5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số

Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week - VIDW2022) với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững" (Global Partnership for the Sustainable Digital Future) do Bộ TT&TT Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc sáng ngày 11/10/2022.

Tham dự phiên khai mạc VIDW2022 có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ (KHCN) và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững

Phát biểu khai mạc Tuần lễ số quốc tế, Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các tổ chức quốc tế: ITU, GSMA, UNICEF, UNESCO, ILO và Ngân hàng thế giới; các đoàn đại biểu ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar, Thailand, Brunei, Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia); các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và EU và các công ty công nghệ quốc tế gồm Nokia, Huawei, Samsung, LG, Cisco, Qualcomm, KDDI, Softbank, Red Hat, Kaspersky,...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây

Theo Bộ trưởng, cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và cũng là thách thức nhất đối với nhân loại. Chuyển đổi số (CĐS) sẽ là nội dung chính trong Tuần lễ số quốc tế 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, Việt Nam.

Trong thế giới số, Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ gần nhau hơn, ảnh hưởng lẫn nhau sẽ lớn hơn, và vì vậy, chúng ta sẽ phải học thêm để sống cùng nhau. Khả năng chung sống hòa bình cùng nhau là thước đo văn minh của nhân loại. Có thể, trên không gian số, loài người sẽ học hỏi được nhiều hơn để chung sống hòa bình tốt hơn quá khứ.

Một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới, văn hóa mới. Cái mới thì không có ai đi trước để dạy bảo, mà chỉ còn cách là trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Vì lý do này mà chủ đề được lựa chọn cho Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên là: Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững. Sáng kiến này lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và ẽ duy trì để nó trở thành thường niên của các nước ASEAN. Tuần lễ sẽ cùng nhau trao đổi về CĐS, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự VIDW2022

5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định: "5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì mà chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước".

Bộ trưởng khẳng định: Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện One ASEAN thì CĐS và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số.

Cũng tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara đã chia sẻ những kế hoạch phát triển quốc gia số của Lào. Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết Chính phủ Lào cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua việc tăng tốc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ. Năm 2021, tại Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số (2021-2040), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển quốc gia số 5 năm (2021-2025). Kế hoạch phát triển nói trên đã đưa ra 8 ưu tiên chiến lược và 14 chương trình nhằm thúc đẩy cải thiện năng suất thông qua CĐS trong cả khu vực hành chính công và khu vực tư nhân cũng như khuyến khích hợp tác với các đối tác bên ngoài và các bên liên quan.

ICT, kỹ thuật số và viễn thông: một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam

CĐS mang lại cả cơ hội và thách thức cho CHDCND Lào, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara hy vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và tận dụng tiềm năng của công nghệ số cho cả ngành công nghiệp và dịch vụ. Chính phủ cũng đã cải thiện một số khuôn khổ quy định và chính sách để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số và cho phép các DN nhỏ và vừa (MSME) và công ty khởi nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.

Bộ trưởng Boviengkham Vongdara: ICT, kỹ thuật số và viễn thông là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam

Đối với quan hệ đối tác kỹ thuật số của Lào, Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết Chính phủ Lào đã giao Bộ Công nghệ và Truyền thông chủ trì và điều phối về CNTT - truyền thông, kỹ thuật số và viễn thông. "Chúng tôi đã tích cực tham gia vào nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế bao gồm ASEAN, APT, ITU, UNESCAP, v.v.. Chúng tôi đã mở tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác của chúng tôi với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế khác", Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cũng khẳng định ICT, kỹ thuật số và viễn thông là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với hợp tác Lào - Việt Nam, là những yếu tố chính hỗ trợ phát triển kết nối kỹ thuật số. CHDCND Lào đang chuyển đổi từ một quốc gia không có đất liền sang một quốc gia liên kết với đất liền trong khu vực thông qua chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy cần học hỏi những nước đã làm và thành công trước chúng ta. Việt Nam là một quốc gia đã phát triển qua nhiều kinh nghiệm và đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trong đợt bùng phát COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bất chấp những thách thức và khó khăn từ đại dịch, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức 7%. Và Việt Nam có thể chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm với Lào theo nhiều cách.

"Năm nay, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào sẽ tổ chức Tuần lễ kỹ thuật số Lào vào tháng 12/2022, nhằm thúc đẩy và phát triển công nghệ số đổi mới, CNTT-TT và Viễn thông cho tất cả các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như thúc đẩy quá trình số hóa số hóa quy trình sản xuất và dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chúng tôi đã đặt chủ đề của sự kiện sắp tới là: "Hợp tác xuyên suốt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Lào", Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết.

Đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam và ASEAN lĩnh vực ICT, số hoá

Tại phiên khai mạc, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Vương Quốc Anh, Nhật Bản, Hàn quốc đã khẳng định vai trò của CĐS, số hóa trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch.

Ông Jesús Laviña, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết EU nỗ lực CĐS và xanh. Công nghệ số đã cho thấy tầm ảnh hưởng, vai trò, được đẩy mạnh và hỗ trợ trong cuộc sống, công việc cũng như mang lại nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần phải giải quyết.

Theo đó, ông Jesús Laviña cho biết 27 nước EU đã thống nhất định hướng "la bàn số" tập trung vào 4 ưu tiên: kỹ năng, chính phủ, hạ tầng và doanh nghiệp. Mục tiêu của định hướng là đưa con người vào trung tâm phục vụ như đảm bảo quyền lựa chọn trên không gian số, bảo đảm an ninh mạng cho người dân.

Sau định hướng "la bàn số", EU còn có sáng kiến con đường vào thập kỷ số (path to the digital decade) có các trụ cột về mục tiêu à nguyên tắc số, các nghĩa vụ hợp tác và điều phối hành động , các hỗ trợ đầu tư.

EU cũng có Dự án hợp tác với ASEAN (ASEAN Digital Index) - bộ công cụ phát triển số hoá, có các chỉ số tổng quan và cụ thể, giúp so sánh quốc tế, các nước nội bộ ASEAN; Chương trình hợp tác đa niên (MIP 2021 – 2027), thúc đẩy hợp tác giữa EU và Việt Nam về kinh tế số, kinh tế toàn hoàn, DN có trách nhiệm và việc làm; tăng cường quản trị, cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Ông Jesús Laviña khẳng định: "CĐS là trục xuyên suốt các phát triển này".

Toàn cảnh phiên khai mạc VIDW2022

Trong khi đó, ông Lee Byoung Moog, Đại diện Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc chia sẻ sự phát triển của KHCN có đáp ứng thích ứng với những biến động như hiện nay và giúp các nước nắm bắt cơ hội. Hàn Quốc đang tiên phong AI, số hóa để vượt qua thách thức đang gặp phải và cất cánh trong tương lai.

Chiến lược số hóa của Hàn Quốc đã được đưa ra vào tháng 9/2018, xây dựng mục tiêu, lộ trình để theo đuổi giá trị con người trên môi trường mạng, phù hợp với chiến lược của Tổng thống Hàn Quốc đưa ra vào tháng 9/2022 là thúc đẩy kinh tế số - xã hội. Hàn Quốc tập trung thúc đẩy 5 lĩnh vực: số hóa hàng đầu thế giới thúc đẩy XH hóa bao trùm, chính phủ số, văn hóa số, xã hội số, kinh tế số.

Hàn Quốc cũng tập trung đầu tư vào dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội, AI, đám mây, phần mềm, hạ tầng, hệ thống lượng tử, OTT, xây dựng hệ sinh thái liên quan đến AI, sử dụng dữ liệu lớn, nguồn nhân lực để vào năm 2026 lọt vào top quốc gia về năng lực số.

Hàn Quốc đang được WIPI xếp hạng thứ 5 về số hóa và mục tiêu của Hàn Quốc dẫn đầu, thứ 3 về AI vào năm 2027 khi hiện tại đang ở vị trí thứ 6. Hàn Quốc quy mô thị trường dữ liệu đạt 50 tỷ USD vào năm 2027 khi hiện nay đạt 24 tỷ USD. Hàn Quốc đặt mục tiêu dẫn dắt trật tự số hóa mới.

Bà Mercedes White, Vương Quốc Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam và ASEAN vì khu vực này và châu Á – Thái Bình Dương là nơi đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Ông Atsushi, Umino, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền Thông Nhật Bản chia sẻ Bộ tăng cường hợp tác với Việt Nam, ASEAN, khuyến khích các DN tư nhân tham gia thúc đẩy hợp tác về 5G, CĐS trong ASEAN, thúc đẩy hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam và các nước ASEAN.

Tuần lễ số quốc tế sẽ diễn ra từ 11 – 14/10/2022 tập trung thúc đẩy và mở rộng các uqan hệ đối tác số, với các ưu tiên: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Trong khuôn khổ VIDWW2022, phiên toàn thể là dịp để cơ quan hoạch định chính sách của các nước chia sẻ các chiến lược, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển số, kinh nghiệm quản lý và đo lường kinh tế số, các ưu tiên trong việc xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác số với Việt Nam và khu vực.

Hội nghị ASEAN về 5G, diễn ra ngay sau phiên toàn thể, là sáng kiến của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Tin nổi bật