Trung Quốc sẽ thống trị thế kỉ 21 nhờ công nghệ?
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là nơi cung cấp hầu hết các sản phẩm công nghệ cao cho thế giới. Không phải mọi thứ đều được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng trong bất cứ sản phẩm công nghệ nào, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy một vài chi tiết "Made in China".
Và đó có thể là lý do để nhiều người tin rằng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc giống như Anh đã thống trị thế giới trong suốt thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã chứng tỏ quyền bá suốt thế kỷ 20?
Về phần mình, Trung Quốc cũng đã có những động thái bày tỏ tham vọng khá "lộ liễu" như bỏ ra ngót 40 tỷ USD cho Thế vận hội Olympics Bắc Kinh, 45 tỷ USD cho Triển lãm quốc tế Shanghai Expo hay gửi phi hành gia Trung Quốc đầu tiên vào vũ trụ. Trung Quốc cũng đồng thời phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của mình trên quy mô mà không một quốc gia nào dám nghĩ tới.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ hoàn thành thêm 50 sân bay mới vào năm 2016, một trong số đó – Sân bay Bắc Kinh Đại Hưng – có diện tích tương đương với vùng tam giác quỷ Bermuda. Rất nhiều những dự án khổng lồ khác như tòa tháp Thượng Hải cao thứ hai thế giới với 128 tầng, dự án năng lượng gió lớn nhất thế giới, cây cầu vượt biển dài nhất thế giới qua vịnh Hàng Châu hay tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới Hàng Châu – Thượng Hải.
Trung Quốc cũng đã hoàn thành công trình khét tiếng đập Tam Hiệp, nhiều khả năng đây sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, công trình đòi hỏi di dời 1,24 triệu dân, tương đương với toàn bộ số dân của thành phố Dallas của Mỹ.
Nguồn lực con người
Trung Quốc chưa bao giờ khan hiếm nguồn lực con người, theo số liệu công bố hồi tháng 4 năm 2010, dân số đã tăng lên 1,34 tỷ người, hơn hẳn dân số Hoa Kỳ 1 tỷ người. Mặc dù tỉ lệ sinh được thắt chặt ở mức rất thấp kể từ khi Trung Quốc ban hành chính sách "một con" vào năm 1978, hiện nay Trung Quốc vẫn chiếm tới 1/5 dân số thế giới.
Hàng triệu công nhân trẻ của Trung Quốc hiện nay đang được thuê để sản xuất ra những chiếc laptop, iPhone, iPad, iPod và MacBook cho Apple, những chiếc điện thoại di động như Nokia, Sony, Nintendo hay các loại máy Android cho các hãng danh tiếng hay các thiết bị chơi game cho Microsoft và rất nhiều các loại linh kiện, phụ kiện công nghệ cao khác.
Tất cả những điều đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cho Trung Quốc, GDP tăng xấp xỉ 10% mỗi năm trong suốt 30 năm qua. Kể cả trong thời kỳ khủng hoảng của năm 2009, GDP nước này vẫn tăng ngất ngưởng ở mức 9,2% trong khi Mỹ chỉ đạt 2,7%. Các nước trong khối euro còn tồi tệ hơn, thậm chí khu vực này giờ còn đang phải cầu cứu sự giúp đỡ, viện trợ từ Trung Quốc.
Trong lúc này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng nâng cao mức sống trung bình lên, trong đó bao gồm cả việc tăng mức lương cơ bản. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc đã có thay đổi trong định hướng trọng tâm phát triển từ việc chú trọng phát triển một nền kinh tế sản xuất, cung cấp sang một nền kinh tế sản xuất tiêu thụ. Chính phủ Trung Quốc cho rằng họ cần sớm chiếm lại trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với sức mua dồi dào ngay tại quốc gia mình: Mọi công nhân đều mong muốn được sở hữu những sản phẩm mà trước đây họ chỉ làm cho một mục đích chính: Xuất khẩu.
Với quy mô dân số khổng lồ, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành thị trường tiêu thụ các loại máy vi tính, điện thoại, ô tô và có số lượng thuê bao internet lớn nhất thế giới.
"Người Trung Quốc luôn có ý thức phải tích lũy tiền, chi tiêu tiết kiệm, nhưng khi tiền kiếm được nhiều hơn, sức mua sẽ tăng lên nhanh chóng. Đó là một tất yếu" - Milko van Vuijil - nguyên Giám đốc điều hành mảng máy tính (PC) của tập đoàn IBM ở Trung Quốc nay đã trở thành Phó chủ tịch Tập đoàn Lenovo, nói.
Lộ "tử huyệt"
Nhưng Trung Quốc có ít nhất hai điểm yếu trong việc phát triển các doanh nghiệp điện tử - công nghệ. Thứ nhất, hầu hết các sản phẩm công nghệ này được sản xuất bởi các hãng điện tử Đài Loan và Nhật Bản đóng tại Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào.
Thứ hai, chỉ có rất rất ít thương hiệu của Trung Quốc có thể trụ vững được trong cuộc chơi khốc liệt trên trường quốc tế. Trung Quốc có thể là một quốc gia sản xuất khổng lồ nhưng lợi nhuận lại rất nhỏ bé. Họ hoàn toàn không thể chạm được vào những món hời béo bở có được do thiết kế độc đáo hay sở hữu những nhãn hàng cao cấp, sang trọng.
The Economist đã làm một phép minh họa chi tiết dựa trên phép tính chi phí sản xuất của một chiếc iPhone (số liệu được cung cấp bởi iSuppli). Theo đó, giá thành sản xuất của một chiếc iPhone là 178 USD và giá bán trung bình là 560 USD. Apple hưởng 368 USD, trong khi Foxconn chỉ kiếm được 7 USD cho mỗi chiếc iPhone được làm tại nhà máy Foxconn Thâm Quyến. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Foxconn phải vật lộn để kiếm tiền còn Apple ung dung thu về một khoản bộn lên tới 80 tỷ USD.
Để "khá lên được", Trung Quốc cần nhanh chóng xóa bỏ cái mác gắn liền với hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng |
Tóm lại, Trung Quốc chỉ có thể phát triển vượt lên được nếu như những công ty của Trung Quốc có thể sản xuất những siêu phẩm của chính mình để hấp dẫn thế giới chứ không phải chỉ đơn giản là đi "làm mướn cho kẻ khác".
Để thay đổi được điều này không phải dễ nhưng trong lịch sử, người Nhật đã làm được. Trong quá khứ, đã có giai đoạn hàng hóa của Nhật luôn bị coi là loại hàng nhái kém chất lượng. Phải đến những năm 1970 – 1980, Nhật Bản đã có bước cải tiến đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín cho các thương hiệu của mình.
Khoảng thời gian này Nhật Bản đã gầy dựng thành công một loạt các thương hiệu tiếng tăm hàng đầu thế giới như Sony, Honda, Toyota, Yamaha, Panasonic, Nikon, Canon... Bài học này đã được các công ty Đài Loan vận dụng triệt để và đạt được thành công như HTC và Asus, họ đã chăm chỉ làm việc để vượt lên khẳng định mình, trong khi các công ty Trung Quốc vẫn lơ đãng ở phía sau.
Từ một góc nhìn khác có thể thấy Trung Quốc đã có một hố sâu ngăn cách với nền thương mại quốc tế từ thời Cách mạng văn hóa. Khi nền kinh tế mở cửa lại, các doanh nghiệp phương Tây vẫn rất dè dặt trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Họ thích giao thương gián tiếp với Trung Quốc thông qua những hãng trung gian của Singapore, Hong Kong và Đài Loan hơn là làm ăn trực tiếp với quốc gia này.
Thay vì xây dựng một nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất một triệu chiếc laptop trong một tháng, người ta có thể đặt hàng chúng từ các hãng sản xuất của Đài Loan như Foxconn, Compal, Quanta, Wistron hay Pegatron. Việc đó giúp cho các công ty Đài Loan phát triển kỹ năng thiết kế của mình nhưng Trung Quốc thì vẫn mãi chỉ là nơi cung cấp địa điểm và nhân công giá rẻ.
Không may cho Trung Quốc, mức sống và chi phí lao động của nước này đang ngày càng tăng cao, tình trạng phát triển không đồng đều, quá tập trung ở ven khu vực ven biển là Bắc Kinh và Thượng Hải càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng.
Theo một bản báo cáo của IMF, Trung Quốc đang là quốc gia có mức chi cao thứ 3 trong khu vực các nước "Châu Á mới nổi" cho các khoản tiền lương và phúc lợi xã hội bắt buộc. Theo đó, Malaysia là nước đắt đỏ nhất (5.824 USD), Thái Lan (2.415 USD), Trung Quốc (2.250 USD) và Phillipines (2246 USD) những những quốc gia kể trên có vẻ hấp dẫn nhà đầu tư hơn Trung Quốc.
Giá nhân công đang tăng cao khiến lợi thế của Trung Quốc bị sụt giảm nhanh chóng. |
Giả dụ như chúng ta có hàng triệu lao động như Foxconn và khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, chúng ta chắc chắn sẽ nghĩ tới việc di dời đến những vùng lao động hấp dẫn hơn như Việt Nam (1.152 USD), Indonesia (1.059 USD) hay Ấn Độ (942 USD).
Tuy nhiên, Foxconn và các công ty đa quốc gia khác nhanh chóng nắm bắt "chiến lược phát triển về phía Tây" của Đảng cộng sản Trung Quốc, họ đã di chuyển các nhà máy vào sâu trong nội địa nơi có nguồn đất đai và mức sống thấp hơn.
Hơn nữa, các công ty đa quốc gia có thể mở nhà máy của họ ở bất cứ nơi đâu, Foxconn cũng đã có các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ, Slovakia, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Mexico và Brazil.
Jamie Popkin, một nhà phân tích đồng thời đã từng gắn bó, am hiểu rất sâu về khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, cho biết những ngành công nghiệp nhẹ, nơi mà chi phí nhân công chiếm vai trò rất quan trọng như dệt may, da giày nay đã chuyển lãnh địa hoạt động đến các khu vực như Việt Nam, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, ông cho rằng những khoản đầu tư lớn của chính phủ Trung Quốc dành cho năng lượng xanh, viễn thông, đường truyền băng thông rộng và cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay, cầu cảng sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ cho rất nhiều ngành công nghiệp bao gồm cả công nghệ thông tin. "Nhưng với điều kiện, công nghiệp phải thật sự là công nghiệp", ông nói thêm.
Thêm một lý do khác để ở lại Trung Quốc là nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa. Điều đó dễ dàng cho các tập đoàn đa quốc gia hơn rất nhiều so với các công ty nhỏ của Trung Quốc đang chật vật để vươn lên.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều lạc quan về triển vọng của Trung Quốc. Tỷ lệ sinh thấp có nghĩa là ngày càng ít thanh niên đang bước vào tuổi lao động, trong khi số lượng người già, hưu trí ngày càng tăng báo hiệu sự kết thúc của nguồn lợi từ "cổ tức nhân khẩu học".
Tăng trưởng đang chậm lại từ hai chữ số xuống còn 7-8% một năm và tiền lương đang tăng nhanh hơn GDP. Gánh nặng xã hội sẽ càng tăng thêm khi một số lương lớn lao động thủ công không có tay nghề sẽ bị thất nghiệp, nhường lại công việc của mình cho máy móc với chi phí thấp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của đồng Euro, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hay những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác. Nếu phương Tây có thể không còn giữ được sức mua rộng rãi như trước kia, bong bóng xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị vỡ.
Trung Quốc hiện là một phần quan trọng của nền kinh tế của thế giới và dù họ có trở thành một siêu cường hay không, những gì xảy ra với Trung Quốc trong thập kỷ tới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả phần còn lại của thế giới.
Nguyễn Hoàng
(Theo Infonet)