Phải hồi đáp kiến nghị của cơ quan báo chí trong vòng 30 ngày

Một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Luật Báo chí vừa được Quốc hội khoá 13, Kỳ họp thứ 11 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Ai có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí?

Về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Cụ thể, tại Điều 38 về cung cấp thông tin cho báo chí, quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”.

Khoản 2 Điều 38 cũng nêu rõ những trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Một là, thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Hai là, thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ba là, thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố. Bốn là, những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Quá thời hạn không có hồi đáp, thông tin khiếu nại được đưa lên mặt báo

Theo Điều 39 quy định về việc “trả lời trên báo chí”, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

Trong thời hạn 10 ngày đối với báo in ra hàng ngày và báo nói, báo hình, báo điện tử, 15 ngày đối với báo tuần, trên số ra gần nhất đối với tạp chí in kể từ khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc văn bản trả lời kiến nghị, phê bình của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề mà báo chí nêu hoặc tiếp nhận, cơ quan báo chí phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, công dân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc đăng, phát trên báo chí của mình.

Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức, công dân.

Không được đưa thông tin ảnh hướng đến phát triển bình thường của trẻ em

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, Điều 9 Luật Báo chí mới đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...

Những hành vi cấm đăng, phát thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Cụ thể, có 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Thứ nhất, cấm đăng, phát thông tin chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam có nội dung: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý. Thứ hai, cấm đăng, phát thông tin có nội dung: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Thứ ba, cấm đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. 

Thứ tư, cấm xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc. 

Thứ năm, cấm tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, cấm thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. 

Thứ bảy, cấm kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Thứ tám, cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

Thứ chín, cấm thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

Thứ mười, cấm in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính. Cấm cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.

Bên cạnh đó, Luật cũng cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đồng thời, cấm đăng, phát các thông tin cấm ở trên trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí.

Nguồn: Pháp Luật Việt Nam

Tin nổi bật