Việt Nam sẽ triển khai 5G cùng với thế giới

Trong không khí cả nước đang thi đua phấn đấu chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9), ngày 24/08/2018, Bộ TTTT tổ chức Buổi gặp mặt cán bộ hưu trí và cán bộ ATK nhân dịp kỷ niệm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8) và  ngành TTTT (28/08).

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Phan Tâm, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TTTT, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự buổi gặp mặt. 

Tại buổi Lễ gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các đơn vị đã thông tin tình hình phát triển 6 lĩnh vực do Ngành quản lý gồm Bưu chính, Viễn thông - Tần số Vô tuyến điện, CNTT, An toàn thông tin, Báo chí, Xuất bản.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ hưu trí

Cho biết thêm về sự phát triển của lĩnh vực Bưu chính, bà Vũ Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết Bưu chính trong thời gian qua đã phát triển vượt bậc. Thị trường bưu chính hiện có 441 doanh nghiệp (DN) hoạt động. Doanh thu đã có lãi. Năm 2018, doanh thu của lĩnh vực đạt 900 triệu USD và dự kiến năm 2019 phấn đấu đạt 1 tỷ USD.

Trong thời gian hiện nay, cũng như giai đoạn tới đây 2021 - 2030, Bưu chính sẽ phát triển mạnh khi tham gia sâu vào cải cách hành chính và TMĐT.

Về lĩnh vực Viễn thông, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết để tăng cạnh tranh, Bộ đã triền khai Đề án chuyển mạng giữ nguyên số MNP. Viễn thông cũng đã được phép cung cấp dịch vụ thanh toán online cho phép thanh toán không dùng tiền mặt và không qua ngân hàng. Với sự phát triển 4G, 5G, Cục Tần số VTĐ được giao thực hiện nghiên cứu cung cấp băng tần cho 4G, 5G và xem xét ảnh hưởng của công nghệ mới.

Về lĩnh vực ứng dụng CNTT, ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá cho biết đơn vị này đang xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT 2.0) để thúc đẩy triển khai CPĐT tại Việt Nam. Cục Tin học hoá cũng đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số. Trên cơ sở chuyển đổi số, hạ tầng số, an ninh mạng, đào tạo nhân lực, thúc đẩy DN phát triển, hoàn thiện thể chế cần được thực hiện và trọng tâm là ra chính sách sandbox.

Thông tin về lĩnh vực an toàn an ninh mạng, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT cho biết không gian mạng ngày nay được coi là môi trường chiến lược thứ 5 mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn chiếm lĩnh. Vấn đề quan trọng nhất của lĩnh vực là nguồn nhân lực, trong thời gian qua, an toàn an ninh mạng đã được công nhận là chuyên ngành đào tạo và hàng năm đã đào tạo  được 2000 nhân lực. Việt Nam cũng có những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này.

Việt Nam hiện có gần 70 DN làm an toàn, an ninh mạng, trong đó có DN có tới 200 – 400 nhân sự làm chuyên môn. Đã có DN bán sản phẩm ra thế giới.

Việt Nam phấn đấu lấy mốc năm 2030 đưa lĩnh vực an toàn an ninh mạng phát triển lên một bước. An toàn, an ninh mạng như là cái “phanh” để yên tâm chuyển đổi số quốc gia và phát triển.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Bộ TTTT đang đẩy mạnh quản lý thông tin qua biên giới. Quản lý mạng xã hội là khó khăn nhất, nhưng giờ đã có những tín hiệu tốt với sự hợp tác tích cực của Facebook, Apple…

Thông tin về lĩnh vực Xuất bản, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết sẽ thúc đẩy phát triển sách điện tử, tái khởi động Quỹ đầu tư cho xuất bản và có những đầu tư căn cơ hơn cho ngành này.

Đại diện Cục Báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng cho biết hiện có 868 cơ quan báo chí được cấp phép và có 42.000 nhân sự làm báo. Doanh thu của lĩnh vực này năm 2018 khoảng 16.000 tỷ đồng, lĩnh vực phát thanh truyền hình khoảng 11.000 tỷ đồng. Sự phát triển của khoa học công nghệ cũng gây sức ép cho sự phát triển của báo chí. Hiện nay, Bộ đang tập trung triển khai Quy hoạch báo chí.

 Lan Phương/ictvietnam.vn
Tin nổi bật