Làm thế nào để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao?

(ICTPress) - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2013 được tổ chức tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong 2 ngày 17 và 18/4/2013, Liên chi hội (LCH) nhà báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã có bài tham luận “Làm thế nào để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao?”. ICTPress trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài tham luận này.

Tham luận đi sâu vào nội dung: Sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Hội nhà báo Việt Nam thông qua chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm.

Ảnh: nguoiduatinkami.wordpress.com

Với tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ chính trị được giao, hằng năm, Ban Biên tập và LCH nhà báo Báo QĐND chủ động xác định những nội dung tuyên truyền trọng tâm, như tuyên truyền về các sự kiện chính trị lớn của đất nước; các nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng và hoạt động của Lực lượng vũ trang, thực hiện nhiệm vụ Quân sự, Quốc phòng; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống diễn biến hòa bình… để đầu tư tổ chức các vệt, đợt tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Đặc biệt, những năm qua, báo QĐND được trên đánh giá là một trong những cơ quan thông tin đại chúng luôn tích cực, đi đầu trong tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa, chống DBHB... Đây là những lĩnh vực, nội dung được cho là “khô, khó” đối với không ít phóng viên và cơ quan báo chí, nhưng báo QĐND đã và đang làm tốt, có nền nếp, thể hiện qua chất lượng các bài viết và hiệu ứng xã hội. 

Đạt được kết quả trên, một phần do LCH nhà báo báo QĐND đã hướng trọng tâm vào đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm không ngừng đổi các ấn phẩm báo QĐND về nội dung và hình thức và để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao.

LCH đã tham mưu cho Ban Biên tập và trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ về kinh phí của Hội nhà báo Việt Nam thông qua chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, qua đó đã tạo được nhiều vệt đợt tuyên truyền có chất lượng, trọng tâm, trọng điểm, nhất là tuyên truyền về những sự kiện chính trị lớn của đất nước, của Đảng, Quân đội; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống quan điểm sai trái, chống DBHB và các vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm.

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam và nhiệm vụ tuyên truyền chủ yếu trong năm của báo, LCH nhà báo QĐND xác định những nội dung, tuyên truyền trọng tâm cần đầu tư, qua đó hướng dẫn cụ thể và tổ chức cho các phóng viên, nhóm phóng viên đăng ký các đề tài, các vệt đợt tuyên truyền. Trên cơ sở đăng ký của phóng viên, LCH xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện và hỗ trợ về nghiệp vụ cũng như kinh phí.

Thực hiện kế hoạch đã đăng ký, các phóng viên, nhóm phóng viên của báo có điều kiện tổ chức những chuyến đi công tác xa và dài ngày để tìm hiểu, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế; hoặc đi sâu nghiên cứu, điều tra để có những bài báo mang tính phát hiện, phản ánh kịp thời, sâu sắc những thực tế mới nảy sinh trong đời sống xã hội. Sự xuất hiện của những bài báo như vậy góp phần làm giảm sự khô cứng và tính hiếu hỷ trên một số trang báo.

Đặc biệt, việc thực hiện dự án hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đã khích lệ được các phóng viên đi vào những đề tài, lĩnh vực khó như xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, chống DBHB, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, đấu tranh chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội…

Liên chi hội Báo QĐND cũng khuyến khích các hội viên, phóng viên đăng ký và đi vào các thể loại khó như phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận…; tích cực tham gia các chuyên mục khó, có “thương hiệu” trên báo QĐND như chuyên mục “Cùng bàn luận”, “Diễn đàn chủ nhật”, “Sinh hoạt tư tưởng”, “Làm thất bại chiến lược DBHB”…

Năm 2012, thông qua hoạt động hỗ trợ, LCH nhà báo Báo QĐND đã tổ chức và hoàn thành các tác phẩm, đợt tuyên truyền chất lượng cao, như các loạt bài: “Thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị - kinh nghiệm ở Lào Cai”; “Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình”; “Tự do báo chí ở Việt Nam - thực tiễn sinh động”; Làm thất bại diễn biến hòa bình: Từ “lợi ích nhóm” đến “tự diễn biến” ; “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”; “Giải quyết việc làm cho con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng”…

Cùng với thường xuyên trao đổi, phát hiện những vướng mắc, những vấn đề nảy sinh trong công tác chuyên môn và tìm giải pháp tháo gỡ, như: Một chuyên mục nào đó chất lượng đang có xu hướng đi xuống; một mảng tuyên truyền đang cần được đầu tư thêm các cây bút có “sức nặng”…; LCH đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề, trao đổi nghiệp vụ báo chí (trung bình 2-3 cuộc /năm), như tọa đàm về “chống viết nhạt”, “làm thế nào để tin, bài trên báo “nóng” hơn”, tọa đàm về “chống sai sót”, về “tác nghiệp của phóng viên trẻ”… Ví như, xuất phát từ thực tế trên báo QĐND còn một số bài viết thiếu hấp dẫn, thiếu hơi thở cuộc sống, LCH đã tổ chức tọa đàm “chống viết nhạt”, trao đổi thẳng thắn, phân tích thực trạng hiếu hỷ, công thức trong cách thể hiện một số bài báo, qua đó bác bỏ suy nghĩ chưa đúng của một số phóng viên, biên tập viên cho rằng, đã là báo chính trị, hoặc viết về các vấn đề quân sự, quốc phòng, xây dựng Lực lượng vũ trang thì khó tránh khỏi khô khan.

Để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, một hình thức hoạt động hiệu quả là LCH Báo QĐND tổ chức đều đặn, có chất lượng việc xét và trao thưởng “bài hay, ảnh đẹp, trang trình bày tốt” trong từng quý. Tính từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm LCH đã trao thưởng cho khoảng 30 tác phẩm báo chí, với tổng giá trị giá tiền thưởng mỗi năm hơn 50 triệu đồng.

Tuy giá trị vật chất khen thưởng không lớn (hiện nay với bài đạt giải A trong quý, LCH trao thưởng mức 2 triệu đồng) nhưng đã góp phần cùng các hình thức khen thưởng khác của Tòa soạn động viên kịp thời các hội viên, phóng viên xông xáo vào những “điểm nóng”, đến những nơi khó khăn gian khổ, tích cực phát hiện điển hình, cách làm mới, đồng thời tìm tòi, đổi mới cách thể hiện, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, góp phần giảm sự khô cứng, tính hiếu hỉ trên một số trang báo...

Hiệu quả của hình thức sinh hoạt nghiệp vụ này của LCH được thể hiện rõ là phần lớn các tác phẩm được LCH trao giải hằng quý, sau đó đều được Ban biên tập lựa chọn tham dự giải báo chí quốc gia hằng năm. Tính từ năm 2006 đến năm 2011, năm nào Báo QĐND cũng nhận được giải thưởng báo chí quốc gia; 6 năm qua, báo được trao tổng số hơn 20 giải báo chí quốc gia, trong đó có 2 giải A, 5 giải B….

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện công tác hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, Liên chi hội báo QĐND rút ra một số kinh nghiệm và có một số đề xuất như sau:

Kế hoạch hỗ trợ cần được LCH tổ chức thực hiện nghiêm túc; nguồn kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích cho hoạt động nghiệp vụ; chủ yếu và trực tiếp với phóng viên, biên tập viên đăng ký thực hiện các tác phẩm báo chí chất chất lượng cao; không chi cho các việc khác ngoài hoạt động chuyên môn; động viên, khen thưởng kịp thời các tác phẩm, vệt đợt tuyên truyền có chất lượng cao.

LCH tổ chức đánh giá, nghiệm thu các tác phẩm báo chí chất lượng cao nghiêm túc; hoàn chỉnh hồ sơ thanh lý hợp đồng hỗ trợ đúng thời gian, thủ tục quy định. LCH Báo QĐND là một trong các cơ quan báo chí hàng năm được Hội Nhà báo Việt Nam biểu dương về nội dung này.

Chúng tôi mong rằng, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ của Chính phủ thông qua Hội Nhà báo; tăng thêm kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, nhất là với những báo, đài đi đầu, thường xuyên tuyên truyền về các mảng đề tài khó, như đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống diễn biến hòa bình, xây dựng Đảng…, trong khi nguồn thu và quỹ nhuận bút của các báo, đài này còn hạn chế.

Phạm Văn Thủy

Tin nổi bật