Syndicate content

Chuyển động ngành

Anh là nền kinh tế Internet lớn nhất thế giới

Tóm tắt: 

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức tư vấn Boston (BCG), nền kinh tế Internet của Anh trị giá 121 tỷ bảng năm 2010, tức hơn 2.000 bảng/người.

Một nghiên cứu mới cho biết, Internet đóng góp tới 8,3% cho nền kinh tế nước Anh - một tỷ lệ lớn nhất trong nhóm những nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức tư vấn Boston (BCG), nền kinh tế Internet của Anh trị giá 121 tỷ bảng năm 2010, tức hơn 2.000 bảng/người.

Phần đóng góp này của Internet lớn hơn các lĩnh vực khác như y tế, xây dựng hoặc giáo dục.

Anh cũng là nước có nhiều giao dịch bán lẻ trên mạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn. Theo BCG, khoảng 13,5% giao dịch mua bán ở Anh được thực hiện trên Internet trong năm 2010 và dự kiến đạt 23% năm 2016.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng kinh tế Internet của Anh nhìn chung phát triển rất nhanh. Họ dự báo trong năm 2016, kinh tế Internet của Anh sẽ chiếm 11% tổng giá trị nền kinh tế với mức 221 tỷ bảng. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Internet ở Trung Quốc dự báo là 6,9%, ở Mỹ là 5,4%.

Ngoài kinh tế Internet, nghiên cứu của BCG cũng cho thấy người Anh ngày càng yêu Internet. 78% người được hỏi cho biết thà bỏ cà phê 1 năm còn hơn bỏ Internet. Con số này với sôcôla là 76%, với rượu là 65%, với tình dục là 25%.

Thùy Dương

(Theo TTXVN)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

FPT và Viettel sẽ lập liên minh phần mềm

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Liên minh sẽ hoạt động theo mô hình "clustering" - tập hợp liên kết các doanh nghiệp có liên quan về lĩnh vực sản xuất kinh doanh thành một nhóm.

(ICTPress) - FPT vừa cho biết, trong năm 2012, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) sẽ thành lập liên minh doanh nghiệp đầu tiên với trụ cột là 2 doanh nghiệp "đầu đàn" trong ngành là FPT Software và Viettel Software.

Liên minh sẽ hoạt động theo mô hình "clustering" - tập hợp liên kết các doanh nghiệp có liên quan về lĩnh vực sản xuất kinh doanh thành một nhóm.

Theo đó, các doanh nghiệp trong Vinasa sẽ liên kết lại, khi các doanh nghiệp lớn giành được những hợp đồng lớn thì hợp tác, chia sẻ công việc với các doanh nghiệp nhỏ trong Hiệp hội.

Mô hình này sẽ có tác dụng tăng cường năng lực của mỗi doanh nghiệp, nâng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời làm tăng tính khả thi của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu khảo sát nhanh của Vinasa, năm 2011, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước bị sụt giảm mạnh doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán cho các hợp đồng đã thực hiện.

Điểm sáng của ngành là khu vực gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ vẫn có kết quả kinh doanh tốt, có doanh nghiệp tăng tưởng đến 100%. Đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm về tiềm năng phát triển thị trường năm 2012 cũng rất khả quan.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là không chỉ lạm phát và chi phí vốn vay tăng cao mà đặc biệt là chi phí nhân lực ngày càng bị đẩy lên cao do hiện tượng các doanh nghiệp tranh giành nhân lực của nhau mỗi khi khi có dự án lớn.

Đây là thực trạng không lành mạnh, khiến chi phí bị đẩy lên cao và làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành, hay như một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là "cuộc đua cùng chết" mà các doanh nghiệp vẫn phải khởi đua.

Theo các doanh nghiệp, mô hình liên kết clustering sẽ tránh được tình trạng tranh giành nhân lực trong ngành và tăng cường quan hệ cộng sinh, cùng vượt qua những khó khăn đã được dự báo trước trong năm nay.

Lê Nguyên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Trung Quốc sẽ thống trị thế kỉ 21 nhờ công nghệ?

Tóm tắt: 

Không phải mọi thứ đều được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng trong bất cứ sản phẩm công nghệ nào, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy một vài chi tiết "Made in China".

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là nơi cung cấp hầu hết các sản phẩm công nghệ cao cho thế giới. Không phải mọi thứ đều được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng trong bất cứ sản phẩm công nghệ nào, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy một vài chi tiết "Made in China".

Và đó có thể là lý do để nhiều người tin rằng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc giống như Anh đã thống trị thế giới trong suốt thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã chứng tỏ quyền bá suốt thế kỷ 20?

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã có những động thái bày tỏ tham vọng khá "lộ liễu" như bỏ ra ngót 40 tỷ USD cho Thế vận hội Olympics Bắc Kinh, 45 tỷ USD cho Triển lãm quốc tế Shanghai Expo hay gửi phi hành gia Trung Quốc đầu tiên vào vũ trụ. Trung Quốc cũng đồng thời phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của mình trên quy mô mà không một quốc gia nào dám nghĩ tới.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ hoàn thành thêm 50 sân bay mới vào năm 2016, một trong số đó – Sân bay Bắc Kinh Đại Hưng – có diện tích tương đương với vùng tam giác quỷ Bermuda. Rất nhiều những dự án khổng lồ khác như tòa tháp Thượng Hải cao thứ hai thế giới với 128 tầng, dự án năng lượng gió lớn nhất thế giới, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới qua vịnh Hàng Châu hay tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới Hàng Châu – Thượng Hải.

Trung Quốc cũng đã hoàn thành công trình khét tiếng đập Tam Hiệp, nhiều khả năng đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, công trình đòi hỏi di dời 1,24 triệu dân, tương đương với toàn bộ số dân của thành phố Dallas của Mỹ.

Nguồn lực con người

Trung Quốc chưa bao giờ khan hiếm nguồn lực con người, theo số liệu công bố hồi tháng 4 năm 2010, dân số đã tăng lên 1,34 tỷ người, hơn hẳn dân số Hoa Kỳ 1 tỷ người. Mặc dù tỉ lệ sinh được thắt chặt ở mức rất thấp kể từ khi Trung Quốc ban hành chính sách "một con" vào năm 1978, hiện nay Trung Quốc vẫn chiếm tới 1/5 dân số thế giới.

Hàng triệu công nhân trẻ của Trung Quốc hiện nay đang được thuê để sản xuất ra những chiếc laptop, iPhone, iPad, iPod và MacBook cho Apple, những chiếc điện thoại di động như Nokia, Sony, Nintendo hay các loại máy Android cho các hãng danh tiếng hay các thiết bị chơi game cho Microsoft và rất nhiều các loại linh kiện, phụ kiện công nghệ cao khác.

Tất cả những điều đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cho Trung Quốc, GDP tăng xấp xỉ 10% mỗi năm trong suốt 30 năm qua. Kể cả trong thời kỳ khủng hoảng của năm 2009, GDP nước này vẫn tăng ngất ngưởng ở mức 9,2% trong khi Mỹ chỉ đạt 2,7%. Các nước trong khối euro còn tồi tệ hơn, thậm chí khu vực này giờ còn đang phải cầu cứu sự giúp đỡ, viện trợ từ Trung Quốc.

Trong lúc này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng nâng cao mức sống trung bình lên, trong đó bao gồm cả việc tăng mức lương cơ bản. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã có thay đổi trong định hướng trọng tâm phát triển từ việc chú trọng phát triển một nền kinh tế sản xuất, cung cấp sang một nền kinh tế sản xuất tiêu thụ. Chính phủ Trung Quốc cho rằng họ cần sớm chiếm lại trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với sức mua dồi dào ngay tại quốc gia mình: Mọi công nhân đều mong muốn được sở hữu những sản phẩm mà trước đây họ chỉ làm cho một mục đích chính: Xuất khẩu.

Với quy mô dân số khổng lồ, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành thị trường tiêu thụ các loại máy vi tính, điện thoại, ô tô và có số lượng thuê bao internet lớn nhất thế giới.

"Người Trung Quốc luôn có ý thức phải tích lũy tiền, chi tiêu tiết kiệm, nhưng khi tiền kiếm được nhiều hơn, sức mua sẽ tăng lên nhanh chóng. Đó là một tất yếu" - Milko van Vuijil - nguyên Giám đốc điều hành mảng máy tính (PC) của tập đoàn IBM ở Trung Quốc nay đã trở thành Phó chủ tịch Tập đoàn Lenovo, nói.

Lộ "tử huyệt"

Nhưng Trung Quốc có ít nhất hai điểm yếu trong việc phát triển các doanh nghiệp điện tử - công nghệ. Thứ nhất, hầu hết các sản phẩm công nghệ này được sản xuất bởi các hãng điện tử Đài Loan và Nhật Bản đóng tại Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào.

Thứ hai, chỉ có rất rất ít thương hiệu của Trung Quốc có thể trụ vững được trong cuộc chơi khốc liệt trên trường quốc tế. Trung Quốc có thể là một quốc gia sản xuất khổng lồ nhưng lợi nhuận lại rất nhỏ bé. Họ hoàn toàn không thể chạm được vào những món hời béo bở có được do thiết kế độc đáo hay sở hữu những nhãn hàng cao cấp, sang trọng.

The Economist đã làm một phép minh họa chi tiết dựa trên phép tính chi phí sản xuất của một chiếc iPhone (số liệu được cung cấp bởi iSuppli). Theo đó, giá thành sản xuất của một chiếc iPhone là 178 USD và giá bán trung bình là 560 USD. Apple hưởng 368 USD, trong khi Foxconn chỉ kiếm được 7 USD cho mỗi chiếc iPhone được làm tại nhà máy Foxconn Thâm Quyến. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Foxconn phải vật lộn để kiếm tiền còn Apple ung dung thu về một khoản bộn lên tới 80 tỷ USD.

Để "khá lên được", Trung Quốc cần nhanh chóng xóa bỏ cái mác gắn liền với hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng

Tóm lại, Trung Quốc chỉ có thể phát triển vượt lên được nếu như những công ty của Trung Quốc có thể sản xuất những siêu phẩm của chính mình để hấp dẫn thế giới chứ không phải chỉ đơn giản là đi "làm mướn cho kẻ khác".

Để thay đổi được điều này không phải dễ nhưng trong lịch sử, người Nhật đã làm được. Trong quá khứ, đã có giai đoạn hàng hóa của Nhật luôn bị coi là loại hàng nhái kém chất lượng. Phải đến những năm 1970 – 1980, Nhật Bản đã có bước cải tiến đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín cho các thương hiệu của mình.

Khoảng thời gian này Nhật Bản đã gầy dựng thành công một loạt các thương hiệu tiếng tăm hàng đầu thế giới như Sony, Honda, Toyota, Yamaha, Panasonic, Nikon, Canon... Bài học này đã được các công ty Đài Loan vận dụng triệt để và đạt được thành công như HTC và Asus, họ đã chăm chỉ làm việc để vượt lên khẳng định mình, trong khi các công ty Trung Quốc vẫn lơ đãng ở phía sau.

Từ một góc nhìn khác có thể thấy Trung Quốc đã có một hố sâu ngăn cách với nền thương mại quốc tế từ thời Cách mạng văn hóa. Khi nền kinh tế mở cửa lại, các doanh nghiệp phương Tây vẫn rất dè dặt trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Họ thích giao thương gián tiếp với Trung Quốc thông qua những hãng trung gian của Singapore, Hong Kong và Đài Loan hơn là làm ăn trực tiếp với quốc gia này.

Thay vì xây dựng một nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất một triệu chiếc laptop trong một tháng, người ta có thể đặt hàng chúng từ các hãng sản xuất của Đài Loan như Foxconn, Compal, Quanta, Wistron hay Pegatron. Việc đó giúp cho các công ty Đài Loan phát triển kỹ năng thiết kế của mình nhưng Trung Quốc thì vẫn mãi chỉ là nơi cung cấp địa điểm và nhân công giá rẻ.

Không may cho Trung Quốc, mức sống và chi phí lao động của nước này đang ngày càng tăng cao, tình trạng phát triển không đồng đều, quá tập trung ở ven khu vực ven biển là Bắc Kinh và Thượng Hải càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng.

Theo một bản báo cáo của IMF, Trung Quốc đang là quốc gia có mức chi cao thứ 3 trong khu vực các nước "Châu Á mới nổi" cho các khoản tiền lương và phúc lợi xã hội bắt buộc. Theo đó, Malaysia là nước đắt đỏ nhất (5.824 USD), Thái Lan (2.415 USD), Trung Quốc (2.250 USD) và Phillipines (2246 USD) những những quốc gia kể trên có vẻ hấp dẫn nhà đầu tư hơn Trung Quốc.

Giá nhân công đang tăng cao khiến lợi thế của Trung Quốc bị sụt giảm nhanh chóng.

Giả dụ như chúng ta có hàng triệu lao động như Foxconn và khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ tới việc di dời đến những vùng lao động hấp dẫn hơn như Việt Nam (1.152 USD), Indonesia (1.059 USD) hay Ấn Độ (942 USD).

Tuy nhiên, Foxconn và các công ty đa quốc gia khác nhanh chóng nắm bắt "chiến lược phát triển về phía Tây" của Đảng cộng sản Trung Quốc, họ đã di chuyển các nhà máy vào sâu trong nội địa nơi có nguồn đất đai và mức sống thấp hơn.

Hơn nữa, các công ty đa quốc gia có thể mở nhà máy của họ ở bất cứ nơi đâu, Foxconn cũng đã có các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ, Slovakia, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Mexico và Brazil.

Jamie Popkin, một nhà phân tích đồng thời đã từng gắn bó, am hiểu rất sâu về khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, cho biết những ngành công nghiệp nhẹ, nơi mà chi phí nhân công chiếm vai trò rất quan trọng như dệt may, da giày nay đã chuyển lãnh địa hoạt động đến các khu vực như Việt Nam, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, ông cho rằng những khoản đầu tư lớn của chính phủ Trung Quốc dành cho năng lượng xanh, viễn thông, đường truyền băng thông rộng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay, cầu cảng sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ cho rất nhiều ngành công nghiệp bao gồm cả công nghệ thông tin. "Nhưng với điều kiện, công nghiệp phải thật sự là công nghiệp", ông nói thêm.

Thêm một lý do khác để ở lại Trung Quốc là nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Điều đó dễ dàng cho các tập đoàn đa quốc gia hơn rất nhiều so với các công ty nhỏ của Trung Quốc đang chật vật để vươn lên.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều lạc quan về triển vọng của Trung Quốc. Tỷ lệ sinh thấp có nghĩa là ngày càng ít thanh niên đang bước vào tuổi lao động, trong khi số lượng người già, hưu trí ngày càng tăng báo hiệu sự kết thúc của nguồn lợi từ "cổ tức nhân khẩu học".

Tăng trưởng đang chậm lại từ hai chữ số xuống còn 7-8% một năm và tiền lương đang tăng nhanh hơn GDP. Gánh nặng xã hội sẽ càng tăng thêm khi một số lương lớn lao động thủ công không có tay nghề sẽ bị thất nghiệp, nhường lại công việc của mình cho máy móc với chi phí thấp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của đồng Euro, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hay những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác. Nếu phương Tây có thể không còn giữ được sức mua rộng rãi như trước kia, bong bóng xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị vỡ.

Trung Quốc hiện là một phần quan trọng của nền kinh tế của thế giới và dù họ có trở thành một siêu cường hay không, những gì xảy ra với Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả phần còn lại của thế giới.

Nguyễn Hoàng

(Theo Infonet)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Yahoo! đang lụi tàn

Tóm tắt: 

Giới công nghệ đều biết vừa rồi Yahoo! khởi kiện Facebook với cớ mạng xã hội này vi phạm một loạt bản quyền sáng chế công nghệ. Đằng sau vụ kiện này cho thấy những tín hiệu gã khổng lồ Yahoo! đang trên đường lụi tàn.

Giới công nghệ đều biết vừa rồi Yahoo! khởi kiện Facebook với cớ mạng xã hội này vi phạm một loạt bản quyền sáng chế công nghệ. Đằng sau vụ kiện này cho thấy những tín hiệu gã khổng lồ Yahoo! đang trên đường lụi tàn.

Hôm 13-3, một cựu nhân viên Yahoo!, thú nhận qua một bài viết trên Wired, rằng anh vô cùng hối hận vì đã đứng tên 4 bằng sáng chế trong danh sách này và cũng vô cùng thất vọng trước việc Yahoo! kiện Facebook. Tại sao lại thế? Câu trả lời thực sự rằng vụ kiện này là một nước cờ chơi bẩn từ Yahoo! khi gã khổng lồ từng một thời tung hoành mạng internet này đang trên đường lụi tàn.

"Con quỷ bản quyền"

Hệ thống luật pháp về bản quyền tại Mỹ cho phép các nhà sáng chế đăng ký các phát minh của cá nhân, từ sản phẩm đến công nghệ. Tính chất của hệ thống này là để bảo vệ bản quyền sáng chế, nhưng thực chất có nhiều kẽ hở dễ bị lợi dụng. Những kẽ hở đó đã và đang được sử dụng như một vũ khí bẩn bởi các công ty nắm giữ bản quyền.

Nguyên nhân là vì quy định xác nhận một bản quyền phát minh rất lỏng lẻo, chỉ đơn giản yêu cầu một bản mô tả chung chung phương thức hoạt động, tính chất của phát minh, cùng một vài mẫu thử nghiệm hoạt động dựa trên phát minh này. Thế nên bất kỳ các công ty nào tại Thung lũng Silicon cũng đua nhau đăng ký bản quyền, như một cách "tàng trữ vũ khí" cho một cuộc "chiến tranh lạnh". Các "vũ khí bẩn" này cho phép các công ty này có thể kiện đối thủ của mình và nhờ đó có thể kìm hãm sự phát triển cũng như điều khiển thị trường, giữ vững vị trí độc quyền của mình.

Điều này là vô cùng tai hại cho thị trường Mỹ, khi mà các công ty nhỏ mới ra đời không thể ngóc đầu lên được bởi sự "đàn áp bản quyền" từ các công ty lớn, vốn có thế mạnh về tài chính và thế lực luật pháp để có thể đưa các công ty nhỏ ra tòa.

Tệ hơn nữa, có những công ty mà cách hoạt động cũng như tìm kiếm lợi nhuận chính xoay quanh các vụ kiện bản quyền sáng chế. Giới công nghệ gọi các công ty này là "Patent troll" hay tạm dịch là những "con quỷ bản quyền". Các công ty này liên tục tìm cách đăng ký các bản quyền sáng chế vu vơ, chờ xem có công ty nào khác có thể đã sử dụng các bản quyền này và khởi kiện họ.

Nếu thắng kiện, "con quỷ bản quyền" kiếm ăn rất lớn nhờ tiền bồi thường từ kẻ thua kiện. Và nếu thua, công ty kia cũng sẽ phải chịu thiệt rất nhiều vì phải theo đuổi quá trình kiện tụng rất tốn kém nên thường thì các công ty này đành phải thỏa thuận một khoản tiền trả cho các "con quỷ bản quyền" bên ngoài tòa án để họ không tiếp tục kiện. Các hoạt động này chẳng khác gì một cách tống tiền hợp pháp, giết chết khả năng sáng tạo và ủng hộ các trò tấn công bẩn.

Hãy quay lại với Yahoo!

Năm 2005, Yahoo! mua lại một công ty nhỏ với trang web mang tên Upcoming.org. Yahoo! nhờ người sáng lập Upcoming.org - Andy Baio thống kê tất cả phát kiến của mình trong quá trình thành lập công ty này để đăng ký bản quyền. Yahoo! lấy cớ là để phòng chống lại các "con quỷ bản quyền".

Thế là Andy Baio không mảy may nghi ngờ, mô tả lại các ý tưởng của mình để các luật sư ghi lại và đăng ký thành những bằng sáng chế mập mờ về giá trị. Các bản quyền này không rõ ràng đến nỗi một trong những bản quyền mà Andy Baio đứng tên, có thể cho phép Yahoo! kiện không chỉ tính năng News Feed của Facebook mà còn kiện được bất kỳ ai ứng dụng công nghệ đăng tải tin Feed. Trớ trêu thay các bằng sáng chế này lại được sử dụng để tấn công một công ty khác là Facebook.

Yahoo! thậm chí còn tuyên bố họ sẵn sàng thương lượng để chuyển nhượng bản quyền cho Facebook, chẳng khác gì công khai tuyên bố đang tìm cách tống tiền mạng xã hội này. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của công ty này, thậm chí còn đưa ra một cái nhìn bi quan về tương lai của Yahoo!, một công ty từng một thời sánh ngang vai với Google và Microsoft về tiềm năng phát triển và khả năng sáng tạo.

Thế tại sao Yahoo! lại phải thực hiện một nước cờ hạ sách đến thế? Điều đầu tiên có thể rút ra từ động thái này là Yahoo! đang cần tiền, dù là tiền bẩn. Yahoo! đang vướng phải rất nhiều khó khăn từ trong nội bộ công ty, chủ yếu đến từ bộ phận quản lý, lẫn tài chính. Khi Carol Bartz bị buộc rời khỏi vị trí giám đốc điều hành (CEO) của Yahoo! vào tháng 9-2011, tiếp theo sau đó là một đợt cắt giảm nhân sự lớn vào ngay trước dịp Giáng sinh, Yahoo! đã chìm vào giai đoạn bối rối.

Lúc đó có tin đồn Yahoo! sẽ bị mua lại bởi AOL, sau đó lại là Microsoft. Những tin tức luẩn quẩn làm nhiều người đặt câu hỏi cho số phận của Yahoo!. Bộ phận quản lý của Yahoo! không tìm được cách vực lại nguồn sinh lợi của công ty sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thậm chí còn có tin đồn công ty này sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán để giao hẳn cho các nhà đầu tư tư nhân. Tháng 1-2012, Scott Thompson chính thức lên làm CEO cho Yahoo!.

Với kinh nghiệm hoạt động cho Paypal, hy vọng Thompson sẽ đổi mới được công ty này. Nhưng lúc này Jerry Yang - nhà đồng sáng lập Yahoo! - lại rời khỏi ghế CEO trong ban quản trị của công ty, phủi tay hoàn toàn với các công việc tại Yahoo!. Lúc đó, người ta ví Yahoo! như một thây ma vật vờ giữa sự sống và cái chết. Khi người ta đang mong chờ Scott Thompson sẽ thực hiện được những điều thần kỳ để hồi sinh Yahoo! thì bất ngờ thay Yahoo! lại khởi kiện Facebook, như một giải pháp trong tình thế cấp bách để cứu lấy một ít lợi nhuận - dù là tiền bẩn cho công ty.

Vật vờ thêm vài năm nữa

Mặc dù nói Yahoo! đang trên đường tàn tạ là thế, mặc dù giá cổ phiếu của Yahoo! đang tụt dốc không phanh nhưng không có nghĩa là công ty này sẽ chết đi một cách nhanh chóng. Vì dù sao chăng nữa, Yahoo! vẫn còn là một gã khổng lồ, nắm trong tay hàng loạt cổng thông tin mạng và dịch vụ lớn như Flickr và một thị phần khổng lồ ở khu vực Trung Đông, châu Á.

Có thể Yahoo! sẽ vật vờ thêm vài năm nữa và chúng ta sẽ phải chứng kiến sự lụi tàn của gã khổng lồ một thời này hoặc ai đó vẫn còn tỉnh táo trong ban quản trị của công ty này sẽ tìm ra một giải pháp thật sự thần kỳ để vực dậy công ty này.

Hoài Xuân

(Theo Lao động)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Năm 2015: Máy tính bảng Android sẽ vượt iPad?

Tóm tắt: 

Không thể phủ nhận được vị trí ngôi đầu trên thị trường máy tính bảng của Apple trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo, trong 3 - 4 năm tới, máy tính bảng Android sẽ chiếm ngôi vị này.

Không thể phủ nhận được vị trí ngôi đầu trên thị trường máy tính bảng của Apple trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo, trong 3 - 4 năm tới, máy tính bảng Android sẽ chiếm ngôi vị này.

Trên thị trường máy tính bảng hiện nay, có thể khẳng định, chưa có sản phẩm nào được xem là đối thủ "đáng gờm" của iPad. Kể từ khi có mặt trên thị trường, iPad vẫn luôn là thiết bị được "mong muốn" nhất của đông đảo người dùng toàn cầu.

"Trong 3 - 4 năm tới, Apple vẫn thống trị thị trường máy tính bảng với số lượng bán ra không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, với việc phát triển máy tính giá rẻ sử dụng hệ điều hành Android của Google, chắc chắn, vị trí đầu bảng của Apple sẽ không còn vững chắc", ông Tom Mainelli, chuyên gia phân tích tại IDC cho biết.

"Chúng tôi dự đoán, đến hết năm 2016, số lượng máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android sẽ vượt qua số lượng iPad được bán trên thị trường toàn cầu", ông Tom Mainelli nhận định.

Để giải thích cho việc đưa ra những dự báo trên, ông Tom Mainelli cho biết, trong thời gian qua, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã cho ra mắt những thiết bị máy tính bảng thấp hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 499 USD của chiếc iPad như Kindle Fire màn hình 7 inch được bán với giá 199 USD, một số dòng máy tính bảng sử dụng hệ điều hanh Android dự kiến sẽ có giá từ 120 USD.

Trong một thông báo mới đây, IDC cho biết, thị trường máy tính bảng thực sự là "miền đất hứa" đối với các hãng công nghệ, ước tính, trong năm 2012, sẽ có khoảng 106 triệu thiết bị máy tính bảng được bán ra, cao hơn so với mức dự báo gần 88 triệu chiếc trước đó.

LH

(Theo VTV/Softpedia)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Viettel triển khai ứng dụng quản lý cho 5.000 trường học trên toàn quốc

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Viettel vừa cho biết, sau khi thử nghiệm thành công tại gần 1.000 trường học tại TP. HCM, Tập đoàn này đang triển khai diện rộng Hệ thống phần mềm Quản lý Trường học (SMAS) tới 5.000 trường trên toàn quốc.

(ICTPress) - Viettel vừa cho biết, sau khi thử nghiệm thành công tại gần 1.000 trường học tại TP. HCM, Tập đoàn này đang triển khai diện rộng Hệ thống phần mềm Quản lý Trường học (SMAS) tới 5.000 trường trên toàn quốc.

Hiện chi nhánh Viettel tại các tỉnh, thành phố đang gấp rút tổ chức các đợt đào tạo, tập huấn để ứng dụng phần mềm này ngay trong năm học 2011-2012. Theo Viettel, số trường học tham gia triển khai ứng dụng này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong tháng 3-4/2012.

SMAS là giải pháp quản lý giáo dục toàn diện được triển khai miễn phí tới các cơ quan quản lý giáo dục, trường học, cơ sở giáo dục. Trên cơ sở bài toán đầu vào từ Sở và các trường học, phần mềm hiện có 139 tính năng nhằm tạo cầu nối thông tin thông suốt từ cấp quản lý đến nhà trường và gia đình.

Viettel cho biết, sau khi hoàn thành việc triển khai trên toàn quốc, dự kiến trong giai đoạn 2012-2013, Tập đoàn này sẽ bắt tay vào xây dựng ứng dụng trực tuyến trên Internet, gồm: thư viện điện tử, giáo án - bài giảng điện tử, phát triển sách điện tử (ebook) ... Song song với đó là việc quy hoạch hệ thống mạng nội bộ ngành giáo dục nhằm phát triển các hình thức dạy học, tự học và các nguồn tài nguyên hỗ trợ giáo dục trên toàn hệ thống.

Các tính năng chính của hệ thống SMAS:

Quản lý giảng dạy, quản lý hồ sơ, quản lý các kỳ thi và điều hành của Sở GD&ĐT được thuận lợi; hỗ trợ giáo viên trong việc quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; giúp phụ huynh nắm được các thông tin về học tập (điểm thi, điểm danh) của con em mình. Phần mềm tích hợp một số công cụ SMS, web,... làm kênh thông báo, liên lạc giữa Sở, Phòng GD&ĐT, phụ huynh, học sinh.

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Máy ảnh Samsung, Panasonic đều sẽ chạy Android

Tóm tắt: 

Sau smartphone và máy tính bảng, các nhà sản xuất phần cứng tiếp tục thử nghiệm đưa nền tảng Android lên hàng loạt thiết bị mới như máy ảnh, thậm chí là đồng hồ thông minh.

Sau smartphone và máy tính bảng, các nhà sản xuất phần cứng tiếp tục thử nghiệm đưa nền tảng Android lên hàng loạt thiết bị mới như máy ảnh, thậm chí là đồng hồ thông minh.

Theo một số nguồn tin khác nhau, cả hai đại gia điện tử là Panasonic và Samsung đều đang nghiên cứu sử dụng Android làm hệ điều hành cho những dòng camera sắp phát hành.

TechRadar là nơi nổ phát súng đầu tiên khi dẫn lời một đại diện của Panasonic UK rằng hãng này có thể sẽ bày bán máy ảnh số Android, tuy nhiên sẽ tiến hành "một cách thận trọng, bởi nếu mở cửa nền tảng cho bên thứ ba thì cũng khó kiểm soát chính sách bảo hành".

Mối lo lắng chính của Panasonic là khả năng tương thích của các ứng dụng với những công nghệ và ống kính khác nhau được trang bị cho máy ảnh. Không có gì đảm bảo là những ứng dụng mà người dùng tải về máy sẽ "hợp tác tốt" với phần cứng và phần mềm sẵn có trong máy ảnh.

Trong khi đó, trang Engadget lại đến thăm đại bản doanh của Samsung tại Hàn Quốc và có cuộc phỏng vấn cùng nhóm Nghiên cứu & Phát triển. Cũng giống như Panasonic, Samsung cũng đang thử thăm dò ý tưởng trang bị Android cho máy ảnh số, mặc dù vậy, họ không bình luận về việc một thiết bị như vậy có thể lên kệ trong năm nay hay không.

Liệu việc Samsung đăng ký sở hữu nhãn hiệu Galaxy Camera tại Mỹ hồi tháng trước có phải là một manh mối? Bởi lẽ cái tên Galaxy vốn gắn liền với dòng smartphone ăn khách của hãng, nên khi gắn nó với một dòng máy ảnh, người ta dễ dàng suy luận rằng có thể máy ảnh đó cũng dùng hệ điều hành Android.

Và nếu nhớ lại Triển lãm CES 2012 vừa qua, Polaroid cũng đã công bố một dòng máy ảnh số thông minh với độ phân giải lên tới 16 megapixel, kết nối Wi-Fi/3G và chạy trên nền Android.

Y Lam

(Theo VietNamNet)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

NXB Khoa học & Kỹ thuật: Internet thách thức mạnh mẽ hoạt động xuất bản

Tóm tắt: 

Hàng năm NXB KH&KT xuất bản trên 400 đầu sách, trong đó có 8 đến 10 từ điển các loại. Tuy nhiên, hoạt động của đơn vị này, cũng như ngành xuất bản nói chung, đang đứng trước nhiều khó khăn.

Hàng năm NXB KH&KT xuất bản trên 400 đầu sách, trong đó có 8 đến 10 từ điển các loại. Tuy nhiên, hoạt động của đơn vị này, cũng như ngành xuất bản nói chung, đang đứng trước nhiều khó khăn.

NXB KH&KT vốn được chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước năm 1993 và trở lại mô hình đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ từ 7/2010.

Khẳng định những nỗ lực của NXB KH&KT trong việc xuất bản các cuốn sách chất lượng cao, lưu lại cho các thế hệ người đọc và phục vụ đông đảo công chúng với số lượng lớn, nhưng ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Giám đốc NXB Khoa học & Kỹ thuật, cũng bày tỏ lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Thiết bị số và Internet đang thay đổi thói quen đọc sách. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân là do sự thay đổi thói quen đọc sách của độc giả. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào sách, báo và các hình thức in ấn khác, đến nay, người đọc đã mạnh mẽ chuyển sang các thiết bị số, với sự hỗ trợ của một "kênh" phát hành mới là Internet.

Nhận định về thị trường xuất bản, Thứ trưởng Trần Văn Tùng của Bộ KH&CN, trong phát biểu tại Hội nghị cộng tác viên về công tác xuất bản ngày 15/3 do NXB KH&KT chủ trì, cho rằng, "tôi không nghĩ chúng ta đã hết hoàn toàn người đọc những trang giấy này. Mặc dù phương tiện điện tử bây giờ rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn có khả năng truyền tải đến người đọc bằng hình thức đọc trên sách. Rất nhiều người còn đang giữ thói quen đó".

Để đáp ứng những thay đổi của thị hiếu thị trường, bên cạnh phương thức xuất bản truyền thống trên sách in, chủ trương xuất bản sách điện tử cũng đã được NXB KH&KT thông qua và đầu tư triển khai. Tuy nhiên tới nay phương thức này chưa chính thức trở thành kênh xuất bản mới của đơn vị.

(Theo Tia sáng)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

Quảng Ninh phủ sóng Wi-Fi tại Hạ Long và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh

Tóm tắt: 

(ICTPress) - Sau giai đoạn này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai hàng trăm điểm phát sóng Wi-Fi để đến năm 2015 sẽ phủ sóng toàn bộ 14 huyện trực thuộc.

(ICTPress) - Quảng Ninh đang khảo sát lắp đặt 30 trạm Wi-Fi miễn phí tại Hạ Long và tới năm 2015 sẽ mở rộng triển khai trên toàn tỉnh.

Trao đổi với ICTPress, ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết, 30 trạm nói trên là bước khởi đầu và dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 15/4 để kịp phục vụ cho Tuần lễ Du lịch Hạ Long 2012 sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 tới đây.

Trước mắt, du khách và người dân địa phương có thể sử dụng Wi-Fi tại các điểm du lịch, các khu vực trung tâm thành phố, những địa điểm có khách sạn lớn, một số khu lưu trú tàu trên biển... Tiếp đó, Internet Wi-Fi sẽ được phủ sóng rộng rãi trên toàn TP. Hạ Long.

Sau giai đoạn này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai hàng trăm điểm phát sóng Wi-Fi với dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ sóng toàn bộ 14 huyện trực thuộc.

Ông Hồng cho biết, đây là kết quả của việc hợp tác giữa UBND Tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Một số khu lưu trú tàu trên biển cũng sẽ được phủ sóng Wi-Fi. Ảnh minh họa.

Theo một nguồn tin khác cho hay, để triển khai dự án này, Quảng Ninh từng "đặt lên bàn cân" hai đối tác là VNPT và Viettel. Sau khi phân tích, phương án của VNPT đã được chọn với đánh giá là có nhiều ưu thế vượt trội như đầu tư quy mô hơn, tính bảo mật cao hơn, tính cước rõ ràng hơn, và có nhiều dịch vụ khuyến mãi hơn,...

Trước đó, huyện Cô Tô của tỉnh này cũng chọn VNPT để triển khai lắp đặt 20 trạm phát sóng Wi-Fi nhằm phủ sóng trên toàn huyện đảo. Một dự án khác có quy mô lớn hơn tại Hội An cũng do Công ty Điện toán và Truyền số liệu - VDC (thuộc VNPT) triển khai.

Chuyển động mới này cho thấy, sau khi triển khai mạnh hạ tầng mạng 3G, các doanh nghiệp viễn thông đang tìm hướng mới để cung cấp Internet băng rộng không dây tới người dùng.

Một đại diện của VNPT cho biết, mô hình hợp tác cung cấp Wi-Fi miễn phí trên đây sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều thành phố du lịch khác như Vũng Tàu, Phan Thiết,...

Minh Anh

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành

“Cái chết của S-Fone không đến từ công nghệ!”

Tóm tắt: 

"Đổ lỗi cho công nghệ thì dễ lắm, nhưng công nghệ không biết nói. Đổ lỗi cho thiết bị cũng vô lý. Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Phi người ta làm được, vậy tại sao Việt Nam mình không làm được?"

Nhiều người hiện "đổ lỗi" cho sự suy tàn của S-Fone là công nghệ CDMA đã không còn thích hợp tại Việt Nam, đặc biệt là sự hạn chế về thiết bị đầu cuối đã không thể so được với sự phong phú, đa dạng của thiết bị dùng mạng GSM.

Một nguyên nhân cơ bản khác được viện dẫn là những hạn chế và sai lầm của mô hình hoạt động theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC).

Nhưng nay, Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) - đơn vị sở hữu mạng di động S-Fone, đã thực hiện chuyển đổi sang hình thức liên doanh từ cuối năm 2010, vì thế được chủ động tự do lựa chọn mô hình chiến lược kinh doanh và công nghệ của mình.

Một câu hỏi đang được đặt ra, liệu S-Fone có nên "khai tử" công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ hiện đại hơn cho phù hợp với thời cuộc?

Ông Hoàng Ngọc Diệp, người nguyên là Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, đã có nhiều năm làm tư vấn về công nghệ cho ngành viễn thông, cho rằng "cái chết" của S-Fone, nếu xảy ra, sẽ không đến từ công nghệ, mà là từ quản trị.

"Đổ lỗi cho công nghệ thì dễ lắm, nhưng công nghệ không biết nói. Đổ lỗi cho thiết bị cũng vô lý. Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Phi người ta làm được, vậy tại sao Việt Nam mình không làm được?", ông Diệp đặt câu hỏi.

Liệu S-Fone có nên “khai tử” công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ hiện đại hơn cho phù hợp với thời cuộc? Ảnh minh họa.

Theo ông Diệp, S-Fone nên tìm ra căn nguyên của sự thất bại và quyết tâm thay đổi nó. Ông cho rằng, hướng khai thác phát triển hiện nay và trong tương lai gần của S-Fone là rất khó khăn, khi vấn đề không nằm ở đối tác đầu tư mà là tầm nhìn, chiến lược kinh doanh và quản lý của đội ngũ lãnh đạo.

Ông phân tích, kể cả khi S-Fone chuyển sang công nghệ HSPA (3G) như các mạng lớn hiện nay thì vẫn không thể "đấu" lại được với Viettel, MobiFone hay VinaPhone. Ngay như Hutchison Telecom - một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới, với tiềm lực tài chính và công nghệ rất mạnh - đầu tư vào Vietnamobile (trước đó cũng thực hiện chuyển từ công nghệ CDMA sang GSM) mà vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Diệp, hướng đi của S-Fone lúc này không phải đơn giản là sự chuyển đổi về công nghệ, mà phải có đội ngũ lãnh đạo với tầm nhìn và những chiến lược kinh doanh tạo được những sự khác biệt để chiếm lĩnh các thị phần mà các đơn vị cạnh tranh khác chưa chiếm lĩnh.

Thứ hai là có nguồn vốn rất mạnh để thực hiện những sự khác biệt đó.

Một trong những lối thoát cho S-Fone, theo ông Diệp, là tập trung vào nhu cầu đặc thù của các tổ chức doanh nghiệp, vào nhu cầu kết nối giữa thiết bị đến thiết bị (M2M)... lĩnh vực mà các nhà mạng khác chưa phát triển nhiều.

Trả lời về việc lựa chọn công nghệ cho tương lai của S-Fone, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc Điều hành Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom cho rằng, việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như thị trường, gồm nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, sự phát triển của công nghệ đó trên thị trường khu vực và thế giới, giá thành cho sản phẩm đầu cuối...

"Tuy nhiên, chắc chắn việc định hướng về công nghệ sẽ được các bên liên quan cùng cân nhắc bởi băng tần 850 Mhz (băng tần hiện S-Fone đang sử dụng - PV) là băng tần có rất nhiều lợi thế xét về mặt công nghệ, có thể triển khai hầu hết các công nghệ thông tin di động, từ CDMA đến WCDMA/HPSA+, kể cả LTE. Ngoài ra, xét về hiệu quả đầu tư, với băng tần này, S-Fone sẽ cần ít trạm hơn nhiều để phủ sóng một vùng tương tự so với một mạng di động hoạt động trên các băng tần khác", ông Thịnh cho biết.

Mạnh Chung

(Theo TBKTVN)

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyển động ngành