Syndicate content

Nghề báo

Xin lỗi vì đã nói… đúng!

Chùa giả, sư giả lộng hành tự ý thu nhận trẻ mồ côi nuôi dưỡng, nhận tiền quyên góp của bá tánh. Khi bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc cưỡng chế giải toả chùa giả thì sư giả đâm đơn kiện vì bị “xúc phạm uy tín danh dự”. Ấy vậy mà toà án vẫn xử cơ quan báo chí thua kiện, vì sao?

Ngày 10.01.2011, Báo Người Lao Động đăng loạt bài phản ánh các tiêu cực tại “chùa” Tiên Phước 2 (17/66/26 đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TP.HCM). Các bài báo “Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi”, “Chuyện bầy hầy ở Tiên Phước 2”, “Hãy sớm giải cứu các em”, “Đủ cơ sở đóng cửa Tiên Phước 2” đã chỉ rõ những chuyện không thể ngờ tại ngôi “chùa” giả này như: treo bảng “chùa Tiên Phước 2”, sử dụng con dấu “chùa Tiên Phước 2”, sử dụng bảo mẫu không có trình độ chuyên môn, phòng ở cho trẻ mồ côi chật hẹp, nhận tiền tài trợ từ các tổ chức nhưng không ghi phiếu thu-chi đầy đủ, để trẻ bệnh tật dẫn đến tử vong (tại bệnh viện - PV), mang quà từ thiện đi trao đổi và cho nơi khác… Báo Người Lao Động còn chỉ rõ “sư trụ trì” Nguyễn Thị Vân không có giấy phép của cơ quan chức năng về tôn giáo nhưng vẫn xây chùa, quyên góp tiền để “nuôi trẻ mồ côi, dạy học tình thương”.

Bài báo thật sự gây chấn động lương tri, đẩy lên sự căm phẫn mạnh mẽ của dư luận xã hội với những gì đang diễn ra tại “chùa Tiên Phước 2”. Ngày 14.01.2011, Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM đã có kết luận thanh tra 201-KL-TTr và kiến nghị ngành năng chấm dứt hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trái phép, chuyển toàn bộ trẻ ở “chùa Tiên Phước 2” về cơ sở nuôi dạy công lập. Và với sự chỉ đạo bằng văn bản của Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND quận Bình Tân đã thi hành quyết định cưỡng chế giải tán cơ sở Tiên Phước 2 vào ngày 19.01.2011, mặc dù “sư trụ trì” Nguyễn Thị Vân chống đối quyết liệt và bất hợp tác.

Chùa của bà Nguyễn Thị Vân đóng cửa từ khi bị phản ánh

Như vậy có thể thấy, từ phản ánh của Báo Người Lao Động, cơ quan chức năng là Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM đã vào cuộc quyết liệt và đưa ra kết luận 201-KL-TTr. Căn cứ vào đó, UBND quận Bình Tân đã cưỡng chế giải tán cơ sở Tiên Phước 2 trong sự đồng thuận của dư luận nhưng dĩ nhiên, vẫn có người không thể đồng thuận, đó là bà Nguyễn Thị Vân. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Vân đã kiện Báo Người Lao Động ra toà vì đã “đăng tin không đúng, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự”. Còn theo Báo Người Lao Động và phóng viên Đoàn Quý Lâm (người trực tiếp thực hiện loạt bài) thì: “Kết quả bài báo là toàn bộ trẻ mồ côi còn lại trong cơ sở trái phép này được cơ quan chức năng giải cứu để đưa về Làng Thiếu niên Thủ Đức chăm sóc. Mục đích giải cứu các em đã đạt được. Trong bài báo có câu, chữ sơ sót song các hoạt động nghiệp vụ của phóng viên đều trong khuôn khổ quy định của Luật Báo chí hiện hành. Thông tin trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân (Khoản 1, Điều 6-Luật Báo chí); phản ánh dư luận xã hội, làm diễn đàn phục vụ quyền tự do ngôn luận của nhân dân (Khoản 3, Điều 6-Luật Báo chí); khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí (Mục a, Khoản 1, Điều 15-Luật Báo chí); phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân (Mục a, Khoản 2, Điều 15-Luật Báo chí)...”.

Tuy nhiên trong bản án sơ thẩm ngày 4.4.2014 và tại phiên phúc thẩm ngày 28.7.2014, toà án đã căn cứ vào Kết luận Thanh tra của Sở LĐTBXH TP.HCM để xử cho nguyên đơn Nguyễn Thị Vân thắng kiện vì “Theo Kết luận Thanh tra, hầu như các nội dung các bài báo đều đúng; tuy nhiên cũng có những thông tin báo đưa ra không rõ ràng làm người đọc dễ hiểu lầm làm tổn hại đến uy tín, danh dự của bà Vân”.

Ngay sau phiên phúc thẩm, Báo Người Lao Động cho rằng: “Việc căn cứ vào Kết luận thanh tra của Thanh tra Sở LĐTBXH TP.HCM để xử cho nguyên đơn thắng kiện là không thuyết phục và cho thấy sự tùy tiện trong việc tuyên án. Thực ra, thanh tra, ở những chi tiết liên quan, chỉ nêu là “chưa đủ cơ sở” chứ không có chi tiết bác bỏ những vấn đề báo phản ánh. Thực tế, cả 2 cơ quan (báo và thanh tra) đều có hoạt động nghiệp vụ nhằm làm rõ các sai phạm gây nguy hiểm cho tính mạng và đời sống của trẻ mồ côi tại Tiên Phước 2. Tuy nhiên, phương pháp và mức độ tìm hiểu, nêu vấn đề của báo và thanh tra là không thể giống nhau. Nghiệp vụ và quyền hạn của báo chí, theo luật, cho phép phản ánh cả ý kiến, nguyện vọng của người dân; trong khi thanh tra chỉ có thể đưa ra những kết luận dựa trên bằng chứng rõ ràng (thấy và sờ được)”. 

Ghi nhận trong bản án (11/2014/DS-PT) chúng tôi thấy ghi rằng “lẽ ra phóng viên phải gặp gỡ bà Vân là đối tượng bị phản ánh để nắm thêm thông tin để đưa tin bài cho chính xác và bà Vân có khiếu nại báo thì Báo Người Lao Động phải đăng đầy đủ kết luận của thanh tra sở để làm rõ nội dung...”. Và “Báo Người Lao Động phải đăng bìa cải chính xin lỗi bà Nguyễn Thị Vân trên báo in và báo điện tử”.

Trao đổi sau phiên toà, đại diện Báo Người Lao Động nói rõ: “Việc lấy thông tin chính xác về những sai phạm của đối tượng bị phản ánh từ chính họ là điều không thể; và báo chí cũng không có nghĩa vụ phải đăng đầy đủ bất cứ văn bản hành chính nào. Báo Người Lao Động đang chờ đợi bản án phúc thẩm ban hành và sẽ có những bước ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, dư luận chưa hài lòng với việc bác bỏ các điều khoản trong Luật Báo chí của toà án. Chẳng lẽ báo phải xin lỗi vì nói… đúng?”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Dương Minh Anh

Nguồn: nguoilambao.vn

Nhà báo Pháp nặng lòng với Hoàng Sa, Trường Sa

Từ 8.8 - 8.9, Viện Thông tin khoa học xã hội tổ chức trưng bày bộ tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, với nhiều tư liệu chưa từng công bố.

Tờ Thức tỉnh kinh tế Đông Dương đăng nhiều bài viết khẳng định chủ quyền của VN với Hoàng Sa - Ảnh: T.N

Khi nhà báo, cũng là nhà nghiên cứu Pháp Henri Cucherousset từ trần cuối năm 1934 tại Hà Nội, tờ L’Annam nouveau đã đưa tin, người viết là học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Vĩnh viết về người vừa mất khi ấy: “Chính ông là người đã cho công chúng nhận biết những mặt trong của vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra yêu sách đòi lại chủ quyền của Hoàng Sa cho xứ sở của chúng ta”.

Trong bài viết có tên Một khoản thu, mà vì lý do bí ẩn, đã bỏ lỡ, sau khi nêu các tầm quan trọng về nhiều mặt của quần đảo Hoàng Sa như quan sát khí tượng, cảng biển, cảng hàng không, vỉa phốt phát... Henri Cucherousset cho rằng chính quyền đã không biết khai thác để mang lại ngân sách và kinh tế cho Đông Dương.

Trong bài Chinh phục các đảo có phốt phát tại Trường Sa, Cucherousset lại tường thuật việc chính quyền Đông Dương đã đưa các đoàn tàu vào khảo sát và nghiên cứu tài nguyên, nhất là phốt phát trên quần đảo Trường Sa và cũng là để khẳng định chủ quyền. Tác giả hy vọng chính quyền tiếp tục làm như vậy với quần đảo Hoàng Sa mà không nhất thiết phải đưa vụ việc ra tòa án La Haye.

Bộ sưu tập tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông tại 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Theo GS Hồ Sĩ Quý, Henry Cucherousset là người đã làm nên tờ tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de l’Indochine). Tờ báo in tại Hà Nội này đã đăng rất nhiều bài viết liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của nước ta. Tại phòng trưng bày sưu tập tư liệu mới về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông do Viện Thông tin khoa học xã hội tổ chức, tuần báo này được trưng bày trọn bộ. Các trích đoạn liên quan đến chủ quyền được dịch sang tiếng Việt để tiện theo dõi. “Viện là nơi lưu đầy đủ nhất bộ ấn phẩm này”, GS Quý nói.

Một tài liệu tiếng Pháp khác là Báo cáo gửi Đại hội đồng kinh tế và tài chính Đông Dương và trình hội đồng Chính phủ năm 1931, trong đó nhắc tới đợt khảo sát ngày 16.5.1931 về nghiên cứu hải dương học, động vật học, thực vật học và khoáng vật học ở Paracels (Hoàng Sa). Bài báo cho biết những nghiên cứu đầu tiên thực hiện trên vùng biển Đông của Viện Hải dương học, về loại đất nền dưới quần đảo, về hình thái của đảo san hô, cá, chim, cơ chế hình thành của phốt phát có trong đất ở khắp đảo Hoàng Sa.

Nhật ký hành trình tới Hoàng Sa là ghi chép của hai tác giả A.Pierre C. và Maurice C. vào năm 1941. Trong đó có đoạn khẳng định Hoàng Sa là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đây là một khu núi đá rất hiểm trở, cách xa hàng trăm dặm, thường xảy ra các vụ chìm tàu. Quần đảo này trải dọc theo bờ biển của Nam Kỳ, nơi xưa kia có tên là Nam Nam. “Tôi giải thích vì sao hôm nay tôi phải đề nghị nước Pháp trang bị cho Hoàng Sa một ngọn hải đăng, một cái đài vô tuyến, cho phép có thể dự báo thời tiết hữu ích, thông báo các cơn gió bão có thể đi qua nơi đây. Và cũng cần một đồn cảnh sát bản địa trực thuộc chính quyền bảo hộ An Nam”, một đoạn trong sách nêu rõ.

Một mảng sách đáng chú ý khác là các tài liệu tiếng Trung Quốc cổ từ năm 1178 đến 1951 của các sử gia Trung Quốc viết về lịch sử Trung Quốc qua các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Hoa dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong nội dung các cuốn sách này không thấy đề cập tới vấn đề Trường Sa. “Đặc biệt, cuốn sách giáo khoa về lịch sử Trung Quốc xuất bản năm 1950, tái bản 1951 tại Bắc Kinh giảng dạy cho công nhân Trung Quốc đã xác nhận cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam và trên bản đồ tình thế Trung Quốc ở cuốn sách này cũng không thấy có địa danh Hoàng Sa, Trường Sa”, PGS-TS Lê Thị Lan, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội cho biết.

Phủ bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa

“Những tư liệu được trưng bày lần này bao gồm 8 nhóm tài liệu, với 24 bản đồ, 4 ảnh, 40 cuốn sách tiếng Việt, 24 cuốn tạp chí tiếng Việt, 37 số tạp chí Thức tỉnh kinh tế Đông Dương, 35 cuốn sách tiếng Pháp trước năm 1954, 5 cuốn sách La tinh mới, 20 cuốn sách tiếng Trung Quốc cổ. Đây là những tài liệu rất có giá trị trong việc phủ bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông và khẳng định chủ quyền lịch sử, lâu dài và liên tục của VN đối với vùng biển đảo này”.

GS Võ Khánh Vinh - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN

Trinh Nguyễn

Nguồn: Báo Thanh Niên

Sẽ xử lý một số tờ báo đăng quảng cáo sai giấy phép

(ICTPress) - Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, sẽ liên tục rà soát nội dung đăng quảng cáo sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng trên báo chí. Nếu phát hiện quảng cáo đăng sai nội dung giấy phép, quảng cáo không phép sẽ mạnh tay xử lý các cơ quan báo chí vi phạm.

Ngày 7/8/2014, Thanh tra Bộ TT&TT đã có công văn gửi một số cơ quan báo chí có vi phạm về quảng cáo các sản phẩm y tế, đặc biệt là thực phẩm chức năng không đúng với giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để xem xét, xử lý vi phạm. Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, sẽ có một số cơ quan báo chí được triệu tập, trong đó có những tờ báo dẫn đầu về lượng độc giả. Các hành vi vi phạm của các tờ báo này đã rõ ràng và chắc chắn sẽ phải nhận án phạt.

Sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng là các sản phẩm phải có giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan quản lý nhà nước về y tế khi quảng bá trên truyền thông. Trước đó, vào ngày 27/6/2014, Thanh tra Bộ TT&TT đã có công văn yêu cầu các báo chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ việc đăng quảng cáo các sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng theo đúng quy định. Hạn chót kể từ ngày 10/7/2014, Thanh tra Bộ TT&TT sẽ kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công văn này, nếu cơ quan báo chí nào còn vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, mặc dù Bộ TT&TT đã có công văn chấn chỉnh nhưng cho đến nay trên nhiều tờ báo vẫn tiếp tục đăng các quảng cáo sản phẩm y tế, đặc biệt là thực phẩm chức năng không đúng với giấy xác nhận nội dung quảng cáo do cơ quan y tế cấp. Các doanh nghiệp phân phối các sản phẩm này tìm mọi cách để đưa quảng cáo lên báo, nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo công dụng như là thuốc, khiến không ít người dùng hiểu nhầm đó là thuốc.

Không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt nhiều lần về hành vi quảng cáo không đúng với nội dung giấy phép đã được cấp, thậm chí là quảng cáo không có giấy phép. Nhưng vừa nhận án phạt các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tái phạm, ngang nhiên đăng các nội dung quảng cáo khác hẳn hoàn toàn với giấy phép trên hàng loạt tờ báo.

Ví dụ, Công ty TNHH Thương mại Bảo Bình An (Số 14 tổ 15 Tứ Kỳ, Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều  lần bị xử phạt về quảng cáo hai sản phẩm Mãnh chúa diệu khang và Cốt Bách Bổ có nội dung không đúng nội dung quảng cáo đã được xác nhận. Nhưng ngay trong đầu tháng 8 này, hai sản phẩm này vẫn tiếp tục xuất hiện trên các báo.

Nội dung quảng cáo sản phẩm "Mãnh chúa diệu khang" được Cục An toàn thực phẩm cấp (bên trái) khác hẳn với nội dung quảng cáo được đăng trên các báo trong mấy ngày gần đây (bên phải). Ảnh: M.Q

"Đây là hiện tượng rất nhức nhối, Thanh tra Bộ TT&TT đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về những sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng và sẽ mạnh tay xử lý những sai phạm này. Từ thời điểm này chúng tôi sẽ liên tục rà soát, nếu phát hiện các báo tiếp tay cho doanh nghiệp đăng quảng cáo sai giấy phép sẽ xử lý nghiêm", ông Toàn phát biểu.

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng vượt quá công dụng sản phẩm, quảng cáo công dụng như là thuốc có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, những người đang gặp vấn đề khó khăn về sức khỏe. Báo chí là kênh chủ đạo đưa quảng cáo sản phẩm đến với người dân, nếu báo chí không dừng lại thì sẽ khó ngăn được hành vi lừa dối người tiêu dùng của các công ty sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng.

Mới đây, Thanh tra Bộ TT&TT đã phạt 1 tờ báo và 1 đài truyền hình vì hành vi  quảng cáo rượu trên 15 độ (sản phẩm bị cấm quảng cáo), tổng số tiền phạt mà 2 cơ quan báo chí này phải nộp là 185 triệu đồng.

Theo điều 68 và 70 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP hành vi quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan nhà nước xác nhận có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Hành vi quảng cáo sai lệch nội dung làm người đọc hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc có thể bị phạt tới 60 triệu đồng.

M.Q

Chủ tịch Đại học Hoa Sen Trần Văn Tạo tổ chức họp báo trái phép?

Sau một loạt sai phạm của Hội đồng quản trị (HĐQT) đã bị nhóm cổ đông phanh phui trong đại hội cổ đông bất thường Đại học Hoa Sen (ĐHHS) ngày 2/8, thì chiều ngày 4/8, Chủ tịch HĐQT Đại học Hoa Sen- ông Trần Văn Tạo đã chủ trì cùng Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng tổ chức cuộc họp báo để phản bác những thông tin mà báo chí đã đưa trước đó. Tuy nhiên, việc làm trên lại càng khiến các lãnh đạo nhiều tai tiếng này thêm “mất điểm”.

Nhiều phóng viên phải trình đầy đủ thủ tục mới được tham dự cuộc họp báo trái phép do ông Trần Văn Tạo chủ trì.

Bị “bắt quả tang” họp báo trái phép

Chiều 4/8, nhận được thông tin tại lầu 9, số 8 Nguyễn Văn Tráng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM có “cuộc gặp gở báo chí” của ĐHHS, đông đảo PV báo chí đã có mặt tại khán phòng trên.

Khi PV tới, sau một hồi trình đủ các loại giấy tờ minh chứng là phóng viên báo chí thì mọi người mới nhận được một “Thẻ khách mời” do các lễ tân ở đây cung cấp. Điều đáng nói, trong phòng “gặp gỡ báo chí” này lại có tới hàng chục nhà báo ở đầy đủ các cơ quan báo chí khác đã có mặt. Ngoài ra, chúng tôi lại còn nhận được một văn bản “THÔNG CÁO BÁO CHÍ v/v đại hội cổ đông bất thường”.

Trước đó, chúng tôi còn nhận được công văn “số 828/ĐHHS-HĐQT v/v tổ chức họp báo” có đóng dấu mộc đỏ của ĐHHS và do Chủ tịch hội đồng quản trị đương nhiệm cùng các thành viên trong Ban kiểm soát và thành viên HĐQT ký tên.

Tất cả những việc trên để khẳng định rằng, rõ ràng đây là một cuộc “họp báo” đúng nghĩa. Tuy nhiên, cuộc họp báo lại chưa được sự đồng ý và chấp thuận từ phía Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. “Sở Thông tin & Truyền thông chưa cấp giấy phép cho cuộc họp báo này, chúng tôi đang giao Thanh tra Sở xử lý theo đúng quy định” - ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM khẳng định.

Điều này đã vi phạm vào Nghị định 51/2002/NĐ-CP vì việc họp báo chỉ được tổ chức khi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đồng ý bằng văn bản trong thời hạn chậm nhất là 6 tiếng đồng hồ trước khi họp báo. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền không chấp nhận hoặc đình chỉ cuộc họp báo nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo vi phạm Điều 10 Luật Báo chí, Điều 5 Nghị định này.

ãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen tổ chức họp báo trái phép ngay tại Trụ sở Trường, khiến nhiều sinh viên hoang mang.

Chủ tịch HĐQT Trần Văn Tạo “ngụy biện”

Cuộc họp báo bắt đầu có “mùi ngụy biện” khi nhiều phóng viên đặt câu hỏi “đây có phải là cuộc họp báo không?” - thì ông Hoàng Đức Bình - Trưởng Phòng Truyền thông ĐHHS cho rằng: “Đây không phải là cuộc họp báo mà là gặp gỡ báo chí để trả lời giới báo chí một cách có hệ thống” cho dù những chứng cứ phía trên khẳng định chắc chắn đây là buổi họp báo.

Đại diện của buổi họp báo gồm 3 người, trong đó có bà Bùi Trân Phượng, ông Trần Văn Tạo và ông Đỗ Sỹ Cường. 3 người này đều nằm trong HĐQT đương nhiệm của ĐHHS vừa bị đa số cổ đông của Trường bãi nhiệm - riêng bà Bùi Trân Phượng hiện vẫn đang là hiệu trưởng của Nhà trường.

Tiếp đó, bà Bùi Trân Phượng cho rằng Đại hội đồng cổ đông bất thường ĐHHS năm 2014 (Nhóm cổ đông vừa tổ chức ngày 2/8- PV) đã biểu quyết thông qua việc bãi nhiệm 5/7 thành viên hội đồng quản trị và toàn bộ ban kiểm soát đương nhiệm, đại hội này tổ chức không hợp pháp nên toàn bộ các biểu quyết này đều không có giá trị.

Thế nhưng khi nhiều phóng viên yêu cầu giải thích việc vì sao Đại hội cổ đông bất thường không hợp pháp các vị trên lại tiếp tục ngụy biện khi cho rằng “Đại hội hợp pháp phải do HĐQT hoặc Ban Kiểm soát tổ chức”.

Theo đó, ông Trần Văn Tạo cho rằng: Cổ phần của một số cổ đông đang có sự tranh chấp. Ngoài ra, khi đại diện cổ đông đang xin phép Ban kiểm soát tổ chức đại hội, đang chờ quyết định thì bên cổ đông không chờ mà lại yêu cầu một thành viên trong hội đồng quản trị (ông Nguyễn Trung Đức - PV) để tổ chức.

Văn bản về việc tổ chức họp báo

Tuy nhiên, theo hồ sơ mà chúng tôi có được thì các cổ đông đã làm đúng trình tự để yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường theo pháp luật. Cụ thể, ngày 19/5/2014, nhóm cổ đông gửi yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường tới HĐQT. Vì không được chấp nhận nên ngày 20/6/2014 nhóm cổ đông lại gửi yêu cầu cho Ban kiểm soát. Tuy nhiên Ban kiểm soát tiếp tục biện lý do để “trì hoãn”.

Tới ngày 30/6/2014, nhóm cổ đông gửi yêu cầu tới ông Nguyễn Trung Đức (thành viên HĐQT- PV) sau đó được ông Đức đồng ý triệu tập và Đại hội cổ đông bất thường đã diễn ra ngày 2/8/2014 đúng với quy trình và đúng luật quy định. Đại hội cũng có sự tham dự của gần trăm cổ đông, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo và cơ quan Thừa Phát Lại.

Về buổi họp báo trái phép của Chủ tịch Trần Văn Tạo và Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng tổ chức, nhiều PV đã đặt ra cho HĐQT nhiều câu hỏi như “bà Phượng có nên vì lòng tự trọng mà từ chức hiệu trưởng ĐHHS hay không?”. Và bà Hiệu trưởng nhiều tai tiếng này đã khẳng định “sẽ tiếp tục”  tại vị.

 Nhóm PVPL

Nguồn: congluan.vn

PV VTV: Tác nghiệp vụ rơi máy bay MH17 ở Ukraine không quá nguy hiểm nhưng đau đớn

“So với chuyến công tác đến các “điểm nóng” Kiev hay Donetsk thì chuyến đi tác nghiệp tại khu vực rơi máy bay MH17 không nguy hiểm như hình dung của nhiều người” - nhóm PV thường trú VTV tại Nga chia sẻ với Báo điện tử VTV News.

Kể lại quá trình rời Nga sang Ukraine tác nghiệp trong sự kiện này, PV Nhật Linh và quay phim Vân Thái cho biết: “5 ngày sau khi xảy ra thảm kịch, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt ở thành phố Kharkov, cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 250km. Thực tế là trước đó và trong cả thời gian này, việc tiếp cận hiện trường, nơi xảy ra vụ rơi máy bay MH17 ở làng Torez thuộc tỉnh Donetsk là điều không thể thực hiện được, ngay cả đối với các đoàn chuyên gia quốc tế.

Chính quyền Kiev tuyên bố họ không thể đảm bảo an ninh cho bất kỳ ai vì đây là khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chống đối ở miền Đông nên việc di chuyển vào khu vực đó được cho là rất nguy hiểm khi các cuộc bắn phá giữa quân đội hai bên vẫn diễn ra.

Ngay khi quyết định tới Kharkov, chúng tôi chỉ có thể xác định là đi tới nơi đặt “Trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả thảm kịch MH17” và chỉ ở đó chúng tôi mới có được các thông tin mới, chính xác nhất”.

Quay phim Vân Thái và PV Nhật Linh tác nghiệp tại TP Kharkov

Trước đây, khi nhóm của anh chị thực hiện các phóng sự tại vùng chiến sự Kiev đã từng gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển các thiết bị để làm streambox. Không biết, trong lần di chuyển sang lãnh thổ Ukraine lần này, anh chị có gặp phải khó khăn nào không?

- Từ khi chúng tôi nhận được lệnh đi công tác đến lúc lên đường chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ. Tất cả các chuyến bay từ Nga sang Ukraine, đặc biệt là đến các thành phố miền Đông đã bị huỷ ngay sau vụ rơi máy bay MH17 làm 298 hành khách thiệt mạng vào ngày 17/7 tại Donetsk. Phương án duy nhất lúc đó là đi tàu, dù phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ, vượt gần 800km từ Moscow đến Kharkov.

Tuy nhiên, so với chuyến công tác của nhóm phóng viên VTV thường trú tại Nga đến các “điểm nóng” Kiev hay Donetsk thì chuyến đi này không nguy hiểm như hình dung của nhiều người. Thành phố Kharkov, dù nằm không xa vùng chiến sự Donetsk, nhưng lại là khu vực tương đối bình yên.

Tất nhiên là sau những xung đột ở khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, việc di chuyển cũng có nhiều khó khăn. Đôi khi các phóng viên báo chí lại phải trả lời nhiều câu hỏi của Hải quan và Biên phòng của hai nước nhiều hơn là người bình thường.

Là những phóng viên có mặt tại thành phố Kharkov - nơi đặt trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả tai nạn sau thảm kịch MH17, anh chị có thể cho biết cụ thể tiến trình công việc của cơ quan chức năng những ngày này và quá trình thực hiện các phóng sự tại đây?

- Có thể nói, một điều vô cùng may mắn với chúng tôi là đã có được sự hỗ trợ tối đa của các anh chị trong Hội người Việt Nam ở Kharkov. Không chỉ là sự hỗ trợ về ăn, ở, đi lại mà còn là sự hỗ trợ kịp thời về thông tin xung quanh vụ rơi máy bay MH17. Họ đã giúp chúng tôi kết nối rất kịp thời với bộ phận phụ trách báo chí của tỉnh và thành phố để có được thông tin chính xác trong sự kiện MH17. Điều này thực sự rất quan trọng!

Bốn tiếng sau khi có mặt tại Kharkov, chúng tôi nhận được thông tin 4 toa tàu đông lạnh chở thi thể nạn nhân MH17 từ Donetsk vừa được đưa về Nhà máy sản xuất xe tăng Kharkov để các chuyên gia pháp y có điều kiện khám nghiệm tổng thể trước khi đưa về Hà Lan giám định và nhận dạng. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy rất đông phóng viên quốc tế tập trung ở khu vực này.

Nhưng tất cả chỉ được phép tác nghiệp ở vòng ngoài. Giờ Việt Nam sớm hơn giờ Ukraine 4 tiếng nên lúc này chúng tôi phải gấp rút làm tin cho kịp bản tin Thời sự 19h. Những lúc như vậy, quay phim Vân Thái là người phải bám hiện trường để có hình ảnh về các diễn biến tiếp theo, còn tôi phải xử lý và hoàn thiện những gì đã có để gửi về cho kịp giờ phát sóng bản tin.

Rất đông phóng viên quốc tế có mặt tại TP Kharkov tác nghiệp trong vụ rơi máy bay MH17

Như anh chị vừa đề cập, những ngày này tập trung rất đông các phóng viên quốc tế đưa tin về sự kiện. Vậy, quá trình tác nghiệp của họ đã diễn ra như thế nào?

- Liên tiếp từ ngày 22 - 26/7 là các cuộc họp báo và các chuyến bay quân sự di chuyển thi thể nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 từ Ukraine về Hà Lan. Các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế cũng hoạt động rất tích cực, có thể nói đó là một cuộc “chạy đua” thông tin giữa các phóng viên.

Với các hãng lớn như Reuters, CNN, họ có lực lượng đông để “cắm” người ở khắp nơi: tại Trung tâm báo chí, tại khu vực bảo quản các thi thể và cả ngoài sân bay. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có thể chọn có mặt tại một trong các điểm này khi cần thiết.

PV Nhật Linh đưa tin sự kiện từ sân bay Kharkov

Song, có thể thấy một sự không thống nhất giữa các phương tiện truyền thông về con số thi thể được tìm thấy và được chuyển từ Ukraine về Hà Lan trong những ngày này. Nếu có mặt ở hiện trường hay tham gia các cuộc họp báo, thì điều này là không hề khó hiểu.

Dù không được tận mắt chứng kiến nhưng qua câu chuyện của các chuyên gia pháp y, chúng tôi hiểu những ngày vừa qua thực sự là những ngày đau đớn và khó khăn đối với họ. Ngay cả cách tính để công bố số lượng thi thể cũng là rất khó khăn vì thực tế chẳng còn ai và chẳng còn gì nguyên vẹn khi chiếc máy bay MH17 rơi từ độ cao 10.000m như vậy.

Cuối cùng, hầu như các chuyên gia Hà Lan chỉ có thể nói và tính bằng các “mảnh” và các “túi”. Thực sự là cảm giác đó rất đau lòng! Và chỉ khi có mặt tại đây chúng tôi mới cảm nhận được điều ấy!

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh chị!

Chi Nguyễn, Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguồn: vtv.vn

Trung Quốc: Báo chí “lật tung chăn” Chu Vĩnh Khang

Báo chí Đại lục, Hồng Kông… đua nhau đăng tải những thông tin về Chu Vĩnh Khang theo kiểu “lật tung chăn”.

Ngày 29/7, trong một bản tin vẻn vẹn 70 chữ, Tân Hoa xã thông báo: Trung ương ĐCS Trung Quốc đã quyết định điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật trung ương Chu Vĩnh Khang do vi phạm kỷ cương nghiêm trọng. Chỉ chờ có thế, báo chí Đại lục, Hồng Kông… đua nhau đăng tải những thông tin về Chu Vĩnh Khang theo kiểu “lật tung chăn”.

Chu Vĩnh Khang và người tình Diệp Nghênh Xuân

Mặc dù chưa được nhà chức trách xác nhận hay bác bỏ, nhưng nhiều người Trung Quốc vẫn tin vào những thông tin này bởi những điều trước đây báo chí viết về Chu Vĩnh Khang và dự đoán về số phận Chu Vĩnh Khang, nay có vẻ diễn ra rất đúng.

“Hòa Thân thời nay” với khối tài sản ít nhất 15 tỷ USD

Sau 8 tháng tạm giam, Trung Quốc quyết định công bố công khai việc điều tra Chu Vĩnh Khang. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Trung Hoa mới ra đời (1949), một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị bị điều tra, phá vỡ thông lệ “hình bất thượng thường ủy” (không xử lý hình sự với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) bấy nay. 

Một nguồn tin từ cơ quan điều tra tiết lộ cho báo chí: trong quá trình điều tra Chu Vĩnh Khang, cơ quan hữu trách đã niêm phong và tịch thu ít nhất 90 tỷ tệ (NDT). Số tài sản khổng lồ đó bao gồm: 37 tỷ tệ tiền gửi ngân hàng, 50 tỷ tiền cổ phiếu chứng khoán trong, ngoài nước; hơn 300 căn nhà trị giá 1 tỷ 760 triệu tệ bất động sản ở rải rác khắp nơi: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Yên Đài, Thành Đô, Nam Kinh, Tô Châu, Vô Tích, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến; 42 kg vàng, bạc; khoảng 200 triệu tiền mặt, gồm 150 triệu NDT, gần 3 triệu USD, mấy chục vạn euro và bảng Anh; 62 xe ô tô các loại; hơn 50 tác phẩm tranh, thư pháp trị giá ước tính từ 800 triệu đến 1 tỷ NDT; ngoài ra còn thu được nhiều súng, đạn tàng trữ trái phép…Chính vì vậy, Chu Vĩnh Khang đã bị gọi là “Hòa Thân thời nay”. 

Hơn 300 người bị liên đới…

Giả Hiểu Diệp, cô vợ MC truyền hình trẻ hơn 28 tuổi của Chu Vĩnh Khang

Cơ quan hữu trách đã bắt giữ và gọi thẩm vấn hơn 300 người, bao gồm những người ruột thịt trong gia đình, thân tín, đồng minh chính trị của Chu Vĩnh Khang, trong đó có Giả Hiểu Diệp, người vợ hai trẻ hơn Chu 28 tuổi, vợ chồng người con cả là Chu Bân, bố mẹ vợ Chu Bân, cả gia đình Chu Nguyên Thanh (em trai Chu Vĩnh Khang). 

Đã có 10 cán bộ cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng bị điều tra, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Tài nguyên quốc gia Tưởng Khiết Mẫn, Thứ trưởng Bộ CA Lý Đông Sinh, Chủ tịch Mặt trận tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hy, Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Phó tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm, Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Liêu Ninh Lý Văn Hỷ…nhiều quan chức địa phương, lãnh đạo các xí nghiệp, hơn 20 vệ sỹ, thư ký và tài xế.

Mặc dù các tội lỗi chính thức chưa được công bố, nhưng các nguồn tin báo chí Hoa ngữ cho rằng, sắp tới, Chu Vĩnh Khang sẽ bị khép vào các tội sau: âm mưu phát động đảo chính (hợp tác với Bạc Hy Lai âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình để cướp chính quyền); mưu sát (cố ý gây ra vụ tai nạn giao thông để giết hại người vợ đầu là Vương Thục Hoa); tham ô (số tiền 90 tỷ tệ); lạm dụng chức quyền (nhận tiền để giúp tội phạm giết người thoát tội). 

Một nguồn tin nội bộ tiết lộ cho báo chí: cơ quan chức năng (Tổ chuyên án số 2) đã sử dụng lực lượng cảnh sát chữa cháy để bắt Chu Vĩnh Khang thay vì lực lượng Cục 8 (Cục Cảnh vệ Bộ CA) như các vụ khác để phòng bất trắc; Chu Vĩnh Khang hiện đang bị giam giữ trong vòng canh gác nghiêm ngặt tại doanh trại một Sư đoàn bộ binh cơ giới ở Thiên Tân.

Chu Vĩnh Khang và phe nhóm còn bị cho là liên quan đến ít nhất 13 vụ án mạng khác. Trong đó có một vụ nổi tiếng xảy ra năm 2006: Một trùm băng nhóm xã hội đen ở Ninh Hạ câu kết làm ăn với một hãng kinh doanh địa ốc địa phương. Tên này đã bắt cóc một người đàn ông 40 tuổi cố thủ không chịu di dời.

Tên trùm băng nhóm đã tra tấn bằng cách múc từng gáo dầu đang sôi đổ lên đầu nạn nhân cho đến khi ông ta chết bỏng. Vụ việc bại lộ, tên trùm bị bắt và bị kết án tử hình. Thế nhưng, đồng bọn tên này đã thông qua quản gia nhà Chu Vĩnh Khang là Chu Binh, đưa hối lộ Chu 200 triệu tệ, nhờ đó tên trùm thoát tội chết.

Nguồn: tienphong.vn

Xin ý kiến Bộ Chính trị quy hoạch báo chí

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay, quy hoạch báo chí do Bộ chủ trì thực hiện đã được trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Nhân kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2014), Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh và Phó Ban Bùi Thế Đức đã tiếp Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, đến thăm và chúc mừng Ban trưa 31/7, tại Hà Nội.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chúc mừng Ban Tuyên giáo TƯ nhân ngày truyền thống ngành tuyên giáo, hy vọng Ban luôn có những chỉ đạo trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng và với Bộ TT&TT ngày càng chặt chẽ, quan hệ gắn bó hơn.

Thứ trưởng cũng đã thông báo tới lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ về tình hình hoạt động của Bộ hiện nay như việc quy hoạch báo chí đang trình Bộ Chính trị, triển khai sửa đổi luật Báo chí... 

Đề cập sự kiện ảnh hưởng đến VN gần đây là vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của VN, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Tuyên giáo TƯ, Chính phủ, công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh dư luận của báo chí, truyền thông với TQ đã diễn ra đúng đắn, kịp thời, góp phần đấu tranh hiệu quả bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Hồng Nhì - Ảnh: Lê Anh Dũng

VietnamNet

Cục Báo chí quản lý nhà nước cả báo in và báo điện tử

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa ký Quyết định số 984/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Báo chí.

Theo đó, Cục Báo chí thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về báo chí in, báo chí điện tử, bao gồm báo in, báo điện tử, tạp chí in, tạp chí điện tử, đặc san, bản tin thông tấn. Như vậy, kể từ ngày ban hành quyết định này (16/7), mảng báo chí điện tử sẽ được Cục Báo chí quản lý. Nhiệm vụ này trước đây được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử quản lý. 

Cục Báo chí chủ trì nghiên cứu, đề xuất và thực hiện việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn báo chí in, báo chí điện tử để cấp có thẩm quyền phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất các nội dung quan trọng khác liên quan đến quản lý nhà nước về báo chí in, báo chí điện tử, trong đó có vấn đề bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí, hợp tác quốc tế về báo chí in, báo chí điện tử; tham gia bồi dưỡng, phóng viên, biên tập viên…

Cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí gồm các đơn vị: văn phòng, Phòng báo chí Trung ương; Phòng báo chí địa phương, Phòng thanh tra - Pháp chế; 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí, Tạp chí Toàn cảnh và Sự kiện.

Minh Anh

Reuters: Trung Quốc xúi giục ngư dân cướp cá của láng giềng

Theo Reuters, hàng vạn tàu cá Trung Quốc đang được chính phủ trợ cấp và trang bị rất tốt để đánh bắt trái phép ở Biển Đông nhằm nhiều mục đích, cả thương mại thủy sản lẫn mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Reuters cho hay, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái, hơn 50.000 tàu cá nước này đã được lắp đặt hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu nhằm phục vụ cho việc đánh bắt trái phép ở Biển Đông. Hầu hết chi phí lắp đặt là do chính phủ tài trợ.

Với hệ thống trên, khi bị tàu tuần tra của Việt Nam hay Philippines bắt gặp đang đánh bắt trái phép, tàu Trung Quốc có thể liên lạc ngay được với lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2012, với 16 vệ tinh trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều vệ tinh khác đang lên kế hoạch được triển khai, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu được coi là một đối thủ đáng gờm đối với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và Glonass của Nga.

Đội tàu đánh cá của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Theo Reuters, mặc dù không biết thực tế các tàu cá Trung Quốc đã phải dùng hệ thống này để gọi cứu trợ hay chưa, nhưng các ngư dân mà Reuters phỏng vấn đều cho biết họ chưa từng phải gọi cứu trợ.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho hay, tín hiệu cấp cứu sẽ gửi thông điệp thẳng tới giới chức Trung Quốc. Sau đó, Bắc Đẩu sẽ gửi dữ liệu về vị trí chính xác của chiếc tàu. Hệ thống nhắn tin độc đáo của Bắc Đẩu còn cho phép người dùng liên lạc với các ngư dân khác, gia đình và bạn bè của họ.

Hơn nữa, theo Reuters, một số ngư dân Trung Quốc cho biết, các quan chức tỉnh Hải Nam khuyến khích họ đánh bắt trái phép gần quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải Nam tới 1100 km về phía nam.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời một ngư dân khác cho hay, họ được trợ cấp nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Một chiếc tàu cá có động cơ 500 mã lực sẽ được nhận 2000 đến 3000 nhân dân tệ (tương đương 320 tới 480 USD) mỗi ngày.

Anh này nói: “Chính phủ nói với chúng tôi nơi cần đi tới và họ trợ cấp tiền nhiên liệu dựa vào loại động cơ”.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một tuần sau khi vừa nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm bất ngờ đến làng chài Đàm Môn, nơi ông cam kết với các ngư dân rằng chính phủ Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn để bảo vệ họ khi họ đánh bắt trái phép ở những vùng biển tranh chấp.

Reuters cho rằng, Trung Quốc đang hỗ trợ rất lớn cho ngư dân để họ có thể tiến sâu hơn vào vùng Biển Đông, một phần trong kế hoạch thực hiện mưu đồ khẳng định những yêu sách chủ quyền vô lý của nước này.

Tàu đánh cá Trung Quốc đang được hỗ trợ rất tốt để đánh trái phép ở Biển Đông.

Để tạo ra được các lý do hợp lý cho đội tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông, hồi tháng 10/2012, Cục Hải Dương Trung Quốc cho rằng, trữ lượng thủy hải sản ở gần bờ biển Trung Quốc đã bị cạn kiệt.

Đánh bắt trái phép vì thiếu cá ăn?

Theo một số nhà phân tích, những lý giải về hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông thường tập trung vào vai trò chiến lược của vùng biển này. Theo họ, lý do hiếm khi được nhắc tới đó là nguồn hải sản phong phú ở đây. Ví dụ, theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (PAO), lượng thủy hải sản tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc là 35,1 kg, cao gần gấp đôi so với mức bình quân thế giới là 18,9 kg.

Reuters dẫn lời ông Alan Dupont, một giáo sư về an ninh quốc tế từ đại học New South Wales ở Úc cho biết: "Các sản phẩm thủy hải sản đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đây là một lý do mà hầu hết mọi người đều không tính đến khi xem xét (hành động của Trung Quốc) trong các cuộc xung đột và tranh chấp” ở Biển Đông.

“Rõ ràng là đội tàu cá Trung Quốc đang được chính phủ khuyến khích đánh bắt ở các vùng biển tranh chấp...Tôi nghĩ chính phủ đang khuyến khích các tàu cá làm như vậy cả vì lý do địa chính trị và cả vì những lý do kinh tế và thương mại”, ông Alan nói thêm.

Reuters nhận định thêm, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã liên tục phô diễn sức mạnh “cơ bắp” ở Biển Đông.

Hồi cuối năm 2013, Trung Quốc đã điều tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh tới Biển Đông để tham gia các cuộc diễn tập. Tháng 3/2014, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu của Philippines tiếp vận nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng quân tại bãi Cỏ Rong. Nghiêm trọng hơn, hồi đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều hành động gây hấn khác với các nước láng giềng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.

PHẠM KHÁNH (lược dịch)

Infonet

Nhiều tổng biên tập không phải là nhà báo

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí.

Đây cũng là một trong những bất cập trong công tác quản lý báo chí được nêu tại hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí do UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng QH tổ chức ở TP.HCM ngày 28/7.

Quá nhiều văn bản không phù hợp chi phối

Theo Bộ TT&TT, hiện nay hệ thống pháp luật báo chí gồm luật Báo chí năm 1989 đã được bổ sung, sửa đổi năm 1999 cùng 6 nghị định, 7 quyết định, 5 thông tư hướng dẫn.

Song nhìn chung do sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn từ khi luật Báo chí ra đời và sửa đổi đến nay đã bộc lộ nhiều mặt không phù hợp, bất cập với đời sống báo chí. Sự phát triển công nghệ viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ khiến cho luật báo chí hiện hành cũng như những văn bản liên quan không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động báo chí.

Hội nghị tham vấn xây dựng luật Báo chí

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết nêu, có tới 50 văn bản quy phạm pháp luật về báo chí. Với một khối lượng văn bản khổng lồ như vậy song thực tiễn hoạt động báo chí gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy định không được thực hiện. Quyền tiếp cận thông tin của nhà báo gặp nhiều trở ngại. Quy chế người phát ngôn mang tính hình thức và không thực tế. Các quy định mơ hồ như “bí mật công tác”, “không thuộc thẩm quyền” cộng với sợ trách nhiệm nên quy chế này không những không phát huy tác dụng mà còn ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin.

Theo nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, nhiều tổng biên tập báo được bổ nhiệm từ nguồn không liên quan đến báo chí. Trong khi luật quy định người làm báo phải kinh qua 3 năm công tác trong môi trường mới được cấp thẻ. Nhiều địa phương còn cho rằng “thường vụ đã thông qua” xem như là xong.

Nhanh chóng sửa luật Báo chí

Đại biểu QH Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Luật Báo chí rất quan trọng, nhất là trong thời đại thông tin và nâng cao quyền con người, quyền tự do. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh báo chí của ta, có nhiều vấn đề cần định hướng lại và sửa đổi. Luật Báo chí và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta đang là bước lùi so với thế giới, nhiều vấn nạn như “xin phép’, “quy hoạch” đang là sự bất lực về quản lý. Lối tư duy “phải quản cho chặt” thực tế là thảm họa cho báo chí. Vì vậy cần phải có tư duy mới thuận theo sự phát triển của xã hội theo hướng là quản cho có hiệu quả. Hiệu quả quan trọng nhất của báo chí là tác động vào xã hội, công dân như thế nào".

Đại biểu QH Dương Trung Quốc

Tương đồng với ý kiến này, nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định: “Truyền thông xã hội đang phát triển rất kinh khủng dù chúng ta có thừa nhận hay không. Sát bên ta là Lào và TQ trước đây quản lý rất chặt, nay đã mở ra rất thoáng”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá luật Báo chí hiện nay đã trở thành chiếc áo quá chật hẹp, không phù hợp với hoạt động báo chí hiện hành. Vì vậy, việc sửa luật là rất cần thiết và cần nhanh chóng.

 

Việt Nam đã có đủ các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình… với đội ngũ người làm báo tăng nhanh từ 25.000 người năm 2005 lên 40.000 năm 2014, trong đó có 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

 Duy Chiến

Vietnamnet