Nghề báo
Câu chuyện sau tấm bìa TIME về Steve Jobs
Submitted by nlphuong on Mon, 17/10/2011 - 06:01(ICTPress) - Nhiếp ảnh gia Norman Seeff của đã chụp chân dung Steve trong phòng khách của Steve vào năm 1984. Norman đã chia sẻ câu chuyện đằng sau hình ảnh Steve được lấy làm bìa Tạp chí TIME số 17/10/2011.
(ICTPress) - Tạp chí TIME đã phát hành số ngày 17/10/2011 chuyên đề tưởng niệm Steve Jobs với hình bìa của ông. Nhiếp ảnh gia Norman Seeff đã chụp chân dung Steve trong phòng khách của Steve vào năm 1984. Norman đã chia sẻ câu chuyện đằng sau hình ảnh Steve được lấy làm bìa.
Tôi được giao một nhiệm vụ là thực hiện một câu chuyện về đội ngũ rất trẻ của Apple, và đồng thời có buổi chụp hình với Steve Jobs. Tôi đã thực sự ấn tượng khi đến thăm các văn phòng của Apples. Tôi hoàn toàn có thể nói rằng không gian ở Apples không hoàn toàn là một công ty. Có thể gọi đội ngũ sáng tạo này là một gia đình lớn thực sự - cực kỳ nhiều năng lượng và đam mê. Mọi người làm việc với nhau thân tình, cởi mở đáng ngạc nhiên. Steve đi vào và tôi nhìn thấy ông trong khung cảnh như là người cha có khiếu - điều đầu tiên tôi nhận thấy từ ông là ông không tham gia chút nào vào khung cảnh. Ông xem xét rất chủ định để xem những gì đang diễn ra nhưng không kiểm soát.
Ở nhà Steve, chúng tôi chỉ ngồi xuống, nói về sự sáng tạo và công việc hàng ngày trong phòng khách. Tôi bắt đầu xây dựng sự thân mật với Steve, và sau đó Steve chạy ra ngoài, và quay trở lại và ngồi xuống với tư thế như bức ảnh này. Ông tự nhiên ngồi xuống với chiếc Macintosh trong lòng. Tôi chụp kiểu đầu tiên. Sau đó chúng tôi còn chụp vài kiểu nữa, và thậm chí ông đã thực hiện một vài động tác yoga - ông nhấc chân và gác qua vai - và tôi chỉ nghĩ chúng tôi là hai người nói chuyện vơ vẩn, chuyện phiếm và hưởng thụ mối quan hệ. Buổi gặp gỡ này không giống như khái niệm nói chuyện và chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng hình ảnh Steve tại cuộc nói chuyện này sau này trở thành một hình bìa của Tạp chí.
Steve có khướu hài hước, nghiêm túc và đánh giá đúng khả năng sáng tạo của người khác. Tôi nhận thấy ông hoàn toàn cởi mở và với chính ông. Tôi không hề thấy bất cứ sự kiêu ngạo hay sự cường điệu nào - ông là chính ông, có một thời gian tuyệt vời. Cuộc nói chuyện đúng như vậy khi chúng tôi trao đổi trong phòng khách đó, chúng tôi như là những người bạn thân lâu năm, không có bất kỳ cấp bậc nào. Là một người chụp ảnh, tôi làm theo định hướng nhưng Steve chẳng làm gì. Chúng tôi kết thúc bằng việc nằm trên sàn, uống bia và những hình ảnh tự nhiên đến.
Mai Vân
Theo Time
"Báo in vẫn có độ phủ rộng lớn hơn báo điện tử"
Submitted by nadung on Sun, 16/10/2011 - 00:14Báo in đã giảm mạnh về lượng phát hành trong năm qua, nhưng vẫn có độ phủ rộng hơn so với mạng di động, theo thông báo của Hiệp hội thế giới các tờ báo và hãng tin (WAN-IFRA).
Báo in đã giảm mạnh về lượng phát hành trong năm qua, nhưng vẫn có độ phủ rộng hơn so với mạng di động, theo thông báo của Hiệp hội thế giới các tờ báo và hãng tin (WAN-IFRA).
Ảnh minh họa (Nguồn: americanobserver.net) |
"Lượng phát hành báo giấy giống như mặt trời, tăng lên ở phương Đông và giảm đi ở phương Tây," Christoph Riess, Giám đốc điều hành WAN-IFRA nói trong hội nghị thường niên Diễn đàn báo chí thế giới diễn ra hôm 13/10 tại Vienna, Áo. Các điểm chính trong báo cáo điều tra của WAN-IFRA bao gồm:
- Báo in tiếp tục tăng được lượng phát hành ở châu Á, nhưng giảm ở những thị trường lâu đời như phương Tây.
- Lượng các tựa báo có quy mô toàn cầu vẫn ổn định.
- Giảm số lượng nhiều nhất là các nhật báo phát hành miễn phí.
- Với các nhà quảng cáo, báo giấy hiệu quả và tiết kiệm hơn so với các loại truyền thông khác.
- Báo giấy có độ phủ rộng hơn so với internet. Trong một ngày điển hình, báo giấy có lượng độc giả nhiều hơn 20% so với internet trên toàn cầu.
- Doanh thu từ quảng cáo trên mạng không đủ bù đắp cho doanh thu quảng cáo mất đi trên báo giấy.
- Mạng xã hội thay đổi khái niệm về truyền thông hiện đại, nhưng những mô hình các công ty truyền thông dựa vào mạng xã hội vẫn chưa tìm thấy lối ra trong việc tăng doanh thu.
- Tin tức ngày nay là đăng tải ngay lập tức.
Bài thuyết trình của Riess tập trung vào sáu lĩnh vực chính: chuyển đổi trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông từ phía người đọc, các thay đổi về mặt kinh tế, lượng phát hành báo giấy và các tựa báo, chi phí quảng cáo, doanh số của báo giấy, và internet so sánh với điện thoại di động.
Báo cáo của WAN-IFRA được thực hiện thường niên từ năm 1988, bao gồm thông tin từ hơn 200 nước. Báo cáo năm 2011 tập trung vào 69 nước chiếm 90% doanh số phát hành và quảng cáo báo chí trên toàn cầu. "Chúng tôi tập trung vào giá trị thay vì số lượng, vào những chỉ số chính ở những thị trường chính," Riess nói.
Người đọc tiếp cận truyền thông theo nhiều cách khác nhau, tùy từng khu vực. Chẳng hạn ở Mỹ truyền hình chiếm ưu thế tuyệt đối. Ở Áo, internet chiếm tới một phần ba thời gian người đọc dành cho truyền thông, còn ở Nga lại là phần không đáng kể.
Thời gian dành cho báo in không nhiều, nhất là ở các nước phát triển. Tổng cộng người đọc chỉ giành 8% cho báo giấy. Tuy nhiên, báo giấy lại thu hút được 20% tổng doanh thu quảng cáo chi cho truyền thông trên toàn cầu.
Những dữ kiện đáng chú ý khác là sự gia tăng của internet và sụt giảm của các đài phát thanh. Người sử dụng truyền thông đã giảm thời gian nghe đài 23% so với năm 2006.
Lượng phát hành báo in hàng ngày đã giảm từ 528 triệu bản vào năm 2009 xuống còn 519 triệu bản trong năm 2010, khoảng 2%, thay vào đó độc giả đổ sang các phương tiện kỹ thuật số. Tuy nhiên, xét về độ bao phủ, báo giấy đến được với 2,3 tỉ lượt người đọc mỗi ngày, nhiều hơn 20% so với 1,9 tỉ lượt của internet, xét trên toàn cầu.
Lượng phát hành cũng thay đổi tùy theo khu vực. Ở châu Á-Thái Bình Dương, phát hành báo in tăng 7% trong năm 2010 so với 2009 và 16% so với năm năm trước. Báo in ở Mỹ Latin cũng tăng được lượng phát hành, 2% so với 2009 và 4,5% so với năm năm trước. Nhưng lượng phát hành giảm ở châu Âu, lần lượt với tỉ lệ 2,5% và 11,8% ở Tây Âu và 12% và 10% ở Đông và Trung Âu. Báo giấy giảm thê thảm nhất ở Bắc Mỹ, nơi lượng bán ra giảm tới 11% trong năm ngoái và 17% trong năm năm qua.
Trong đó, báo miễn phí sụt giảm nhiều nhất trong năm 2010, với lượng phát hành tổng giảm còn 24 triệu bản so với mức 34 triệu bản vào năm 2008. "Cơn bột phát báo miễn phí đã qua," Riess bình luận. "Ở nhiều thành phố, quá nhiều tựa báo mới ra đời. Đã diễn ra cả những cuộc chiến tranh báo chí. Giờ thì thị trường đã trưởng thành hơn và khi các tựa báo giảm xuống, những cơ hội mới mở ra."
Với từng quốc gia, đọc báo in nhiều nhất là Iceland, nơi 96% dân số đọc một tờ nhật báo, tiếp theo là Nhật (92%), Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ (82%) và Phần Lan, Hong Kong (80%). Nhật Bản đứng đầu thế giới nói về lượng phát hành, trung bình một tờ báo có lượng phát hành 461.000 bảng, con số mơ ước với hầu hết các tờ báo in trên thế giới. Áo, nước đứng thứ hai, bị bỏ lại rất xa với trung bình chỉ là 162.000 bản.
Về doanh số quảng cáo, truyền hình tiếp tục là phương tiện thống trị với 180 tỉ USD đã được chi ra cho phương tiện quảng cáo này năm 2010. Báo in đứng thứ hai với 97 tỉ USD, tiếp theo là internet (62 tỉ USD), tạp chí (43 tỉ USD) và đài phát thanh (32 tỉ USD). Tuy nhiên, báo giấy bị bỏ lại khá xa so với truyền hình và internet xét trên tỉ lệ tăng trưởng. Doanh thu quảng cáo internet tăng 22% trong năm 2010 so với 2009 ở châu Á, so với 11% của truyền hình và chỉ 3% của báo in. Tại châu Âu, tỉ lệ này lần lượt là 14%, 9% và -1%. Ở Nam Mỹ là 31%, 19% và 6%, còn Bắc Mỹ là 13%, 8% và -9%./.
Trần Trọng
(Theo Vietnamplus)
Báo điện tử đã hết thời miễn phí?
Submitted by nadung on Mon, 10/10/2011 - 10:20Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.
Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nổi buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.
Không thể tránh khỏi
Ngày 10/10 tới đây, Baltimore Sun, tờ báo 175 tuổi đời ở bang Maryland (Mỹ) sẽ chính thức trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ những tờ báo bắt buộc độc giả phải trả tiền cho việc đọc phiên bản báo điện tử của họ. Bằng một công cụ đơn giản, Baltimore Sun sẽ theo dõi số lần người dùng bấm vào những bài báo của họ và khi đã đủ 15 lần trong một tháng, họ sẽ yêu cầu độc giả đó phải trả tiền để được đọc tiếp.
Có lẽ, đã đến lúc độc giả và cả các tòa soạn hiểu rằng việc thu phí báo điện tử là bước đi không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp báo chí thế giới.
Hồi tháng 4/2010, PaidContent, một ấn bản điện tử chuyên theo dõi mảng truyền thông, báo chí cho biết, nước Mỹ đã có khoảng 26 tờ báo (cả báo địa phương và báo liên bang) đã tiến hành thu phí độc giả trực tuyến. Sang năm 2011, hơn 100 tờ báo trên khắp thế giới đã bắng đầu sử dụng Press+, hệ thống thanh toán trực tuyến do một cựu lãnh đạo của tờ Wall Street Journal phát triển để theo dõi và yêu cầu độc giả trả tiền đọc báo điện tử. MediaNews, một tập đoàn báo chí lớn đã đưa tổng số tờ báo có thu phí của mình từ 2 tờ trong năm 2040 lên tới 23 tờ trong năm 2011 này.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là các tờ báo có thu phí chủ yếu là những tờ mang tính địa phương chuyện biệt còn với những tờ báo lớn có độ phủ rộng, "thu phí độc giả trực tuyến" vẫn là một cụm từ tương đối xa lạ ngoại trừ một số tên tuổi lớn như New York Times, Times of London hay Wall Street Journal.
"Các tờ báo địa phương là một phần khó có thể thiếu đối với cộng đồng của họ và thường không bị cạnh tranh nên việc dựng tường thu phí (paywall) là việc khá đơn giản", Ken Doctor, tác giả của công trình nghiên cứu "Nền kinh tế tin tức" (Newsonomics) lý giải về sự khác biệt này.
Trong "câu lạc bộ những báo điện tử có thu phí", châu Âu là khu vực có nhiều thành viên nhất. Kể từ hồi tháng 5/2011, Slovakia đã thiết lập "bức tường thu phí" ảo trên toàn quốc áp dụng chung cho 9 tờ báo có lượng xuất bản (truy cập) lớn nhất nước này. Kể từ đó, người dân Slovakia phải trả tối thiểu 2,9 euro mỗi tháng để đọc 1 trang báo điện tử. Mức phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí nơi người dùng đăng ký hay tần suất đọc tin tức của họ. Piano Media, công ty xây dựng hệ thống thanh toán này đang ấp ủ một kế hoạch thiết lập hệ thống tương tự áp dụng cho toàn châu Âu kể từ đầu năm 2012.
Sự sụp đổ của mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo, 20% từ bán báo đã buộc các tòa soạn phải quyết liệt hơn trong việc thu phí đọc báo điện tử. Ảnh minh họa. |
Vội vã tìm "bầu sữa" mới
Nhưng vì sao các tờ báo điện tử lại bỗng nhiên vội vã đến vậy trong việc áp dụng cơ chế tính phí đọc báo trong khi những nguy cơ "tự sát" vẫn tiềm ẩn?
Một trong những lý do là sự tiến bộ của công cụ Press+ và One Pass (do Google phát triển) đã có khả năng tiếp nhận độc giả đăng ký đọc báo trực tuyến. Sự phổ biến ngày càng lớn của dòng thiết bị máy tính bảng iPad của Apple là một lời giải thích khác. Rất nhiều tờ báo điện tử trên thế giới đã có ứng dụng chạy trên môi trường hệ điều hành iOS (dành cho iPhone, iPad) và có thể bắt buộc độc giả đi qua "cổng thanh toán". Tất nhiên, độc giả dùng máy tính bảng hay smartphone vẫn có thể đọc tin miễn phí thông qua trình duyệt nhưng ở đó họ sẽ phải "tiêu hóa" một lượng quảng cáo khá lớn cũng như nhiều sự bất tiện khác.
Jim Moroney, ông chủ của tờ Dallas Morning News (Mỹ), lý giải rằng ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi.
Tính riêng trong lĩnh vực báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo cả từ báo in lẫn báo điện tử đã giảm từ mức 9,6 tỷ USD trong quý II năm 2008 xuống còn khoảng 6 tỷ trong quý II năm 2011 này. Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho biết, có rất ít tòa soạn dám tin rằng họ sẽ phục hồi nên giải pháp duy nhất mà họ có thể làm (một cách vội vã) hiện nay là tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến.
Tín hiệu lạc quan
Thực tế áp dụng của nhiều tờ báo cho thấy, khi bức tường thu phí được dựng lên, lượng truy cập vào website của tờ báo điện tử đó sẽ giảm nhưng thường là không lao dốc một cách đột ngột và cũng thường không kéo dài. Tờ báo địa phương Tulsa World của bang Oklahoma (Mỹ) cho biết, họ đã áp dụng cơ chế thu phí đọc báo điện tử kể từ hồi tháng 4/2011 và trong những tháng tiếp theo lượng truy cập của họ đã giảm mạnh nhưng đến tháng 8, lượng truy cập đã tăng trở lại và thậm chí còn cao hơn con số của tháng 8 năm ngoái – thời điểm mà tờ báo này vẫn đang miễn phí.
"Chúng tôi có một lượng độc giả đọc báo in nhưng không bao giờ đọc báo điện tử", Robert Lorton, ông chủ của tờ Tulsa World cho biết, "Hiện chỉ có chưa đến một nửa số độc giả đăng ký mua báo in dài hạn của chúng tôi đăng ký đọc báo điện tử dù họ được đọc miễn phí".
Rất nhiều tờ báo khác cũng đưa ra những báo cáo tương tự.
Trần Du Phong
Theo ICTNews/Economist
BBC công bố những cắt giảm gây sốc
Submitted by nadung on Sun, 09/10/2011 - 12:53Cơ quan thông tấn xã Anh sẽ cắt giảm 2.000 việc làm để tiết kiệm khoản chi phí 670 triệu bảng Anh một năm, và dọn ra khỏi trụ sở chính lâu năm của nó ở khu vực Tây London.
Theo đó, cơ quan thông tấn xã Anh sẽ cắt giảm 2.000 việc làm để tiết kiệm khoản chi phí 670 triệu bảng Anh (tương đương gần 1 triệu USD) một năm, và dọn ra khỏi trụ sở chính lâu năm của nó ở khu vực Tây London.
Một nhân viên BBC tham gia cuộc đình công bên ngoài trung tâm truyền hình của tập đoàn này ở phía Tây London. |
Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tiếp theo.
Các kênh của đài BBC dự kiến sẽ có những thay đổi đáng kể. Không kênh nào bị loại bỏ, nhưng BBC2 sẽ phát sóng tin tức thay vì các chương trình ban đầu. BBC3 sẽ phát sóng các chương trình về thanh niên và hài kịch, BBC4 (vốn chuyên về phim ảnh và nghệ thuật) sẽ giảm vai trò để hỗ trợ hai kênh khác. BBC sẽ có ít các chương trình vui chơi giải trí và mua lại từ nước ngoài hơn, chi ít tiền hơn cho các chương trình thể thao, chương trình dành cho trẻ em, phim truyền hình và hài kịch.
Những cắt giảm được đưa ra sau khi có quyết định giảm kinh phí hỗ trợ hoạt động của BBC hồi năm ngoái và đòi hỏi tập đoàn này đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ đặc biệt như BBC World Service.
Kế hoạch thực hiện cụ thể mới được Tổng giám đốc BBC Mark Thompson đưa ra hôm thứ Năm, 6/10, sau một cuộc cân nhắc kéo dài 9 tháng có khẩu hiệu "Cung cấp chất lượng hàng đầu".
BBC đã trải qua những cuộc cắt giảm quy mô lớn trong những năm gần đây, và đội ngũ nhân viên đang đình công để phản đối. Trong thông báo đưa ra hôm thứ Năm, công đoàn truyền thông Anh (BECTU) cáo buộc Mark Thompson đã "thủ tiêu việc làm và phá hủy BBC".
Trong bài diễn văn của mình, Tổng giám đốc BBC cũng chỉ ra tình hình kinh tế khó khăn đang tấn công hầu hết các hãng tin lớn khác: "BBC đang hoạt động trong một thế giới truyền thông đang thay đổi. Mọi người trong lĩnh vực kinh doanh này phải chấp nhận rằng sự nghiệp của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi giai đoạn thay đổi hỗn loạn".
Hoài Thanh
(Theo CL/Huffington Post)
Hình ảnh: Trang nhất các báo lớn tưởng niệm Steve Jobs
Submitted by nadung on Fri, 07/10/2011 - 16:11(ICTPress) - Các báo in lập tức phải tổ chức sắp xếp lại tin bài, nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
(ICTPress) - Nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
>> Huyền thoại Steve Jobs của Apple đã vĩnh viễn ra đi
>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"
Nhà sáng lập vĩ đại của Apple - Steve Jobs đã vĩnh viễn ra đi vào ngày hôm qua. Thông tin chỉ được biết đến trước 8 giờ tối (theo giờ Mỹ). Các báo in lập tức phải tổ chức sắp xếp lại tin bài, nhiều báo đã kịp thời đăng tải về nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn xa trộng rộng này nổi bật trên trang nhất.
Không có gì ngạc nhiên khi các báo tại California - nơi đặt "đại bản doanh" của Apple ở Cupertino - đã đưa những hình ảnh thương tiếc và tưởng nhớ Jobs vào vị trí trang trọng nhất: phần nửa trên của trang nhất. Tờ San Francisco Examiner đăng tấm hình đen trắng cỡ lớn của ông với dòng tít "Nghĩ khác".
"Thế giới mất đi nhà công nghệ có tầm nhìn" là dòng tít trên Santa Cruz Sentinel. Tương tự, tờ The Press Democrat nói Jobs là "người có tầm nhìn xa đã thay đổi cách chúng ta sống, và làm việc". Tờ San Jose Mecury News ngắn gọn: "Huyền thoại. Tầm nhìn".
Dưới đây là những hình ảnh tưởng niệm "huyền thoại" công nghệ Steve Jobs trên trang nhất một số báo lớn tại Mỹ:
AM New York |
Los Angeles Times |
The Desert Sun |
Contra Costa Times |
The Daily Journal
|
Las Vegas Review-Journal
|
New York Post |
The Bakersfield Californian |
Metro |
The Record |
The Press Democrat |
Santa Cruz Sentinel |
The Denver Post |
The Daily News |
San Francisco Examiner |
The San Diego Union-Tribune
|
San Jose Mercury News |
Bảo Lê
Theo PCMag
Xem thêm:
>> Huyền thoại Steve Jobs của Apple đã vĩnh viễn ra đi
>> Steve Jobs và Thiền: "Cái Chết là tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống"
Yahoo và ABC News liên minh xây dựng một đế chế
Submitted by nadung on Tue, 04/10/2011 - 09:41Yahoo và ABC News vừa thông báo họ sẽ tạo thành một liên minh chiến lược, trong việc cung cấp các nội dung trực tuyến cho 100 triệu người dùng Mỹ/tháng.
Yahoo và ABC News vừa thông báo họ sẽ tạo thành một liên minh chiến lược, trong việc cung cấp các nội dung trực tuyến cho 100 triệu người dùng Mỹ/tháng.
Liên minh này sẽ tận dụng được nguồn thông tin phong phú với đội ngũ phóng viên và biên tập viên chuyên nghiệp của ABC News trên toàn cầu, kết hợp với mạng lưới Yahoo News, truyền tải cho người dùng những tin tức có chiều sâu.
Bắt đầu từ hôm nay, độc giả có thể truy cập vào địa chỉ GoodMorningAmerica.com để theo dõi tin tức mà liên minh cung cấp.
Tuyên bố trên Good Morning America, George Stephanopoulos – một nhà báo nội chính của ABC News cho hay "cuộc phỏng vấn với Tổng thống Obama, chương trình giải đáp về những vấn đề thắc mắc bởi độc giả Yahoo và ABCNews.com, sẽ được truyền tải trực tiếp trên Yahoo.com và ABCNews.com ngày hôm nay vào lúc 2:35 pm (giờ Mỹ)".
Giao diện trang GoodMorningAmerica.com |
Phó chủ tịch điều hành của Yahoo tại Mỹ - ông Ross Levinsohn cho biết, Yahoo cam kết sẽ dành sự đầu tư cao nhất về nhân lực và vật lực để hợp tác toàn diện với ABC News. Ông chia sẻ: ABC News và tầm nhìn của chủ tịch Ben Sherwood hoàn toàn có thể tạo ra những nội dung đáp ứng hơn 100 triệu người sử dụng và sẽ hình thành nên một chuẩn mực mới.
Liên kết với Yahoo sẽ mở ra nhiều khả năng cho ABC News trong việc truyền tải thông tin lên mạng toàn cầu. Chủ tịch ABC News – Ben Sherwood tự hào tuyên bố: "Người Mỹ có được tin tức từ ABC News nhiều hơn bất cứ nguồn nào khác", trong tương lai ABC News sẽ tăng cường việc mở rộng kết nối với các độc giả trực tuyến.
Theo thỏa thuận, ABC News trở thành nhà cung cấp tin tức hàng đầu trên Yahoo và đội ngũ biên tập viên của cả hai sẽ hợp tác để sản xuất tin tức, hai bên có văn phòng chung đặt tại New York, Washington và Los Angeles.
Tin tức sẽ được xuất bản đồng thời trên Yahoo và ABC News, theo đó ABC News sẽ giám sát việc biên tập trên ABCnews.com và GoodMorningAmerica.com, trong khi Yahoo chịu trách nhiệm phần tin tức tại các trang của mình.
Thành Lương
Theo VTC News
Blog và văn hóa blog: Cuộc sống thực trong thế giới ảo
Submitted by nlphuong on Mon, 03/10/2011 - 16:50Internet đang xóa đi biên giới và rút ngắn thời gian đến mức đo bằng vài phần trăm giây. Blog và mạng xã hội nói chung là dạng độc đáo của chia sẻ trải nghiệm cá nhân với cộng đồng.
Internet đang xóa đi biên giới và rút ngắn thời gian đến mức đo bằng vài phần trăm giây. Blog và mạng xã hội nói chung là dạng độc đáo của chia sẻ trải nghiệm cá nhân với cộng đồng. Đối với nhiều người, đây đang là phương thức mới để tự nhận biết mình và hoàn thiện nhân cách.
Online nhật ký
Blog đầu tiên trên thế giới xuất hiện khoảng năm 1994, còn hôm nay (theo thống kê chưa đầy đủ), ở Việt Nam có tới trăm ngàn người blogger, còn số người đọc các blog được ưa chuộng thì lên tới hàng triệu.
Đối thoại “ảo” (với người đọc blog của mình) thường đơn giản hơn, có cảm giác an toàn hơn. Tính năng thông thường của nhật ký (giấy) là khi ta mô tả cuộc sống, nó giúp ta cảm thấy cuộc sống như đẹp, thi vị, phong phú hơn. Còn nhật ký điện tử biến cuộc sống được ta mô tả trong đó thành cái có thể chia sẻ với người khác, một cách có ý nghĩa; thành cái có thể tạo hứng khởi cho người khác bằng trải nghiệm của mình.
“Viết blog giúp mình lập lại trật tự, cân bằng hơn cả trong tư duy và cảm nghĩ”, một nữ ký giả chia sẻ với tôi.
Như tấm gương soi
Nhật ký online, theo các chuyên gia tâm lý, là phương thức nhận biết mình nhờ so sánh tư duy và cảm xúc của mình với phản ứng của những người khác. Blog giúp tự kiểm định mình, thay đổi cách ta tự đánh giá theo chủ quan, hỗ trợ loại bỏ những ảo tưởng, huyễn hoặc, giúp mạnh dạn thú nhận với mình những thất bại (nhờ ẩn danh), chữa những “vết thương lòng”…
Một chữ thế hệ 9X hay dùng “tự tin” (thường gây cảm giác ngược lại, là họ không tự tin lắm, trên đường toàn cầu hóa) có thể thành sự thật nhờ blog. Nhiều bạn trẻ đưa lên blog những sáng tác của mình (văn học, hội họa, nhiếp ảnh, thậm chí cả một đoạn nhạc), và trở nên mạnh dạn hơn, nhờ các ý kiến khen ngợi (và cả phê bình) của những người đọc blog thường là vô tư, vì không rõ nhân thân của blogger.
Nếu các trò chơi trên “net” bị kết tội là làm con người ta “vô hồn” thành người máy, thì viết blog, viết facebook làm cho cuộc sống dường như hay hơn, đẹp hơn. Chia sẻ nỗi buồn, nỗi buồn được san sẻ; chia niềm vui thành nhân nó lên. Blog trữ tình, kích thích khám phá, cứ như trong lễ hội hóa trang.
Facebook được ai đó ví như một “gương” 3 chiều, giúp blogger soi mình từ nhiều phía hơn.
Phương tiện tự khẳng định và hỗ trợ
Trong thời đại củi quế gạo châu, giấy đắt như vàng, NXB trông thấy tác phẩm dày lắc đầu quầy quậy, Web cá nhân là thao trường cho văn nghệ sĩ tập sự. Biết rằng trong người xem có cả những tay tổ về cái nghề mình đang tập tọng, ai cũng cố hơn: cố diễn đạt, biểu thị tốt hơn những gì mình đang mong muốn “thả hồn” vào. Những blogger bình thường cũng cố nắn nót từng câu, cố hoàn thành nghĩa vụ tối thiểu là tôn trọng độc giả. Có lẽ vì thế họ được thưởng: những bình phẩm của người không quen biết thường khách quan hơn của gia đình, bạn bè.
Trái với sự bát nháo thường thấy trên mạng, nhiều mạng xã hội ở Việt Nam khá kỷ luật, nghiêm túc, nhanh nhạy, hiệu quả. Người ta làm từ thiện, giúp tìm công việc mới sau khi bị sa thải; giúp tìm bạn sau khi ly dị, chồng bỏ, những “bố trẻ” được dạy làm cha. Trên những mạng như Web trẻ thơ, các bà mẹ trẻ dạy nhau cách nấu thức ăn cho con nhỏ, chữa bệnh thường thức, tìm trường cho con… Blog giúp ta trụ lại với những hướng đích tốt, những nề nếp, thừa hưởng của cha ông, khi những giá trị cuộc sống hôm nay bị đảo lộn.
Blog không có chỗ cho các “tác phẩm được (tiền chùa) tài trợ”, nó tuân thủ quy luật khắc nghiệt của thị trường: blog viết hay thì nhiều người đọc, viết dở hoặc “bồi bút”, thì quên đi nhé. Viết blog “vô vọng”, gần như ném xuống biển như một cái chai đụng thư. Nhưng nếu blog hay, thì như cái chai mò từ đáy biển ai cũng muốn mở, để “vị thần” có phép màu chui ra.
Tài nguyên xây lòng tự trọng
Bản thân tôi từng là một học trò không chịu được sự im lặng trong lớp cuối những năm 60, khi thầy cô đặt câu hỏi, bị gán tên xấu là “thằng hay phát biểu”… Thời đó có nhiều bạn học giỏi lắm, một số trong họ nhưng thường ngồi yên, với câu trả lời đúng ngậm trong mồm. Nay blog hỗ trợ đả phá văn hóa “im lặng đáng sợ”.
Trên mạng xã hội, nhiều người mạnh dạn hơn khi cho ý kiến ở vị thế giấu tên, dần dà đạt tới cái (hô hào nhiều, đạt được ít) là sự tự tin thực sự của lớp trẻ. Ở nước ta thứ bậc, tôn ti trong xưng hô, chính xác đến ngặt nghèo, làm những người trẻ hơn, chiếu dưới thường phải né tiếng “nói leo”. Ngược lại, blog không hề “cá mè một lứa”. Trên mạng xã hội, dễ gặp may, được phản hồi về khúc mắc của mình từ một người từng trải hơn. Đồng thời cố đưa nhiều thông tin đời tư lên mạng là “nghề” của những kẻ tự đại, thích đánh bóng, hoặc sống nhờ scandal.
Không ít nhà báo dùng blog cho những dòng mà họ muốn viết. Họ có thể phân trần, giải thích về những gì họ từng viết, đang gây tranh cãi cho người đọc, để đi hai chân trên hai lề.
Thuốc “an thần”
Nhờ trang blog, có thể (giấu tên) kể về những khúc mắc của mình, giải phóng những giận dữ, bức bối. Nhật ký online như một phác đồ của chuyên gia tâm lý, người đọc giúp điều trị những tình huống gay go của cuộc sống, khi tâm hồn như trôi dạt về những dòng đời “vô cảm”. Bạn có thể chat (giãi bày) với người không quen biết về một rắc rối “gỡ mãi chẳng ra”, khi ngại chia sẻ điều đó với người nhà, vì muôn vàn lý do đời thường.
Vẫn có những người đọc blog kiểu phượng hoàng hái khế: “ăn một quả, trả một cục vàng”. Những lời khuyên, và cả những phê phán, chỉ trích đúng lúc của họ có ảnh hưởng tích cực đối với đời tư và sự nghiệp của các blogger.
Chân dung blogger
Nhiều blogger trở thành tác giả của những bộ “phim nhiều tập”, nơi họ đồng thời là đạo diễn và diễn viên chính. Trên đó, vần vũ những trận bão trí tuệ (brain storm).
Blog là môi trường bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, uy tín. Giấy thông hành trong không gian của các blogger là am hiểu, biết giãi bày, biết thảo luận. Nhưng văn hóa blog không chỉ gồm lịch thiệp, quan trọng hơn có lẽ là sự chân thành. Một điều nữa có lẽ cũng quan trọng với VN: blog giúp hoàn chỉnh sự tự đánh giá bản thân, tu chỉnh nhân cách, mở đường vào quãng đời mới, tích cực, đầy năng động.
Những blogger thường tiến bộ, giàu cảm thông, ưa chia sẻ, không ki bo ích kỷ. Họ thường lo lắng về những gì mình viết trên blog sẽ được nhân gian tiếp nhận ra sao. Từ đây, có thể hình thành những nhân cách sống “cứu nhân độ thế”. Viết blog giúp các bạn trẻ học cách diễn đạt tư duy mạch lạc hơn, tiến bộ hơn, không cần ai đó dạy “kỹ năng sống”.
Giàu vì… blog
Nếu có nhiều bạn nghĩa là giàu, thì nhiều blogger đã “giàu to”. Bên cạnh những ý kiến châm chọc, mà không phả hoàn toàn có hại, nhiều blogger đã bội thu những lời “còm” (commentary) hữu ích cho sự nghiệp củ mình, nhất là những ai có “số” văn chương. Thế hệ anh chị, cha mẹ chúng ta, thường phải giấu giếm, nhật ký, dọa kiện những ai muốn “nhòm trộm vào tâm hồn” họ. Giàu có về tâm hồn, nhưng cách viết nhật ký giấy có vẻ “nghèo” hơn, đơn độc hơn. Các blogger hôm nay có được cái có lẽ hơn cả tiền: sự động viên, ủng hộ, đến từ cả những ai không quen biết.
Lê Đỗ Huy
Phụ nữ Thủ đô số 39, 28.9.2011
Báo Tuổi trẻ tăng cường trực tuyến
Submitted by nadung on Sun, 02/10/2011 - 15:19(ICTPress) - Một bản tin đăng trên báo in - sau khi bổ sung thêm clip minh họa và cho phép bạn đọc gửi ý kiến bình luận - đã được nhiều người đọc nhất trên Tuổi trẻ Online tuần qua.
(ICTPress) - Bản tin "Xôn xao clip trò chơi... bú sữa" đăng trên Tuổi Trẻ báo in ngày 26/9 - sau khi tận dụng ưu thế của báo mạng bằng cách bổ sung thêm clip minh họa và cho phép bạn đọc gửi ý kiến bình luận - đã trở thành bản tin này được nhiều người đọc nhất trên Tuổi trẻ Online (TTO) tuần qua.
Báo mạng giúp Tuổi trẻ tương tác nhiều hơn với độc giả. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Theo Ban biên tập TTO, bản tin này đã được hàng trăm bạn đọc gửi ý kiến theo hai luồng dư luận khác nhau: một nửa cho đây là trò chơi "bình thường, vui vui" của tập thể, một số khác cảm thấy có phần phản cảm.
Cũng khai thác điểm mạnh của báo mạng, ngày 29/9 TTO tường thuật trực tuyến cuộc gặp giữa lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với các ông bầu - cuộc họp được giới yêu bóng đá gọi là "hội nghị thượng đỉnh", "hội nghị Diên Hồng của bóng đá".
Ban biên tập TTO cho biết, phóng viên đã cập nhật liên tục không khí "nóng" tại phòng họp khiến rất nhiều bạn đọc ngồi trước máy tính liên tục nhấn phím F5 để theo dõi tình hình cuộc họp kéo dài từ sáng đến chiều, đồng thời gửi hàng trăm ý kiến của mình đến tòa soạn lên tiếng nhằm góp phần phát triển bóng đá Việt Nam.
Trong tuần, TTO cũng tường thuật trực tuyến vào thời điểm hai cơn bão số 4 và số 5 đổ bộ vào miền Trung và Bắc bộ gây ra nhiều thiệt hại. Nhiều hình ảnh, thông tin cũng như các clip do phóng viên quay từ vùng bão lũ được cập nhật liên tục đã giúp bạn đọc cảm thấy gần hơn với vùng bão lũ. Đây cũng là tuần trên TTO tràn ngập thông tin về các cơn bão.
Tối qua (1/10), như thường lệ hằng tháng, TTO tiếp sóng trực tiếp chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly. Nhưng đêm qua có một câu chuyện đặc biệt: một đại tá ở Nga ngồi trước màn hình máy tính với trang chủ của TTO để được nhìn thấy đồng đội của mình sau bao năm tưởng rằng mất tích. Tại Nga, thay vì đến các nơi có ăngten chảo để xem VTV4, người đại tá già chọn cách xem truyền hình trên Internet thuận tiện hơn.
Lê Nguyên
Nguy cơ ngừng phát sóng trực tiếp toàn bộ giải Ngoại hạng Anh
Submitted by nadung on Wed, 28/09/2011 - 13:34(ICTPress) - Nếu không xử lý được với đối tác bán bản quyền để thôi chạy quảng cáo cá độ bằng tiếng Việt, các đài truyền hình Việt Nam sẽ phải ngừng phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh.
(ICTPress) - Nếu không xử lý được với đối tác bán bản quyền để thôi chạy quảng cáo cá độ bằng tiếng Việt, các đài truyền hình Việt Nam sẽ phải ngừng phát sóng trực tiếp những trận bóng trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh.
Sự việc bắt đầu vào tối 11/9 khi biển quảng cáo trên các sân vận động tại Giải Ngoại hạng Anh bất ngờ xuất hiện những dòng quảng cáo của một hãng cá cược có tiếng, với nội dung khuyến khích người dân Việt Nam vi phạm pháp luật. Điều đáng nói là nội dung quảng cáo được sử dụng bằng tiếng Việt với chủ đích nhắm vào giới hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Được biết, đây là quảng cáo của một hãng cung cấp dịch vụ cá cược trực tuyến cho hơn 400 giải bóng đá trên toàn thế giới cũng như nhiều môn thể thao khác. Trụ sở của hãng đặt tại Anh, nơi hoạt động cá cược được xem là hợp pháp. Hãng này thâm chí còn hợp tác với các đội bóng lớn như Chelsea, Liverpool, Everton hay Bolton để quảng cáo thương hiệu trên trang phục thi đấu cũng như khai thác hình ảnh của các câu lạc bộ này.
Theo tìm hiểu của ICTPress, dịch vụ cá cược trực tuyến này cũng cung cấp cả giao diện bằng tiếng Việt và cho phép nạp tiền/rút tiền dễ dàng qua thẻ tín dụng hay chuyển khoản tại các ngân hàng Việt Nam. Với dịch vụ này, "giới cá độ" chỉ cần online tại nhà là có thể dễ dàng tham gia đặt cược hàng trăm trận đấu đang diễn ra trên khắp thế giới.
Theo số liệu của công ty thống kê Internet Alexa (Mỹ), trang Web của hãng cá cược này đang nằm trong khoảng 1.000 Website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam - một vị trí không hề thấp.
Với những động thái trên, không khó để nhận thấy hãng cá cược này đã nhìn ra tiềm năng của thị trường Việt Nam và đang nhắm trực tiếp tới số lượng tín đồ "túc cầu giáo" đông đảo trong nước. Tuy thế, tại Việt Nam, hành vi cá cược như vậy là phạm pháp và việc quảng cáo cho hoạt động kinh doanh cá cược cũng vi phạm Pháp lệnh quảng cáo.
Giao diện tiếng Việt của dịch vụ cá cược trực tuyến. Ảnh chụp màn hình. |
Ngừng phát trực tiếp?
Ngay sau khi dư luận lên tiếng, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị chịu trách nhiệm nội dung của các hệ thống truyền hình trả tiền VCTV, SCTV, VSTV phải làm rõ, và cho rằng đây là trách nhiệm của các đài truyền hình Việt Nam phát sóng các trận đấu thể hiện nội dung quảng cáo đó.
Theo phía cơ quan quản lý, khi biết mình đang phát sóng một chương trình trong đó có nội dung khuyến khích người dân đi ngược lại với luật pháp Việt Nam thì các đài truyền hình của Việt Nam cần xem xét việc dừng phát sóng hoặc can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật để nội dung thông tin sai lệch đó không thể hiện trên máy thu hình nữa.
"Nếu không, hành vi tuyên truyền những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam này sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp", công văn của Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử gửi VTV nêu rõ.
Một trận đấu trong khuôn khổ Ngoại hạng Anh. |
Trả lời về sự việc này, hôm qua (27/9), Đài Truyền hình Việt Nam cho biết đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại các hợp đồng mua bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh với những điều khoản để có thể xử lý sự việc trên. Mặt khác, VTV cũng liên hệ với bên bán bản quyền để đề nghị nhà sản xuất tín hiệu can thiệp với Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh không chạy dòng chữ quảng cáo cá độ bằng tiếng Việt.
Tuy nhiên, phía VTV cho biết trong trường hợp không xử lý được thì sẽ phải xem xét tới phương án bố trí phát chậm các trận đấu để có thời gian cắt bỏ những đoạn hình ảnh được hiểu là mời người Việt chơi cá độ bóng đá.
Như vậy, người hâm mộ môn thể thao vua trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ không còn tiếp tục được xem trực tiếp các trận đấu khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh. Và nếu tính huống này xảy ra, hoạt động kinh doanh của các đài truyền hình đã mua bản quyền phát sóng trực tiếp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do chắc chắn nhiều đối tác quảng cáo sẽ đòi rút khi chương trình không còn được phát trực tiếp.
Với phương án cuối cùng này, VTV cho rằng sẽ phức tạp, tốn kém, cần có thời gian và sẽ gây phản ứng từ công luận hâm mộ bóng đá.
Lê Nguyên
Vì sao truyền thông cần coi trọng mạng xã hội?
Submitted by nadung on Wed, 28/09/2011 - 08:56Một nhà báo chuyên nghiệp hàng đầu ngày nay sẽ không thể tồn tại nếu không nắm vững các trang mạng xã hội.
Một nhà báo chuyên nghiệp hàng đầu ngày nay sẽ không thể tồn tại nếu không nắm vững các trang mạng xã hội.
Dưới đây là năm lý do tại sao những hãng truyền thông mới ra đời phải quan tâm đến xu thế này, trích tham luận của nhà báo nổi tiếng người Na Uy John Einar Sandvand (Biên tập viên của Media Norway Digital) trình bày tại hội thảo thường niên do Liên minh Báo chí châu Âu tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.
Mạng xã hội đã trở thành phần không thể thiếu trong công việc thường nhật của nhiều hãng tin. Tuy nhiên nhiều biên tập viên và nhà báo vẫn gặp khó khăn trong việc giành nhiều nỗ lực để tìm hiểu sự năng động đến bùng nổ của Facebook, Twitter và những mạng xã hội khác.
1. Lan truyền tin tức
Mạng xã hội là chia sẻ, và chia sẻ làm gia tăng lượng người đọc. Facebook và Twitter có thể trở thành những kênh rất mạnh để lan truyền tin tức. Có hai lý do chính cho việc này. Thứ nhất, mọi người thường tin tưởng những gì bạn bè gửi cho hơn so với từ người lạ. Những câu chuyện chia sẻ trên Facebook và Twitter do đó có cơ hội được ấn chuột vào nhiều hơn. Thứ hai, mọi người thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nhiều hơn so với các trang khác. Theo Facebook, 800 triệu người dùng của họ mỗi tháng dành trung bình 15 tiếng đồng hồ đăng nhập.
2. Tạo ra sự gắn bó
Những thông tin không tạo ra sư gắn bó, hoặc ít tạo ra sự gắn bó, thì cũng không, hoặc ít có giá trị. Những hãng tin sẽ nhận ra rằng những tin tức tạo ra sự gắn bó với người đọc có thời gian tồn tại và được ấn chuột vào nhiều hơn. Người đọc dành nhiều thời gian hơn cho những tin tức như thế này và sẽ tiếp tục theo dõi những tin tức khác liên quan đến nó.
Những mạng xã hội lớn, như Facebook, Twitter, Linkedin và YouTube, cung cấp các thiết bị hiệu quả để tạo ra sự gắn bó và chúng cũng cho biết nhiều điều về những ai thực sự gắn bó với nội dung mà bạn đăng tải. Thông tin đó là rất đáng giá với hầu hết các hãng tin. Trước giờ nghề báo thường là một chiều. Các biên tập viên chọn tin tức và trình bày những câu chuyện theo ý họ cho đám đông công chúng.
Nhưng điều này đã thay đổi. Ngày nay tất cả mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn cho một cộng đồng mạng. Các nhà báo không còn độc quyền cung cấp và phân phối thông tin nữa. Những điều này làm thay đổi nghề báo và thay đổi sự chờ đợi của mọi người với nhà báo. Không còn là đường một chiều nữa.
3. Thông tin nhanh nhạy hơn
Khi những tin tức lớn xảy ra, không có cách nào theo dõi tốt hơn, trong vài giờ đầu tiên, là qua các
mạng xã hội, theo ba cách.
Thứ nhất, những sự kiện lớn và trực tiếp. Trong những tình huống này, nhà báo nên ngay lập tức theo dõi những gì diễn ra trên Twitter từ những nhân chứng và các nguồn khác. Tin tức đầu tiên sẽ lan truyền trên mạng xã hội trước, rồi mới đến các phương tiện truyền thông truyền thống.
Bức ảnh đầu tiên về vụ máy bay đáp xuống sông Hudson ở New Yok là được đăng trên Twitter. Đây là ví dụ điển hình về sức mạnh thông tin trên mạng xã hội. (Nguồn: betatales.com) |
Thứ hai, khi chính mạng xã hội cũng trở thành tin tức. Chúng ta thấy điều này xảy ra ngày càng thường xuyên, ví dụ như cuộc cách mạng ở Libya hay sự kiện khủng bố ở Na Uy. Cách mà mọi người sử dụng mạng xã hội trong những sự kiện này, và vai trò của mạng xã hội, là một nhân tố quan trọng của toàn bộ câu chuyện.
Thứ ba, theo dõi mạng xã hội cho những nhóm sở thích khác nhau. Đây là cách các tổ chức truyền thông sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Hầu hết nhà báo đều có lĩnh vực hoạt động riêng. Họ nên theo dõi một cách có hệ thống những gì người đọc trao đổi và quan tâm trong lĩnh vực của riêng họ trên các mạng xã hội.
4. Đối thoại với độc giả
Mạng xã hội buộc chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với độc giả.
Mạng xã hội là chia sẻ, và chia sẻ là đối thoại. Không may là nhiều biên tập viên không nhận ra điều này. Họ xem các trang mạng xã hội chỉ là nơi truyền đi thông tin mà họ muốn, và không bận tâm đến thực tế là người đọc của họ muốn chia sẻ và liên lạc. Với các biên tập viên, lợi ích là rất lớn trong việc bắt đầu đối thoại với người đọc qua mạng xã hội.
Hãy xem thử trang Facebook của tờ báo lớn nhất Na Uy, Aftenposten. Hiện nó có 67.000 người theo dõi. Aftenposten đã dùng Facebook không chỉ là nơi lan truyền thông tin, mà còn để hỏi người đọc của họ bận tâm về những câu chuyện riêng biệt. Điều này rất có ích cho các biên tập viên.
5. Xây dựng giá trị thương hiệu
Đây là điều mà mọi hãng kinh doanh, và đặc biệt là các hãng tin, đều phải nhìn thấy trên mạng xã hội. Giá trị thương hiệu cao luôn mang lại những cơ hội lớn và cách bạn tương tác với độc giả có thể là một cách rất hay để xây dựng thương hiệu, khẳng định và củng cố những giá trị mà hãng tin của mình theo đuổi./.
Trần Trọng
(Theo Vietnam+)