Nghề báo
Hội Báo toàn quốc năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay
Submitted by nlphuong on Mon, 13/03/2023 - 18:11Hội Báo toàn quốc năm 2023 có sự góp mặt của 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; cùng các gian trưng bày chuyên đề tiêu biểu của các Liên Chi hội.
Hội báo toàn quốc: “Nóng” vấn đề ứng dụng ChatGPT và văn hóa báo chí
Submitted by nlphuong on Mon, 13/03/2023 - 18:03Sự xuất hiện của AI và ChatGPT tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí. Việc nhận diện, định hướng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này như thế nào là vấn đề các cơ quan báo chí và nhà báo quan tâm.
Gian hàng của Thông tấn xã Việt Nam tại Hội Báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Hội Báo toàn quốc là ngày hội của những người làm báo cả nước, là dịp tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân, nâng cao uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam.
Hội Báo toàn quốc năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày (17-19/3) với nhiều hoạt động chuyên môn, tọa đàm, hội thảo, trưng bày. Nhân dịp này, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những nét mới trong khuôn khổ Hội Báo.
Văn hóa, sáng tạo là yếu tố bao trùm
- Thưa ông, Hội Báo toàn quốc năm 2023 có chủ đề “Đoàn kết-Chuyên nghiệp-Văn hóa-Sáng tạo.” Xin ông cho biết các hoạt động sẽ bám sát chủ đề này như thế nào?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Bên cạnh coi trọng yếu tố đoàn kết, chuyên nghiệp, Hội Báo năm nay nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa và sáng tạo. Đây là những yếu tố quan trọng mà báo chí cần chú ý, đề cập đến hiện nay.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch Phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, khắc phục tình trạng phi văn hóa trong hoạt động tác nghiệp và trong các tác phẩm báo chí.
Có thể nói văn hóa trong báo chí đôi lúc còn bị xem nhẹ. Vì vậy, Ban tổ chức, Ban chỉ đạo Hội Báo thật sự chú trọng đến yếu tố văn hóa trong các hoạt động, các sự kiện tổ chức tại hội báo, điểm nhấn là tọa đàm “Văn hóa báo chí” ngày 18/3. Hiện đã có một số đơn vị báo chí đăng ký tham gia chủ đề này.
Chúng tôi mong muốn Hội Báo thực sự là một ngày hội của những người làm báo và công chúng báo chí. Do đó, tinh thần văn hóa sẽ bao trùm trong các hoạt động và hình thức thể hiện của Hội Báo. Năm nay, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Bảo tàng Hà Nội cũng có một loạt các hoạt động bên lề.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại họp báo về Hội Báo toàn quốc 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
- Ở góc độ “Sáng tạo,” Hội Báo năm nay tiếp tục có những sự kiện liên quan đến xu hướng chuyển đổi số báo chí, ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và nội dung của những hoạt động này?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Chúng tôi cho rằng báo chí hiện nay rất cần tính sáng tạo trong việc phát hiện chủ đề, trong phương thức tác nghiệp, sản xuất, tiếp cận thông tin và truyền thông tin tới độc giả… Cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi nên cách đưa thông tin của báo chí cũng phải thay đổi. Nếu báo chí vẫn làm theo lối mòn thì sự tiếp cận thông tin của công chúng sẽ bị hạn chế.
Vấn đề chuyển đổi số đã được đề cập đến từ các kỳ hội báo trước và tiếp tục được cập nhật trong sự kiện năm nay. Các cơ quan báo chí nếu không chuyển đổi số, không áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), tổ chức các tòa soạn hội tụ, đa phương tiện… thì không thể tồn tại tại và hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, chuyển đổi số là sự sống còn của các cơ quan báo chí.
Gần đây, chúng ta thấy dư luận quan tâm nhiều đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong làm báo và sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung.
Rõ ràng, sự xuất hiện của AI đã tạo cơ hội và thách thức lớn cho báo chí. Việc nhận diện, định hướng tiếp cận, ứng dụng các công nghệ này như thế nào là vấn đề nhiều cơ quan báo chí và nhà báo quan tâm.
Để tạo ra một diễn đàn bàn luận có chiều sâu về vấn đề này, chúng tôi tổ chức một hội thảo “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn.” Các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận về cách ứng dụng AI để tạo ra những thay đổi trong các tòa soạn, sự thay đổi trong phương thức làm báo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cách mạng 4.0.
- Thưa ông, cá nhân ông có đánh giá như thế nào về vai trò, ảnh hưởng của AI và ChatGPT đối với hoạt động tác nghiệp của những người làm báo?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Ứng dụng này có những mặt tích cực trong một số khía cạnh như công tác sưu tầm tư liệu hoặc chuẩn bị nội dung cơ bản. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế con người và tôi nghĩ là không thể thay thế con người. Lý do là một bài báo hấp dẫn không chỉ có thông tin, tư liệu mà còn phải có cảm xúc.
Tuy nhiên, chúng ta phải đối xử với ChatGPT cũng như các phần mềm khác, các sản phẩm công nghệ mới với một cách tiếp cận tỉnh táo, khoa học, phát huy được lợi thế của nó đồng thời hạn chế những tiêu cực.
Tập hợp sức mạnh các cấp hội
- Thưa ông, Ban tổ chức có sự cải tiến, rút kinh nghiệm như thế nào từ những bất cập trong khâu tổ chức hội báo những năm trước?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Phải thừa nhận rằng những năm trước có hiện tượng các phóng viên và khách tham quan chen lấn, xô đẩy tại các sự kiện trọng điểm hoặc khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian hàng. Thực tế, có những người quản lý gian hàng trực tiếp ra mời đại biểu vào tham quan, trải nghiệm khu vực của mình gây mất trật tự và xáo trộn lịch trình hoạt động mà Ban tổ chức đã sắp xếp.
Năm nay, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và có sự thay đổi trong khâu tổ chức để không còn tình trạng nói trên.
Hội báo luôn chú trọng tính tương tác giữa các cơ quan báo chí và độc giả. Do đó, chúng tôi khuyến khích các đơn vị xây dựng gian hàng trưng bày có nội dung bắt mắt, có tính tương tác, trải nghiệm cao. Song, Ban tổ chức cũng có sự sắp xếp hợp lý, tránh tình trạng các gian hàng cạnh nhau cùng tổ chức hoạt động tương tác gây ồn ào.
Độc giả trải nghiệm ký họa chân dung tại gian hàng Báo Thanh niên (Hội Báo năm 2022). (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
- Nhìn vào chương trình năm nay, dễ dàng nhận thấy Ban tổ chức dành nhiều dung lượng cho các hoạt động tọa đàm chuyên môn. Nhìn từ những năm trước, ông có đánh giá như thế nào về tính ứng dụng và hiệu quả của các cuộc tọa đàm này?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, có chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Hội không thể “cầm tay chỉ việc” cho các cơ quan báo chí. Do đó, chúng tôi chỉ có thể tổ chức các sự kiện, nêu lên vấn đề, gợi mở các giải pháp, còn việc triển khai như thế nào, hiệu quả ra sao tùy thuộc vào cơ quan báo chí và lãnh đạo các đơn vị. Tất nhiên, chúng tôi rất mong mỏi, kỳ vọng ở kết quả và tính ứng dụng của các cuộc hội thảo đề cập đến nội dung mà báo chí hiện nay đang rất cần chú trọng.
- Hội báo năm nay có sự phối hợp và tham gia của nhiều đơn vị. Xin ông cho biết Ban tổ chức có sự phối hợp như thế nào để các hoạt động diễn ra hiệu quả mà vẫn đảm bảo tôn chỉ, mục đích, chủ đề mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra?
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Theo tôi, đã là tổ chức của người làm báo thì chúng ta cần phải huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ hội viên và tất cả các tổ chức hội, từ đó chúng ta mới có sức mạnh riêng. Cơ quan trung ương Hội nhà báo Việt Nam không thể đứng một mình mà cần có sự tập hợp lực lượng. Tất nhiên, nếu một sự kiện có nhiều “đầu mối” thì cũng có thể dẫn đến việc thiếu kết nối và thống nhất. Chúng tôi đã đo lường được vấn đề này và tiến hành nhiều cuộc họp giữa các đơn vị tham gia tổ chức để thiết kế chương trình chung.
Cho đến nay, chương trình đã được thống nhất và công tác chuẩn bị đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi tin là chúng ta sẽ có một kỳ Hội Báo toàn quốc thành công.
- Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc hội báo thành công tốt đẹp!
https://www.vietnamplus.vn/hoi-bao-toan-quoc-nong-van-de-ung-dung-chatgpt-va-van-hoa-bao-chi/850458.vnp
Độc đáo những giai phẩm Xuân của báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-2000
Submitted by nlphuong on Fri, 03/03/2023 - 09:42Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những trang báo Tết rực rỡ sắc màu có tuổi đời từ thế kỷ 19-20, những tác phẩm văn chương của Xuân Diệu, Khái Hưng… viết riêng cho báo Tết.
Triển lãm giới thiệu những tờ báo Xuân đặc sắc trong hơn 100 năm qua. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Ngày 2/3, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000,” giới thiệu hàng trăm bìa báo Xuân đặc sắc như Nam Phong, Trung Hòa Nhật Báo, Dân Chúng, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Việt Nam Độc lập, Tin Tức và Le Courrier du Vietnam (của Thông tấn xã Việt Nam)...
Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những trang báo Tết rực rỡ sắc màu có tuổi đời từ thế kỷ 19-20, những tác phẩm văn chương của Thế Lữ, Khái Hưng… viết riêng cho báo Tết.
Triển lãm góp phần khẳng định chỗ đứng vững chắc của báo Xuân trong đời sống báo chí nước ta hơn 100 năm qua, chắt lọc kinh nghiệm làm báo từ các thế hệ trước và tôn vinh bộ sưu tập báo Tết đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn công phu.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ: “Qua những tờ báo Xuân, phong vị của Tết xưa hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. Báo Xuân không chỉ ‘ôn cố mà còn ‘tri tân,’ không chỉ tổng kết những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn, kiến tạo bầu không khí tưng bừng, với những phong tục tập quán độc đáo ngày Xuân ở ba miền đất nước, hay giới thiệu văn hóa muôn màu, thế giới muôn sắc.”
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo Xuân có sự khác biệt rõ rệt với các tờ báo thường ngày, từ cách trưng bày hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Xem những tờ báo Xuân từ xưa đến nay, bên cạnh nội dung đặc sắc được chuẩn bị công phu hàng tháng trước đó thì việc đầu tư tâm sức về mặt mỹ thuật cũng tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ đối với công chúng và làm nên sự nổi bật cho báo Xuân.
“Nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí, chúng tôi và các đồng nghiệp làm báo đều rất mong chờ được viết, tham gia thiết kế nội dụng, trình bày trang báo hay tổ chức xuất bản các số báo Tết; độc giả khắp mọi miền Tổ quốc cũng chia vui với chúng tôi, háo hức chờ đợi món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân,” nhà báo Lê Quốc Minh bày tỏ.
Nhà báo Trần Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có nhiều tờ báo ra đời vào đúng dịp Tết cổ truyền như “Gia Định báo” số 2 xuất bản ngày 15/2/1866 đúng mồng Một Tết Bính Dần nhưng chưa có phong vị Xuân trên báo hay tờ “Thông loại khóa trình” số 10, xuất bản tháng 2/1889 thì chỉ mới đề cập khiêm tốn đến không khí Xuân ở trang 2 qua dòng “Tân Xuân” bằng chữ Hán và "Chữ viết dán ngày Tết.”
Một số tờ báo khác như Nam Kỳ (1898), Lục Tỉnh Tân Văn (1908)… cũng có đề cập đến Tết trong các số báo ra dịp đầu Xuân nhưng phải đến “Nam Phong tạp chí” số Tết năm 1918 thì báo Tết mới thực sự khởi đầu cho trào lưu ra báo Xuân hằng năm của báo chí Việt Nam.
Nhà sưu tầm báo cũ Tạ Thu Phong chia sẻ trong tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Nhà sưu tầm báo cũ Tạ Thu Phong thì cho rằng “Nam Phong tạp chí” năm 1918 chỉ là tờ chuyên đề Tết, còn đã là báo Tết thì phải ra thường xuyên. Từ quan điểm này, ông cho rằng tờ “Phụ nữ tân văn” mới là tờ báo Tết đầu tiên bởi tờ báo này ra đời năm 1929, đến năm 1930 thì có số báo Tết đầu tiên và từ đó hàng năm đều ra báo Tết.
Từ đây, báo Xuân từng bước phát triển muôn màu, muôn sắc. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy được toàn bộ hình thái xã hội đương thời, những phong tục tập quán độc đáo, thế giới văn hóa muôn màu hay lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của người dân trong thời cuộc. Báo Tết mang đến những áng văn chương đặc sắc, mang đậm tính thẩm mỹ và hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy tài năng của các thế hệ những người làm báo Việt Nam.
Trưng bày sẽ kéo dài đến 31/3 tại tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là sự kiện khởi đầu để chuẩn bị cho triển lãm cùng tên tại Hội báo toàn quốc 2023./.
Một số hình ảnh trong triển lãm:
Nam Phong tạp chí số Tết năm 1918. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Truyện ngắn của Khái Hưng trên báo Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Bìa báo Ngày nay. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Một góc quảng cáo trên báo Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Một số tờ báo Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Báo Le Courrier du Vietnam của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Một số tờ báo Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Báo Tết Tin Tức năm 2000. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Thông tin phản ánh của báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh
Submitted by nlphuong on Tue, 28/02/2023 - 22:19Thời gian qua, phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Chiều 28/2, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy Ban kiểm tra Thành ủy Thành phố tổ chức Tọa đàm “Tiếp thu phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374- QĐ/TU của Ban thường vụ Thành ủy”.
Quy định số 1374-QĐ/TU, ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” tại Thành phố là cách làm sáng tạo của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU cho thấy thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí rất nhiều.
Kết quả xử lý thông tin, phản ánh và xử lý kỷ luật toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 9.000 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%.
Qua xử lý thông tin phản ánh của báo chí, các cấp ủy đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó cho thấy, thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.
Công tác tuyên truyền Quy định số 1374-QĐ/TU luôn được các cơ quan báo chí thành phố quan tâm, có nhiều phương pháp thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đến đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân.
Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí góp phần đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, phát biểu ý kiến tập trung những nội dung: Tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn việc ban hành Quy định số 1374-QĐ/TU; việc phát huy Quy định số 1374-QĐ/TU ở vai trò giám sát và tiếng nói của cử tri; của các cơ quan dân cử; của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, của báo chí; vai trò, sự đóng góp của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU trong thời gian qua...
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi Tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp ủy, chính quyền tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của báo chí trong đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các cơ quan báo chí thường xuyên quán triệt đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là về ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của việc thực hiện Quy định số 1374 đến cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên tại đơn vị; tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với những tin bài về công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí nhấn mạnh, mỗi bài báo phải là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, truyền cảm hứng để nhân dân tích cực tham gia, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới...
https://nhandan.vn/thong-tin-phan-anh-cua-bao-chi-dong-vai-tro-rat-quan-trong-trong-cong-tac-lanh-dao-chi-dao-cua-tp-ho-chi-minh-post740891.html
Tạp chí Sông Hương phát động Cuộc thi “Thơ Huế 2023”
Submitted by nlphuong on Tue, 28/02/2023 - 22:15Chiều 28/2, tại thành phố Huế, Tạp chí Sông Hương tổ chức Lễ phát động Cuộc thi thơ với chủ đề “Thơ Huế 2023” với đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia. Đây là một trong những hoạt động Festival Thơ Huế, hưởng ứng Festival Huế bốn mùa năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giới thiệu những ca khúc phổ thơ của các nhà thơ xứ Huế. |
Cuộc thi nhằm tuyên truyền Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; góp phần tuyên truyền, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.
Theo Ban Tổ chức cuộc thi “Thơ Huế 2023”, đối tượng tham dự cuộc thi là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong nước và nước ngoài; kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi tác giả có thể tham gia dự thi nhiều tác phẩm nhưng chỉ với một bút danh.
Các tác phẩm sáng tác về văn hóa, di sản, thiên nhiên, con người, tình yêu quê hương Thừa Thiên Huế; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống trong xây dựng và bảo vệ đất nước, trong thời kỳ hội nhập; khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống, những góc nhìn mới về văn hóa, thiên nhiên, con người và vùng đất Thừa Thiên Huế. Sáng tác phải phù hợp với thuần phong mỹ tục văn hóa Việt Nam.
Cuộc thi thơ Huế cũng là hoạt động hưởng ứng Festival Huế bốn mùa năm 2023. |
Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới, sáng tác trong năm 2023 và chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, ấn phẩm lưu hành nội bộ. Trong thời gian dự thi, tác giả không được gửi tác phẩm tham dự các cuộc thi khác, in, công bố ở các tuyển tập. Cuộc thi không nhận các tác phẩm trường ca, trào phúng, châm biếm, phóng tác...
Nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Thơ Huế 2023” cho rằng: Huế là xứ sở của thi ca, nơi đã sinh ra nhiều nhà thơ lớn cho đất nước, và Huế là là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca nhạc họa, nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng khi đến Huế, viết về Huế.
Cuộc thi thơ với chủ đề “Thơ Huế 2023” do Tạp chí Sông Hương tổ chức với mong muốn có nhiều tác phẩm thi ca sáng tác về vùng đất văn hóa, di sản, thiên nhiên, con người, tình yêu quê hương Thừa Thiên Huế; góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, các giá trị văn hóa, những góc nhìn mới về thiên nhiên, con người và vùng đất.
Ban Tổ chức cuộc thi mong các văn nghệ sĩ, các nhà thơ, các nhà báo đồng nghiệp cùng Tạp chí Sông Hương thông tin rộng rãi về cuộc thi, tạo sự lan tỏa để nhiều nhà thơ tham gia cuộc thi, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Thừa Thiên Huế đến với mọi miền của đất nước.
“Chúng tôi mong các tác giả, nhà thơ xứ Huế và các tác giả, các nhà thơ trên mọi miền của đất nước, gửi nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi, những sáng tác về con người và vùng đất trầm tích văn hóa Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế”, nhà thơ Lê Vĩnh Thái nói.
https://nhandan.vn/tap-chi-song-huong-phat-dong-cuoc-thi-tho-hue-2023-post740908.html
Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023
Submitted by nlphuong on Fri, 24/02/2023 - 14:55Ngày 24/2, tại thành phố Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. |
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Hội Nhà báo Việt Nam và hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Việc lựa chọn tổ chức Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 tại thành phố Quy Nhơn là một vinh dự lớn cho tỉnh Bình Định. Đây là cơ hội để tỉnh Bình Định giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; là dịp thuận lợi để các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí của tỉnh nhà có cơ hội trao đổi, thảo luận, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế báo chí từ các cơ quan báo chí Trung ương, các địa phương trong thời kỳ kinh tế số phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển; đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng: Diễn đàn là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” và chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Diễn đàn sẽ góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta...
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân dân chia sẻ, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa rạch ròi giữa việc tuyên truyền và truyền thông chính sách. Đây là nguồn thu rất lớn của các cơ quan báo chí, thậm chí là nguồn thu quan trọng. Hiện, các cơ quan báo chí có quan tâm nhưng chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, Nhà báo Ngô Việt Anh còn cho rằng: Việc chuyển đổi số trong nội tại cơ quan báo chí đang gặp nhiều vấn đề. Chuyển đổi số trên mạng xã hội chưa được tất cả cơ quan báo chí chú trọng, một số chỉ cho rằng đó là kênh phát tán chứ chưa chú trọng chính vào môi trường này”.
Ngoài ra, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như “chuyển đổi số báo chí” nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả, bảo đảm vai trò trụ cột trong định hướng thông tin và dư luận xã hội. Chuyển đổi số cũng gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới...
Các đại biểu cũng đề cập đến vai trò của công nghệ đối với kinh tế báo chí như: thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác. Đề xuất hợp tác về hạ tầng công nghệ số với cơ quan báo chí. “Cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách, đây sẽ là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
https://nhandan.vn/dien-dan-kinh-te-bao-chi-2023-post740239.html
Trao giải Cuộc thi “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”
Submitted by nlphuong on Thu, 23/02/2023 - 21:52Ngày 23/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố và trao giải Cuộc thi “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn và Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức.
Trao giải thưởng chuyên đề tặng Công đoàn Dệt may và Công đoàn Tổng Công ty May 10. |
Chương trình nhằm vinh danh các tác giả đoạt giải và lan toả mạnh mẽ những hình ảnh đẹp trong công tác chăm lo đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cuộc thi video clip “Tết Sum vầy – Xuân Gắn kết” diễn ra từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/1/2023, dành cho đối tượng là cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong nước và ngoài nước.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 1,9 nghìn clip tham gia; thu hút 12,5 triệu lượt xem haghtag (#tetsumvayxuanganket) trên TikTok, 5.544 lượt chia sẻ video clip.
Cuộc thi đã lan tỏa và được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động trên khắp cả nước. Các cấp công đoàn từ cơ sở đến Trung ương đều có tác phẩm tham gia cuộc thi.
Mỗi tác phẩm tham gia cuộc thi đều có sự sáng tạo riêng của các tác giả nhưng tất cả đều mang đến những cảm xúc tốt đẹp, ý nghĩa cho người xem đồng thời cũng chuyển tải thông điệp “không để bất cứ đoàn viên, người lao động nào không có Tết” mà tổ chức Công đoàn thực hiện trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Thông qua cuộc thi, hình ảnh “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” do các cấp Công đoàn tổ chức đã được nhân dân hoan nghênh, cộng đồng mạng xã hội đón nhận và có những ý kiến tích cực vì tính chất mới mẻ và ý nghĩa.
Có thể kể tới hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động của Công đoàn Công ty TNHH Nhôm Nam Sung (Long An) đã có gần 1,5 triệu view; hơn 80 nghìn lượt thả tim và gần 1.200 bình luận.
Thông qua cuộc thi, đông đảo cán bộ công đoàn ở các địa phương được Tạp chí Lao động và Công đoàn tập huấn kỹ năng quay dựng video bằng điện thoại thông minh, từ đó có tác phẩm tham gia và đoạt giải cao.
Điều này chứng tỏ cuộc thi đã góp phần nâng cao kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội cho cán bộ công đoàn…
Ban Tổ chức chấm sơ khảo và chọn ra 24 tác phẩm vào chấm chung khảo. Hội đồng giám khảo đã chấm điểm và chọn 17 tác phẩm để trao các giải thưởng gồm: 11 giải thưởng cá nhân; 6 giải thưởng chuyên đề.
Ban Tổ chức đã trao 3 giải thưởng cho các tác giả tham dự chương trình tại Hà Nội. 14 giải thưởng còn lại, các Liên đoàn Lao động, Công đoàn ngành… sẽ trao cho các tác giả tại địa phương.
Hưởng ứng cuộc thi, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã sáng tạo, xây dựng thêm cơ cấu giải thưởng riêng cho ngành mình.
https://nhandan.vn/trao-giai-cuoc-thi-tet-sum-vay-xuan-gan-ket-post740109.html
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số tại Đà Nẵng
Submitted by nlphuong on Sun, 19/02/2023 - 20:42Ngày 19/2, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đến thăm, làm việc với Đảng ủy, Ban Biên tập và thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số với cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Đà Nẵng.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên báo Đà Nẵng nghe thuyết trình về chuyển đổi số. |
Đi sâu phân tích về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số, trong quá trình phát triển tất yếu của xã hội hiện nay, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, trong tương lai, máy móc sẽ thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Theo đó, dự báo năm 2025, máy móc sẽ viết được bài luận trong cấp trung học, tự sáng tác nhạc, dịch ngoại ngữ; thậm chí, dự đoán đến gần năm 2050, thiết bị máy móc sẽ viết được các tác phẩm tự luận và đến khoảng năm 2056 sẽ tự phẫu thuật trong ngành y...
Đối với sự phát triển của báo chí, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những tác động rất lớn. Trong báo chí hiện đại, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rõ qua hình thái “Chatbot” và các tòa soạn lớn trên thế giới đều đã dùng hình thái này.
Ở Việt Nam, Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam ra mắt “Chatbot” vào năm 2018. Tuy nhiên, một số công việc cụ thể liên quan lĩnh vực báo chí thì máy móc chưa thể làm được. Thí dụ như khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông, phóng viên có thể liên hệ để phỏng vấn, tìm hiểu thông tin thì máy móc không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng chưa được đề cập đến.
Chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào báo chí là quá trình không thể cưỡng lại. |
Theo Tổng Biên tập Lê Quốc Minh, với báo chí trước đây “nội dung là vua”, nhưng hiện nay “công nghệ là hoàng hậu”. Báo chí hiện nay không chỉ có cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với 7 tỷ kênh trên mạng xã hội của cả thế giới nên cần phải tạo ra phong cách đa dạng, khác biệt, hấp dẫn hơn.
Trong khoảng 1 thập kỷ nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong tòa soạn, giúp các nhà báo lên lịch họp, phát hiện điểm khác thường trong dữ liệu và lùng sục thông tin hữu ích trong hồ sơ… Quan trọng hơn, các công cụ AI sẽ giúp nhà báo tạo nội dung riêng cho từng độc giả. Phóng viên sẽ chọn đúng thông tin để chia sẻ nhưng trí tuệ nhân tạo sẽ xem độc giả muốn gì để tạo ra câu chuyện hoàn hảo cho từng người dùng.
Tới đây, các tòa soạn sẽ có rất nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo và các nhà báo sẽ sử dụng nhuần nhuyễn các cỗ máy thông minh trong công việc hằng ngày. Bởi vậy, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một phần không thể tách rời của các tòa soạn, giống như sự cần thiết của internet hoặc thậm chí là điện. Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển, dù có hay không sự can thiệp của nhà báo. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải quyết định chờ đợi và quan sát tương lai hình thành, hoặc tích cực tham gia ngay từ bây giờ…
Tại buổi trao đổi kinh nghiệm, cán bộ lãnh đạo, phóng viên Báo Đà Nẵng nêu những băn khoăn, khó khăn, vướng mắc về trí tuệ nhân tạo và tác động của nó đối với đời sống xã hội cũng như hoạt động báo chí.
Vấn đề này, theo đồng chí Lê Quốc Minh thì thế giới có nhiều xu hướng, trong đó có xu hướng phản đối về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo muốn hay không thì nó đang trực tiếp tác động, ảnh hưởng và phục vụ đời sống của chúng ta và đây là xu thế không thể cưỡng lại được. Nhiều chuyên gia dự báo trí tuệ nhân tạo ra đời sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của con người, nguy cơ máy móc làm thay cho con người. Đồng thời dự báo của chuyên gia thì đến năm 2136, máy móc sẽ làm các công việc của con người. Do đó, chúng ta phải đón nhận trong hướng tích cực.
Thay mặt Ban Biên tập Báo Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng bày tỏ cảm ơn những chia sẻ mới mẻ, bổ ích của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên tổ chức công việc, sử dụng tốt công nghệ vào hoạt động báo chí.
https://nhandan.vn/tong-bien-tap-bao-nhan-dan-chia-se-kinh-nghiem-ve-chuyen-doi-so-tai-da-nang-post739456.html
Tăng cường hợp tác tuyên truyền giữa Báo Nhân Dân và tỉnh Thái Nguyên
Submitted by nlphuong on Thu, 16/02/2023 - 18:19Ngày 16/2, tại thành phố Thái Nguyên, Báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức hội nghị ký kết Chương trình hợp tác tuyên truyền giai đoạn 2023-2025.
Lễ ký kết Chương trình hợp tác tuyên truyền giai đoạn 2023-2025 giữa Báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Thái Nguyên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham dự sự kiện.
Cùng dự, có các đồng chí Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban, Sở, ngành tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các đơn vị, các ấn phẩm thuộc Báo Nhân Dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải giới thiệu khái quát tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, chuyển đổi số, thu hút đầu tư của tỉnh... thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Kết quả đó, có đóng góp quan trọng của công tác thông tin-tuyên truyền, trong đó có đóng góp của Báo Nhân Dân.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc ký kết Chương trình hợp tác tuyên truyền giữa Báo Nhân Dân và tỉnh Thái Nguyên nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế, các mô hình, những thành tựu nổi bật của tỉnh Thái Nguyên trên báo Đảng một cách nhanh, chính xác, định hướng dư luận, tạo không khí phấn khởi đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, cổ vũ các phong trào ở địa phương.
Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác phối hợp, cung cấp thông tin cho Báo Nhân Dân để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền; phấn đấu Thái Nguyên sẽ là điểm sáng trong công tác phối hợp tuyên truyền với Báo Nhân Dân.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh bày tỏ vui mừng với thành quả phát triển mọi mặt của Thái Nguyên hôm nay, ATK năm xưa - nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở và lãnh đạo kháng chiến, nơi Báo Nhân Dân phát hành số báo đầu tiên vào ngày 11/3/1951 đã cổ vũ các phong trào kháng chiến, kiến quốc chuyển mình mạnh mẽ, ấn tượng về mọi mặt. Đồng chí Lê Quốc Minh cam kết, Báo Nhân Dân tiếp tục đồng hành trong công cuộc xây dựng và phát triển Thái Nguyên ngày càng giàu, đẹp.
Đồng chí đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi để phóng viên Báo Nhân Dân tiếp cận thông tin một cách nhanh, chính xác, nhất là việc triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để tuyên truyền, định hướng dư luận, cổ vũ, động viên các phong trào của địa phương; tăng cường phát hành Báo Nhân Dân trên địa bàn.
Đồng chí Lê Quốc Minh và Đoàn công tác của Báo Nhân Dân dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trước đó, đồng chí Lê Quốc Minh và Đoàn công tác của Báo Nhân Dân đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống trong khuôn viên Tỉnh ủy Thái Nguyên.
https://nhandan.vn/tang-cuong-hop-tac-tuyen-truyen-giua-bao-nhan-dan-va-tinh-thai-nguyen-post739066.html
Truyền hình Nhân Dân ký kết hợp tác với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Submitted by nlphuong on Wed, 15/02/2023 - 08:15Thông qua 5 nội dung chính, chương trình hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình của Truyền hình Nhân Dân; đồng thời, tăng cường sự gắn kết, hợp tác, giao lưu giữa 2 cơ quan, đơn vị.
Truyền hình Nhân Dân ký kết hợp tác với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. (Ảnh: Minh Tuấn) |
Ngày 14/2, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân - Báo Nhân Dân và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình của Truyền hình Nhân Dân; đồng thời, tăng cường sự gắn kết, hợp tác, giao lưu giữa 2 cơ quan, đơn vị. Tham dự có đồng chí Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; lãnh đạo các đơn vị của Báo Nhân Dân, lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an.
Quang cảnh Lễ ký kết. (Ảnh: Minh Tuấn) |
Chương trình hợp tác tập trung vào 5 mục chính:
Một là, xây dựng khung chương trình và định hướng đề tài của Tạp chí truyền hình "Bản tin An ninh mạng" phát sóng trên kênh Truyền hình Nhân Dân.
Hai là, tư vấn, hỗ trợ ý kiến chuyên gia về an ninh mạng và công nghệ cao đối với những nội dung đăng tải, phát sóng trên Truyền hình Nhân Dân trong trường hợp cần thiết để bảo đảm yêu cầu phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm, nâng cao nhận thức về an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ba là, trao đổi thông tin tuyên truyền về an ninh mạng và công nghệ cao có liên quan đến khung chương trình và định hướng đề tài của Tạp chí truyền hình "Bản tin An ninh mạng" phát sóng trên kênh Truyền hình Nhân Dân.
Bốn là, trao đổi thông tin, tư liệu, hỗ trợ ý kiến chuyên gia phục vụ xây dựng bản tin, chương trình đặc biệt về những sự kiện nâng cao nhận thức về an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, khuyến nghị chính sách, pháp luật về an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Năm là, phối hợp tổ chức, xây dựng các chương trình, chuyên mục, bản tin và tổ chức các hội thảo khoa học liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân, cho biết, "Bản tin An ninh mạng" là một chương trình mới, sẽ được phát sóng trong năm 2023. Được đầu tư thể hiện một cách mới mẻ, chương trình là bản tin tổng hợp thông tin nóng trong tuần về nội dung an ninh mạng; đấu tranh phản biện các thông tin xuyên tạc, xấu độc, tin giả trên mạng xã hội; cảnh báo các nguy cơ, nguy hiểm xuất hiện trên mạng xã hội cũng như tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng và nâng cao nhận thức của người dân trên môi trường không gian số hiện nay.
Ông Vũ Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân. (Ảnh: Thi Uyên) |
“Chúng tôi đánh giá cao chương trình hợp tác giữa Truyền hình Nhân Dân và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05). Qua chương trình này Truyền hình Nhân Dân mong muốn nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia về an ninh mạng và công nghệ cao đối với những nội dung đăng tải, phát sóng”, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết, Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân Dân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với thông tin xấu độc, định hướng dư luận cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cảnh báo tội phạm cho nhân dân.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm, lãnh đạo Cục A05 sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung phối hợp, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể; định kỳ trao đổi với các đơn vị chức năng của Trung tâm Truyền hình Nhân Dân để tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ thực hiện để công tác phối hợp giữa Cục A05 và Trung tâm Truyền hình Nhân Dân ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
https://nhandan.vn/truyen-hinh-nhan-dan-ky-ket-hop-tac-voi-cuc-an-ninh-mang-va-phong-chong-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-post738799.html