Sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử

Ngày 11/10/2019, tại Hà Nội, Bộ TTTT phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN), xã hội năm 2019”.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; đại diện Lãnh đạo Tỉnh/Thành ủy, UBND, Sở TTTT các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: “Ngày nay, giao dịch điện tử trong những hoạt động của các DN, cơ quan nhà nước và xã hội có vai trò hết sức quan trọng và là một hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Chữ ký số (CKS) là một trong những loại hình kỹ thuật, công nghệ đảm bảo sự an toàn, bảo mật cao cho giao dịch điện tử”.

Thời gian vừa qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giao dịch điện tử như: Nghị định 130 ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử; Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử; Nghị định 165 quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

“Các văn bản này quy định rõ về giá trị pháp lý của CKS, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có ký số có giá trị như bản giấy”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025. Bộ TTTT theo tinh thần của Nghị quyết 17 cũng được giao nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dư liệu; Triển khai dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động để thuận tiện sử dụng cho người dân, DN; Triển khai các giải pháp liên thông giữa hệ thống chứng thực CKS công cộng và hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ.

Trong Nghị quyết 17, Bộ TTTT được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, DN theo hướng giảm chi phí cấp và duy hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử. Chính phủ có mong muốn làm thế nào CKS được sử dụng rộng rãi trong giao dịch điện tử, cũng muốn giá thành chứng thư số phải giảm.

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Một trong những việc quan trọng để giảm được giá thành là phải làm thế nào để thúc đẩy việc sử dụng CKS rộng rãi. Nhiều người sử dụng thì giá thành sẽ giảm”.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, xây dựng CPĐT không phải là chúng ta chỉ cần ứng dụng công nghệ vào, mà chúng ta còn phải làm thế nào để các quy trình thực hiện thủ tục hành chính của chúng ta phải đơn giản, phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính (CCHC).

Thứ trưởng lấy ví dụ là thời gian vừa qua, Bộ TTTT phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để triển khai hệ thống văn bản điện tử. Trong quá trình triển khai, có rất nhiều vướng mắc, trong đó có việc chúng ta áp dụng văn bản điện tử nhưng quy trình hành trình hành chính vẫn không thay đổi, như quy trình thực hiện văn bản giấy. Như vậy, có lẽ chúng ta sẽ khó thành công.

Theo Thứ trưởng, đây là một thực tiễn, nhiều khi chúng ta nghĩ quá nhiều về công nghệ, nghĩ quá nhiều các vấn đề về ứng dụng CNTT nhưng cái gốc của vấn đề là làm thế nào gắn kết được 2 vấn đề để cải cách hành chính tạo thuận lợi cho ứng dụng CNTT thành công, và ứng dụng CNTT thành công cũng là tạo điều kiện để chúng ta CCHC.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng Ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết: Tính đến tháng 9/2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đáp ứng kịp thời gần 220.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.

Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ TTTT, Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai CKS chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; Nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; Góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CCHC và phát triển CPĐT.

Bổ sung quy định sử dụng giấy tờ, tài liệu áp dụng CKS của cá nhân, DN trong thủ tục hành chính

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết: CKS có giá trị pháp lý, được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản điện tử, chứng từ điện tử, hoá đơn điện tử…). “CKS đảm bảo xác định được người ký số, tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và người ký không chối bỏ được”.

Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC

Theo ông Hoàn, chứng thư số sử dụng để ký số được cấp phát bởi CA hợp lệ, trong đó quy định thuật toán ký số, lược đồ ký số, hàm băm sử dụng do pháp luật quy định.

Bộ TTTT đang xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử - đang lấy ý kiến các Bộ, Ngành, tỉnh, thành phố; Thông tư quy định về sử dụng CKS trong giao dịch điện tử - Đang xin ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương, Sở TTTT, DN, hiệp hội; Thông tư về Mobile PKI về ký số từ xa (remote singing) – đã gửi xin ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương.

Ông Hoàn kiến nghị các Bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến:

- Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật: Bổ sung các quy định sử dụng các giấy tờ, tài liệu điện tử có áp dụng CKS của các cá nhân, DN trong thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến).

- Xây dựng các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công trực tuyến đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CKS để chấp nhận CKS trên tài liệu, hồ sơ điện tử của người dân, DN để đảm bảo tính pháp lý.

- Xây dựng và phát triển các hệ thống quản lý văn bản điều hành để trao đổi văn bản điện tử với các cơ quan khác (Quyết định 28/2018/QĐ-TTg và NQ 17/NQ-CP) cần lưu ý việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CKS, liên thông hệ thống CA đối với văn bản điện tử để đảm bảo tính pháp lý.

Toàn cảnh Hội nghị

Đối với các tổ chức, DN, ông Hoàn yêu cầu khi triển khai các hệ thống thông tin liên quan đến việc ký số, kiểm tra CKS (chấp nhận CKS) của người dân, DN và cơ quan nhà nước cần tuân thủ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CKS, kiểm tra CKS, quy định liên thông để đảm bảo tính pháp lý.

Những kết quả đáng khích lệ về ứng dụng CKS

Theo số liệu thống kê của NEAC, tính đến 30/6/2019, các CA công cộng đã cấp 2.699.668 chứng thư số. Số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.166.896.

Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các DN, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như Thuế điện tử, Hải quan điện tử và Bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra, còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử,  giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử…

Điển hình là lĩnh vực thuế, sau 10 năm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng CKS tại Tổng cục Thuế, hiện nay tần suất sử dụng ngày càng tăng cao.

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Số lượng DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử tính đến 31/3/2019 là 711.604 DN hoạt động;

Về nộp thuế qua mạng, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế tính đến 31/3/2019 là 703.753 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,87%;

Về hóa đơn điện tử, số lượng DN xuất hóa đơn điện tử trên hệ thống tính đến ngày 31/3/2019 đạt 255 DN.

Trong khi đó, tính đến hết quý I/2019, Tổng cục Hải quan đang cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến áp dụng CKS để xác thực và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng CKS để xác thực.

Số lượng DN sử dụng CKS để giao dịch dịch vụ công trực tuyến tính đến thời điểm 31/3/2019 tại các hệ thống: Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS): 203.967 DN tham gia; Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia: 28.464 DN tham gia và 173 thủ tục đã triển khai.

Bảo hiểm xã hội sau hơn 04 năm triển khai, các dịch vụ công trực tuyến áp dụng CKS phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến 31/3/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến dành cho DN với 323.481 DN ứng dụng dịch vụ.

Lan Phương/ictvietnam.vn

Tin nổi bật