến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh dựa trên kết quả phân tích.

Đối với các DN bưu chính, Chỉ thị yêu cầu các DN bưu chính tạm dừng việc chấp nhận, vận chuyển gửi chuyển phát ra nước ngoài các mặt hàng là trang thiết bị y tế dùng cho việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona (nCoV) gây ra, cụ thể: khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế kể từ ngày 01/02/2020.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình qua Internet, các DN cung cấp nền tảng công nghệ số có đông người sử dụng tại Việt Nam (Zalo, Lotus, Coccoc, Gapo, Be, Mocha, Fastgo, Facebook, Google, Grab,…), Chỉ thị nêu rõ các DN cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng của mình thông qua các nền tảng công nghệ; Cung cấp bổ sung các tiện ích đơn giản, sáng tạo trên các nền tảng của mình để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ người dùng phòng, chống dịch bệnh (hỏi đáp, tư vấn, tra cứu, tìm kiếm các thông tin, cơ sở y tế…).

Các DN cũng sử dụng mạng lưới các điểm giao dịch của các doanh nghiệp để kịp thời cung cấp thông tin có liên quan về dịch bệnh để khách hàng đến giao dịch biết, chủ động phòng dịch (tờ rơi, standee, backdrop, màn hình điện tử,…).

Bộ TTTT yêu cầu toàn thể các cơ quan, đơn vị, DN, cá nhân trong toàn Ngành khẩn trương quán triệt, tổ chức triển khai.

Đồng thời, Bộ TTTT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng đoàn kết, chung tay, thể hiện trách nhiệm, năng lực và sứ mệnh dùng công nghệ để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

 PV/ictvietnam.vn

Facebook, Google và Twitter nỗ lực ngăn chặn tin giả về virus corona

Facebook và các trang mạng xã hội khác đã cố gắng chống lại sự lan truyền của các thuyết âm mưu, bao gồm một trò lừa bịp tuyên bố sai rằng chính phủ Mỹ đã bí mật tạo ra virus corona.

Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt một hành khách ở sân bay. (Nguồn: AP)

Sự lây lan nhanh chóng của virus corona ở Trung Quốc và trên thế giới đã khiến Facebook, Google và Twitter phải tham gia một cuộc chiến để ngăn chặn một loại bệnh tật khác - sự gia tăng của thông tin sai lệch liên quan đến virus chết người trên.

Ba gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon từ lâu đã phải vật lộn để ngăn chặn những thông tin nguy hiểm về sức khỏe. 

Nhưng nay, các công ty này phải đối mặt với thử thách lớn hơn về virus corona đã lây nhiễm 4.400 người ở Trung Quốc, làm tử vong ít nhất 100 người.

Mới đây, Facebook và các trang mạng xã hội khác đã cố gắng chống lại sự lan truyền của các thuyết âm mưu, bao gồm một trò lừa bịp tuyên bố sai rằng chính phủ Mỹ đã bí mật tạo ra hoặc lấy bằng sáng chế về chủng mới của virus corona. Một số thông tin sai lệch đã lưu hành thông qua các nhóm Facebook kín - các kênh mà các nhà nghiên cứu khó theo dõi trong thời gian thực - đã xuất hiện sau khi có tin tức đầu tiên về virus corona.

"Dầu Oregano hiệu quả chống lại virus corona," là tiêu đề một bài đăng được chia sẻ ít nhất 2.000 lần trên nhiều nhóm vào thứ Hai 27/1. Nhưng đây là bài viết trên thực tế đã có từ cách đây một thập kỷ, bắt nguồn từ một trang web chăm sóc toàn diện - và các nhà khoa học đã nói rằng không có cách chữa trị như vậy đối với virus corona.

Bảy tổ chức đã hợp tác với Facebook thực hiện chín kiểm tra thực tế trong những ngày gần đây và phát hiện ra một loạt các tuyên bố trên mạng về virus corona là sai, bao gồm cả những phương pháp điều trị giả mạo.

Facebook cho biết họ đã dán nhãn không chính xác và hạ thứ hạng của các nguồn phát thông tin sai lệch vê virus corona trong các nguồn cấp dữ liệu hàng ngày của người dùng.

Trong khi đó, ngày 27/1, Twitter đã bắt đầu hướng người dùng ở Mỹ tìm kiếm các hashtag liên quan đến virus corona đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Và YouTube thuộc sở hữu của Google cho biết thuật toán của họ cũng ưu tiên các nguồn đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, một số video ở đó - bao gồm một video có hơn 430.000 lượt xem - đã đẩy lên những thông tin đáng ngờ về nguồn gốc của virus corona và phương tiện lây truyền.

Mối đe dọa của các thông tin giả lan truyền nhanh chóng đã và đang tạo ra những thách thức rõ ràng với các mạng xã hội trong việc tạo ra những công cụ mạnh mẽ để tổ chức và thiết lập một cộng đồng người dùng nhanh chóng phản hồi lại những tin tức sai lệch về sức khỏe.

Dù có ác ý, sợ hãi hay hiểu lầm, thì việc người dùng chia sẻ và từ đó củng cố thông tin sai lệch trong thời gian thực, sẽ làm phức tạp công việc của các bác sỹ và quan chức chính phủ trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng./.

Nguồn: Việt Đức (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/facebook-google-va-twitter-no-luc-ngan-chan-tin-gia-ve-virus-corona/620405.vnp

Hòa bình, hạnh phúc, ấm no - Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!

Một mùa xuân mới Canh Tý lại đang về trên đất nước thân yêu của chúng ta! Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn: Lời chúc Tết Xuân Canh Tý - 2020 của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,

Thời khắc giao thừa thiêng liêng đã điểm; một mùa xuân mới Canh Tý lại đang về trên đất nước thân yêu của chúng ta! Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Tôi cũng xin gửi tới bạn bè năm châu, nhân dân các nước trên thế giới lời chúc hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chúng ta vừa đi qua năm Kỷ Hợi - 2019 với đầy ắp các sự kiện, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chân thành cảm ơn đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước về những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn đó.

Bước vào năm Canh Tý - 2020 - một năm có rất nhiều sự kiện trọng đại của Đảng ta và dân tộc ta; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với quyết tâm cao và niềm tin mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động quyết liệt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà và động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Chúc mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và thành công.

Mừng Xuân mới, thắng lợi mới, học theo thơ Bác Hồ, tôi lại xin nôm na có mấy vần:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay cả nước chắc càng thắng to

Hòa bình, hạnh phúc, ấm no

Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!

Chào thân ái!

Nguồn: chinhphu.vn

Tri thức hóa nguồn lực là chìa khóa để dẫn đầu

Trước đây, muốn phát triển nhanh, việc quan trọng nhất mà ngành thông tin truyền thông đã làm được là đi tiên phong dẫn dắt xã hội, chứ không phải thấy khó là co lại.

Ngày nay, việc tri thức hóa nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa để đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi đầu Xuân mới.

Ngành Bưu chính viễn thông (nay là Công nghệ thông tin và Truyền thông) là một trong những ngành đi đầu trong thời kì Đổi mới. Điều gì khiến ông ấn tượng khi nhớ lại thời kì ấy?

Tháng 12 năm 1996 Hội nghị Trung ương lần 2 khoá VIII bàn về Khoa học và Giáo dục. Tôi trình ba điểm quan trọng:

Thứ nhất, tôi đề nghị các Uỷ viên Trung ương không dùng điện thoại kéo dài nữa vì không đảm bảo bí mật.

Thứ hai, Việt Nam nên triển khai cáp quang băng thông rộng toàn quốc để thuận lợi cho việc sử dụng các dịch vụ tốc độ cao và khắc phục được sự ảnh hưởng của điện từ trường đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn.

Thứ ba, quan trọng nhất, tôi đề nghị được kết nối internet vì khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo không phát triển nếu không có internet.

Nguyễn Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Trước đây, muốn phát triển nhanh, việc quan trọng nhất mà ngành thông tin truyền thông đã làm được là dẫn dắt xã hội, chứ không phải thấy khó, thấy tiêu cực là co lại".

Chúng tôi giới thiệu internet và trình bày phương án đưa internet trực tiếp vào Việt Nam thay vì đường vòng mà Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện hàn lâm khoa học VIệt Nam) đề xuất. Còn nhớ, lúc đó mọi người xôn xao, lo lắng rằng mở internet sớm quá sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Tôi thuyết phục: “Chúng ta không lo phát triển sớm internet với quan điểm là “quản lý đến đâu phát triển đến đó”. Tại kỳ họp, Tổng bí thư Đỗ Mười cho phép chúng tôi mang máy tính vào để giới thiệu với các ủy viên trung ương về internet. Rất vui là sau đó, Trung ương thông qua và đến tháng 12/1997 internet Việt Nam chính thức kết nối với thế giới.

Vài năm đầu internet không phổ biến được đáng kể. Tuy nhiên, đến khi Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ thông tin với tinh thần “năng lực quản lí phải theo kịp tốc độ phát triển”  ra đời thì internet bắt đầu bùng nổ. Vì sao lại có tinh thần tiến bộ như vậy, thưa ông?

Lúc đầu, việc kết nối internet còn rất chậm về tốc độ, chúng tôi đã tích cực xây dựng hạ tầng viễn thông của VNPT để đáp ứng yêu cầu nhanh và hiệu quả.

Do hạ tầng tốt lên, chúng tôi đề ra phương thức “năng lực quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển” với sự góp công sức của nhiều người. Bên Đảng có đồng chí Phan Diễn, Ngô Văn Dụ…bên Chính phủ có các Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Phạm Gia Khiêm, Bộ Công an có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Đặng Hữu và rất nhiều cán bộ khoa học khác rất ủng hộ. Chúng tôi cũng xin ý kiến cả nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các vị lãnh đạo đều yên tâm.

Sau khi Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị vào năm 2000 ra đời, thì internet phát triển như có luồng gió mới. Tôi nhớ,  những người đứng đầu các cơ quan trung ương, những tầng lớp liên quan đến giáo dục, khoa học, công nghệ đều rất hào hứng áp dụng internet. Internet được đưa vào các trường học, bệnh viện, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…lợi ích là rất rõ dù nguồn thu chưa lớn.

Như vậy, muốn thúc đẩy phát triển nhanh thì Nhà nước phải hướng dẫn, dẫn dắt xã hội chứ không vì chỉ thấy các tiêu cực mà lo sợ, rồi co lại.

Việc bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được coi là quyết định trong việc phát triển đất nước trong giai đoạn tới đây. Ông thấy chúng ta đang thực hiện việc này ra sao?

Để làm thành công điều gì cũng luôn phụ thuộc vào con người. Nếu không coi nhân lực là yếu tố đầu tiên thì sẽ thất bại.  

Lãnh đạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông cho rằng, vì chúng ta có lợi thế dân số trẻ, thích ứng với công nghệ cao nhanh, kinh tế đang có đà phát triển và hội nhập sâu với thế giới.

Bây giờ là lúc chúng ta phải trí thức hoá nguồn nhân lực ấy. Toàn bộ xã hội phải tham gia vào việc nâng cao tri thức, kiến thức cho đến tận những kĩ năng của người dân trong việc hiểu, nắm vững, và sử dụng được sản phẩm, dịch vụ mới.

 

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực để thu hút được người tài. Việt Nam muốn vươn lên phải chấp nhận cuộc cạnh tranh này.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với việc kết nối cơ sở dữ liệu lớn (big data) cùng các công nghệ Icloud, và các công nghệ mới như in 3D, Blockchain… sẽ tạo ra quá trình tự động hoá trong sản xuất và điều hành hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí đến yêu cầu cá nhân.

Việc ngành ta thành lập học viện công nghệ bưu chính viễn thông trong doanh nghiệp là đúng hướng vì nó gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và kinh doanh. Chúng ta phải thu hút những người tài trong và ngoài nước cùng làm việc, nghiên cứu, đào tạo, tham gia tích cực vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng AI xây dựng xã hội 4.0.

Tôi cho rằng cần tiếp tục “thông minh hóa” hạ tầng chuyển đổi số. Trước đây, chúng ta có mạng lưới hiện đại như cáp quang, 3G, Internet và hai vệ tinh lớn nhưng bây giờ là giai đoạn cao hơn trong việc chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật số thông qua các công nghệ mới, giải pháp mới để kết nối hạ tầng viễn thông với các ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ công, giao thông, y tế, giáo dục; an ninh quốc phòng, môi trường…Các công ty viễn thông, tin học cũng cần đổi mới mô hình kinh doanh để đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc chuyển đổi số. Cần chú ý áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế và trong nước để đảm bảo không gian mạng trong sạch, giải quyết được những vấn đề an ninh an toàn mạng, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Câu chuyện “toàn cầu hóa kinh doanh” cũng cần chú ý. Ngày càng nhiều các hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuyên quốc gia ra đời dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập và những tiện ích xã hội khác. Chúng ta tiếp thu những tinh hoa, kiến thức của nhân loại để tham gia vào nền kinh tế hội nhập.

Ông nhìn nhận thế nào về những việc mà Bộ Thông tin & Truyền thông đã và đang làm trong việc chuyển đổi số?

Hạ tầng chuyển đổi số ảnh hưởng rất lớn đến các ngành. Hạ tầng này là một ngành kinh tế xã hội mang lại quyền lợi kinh tế và lợi ích cho xã hội rất lớn. Phải nhấn mạnh, đây là hệ thần kinh của đất nước mà từ đó sự chỉ đạo và điều hành của nhà nước được thông suốt mọi lúc, mọi nơi làm cho kinh tế xã hội phát triển và an ninh quốc phòng được bảo. Có lẽ vì vậy, hiếm có ngành nào mà Bác Hồ quan tâm như ngành này từ những ngày đầu thành lập. Bộ ta có vị trí rất quan trọng trong việc giữ vững vai trò, vị trí và uy tín của mình.

Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nước phát triển internet với tốc độ cao và tỉ lệ người sử dụng lớn. Sự bùng nổ này tạo điều kiện cho chúng ta sử dụng các dịch vụ công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh mới, thay đổi cách suy nghĩ để tìm ra những cách làm mới từ quản lí, phân phối đến phục vụ tốt hơn.

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Sự chỉ đạo của Bộ TT&TT hiện nay là đúng xu hướng thế giới, mang tính tiên phong của Việt Nam và cũng đang kế thừa những tư tưởng đổi mới tư duy, hiện đại hoá đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Với sự lớn mạnh của công nghệ thông tin Việt Nam năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia. Để đề án này thành công, đương nhiên Bộ Thông tin và truyền thông phải đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc quản lí.

Chính lúc này, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông cần bứt phá, thay đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng mạnh các công nghệ cao đáp ứng thời kì chuyển đổi số.

Không có cách nào khác, trước đây các doanh nghiệp chúng ta đi thẳng vào công nghệ hiện đại thì nay là cả nước bứt phá trong tiến trình chuyển đổi số, từ lãnh đạo đến người dân, doanh nghiệp phải chấp nhận sự thay đổi này, mà trước hết vẫn là phải thay đổi tư duy của chính mình.

Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay chúng ta đang có những thuận lợi rất lớn là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 – NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 như: Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới; tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện, đột phá chiến lược hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh.

Quá trình chuyển đổi số mà chúng ta đang thực hiện là một phần của việc thực hiện Nghị quyết trên.

Lan Anhthực hiện/vietnamnet.vn

Nhân viên sơ suất mật khẩu, tấn công mạng diễn ra trong thời gian dài

Kaspersky cho biết một DN lớn đã tìm đến các nhà nghiên cứu của Kaspersky sau khi phát hiện những quy trình đáng ngờ trong hệ thống mạng công ty. 

Nhóm ứng phó sự cố của Kaspersky đã theo dõi, nghiên cứu và chặn đứng cuộc tấn công mạng nhắm vào một tổ chức khách hàng.

Cuộc tấn công diễn ra từ năm 2017 đến 2019, gây ra vụ rò rỉ dữ liệu lớn. Tài khoản của một quản trị viên đã bị xâm phạm do sơ suất không thay đổi mật khẩu, tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập hệ thống và một số máy trạm, thiết lập cửa hậu (backdoor) và thu thập dữ liệu của hệ thống.

Sự cố vừa được xử lý bởi các chuyên gia Kaspersky một lần nữa chứng minh rằng sự thiếu trách nhiệm cơ bản từ nhân viên cũng có thể dẫn đến một cuộc tấn công mạng gây thiệt hại đáng kể cho tổ chức.

Nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng hệ thống đã bị xâm nhập thông qua tài khoản quản trị viên cục bộ (adm_Ivan), được sử dụng để tải thư viện mã độc và sau đó lấy cắp dữ liệu từ hệ thống.

Mặc dù vẫn chưa rõ tài khoản của quản trị viên bị xâm phạm lần đầu tiên bằng cách nào, nhưng hành vi của người dùng đã tạo điều kiện để cuộc tấn công diễn ra trong thời gian dài.

Quản trị viên đã không đổi mật khẩu trong suốt thời gian đó, thay vì phải đổi mật khẩu ba tháng một lần như khuyến cáo trong chính sách bảo mật của công ty. Điều này giúp kẻ tấn công có quyền truy cập liên tục vào hệ thống mục tiêu, khiến hàng ngàn tệp tin bảo mật bị rò rỉ.

Để tìm hiểu thêm về cuộc tấn công và giảm thiệt hại mà tin tặc gây ra, khách hàng và nhóm bảo mật của Kaspersky đã quyết định giám sát các hoạt động của tội phạm mạng thay vì chặn đứng chúng ngay lập tức.

Phân tích đã xác định rằng hệ thống của tổ chức đã bị xâm phạm trong khoảng thời gian hai năm - từ 2017 đến 2019.

Tin tặc đã xâm nhập hệ thống bằng tài khoản quản trị viên và tải trực tiếp các tệp độc hại lên hệ thống mạng. Các tập tin bao gồm một thư viện mã độc cũng như các trình tải xuống và một cửa hậu.

Các mã độc này bị ẩn trong hệ thống thông qua biến thể của các phím tắt trên màn hình nền, menu và thanh tác vụ. Sau đó, thông qua việc nhấp vào phím tắt, một tệp độc hại sẽ khởi chạy trước tệp thực thi ban đầu của ứng dụng, cho phép tin tặc che giấu hoạt động đáng ngờ khỏi hệ thống bảo mật của tổ chức.

Cách thức sử dụng cửa hậu để cấp quyền truy cập đầy đủ vào hệ thống đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà nghiên cứu. Phân tích sâu hơn cho thấy tin tặc đã xây dựng nhiều lệnh khác nhau và tìm kiếm các tệp bằng cách sử dụng từ khóa và tiện ích mở rộng.

Chúng cũng theo dõi dữ liệu từ các tệp đã tải xuống trước đó. Điều đáng chú ý là cửa hậu được tạo riêng cho cuộc tấn công này, và không có trường hợp nào khác sử dụng đến nó trong hơn một năm qua.

Phân tích bổ sung cũng cho phép tổ chức tìm hiểu cách các hệ thống bị xâm phạm và các phím tắt được biến đổi thành tệp độc hại trong cuộc tấn công này.

Trong thời gian dài, tin tặc đã xâm phạm có chọn lọc những hệ thống liên quan, thu thập dữ liệu và sau đó “rời khỏi” hệ thống bị nhiễm mã độc, một quá trình mà tổ chức - cùng với các nhà nghiên cứu – đang theo dõi và kiểm soát.

Tuy nhiên, những kẻ tấn công đã quyết định lây nhiễm tất cả các hệ thống trên hệ thống mạng nhằm thu được một điểm truy cập thay thế. Hành động này đã khiến tổ chức phải chặn ngay cuộc tấn công đang diễn ra.

Ông Pavel Kargapoltsev, chuyên gia bảo mật của Kaspersky cho biết: “Cuộc tấn công này đã chứng minh rằng sự hợp tác trong ngành bảo mật là cực kỳ quan trọng, giúp thu thập được những thông tin có giá trị, ngăn chặn những cuộc tấn công tương tự trong tương lai và tiếp tục cuộc chiến chống tội phạm mạng hiệu quả hơn. Khi tin tặc ngày càng sáng tạo hơn trong chiến thuật và kỹ thuật tấn công, chúng tôi cần mở rộng phạm vi hợp tác để phát hiện các mối đe dọa ngay từ giai đoạn đầu, cũng như bảo vệ người dùng và tổ chức hiệu quả hơn.”

Để bảo vệ tổ chức khỏi các cuộc tấn công tương tự, Kaspersky khuyến nghị: Sử dụng ma trận MITER ATT & CK và định dạng STIX để phát hiện các cuộc tấn công ở giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, tổ chức, DN cần thực hiện các giải pháp EDR như Kaspersky Endpoint Detection and Response để phát hiện tấn công điểm cuối, cũng như điều tra và khắc phục kịp thời các sự cố.

 Ngoài việc áp dụng bảo vệ điểm cuối cần thiết, hãy triển khai giải pháp bảo mật giúp phát hiện các mối đe dọa nâng cao ở giai đoạn đầu, như Kaspersky Anti Targeted Attack Platform.

Nếu nhóm bảo mật nội bộ bị hạn chế về tài nguyên để chủ động ngăn chặn các mối đe dọa trước khi xảy ra thiệt hại, thì cần sử dụng chuyên gia hoặc sản phẩm bên ngoài như Kaspersky Threat Hunting service.

Tổ chức, DN cũng cần đào tạo nâng cao nhận thức bảo mật cho nhân viên, thông qua Kaspersky Automated Security Awareness Platform. Nền tảng cũng giải thích tại sao mật khẩu nên được thay đổi thường xuyên.

QA 

Thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G bằng thiết bị Make in Vietnam

Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ được việc sản xuất hoàn toàn tất cả các thiết bị viễn thông 5G. 

Thử nghiệm 5G bằng thiết bị Make in Vietnam

Sáng 17/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: Trọng Đạt

Mạng di động 5G chính thức lần đầu tiên được kết nối thử nghiệm tại Việt Nam vào sáng 10/5/2019. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị mạng do Việt Nam tự sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Đây là thiết bị do Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nghiên cứu và sản xuất. 

Với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019).

Như vậy, sau khi thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G bằng thiết bị do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Trọng Đạt

Hiện trên thế giới chỉ có 5 công ty là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G. Đáng chú ý khi trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất nhà mạng của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng tự sản xuất các thiết bị mạng.

Viettel đặt mục tiêu đến 6/2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến Tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Tập đoàn này hướng tới mục tiêu xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020

Tại sự kiện, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà mạng Viettel trong việc đầu tư nghiên cứu và sản xuất thiết bị 5G. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc có một mạng lưới viễn thông bằng các thiết bị Việt Nam là ước mơ và khát vọng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện. Hiện Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ được việc sản xuất hoàn toàn tất cả các thiết bị viễn thông. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm quan gian trưng bày các sản phẩm chip dùng cho thiết bị viễn thông được phát triển bởi Viettel.

Năm 2020 sẽ là năm quốc gia về chuyển đổi số. Để hướng tới việc biến Việt Nam trở thành một quốc gia số, cần phải phát triển hạ tầng viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Viettel phải sớm thương mại hóa thiết bị 5G Microcell vào tháng 6/2020. 

Đây cũng là khoảng thời gian Bộ TT&TT tiến hành cấp phép tần số dùng cho 5G. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam. 

Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc thử nghiệm cuộc gọi 5G lần đầu tiên bằng các thiết bị do Việt Nam sản xuất là minh chứng sinh động cho tinh thần bứt phá theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT trong việc hoàn thiện và tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thể chế. Bộ KH&CN sẽ tạo thuận lợi tối đa nhằm giúp Viettel nói riêng và các nhà sản xuất Việt Nam nói chung trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả và thành tựu R&D của mình.

Trọng Đạt/vietnamnet.vn