Syndicate content

Nghề báo

Giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử là không khả thi

Tóm tắt: 

Việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí, do đó sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng tin bài và nhiều báo sẽ không thể tồn tại.

Thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban về Dự án Luật Quảng cáo cho thấy, việc quy định giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử là không khả thi.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban về Dự án Luật Quảng cáo đưa ra tại kỳ họp thứ 2, UBTVQH khoá 13 (ngày 26/9) cho biết, theo điều 26 Dự thảo Luật quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá giới hạn 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình.

Nhưng theo kết quả giám sát của Uỷ ban, nguồn thu duy nhất của tất cả các báo điện tử đều từ quảng cáo. Hiện nay, trong số 34 báo điện tử và 66 trang thông tin điện tử, chỉ có 3 báo điện tư hoạt động hoà vốn hoặc có lãi. Việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí để chi cho hạ tầng công nghệ, thuê máy chủ, băng thông, đường truyền và nguồn nhân lực vận hành, do đó sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng tin bài và nhiều báo sẽ không thể tồn tại.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phân tích, do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể kéo dài bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình. Hơn nữa, bên cạnh phần quảng cáo cố định trên khuôn hình máy tính, còn có những hình thức quảng cáo không cố định, có thể phóng to, thu nhỏ tuỳ theo ý muốn của độc giả. Do vậy, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi.

Thêm vào đó, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện, do vậy, cùng một thông tin có thể truyền tải trên nhiều phương tiện như máy tính, ti vi, điện thoại di động có cấu hình khác nhau. Nếu quy định cứng nhắc về diện tích quảng cáo trên báo điện tử thì sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự.

Không nên giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử

Thường trực Uỷ ban cũng nhận thấy, theo quy định, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, còn hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại điều này cho phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến hình thức quảng cáo bằng đoàn người, Thường trực Uỷ ban cho rằng đây là loại hình quảng cáo mới đang có một số biến tướng phức tạp, không ít trường hợp gây náo loạn đường phố, gây ùn tắc giao thông, cần phải bổ sung quy định nhà tổ chức phải thông báo cho chính quyền địa phương trước khi tổ chức hoạt động này để chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng có thể giám sát, không để ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và an toàn xã hội.

Nội dung quảng cáo liên quan đến sức khoẻ trẻ em được đặc biệt quan tâm khi Thường trực Uỷ ban phân tích: Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Luật Quảng cáo quy định cấm quản cáo "Các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình vú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ từ khi sinh đến sáu tháng tuổi". Trong khi đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 lại quy định: "Nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức". Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo Luật cân nhắc lại điều này để quy định cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

Đặc biệt, qua giám sát thực tế, Thường trực Uỷ ban nhận thấy hiện nay có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh, danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị bổ sung thêm một khoản cấm về vấn đề này.

Có nên bỏ giấy phép trong lĩnh vực quảng cáo?

Tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, không nên quy định quá chi tiết về các mặt hàng bị cấm quảng cáo vì về sau sẽ phát sinh rất nhiều mặt hàng khác và không thể cứ sửa đổi luật thường xuyên được.

Ông Lý cũng đề cập đến việc có thể bỏ giấy phép quảng cáo, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề này cần cân nhắc, bởi nếu bỏ toàn bộ thì thị trường sẽ rất loạn. Theo đó, phải xem xét loại nào có thể bỏ được, loại nào không.

Ý kiến của Chủ nhiệm Phan Trung Lý được khá nhiều ý kiến tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất nên tìm hiểu kinh nghiệm của các nước xem liệu họ có bỏ cấp giấy phép trong lĩnh vực quảng cáo hay không. "Nếu làm rõ được những điều kiện thẩm quyền quảng cáo thì không cần phải cấp phép quảng cáo; nhưng nếu như chưa quy định cụ thể được như vậy thì phải cấp giấy phép" - ông Lưu nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề cập đến việc xem xét nên quy định dành 1 kênh truyền hình dành riêng cho quảng cáo.

Tuệ Khanh

Theo VnMedia

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo
Các chuyên mục liên quan: 
Thời sự ICT

Giải thưởng báo chí trực tuyến thế giới năm 2011

Tóm tắt: 

Năm nay là năm thứ 12 Hiệp hội báo chí trực tuyến tiến hành trao thưởng, nhằm "giới thiệu những thay đổi trong nhận thức về sự bùng nổ của thông tin trên nền tảng kỹ thuật số mới".

Các trang BBC News, Flipboard, Los Angeles Times, Zeit Online và Washington Post đã giành những giải thưởng quan trọng trong lễ trao giải báo chí trực tuyến năm 2011 (Online Journalism Awards - OJA) diễn ra tại Boston, Mỹ hôm 25/9.

Al Jazeera giành giải tin thời sự cho dòng sự kiện về tình hình Ai Cập. Ảnh chụp màn hình.

LA Times và Pro Publica cùng giành giải Quỹ Gannett dành cho thể loại điều tra, mỗi giải trị giá 2.500 USD. BBC News, Globe and Mail, Voice of San Diego, NJ Spotlight, OWNI and LA NACION giành giải Báo chí trực tuyến xuất sắc mỗi giải trị giá 3.000 USD từ Quỹ Gannett. Asbury Park Press rinh giải Hiệp sĩ dành cho dịch vụ công, với giải thưởng là 5.000 USD do Quỹ John S. và James L. Knight trao.

Giải thưởng OJA cũng không bỏ qua những sự kiện thời sự lớn, khi trang thông tin của kênh truyền hình Arập Al Jazeera dành giải tin thời sự cho loạt tin bài về cuộc cách mạng ở Ai Cập.

Năm nay là năm thứ 12 Hiệp hội báo chí trực tuyến (Online News Association - ONA) tiến hành trao các giải thưởng, nhằm "giới thiệu những thay đổi trong nhận thức về sự bùng nổ của thông tin trên nền tảng kỹ thuật số mới," thông cáo báo chí của ONA cho hay.

Ông Anthony Moor, Trưởng Ban giám khảo OJA đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của "thế hệ nhà báo kỹ thuật số," cũng như "sự bùng nổ của các sản phẩm có chất lượng đến từ những loại hình báo chí phi truyền thống như báo hình hay báo in, trong việc đưa thông tin đến với công chúng rộng rãi."

Giải thưởng OJA được trao lần đầu vào năm 2000 do ONA phối hợp với Khoa truyền thông của trường Đại học Tổng hợp Miami tổ chức, tôn vinh những thành tựu xuất sắc của báo chí kỹ thuật số, tập trung vào các trang thông tin có tính độc lập, vì cộng đồng, phi lợi nhuận, các trang tin tức lớn mang tầm cỡ quốc tế.

Có 6 giải thưởng lớn được trao với tổng giá trị giải thưởng lên tới 33.000 USD, được trích từ Quỹ Gannett và Quỹ John S. và James L. Knight.

Dưới đây là các giải thưởng ở từng hạng mục:

- Giải Hiệp sĩ cho dịch vụ công: "Barnegat Bay Under Stress" – Asbury Park Press

- Giải Báo chí trực tuyến xuất sắc (General Excellent in Online Journalism) dành cho các trang thông tin lớn: BBC News; dành cho trang thông tin tầm trung: Globe and Mail; dành cho trang thông tin quy mô nhỏ: Voice of San Diego; dành cho các trang thông tin nhỏ: NJ Sportlight

- Giải Báo chí trực tuyến xuất sắc dành cho các trang thông tin không phải tiếng Anh, quy mô nhỏ: OWNI; quy mô lớn: LA NACION

- Giải tin thời sự, dành cho trang thông tin lớn: Dòng sự kiện về cuộc cách mạng ở Ai Cập – Al Jazeera; dành cho tràn thông tin nhỏ: Loạt tin bài về bão tuyết đổ vào New York – WNYC Radio.

- Giải dành cho chuyên trang: NPR Music của NPR (đồng hạng) và Pipiline – Pittsburgh Post-Gazette/post-gazette.com (đồng hạng)

- Giải dành cho trang thông tin độc lập: edweek.org

- Giải Quỹ Gannett dành cho thể loại điều tra, dành trang thông tin lớn: Tác phẩm "Breach of Faith" – Los Angeles Times; dành cho trang thông tin nhỏ: "Dialysis" – ProPublica.

- Giải dành cho tác phẩm được trình bày bằng nhiều loại hình kết hợp (đa phương tiện), dành cho trang thông tin lớn: Traumatic Brain Injury: Coming home a different person – Washington Post; dành cho trang tầm trung: Exile Without End: Palestinians in Lebanon – CBC News, Radio-Canada, ALT Digital Design Studio; dành cho trang quy mô nhỏ: Crisis Guide: Pakistan – Council on Foreign Relations / MediaStorm; dành cho trang của sinh viên: Global Warning – Khoa Báo chí Đại học Northwestern.

- Giải dành cho tường thuật trực tiếp, dạng blogging, dành cho trang thông tin lớn: CNN Belief Blog – CNN Digital; dành cho trang tầm trung: Ward Room – NBCChicago.com; dành cho trang quy mô nhỏ: OpenSecrets.org.

- Giải thưởng bình luận: Arianna Huffington – The Huffington Post

- Giải thưởng dành cho tin đồ họa: Tell-All Telephone – Zeit Online

- Giải thưởng dành cho tin video, dành cho trang thông tin lớn: Caught in the Crossfire: Victims of Gang Violence – Los Angeles Times; dành cho trang tầm trung: Exile Without End: Palestinians in Lebanon – CBC News, Radio-Canada, ALT Digital Design Studio; trang thông tin quy mô nhỏ: Powering a Nation: Spilling Over – UNC News21; dành cho trang của sinh viên: Haiti's Lost Children – University of Miami (đồng hạng), Now What Argentina? – University of North Carolina & Universidad Pontifica de Argentina (đồng hạng)

- Giải thưởng tương tác với cộng đồng: The Tiziano Project | 360 Kurdistan

- Giải dành cho dịch vụ báo chí: Flipboard

Theo TTXVN

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Ngỡ ngàng online

Tóm tắt: 

"Tưởng rằng, viết báo thì báo nào chẳng thế, điện tử hay báo giấy cũng chỉ là công cụ truyền tải thông tin. Có chăng viết online thì yêu cầu nhanh hơn. Hoá ra không phải vậy!"

LTS: Nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 18 của Báo Đầu tư và tròn 2 năm Báo Đầu tư điện tử hòa mạng, Nhà báo Tuyết Ánh - Phó Trưởng Ban Đầu tư (Báo Đầu tư) chia sẻ cảm xúc đầy háo hức của những ngày đầu làm báo điện tử. ICTPress xin giới thiệu cùng độc giả và các đồng nghiệp.

Tưởng rằng, viết báo thì báo nào chẳng thế, điện tử hay báo giấy cũng chỉ là công cụ truyền tải thông tin. Có chăng viết online thì yêu cầu nhanh hơn, nhưng lại có thể phóng tay hơn vì đất đai là vô hạn... Hoá ra không phải vậy!

Ngày đầu tiên Báo Đầu tư điện tử (baodautu.vn) lên mạng thử nghiệm, phóng viên Ban Đầu tư háo hức tác nghiệp, biên tập viên háo hức biên tập rồi trình duyệt ngay trên hệ thống mạng nội bộ. Đúng là online có khác, nhanh như điện tử. Thế nhưng, sếp đọc duyệt rồi phê: "Không phải cách viết cho online".

Giở lại những bài viết đầu tiên, mới thấy rõ sự mơ hồ của phóng viên báo viết khi bước chân sang lãnh địa mới. Hồi ấy, rõ ràng có lớp đào tạo của Chi hội Nhà báo về cách viết báo điện tử, có hò nhau đọc báo mạng, thậm chí đọc nát các báo bạn để học, vậy mà phong cách vẫn đậm đặc mùi giấy in. Sa-pô cái dài, cái ngắn; "tít" cũng lại tít trên, tít dưới. Cố gắng nhiều động từ, tính từ lắm mà bài vở chẳng nóng thêm độ nào.

Kể cả công nghệ và kỹ thuật cũng vậy, hôm thông, hôm tắc, lúc chậm, lúc nhanh mà chẳng biết tại sao. Cách phân công nhau thức muộn, dậy sớm để post bài cho kịp sao mà vất thế. Nhớ lần một doanh nghiệp gọi đến hỏi link một bài đã đăng mấy hôm trước, mới tá hoả tìm kiếm và ngỡ ngàng, hoá ra baodautu.vn lúc nào cũng chỉ mới tinh...

Bây giờ ngồi lại thì nghĩ ra thế, chứ những ngày đầu baodautu.vn trình làng, chỉ nhìn cái tên xuất hiện trên trang tìm kiếm Google cũng thấy nao nao. Mấy anh chị em được phân công làm online sáng nào cũng hì hụi vào trang Alexa.com để xem hôm nay báo lên - xuống thế nào. Phóng viên thì gửi tin qua... điện thoại, vì sợ đợi xong sự kiện thì báo khác họ chạy mất... Các sự kiện được tường thuật trực tiếp liên tục, thông tin được thường xuyên cập nhật... Hôm baodautu.vn lần đầu tiên lọt vào vị trí dưới 3.000 trên Alexa.com, Phó tổng biên tập Bùi Đức Hải háo hức từ sáng sớm: "Vào Alexa.com đi!".

Rất khó để tải hết cảm giác từ lúc baodautu.vn mơ hồ trong vô vàn trang mạng của Việt Nam và dần dần định hình, có bảng xếp hạng riêng. Hôm đầu tiên có phần bóc tách địa bàn của những người đọc baodautu.vn, anh em cứ đi ra đi vào xem có thêm lá cờ nào xuất hiện...

Ngày baodautu.vn chính thức ra mắt cũng chính là sinh nhật lần thứ 18 của Báo Đầu tư - 27/9/2009. Sau hai năm, mọi sự đều vào guồng. Sự ngỡ ngàng của những ngày đầu đã bị thế chỗ bởi những áp lực lên hạng, áp lực cạnh tranh. Sự ổn định của con số trên Alexa.com khiến những người làm cảm thấy sốt ruột. Nhưng tất cả đều tin rằng, thêm một tuổi mới, sức trẻ mới, baodautu.vn chắc chắn sẽ thêm vững vàng...

Tuyết Ánh

Baodautu

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Xuất hiện Báo Cần Thơ online giả

Tóm tắt: 

Hôm qua (14/9), từ nguồn tin của Báo Cần Thơ cho biết, đã phát hiện ra một website có tên miền Baocantho.net giả mạo thông tin của Báo Cần Thơ phiên bản online.

Giao diện trang chủ của Baocantho.net

Hôm qua (14/9), từ nguồn tin của Báo Cần Thơ cho biết, đã phát hiện ra một website có tên miền Baocantho.net giả mạo thông tin của Báo Cần Thơ phiên bản online.

Theo đó, website này đã giả mạo măng-set là Cần Thơ online và sử dụng dòng chữ: “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam thành phố Cần Thơ. Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ”. Bên cạnh đó, Baocantho.net còn ghi cả tên Tổng Biên tập Huỳnh Quốc Hoàng (trùng với tên Tổng Biên tập của Báo Cần Thơ).

Website này cũng chia các chuyên mục và thông tin đăng tải khá giống với phiên bản online của Báo Cần Thơ thật (www.baocantho.com.vn). Phía cuối trang Baocantho.net còn ghi: "Bản quyền của Báo Cần Thơ. Ghi rõ nguồn "Báo điện tử Cần Thơ" khi phát hành lại thông tin từ website này. Giấy phép số 23/GP-BC, do Cục báo chí Bộ Văn Hóa Thông Tin cấp ngày 07-11-2003. 24 Trần Văn Hoài , TP.Cần Thơ - Điện thoại: (0710) 3830098 - Fax: (0710) 3830561 - Email: toasoan@baocantho.com.vn...". Dường như tất cả các thông tin mà trang web này đưa lên hoàn toàn trùng khớp với phiên bản online của Báo Cần Thơ thật.

Để tìm hiểu thêm về chủ nhân của Baocantho.net, ICTnews đã tra cứu theo địa chỉ tên miền và được biết, Baocantho.net đăng ký từ ngày 22/8 năm nay với tên đơn vị đăng ký là Cong ty TNHH TM DV QUANG CAO MIEN TAY 24H.

Nói về sự việc giả mạo này, đại diện Báo Cần Thơ cho biết, Baocantho.net không liên quan gì đến Báo, và phiên bản online của Báo Cần Thơ chỉ có duy nhất một địa chỉ là www.baocantho.com.vn . Để điều tra động cơ, mục đích của chủ nhân lập ra website này, Báo Cần Thơ đã nhờ các cơ quan chức năng can thiệp.

N.N.K

ICTNews

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Thông tấn xã Việt Nam có Tổng Giám đốc mới

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1573/QĐ-TTg bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lợi. Ảnh:TTXVN.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2011.

Theo TTXVN, ông Nguyễn Đức Lợi sinh năm 1960, quê quán Triệu Phong, Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học tổng hợp Havana, Cuba - chuyên ngành Văn học Tây Ban Nha, hiện là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc TTXVN.

Quá trình công tác của ông Nguyễn Đức Lợi:

- Từ 11/1984 - 7/1990: Biên tập viên Ban biên tập Tin đối ngoại - TTXVN

- Từ 8/1990 - 9/1994: Biên tập viên; Phó trưởng tiểu ban Á-Phi-Mỹ Latinh (Ban Biên tập tin Thế Giới)

- Từ 10/1994 - 12/1997: Phóng viên thường trú tại Campuchia

- Từ 1/1998 - 5/2002: Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Tin Nhanh, Trưởng phòng Á-Phi-Mỹ Latinh (Ban tin Thế giới)

- Từ 6/2002 - 6/2005: Trưởng phân xã TTXVN tại Argentina

- Từ 7/2005 - 10/2006: Trưởng phòng tin Tham khảo (Ban tin Thế giới)

- Từ 11/2006 - 11/2008: Phó trưởng Ban tin Thế giới, Phóng viên chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư

- Từ 11/2008 - nay: Phó Tổng Giám đốc TTXVN.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Thi ảnh báo chí “Đất nước - Nhịp sống hôm nay”

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Cuộc thi dành cho tất cả các nhà báo - hội viên, các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp, những người yêu thích ảnh báo chí và nghệ thuật nhiếp ảnh trên toàn quốc.

(ICTPress) - Cuộc thi dành cho tất cả các nhà báo - hội viên, các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp, những người yêu thích ảnh báo chí và nghệ thuật nhiếp ảnh trên toàn quốc.

Với nội dung: phản ánh mọi mặt hoạt động xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta, bao gồm: đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, Cuộc thi toàn quốc ảnh báo chí “Đất nước - Nhịp sống hôm nay” do Tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã được phát động. Cuộc thi được sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Các tân binh vẫy chào người thân, bạn bè, đồng đội để lên đường ra Trường Sa nhận nhiệm vụ. Ảnh: Phương Hoa (TTXVN)

Cuộc thi dành cho tất cả các nhà báo - hội viên, các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp, những người yêu thích ảnh báo chí và nghệ thuật nhiếp ảnh trên toàn quốc.

Thể loại ảnh dự thi gồm ảnh tin, phóng sự ảnh, nhóm ảnh. Nhóm ảnh và phóng sự ảnh không quá 10 ảnh. Mỗi tác giả được gửi tối đa 10 tác phẩm dự thi (nhóm ảnh, phóng sự ảnh được coi là một tác phẩm). Ảnh chụp theo phương pháp ghi thực, không dùng kỹ xảo vi tính, ảnh đen trắng hoặc ảnh màu với kích cỡ 13cm x 18cm.

Tác phẩm dự thi là các tác phẩm chụp trong thời gian từ ngày 1/9/2011 đến 30/9/2012, chưa đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và chưa đoạt giải trong các cuộc thi do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác tổ chức.

Cơ cấu giải thưởng gồm một giải Nhất trị giá 15 triệu đồng, hai giải Nhì trị giá mỗi giải 10 triệu đồng, ba giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và nhiều giải Khuyến khích với mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.

Tác giả đoạt giải Ba trở lên được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cấp bằng chứng nhận và được tính điểm xét kết nạp (đối với tác giả chưa là hội viên) hoặc xét các quyền lợi khác (đối với tác giả là hội viên) theo quy chế của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Tác phẩm dự thi được ban tổ chức chọn để đăng tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam), tạp chí Nhiếp Ảnh, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và được trả nhuận ảnh theo quy định của mỗi tạp chí.

Ảnh dự thi gửi về tạp chí Người Làm Báo, địa chỉ 5/43/17 Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội hoặc 226/23 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian nhận ảnh từ ngày phát động đến hết ngày 30-9-2012. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 12/2012.

Ảnh dự thi ngoài việc gửi qua đường bưu điện (để chấm giải), tác giả có thể gửi qua thư điện tử để kịp thời đăng trên Tạp chí Người Làm báo và tạp chí Nhiếp ảnh; Ảnh gửi qua email có chiều dài nhất của ảnh là 1.800 PX (pixel); độ phân giải: 300 Dpi, email: cuocthianhbc@gmail.com

Mọi chi tiết xin gửi tới Email: cuocthianhbc@gmail.com hoặc điện thoại tới Thường trực Hội đồng giải: 0913202387 hoặc Ban tổ chức giải: 0903900019.

Mai Vân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Sự kiện 11/9, ấn tượng hoạt động của Tạp chí TIME

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Richard Stengel, quản lý biên tập của TIME, mô tả ấn bản này như "Một đài tưởng niệm cho sự kiện mà tất cả chúng ta đã trải qua và những gì tất cả chúng ta đều ghi nhớ".

(ICTPress) - Richard Stengel, quản lý biên tập của TIME, mô tả ấn bản này như "Một đài tưởng niệm cho sự kiện mà tất cả chúng ta đã trải qua và những gì tất cả chúng ta đều ghi nhớ".

Ngày 5/9, Tạp chí TIME đã phát hành số đặc biệt có tên “Beyond 9/11”, kỷ niệm 10 năm các cuộc tấn công vào New York và Trung tâm Thương mại thế giới. Hình ảnh bìa 1 là những cột ánh sáng tưởng niệm trên vị trí hai tòa tháp đôi bị sập ở New York. Đồng tác giả những cột ánh sáng là Julian LaVerdiere và Paul Myoda. Đây là một minh họa hình ảnh hai cột sáng này được nhìn từ không gian.

Bìa tờ TIME số này được viền màu bạc - đây là tờ bìa thứ 3 duy nhất trong lịch sử 88 năm tồn tại  TIME thay đổi màu viền đỏ thương mại truyền thống. 10 năm trước, trong những ngày sau thảm họa 9/11, TIME đã thay đổi đường viền lần đầu tiên trong lịch sử, thành màu đen. Tờ bìa TIME lần này đã tạo nên cơn sốt tại các quầy bán báo ngày 8/9.

Số kỷ niệm đặc biệt 10 năm sự kiện 11/9

Bên trong số Tạp chí đặc biệt này có một bức thư do quản lý biên tập Richard Stengel của TIME gửi tới độc giả có tiêu đề: "Lịch sử nước Mỹ không bao giờ đi theo một đường thẳng".

Richard Stengel mô tả ấn bản này như "Một đài tưởng niệm cho sự kiện mà tất cả chúng ta đã trải qua và những gì tất cả chúng ta đều ghi nhớ", trong đó là gần 100 tin bài về những sự kiện nảy sinh sau các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc.

Ấn bản đặc biệt của TIME sẽ đi kèm với một chương trình truyền hình đặc biệt kéo dài một tiếng đồng hồ có tên “Beyond 9/11: portraits of resilience”, (tạm dịch: Vượt qua 11/9: Chân dung của những người kiên cường) được chiếu vào đúng ngày Chủ nhật, 11/9, trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

40 chân dung nhân vật được nhiếp ảnh gia đã giành nhiều giải thưởng Marco Grob thực hiện, trong đó có cựu tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, cựu Thị trưởng thành phố New York Rudolph Giuliani và nhiều nhà lãnh đạo, hoạt động xã hội, những người phản ứng đầu tiên, và bốn người còn sống sót trên tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới và nhiều người bị tác động trực tiếp từ sự kiện này. LaVerdiere và Myoda là 2 trong 40 nhân vật được chụp chân dung và được mời chia sẻ những câu chuyện trong Chương trình truyền hình này.

Cùng với ấn bản và chương trình truyền hình, dự án Beyond 9/11 còn nhiều hoạt động khác: một trang web đặc biệt TIME.com đã đăng tải tất cả các chân dung và cậu chuyện kể được trực tiếp phát vào ngày 7/9; Một phiên bản iPAD đặc biệt và một cuốn sách dày 112 trang cũng được phát hành; Một bộ phim tài liệu dài 1 giờ về các nhân vật được trình chiếu với sự hợp tác với HBO vào 8h46 phút sáng 11/9 và được chiếu trên CNN và 50 điểm của Thư viện công cộng New York và một bộ phim các tiếng nói của ngày 9/11 sẽ được phát miễn phí trên Diễn đàn Phim ngày 11/9.

Ngoài ra, một triển lãm đa phương tiện về các bức ảnh chụp của Marco Grob cho Tạp chí TIME sẽ được trưng bày tại Gallery Milk ở New York và được mở cửa vào ngày 17/9. TIME và Marco Grob sẽ dành tiền thu được cho Bảo tàng và Khu tưởng niệm quốc gia 11/9.

Mai Vân

(Tổng hợp từ New York Times, Time.com)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Viết blog có nhuận bút

Tóm tắt: 

(ICTPress) - YuMe có điểm độc đáo là trang mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết.

(ICTPress) - YuMe có điểm độc đáo là trang mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết.

Mạng Thông Tin YuMe ra đời ngày 16/10/2008. Yume có 11 chuyên mục được sắp xếp khoa học. Bên cạnh nguồn thông tin đa dạng được thể hiện một cách gần gũi từ các cây bút mạng, bạn đọc có thể tương tác nhanh với tác giả bài viết thông qua những tiện ích của mạng xã hội như bình luận, gửi tin nhắn, chia sẻ bài viết…

Bạn đọc có thể tìm đọc các bài viết hay của các cây bút uy tín như nhà văn Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập, Dương Bình Nguyên, nhạc sĩ Quốc Bảo, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà báo Trung Nghĩa, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhiếp ảnh gia Hải Đông, Trần Việt Đức, giáo sư Nguyễn Vân Nam… trên mạng thông tin YuMe.

YuMe có điểm độc đáo là trang mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết. Chương trình nhuận bút được ra mắt nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực, những thông tin giá trị mà các cây bút chia sẻ với cộng đồng. Các bài viết hay sẽ nhận được nhuận bút dựa vào lượt xem của bài viết. Mức tính nhuận bút thấp nhất là mức 10 đồng/lượt xem và tối đa là 50 đồng/lượt xem. Hiện tại trên YuMe đã có thành viên nhận được hơn 4 triệu đồng nhuận bút/tháng. Nhuận bút của tháng sẽ được thanh toán qua cổng thanh toán trực tuyến Mobiví.

YuMe cũng thường xuyên tổ chức các giải thưởng dành cho Bài viết xuất sắcCây bút triển vọng của tháng: Giải thưởng được tổ chức hàng tháng và đã khởi động từ tháng 12/2010. Cuộc thi Truyện ngắn YuMe 2011 được tổ chức từ 15/4 - 15/7/2011 đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 tác giả với hơn 2000 tác phẩm dự thi. Đây là cuộc thi về văn học mạng đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và từ cuộc thi này, tập truyện “Thành phố không mặt người” cũng được xuất bản trên toàn quốc.

YuMe hiện có hơn 3,3 triệu thành viên, gần 600 cây bút chuyên nghiệp, lượt xem trung bình mỗi ngày hơn 2 triệu lượt. Mỗi ngày, hơn 30.000 bài viết được cập nhật tại YuMe, trong đó những bài viết hay được giới thiệu tại trang chủ để hàng triệu bạn đọc cùng theo dõi.

 Mai Vân

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

New Zealand đóng cửa Hiệp hội báo chí

Tóm tắt: 

Cơ quan thông tấn quốc gia của New Zealand sẽ đóng cửa trong tuần này, đánh dấu sự kết thúc của một tổ chức tin tức 132 năm tuổi đã góp phần hình thành bản sắc của đất nước New Zealand.

Cơ quan thông tấn quốc gia của New Zealand sẽ đóng cửa trong tuần này, đánh dấu sự kết thúc của một tổ chức tin tức 132 năm tuổi đã góp phần hình thành bản sắc của đất nước New Zealand.

Phòng tin tức chính của Hiệp hội báo chí New Zealand ở Wellington (Ảnh: AP).

Hiệp hội Báo chí New Zealand (NZPA) được cho là một nạn nhân của sự thay đổi công nghệ và quyền sở hữu phương tiện truyền thông. Hầu hết các tờ báo của New Zealand đã vào tay hai đế chế truyền thông Úc, và khi các báo này chia sẻ chuỗi câu chuyện với nhau, nhu cầu cần một nhà cung cấp tin tức bên ngoài của họ giảm đi đáng kể.

Là một cơ quan thông tấn, NZPA thường bán dịch vụ của mình cho bên báo chí, đài truyền hình và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến thay vì đưa tin trực tiếp tới tay độc giả. NZPA đã cố gắng thích nghi trong những năm gần đây bằng cách tìm kiếm nhà phát sóng mới và những khách hàng trực tuyến bên ngoài khu vực truyền thống của nó là chuỗi các tờ báo, nơi nó đồng sở hữu theo mô hình hợp tác xã. Tuy nhiên, cuối cùng NZPA đã bị ép ra.

Trong thời kỳ hoàng kim những năm 1980 - 1990, NZPA có đội ngũ hàng chục nhà báo, bao gồm cả các phóng viên ở London, Sydney, Hồng Kông và Washington. Các báo New Zealand cũng thường đặt hàng những câu chuyện được công chúng quan tâm với cơ quan này.

Rồi mô hình này bắt đầu bị phá vỡ khi các tờ báo hợp nhất và internet trở thành trào lưu. Với chuỗi báo chí có thể làm cho câu chuyện ngay lập tức có sẵn phục vụ đối tượng rộng trực tuyến rộng khắp, vai trò của NZPA bị lu mờ. Đến năm 2005, hầu hết các tờ báo đã ngừng đặt hàng bài viết với NZPA.

Cú đánh cuối cùng khiến NZPA gục ngã là khi Fairfax Media, một tập đoàn Úc sở hữu hơn 70 tờ báo New Zealand, quyết định kết thúc mối quan hệ kinh doanh với NZPA.

Một số người coi động thái này là một ví dụ khác của việc các công ty Úc ngày càng gia tăng kiểm soát đối với kinh tế New Zealand. Các công ty có trụ sở tại Úc hiện đang thống trị giới truyền thông, lĩnh vực ngân hàng và thâm nhập cả vào khâu bán lẻ của New Zealand.

Paul Thompson, điều hành biên tập của Fairfax, phát biểu: NZPA từng là một phần quan trọng, là "người đầy tớ tuyệt vời" của ngành công nghiệp báo chí trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình hình thay đổi.

Hoài Thanh
(Theo CL/Guardian)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo

Khuyến khích các tác phẩm về biển đảo

Tóm tắt: 

(ICTPress) - BCVT và CNTT trong an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa, nơi biên giới, các vùng biển đảo của Tổ quốc là nội dung của các tác phẩm tham dự cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” năm 2011 lần thứ 3 được Ban tổ chức khuyến khích.

(ICTPress) - Bưu chính, Viễn thông và công nghệ thông tin trong an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa, nơi biên giới, các vùng biển đảo của Tổ quốc là nội dung của các tác phẩm tham dự cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” năm 2011 lần thứ 3 được Ban tổ chức khuyến khích.

Tác phẩm "Bưu tá vùng sâu" của tác giả Lê Anh Dũng đoạt giải Ba cuộc thi năm 2010

Cuộc thi này được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát động nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập ngành Bưu điện (15/8/1945-15/8/2011), 64 năm ngày thành lập Công Đoàn Bưu điện Việt Nam (30/8/1947-30/8/2011), 66 năm kỷ niệm Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945-19/8/2011) và Quốc khánh 2/9.

Chất liệu dự thi sẽ là các bài viết, hình ảnh và video clip, kịch bản truyền thanh, kịch bản quảng cáo, TVC quảng cáo, cho các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh của VNPT, qua đó Ban tổ chức mong muốn lựa chọn được những tác phẩm phản ánh chân thực nhất, sống động nhất và ý nghĩa nhất những hoạt động của VNPT trong đời sống xã hội.

Ở phần thi tác phẩm viết, mỗi tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm dự thi. Bài viết có thể bao gồm: truyện ngắn, ký, hồi ký, phóng sự, chân dung, bài viết cảm xúc, tác phẩm kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện, phim truyền hình, kịch bản truyền thanh, kịch bản ý tưởng TVC quảng cáo…

Ở lĩnh vực ảnh, các thí sinh được gửi dự thi tối đa không quá 10 ảnh. Ảnh dự thi có thể chụp bằng phim hoặc máy ảnh kỹ thuật số, ảnh màu hoặc đen trắng. 

Với lĩnh vực Video Clip, tác phẩm dự thi có độ dài không quá 10 phút, nội dung bám sát những hình ảnh của VNPT trong sự phát triển chung của nền Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam hoặc những lĩnh vực như: Vì lợi ích cộng đồng, nhân đạo, sản xuất và kinh doanh, những gương người tốt việc tốt,… mà VNPT đang thực hiện.

Cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” lần thứ nhất đã diễn ra thành công vào năm 2009 với gần 600 tác phẩm dự thi của gần 200 tác giả từ mọi miền tổ quốc, trong đó có 83 tác giả là cán bộ công nhân viên thuộc VNPT. Bước sang năm thứ hai, cuộc thi cũng đã nhận được sự tham gia đông đảo của hơn 300 tác giả với gần 1.000 tác phẩm dự thi. Trong đó, có khoảng 700 tác phẩm ảnh, 200 tác phẩm viết và hơn 20 Video clip được dàn dựng công phu, chất lượng.

Hệ thống giải thưởng của Cuộc thi Thông tin và Cuộc sống năm thứ ba được mở rộng với những giá trị giải thưởng lớn hơn trên cả 3 hệ thống giải thưởng cho 3 thể loại tác phẩm dự thi: Ảnh, bài viết và video clip. Mỗi hệ thống giải gồm 1 giải nhất, 2 giải Nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Các tác phẩm giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích sẽ nhận được phần thưởng với giá trị tương ứng của mỗi giải là 15 triệu đồng, 7 triệu đồng, 5 triệu đồng, 2 triệu đồng. Tổng cộng giá trị giải thưởng không kể các hiện vật của nhà tài trợ lên đến 129 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn dành các phần thưởng hấp dẫn của các nhà tài trợ cho hệ thống giải chính thức cũng như hệ thống giải do độc giả bình chọn qua Website và SMS. Các giải thưởng phong trào cho các tập thể trực thuộc VNPT do Công đoàn Bưu điện Việt Nam trao tặng vẫn tiếp tục được duy trì.

Ban tổ chức cũng khuyến khích cán bộ công nhân viên VNPT tham gia các tác phẩm phản ánh và tôn vinh các gương điển hình người tốt việc tốt trong sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ của Tập đoàn.

Các thành viên Hội đồng chung khảo là những nhà chuyên môn uy tín đã theo sát cuộc thi suốt 2 năm qua gồm: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, Giám đốc hệ Phát thanh có hình VOVTV; Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh - Vũ Huyến; Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ và đại diện của VNPT.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến được tổ chức cuối tháng 11/2011.

Bài dự thi xin gửi về:

Qua đường bưu điện: Ban tổ chức cuộc thi “Thông tin và Cuộc sống” - Toà soạn Báo điện tử VnMedia 142 Lê Duẩn - Hà Nội.

Qua địa chỉ E-mail: thongtinvacuocsong@vnmedia.vn

Trang web chính thức của cuộc thi:  http://vnmedia.vn/thongtincuocsong; http://thongtincuocsong.vnmedia.vn.

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Nghề báo