Syndicate content

Nghề báo

Báo chí quốc tế ca ngợi hai đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc

Với việc hai đội tuyển Nhật Bản và Hàn Quốc vào vòng 1/8, báo chí các nước đã dành nhiều lời ngợi ca. Tờ Chosun của Hàn Quốc giật tít: “Nhật Bản viết lại lịch sử bóng đá châu Á”.

Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông sau chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Tờ Channel News Asia thì so sánh trận thắng của Nhật Bản trước Đức và Tây Ban Nha giống như chàng David hai lần đánh bại gã khổng lồ Goliath thời cổ đại. Tờ Goal phiên bản Indonesia có tít chạy dài: “Nhật Bản đã dạy cho Đức và Tây Ban Nha biết lối chơi phòng ngự tiêu cực có thể mang lại kết quả tích cực như thế nào”.

Kênh truyền thông Al Jazeera thì dùng cụm từ “Phép màu ở Doha (Qatar)” để nói về chiến thắng của Nhật Bản và bình luận: “Nhật Bản làm choáng váng thêm một cường quốc bóng đá của thế giới, khi đánh bại Tây Ban Nha”. Tờ Marca của Tây Ban Nha nhận xét: “Nhật Bản là dàn nghệ sĩ tuyệt vời nhất World Cup”. Tờ báo này cũng nhận xét về Hàn Quốc: “Những chú hổ châu Á đã có một chiến thắng trước Bồ Đào Nha để đi tiếp” và nhấn mạnh: “Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia nằm trong nhóm đội tuyển có màn trình diễn đáng kinh ngạc nhất ở World Cup 2022”.

Nguồn: nhandan.vn

https://nhandan.vn/bao-chi-quoc-te-ca-ngoi-hai-doi-tuyen-nhat-ban-va-han-quoc-post728195.html

Bổ nhiệm lãnh đạo mới cho Cục TTĐN, Báo VietNamNet, Tạp chí TT&TT

Ngày 01/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ lãnh đạo cho các đơn vị: Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN), Báo VietNamNet, Tạp chí Thông tin và Truyền thông TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị và trao các quyết định. Dự hội nghị có các Thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm cùng lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao các quyết định cán bộ gồm:

Quyết định số 1691/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 9/9/2022 được nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục TTĐN từ ngày 01/12/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm chụp ảnh với ông Đoàn Công Huynh

Quyết định số 2226/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 01/12/2022 về việc điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo VietNamNet giữ chức Cục trưởng Cục TTĐN, Bộ TT&TT.

Quyết định số 2228/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 01/12/2022 về việc điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Tạp chí TT&TT giữ chức Tổng biên tập Báo VietNamNet, Bộ TT&TT.

Quyết định số 2229/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT ngày 01/12/2022 giao nhiệm vụ cho ông Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí TT&TT phụ trách điều hành Tạp chí TT&TT, Bộ TT&TT trong thời gian 6 tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm chụp ảnh với các cán bộ được bổ nhiệm

Cam kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Với thời gian công tác tại Báo VietNamNet 21 năm, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục TTĐN bày tỏ vinh dự được giao trọng trách làm Cục trưởng Cục TTĐN và cảm ơn lãnh đạo Bộ TT&TT tín nhiệm, giao trọng trách này, cũng như đã luôn tạo điều kiện, giúp đỡ báo VietNamNet trưởng thành và phát triển đến ngày hôm nay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục TTĐN

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết nhiệm vụ mới là một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời. Với vị thế đất nước như hiện nay, so với thông tin về đất nước trên không gian mạng, ông Tuấn cho biết sẽ có nhiều việc phải làm để hình ảnh quốc gia tương xứng thực tế. Theo đó, Cục TTĐN xác định đã, đang và sẽ trở thành lực lượng chuyên sâu, chuyên nghiệp, chuyên ngành nhất trong hệ thống chính trị về TTĐN và tạo ra công cụ mạnh quản lý bằng số lớn; xây dựng nền tảng cục TTĐN ngoại ảo; phát triển cổng Vietnam.vn vào TOP 100 và TOP 10; xây dựng cơ sở dữ liệu TTĐN; tổ chức sự kiện nhiều hơn trên nền tảng trực tuyến.

Những nhiệm vụ trên, ông Tuấn cho biết để thực hiện mục tiêu đưa cái hay của Việt Nam ra thế giới và đưa cái hay của thế giới vào Việt Nam; khai thác tập hợp lực lượng ở nước ngoài để xây dựng hình ảnh Việt Nam hùng cường thịnh vượng trên không gian mạng.

Nhận nhiệm vụ Tổng biên tập báo VietNamNet, ông Nguyễn Văn Bá cho biết: "Sự tin cậy này không phải chỉ dành cho cá nhân tôi, mà còn là sự ghi nhận, đánh giá của Lãnh đạo Bộ đối với những thay đổi ở Tạp chí TT&TT và cảm ơn đến các đồng nghiệp ở Tạp chí TT&TT đã góp sức để cùng tôi tạo ra những kết quả ban đầu, dù nhỏ bé ở Tạp chí TT&TT".

Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietnamNet

Trong hành trình 25 năm phát triển, ông Nguyễn Văn Bá cho biết VietNamNet đã đóng góp lớn vào thành tựu của ngành TT&TT cũng như sự phát triển của đất nước. Nhiệm vụ của tôi là phải cùng các đồng nghiệp ở báo VietNamNet kế thừa kết quả của giai đoạn trước và tạo ra được những giá trị mới trong tương lai.

Là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Văn Bá cho biết: "Báo VietNamNet sẽ đồng hành cùng nhịp đập của công nghệ số, lan toả câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) đến với mọi người, mọi nhà; Khẳng định vị thế, sự dẫn dắt của ngành TT&TT trong công cuộc CĐS tại Việt Nam. VietNamNet cũng phấn đấu để trở thành hình mẫu báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, mang đến cho bạn đọc những nội dung sâu sắc, giá trị về mọi mặt đời sống chính trị, xã hội; lan toả cái tốt, tạo niềm tin xã hội".

Bên cạnh mục tiêu dẫn đầu về công nghệ và các loại hình báo chí hiện đại, Tổng biên tập VietNamNet cho biết sẽ hướng đến trở thành một môi trường làm báo yêu thích của những người làm báo tử tế, nuôi dưỡng nhiệt huyết và tinh thần phụng sự xã hội của lớp trẻ.

Sau 25 năm phát triển, để tiếp tục vươn xa hơn, ông Nguyễn Văn Bá cũng chia sẻ: "VietNamNet sẽ phải chuẩn hóa nội dung để trở thành một tờ báo tử tế, chuẩn mực, sâu sắc và trách nhiệm; phải tối ưu hóa nguồn lực để trẻ hoá và xây dựng một đội ngũ làm báo đam mê nghề nghiệp và có lý tưởng phụng sự xã hội; phải hiện đại hóa công nghệ để vươn lên trở thành một tờ báo điện tử dẫn đầu".

Ông Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập phụ trách điều hành Tạp chí TT&TT

Nhận nhiệm vụ phụ trách Tạp chí TT&TT, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí TT&TT cảm ơn sự tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo Tạp chí và cho biết trọng trách này là xuất phát từ kết quả đạt được của Tạp chí trong thời gian qua.

Ông Trần Anh Tú cam kết cùng tập thể cán bộ, nhân viên trong Tạp chí thực hiện những nhiệm vụ phát triển Tạp chí TT&TT giai đoạn 2020 - 2025, CĐS Tạp chí, phấn đấu đưa Tạp chí trở nên chuyên nghiệp, chuyên sâu, trở thành một Tạp chí uy tín, xứng đáng là cơ quan, diễn đàn lý luận về công nghệ - báo chí và truyền thông của Bộ TT&TT.

Nắm bắt cơ hội để phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm chúc mừng các cán bộ nhận quyết định và cảm ơn những đóng góp của ông Đoàn Công Huynh cho công tác TTĐN trong thời gian qua.

Các Thứ trưởng cũng tin tưởng các cán bộ được bổ nhiệm hoàn thành xuất sắc công tác và các cán bộ được bổ nhiệm tự tin, mạnh mẽ, sải cánh, làm việc tận tâm, tận lực, cống hiến.

Phụ trách lĩnh vực báo chí - truyền thông của Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Cục trưởng Cục TTĐN mới Phạm Anh Tuấn có kinh nghiệm làm báo lâu năm, sẽ mang làn gió mới cho công tác TTĐN.

Đối với ông Nguyễn Văn Bá, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong Tổng biên tập Báo VietNamNet phát huy những tốt đẹp của Báo trong 25 qua, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho báo để tiếp tục phát triển.

Đối với ông Trần Anh Tú, Thứ trưởng cho biết công tác phụ trách là một áp lực, một thử thách để phấn đấu. Mong Tạp chí TT&TT tiếp tục ổn định, phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng các cán bộ được bổ nhiệm sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những cán bộ hôm nay nhận quyết định là những cán bộ đứng đầu đơn vị, là những người tiến lên, đã đi xa điểm xuất phát và phát triển vững chắc.

Ba đơn vị có cán bộ bổ nhiệm hôm nay là những đơn vị quan trọng của Bộ, đang đứng trước những yêu cầu, thách thức mới nên cần có những tiếp cận để đổi mới, làn gió mới cũng có thể gọi là CĐS, gồm 2 vế là công nghệ và cách thức vận hành, cách làm mới. Trong đó, CĐS nghiêng vế phía thứ 2 nhiều hơn.

Bộ trưởng cho biết Cục TTĐN đang đứng trước thách thức mới khi đất nước đã phát triển rất mạnh mẽ 35 qua. GDP/đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần, luôn đứng trong top 10 quốc gia phát triển liên tục, là hình mẫu mà nhiều nước muốn học tập có ổn định chính trị, đầu tư nước ngoài tốt, có tự cường, phát triển. Tuy nhiên, hình ảnh của Việt Nam chưa tương xứng. Cục TTĐN phải truyền đạt thông điệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ ra bên ngoài quốc gia.

Đối với Báo Vietnamnet, Bộ trưởng cho biết đây là tờ báo chính trị hàng đầu cả về công nghệ và nội dung. Báo VietnamNet đang đứng trước những vấn đề về thị trường hoá, thị hiếu hoá.

Trong khi đó, Tạp chí TT&TT có yêu cầu phát triển trở thành đơn vị tương xứng của Bộ đang nắm hai lĩnh vực (báo chí và công nghệ) là đôi cánh để Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Theo Bộ trưởng, công nghệ số cơ bản là cách mạng công ngiệp 4.0. Bộ TT&TT cơ bản nắm công nghệ số mà công nghệ số là công nghiệp vật chất. Cả 3 đơn vị có cán bộ được bổ nhiệm hôm nay đang đứng trước những mâu thuẫn phát triển kéo dài và đây là động lực, cơ hội các đơn vị cần nắm bắt phát triển hơn.

Bộ trưởng tin tưởng cả ba cán bộ được bổ nhiệm hôm nay sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được giao./.

Nguồn: ictvietnam.vn


Xây dựng Tạp chí Cộng sản thành ngọn cờ đầu về lý luận của Đảng

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Tạp chí cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Cộng sản-Chuyên đề, cung cấp luận cứ trực tiếp cho Trung ương và cung cấp cho cán bộ cấp chiến lược. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tạp chí Cộng sản cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang mà Đảng trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, xứng đáng là cơ quan hàng đầu, ngọn cờ về tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng trong thời kỳ mới.

Đây là phát biểu chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, chiều 24/11.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi và lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, các ban, bộ, ngành liên quan.

Khẳng định vai trò to lớn của báo chí nói chung, trong đó có hệ thống báo Đảng nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Tạp chí Cộng sản với tư cách là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, trong suốt 92 năm qua, đã không ngừng phát triển, thực hiện xuất sắc 4 chức năng rất cơ bản của báo Đảng.

Đó là định hướng tư tưởng, dư luận; phản ánh cuộc sống chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, Đảng viên và nhân dân; phản biện, đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; chống các âm mưu chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 92 năm xây dựng, phát triển, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Tạp chí Cộng sản cần giữ gìn, nâng niu, trân trọng những trang sử hào hùng, thấy được trách nhiệm với hiện tại và tin tưởng vào tương lai phát triển của Tạp chí.

Gợi ý hướng phát triển sắp tới của Tạp chí, nêu bật những diễn biến nhanh chóng, khó dự báo của tình hình thế giới và trong nước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Tạp chí Cộng sản đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đưa ra những dự báo từ sớm, từ xa về chính sách của các nước lớn, những thách thức an ninh phi truyền thống và những tác động tới Việt Nam; phát huy vai trò cơ quan báo chí chủ lực quốc gia trong định hướng tư tưởng, dư luận; tham gia công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đánh giá cao việc Tạp chí Cộng sản thời gian qua đã có những nỗ lực đổi mới, đa dạng các ấn phẩm, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý Tạp chí cần chú trọng, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Cộng sản-Chuyên đề, cung cấp luận cứ trực tiếp cho Hội nghị Trung ương gắn với chủ đề cần bàn, cung cấp cho cán bộ cấp chiến lược, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trở lên.

Tạp chí Cộng sản-Chuyên đề cần có những bài viết nghiên cứu mang tính lý luận về các vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Bày tỏ vui mừng nhận thấy thời gian qua, Tạp chí Cộng sản đã chú trọng xây dựng và bước đầu hình thành được lớp cán bộ nghiên cứu trẻ kế cận có năng lực chuyên môn sâu, tư tưởng chính trị vững vàng và thể hiện được trình độ nghiên cứu của mình qua các công trình, bài viết nghiên cứu chuyên đề có chất lượng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị lãnh đạo Tạp chí thời gian tới cần tiếp tục duy trì tốt công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính kiên định lập trường, tư tưởng chính trị, không dao động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ghi nhận những kiến nghị của Tạp chí Cộng sản, trong đó có xây dựng Chiến lược phát triển Tạp chí đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết nhiều kiến nghị của Tạp chí cũng là những vấn đề đặt ra với hệ thống báo Đảng nói chung, được đề cập trong hai Hội nghị về báo Đảng vừa diễn ra mới đây (Hội hội nghị “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT-TW của Bộ Chính trị, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực định hướng, hiệu quả tuyên truyền gắn với việc mua, đọc và làm theo báo, tạp chí của Đảng” diễn ra ngày 9/11 ở Hải Phòng; Hội nghị "Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc" diễn ra ngày 12/11 ở Đà Nẵng).

Trên cơ sở đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản bám sát phát biểu kết luận của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng để xây dựng chiến lược phát triển Tạp chí phù hợp với định hướng phát triển chung của hệ thống báo Đảng, tránh tư duy nhiệm kỳ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì buổi làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tạp chí phải luôn nêu cao tính trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật, có tiếng nói phản biện mạnh mẽ, mang tính xây dựng; không vì là cơ quan chủ quản, cơ quan cấp trên mà tô hồng quá mức, không dám phản ánh, đấu tranh với những vi phạm khuyết điểm, những hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; xử lý hài hòa giữa thực hiện thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu của độc giả, khán giả; đặc biệt phải góp phần tạo được sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân trước các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tạp chí cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, có sự liên kết dữ liệu thông tin với hệ thống các cơ quan Đảng; nâng cao chất lượng ấn phẩm Tạp chí Cộng sản điện tử; nghiên cứu xây dựng các nội dung thông tin đấu tranh phản bác kịp thời đối với các thông tin xấu độc, phản động trên mạng xã hội.

Tạp chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin đối ngoại, trong đó khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai và sớm hoàn thành dự án xây dựng ấn phẩm Tạp chí Alunamay điện tử-Cơ quan Lý luận và thực tiễn của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; chuẩn bị các điều kiện để mở thêm các trang tiếng nước ngoài…

Theo Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của Tạp chí Cộng sản do Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí, Nguyễn Ngọc Hà trình bày tại buổi làm việc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiệm kỳ qua, Tạp chí Cộng sản đã tiến hành cơ cấu lại các ấn phẩm theo hướng chấm dứt các ấn phẩm, chuyên mục phần nào có biểu hiện “báo hóa tạp chí,” nâng cao chất lượng tuyên truyền lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin đối ngoại những vấn đề lý luận chính trị.

Đến nay, Tạp chí đã hoàn thành việc cơ cấu lại các ấn phẩm, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để thực hiện tốt các định hướng, mục tiêu./.

Nguồn: Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-tap-chi-cong-san-thanh-ngon-co-dau-ve-ly-luan-cua-dang/832179.vnp

Hơn 2.300 nhà báo đăng ký đưa tin về Hội nghị APEC 2022

Số lượng nhà báo nước ngoài đông nhất đến từ Trung Quốc với hơn 200 người, tiếp đó là Nhật Bản (hơn 100 người) và Mỹ (khoảng 50 người).

Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong 2 ngày 18-19/11. (Nguồn: Bangkokpost)

Hơn 2.300 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã đăng ký đưa tin về Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Bangkok trong ngày 18-19/11 tới.

Truyền thông Thái Lan ngày 13/11 dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết số lượng nhà báo trên đến từ gần 30 quốc gia.

Số lượng nhà báo nước ngoài đông nhất đến từ Trung Quốc với hơn 200 người, tiếp đó là Nhật Bản (hơn 100 người) và Mỹ (khoảng 50 người). Trong khi đó, đội ngũ nhà báo của nước chủ nhà đăng ký đưa tin về hội nghị là gần 500 người.

Hiện các quan chức cấp cao từ các nền kinh tế thành viên đã bắt đầu các cuộc thảo luận quan trọng về các văn kiện chính trước thềm Hội nghị cấp cao APEC.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Thái Lan đã thông báo thời gian từ 16-18/11 là ngày nghỉ lễ tại thủ đô Bangkok và 2 tỉnh lân cận là Nonthaburi và Samut Prakan để tạo thuận lợi giao thông trong dịp diễn ra Hội nghị cấp cao APEC. Hiện 19 khách sạn nằm gần Trung tâm hội nghị quốc gia Queen Sirikit đã chật kín.

Cũng để nhằm kỷ niệm sự kiện quan trọng này, Bộ Tài chính Thái Lan phát hành 2 đồng xu lưu niệm mệnh giá 20 baht và 5 baht có in nổi biểu tượng APEC 2022./.

Nguồn: Đỗ Sinh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hon-2300-nha-bao-dang-ky-dua-tin-ve-hoi-nghi-apec-2022/828990.vnp

Khởi động cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023.

Ban tổ chức cuộc thi trả lời các câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo.

Dự kiến, chung kết Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 sẽ diễn ra trung tuần tháng 3/2023 tại Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Nguyễn Đức Lợi cho biết: Cuộc thi đặt mục tiêu tạo đợt sinh hoạt văn hóa - tinh thần hào hứng, phấn khởi, đoàn kết tại các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam; Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2023); Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng những năm qua đã trở thành một sự kiện văn hóa tinh thần đặc sắc của người làm báo cả nước. Phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, tài năng của người làm báo, hội viên tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tài năng và bản sắc nghề nghiệp, tăng cường hiểu biết, thắt chặt thêm tình đồng nghiệp, học hỏi và hỗ trợ nhau trong công việc. Góp phần làm tăng chất lượng hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ người làm báo Việt Nam.

Cuộc thi năm 2023 được mở rộng nên đối tượng tham dự ngoài các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; còn có các cán bộ, nhân viên hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí, các cấp hội, các đơn vị quản lý báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí; sinh viên ngành báo chí, phát thanh truyền hình tại các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.

Mỗi cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên chi hội nhà báo chọn tối đa ba tiết mục (riêng Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội và Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh chọn tối đa 5 tiết mục.

Mỗi Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội chọn một tiết mục, trường hợp Chi hội có trên 50 hội viên có thể chọn tối đa 2 tiết mục.

 

Các tiết mục dự thi tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu con người, tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống hào hùng của dân tộc ta, trong đó có truyền thống hào hùng do đội ngũ những người làm báo cách mạng tạo dựng.

Ban Tổ chức đặc biệt khuyến khích các tiết mục tự dàn dựng, đầu tư công phu, hát bè và múa minh họa các tiết mục sáng tác hưởng ứng cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các ca khúc có chủ đề về nghề báo và người làm báo.

Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đức Trịnh - người nhiều năm tham gia chấm cuộc thi cho biết: Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023 không tổ chức các vòng thi bán kết khu vực, thay vào đó sẽ tổ chức vòng sơ loại trực tuyến (kiểm tra giọng thật, biểu cảm, phong cách biểu diễn cho các tiết mục từ đơn ca, song ca và tam ca). Ngoài bản có nhạc các tiết mục phải thu âm mộc, thể hiện sự chuyên nghiệp của cuộc thi.

Điểm mới của cuộc thi năm nay là các thí sinh có tiết mục được chọn dự thi tại đêm Chung kết sẽ được mời tham dự huấn luyện tập trung tại Thủ đô Hà Nội vào thời điểm thích hợp ngay trước thời điểm diễn ra cuộc thi chung kết. Năm nay cũng xuất hiện cả những thí sinh là sinh viên báo chí, hy vọng điều này sẽ tạo nên nhiều sự mới mẻ cho cuộc thi.

Truyền thông đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức

Truyền thông Đức ngày 12/11 đã đồng loạt đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức ngày 12/11 đã đồng loạt đưa tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, kỳ vọng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Theo báo Thương mại (Handelsblatt), các doanh nghiệp Đức đang ngày càng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh rủi ro và mục tiêu này được nhiều công ty đưa vào lộ trình kế hoạch của mình.

Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay đã có trên 10 nhà máy mới của Đức được xây dựng ở Việt Nam. Bài báo đánh giá xu hướng này của các công ty Đức sẽ càng được "chắp cánh" thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, người tới Hà Nội ngày 13/11 cùng một phái đoàn kinh tế Đức. 

Bài báo dẫn lời ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Việt Nam là tín hiệu tích cực cho thấy sự đa dạng hóa các quan hệ kinh tế của Đức ở châu Á hiện được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Bài báo cũng đề cập tới Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA) được ký từ 3 năm trước nhưng cho tới nay vẫn chưa được phía châu Âu phê chuẩn, không phản ánh đúng mong muốn của các doanh nghiệp Đức.

EVIPA đã được hai bên ký kết năm 2019, cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

[Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz khẳng định vị thế của Việt Nam]

Tuy nhiên, trong khi EVFTA có hiệu lực 1 năm sau đó thì EVIPA vẫn bị mắc kẹt trong quá trình phê chuẩn và cho tới nay mới chỉ có 12/27 nước EU phê chuẩn. Đức nằm trong số nước EU chưa phê chuẩn văn kiện này.

Bất chấp việc EVIPA chưa được thông qua, số liệu của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) cho biết, đầu tư trực tiếp của Đức tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2020,lên 1,3 tỷ euro.

Báo Bưu điện sông Rhein (RP) đưa tin Thủ tướng Đức Scholz cùng đoàn doanh nghiệp tối 12/11 rời Berlin bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày tới châu Á, là chuyến công du dài ngày nhất của nhà lãnh đạo Đức kể từ khi ông nhậm chức.

Theo bài báo, Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Scholz và tại Hà Nội, Thủ tướng Scholz có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó hai bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Đây là chuyến công du thứ ba của Thủ tướng Scholz tới châu Á trong vòng 11 tháng qua. Trước đó, ông Scholz đã tới Nhật Bản và mới đây là Trung Quốc.

Nhiều trang báo khác của Đức như Welt, Spiegel, Merkur, Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk)... cũng đưa tin về chuyến công du của

Liên quan tới quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam, giới chức Đức đánh giá rằng về mặt truyền thống, Đức có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với Việt Nam.

Bên cạnh yếu tố thị trường nội địa của hai bên, Đức và Việt Nam còn có mối quan hệ lịch sử lâu đời khi có rất nhiều người Việt sinh sống ở CHDC Đức trước đây.

Đó là lý do ở Việt Nam có nhiều người nói và học tiếng Đức, thậm chí có cả trường Đại học Đức - Việt. Việt Nam thực sự là một đối tác kinh tế mạnh, có thể mở rộng các hình thức hợp tác khác nhau.

Giới chức Đức cũng đánh giá cao sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã quyên góp, hỗ trợ khẩu trang cho Đức và Đức đã đáp lại hỗ trợ trên 10 triệu liều vaccine cho Việt Nam-một trong những nước được nhận vaccine của Đức nhiều nhất trên thế giới./.

Nguồn: Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=828902

Kết nối, lan tỏa nhiều kiến thức báo chí chuyên sâu

Tại Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 11-13/11, nhiều đại biểu, diễn giả đã chia sẻ những kỳ vọng về mong muốn đổi mới, nâng cao chất lượng báo Đảng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Các đại biểu chờ đợi có thêm nhiều những hội nghị được tổ chức chuyên sâu nhằm tìm giải pháp đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tăng sự tương tác với độc giả cho các tờ báo Đảng địa phương. Phóng viên báo Nhân Dân có những trao đổi nhanh với một số nhà báo bên lề hội nghị.

Nhà báo, diễn giả ĐỖ DOÃN HOÀNG, Báo Nông thôn Ngày nay

Học hỏi được rất nhiều kiến thức chuyên sâu từ hội nghị này

Khi được mời tham dự hội nghị này, bản thân tôi cũng nghĩ rằng hội nghị sẽ bàn luận những vấn đề rất chung chung, không giống với những vấn đề mà chúng tôi đã lăn lộn hằng năm trời để “đánh án” rồi phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị mọi điều kiện để bắt giữ đối tượng. Nhưng khi đến với hội nghị và tham gia thảo luận nhóm vấn đề, tôi đánh giá cao nội dung các phiên thảo luận nhóm. Đó là những vấn đề cấp thiết cho hệ thống báo Đảng nói chung và các cơ quan thông tấn báo chí nói riêng, được các diễn giả chuẩn bị rất kỹ, chuyên nghiệp với kiến thức chuyên sâu.

Ngoài việc trình bày các nội dung tại phiên thảo luận, các đại biểu còn được tham gia các cuộc tọa đàm chung, với rất nhiều câu hỏi kết nối, làm rõ thêm vấn đề, rất hiệu quả.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo Nông thôn Ngày nay phát biểu tại Hội nghị.

Về nghiệp vụ, bản thân tôi là một diễn giả, tôi đến với hội nghị và đã học được rất nhiều kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ. Theo tôi, bản chất vẫn là câu chuyện chuyên sâu về nghiệp vụ, trách nhiệm của người cầm bút để phân tích các vấn đề mà các bài báo, tin sâu, bài phản ánh, điều tra… mà mình đưa ra trước dư luận và cuối cùng bản thân người cầm bút kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của báo chí cho xã hội. Mà tôi nghĩ nghiệp vụ mới là vấn đề sống còn. Còn những con người hạt nhân mà giỏi về nghiệp vụ, đam mê, có đạo đức sẽ truyền cảm hứng cho những người khác cùng làm. Tôi nghĩ rằng, cái gì nó cũng phải tồn tại theo phương pháp lan tỏa đến các phương pháp noi gương.

Lấy thí dụ như tại hội nghị này, nhà báo Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước đã chia sẻ và nói rất kỹ về cách họ làm, họ ghép đôi các phóng viên báo viết, báo truyền hình để kết hợp làm tốt công tác nghiệp vụ báo chí, tăng thu nhập cho phóng viên, tôi nghĩ đây là những kinh nghiệm đầy bổ ích.

Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc là hội nghị lần đầu tiên được Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với quy mô toàn quốc và có ý nghĩa rất quan trọng với hệ thống báo Đảng cả nước.

Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể tổ chức tiếp những hội nghị như thế này, thậm chí có người còn đặt vấn đề tổ chức định kỳ như thế nào và tôi nghĩ rằng phải đưa những người trẻ, những nhà báo trẻ cùng tham gia. Vì những hội nghị mà các đại biểu là các đồng chí Tổng Biên tập, các lãnh đạo của các cơ quan thông tấn báo chí, thì liệu có truyền tải được những nội dung tại hội nghị đến với các nhà báo trẻ hay không? Nếu như có thêm nhiều nhà báo trẻ tham gia thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn, hiệu quả cao hơn.

Chúng ta hy vọng lần sau sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu về truyền hình điều tra; về các thiết bị cần thiết về công nghệ thời đại báo chí 4.0 để trang bị cho phóng viên, nhà báo trong tác nghiệp điều tra.

Nhà báo NGUYỄN THỊ MINH NHÂM, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước

Sức lan tỏa lớn từ hội nghị báo Đảng

Tôi đánh giá rất cao về hội nghị lần này và tin chắc rằng, những vấn đề được thảo luận tại 6 phiên trong hội nghị này thực sự mang lại cho những người làm báo Đảng nhiều chất liệu bổ ích. Hội nghị đã đi sâu, đặt vấn đề trọng tâm mà các báo Đảng địa phương đang rất cần. Nhiều vấn đề còn vướng mắc, khó khăn từ cơ chế chính sách đến tài chính, kinh tế báo.

Các vấn đề thảo luận đi đúng định hướng và thiết thực mà các cơ quan báo chí đang rất cần. Kết quả 6 phiên thảo luận đã phân tích sâu những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của chính các cơ quan báo Đảng hoặc từ nghiên cứu của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đối với những vấn đề nóng nhất của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo Bình Phước.

Chúng tôi rất quan tâm và kỳ vọng sẽ được dự nhiều hơn những hội nghị tương tự. Đây là cơ hội cho những người làm báo cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí được học hỏi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Quan trọng hơn, Báo Nhân Dân như một người anh cả, là trung tâm đoàn kết, là cầu nối kết nối các cơ quan báo Đảng trong cả nước đi theo đúng định hướng của Đảng.

Nhà báo ĐÀO VĂN TUẤN, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai

Cơ hội trao đổi, bàn luận, học hỏi lẫn nhau

“6 phiên thảo luận của hội nghị đã bàn thẳng, chia sẻ thẳng vào những nội dung “sát sườn” hoạt động báo Đảng cả nước: chính sách, cơ chế, nâng cấp nội dung, chuyển đổi số, khai thác nguồn thu, làm nội dung đa kênh, đa nền tảng… Tôi cho rằng, chúng tôi - các lãnh đạo báo Đảng địa phương thực sự đã có dịp trao đổi, bàn luận, học hỏi lẫn nhau được rất nhiều điều. Đặc biệt, các ý kiến và kiến nghị về tháo gỡ cơ chế, chính sách cho báo Đảng cũng là nội dung chúng tôi hết sức quan tâm.

Kỳ vọng của tôi sau hội nghị đặc biệt này là mỗi tờ báo sẽ nhận diện được cụ thể những khó khăn, thuận lợi, thách thức của chính mình, và tìm được giải pháp giải quyết hiệu quả. Môi trường thông tin cạnh tranh ngày nay không cho phép tờ báo nào ngoài cuộc, và tôi cũng mong sẽ tiếp tục có những hội thảo, hội nghị, diễn đàn tương tự. Vì qua đó, hệ thống báo Đảng sẽ tăng sự kết nối, đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và cùng nhau phát triển vững vàng”.

Các đại biểu nêu ý kiến tại các phiên chuyên đề.

Nhà báo NGUYỄN VIỆT TIẾN, Phó Tổng Biên tập Báo Kiên Giang

Một cuộc hội nghị rất bổ ích

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một hội nghị với chủ đề "Nâng cao chất lượng báo Đảng" trên phạm vi toàn quốc. Qua hội nghị này, tôi đã cập nhật được rất nhiều thông tin và kiến thức liên quan đến chuyên môn, công việc mà tôi đang thực hiện. Cái mà tôi tâm đắc nhất, tại hội nghị chúng tôi đã được nghe thêm những lời chỉ đạo, định hướng rất quý báu liên quan công tác tuyên truyền trên báo Đảng nói riêng và báo chí cách mạng nói chung từ đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cũng tại hội nghị này, chúng tôi đã hiểu được bức tranh toàn cảnh về báo Đảng trên phạm vi toàn quốc từ đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Nhìn chung, hiện nay báo Đảng địa phương cũng có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn và có nhiều vấn đề rất nan giải. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, công nghệ số phát triển rất mạnh, trong khi một số báo Đảng địa phương, trong đó có báo Kiên Giang đang "đuối" khi phải cố gắng chạy theo sự phát triển đó, vì sợ sẽ bị "bỏ lại phía sau".

Điều nữa mà tôi rất tâm đắc tại hội nghị này, mặc dù thời gian hội nghị chỉ trọn 1 ngày nhưng Ban Tổ chức đã đưa đến chúng tôi rất nhiều nội dung mới, cần thiết, đó là 6 phiên thảo luận xoay quanh 6 chuyên đề. Tuy nhiên, bản thân có phần luyến tiếc vì chỉ tham dự được 2 trong số 6 nội dung, vì các phiên thảo luận diễn ra cùng thời gian. Qua 2 phiên thảo luận mà tôi chọn để tiếp thu là "Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng" và "Phát triển báo chí đa kênh đa nền tảng để tiếp cận công chúng", bản thân đã rút ra được nhiều kiến thức bổ ích, tôi nghĩ sẽ vận dụng được trong công việc hiện tại.

Tôi mong rằng trong thời gian tới Báo Nhân Dân, anh cả đỏ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam và hệ thống báo Đảng tiếp tục mở những hội nghị tương tự nhằm giúp cho báo Đảng các địa phương trong toàn quốc được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm báo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao nội dung, tạo nguồn thu để vừa tiếp cận tốt với bạn đọc, nâng cao đời sống viên chức làm báo và điều quan trọng là làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Một lần nữa xin cảm ơn Ban Tổ chức hội nghị, cảm ơn Báo Nhân Dân.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Nhà báo VŨ MAI TUẤN, Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh

Nhiều gợi mở cho các cơ quan báo Đảng tháo gỡ khó khăn

Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, Ban Tuyên giáo 63 địa phương và tổng biên tập 63 cơ quan báo Đảng cả nước là một kiện chính trị, báo chí thực sự ý nghĩa của năm 2022.

Trong bối cảnh hoạt động của các cơ quan báo đảng - tiếng nói của đảng bộ các tỉnh đang có những khó khăn và thách thức mới, với 6 chủ đề thảo luận tại Hội nghị, thực sự rất cần thiết đối với sự phát triển của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay. Chúng ta đã bàn thảo thực trạng, trao đổi giải pháp và chia sẻ những kinh nghiệm bước đầu đang được một số cơ quan báo chí thực hiện tốt như chuyển đổi số báo chí, đang dạng nguồn thu, đổi mới sáng tạo hoạt động báo chí...

Đặc biệt 2 chủ đề thảo luận tại Hội nghị về đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng, có sự trao đổi của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho báo Đảng để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Các chủ đề thảo luận này vừa gợi mở thêm nhiều tư duy đổi mới cho các tổng biên tập khi tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền của đơn vị, vừa là sự ủng hộ để đội ngũ những người làm báo Đảng vững tin vượt qua những khó khăn, thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng với vai trò là "cánh chim đầu đàn", Báo Nhân Dân đã làm được điều mà anh em báo đảng mong muốn bấy lâu nay, đó là tập hợp, đoàn kết, xây dựng hệ thống báo Đảng phát triển mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Mong rằng những vướng mắc các cơ quan đã báo cáo, trao đổi tại Hội nghị sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp thành báo cáo, đề xuất kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp thu và giải quyết sớm.

Các diễn giả trả lời phỏng vấn tại Hội nghị.

Nhà báo TRƯƠNG ĐỨC MINH TỨ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị:

Niềm tin báo Đảng sẽ khởi sắc sau hội nghị

Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc lần này có nhiều đổi mới, từ cách thức tổ chức đến cách phân chia các phiên thảo luận. Thể hiện ở sự chuẩn bị nội dung của Ban Tổ chức hội nghị.

Báo cáo của đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh thông qua những con số thống kê về những vấn đề quan tâm, nổi lên của các báo Đảng địa phương… để từ đó các đại biểu tham gia thảo luận, tìm ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng báo Đảng, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông tin của bạn đọc trong thời kỳ chuyển đổi số.

Việc Ban Tổ chức hội nghị chia ra các phiên thảo luận với 6 chuyên đề cũng là cách làm mới, tạo điều kiện cho các đại biểu có điều kiện lựa chọn những chuyên đề mà mình quan tâm để tham dự. Chất lượng thông tin mà các diễn giả đưa ra là rất tốt, ở nhiều lĩnh vực, ở Trung ương và địa phương. Nhờ đó sự tương tác thông tin cũng phong phú hơn.

Với những thông tin thu nhận được từ hội nghị, chúng tôi có niềm tin sau hội nghị này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các báo Đảng địa phương sẽ có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo báo chí, hoạt động báo chí ở các báo Đảng sẽ khởi sắc hơn: từ sự quan tâm đầu tư phát triển nhân lực, đầu tư trang thiết bị làm báo hiện đại; tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ những người làm báo Đảng có điều kiện nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

https://nhandan.vn/ket-noi-lan-toa-nhieu-kien-thuc-bao-chi-chuyen-sau-post724654.html

Kỳ vọng những giải pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng báo Đảng

Nhận diện nhiều thách thức cần phải vượt qua của báo chí trong thời đại công nghệ 4.0, kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống báo Đảng, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” đã bày tỏ tâm huyết, đề xuất những giải pháp mong muốn hệ thống báo Đảng ngày càng phát triển.

Trước thềm Hội nghị, phóng viên Báo Nhân Dân đã ghi lại ý kiến của các đại biểu là nhà quản lý báo chí, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo cấp uỷ địa phương, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia.

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Hệ thống báo Đảng phải làm cho hay, hấp dẫn, kịp thời đại

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến công tác truyền thông, Hội nghị “Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc” là cơ hội lớn để những người làm báo Đảng ngồi lại với nhau, thẳng thắn nhìn lại, chia sẻ, thảo luận những vấn đề thách thức đang đặt ra với hệ thống báo Đảng. Đồng thời, hội nghị cũng gợi mở giải pháp sắp tới để làm sao thực hiện tốt nhất việc chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân nhanh nhất, chính xác nhất.

Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Phương thức tổ chức của hội nghị mới mẻ, thảo luận nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, thiết thực với sự góp mặt của nhiều chuyên gia nắm rõ về cơ hội và thách thức của báo chí nói chung và hệ thống báo Đảng nói riêng.

Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong thế giới phẳng và thậm chí mạng xã hội đang dẫn dắt nhiều câu chuyện đời sống. Trong thách thức này, câu hỏi đặt ra là hệ thống báo Đảng phải làm gì, làm như thế nào, sử dụng nguồn nhân lực ra sao, định ra được thách thức chúng ta đang phải đối mặt.

Theo tôi, quan trọng nhất là hệ thống báo Đảng phải làm cho hay, cho hấp dẫn, kịp thời đại để đảng viên, người dân đọc, tin, hiểu và làm theo. Chúng ta vừa làm rất tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Đây là lúc quan trọng nhất cần phải củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền để người dân chung tay cùng phát triển đất nước hùng cường, ấm no, hạnh phúc.

Các nhà báo trong hệ thống báo Đảng phải ngồi với nhau cùng bàn việc cải tiến, nâng cao chất lượng, đổi mới thông tin cho hấp dẫn. Từ đó, chúng ta phải đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, thực hiện sứ mệnh của báo chí là bám theo thời sự cuộc sống, đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội.

Các nhà báo trong hệ thống báo Đảng phải ngồi với nhau cùng bàn việc cải tiến, nâng cao chất lượng, đổi mới thông tin cho hấp dẫn. Từ đó, chúng ta phải đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, thực hiện sứ mệnh của báo chí là bám theo thời sự cuộc sống, đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Hội nghị là dịp để các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cập nhật thông tin mới nhất về sự phát triển của hệ thống báo Đảng, có những chỉ đạo kịp thời để từ đó mỗi một cơ quan báo chí sẽ phải triển khai nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan của mình.

Đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh, Ủy viên Ban Thường Vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng: Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên báo Đảng

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong hoạt động và tuyên truyền, tuy nhiên hoạt động của báo Đảng địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh bùng nổ khoa học-kỹ thuật và công nghệ như hiện nay. Để góp phần nâng cao chất lượng báo Đảng địa phương, trước hết cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ và sự sắc bén của người làm báo Đảng, nhất là trong tuyên truyền xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Các cơ quan chủ quản của báo Đảng địa phương cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để theo kịp với sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số của báo chí hiện đại.

Các cơ quan chủ quản của báo Đảng địa phương cần quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để theo kịp với sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số của báo chí hiện đại.

Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Ủy viên Ban Thường Vụ Thành ủy Đà Nẵng

Vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là tình trạng dịch chuyển nhân lực từ khu vực công sang tư, trong đó báo Đảng địa phương không là ngoại lệ. Để giữ chân người tài, giỏi, đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghề, thạo việc, rất cần sự quan tâm của Trung ương trong vấn đề tuyển dụng, hợp đồng và tăng thu nhập. Bởi thực tế, nhiều cơ quan báo Đảng địa phương hiện nay không thể tự tuyển dụng viên chức, không thể tuyển hợp đồng lao động, trong khi biên chế giảm dần theo từng năm và khối lượng công việc ngày thêm nhiều để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Cần có quy định cụ thể hơn, biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn đối với những vi phạm, những ứng xử không phù hợp của đội ngũ những người làm báo khi sử dụng và tham gia mạng xã hội. Các cơ quan báo Đảng cần có bộ quy chế riêng về tham gia mạng xã hội. Đi kèm theo đó là thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao đạo đức cách mạng của người làm báo Đảng trong thời đại ngày nay.

Đối với Hội nghị báo Đảng toàn quốc lần này, chúng tôi tin tưởng các nội dung được chọn lọc và thảo luận sẽ gợi mở nhiều vấn đề thiết thực. Mong rằng các báo Đảng địa phương cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Để làm được điều này, rất mong Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam… hỗ trợ, tạo điều kiện tổ chức các hội thảo, tập huấn để bồi dưỡng nghiệp vụ.

Bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên: Kỳ vọng đón nhận được nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ Hội nghị

Đồng chí Đào Phạm Hoàng Quyên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên

Tôi cùng các đồng nghiệp các báo Đảng địa phương hết sức phấn khởi, kỳ vọng những điều đang vướng mắc của các báo địa phương sẽ tìm thấy kinh nghiệm hay để giải quyết qua Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc. Đó là vấn đề biên chế, về cơ chế đặt hàng và cách tính định mức kinh tế-kỹ thuật hoạt động của báo in, báo điện tử, về lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ…

Những vấn đề mà Báo Phú Yên quan tâm cũng là những vấn đề mà các báo Đảng địa phương đang vướng hiện nay. Đó là biên chế, về cơ chế đặt hàng và cách tính định mức kinh tế-kỹ thuật hoạt động.

Thứ nhất, Quy định số 338-QĐ/TW, ngày 26/11/2010 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã không còn phù hợp. Quy định này ban hành thời điểm các báo chỉ có báo in và trang thông tin điện tử tổng hợp. Khi báo in xuất bản xong thì đưa lên trang điện tử. Hiện nay các báo Đảng địa phương có 2 ấn phẩm: báo in và báo điện tử. Hơn thế, theo định mức biên chế do Ban Tổ chức Trung ương giao hàng năm cho các tỉnh, thành ủy, định biên này cũng được yêu cầu tinh giản theo lộ trình chung, rất khó để bảo đảm nhân lực cho báo hoạt động, đặc biệt các tỉnh có địa hình miền núi, nhiều vùng sâu, vùng xa, giao thông hạn chế.

Thứ hai, báo Đảng địa phương là cơ quan của Đảng bộ, sử dụng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 18/2021 về định mức kinh tế-kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử để triển khai thực hiện Nghị định 32/2019 Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hiện nay các địa phương đang gặp nhiều lúng túng. Bản chất vẫn là sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng các địa phương rất khó tính rạch ròi giá thành cho tác phẩm báo chí và sản phẩm báo chí.

Thứ ba là lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của các báo. Các báo địa phương đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị do tỉnh, thành ủy giao, vừa phải dốc sức tìm cách tăng nguồn thu từ hoạt động truyền thông, quảng cáo và phát hành. Nhưng với báo in hiện nay theo xu hướng chung ngày càng thu hẹp, giá đầu vào tăng cao nên càng phát hành, càng phải bù lỗ. Nguồn thu trên báo điện tử thì bị các mạng xã hội cạnh tranh, hơn thế tại các địa phương, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu thực sự cần quảng cáo gần như cố định hàng năm, quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu doanh nghiệp, rất khó tăng thêm doanh số quảng cáo.

Tôi rất hân hạnh được Ban Tổ chức mời tham gia phiên thảo luận về chủ đề Đổi mới sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng. Đây có thể nói là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với các báo Đảng địa phương. Đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, cũng là để tồn tại trong môi trường cạnh tranh không nhiều lợi thế với mạng xã hội và giữa các cơ quan báo chí. Tôi mong muốn nghe những kinh nghiệm, cách làm của các báo bạn, nhất là Báo Nhân Dân, không chỉ trong cách thể hiện đề tài, sáng tạo về chuẩn mực hình thức trình bày, mà còn cách sử dụng công nghệ để tuyên truyền xây dựng Đảng hiệu quả nhất.

Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh: Mong hệ thống báo Đảng chuyển tải nội dung mềm mại, gần gũi hơn

Báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị Báo Đảng toàn quốc lần đầu tiên có ý nghĩa lớn với hệ thống báo Đảng nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung.

Hiện nay, nội dung được chuyển tải trên hệ thống báo Đảng đang dần đi vào cuộc sống, không còn khô khan như trước đây. Đặc biệt, Báo Nhân Dân đã tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới nội dung trên các nền tảng, dễ tiếp cận người đọc, người xem, người nghe. Đây là yếu tố tích cực đưa hệ thống báo Đảng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, đưa nội dung thiết thực đến với các tầng lớp nhân dân.

Ngoài việc đẩy mạnh số hóa báo chí, tôi mong hệ thống báo Đảng nên chuyển tải mềm mại hơn để người đọc, người nghe dễ tiếp cận hơn. Đặc biệt chú trọng tới những câu chuyện gắn với đời sống người dân, gắn với cơ sở Đảng.

Ngoài việc đẩy mạnh số hóa báo chí, tôi mong hệ thống báo Đảng nên chuyển tải mềm mại hơn để người đọc, người nghe dễ tiếp cận hơn. Đặc biệt chú trọng tới những câu chuyện gắn với đời sống người dân, gắn với cơ sở Đảng.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh

Tôi mong thời gian tới, hệ thống báo Đảng các tỉnh, thành phố càng có nhiều tin, bài thiết thực, gần gũi với người dân, đặc biệt là những thông tin giúp cho hệ thống cơ sở Đảng, cấp chính quyền, đoàn thể xem là định hướng để giúp thông tin cho người dân ngày càng tốt hơn.

https://nhandan.vn/ky-vong-nhung-giai-phap-sang-tao-de-nang-cao-chat-luong-bao-dang-post724460.html

Báo Mỹ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á

Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt. Đây là nhận định trong bài viết mới đăng trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 1/11.

Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh tư liệu: Chí Tưởng/TTXVN

Theo tác giả Megha Mandavia, giai đoạn “tăng trưởng vàng” - khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch COVID-19 của Việt Nam dường như đã qua. Tuy nhiên, những gì mà Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi.

Bài viết trên WSJ nhấn mạnh Việt Nam có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới dù đồng tiền nội tệ (VND) yếu hơn và dự trữ ngoại hối đang giảm đi. Dù vậy, trên thực tế, Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt.

Theo tác giả Megha Mandavia, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn đối với Việt Nam nếu thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đồng thời, Việt Nam cũng có lợi thế xuất phát từ vị thế tăng trưởng đáng ngưỡng mộ với GDP quý III/2022 tăng vọt 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh.

Ngoài ra, bài viết của WSJ nhận định rằng Việt Nam cũng được "cách ly" một phần khỏi đà gia tăng giá lương thực toàn cầu và gần như không chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao trên toàn cầu vì nước này là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là một cường quốc về lương thực, do đó nỗi ám ảnh tăng giá toàn cầu đối với mặt hàng này không đe dọa quốc gia gần 100 triệu dân.

Nguồn: Thọ Anh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/bao-my-toc-do-tang-truong-kinh-te-viet-nam-dang-vuot-xa-phan-con-lai-cua-chau-a-20221104175537371.htm

Để chuyển đổi số thành công, phải thay đổi tư duy của toàn bộ tòa soạn

Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi theo hướng nào, bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao - là những điều mà nhiều các cơ quan báo chí Việt Nam đang trăn trở.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 4/11, tại Thanh Hóa, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2022: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?

Đây là dịp để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, là cơ hội để các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số.

Tham dự và chủ trì diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; gần 60 Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng các đại biểu tham dự.

Diễn đàn có ba nội dung chính gồm: thực trạng và xu hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam; Chuyển đổi số là “cuộc chơi” dành cho những cơ quan báo chí “nhà giàu;” Đưa ra những kiến nghị, giải pháp, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt.

Các đại biểu cũng đã thảo luận: Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi theo hướng nào, bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao - những điều mà nhiều các cơ quan báo chí Việt Nam đang trăn trở.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: “Từ đầu đến năm nay, chuyển đổi số báo chí đã trở thành chủ đề rất nóng. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này. Sự quan tâm của các cơ quan báo chí với vấn đề này càng ngày càng tăng, rõ ràng là chúng ta không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số.

Cả nước đang trong quá trình chuyển đổi số và báo chí cũng trong quá trình này. Nếu không muốn mất độc giả, khán thính giả và quan trọng hơn nếu không đi theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là đưa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với những độc giả, trong nước và quốc tế."

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng mong muốn, chuyển đổi số báo chí không chỉ là trào lưu mới mà cần phải được lan tỏa, triển khai đến các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương, mà ở các cơ quan báo chí địa phương...

Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định lại rằng, chuyển đổi số thành công hay không phải là nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề tư duy, phải thay đổi tư duy của người đứng đầu cho đến toàn bộ tòa soạn thì mới thành công."

Tham luận tại diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Điện tử Vietnamnet cho biết: Khởi đầu cho việc chuyển đổi số là rất khó khăn vì công ty công nghệ lớn không mặn mà với việc hợp tác với báo chí, hoặc đưa ra mức giá đề nghị quá cao.

Hơn nữa tại Việt Nam, các công ty công nghệ chuyên sâu về lĩnh vực báo chí vẫn không nhiều. Cũng theo ông Tuấn, các cơ quan báo chí thường rất hào hứng với “chuyển đổi,” song khi đến phần “số” thì vấp phải nhiều khó khăn, do xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số rất phức tạp và đắt đỏ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở cơ quan báo chí là con đường không thể khác để phát triển báo chí.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí Thư tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Tại diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí Việt Nam, là một trong những yếu tố rất quan trọng để giải bài toán tồn tại của mỗi cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Điều trăn trở của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí là câu chuyện “bệ đỡ” về cơ sở pháp lý, về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực từ Nhà nước và các cơ quan chức năng cho các cơ quan báo chí./.

Nguồn: Trịnh Duy Hưng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/de-chuyen-doi-so-thanh-cong-phai-thay-doi-tu-duy-cua-toan-bo-toa-soan/827399.vnp