Syndicate content

Nghề báo

Quan tâm tạo động lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo Đại biểu nhân dân, Truyền hình Quốc hội quan tâm tạo động lực cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên thông qua việc tạo môi trường làm việc lành mạnh, bảo đảm chế độ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 25/1 (tức mùng 4 Tết), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, chúc Tết cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng đến thăm tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam, cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi và tràn đầy khí thế của hai cơ quan báo chí của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ năm 2022 đã khép lại với nhiều thành công. Trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp của Quốc hội với những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các kỳ họp thường kỳ, các kỳ họp bất thường, công tác dân nguyện đến các hoạt động ngoại giao nghị viện.

Các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc lão thành cách mạng và cử tri, nhân dân đều đánh giá cao sự nỗ lực, những tìm tòi, đổi mới, những kết quả hoạt động của Quốc hội và tinh thần đoàn kết, nhất trí, phát huy được truyền thống 76 năm của Quốc hội Việt Nam.

[VietnamPlus ra mắt chuyên trang Tết Nguyên đán Quý Mão 2023]

Biểu dương những kết quả Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng ủy, lãnh đạo hai cơ quan tiếp tục quan tâm tạo động lực cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động thông qua việc tạo môi trường làm việc lành mạnh, bảo đảm chế độ, chính sách, xây dựng văn hóa công sở...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại vinh dự của Báo Đại biểu nhân dân khi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Chủ tịch Quốc hội ký Nghị quyết số 816 nâng cấp và đổi tên Báo, thay đổi măngséc Báo; Truyền hình Quốc hội Việt Nam khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ấn nút chính thức phát sóng đúng vào ngày 6/1/2015, đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hai cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung tin bài cũng như về tổ chức bộ máy, nhân sự; đổi mới bộ nhận diện và kênh phát sóng; khai thác tích cực các nền tảng số…

Sang năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan báo chí của Quốc hội cùng thi đua, tiếp tục đổi mới sáng tạo. Nhấn mạnh đây là con đường phát triển nhanh và bền vững, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sự phát triển của hai cơ quan đóng góp vào thành công của Quốc hội và thành công của Quốc hội sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của hai cơ quan, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân khẳng định sẽ nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn và kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội dành cho hai đơn vị; xem đây là nguồn động lực to lớn, sự cổ vũ mạnh mẽ để Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.

Nguồn: Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/quan-tam-tao-dong-luc-cho-doi-ngu-phong-vien-bien-tap-vien/842775.vnp

Truyền hình Bỉ thực hiện phóng sự về Tết nguyên đán của người Việt

BX1, kênh truyền hình tiếng Pháp của vùng thủ đô Brussels đã phát phóng sự 'Người Việt đón Tết ở Woluwe Saint-Pierre' với nội dung về chương trình Tết cộng đồng do Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức hôm 22/1 ở Brussels.

Các em nhỏ con kiều bào Bỉ biểu diễn khai mạc chương trình Xuân Quý Mão.

Phóng sự cho biết ngày 22/1, khoảng 400 người Việt Nam đã đến dự ngày hội truyền thống và thuần khiết tại quận Woluwe Saint-Pierre. "Chúc mừng năm mới" là câu cửa miệng của người Việt khi gặp nhau trong dịp này. Ngay cả một số người Bỉ cũng học để nói "Chúc mừng năm mới".

Lễ hội mừng năm mới của người Việt Nam có các món ăn truyền thống dân tộc, trong đó có bưởi, thứ quả không thể thiếu trong ngày Tết và được trang trí theo cách của người Việt Nam. Một trong những món ăn mà phóng viên giới thiệu, đó là bánh mỳ thịt, thứ đặc sản của Việt Nam hiện đã có tên trong cuốn từ điển Oxford.

Lễ hội được trang trí bằng những câu đối Tết hoặc các bức thư pháp mang từ Việt Nam sang. Đây là những đồ vật trang trí trong gia đình không thể thiếu trong ngày Tết, cực kỳ sặc sỡ và đó là cách mang lại nhiều năng lượng cho gia đình trong năm mới. Còn để viết thư pháp thì phải học trong nhiều năm và khi thể hiện thì uốn lượn như biểu diễn võ công.

Bên cạnh đó, lễ hội Tết của người Việt Nam không thể thiếu các tiết mục văn nghệ và lần này do đoàn nghệ thuật đến từ Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn. Phóng sự nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam có khoảng 5.000 người sống ở thủ đô Brussels. Lễ hội Tết hôm nay mới chỉ là bắt đầu và nó sẽ kéo dài trong 15 ngày.

Nhập đề về “báo chí kiến tạo”

Có thể coi “báo chí kiến tạo” là việc báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình.

Tổng Biên tập Báo VietnamNet Nguyễn Văn Bá

Phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của xã hội, xã hội càng tiến bộ thì càng cần phản biện xã hội. Một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. (Xin nói rõ, ở đây chúng ta chỉ bàn về những thông tin chính xác chứ không bàn về tin giả - fake news). Rõ ràng công chúng thấy có sự mất cân đối ở đây. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống.

Thưa quý vị, “thiên kiến tiêu cực” có thể hiểu là là xu hướng báo chí (và cả người đọc nữa) không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại sao “tin xấu” dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa "view" thành một chỉ tiêu đối với phóng viên, là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người làm báo.

BÁO CHÍ KIẾN TẠO

Chiến lược chuyển đổi số báo chí với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành giải pháp nhiều hơn, phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.

 

(Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí của Thủ tướng Chính phủ - ngày 17/6/2022)

Trên thế giới, “báo chí kiến tạo” (báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng...) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Đó là cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh về thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.

Tại buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”.

Báo chí giải pháp - báo chí kiến tạo có xa lạ với báo chí Việt Nam hay không? Tôi cho là không. Nhiều tờ báo, bằng những hoạt động của mình đã góp phần đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng. Có thể kể đến cuộc thi hiến kế “TP. HCM nâng tầm quốc tế” mà báo Tuổi trẻ từng tổ chức hay cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” của báo Người Lao động. Chuỗi các buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo điện tử Chính phủ cũng thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, độc giả, cung cấp nhiều giải pháp, ý tưởng cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng như chính quyền các cấp.

Hay một tờ báo địa phương như Báo Nghệ An cũng có những loạt bài viết theo khuynh hướng “Báo chí kiến tạo”. Báo đã có loạt bài về dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân tại thị xã Cửa Lò. Trong những bài viết này, bên cạnh chỉ rõ những sai phạm của chủ đầu tư, Báo Nghệ An cũng “hiến kế” với các cơ quan chức năng của tỉnh để tạo sự hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và địa phương.

Như vậy có thể thấy, có thể coi “báo chí kiến tạo” là việc báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình. Tuy nhiên, do là khuynh hướng mới nên có thể còn nhiều băn khoăn: “Báo chí kiến tạo” thực chất là gì, áp dụng ở Việt Nam ra sao khi điều kiện của chúng ta có những đặc điểm riêng. Rồi thì làm sao để hạn chế thông tin tiêu cực trên báo. Liều lượng như thế nào là đủ..../.

Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietnamNet

Nguồn: ictvietnam.vn

Thông tin đối ngoại góp phần quan trọng vào thành tựu của đất nước

Tại cuộc gặp mặt với cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thông tin đối ngoại là điểm sáng nổi bật, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước cũng như của ngành Ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao cho một số tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin-tuyên truyền. (Nguồn: Báo Quốc tế)

Ngày 19/1, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc gặp mặt đầu năm với các cơ quan báo chí Việt Nam.

Tham dự cuộc gặp có đại diện các cơ quan quản lý báo chí Trung ương, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn và nhiều phóng viên chuyên trách trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại một số thành tựu nổi bật của ngành Ngoại giao trong năm 2022 như: triển khai thành công 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt; tham mưu kinh nghiệm các nước góp phần kiểm soát thành công dịch COVID-19; nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước tại các diễn đành quốc tế; song hành cùng địa phương triển khai ngoại giao kinh tế; đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo hộ công dân.

Đánh giá về công tác thông tin đối ngoại, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thông tin đối ngoại là một điểm sáng nổi bật, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước cũng như của ngành Ngoại giao.

Bộ trưởng chân thành cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên thông qua việc phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao; có nhiều hình thức sáng tạo tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam ra bạn bè quốc tế; góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận báo chí nước ngoài về Việt Nam, nâng cao vai trò, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; tạo sự đoàn kết, đồng thuận, ủng hộ của dư luận Nhân dân trong nước đối với công tác đối ngoại.

Thay mặt Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các phóng viên trên mặt trận đối ngoại và ngoại giao trong năm 2023, qua đó cùng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó.

Đại diện các cơ quan báo chí phát biểu, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Ngô Minh Hiển đánh giá cao những thành tựu Bộ Ngoại giao đạt được trong năm 2022; đồng thời khẳng định các cơ quan báo chí sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, nỗ lực đổi mới tư duy nhằm truyền tải một hình ảnh Việt Nam đổi mới, sáng tạo, góp phần củng cố vị thế và mang Việt Nam ra với thế giới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao tặng một số tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin-tuyên truyền, góp phần vào thành công của nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thong-tin-doi-ngoai-gop-phan-quan-trong-vao-thanh-tuu-cua-dat-nuoc/842223.vnp

Giám đốc Nhà xuất bản Văn học được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo Văn hóa

Kể từ ngày 1/2/2023, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học sẽ giữ cương vị là Tổng Biên tập Báo Văn hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao quyết định cho ông Nguyễn Anh Vũ. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo Văn hóa trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/2/2023.

Ngày 18/1, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã công bố quyết định bổ nhiệm.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, ông Nguyễn Anh Vũ gắn bó nhiều năm với ngành.

Thứ trưởng đánh giá lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ông Nguyễn Anh Vũ đã có nhiều nỗ lực cùng tập thể lãnh đạo Nhà xuất bản Văn học vượt qua khó khăn, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

Báo Văn hóa cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo bộ đánh giá cao. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy hy vọng ông Nguyễn Anh Vũ ở cương vị mới tiếp tục phát huy thành tựu, cùng lãnh đạo, tập thể, viên chức, phóng viên Báo Văn hóa cố gắng nỗ lực tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Nội bộ phải đoàn kết, thống nhất để đẩy mạnh truyền thông chính sách của ngành và đất nước”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng mong muốn với vị trí, vai trò là tiếng nói của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động, Báo Văn hóa sẽ có thêm động lực, niềm tin để phát triển theo hướng nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại trong thời gian tới.

Phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Anh Vũ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo bộ cũng như tập thể của các cơ quan cũ và mới.

Nhận thức rõ Báo Văn hóa là đơn vị quan trọng trong bộ máy của Bộ, có nhiệm vụ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Anh Vũ hứa sẽ nỗ lực hết mình cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của báo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao quyết định cho bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia được điều động, bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Thư viện kể từ ngày 1/2/2023.

Báo Lào ca ngợi thành công của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào

Trang nhất tờ PathetLao hằng ngày số ra ngày 16/1 đăng bài ca ngợi thành công của Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022, nhấn mạnh điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trang nhất tờ PathetLao hằng ngày số ra ngày 16/1. (Ảnh: Hải Tiến)

Bài báo nêu rõ, năm 2022, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam anh em đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động phong phú, phản ánh được tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại không thể tách rời.

Bài báo dẫn chứng cho biết, tại lễ tổng kết Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh đến kết quả thành công tốt đẹp và cùng điểm lại quan hệ hợp tác toàn diện của hai nước trong thời gian qua, đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Hai bên đã ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Bài báo nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa qua có ý nghĩa vô vùng quan trọng. Chuyến thăm diễn ra trong không khí hai nước đang tổng kết các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022 để kỷ niệm hai sự kiện lịch sử: 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.

Trong chuyến thăm, hai bên đã đánh giá cao các hoạt động kỷ niệm. Kể từ khi chính thức phát động từ đầu năm 2022 tại thủ đô Hà Nội đến hết năm 2022, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, trở thành một phong trào sôi nổi trong phạm vi cả ở trong nước và tại các cơ quan đại diện của hai nước ở nước ngoài. Hai bên đã thường xuyên tiến hành giao lưu, thăm, trao đổi đoàn với 115 đoàn ở cả hai phía, trong đó phía Lào có 51 đoàn và phía Việt Nam có 64 đoàn.

 

Bên cạnh đó, hai bên còn tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa-xã hội, giáo dục… Đồng thời, hai bên còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức thi sáng tác văn học nghệ thuật, thi tìm hiểu về mối quan hệ Lào-Việt Nam… và nhận được sự quan tâm rộng rãi trong xã hội.

Một trong những hoạt động nổi bật trong việc kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị là hai bên đã cùng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác đồng thời tại thủ đô của hai nước vào ngày 18/7/2922 tràn đầy ý nghĩa, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo cấp cao và đông đảo quần chúng nhân dân.

Bài báo kết thúc bằng lời chúc mừng thành công của Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022; tiếp tục khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

https://nhandan.vn/bao-lao-ca-ngoi-thanh-cong-cua-nam-doan-ket-huu-nghi-viet-nam-lao-post735203.html

Báo Nhân Dân tặng quà cho các đối tượng chính sách Đô Lương (Nghệ An)

Chiều 12/1, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác Báo Nhân Dân đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương và trao tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Lê Quốc Minh tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Truông Bồn là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền nam. Từ năm 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn gần 19.000 quả bom các loại và hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường hòng hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông.

Tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, thờ 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên "tọa độ lửa" Truông Bồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Khu mộ chung của 13 liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội thép, thuộc Đại đội 317-N65-Tổng Đội TNXP Nghệ An hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào rạng sáng 31/10/1968, đồng chí Lê Quốc Minh đã và đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn các anh hùng liệt sĩ.

Đồng chí Lê Quốc Minh tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Quốc Minh đã trao tặng 50 suất quà, tổng trị giá 150 triệu đồng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương.

Các đại biểu thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, đồng chí Lê Quốc Minh cùng đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

https://nhandan.vn/bao-nhan-dan-tang-qua-cho-cac-doi-tuong-chinh-sach-do-luong-nghe-an-post734595.html

Trao 34 giải báo chí về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022

Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 có 4 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 20 giải khuyến khích ở 2 loại hình báo in - báo điện tử và báo phát thanh - truyền hình.

Các đồng chí đại diện Ban Tổ chức trao giải A tặng các tác giả, nhóm tác giả.

Chiều 10/1, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022. Đến dự, có đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết: năm 2022 là năm diễn ra Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Tuổi trẻ cả nước rất vui mừng khi công tác tuyên truyền về Đại hội được lan tỏa mạnh mẽ, toàn diện với nhiều cách làm mới, phản ánh rõ nét chuyển động của Đại hội và các hoạt động của thanh thiếu nhi trước ngày hội lớn của tuổi trẻ.

Theo đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 ghi nhận nhiều tác phẩm chất lượng tốt, sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện, phản ánh đậm nét nhiều mặt công tác của tổ chức Đoàn, đóng góp của thanh thiếu nhi. Qua đó, khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần dấn thân, cổ vũ mạnh mẽ ý chí vươn lên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp và sáng tạo của tuổi trẻ.

Các tác giả, nhóm tác giả nhận giải tại buổi lễ.

Được biết, Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi được Trung ương Đoàn tổ chức thường niên nhằm khích lệ, động viên những người làm báo và các tác giả có nhiều bài viết hay về đề tài thanh niên.

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 4 giải A, 4 giải B, 6 giải C và 20 giải khuyến khích ở 2 loại hình báo in - báo điện tử và báo phát thanh - truyền hình.

Trong đó, 4 giải A đã thuộc về các tác phẩm: “Bản đồ kết quả đại hội 67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc” của báo Tiền Phong; “Người trẻ xoay chuyển tình thế trong dịch” của báo Thanh Niên; “Chuyện những người vượt gió xuyên đêm ở Bà Rịa - Vũng Tàu” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; “Người được chọn” của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội.

https://nhandan.vn/trao-34-giai-bao-chi-ve-cong-tac-doan-va-phong-trao-thanh-thieu-nhi-nam-2022-post734181.html

Truyền thông quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

Trang điện tử laophattananews.com thuộc Hội Nhà báo Lào đăng bài viết "Kinh nghiệm từ Việt Nam: Kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh thế giới suy giảm". Theo TTXVN, bài viết cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Lào vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và Lào vừa có Thủ tướng mới, người dân tin tưởng sẽ có những chính sách phù hợp tình hình hiện tại cũng như từ các kinh nghiệm tốt của Việt Nam để sớm giải quyết những khó khăn và nhanh chóng phát triển bền vững.

Công nhân lao động làm việc tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Bài viết nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh thế giới đối mặt suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp trong 2-3 năm qua. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử của Mỹ, châu Âu và châu Á mở rộng hoạt động tại Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Ngoài ra, cải cách giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng với đó là việc Chính phủ Việt Nam tập trung đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng, giúp nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tới tăng trưởng tốt.

Theo bài viết, các chuyên gia kinh tế nhận định năm 2023, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm và đối mặt nhiều khó khăn. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng như Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng chậm, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định do đã thu hút các nhà đầu tư và có các chính sách phù hợp trong quản lý đồng nội tệ.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, báo hiệu đà tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

Trang web Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) vừa đăng bài viết của Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, Đại học Harvard của Mỹ, nhận định kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ năm 2022, sau hai năm chịu tác động của dịch Covid-19. Các dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 thấp hơn một chút so mức 8,8% trong chín tháng đầu năm.

 

Theo bài viết, xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhập khẩu; du lịch phục hồi từ mức thấp của năm 2021, qua đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành dịch vụ. Theo Giáo sư Dapice, kinh tế Việt Nam có những điểm mạnh để bù đắp các thách thức. Lạm phát được ghi nhận ở mức thấp một con số; mức giảm giá đồng nội tệ so đồng USD thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.

Với chính sách tài khóa siết chặt, phần lớn ngân hàng Việt Nam có thế mạnh là nguồn vốn dồi dào. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới.

Bài viết cho rằng năm 2023, động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam có thể sẽ không còn là xuất khẩu hoặc chi tiêu dùng - vốn đã tăng mạnh năm 2022, thay vào đó là sự phục hồi của ngành du lịch khi Trung Quốc mở lại biên giới sau ba năm đóng cửa để phòng, chống dịch, cùng với chính sách của Chính phủ Việt Nam tăng mạnh đầu tư thúc đẩy kinh tế hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%. Đây là một mục tiêu có thể khó khăn nếu nền kinh tế thế giới hoặc các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc, yếu đi.

Nguồn: TTXVN

Báo Đức viết về thắng lợi đáng tự hào của quân dân Việt Nam

Báo Đức đăng bài viết về chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đáng tự hào của quân dân Việt Nam 50 năm trước, khi Mỹ ồ ạt ném bom miền Bắc trong một chiến dịch được coi là ác liệt nhất ở Hà Nội.

Thượng úy Phạm Tuân, Trung đoàn 921 Sao Đỏ, Sư đoàn Không quân 371 là người đầu tiên lái máy bay MiG-21 bắn tan xác B-52 Mỹ, đêm 27/12/1972. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Báo Junge Welt của Đức vừa đăng bài viết của tác giả Hellmut Kapfenberg về chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đáng tự hào của quân dân Việt Nam 50 năm trước, khi Mỹ ồ ạt ném bom xuống miền Bắc trong một chiến dịch được coi là ác liệt nhất ở Hà Nội.

Bài báo cho biết trong tháng 12 này, "Điện Biên Phủ trên không" đang là chủ đề của nhiều sự kiện và triển lãm nhân kỷ niệm 50 năm diễn ra chiến dịch này ở Hà Nội. Cuộc chiến của Mỹ bắt đầu vào năm 1965 để cứu vãn "chế độ vệ tinh" được thiết lập 10 năm trước đó một cách vô pháp ở miền Nam bị chia cắt.

Các nhà đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ đã kiên trì đàm phán ở Paris từ tháng 5/1968 và tới tháng 10/1968 thì ra được văn bản của một hiệp đình hoà bình mà theo kế hoạch sẽ được Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký ở Paris vào ngày 30/10/1968.

Tuy nhiên, sự phản đối của chính quyền Sài Gòn đối với một số quy định liên quan tới Nam Việt Nam là cái cớ để Mỹ bất ngờ chấm dứt hiệp định và huỷ chương trình đã lên kế hoạch. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng bác bỏ yêu sách của Mỹ đòi đàm phán lại.

Theo tác giả bài báo, Mỹ thực chất muốn đàm phán để cứu chế độ Sài Gòn khỏi sụp đổ, qua đó giữ chắc được tiền đồn đầu tiên của mình ở lục địa châu Á cũng như xoa dịu phong trào phản chiến đang lên cao trong nước.

Ngày 31/10/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson khi đó tuyên bố chấm dứt vô điều kiện mọi "hành động chiến tranh" chống miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, người kế nhiệm là Richard Nixon, được bầu tháng 11/1968, lại không giữ cam kết này.

Tới năm 1971, Mỹ luôn có những hành động khiêu khích như tăng cường thực hiện các chuyến bay do thám trên toàn miền Bắc Việt Nam và sử dụng máy bay ném bom không kích các tỉnh phía Nam, các vùng lân cận Hà Nội cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng những gì xảy ra năm sau đó lại là thảm họa với Washington.

Bắt đầu từ ngày 16/4/1972, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 tấn công ban đêm vào thành phố Hải Phòng và lần đầu tiên, biên giới ảo do Mỹ đặt ra là vĩ tuyến 20 trở lên phía Bắc đã bị họ phá vỡ.

Kể từ đó, khu vực phía Bắc vĩ tuyến 20 cũng như các tỉnh phía Nam liên tục là mục tiêu của các máy bay ném bom hạng nặng và hàng trăm máy bay chiến đấu của Mỹ.

Việc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ chối đàm phán lại cũng như không nhượng bộ là cái cớ để Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom ác liệt nhất xuống toàn miền Bắc kể từ năm 1965. Tuy nhiên, ban đầu bom Mỹ chỉ rải xuống khu vực ngoại thành Hà Nội, Hải Phòng cũng như Thái Nguyên.

Đêm 26/12/1972, lần đầu tiên máy bay B-52 ném bom xuống trung tâm Hà Nội, tập trung vào khu vực đường Khâm Thiên. Mặc dù hầu hết phụ nữ và trẻ em đã được sơ tán sau ngày 16/4/1972, song vẫn có hàng trăm người thương vong trong đợt ném bom này. Và Mỹ cũng phải nhận cái giá phải trả đích đáng.

Phi đội máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, vốn được coi là bất khả chiến bại và chỉ có thể vươn tới ở độ cao ít nhất 10.000 mét đối với tên lửa phòng không, đã bị thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 29/12/1972, số liệu của phía Việt Nam cho biết Mỹ đã mất 81 máy bay chiến đấu, trong đó có 34 chiếc B-52.

Việt Nam có thể tự hào nói về một chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không," một cách nói xuất phát từ thắng lợi trong cuộc chiến chống Pháp năm 1954.

Xác máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 26/12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Theo một bài báo khác cũng đăng trên báo Junge Welt, nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc chiến đó, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay rất đa dạng và không chỉ ở cấp nhà nước. Tuy vậy, cuộc chiến man rợ trên không và những tội ác nghiêm trọng khác trong quá khứ không bị rơi vào quên lãng. Hàng loạt triển lãm, hội thảo và các hoạt động khác được tổ chức trong tháng 12 này để kỷ niệm chiến thắng tháng 12/1972.

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam./.

Nguồn: Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=838913