Nghề báo
Tròn 11 tuổi, VnExpress mở rộng sang báo in
Submitted by nadung on Sun, 26/02/2012 - 10:41(ICTPress) - Hôm nay (26/2), Báo điện tử VnExpress kỷ niệm 11 năm thành lập.
(ICTPress) - Hôm nay (26/2), Báo điện tử VnExpress kỷ niệm 11 năm thành lập.
Thành lập ngày 26/2/2001 từ một trụ sở chính ở Hà Nội, VnExpress hiện có văn phòng đại diện tại TP HCM cùng gần 200 nhân sự với tuổi đời trung bình khoảng 30 tuổi.
Tòa soạn VnExpress. Ảnh: VnExpress. |
Tổng Biên tập VnExpress Thang Đức Thắng cho biết, hiện tại, mỗi ngày báo điện tử này có khoảng 16 triệu độc giả truy cập và 30 triệu lượt xem trang (pageview).
Để chuẩn bị cho sự phát triển mới, cách đây vài tháng, VnExpress chuyển trụ sở về tòa nhà FPT Cầu Giấy với tổng diện tích văn phòng gần 1.000 m2, và tiến hành thay đổi lớn về thiết kế tòa soạn.
Trụ sở mới được VnExpress thiết kế theo mô hình tòa soạn hội tụ, từ hình thức thiết kế văn phòng đến cách triển khai nội dung, nhằm giúp luồng chảy thông tin giữa các bộ phận được mạch lạc, đảm bảo yếu tố tốc độ và tối ưu hóa nhân lực.
Trụ sở mới của VnExpress được thiết kế theo mô hình "Super desk - tòa soạn hội tụ". Ảnh: VnExpress. |
VnExpress cho biết, mô hình tòa soạn mới này nhằm đón đầu cho việc có thêm các kênh mới như báo in, tạp chí, báo trên Mobile...
Kế hoạch mở rộng thêm các loại hình báo chí mới đã được FPT khởi động trong năm 2011, bằng việc hoàn tất hợp tác, đầu tư vào Tạp chí Thế giới vi tính (PCWorld Việt Nam) hồi tháng 11/2011.
Bên cạnh báo điện tử chính, hiện VnExpress còn có các chuyên trang Ngôi sao, Số hóa, Game thủ, eBank. Từ cuối năm 2011, VnExpress cũng đưa vào thử nghiệm chuyên trang Tài chính tại địa chỉ taichinh.vnexpress.net.
Trong nhiều năm nay, VnExpress vẫn giữ vững vị trí báo điện tử được nhiều người truy cập nhất đồng thời chiếm thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.
Lê Nguyên
Dọa chọc thủng mắt, giết cả nhà phóng viên vì... chụp ảnh công an gây tai nạn
Submitted by nadung on Sat, 25/02/2012 - 06:00Sau khi một số phóng viên ghi hình, ghi âm vụ tai nạn do một số công an phường Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) gây ra, một số đối tượng giang hồ đã tới dọa giết phóng viên...
Sau khi một số phóng viên ghi hình, ghi âm vụ tai nạn do một số công an phường Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) gây ra, một số đối tượng giang hồ đã tới dọa giết phóng viên...
Dọa chọc thủng mắt, giết cả nhà phóng viên
Khoảng 21 giờ 15, ngày 23.2.2012, phóng viên các báo Nông Thôn Ngày Nay, Thanh Niên, Pháp luật TP.HCM, Tuổi Trẻ nhận được thông tin vụ tai nạn giao thông do một số công an gây ra khi họ đuổi bắt đối tượng vi phạm đâm vào người đi đường trên đoạn đường Trần Hưng Đạo, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng. Nhóm phóng viên ngay sau đó xuống hiện trường, thấy có 4-5 người mặc cảnh phục. Trong khi phóng viên các báo nói trên ghi hình, ghi âm thì bị một chiến sĩ công an lao lên giật máy ảnh, nhưng không thành.
Công an phường Lương Khánh Thiện đưa người bị tai nạn đi cấp cứu. |
Khoảng 5 phút sau, khi công an cho nạn nhân lên xe đi cấp cứu, thì xuất hiện ít nhất 3 đối tượng lạ mặt. Một đối tượng lao vào yêu cầu không ghi hình nữa và xóa toàn bộ hình đi. Tuy nhiên, người dân đứng đó theo dõi vụ việc có ý kiến bảo vệ phóng viên, đối tượng này đã lẩn vào đám đông.
Các phóng viên lấy ý kiến nhân chứng, rồi đến quán café gần đó làm việc. Khoảng 2 phút sau, thì 3 đối tượng lạ mặt lúc trước đi đến. Một đối tượng lao vào túm gáy một phóng viên, bắt đưa máy ảnh và tất cả những gì liên quan đến vụ tai nạn.
Đối tượng khác thì ngồi đe dọa "chọc thủng mắt" các phóng viên và các phóng viên khác nếu không xóa mọi dữ liệu liên quan. Các phóng viên buộc phải xóa các file liên quan đến vụ việc trước sự giám sát của chúng.
Công an Hải Phòng thờ ơ?
Sau vụ việc xảy ra, các phóng viên đã gọi điện cho ông Dương Tự Trọng – Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, ông Trọng nói gọi cho ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố thì ông Ca lại "hướng dẫn" trình báo với Công an phường Hoàng Văn Thụ. Tại đây các phóng viên đã viết bản trình báo, Công an phường lấy lời khai, yêu cầu 2 trong số phóng viên lên Công an quận Ngô Quyền lấy lời khai đến 3 giờ sáng ngày 24.2.
Chúng đe dọa: Nếu ngày mai trên báo, trên mạng có thông tin về vụ việc vừa xảy ra, chúng sẽ chọc thủng 2 mắt, giết, đốt cả nhà phóng viên. Lời kể của một phóng viên trong cuộc |
Chiều ngày 24.2, khi không nhận được thông tin gì từ Cơ quan điều tra Công an TP. Hải Phòng về vụ việc, phóng viên của một số cơ quan báo chí đã đến Công an phường Lương Khánh Thiện để xác minh thông tin các chiến sĩ công an gây tai nạn.
Tại trụ sở Công an phường, chúng tôi thấy có tên các chiến sĩ công an như: Bùi Văn Dũng, Nguyễn Minh Tiến trùng với tên trên biển hiệu của các chiến sĩ công an gây tai nạn tối 23.2 mà phóng viên vẫn giữ được hình ảnh vụ việc.
Sau khi giới thiệu, ông Nguyễn Thế Đạt - Phó trưởng Công an phường Lương Khánh Thiện đã tiếp nhận các ý kiến của phóng viên và nói chưa được nghe cụ thể thông tin vụ việc xảy ra tối 23.2. Được một lúc ông Đạt xin phép ra ngoài, nhưng không thấy quay lại.
Nhóm phóng viên đề nghị công an trực ban báo cáo với lãnh đạo Công an phường để tiếp tục làm việc thì chiến sĩ công an này từ chối, hẹn các phóng viên khi khác và không ghi vào sổ trực ban việc phóng viên đến liên hệ công tác.
Bích Hằng
(Theo Dân Việt)
Mỏng manh ranh giới của tự do báo chí
Submitted by nlphuong on Thu, 23/02/2012 - 20:58(ICTPress) - "Đôi khi do mục tiêu khám phá sự thật, truy tìm công lý, nhà báo đã vô tình bước vào “vùng cấm”. Chẳng hạn nhà báo khai thác quá sâu và đưa những thông tin về đời tư của một cá nhân..."
(ICTPress) - "Tự do báo chí là một quyền cơ bản của con người, được pháp luật của mọi nhà nước hiện đại thừa nhận và bảo vệ. Quyền này gắn liền với quyền tự do ngôn luận và là một thành tố của quyền tự do ngôn luận”, TS. Đặng Dũng Chí, Giám đốc Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định tại Hội thảo “Báo chí, Truyền thông với quyền con người” hôm nay 23/2 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa |
Theo ông, báo chí đóng vai trò hết sức cần thiết cho bất cứ xã hội nào và tạo thành nền tảng vững chắc cho mọi xã hội dân chủ. Ngày nay báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân quyền, cũng như phát hiện những vi phạm đối với quyền tự do cơ bản của công dân.
TS. Mila Rosenthal, chuyên gia về quyền con người, Trường nghiên cứu xã hội mới, New York đã dẫn chứng những ví dụ sinh động cho việc các tin tức tốt của các tờ báo về các vấn đề nhân quyền có tác động tích cực.
Báo Người New York (The New Yorker) năm 2003 có một bài báo về nô lệ trong thời hiện đại điều tra sâu về các công nhân người Mexico thu hoạch cà chua tại Florida đã bị giữ lại làm việc bất hợp pháp trên các đồn điền và bị ép làm việc trong các điều kiện bị thống khổ, ngược đãi, làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt nhưng lương rất thấp hầu như không có được bao nhiêu và phải trốn chui trốn lủi các cơ quan pháp luật. Bài báo đã phanh phui và tạo tiếng vang. Kết quả người lao động được tăng lương, thoát khỏi cảnh lao động như nô lệ.
Một ví dụ khác là Báo Người Bảo vệ (The Guardian) của Anh đã tố cáo công ty Trafigura, một doanh nghiệp đã cho tàu xả 500 tấn chất độc hại ở Bờ Biển Ngà do các nước châu Âu không cho phép tàu neo đậu, gây nhiễm độc cho 108.000 người, theo tin của BBC (hãng đã bị công ty này kiện vì tội phỉ báng nhưng không thành công) và của tờ Guardian. Kết quả của vụ việc này là một số người của công ty bị bắt giữ và kết án tại tòa án Hà Lan. Người đưa đơn kiện công ty này là những người sống sót từ thảm họa.
Một vụ việc nữa gây tranh cãi là một phóng viên của tờ báo Thời báo New York đã thực hiện một loạt bài về quyền con người ở Afganistan bị bạo hành, xâm hại đến như thế nào. Đó là một phụ nữ trẻ mới 15 tuổi bị chồng nhốt và tra tấn ở nhà bằng vật cứng,… Tình trạng của cô tồi tệ và tại bệnh viện cô trả lời phỏng vấn. Tin này được đưa lên Thời báo New York. Sau đó có 1 phản hồi rất quan tâm từ hội nữ quyền của Mỹ đòi hỏi điều tra sâu về sự xâm xâm phạm. Một nhóm nhân quyền thì cho rằng 15 tuổi (thực chất cô 13 tuổi) thì chưa đủ tuổi để trả lời phỏng vấn báo chí. Vậy, tin này có nên đăng tải hay không. Tòa soạn báo Thời báo New York đã điều tra nội bộ dưới sự dẫn dắt của một biên tập viên chính tương tự như thư ký tòa soạn Việt Nam chuyên về đạo đức báo chí để xem xét bài báo có thích hợp để đăng không. Điều tra nội bộ kết luận cần phải thận trọng hơn bảo vệ quyền tự do cá nhân, xem xét sự cân bằng giữa tổn hại và đạo đức báo chí.
TS. Mila Rosenthal cho rằng đây là ví dụ điển hình về bảo vệ nhân quyền. Tờ Thời báo New York nổi tiếng về điều tra cũng phải đau đầu xem đăng hay không đăng.
Trong khi đó, TS. Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng khoa Phát thanh, Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đề cập đến vụ việc ông Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế đất trái pháp luật ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một ví dụ nóng hổi. Chính việc bị hành xử thô bạo, nguy cơ bị tước đoạt tài sản đã mất bao xương máu, công sức gây dựng nên đã khiến người nông dân có bằng kỹ sư nông nghiệp có hành vi manh động, nổ súng vào lực lượng cưỡng chế. Với cách thông tin khách quan, kiên trì, đầy quả cảm và trách nhiệm, báo chí đã giúp công chúng và các cơ quan nhà nước tiếp cận vấn đề một cách khách quan, đa diện, đầy đủ hơn. Đó là một thông tin quan trọng để các chuyên gia, các vị lãnh đạo lên tiếng phân tích về các góc độ khác nhau của vụ việc và Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kết luận những sai trái của chính quyền cơ sở ở Tiên Lãng và Hải Phòng, nguyên nhân trực tiếp đẩy ông Đoàn Văn Vươn và người thân đến chỗ phạm tội.
TS. Đặng Dũng Chí cho biết: thực tế cho thấy, báo chí có vai trò to lớn trong bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, ông, cho rằng: "ranh giới của tự do báo chí thật mỏng manh. Đôi khi do mục tiêu khám phá sự thật, truy tìm công lý, nhà báo đã vô tình bước vào “vùng cấm”. Chẳng hạn nhà báo khai thác quá sâu và đưa những thông tin về đời tư của một cá nhân, hay trích dẫn phát ngôn của những cá nhân có trách nhiệm trong một sự kiện, khi chưa được kiểm chứng đầy đủ, có thể tạo bất lợi cho cá nhân đó trong một vụ án hoặc một sự kiện “nhạy cảm”. Nhà báo cũng cần cẩn trọng khi đưa tin về những sự kiện được xem là nhạy cảm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, bởi hệ lụy rất khó hình dung được"…
Một số tờ báo khi đưa tin về nghi can trong vụ án, đã tỏ ra tự tin khi công khai hình ảnh hoặc đưa ra bình luận về họ như là một sự lăng mạ... đã không biết rằng việc này đã vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã được quy định trong luật nhân quyền quốc tế cũng như pháp luật của hầu hết quốc gia. Tương tự, việc đưa hình ảnh hoặc tên thật của trẻ em trong một sự kiện vi phạm quyền, nhất là ở những sự kiện “nhạy cảm” cũng vi phạm nguyên tắc “dành những lợi ích tốt nhất cho trẻ”…
TS. Trần Bá Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho biết: Nhiều vụ việc phóng viên bị cản trở hoặc hành hung khi tác nghiệp, được báo chí lên tiếng phản ánh, phía Hội nhà báo Việt Nam đã bày tỏ kịp thời quan điểm và có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý thích đáng theo pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi tìm hiểu thì thấy thực tế là trong một số trường hợp do lỗi thái độ của phóng viên không đúng mực, gây bức xúc và dẫn đến những vụ việc đáng tiếc (như vụ phóng viên tập sự Trần Công Lũy của báo Công Lý, chưa có thẻ nhà báo, chưa có thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam). Có trường hợp khi cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ thì bản thân nhà báo hoặc cơ quan báo chí có phóng viên đó lại đề nghị để tự hòa giải.
Bình luận về ví dụ của trường hợp báo New York đưa tin về việc em bé 13 tuổi ở Afganistan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Giáo dục Trí Việt cho biết quyền trẻ em làm sao trẻ em 13 tuổi có thể biết để bảo vệ quyền của mình bị vi phạm thế nào, báo chí phải vào cuộc.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng biên tập báo "Xưa và nay" phân tích từ "quyền tự do". Theo ông "quyền" không chỉ là tự do mà còn có nghĩa vụ. Được làm và không được làm gì. Quyền đằng sau có giới hạn, nhiều khi không được vượt quyền. Tự do thì vô hạn. Quyền của người này thì người khác cũng có quyền khác. Báo chí là công cụ. Quyền báo chí là có quyền hành nghề. Quyền báo chí là công cụ của xã hội, người dân có quyền sử dụng.
Ông cho biết báo chí cũng vi phạm nhiều. Song, nhiều khi chỉ xin lỗi. Ví dụ, như vụ việc tượng đài Điện Biên. Ông cho rằng báo chí phải có trách nhiệm đối với đối tác. Báo chí có tâm thì sẽ có cách giải quyết.
Mai Anh
Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI: báo điện tử vẫn chưa có giải riêng
Submitted by nlphuong on Wed, 22/02/2012 - 23:19(ICTPress) - Sau 5 mùa Giải, Thường trực Hội đồng Giải đã nhận được một số ý kiến đề nghị có những thay đổi trong cơ cấu Giải báo chí Quốc gia.
(ICTPress) - Thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia vừa có văn bản số 227 hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia lần thứ VI - năm 2011 tới các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc, các cơ quan báo chí.
Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ V - năm 2010 được tổ chức vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2011 |
Sau 5 mùa Giải, Thường trực Hội đồng Giải đã nhận được một số ý kiến đề nghị có những thay đổi trong cơ cấu Giải báo chí Quốc gia. Từ yêu cầu thực tế, trong mùa Giải năm 2010, Thường trực Hội đồng Giải đã mở rộng cơ chế tuyển chọn ảnh báo chí, được các cấp Hội và hội viên hoan nghênh, hưởng ứng.
Trong khi chờ sửa đổi Điều lệ, theo cơ cấu Giải hiện hành, Giải báo chí quốc gia năm 2011 có 3 loại giải tương ứng với các loại hình báo chí sau:
1- Báo in có 4 giải: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép; Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí và Giải ảnh báo chí.
2 - Báo nói (phát thanh) có 2 giải: Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, toạ đàm và Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh.
3 - Báo hình (truyền hình) có 2 giải: Giải bình luận, giao lưu, toạ đàm, phim tài liệu và Giải tin, phóng sự, phóng sự điều tra.
Đối với báo điện tử: Chưa có giải riêng, tác phẩm dự giải được chọn theo các loại giải nêu trên, tùy theo hình thức thể hiện của mỗi tác phẩm, phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn xét chọn.
Các tác giả gửi tác phẩm dự thi là công dân Việt Nam, bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử…) do Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác đều có thể gửi bài dự thi.
Tác phẩm đã được sử dụng từ ngày 01/01/2011 đến 31/12/2011 trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được nêu ở trên. Những tác phẩm được sử dụng trong thời gian này nếu đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí Quốc gia, nhưng cần ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Những tác phẩm đăng hoặc phát sóng nhiều kỳ, nếu những kỳ đầu được sử dụng trước ngày 01/01/2011 mà chưa tham dự Giải báo chí Quốc gia năm 2010 thì được gộp vào các kỳ sau (đăng từ 01/01/2011 đến 31/12/2011) để thành tác phẩm hoàn chỉnh tham dự Giải 2011.
Các tác phẩm dự thi Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong năm 2011 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện quốc tế quan trọng; khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, phê phán chống lại các hành vi tiêu cực, tham nhũng, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Năm nay ảnh báo chí tiếp tục được khuyến khích gửi tác phẩm nêu trên về Ban Thư ký tổng hợp Giải, không qua Ban tuyển chọn ở cơ sở. Số ảnh này không tính vào chỉ tiêu tác phẩm được gửi dự Giải của cơ sở.
Mỗi tác giả hoặc mỗi nhóm tác giả chỉ được chọn gửi 01 tác phẩm dự Giải và mỗi tác giả chỉ được đứng tên ở một tác phẩm hoặc trong một nhóm tác giả (Tác giả là người quay phim, được đứng tên tối đa trong 03 nhóm tác giả).
Các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả (cả tên khai sinh và bút danh), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm (theo mẫu thống kê danh sách tác giả gửi kèm theo văn bản này).
Có một điểm năm nay Hội đồng Giải lưu ý là sẽ không giải quyết các đề nghị về việc thay đổi hoặc bổ sung tên tác giả hoặc nhóm tác giả đối với các tác phẩm đoạt Giải.
Hạn cuối nộp tác phẩm dự thi là ngày 31/3/2012 (theo dấu Bưu điện) về địa chỉ: Ban Thư ký Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 - Lý Thái Tổ - Hà Nội. Ngoài bì ghi rõ: Dự Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI - năm 2011.
Chi tiết văn bản hướng dẫn bạn đọc có thể tải tại đây.
Mai Anh
Suốt đời cho Trung Đông
Submitted by nlphuong on Mon, 20/02/2012 - 19:38(ICTPress) - Anthony Shadid, nhà báo nước ngoài hai lần đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer vừa ra đi ở tuổi 43 khi đang đi viết tin ở Đông Syria. Các tác phẩm báo chí của ông chủ yếu viết về những người dân rất đỗi bình thường ở Trung Đông.
(ICTPress) - Anthony Shadid, nhà báo nước ngoài hai lần đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer vừa ra đi hôm thứ Năm tuần trước ở tuổi 43. Ông say mê khu vực Trung Đông bởi vì ông là Mỹ gốc Liban và sau đó là những gì ông đã được chứng kiến trực tiếp tại khu vực này.
Anthony Shadid ở Cairo làm việc cho New York Times, đang ghi chép trên nóc một chiếc xe bus trong cuộc cách mạng ở Ai Cập tháng 2/2011 |
Shadid dành phần lớn sự nghiệp ở khu vực này như là một nhà báo đầu tiên là với hãng tin AP; sau đó là tờ The Boston Globe; tiếp đến là The Washington Post, mà thời gian làm báo đây ông đã hai lần đoạt giải báo chí Pulitzer vào năm 2004 và 2010; và sau đó ông làm việc cho New York Times. Thời điểm ông tử nạn các dấu hiệu cho thấy ông bị một cơn hen, trong khi đang làm nhiệm vụ cho Times ở Syria.
Times đã tuyển Shadid cuối năm 2009, được xem là một sự đột phá cho tờ báo, vì ông rất được kính trọng như là một phóng viên dũng cảm, một người quan sát say mê, một nhà phân tích sâu sắc và có một phong cách làm việc say mê. Các tác phẩm báo chí của ông chủ yếu viết về những người dân rất đỗi bình thường ở Trung Đông đã bị đẩy tới việc phải trả một cái giá khủng khiếp cho việc sống ở khu vực này - hoặc thuộc về một tôn giáo, một nhóm thiểu số hay một tầng lớp xã hội.
Ông được nhiều bạn đọc Times biết đến gần đây với những tác phẩm phản ánh toàn diện mùa Xuân Ai Cập bằng con mắt trong trẻo. Shadid đã viết về những thay đổi sâu sắc quét qua khu vực này - trong đó có những thông điệp từ Lebanon và Ai Cập. Với những bài viết này Times đã đề cử ông cùng với nhóm đồng nghiệp gửi bài viết tham dự giải thưởng báo chí Pulitzer 2012 thể loại phóng sự quốc tế. Giải thưởng này sẽ được công bố vào tháng 4.
Trong trích dẫn đề cử, Times viết:
“Đắm chìm trong cả lịch sử chính trị và cả văn hóa Ả rập, Shadid đã sớm nhận thấy sự chuyên quyền, các thói quen sợ hãi cố hữu, thụ động và tuyệt vọng đang bị lật đổ. Ông đã đưa tiếng nói của một nhà thơ, một thấu cảm sâu sắc đối với con người bình thường và khả năng không ai sánh được vào những thông điệp thiết tha của ông”.
Công việc của Shadid luôn gặp hiểm nguy to lớn. Năm 2002, là phóng viên của The Globe, ông đã bị bắn vào vai trong khi ghi chép ở Ramallah, ở bờ Tây. Tháng 3 năm ngoái, Shadid và ba đồng nghiệp nhà báo khác của Times - Lynsey Addario, Stephen Farrell và Tyler Hicks - đã bị quân đội của Qaddafi bắt cóc ở Libya. Sau đó, họ bị giam giữ 6 ngày và bị đánh đập trước khi được thả ra.
Cuối năm ngoái, khi các quan chức Syria hăm dọa ông về việc hiện diện của ông tại đây và khi gia đình ông bị các tổ chức Syria ở Lebanon theo dõi, tuy nhiên, Shadid vẫn trốn được đến biên giới để phỏng vấn những người phản đối Syria, những người đã bị bắn và tra tấn để trở lại đường phố.
“Ông có một sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về khu vực này. Hơn bất cứ thứ gì, nỗ lực của ông là kết nối để đưa tin về những con người thực, và để hiểu cuộc sống của họ. Đó là những gì tạo nên những tác phẩm báo chí của ông trở nên đặc biệt. Đó không chỉ là vấn đề ngoại giao mà là vấn đề con người, và cuộc sống của của những người dân đã bị tác động sâu sắc bởi các sự kiện thế giới như thế nào”, Martin Baron, biên tập viên của Boston Globe nơi Shadid làm việc trong thời gian Shadid ở đây, đã trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ 5.
Shadid sinh ở thành phố Oklahoma, Mỹ ngày 26/9/1968, là con trai của Rhonda và Buddy Shadid. Shadid chỉ thành thạo tiếng Ả rập chỉ khi đã trưởng thành, đã nhận bằng cử nhân khoa học chính trị và báo chí của trường Đại học Wisconsin năm 1990. Sau đó ông làm việc cho hãng tin AP, đưa tin từ Cairo, trước khi chuyển sang The Globe vào năm 2001. Ông làm việc cho Washington Post từ 2003 đến 2009.
Shadid gia nhập Times vào ngày 31/12/2009, với cương vị là Trưởng đại diện ở Baghdad, và trở thành trưởng đại diện của tờ báo tại Beirut, Lebanon vào năm ngoái.
Shadid là tác giả của 3 cuốn sách: Legacy of the Prophet: Despots, Democrats and the New Politics of Islam” (2001) (Tạm dịch: Di sản tôn giáo: Sự chuyên quyền, Dân chủ và Đời sống chính trị mới của đạo Hồi”); “Night Draws Near: Iraq’s People in the Shadow of America’s War” (Tạm dịch: Đêm tối đang đến gần: Người dân Iraq trong cái bóng của cuộc chiến tranh của Mỹ”) (2005); và “House of Stone: A Memoir of Home, Family, and a Lost Middle East,” (Tạm dịch: “Ngôi nhà bằng đá: Nỗi nhớ nhà, Gia đình và một Trung Đông mất mát”) sẽ được Houghton Mifflin Harcourt xuất bản vào tháng tới.
Trong một bài báo trang nhất cho Times năm ngoái, Shadid đưa tin từ Tunisia vào giữa cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả rập, đã thể hiện khả năng nổi trội của ông là kết hợp sự chuyên nghiệp, nhạy cảm và phong cách riêng.
“Chủ nghĩa lý tưởng của cuộc nổi dậy ở Ai Cập và Tunisia, nơi quyền lực của đường phố đã thể hiện tính mỏng manh của quyền lực, đã khơi dậy sự thay đổi được dự báo của thế giới Ả rập. Nhưng cuộc cách mạng chưa chấm dứt của Lybia, thôi thúc vì đang không thể giải quyết, minh họa hiểm họa như thế nào khi sự thay đổi phát tiết trong giai đoạn Mùa Xuân Ai Cập”, Shadid đã viết.
“Mặc dù cờ của quân nổi dậy đã dương lên ở Tripoli. Sự lãnh đạo của họ đã bị rạn nứt và rơi vào tăm tối; những mục đích và tác động của người theo đạo Hồi về vị trí của mình chưa có dấu hiệu ổn định; đại tá Qaddafi nói chung đã gợi lại Saddam Hussein; và những người nước ngoài đã và đang bị cuốn vào cuộc chiến theo hình thức can thiệp, đã từ lâu rất nguy hiểm tới thế giới Ả rập. Không phải để kể lể, tuy nhiên, đã có quá nhiều người trẻ tuổi ở khu vực này cầm súng”, ông viết tiếp.
Mai Anh
Theo NY Times, CNN
"Đấu" với báo chí, Tổng thống Đức phải từ chức
Submitted by nadung on Sun, 19/02/2012 - 17:35Tổng thống Đức không thể đủ khả năng đối mặt với áp lực xung quanh lùm xùm vụ vay tiền mua nhà, lạm quyền và cố gắng không cho báo chí phanh phui sự việc.
Tổng thống Đức không thể đủ khả năng đối mặt với áp lực xung quanh lùm xùm vụ vay tiền mua nhà, lạm quyền và cố gắng không cho báo chí phanh phui sự việc.
Tổng thống Đức Christian Wulff hôm nay (17/2) đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối làm chấn động đất nước. Ông Wulf - người mới chỉ nắm cương vị đứng đầu nhà nước kể từ năm 2010 buộc phải ra đi vì quá nhiều áp lực.
Quyết định từ chức được đưa ra sau khi các công tố viên đề nghị tước bỏ quyền miễn trừ của ông Christian Wulff để phục vụ cho công tác điều tra về tội lạm quyền. Họ cho rằng đã có những "dấu hiệu thực tế" của việc ông Wulff có những mối quan hệ không phù hợp đáng nghi vấn với các nhà điều hành doanh nghiệp.
Tổng thống Đức Christian Wulff buộc phải ra đi sau vụ bê bối. Ảnh: Getty Images. |
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải huỷ chuyến thăm người đồng cấp Italia Mario Monti vì rắc rối này. Ông Wulff, một thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel đã được đích thân bà chọn lựa vào ghế tổng thống. Sự ra đi của ông khiến bà phải xao nhãng trong khi nỗ lực tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ lan khắp châu Âu.
Tổng thống của Đức có ít thực quyền, vai trò mang tính chất nghi thức là chủ yếu, nhưng được xem là hình mẫu của uy tín và đạo đức. Và có lẽ đó là lý do vì sao ông Wulff phải ra đi. Trong bài phát biểu từ chức tại dinh thự của ông ở Berlin, Tổng thống Đức nhấn mạnh rằng, ông đã "luôn hành động đúng với quy định của luật pháp" nhưng thừa nhận đã "mắc sai lầm".
Ông đã đánh mất lòng tin của người dân Đức, Wulff nói, và làm xao nhãng các vấn đề hiện tại. "Đất nước chúng ta cần một tổng thống có thể hiến mình cho những thách thức quốc gia và quốc tế", ông Wulff nhấn mạnh.
Vị tổng thống 52 tuổi đã can dự vào một vụ bê bối xảy ra từ giữa tháng 12 năm ngoái, khi có những thông tin cho rằng, ông đã nhận khoản vay cá nhân lớn từ vợ một người bạn giàu có trong thời kỳ ông là thống đốc bang Hạ Saxony.
Vụ việc càng bị đẩy lên cao trong tháng 1 với những chỉ trích gay gắt xung quanh cuộc gọi đầy tức giận của ông tới tổng biên tập báo Bild bán chạy nhất nước Đức trước khi họ đăng tin về khoản vay trên. Tờ Bild cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với tổng biên tập Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có "hậu quả" nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông. Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild Matthias Doepfner để thúc giục ông gây sức ép khiến Bild rút lại bài báo. Nhưng Doepfner từ chối.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra được tiến hành với ông lại xảy ra theo hướng khác. Các công tố viên tại Hannover, thủ phủ Hạ Saxony hôm thứ năm cho hay, họ có những "nghi ngờ ban đầu" rằng, ông Wulff đã tiếp nhận không phù hợp hoặc tương tự như vậy một số lợi ích trong mối quan hệ của ông với David Groenewold – nhà sản xuất phim. Công tố viên yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ với ông để họ có thể tiến hành điều tra - động thái chưa từng có chống lại một tổng thống Đức.
Trong một tuyên bố, họ nói Groenewold cũng bị nghi ngờ.
Ông Wulff phải đối mặt với những cáo buộc rằngGroenewold - người có phim được cấp bảo lãnh vay vốn bởi chính quyền Hạ Saxony – đã trả tiền để ông Wulff và vợ ông ở trong một khách sạn sang trọng tại hòn đảo nghỉ dưỡng Sylt của Đức năm 2007.
Quyết định từ chức của ông Wulff đã gây khó khăn cho bà Merkel - người vẫn lên tiếng bảo vệ ông - khi bà đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Liên minh trung hữu của bà dễ xảy ra tranh giành nội bộ, nghĩa là bà phải tìm một ứng viên đồng thuận với phía đối lập. Một cuộc họp đặc biệt của quốc hội sẽ phải chọn ra người thay thế trong vòng 30 ngày.
Trong khi nghi ngờ ban đầu về việc làm sai trái thường không dẫn tới cáo buộc ở Đức, thì quyết định của công tố viên lại là cú đánh lớn với Wulff - người mà danh tiếng và quyền lực đã bị xói mòn trong suốt hai tháng qua.
Ở một tin tức khác, người phát ngôn lâu năm của ông Wulff - Olaf Glaeseker - người bị ông sa thải hồi tháng 12 mà không hề có lời giải thích - đang bị điều tra vì những cáo buộc tham nhũng do dính líu với việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp.
Trước đó, Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội đối lập nói rằng, đảng của bà sẽ bỏ phiếu để tước quyền miễn trừ của ông Wulff và rằng ông này nên ra đi. "Chưa bao giờ xảy ra trước đây việc công tố viên Đức xem xét khả năng cần thiết điều tra một người đứng đầu nhà nước", Nahles nói.
Thái An
(Theo Vietnamnet/Guardian)
“Làm báo là lí tưởng chứ không đơn giản là nghề kiếm sống”
Submitted by nlphuong on Fri, 17/02/2012 - 10:20“Tôi rất thích một câu trong cuốn sách “40 năm nói láo” của Vũ Bằng:… Mẹ ơi con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”
“Tôi rất thích một câu trong cuốn sách “40 năm nói láo” của Vũ Bằng:… Mẹ ơi con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” - Nhà báo Đà Trang (Trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) đã bắt đầu cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận bằng lời trích dẫn đó để sẻ chia cảm xúc yêu nghề.
Nhà báo Đà Trang, phóng viên báo Tuổi trẻ TP. HCM |
Cuộc trò chuyện đủ để tôi hình dung về một tình yêu mãnh liệt, sâu lắng với những phút trải lòng về nghề, về thể loại mà anh đam mê: phỏng vấn!
Tôi là “con người Tuổi Trẻ”
Anh học báo, làm báo rồi “chung tình” với Tuổi Trẻ hơn chục năm nay. Tôi cho sự thủy chung ấy thật hiếm có. Anh không thích thay đổi hay có điều gì giữ chân anh?
- Tôi không nghĩ tôi là trường hợp hiếm có bởi nhiều anh chị gắn bó còn hơn thế, cả ba chục năm nay. Tôi “chung thân” với Tuổi Trẻ suốt chặng đường làm báo chưa dài của mình và tôi nghĩ đó là do duyên số. Có một sức hút nào đó mà không định nghĩa thành tên nhưng nó như định mệnh. Tôi tâm đắc cách nói của chị Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - rằng “trung thành với người đọc, gắn bó với lợi ích người đọc, người lao động đã là định mệnh của mình rồi. Tuổi Trẻ đã sinh ra và lớn lên như vậy, với định mệnh như vậy. ADN của Tuổi Trẻ là như vậy”. Tôi tự cho mình là “con người Tuổi Trẻ” sống chết vì ADN của tờ báo này. Bạn có tin không, nếu bây giờ tôi nộp đơn xin ra khỏi Tuổi Trẻ sẽ có những đồng nghiệp đồng đội nói tôi là kẻ đào ngũ.
Nghề báo đôi lúc thật khắc nghiệt! Anh cũng từng gặp những khó khăn, những tai nạn trong tác nghiệp. Đã khi nào anh muốn dừng lại?
- Kể cả những lúc khó khăn nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi tâm niệm thế này: Không có con đường nào rải toàn hoa hồng, cũng chẳng có con đường nào chỉ mỗi chông gai. Vì thế tôi vững tin và hạnh phúc trên con đường mình đã chọn. Với tôi, làm báo trở thành lí tưởng chứ không giản đơn là nghề kiếm sống. Nếu rời nghề này ra, nếu không được làm báo nữa, tôi là con số 0.
Tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn
Có người nói với tôi rằng, hình như Đà Trang “say” thể loại phỏng vấn như “say” một cô gái đẹp. Tôi thì đoán có vẻ như phỏng vấn vừa là sở thích vừa là cái nợ của anh với nghề vậy?
- Là sở trường, có say mê và tôi tự tin với các cuộc phỏng vấn. Làm phỏng vấn đòi hỏi người làm báo phải có hiểu biết vững vàng về nội dung vấn đề, có người nói, thậm chí nhà báo dường như là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình trao đổi. Và đặc biệt, chúng ta phải chuẩn bị rất kĩ, từ ý tưởng, đến đề cương câu hỏi, dự liệu kịch bản… Dù có những lĩnh vực tôi rất tự tin nhưng không bao giờ tôi quên việc làm đề cương và thành hay bại cũng từ sự cẩn trọng đó.
Tôi đang hình dung về sự chuẩn bị cẩn trọng của anh. Một list câu hỏi rất bài bản được “lập trình” sẵn, một đề cương hoàn hảo ư? Tôi có nghe ai đó “dọa” rằng: Phụ thuộc đề cương - bài phỏng vấn khó mà sinh động được?
- Tôi tự tin trong “món” này và tôi tôn trọng ý kiến của bạn vừa đặt ra. Tôi cho rằng mỗi người có những quan niệm khác nhau, cách làm việc khác nhau. Tôi thì nghĩ ngược lại. Bất cứ cuộc phỏng vấn nào thì đều phải chuẩn bị kĩ càng. Càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn Thủ tướng Hun Sen, tôi mất cả tháng, từ đọc lại sách, tư liệu đến lên đề cương với hơn 30 câu hỏi.
Nhưng nghề báo rất sáng tạo nên tùy cơ ứng biến, không phải cứ chuẩn bị trước là phải bê nguyên xi câu hỏi đó vào bài được. Chuẩn bị đề cương và luôn trong tâm thế sẵn sàng chính là cách thể hiện sự tôn trọng tới người trả lời phỏng vấn. Tôi sẽ rất vui nếu như bạn đến với tôi khi có hiểu đôi chút về con người, công việc của tôi và những vấn đề chúng ta đang trao đổi.
Làm phỏng vấn - đưa đẩy vấn đề mà, tại sao không?
Anh nhắc đến sự tự tin. Theo anh, trong cuộc phỏng vấn, sự tự tin chiếm bao nhiêu phần trăm thành công?
- Tôi chưa bao giờ có ý niệm về phép tính đó. Tự tin vấn đề mình nắm là một nhẽ; quan trọng là tự tin cả vấn đề mình chưa hiểu, tức nếu trong cuộc phỏng vấn nếu chỗ nào chưa rõ chưa hiểu thì tự tin mà hỏi lại. Bởi nếu không, khi về nghe lại băng ghi âm, bạn có thể hiểu sai ý của người trả lời. Đó là điều tối kỵ và bi kịch.
Tôi chia ra phỏng vấn ở nhiều dạng: hỏi để biết, biết mới hỏi, chất vấn - phản biện, truy vấn. Truy vấn là đỉnh cao của phỏng vấn và tôi thích dạng đó. Có đồng nghiệp không đồng ý với tôi vì nghĩ rằng như thế là dồn người khác vào chân tường. Tôi thì nghĩ khác, tôi không dồn họ vào chân tường, tôi dồn vấn đề vào chân tường, truy tới cùng bản chất sự kiện…
Gần đây tôi đọc những bài phỏng vấn của anh như cuộc phỏng vấn Thủ tướng Campuchia Hun Sen, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh… Nói thật, tôi thấy bài sắc sảo nhưng gai góc, động chạm cả những vấn đề nhạy cảm, thậm chí nhiều lúc sự phản biện đến… nảy lửa. Một cách truy vấn…dồn vấn đề đến chân tường phải không, thưa nhà báo?
- Đó là bạn nói đấy nhé (cười). Tôi rất vui khi mỗi sáng báo ra, thậm chí mình còn chưa kịp đọc lại bài phỏng vấn đó, thì đã có những đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc nhắn tin chúc mừng động viên khích lệ. Tôi thường phỏng vấn chính khách, thường “bám” các vấn đề gai góc, nóng bỏng trong xã hội. Có được những bài như thế, một phần là từ bản thân muốn tham gia, một phần từ phía ban biên tập, tòa soạn cũng yêu cầu tôi trực tiếp vào cuộc.
Tôi cũng thích phỏng vấn. Nhưng có một điều tôi lo ngại đó là sự khô khan và đôi khi cứng nhắc của thể loại này. Sự hấp dẫn người đọc, không dễ! Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện “mềm hóa” các bài phỏng vấn?
- Tất nhiên, tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm “mềm hóa” các bài phỏng vấn. Ngoài giá trị thông tin, bạn đọc còn đòi hỏi bài phỏng vấn bộc lộ được cá tính của người trả lời. Làm phỏng vấn, đưa đẩy vấn đề mà – tại sao không? Dù nhân vật là ai thì cốt lõi cuộc phỏng vấn phải là những câu chuyện cụ thể góp mặt làm sinh động vấn đề. Một bài phỏng vấn không có câu chuyện thì sẽ chưa hoàn chỉnh. Có những vấn đề rất cao siêu, những lí luận rất khó hiểu nhưng chỉ bằng những câu chuyện rất cụ thể đã đủ nói thay những lí luận đó. Hoặc trong các bài phỏng vấn không bao giờ tôi thiếu những câu hỏi trực diện và trực tiếp liên quan đến người trả lời phỏng vấn vào vấn đề đang trao đổi…Chẳng hạn nhân vật đang say sưa chủ đề kê khai và công khai tài sản, chắc chắn tôi sẽ hỏi nhân vật xem ông kê khai tài sản thế nào, như trường hợp tôi đã hỏi ông Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội khi ông vừa được phê chuẩn làm Phó thủ tướng? Hoặc trong bài phỏng vấn Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gần đây: nhân bàn về Hội nghị Trung ương 4 về chỉnh đốn xây dựng Đảng, nghe ông đề cập việc tự kiểm trong Bộ chính trị, trong Trung ương Đảng, tôi đã hỏi: “Thưa nguyên Tổng bí thư, ông tự kiểm thế nào?”. Tôi nghĩ như thế sẽ tạo ra sự đa dạng, phong phú cũng như tăng tính linh hoạt, sinh động cho một bài trò chuyện. Đó chỉ là một số cách làm “mềm hóa” một bài phỏng vấn.
Vâng xin cảm ơn anh!
Hà Vân
Nhà báo và Công luận
Hai phóng viên bị hành hung tại công ty Vinaxan
Submitted by nlphuong on Thu, 16/02/2012 - 13:03Trong quá trình tác nghiệp, hai phóng viên Quốc Tiến của báo Vietnamnet và phóng viên Hoàng Phan của báo Pháp luật Việt Nam và đã bị người của công ty CP Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) hành hung.
Trong quá trình tác nghiệp, hai phóng viên Quốc Tiến của báo Vietnamnet và phóng viên Hoàng Phan của báo Pháp luật Việt Nam và đã bị người của công ty CP Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) hành hung.
Công ty Vivaxan chi nhánh Hà Nội |
Sự việc xảy ra vào chiều 14/2, khi phóng viên Quốc Tiến và phóng viên Hoàng Phan cùng bà Hoàng Thị Bính (quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), mẹ của lao động Nguyễn Thị Toại, người bị cho rằng đã mất tích do 24 tháng qua không liên lạc với gia đình tới công ty Vivaxan Chi nhánh Hà Nội (địa chỉ ở 9/176 Phố Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) theo lời hẹn của công ty này.
Tại đây, bà Trần Khánh Ninh, Giám đốc chi nhánh cho biết bà đã hẹn được với người của công ty môi giới tại Ả rập- Xê út để nối máy cho bà Bính nói chuyện với con gái. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại, bà Bính khẳng định người phụ nữ ở đầu dây bên kia không phải là chị Toại, con gái của bà. Bà Bính đã khóc lóc thảm thiết và yêu cầu bà Ninh có trách nhiệm trả lời về việc mất tích của con mình.
Lúc đó, bà Ninh đã chối bỏ trách nhiệm và một mực khẳng định công ty ký hợp đồng đưa lao động Toại đi Ả rập- Xê út là công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu- chi nhánh Hà Nội chứ không phải công ty Vivaxan.
Khi bà Ninh có ý định rời văn phòng, người nhà lao động chị Nguyễn Thị Toại đã cố gắng giữ chân bà Ninh. Lúc này, nhóm phóng viên có mặt tại hiện trường đã tiến hành quay lại cảnh giằng co của hai bên thì có một nhóm nhân viên của công ty ùa ra cản trở.
Người đàn ông đeo kính là người trực tiếp hành hung và có những lời lẽ không hay với phóng viên. |
Trong nhóm nhân viên gồm có cả người tự xưng là phó giám đốc công ty đây và đã có những lời lẽ bất nhã đối với phóng viên cũng như hung hăng đẩy phóng viên ra ngoài.
Hơn nữa, nhóm nhân viên trên còn giằng co để lấy máy quay của phóng viên và còn có hành động đánh hội đồng phóng viên và đấm vào bụng, cổ, vai, gáy hòng giật được túi xách và dụng cụ tác nghiệp. Khi giật được túi máy quay, phó giám đốc công ty Vinaxan đã mở ra nhưng trước đó, phóng viên đã kịp giấu máy quay. Ông phó giám đốc công ty đã xé nát túi máy ảnh của phóng viên rồi ném ra ngoài.
Một số nhân viên còn tỏ ra hung hăng, đòi gọi đầu gấu đến “xử” nhóm phóng viên đang tác nghiệp cũng như tuyên bố hùng hồn “Ở đất này bọn tao không sợ thằng nào cả”.
Nhóm PV thông tin vụ việc đến lãnh đạo CA quận Cầu Giấy, ngay sau đó CA phường Mai Dịch đã tới can thiệp. Ban đầu cơ quan CA đã xác định được những người tham gia hành hung PV là người của Cty Vivaxan chi nhánh Hà Nội.
Liên quan tới sự việc chị Toại được xem là mất tích 24 tháng nay, cơ quan chức năng đã đề nghị công an vào cuộc điều tra công ty đưa lao động Nguyễn Thị Toại đi nước ngoài.
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ sự việc.
Nhà báo và Công luận
Báo chí và trách nhiệm trước xã hội
Submitted by nlphuong on Wed, 15/02/2012 - 09:31Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng mà trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý.
Sẽ không có gì là quá nếu cho rằng, nhờ có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, dũng cảm của báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng mà trong thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và xử lý.
Qua báo chí, những ý kiến tham vấn xác đáng về những "lỗ hổng” của cơ chế, chính sách đã phần nào giúp cho các nhà quản lý kịp thời khắc phục, hoàn thiện chúng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước.
Báo chí là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng (Ảnh: T.L) |
Có thể kể ra đây hàng loạt vụ tham nhũng tiêu cực được báo chí phanh phui trong những năm qua như vụ việc ở Công ty Tiếp thị thương mại nông nghiệp - công nghiệp thực phẩm, vụ việc ở PMU 18... Cũng nhờ báo chí mà nhiều mảnh đời chìm nổi, oan sai đã thoát khỏi vòng lao lý như câu chuyện của bà Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu. Mới đây nhất đó là sự vào cuộc của báo chí trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Sau kết luận hôm 10-2 của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nêu trên, đã có một thống kê "bỏ túi” được nhiều tờ báo thực hiện: Chỉ tính riêng vụ việc này đã có tới hơn 1000 bài báo thuộc đủ các loại hình được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt 35 ngày từ khi xảy ra "sự kiện Tiên Lãng”.
Để có một kết luận vừa thấu tình, đạt lý vừa chứng tỏ được sự thượng tôn của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể và kể cả quan chức, trước hết cần phải khẳng định đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đặc biệt là vai trò của MTTQ Việt Nam... Và, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của báo chí. Nói cách khác, nếu không có sự tham gia tích cực của báo chí thì những sai phạm trong quản lý đất đai ở Tiên Lãng sẽ còn rất lâu mới bị "lật tẩy”. Ghi nhận những đóng góp của báo chí, khi kết luận về vụ việc Tiên Lãng, Thủ tướng đã hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này. Sự ghi nhận của người đứng đầu Chính phủ là "phần thưởng” cho những tờ báo, nhà báo biết đứng về phía chính nghĩa. Đây cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo; giúp họ có thêm niềm tin để đi đến tận cùng trong cuộc chiến chống tiêu cực. Cũng trong kết luận nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân”. Nói như thế, tức là, người đứng đầu Chính phủ đã đặt niềm tin nơi báo chí, nơi mỗi "chiến sĩ đặc biệt” trên mặt trận tư tưởng. Thật vậy, viết về chống tham nhũng, tiêu cực cần nhằm mục đích chính là để vừa "chống” lại vừa "xây”. "Sự kiện Tiên Lãng” khiến người ta nhớ lại "phong trào” đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí khoảng 25 năm trước. Một trong những người mở đầu cho cuộc đấu tranh lúc đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L và chuyên mục "Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân từ ngày 25-5-1987. Kể từ "đổi mới” đến nay, đã có rất nhiều nhà báo thành danh nhờ những phóng sự, điều tra, góp phần phanh phui những vụ việc tiêu cực tại các cấp các ngành; đã có nhiều tờ báo được bạn đọc "biết mặt, đọc tên”, cổ vũ, động viên vì dám "nhìn thẳng vào sự thật” để chỉ ra những sai phạm của các quan tham. Đó cũng là một sự khích lệ đối với báo chí. Mới đây, Hội nghị BCH TƯ lần thứ 4 khoá XI đã đề cập tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Báo chí cách mạng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài hệ thống ấy. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất được Bộ Chính trị, BCH TƯ đề ra tại Hội nghị kể trên là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chống những thói hư, tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Đây là một đề tài lớn, là nhiệm vụ cao cả của báo chí; với mục đích cuối cùng là để xây dựng con người và xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Có thể nói, Hội nghị TƯ 4 đã thêm một lần thổi luồng gió mát, khích lệ dũng khí của giới báo chí nói chung và những nhà báo chân chính nói riêng. Mà đây, ví dụ rõ ràng nhất chính là sự thẳng thắn, có trách nhiệm của những nhà báo "tâm sáng” với những bài báo phản ánh sự kiện ở Tiên Lãng dưới nhiều góc độ khác nhau; từ chuyện đưa tin trung thực cho đến chuyện góp phần tham vấn, phản biện để lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo quá trình giải quyết vụ việc.
Từ câu chuyện ở Tiên Lãng một lần nữa cho thấy, trách nhiệm của báo chí trước xã hội lớn đến đâu. Nếu chỉ đơn thuần vin vào câu chuyện chống tham nhũng, tiêu cực lấy đó để làm tin "hot” thì chẳng thể tránh khỏi kiểu đưa tin giật gân, thổi phồng, làm nhiễu thông tin mà Thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhắc nhở là cần "Nghiêm túc rút kinh nghiệm, hết sức tránh việc đưa tin không khách quan, không đúng bản chất sự việc làm phương hại đến lợi ích của đất nước và người dân.” Đó có thể chỉ là một sự lạc điệu nhất thời. Lạc điệu là bởi; rất có thể họ có được lợi ích kinh tế trước mắt nhờ việc tăng số lượng phát hành, tăng số lượng người "click” vào trang mạng của mình mà quên mất lợi ích lâu dài đó là thương hiệu của tờ báo ở trong lòng độc giả. Đáng mừng trong câu chuyện ở Tiên Lãng, những tờ báo như thế đã trở nên lạc điệu và không có nhiều. Điều đáng mừng nữa, từ sự việc ở Tiên Lãng, chắc chắn, nhiều nhà báo sẽ thêm yêu cái nghề nguy hiểm này, sẽ tự đòi hỏi phải luôn nâng cao năng lực nghiệp vụ, trau dồi về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh khi "trót” mang lấy nghiệp vào thân. Và, tràn đầy hy vọng các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, sẽ tăng thêm lòng tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Vai trò nào của báo chí khi mạng xã hội đưa tin trước
Submitted by nlphuong on Tue, 14/02/2012 - 01:22(ICTPress) - Tin tức về cái chết đột tử của Whitney Houston vào cuối tuần vừa rồi không được truyền hình hay báo chí đăng tải đầu tiên. Do đó, vai trò nào cho báo chí khi các tin tức nhiều khi được công chúng loan báo trước?
(ICTPress) - Tin tức về cái chết đột tử của Whitney Houston vào cuối tuần vừa rồi không được truyền hình hay báo chí đăng tải đầu tiên. Thay vào đó, tin này được đăng tải trên Twitter 25 phút trước khi hãng tin AP loan báo.
Vai trò của báo chí hiện nay đang thay đổi cùng với các trang xã hội để đưa tin sốt dẻo |
Nguồn tin: Cháu gái của người tạo mẫu tóc cho Houston, cũng biết những tình hình về những giờ nữ danh ca này mất trước khi tin tức được loan báo. Một người sử dụng Twitter thứ hai ở @chilemasgrande đã thông báo tin tức này gần 30 phút trước AP.
Để cạnh tranh với Twitter về tin sốt dẻo, thách thức với báo chí đang ngày càng lớn. Do đó, vai trò nào cho báo chí khi các tin tức nhiều khi được công chúng loan báo trước?
Có điều phải lưu ý là không phải tin trên Twitter đã nhận được nhiều sự chú ý trước khi AP đưa tin. Ví dụ, người sử dụng Twitter thứ hai kể câu chuyện này, chỉ nhận một retweet (những bình luận (comments) được người khác lặp lại). Một sự khác biệt giữa một tweet (đưa tin ngắn) với AP và @chilemasgrande: Tin cậy (trust). Nó chỉ là từ “tin cậy”, cách khác hẳn mà các công ty truyền thông hàng đầu tiến hành.
Lấy ví dụ, một cái chết gần đây của Joe Paterno, huấn luyện viên bóng đá ở một trường đại học. Ngày 21/1, trang web sinh viên bang Pennsylvania Onward State chạy một tin cho biết Paterno đã qua đời. Thông tin đã được một blog trên CBS Sports lấy lại và lan truyền nhanh chóng trên Twitter. Ngoài việc bài báo đó không chính xác - Paterno đã rơi vào một hoàn cảnh nghiêm trọng nhưng trên thực tế không phải là đã qua đời cho đến một ngày sau khi tin đó được đăng lên.
Các phương tiện truyền thông khác, như Huffington Post đã đăng tải thông tin. Sau đó, Huffington Post đã đính chính rằng tin đó không chính xác - sự chính xác phải đợi đến khi AP đưa tin.
Điều này để nói rằng AP không thể sai được, nhưng hiếm khi các báo đang phải vật lộn với các vấn đề thẩm định tin tức trong kỷ nguyên các mạng xã hội như bây giờ. Trong một kỷ nguyên khi mà người đọc cũng là người đưa tin, các báo đang phải đối mặt với những áp lực gia tăng để đưa tin nhanh nhất - hay gặp phải rủi ro tin “nóng” mà bạn đọc đã biết trước nhiều giờ.
Một số báo vẫn duy trì cách thức truyền thống về việc thẩm định, bởi vì uy tín, thương hiệu của báo có giá trị hơn tin sốt dẻo có thể gây ra lỗi. Một số báo chọn lựa cách “xuất bản trước, cập nhật sau”, thu hút người đọc nhưng độ tin cậy của người đọc sẽ mất nếu tin đưa không chính xác.
Và từ khi chia sẻ tin tức trên các mạng xã hội đang dần trở thành một nguồn tin cho nhiều trang tin, có thể việc tin cậy bị tổn thất sẽ dẫn tới việc người đọc chia sẻ những câu chuyện kém nhiệt tình hơn?
Có lý do để tin rằng những người sử dụng Twitter và Facebook - trong các vai trò mới của mình là những nguồn tin tức trên web - đang trở nên thận trọng về việc chia sẻ tin tức với bạn bè mà không đích thân thẩm định. Khi người sử dụng Facebook Nuno Valente cho biết tin: “Twitter đã nhanh hơn báo chí “truyền thống” trong việc đưa tin về đột tử của Whitney Houston nhưng thường là để trêu cho vui”.
Trong một luồng (thread) Facebook, Mary Luz đưa: “Khi tôi lần đầu nghe tin về Withney Houston, suy nghĩ đầu tiên của tôi về Bon Jovi và cái chết được thông báo, tôi chắc như đinh đóng cột đó chỉ là trò đùa. Không may lại không phải vậy”.
Những trò đùa như vậy khá phổ biến trên Twitter nơi những điều không chính xác có thể lan tỏa nhanh chóng mặt như tin chính xác. Ví dụ về Bon Jovi được Luz trích dẫn tháng 12/2011, nhưng cuối tuần rồi một tin đồn đã xuất hiện trên một trang tin là diễn viên Keanu Reeves đã qua đời. Trong khi tin này nhận được đeo bám trên Twitter, nhưng không có cơ quan tin tức nào đăng lại thông tin sai sự thật này.
Ở đây là vai trò của các cơ quan báo chí trong thời đại mạng xã hội - để thiết lập sự tin cậy, để thẩm định và để bảo đảm sự phán đoán trong cơn lũ thông tin hỗn độn mà chúng ta nhận từ các mạng xã hội. Đôi khi điều đó có nghĩa là tìm kiếm sự khẳng định, nhưng nhiều khi nó đơn giản là phải chữa chạy những thông tin của Twitter và Facebook - để biến chúng thành tin có nghĩa.
Hai khái niệm đó là: “Thẩm định” (Verification) và “Chữa chạy” (Curation) là chìa khóa cho tương lai của tin tức.
Mai Anh
Theo CNN