Syndicate content

Chuyển động ngành

Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 được kết nối trực tuyến tới tuyến xã/phường trên cả nước

Trong bối cảnh nhiều tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội, lần đầu tiên, Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9 được tổ chức trực tuyến vào 9h ngày 01/9/2021 với điểm cầu chính tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) và kết nối tới 195 điểm cầu trong nước và quốc tế.

VNPT hoàn thành kết nối các điểm cầu tại tỉnh Bình Phước

Theo Tập đoàn VNPT, trong 2 ngày vừa qua, đơn vị này đã hoàn thành việc kết nối hội nghị truyền hình trực tuyến để phục vụ Lễ kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh 2/9.

Được Văn phòng Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ Lễ kỷ niệm trọng đại này, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, VNPT đã khẩn trương tập trung nguồn lực, nhanh chóng phối hợp với các đơn vị trực thuộc VPCP, Bộ TT&TT để triển khai các phương án kỹ thuật nhằm kết nối hạ tầng hội nghị truyền hình trực tuyến từ Phòng họp chính tầng 2, trụ sở VPCP tới 195 điểm cầu đặt tại trụ sở cơ quan đại diện các Đoàn ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam trong nước và nước ngoài.

VNPT triển khai kết nối tại điểm cầu VPCP

Cùng với đó, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 29/8 về việc triển khai kết nối ngay hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, cũng trong 2 ngày 30 - 31/8, Tập đoàn VNPT đã tập trung nguồn lực để triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến với 1.660 điểm cầu tại xã/phường thuộc 14 tỉnh/thành phố phía Nam gồm: Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai, Tiền Giang, Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Long An.

Tính đến thời điểm này, 100% số xã/phường của 14 tỉnh/thành phố trên có hệ thống hội nghị trực tuyến được kết nối với Trung ương, sẵn sàng đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ Chính phủ xuống tuyến xã/phường - những "pháo đài" trọng yếu trong cuộc chiến chống COVID-19./.

Theo ictvietnam.vn

Học sinh Việt giành giải Ba cuộc thi viết thư quốc tế về chủ đề Covid-19

Bức thư gửi cho em bé gái được sinh ra trong tâm dịch của em Đào Anh Thư, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã xuất sắc giành giải Ba, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50.

Quang cảnh buổi Lễ trao giải tại UPU

Thông tin được Văn phòng quốc tế Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) thông báo tại phiên toàn thể bế mạc Đại hội Liên minh Bưu chính lần thứ 27 tại Abidjan (Bờ Biển Ngà) tối ngày 27/8/2021.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 có chủ đề: "Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19" (Tiếng Anh: Write a letter to a family member about your experience of the Covid-19 pandemic).

Em Đào Anh Thư, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội

Chủ nhân của bức thư đoạt giải Ba quốc tế, em Đào Anh Thư, đã lựa chọn ý tưởng em bé được sinh ra ngay trong khu cách ly của bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khi mẹ đang điều trị Covid. Bức thư là lời thủ thỉ kể chuyện của người chị với cô em gái bé bỏng vừa được sinh ra trong đại dịch với lời văn chân thành, xúc động. Từ những lời tâm tình của người chị, những khó khăn, vất vả cũng như sự đóng góp, hy sinh của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại Việt Nam hiện lên một cách chân thực và rõ nét, ánh lên sự tự hào về những gì quốc gia đã và đang làm được để vượt lên thách thức của đại dịch Covid-19.

Với thông điệp rõ ràng, cách trình bày logic, hợp lý ghi lại những trải nghiệm thực tế, bức thư đã mang về cho Việt Nam một trong ba giải cao nhất của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50, nối dài thành tích của quốc gia trong năm thứ 33 tham gia. Đây là lần thứ 16, học sinh Việt Nam đạt giải quốc tế tại cuộc thi này. Trước đó, bức thư của em Đào Anh Thư đã đạt giải Nhất cuộc thi viết thư UPU quốc gia. Cuộc thi do Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức.

Giải Nhất quốc tế thuộc về em Nubaysha Islam (nữ, 14 tuổi) đến từ Bangladesh với bức thư xúc động gửi cho em gái, kể về sự khó khăn mà gia đình mình đang phải đối mặt trong đại dịch và động viên cô em gái bé nhỏ không bao giờ được đánh mất niềm tin, hy vọng dù trong hoàn cảnh tồi tệ nhất.

Lễ trao giải được truyền trực tuyến

Giải Nhì quốc tế trao tặng cho bức thư gửi đến bà ngoại của em Bruno Ivanovski (nam, 14 tuổi) đến từ North Macedonia, kể về tâm trạng và nỗi nhớ bà da diết trong suốt thời gian gần 1 năm trời không được gặp bà do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, UPU cũng trao 05 giải Khuyến khích cho các em học sinh đến từ Belarus, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Libi.

Cuộc thi viết thư quốc tế được UPU tổ chức từ năm 1971 dành cho thanh thiếu niên từ 9-15 tuổi trên toàn thế giới với các chủ đề khác nhau về môi trường, xã hội, các vấn đề nóng trong cuộc sống,... Đây là lần thứ 33 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam. Trong hơn 30 năm tham gia, Việt Nam đã đạt được 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 6 giải Ba và 5 giải Khuyến khích./.

Theo ictivietnam.vn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi thư chúc mừng các thế hệ CBCCVC và người lao động ngành TT&TT

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (28/8/1945 - 28/8/2021), đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã có Thư chúc mừng gửi các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

THƯ CHÚC MỪNG

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2021

 Kính gửi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông!

Nước Việt Nam mới của chúng ta ra đời từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông khởi nguồn từ ngày 28/8/1945, là ngày Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Chính phủ của nước Việt Nam mới, gắn với sự ra đời của 13 bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền và Bộ Giao thông Công chính là cội nguồn cơ bản của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay.

Lịch sử ra đời và phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông nằm trọn trong lịch sử vinh quang đấu tranh giành độc lập dân tộc, đổi mới và phát triển đất nước. Ngành ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào lịch sử cách mạng hào hùng suốt quá trình liên tục 76 năm qua.

Thành tựu đó khích lệ lòng tự hào của các thế hệ tiếp nối. Nhưng, thành tựu đó cũng là thách thức lớn đối với trách nhiệm và bổn phận của các thế hệ tiếp nối.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ số đang đặt lên vai Bộ Thông tin và Truyền thông sứ mệnh lớn lao dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia.

Đại hội XIII của Đảng đã khởi tạo con đường phát triển đi qua 3 mốc: năm 2025, năm 2030 và năm 2045, để đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào thời điểm nước Việt Nam mới tròn 100 năm vào năm 2045, trên cơ sở động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bất kỳ quốc gia nào đã “hoá rồng, hoá hổ” đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia đó có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Đại hội XIII của Đảng lần đầu nói đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, của truyền thông Việt Nam là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt Nam, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước.

Thách thức lớn trước mắt là vượt qua đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn toàn thế giới, gây ra vô vàn khó khăn, vất vả cho đời sống toàn dân, trong đó có ngành Thông tin và Truyền thông. Hơn lúc nào hết, chúng ta có bổn phận chia sẻ cùng nhau, giữ gìn đoàn kết, tương thân, tương ái như trong một gia đình, chăm lo chia sẻ đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để Ngành ta luôn là một dòng chảy liên tục, không trở lực nào ngăn cản được.

Gần hai năm qua, toàn Ngành ta lăn xả vào mặt trận chống dịch với tất cả con người và nguồn lực. Cả hai lĩnh vực Truyền thông và Công nghệ của Ngành đã chủ động tham gia và đứng ở những vị trí quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch.

COVID-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển số một tháng bằng nhiều năm. Phát triển số, kinh tế số và xã hội số sẽ làm cho nền kinh tế và xã hội có sức chống chịu cao hơn. Sức chống chịu cao sẽ là đặc trưng căn bản của các quốc gia trong sự phát triển tiếp theo. Toàn cầu hoá có thể sẽ kéo theo các bệnh dịch toàn cầu và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt bằng khả năng chống chịu cao nhất.

Thế giới hậu COVID-19 sẽ là thế giới phát triển xanh và phát triển số, vì tiêu tốn ít tài nguyên vật chất nhất. Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển xanh và phát triển số. Đổi mới sáng tạo cũng chủ yếu là trong lĩnh vực xanh và số. Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ XXI.

Khó khăn, thách thức lớn sẽ tạo ra thay đổi lớn. Lịch sử vinh quang của Ngành ta đã soi sáng chân lý đó. Công nghệ tạo ra sự phát triển, tuyên truyền tạo ra sức mạnh tinh thần. Đó là đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.

Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Ngành, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông. Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy tinh thần 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành để vượt qua mọi khó khăn trên đường đi tới.

Nhân dịp này, tôi chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông các thời kỳ, cùng gia đình luôn được an vui, mạnh khoẻ, hạnh phúc, vượt qua đại dịch COVID-19, tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Trân trọng và Tri ân!.

Nguyễn Mạnh Hùng 

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Bưu điện cung cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh tại nhà

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tại nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg hiện vẫn còn rất nhiều học sinh chưa có sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập… để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của NXB Giáo dục biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: nhandan.com.vn)

Để đảm bảo học sinh các cấp có đầy đủ SGK, đồ dùng, trang thiết bị học tập cần thiết, phụ huynh và học sinh yên tâm ở nhà phòng chống dịch, từ ngày 26/8, bưu điện các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã tổ chức dịch vụ phát SGK, đồ dùng học tập tại nhà cho học sinh.

Theo đó, bưu điện tỉnh, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà trường tạo đường link để các giáo viên chủ nhiệm gửi đến từng phụ huynh đăng ký nhận sách, đồ dùng học tập tại nhà. Căn cứ danh sách của giáo viên chủ nhiệm, bưu điện sẽ lấy hàng tại các địa điểm do nhà trường cung cấp để tạo đơn, chuyển phát nhanh chóng, an toàn tới từng gia đình học sinh. 

Việc chuyển phát sách giáo khoa, đồ dùng học tập sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn của dịch vụ phát hàng điện tử, thời gian chuyển phát là trong ngày.

Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể chủ động lựa chọn các loại sách giáo khoa, đồ dùng học tập trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ngay sau khi nhận được đơn đặt hàng, các bưu điện tỉnh, thành phố sẽ nhanh chóng chuyển phát đầy đủ các mặt hàng đến tận địa chỉ phụ huynh học sinh đăng ký.

Đối với các khu vực đang thực hiện cách ly hoặc hạn chế đi lại, trước khi giao hàng, nhân viên bưu điện sẽ liên lạc với phụ huynh học sinh để thống nhất cách giao hàng.

Nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập trước khi phát sẽ được nhân viên bưu điện khử khuẩn. Quá trình phát hàng được thực hiện nghiêm túc theo các quy định về phòng chống dịch của ngành Y tế và địa phương. Đối với các khu vực đang thực hiện cách ly hoặc hạn chế đi lại, trước khi giao hàng, nhân viên bưu điện sẽ liên lạc với phụ huynh học sinh để thống nhất cách giao hàng, nhằm đảm bảo an toàn và giao tận tay người nhận./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Bưu điện Việt Nam chung sức, đồng lòng chống đại dịch Covid-19

Ngay sau khi Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước tiếp tục siết chặt thực hiện giãn cách, Bưu điện Việt Nam đã đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, nhằm đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, vận chuyển hàng hóa và trả kết quả thủ tục hành chính.

Bưu điện Hà Nội duy trì mở cửa 100% điểm phục vụ tiếp nhận các dịch vụ thiết yếu, trả kết quả thủ tục hành chính

Hiện tại trên địa bàn Thành phố có 297 điểm bán hàng bình ổn giá và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân kể từ khi Hà Nội bắt đầu giãn cách ngày 26/7. Tính đến nay, thông qua các điểm bán hàng, Bưu điện Hà Nội đã cung cấp hơn 4.000 tấn hàng hóa đến tay người dân thông qua 3 hình thức là bán hàng trực tiếp, qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn (landing Hanoi.postmart.vn) và qua đường dây nóng. Trong đó lượng đơn đặt hàng qua đường dây nóng 2 tuần trở lại đây tăng 15% so với trước, khi người dân thủ đô hạn chế hơn trong việc ra đường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, Bưu điện Thành phố đã có những trao đổi với các nhà cung cấp uy tín để lên kế hoạch dự trữ số lượng hàng hóa lớn và thực hiện việc phủ thêm từ 15-20% lượng hàng hóa tại các điểm bán thuộc Bưu cục và Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX).

Để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, một số BĐVHX tại Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai công tác bán hàng trực tiếp qua các nền tảng ứng dụng công nghệ số (livestream) và bước đầu đã được người dân đón nhận. Trung bình mỗi buổi livestream, có từ 60 - 100 người theo dõi và bán được từ 15 - 20 đơn hàng bao gồm lương thực, nhu yếu phẩm và cả bảo hiểm sức khỏe của Bưu điện Việt Nam (BĐVN).

Ngoài việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, Bưu điện Hà Nội tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản đặc trưng vùng miền như nhãn lồng Hưng Yên, na Chi Lăng, na Quảng Ninh và sắp tới là bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh, sầu riêng Đắk Lắk. Tính đến thời điểm này, Bưu điện Hà Nội đã tiêu thụ hơn 27 tấn nông sản và trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bưu cục và BĐVHX rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng nông sản thực phẩm của người dân để có kế hoạch phân phối, đảm bảo nhu cầu, hạn chế việc đi lại và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bưu điện Hà Nội đã xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, bố trí nhân sự, tăng cường các phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân ở cả các dịch vụ bưu chính lẫn hàng thiết yếu.

Bưu điện thành phố Hà Nội duy trì mở cửa 100% điểm phục vụ để tiếp nhận các dịch vụ thiết yếu, như nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua đường bưu điện; chuyển phát hàng hóa thông thường. Lượng bưu gửi, hàng hóa, tài liệu, đặc biệt là thẻ căn cước công dân và hồ sơ THPT của học sinh gửi qua đường bưu điện đang tăng mạnh, Bưu điện thành phố cũng đã tăng cường thêm nhân sự tại các khu vực khai thác, tăng thời gian phát hàng của bưu tá để chuyển phát đến địa chỉ khách hàng nhanh chóng, kịp thời.

Bưu điện tỉnh Bến Tre trao 50 tấn gạo tại Bến Tre

Tại Bến Tre, Bưu điện tỉnh vừa trao 50 tấn gạo trong chương trình "Hạt vàng Bưu điện" cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) để kịp thời phát cho những người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bưu điện tỉnh Bến Tre trao 50 tấn gạo cho Ủy ban MTTQ tỉnh

"Hạt vàng Bưu điện" là chương trình thiện nguyện của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) với 820 tấn gạo đã đang đến với những người dân yếu thế trên địa bàn các tỉnh miền Nam trong những ngày vừa qua. Tại tỉnh Bến Tre, có khoảng gần 17.000 người dân được nhận gạo từ chương trình tương đương 3 kg/túi/người. Bưu điện tỉnh cùng với Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre lập danh sách những người yếu thế tại địa bàn TP. Bến Tre và 8 huyện thuộc tỉnh để nhanh chóng phân bổ số gạo đến tay người dân.

Đại diện của Ủy ban MTTQ chia sẻ: "Ủy ban MTTQ sẽ có trách nhiệm phân bổ các phần quà đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng mục đích. Thông qua sự hỗ trợ, hy vọng chúng ta sẽ phát huy mạnh mẽ sức mạnh của tinh thần đoàn kết của toàn xã hội để từ đó mau chóng đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân".

Không chỉ kịp thời động viên chia sẻ những khó khăn với người dân trên địa bàn tỉnh, Bưu điện tỉnh Bến Tre cũng đã nhanh chóng mở những điểm bán hàng bình ổn giá và các mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con ngay từ những ngày đầu tiên Thành phố thực hiện chỉ thị giãn cách.

Đến thời điểm này, 136 điểm bán hàng bình ổn giá của Bưu điện tỉnh đã cung cấp cho người dân gần 1.100 tấn hàng hóa các loại thông qua 3 hình thức bán hàng trực tiếp, qua sàn TMĐT Postmart.vn và dịch vụ đặt hàng qua đường dây nóng. Đặc biệt, từ khi tỉnh thực hiện giãn cách lần thứ 3, số lượng người dân đặt hàng qua đường dây nóng đã tăng hơn 200% so với những ngày trước đó.

Trước những lo ngại về dịch bệnh, người dân trên địa bàn tỉnh đã hạn chế ra đường đến mức tối đa nhằm đảo bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân trên địa bàn về dịch vụ đặt hàng qua đường dây nóng. Giờ đây người dân chỉ cần gọi điện đến bưu cục gần nhất để đặt các mặt hàng lương thực phẩm như gạo, mỳ gói, trứng, gia vị, nước mắm, dầu ăn… Những đơn hàng này sẽ được Bưu điện đóng gói và cam kết giao hàng trong 2-4 tiếng sau khi đặt hàng trong giờ hành chính.

Chị Lê Minh Châu, ngụ tại khu phố 5 phường An Hội cho biết: "Đặt hàng qua Bưu điện giờ rất tiện. Tuần nào tôi cũng đặt một vài đơn hàng và nhanh chóng được bưu tá giao đến tận nhà. Bưu tá để hàng ở trước cửa và chờ tôi ra nhận xong mới về. Tôi thấy cách làm này rất hay, đảm bảo an toàn cho cả người giao lẫn người nhận. Những mặt hàng này có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng hơn nữa giá cả không tăng so với trước nên bản thân chị cũng như mấy bác hàng xóm trong khu rất yên tâm khi đặt hàng qua Bưu điện trong những ngày này".

Bưu điện tỉnh Đồng Nai chung tay cùng bà con nông dân tiêu thụ nông sản

Hơn 300kg các loại rau củ quả đã được Bưu điện tỉnh Đồng Nai hỗ trợ tiêu thụ mỗi ngày giúp bà con nông dân, thông qua các điểm bán hàng bình ổn giá bắt đầu từ ngày 2/8.

Đại diện Bưu điện tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, hơn 1.700 tấn hàng hóa đã được cung cấp tới tay người dân với 3 hình thức là bán hàng trực tiếp, qua sàn thương mại điện tử (landing: dongnai.postmart.vn) và qua đường dây nóng tại các bưu cục thông qua 103 điểm bán hàng trong đó có 42 điểm bán hàng bình ổn giá đã đăng kí với Sở Công Thương.

Hình ảnh màu áo vàng của người Bưu điện đã trở nên gần gũi, thân quen với người dân tại các khu vực Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú hay Định Quán trong những ngày qua, khi Bưu điện tỉnh Đồng Nai triển khai chương trình chung tay hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ gần 5 tấn rau củ quả các loại.

"Dịch bệnh khiến cho cuộc sống của chúng tôi gần như bị đảo lộn, hàng tấn rau của các hộ dân chúng tôi ở đây đang gặp phải khó khăn khi không tìm được đầu ra, rất may có Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ cho chúng tôi kịp thời. Các bạn nhân viên rất nhiệt tình, đã hỗ trợ chúng tôi từ khâu thu hoạch, bảo quản và đóng gói vận chuyển. Tôi chỉ biết cám ơn Bưu điện rất nhiều, đã giúp đỡ chúng tôi vượt qua được giai đoạn này", bà Trần Cẩm Mến ở Huyện Tân Phú, chia sẻ trong xúc động.

Không chỉ giúp bà con tiêu thụ nông sản, Bưu điện tỉnh Đồng Nai còn tổ chức phát gạo cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh thông qua chương trình "Hạt vàng Bưu điện". Tính đến nay hơn 63 tấn gạo ngon đã được trao đến tay hơn 21.000 người dân, trong đó những khu vực bị cách ly hoàn toàn, người già neo đơn hay người tàn tật, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với với tổ dân phố, chính quyền phường xã để đến phát tận nhà.

Đoàn thanh niên BĐVN xung kích, tình nguyện hỗ trợ lưu thoát hàng hóa

Trong bối cảnh nhiều địa phương hạn chế đi lại do thực hiện giãn cách xã hội, cùng với đó là các đợt giảm giá, khuyến mại trên các sàn sàn TMĐT thời gian qua khiến cho lượng hàng hóa bưu gửi qua BĐVN tăng đột biến. Phát huy tinh thần xung kích, sẵn sàng, Đoàn Thanh niên Tổng công ty BĐVN đã trực tiếp tham gia hỗ trợ lưu thoát hàng hóa đảm bảo chỉ tiêu toàn trình bưu gửi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đến nay, hơn 100 ngày công đã được hơn 500 đoàn viên thanh niên BĐVN xung kích, tình nguyện đóng góp tham gia hỗ trợ với các nội dung thực hiện như: chia chọn, phân hướng, nhập liệu, đóng chuyến thư... Lực lượng tham gia hỗ trợ lưu thoát hàng hóa chủ yếu là đoàn viên thanh niên tại các Ban, Văn phòng Tổng công ty, Khối chức năng các đơn vị trực thuộc, đoàn viên thanh niên tại các Trung tâm trực thuộc Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện và Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Theo kế hoạch, các hoạt động hỗ trợ của đoàn viên thanh niên trong việc lưu thoát hàng hóa dịch vụ sẽ được duy trì thường xuyên ở tất cả các cơ sở Đoàn, đặc biệt là tại các đơn vị trực tiếp thực hiện dịch vụ khai thác, vận chuyển của BĐVN./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Học viện công nghệ BCVT giữ ổn định học phí trong năm 2021

Dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã gây ra những tác động không mong muốn tới đời sống của mọi tầng lớp nhân dân cũng như sự hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Cùng với nhiều Tỉnh/Thành trên cả nước, từ ngày 24/07/2021, Thành phố Hà Nội đã thực hiện việc giãn cách xã hội theo chỉ thị số 17/CT-UBND và dự kiến kéo dài đến hết ngày 23/08/2021.

Chia sẻ những khó khăn cùng sinh viên và gia đình khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát, Học viện cũng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên như: giữ ổn định mức học phí trong năm 2021 (đây là mức học phí được Học viện duy trì ổn định từ năm 2019 đến nay và không tăng trong suốt những năm 2020, 2021 khi dịch bệnh xuất hiện và qua nhiều đợt bùng phát).

Học viện cũng trích hơn 6 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sinh viên với mức hỗ trợ 500.000 đồng/sinh viên cho khoảng 12.000 sinh viên trong kỳ 2 năm học 2020 – 2021; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho hơn 140 sinh viên nội trú khó khăn do phong tỏa và cách ly tại ký túc xá 2 cơ sở đào tạo, đồng thời cố gắng sử dụng các nguồn lực của nhà trường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn như Thành phố Thủ Đức, Hội LHTN phường Mỗ Lao, tổ dân phố số 5 phường Mộ Lao hỗ trợ khẩn cấp về thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các sinh viên đang lưu trú tại ký túc xá để phần nào giúp các em ổn định cuộc sống trước mắt và yên tâm tiếp tục học tập theo hình thức online.

Tại cơ sở đào tạo Hà Nội, theo số liệu thống kê, hiện nay hơn 2.000 sinh viên của trường còn kẹt lại tại các khu nhà trọ Hà Nội và gặp khó khăn trong đời sống, sinh hoạt; trong số đó có khoảng 500 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hưởng ứng chủ trương của Lãnh đạo Học viện, Đoàn thanh niên Học viện phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Phường Mộ Lao đã kêu gọi cộng đồng xã hội bao gồm các doanh nghiệp, đối tác, các Giảng viên, các thế hệ cựu sinh viên, cựu học viên, bằng nghĩa cử cao đẹp, tình cảm sâu sắc, chung tay, góp sức hỗ trợ cho các sinh viên vượt qua khó khăn của đại dịch.

Sau chỉ gần 10 ngày phát động và kêu gọi, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của 148 tập thể và cá nhân với số kinh phí hỗ trợ lên đến 180 triệu đồng. Để triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho sinh viên gặp khó khăn, Đoàn Thanh niên Học viện phối hợp với Hội liên hiệp Thanh niên Phường Mộ Lao vừa tổng hợp, lọc dữ liệu và gọi điện xác minh hoàn cảnh sinh viên vừa kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân.

Đến ngày 20/8, Đoàn Thanh niên Học viện đã hỗ trợ khó khăn cho hơn 1.000 sinh viên, trong đó: đợt 1, 600 sinh viên được hỗ trợ bằng tiền với khoản hỗ trợ nhỏ là 200.000 đồng/sinh viên; đợt 2 cung cấp nhu yếu phẩm cho 170 sinh viên trọ tại phường Mộ Lao. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Học viện cũng liên hệ với Thành Đoàn Hà Nội đề nghị hỗ trợ nhu yếu phẩm cho sinh viên. Kết quả trong đợt hỗ trợ thứ 3, 200 sinh viên của Học viện trọ trên địa bàn quận Hà Đông, 31 sinh viên trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy, 35 sinh viên trọ tại Quận Hoàng Mai, 12 sinh viên trọ tại Quận Ba Đình đã nhận được nhu yếu phẩm từ Thành Đoàn Hà Nội.

Bên cạnh những phần quà bằng tiền mặt hoặc hiện vật dành cho sinh viên Học viện, Đoàn Thanh niên Học viện và Hội liên hiệp Thanh niên Phường Mộ Lao cũng nhận được sự chung sức của nhiều tập thể, cá nhân để triển khai thành công chương trình, trong đó Ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Hà hỗ trợ toàn bộ chi phí chuyển khoản (tương đương hơn 13 triệu đồng) từ tài khoàn của Đoàn Thanh niên đến cho 600 tài khoản ngân hàng khác nhau, một shipper nhận vận chuyển miễn phí các nhu yếu phẩm cho 30 sinh viên ở xa, công ty máy tính Hoàng Long (Hoàng Long Computer) hỗ trợ khâu vận chuyển và hậu cần của chương trình. Sự chung sức của cộng đồng đối với chương trình là nguồn động viên rất lớn không chỉ đối với tổ chức Đoàn mà còn đối với sinh viên còn mắc kẹt tại Hà Nội.

Trong thời gian tới, khi các điều kiện giãn cách Hà Nội vẫn còn duy trì, Đoàn Thanh niên Học viện sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân dành cho hơn 1.000 sinh viên còn chưa được tiếp cận sự hỗ trợ từ chương trình.

Mọi sự đóng góp xin được tiếp nhận tại địa chỉ: Văn phòng Đoàn Thanh niên Học viện, KTX B5 Km10 Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Tài khoản: 26810000568484 tại ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Thái Hà. Chủ tài khoản: Đoàn thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Nội dung chuyển tiền: CV19 Họ Và Tên/Tên Doanh nghiệp Số điện thoại (tối đa không quá 40 ký tự). Thời gian ủng hộ đợt 2: từ ngày 21/08 đến ngày 3/09/2021.

PV

"Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương": Ngày đầu trao hơn 1.600 phần quà

Tiếp nối thành công của những chương trình thiện nguyện đã và đang giúp đỡ hàng trăm ngàn người dân tại các tỉnh phía Nam giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã tổ chức chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" với kinh phí lên tới 160 tỷ đồng.

Bộ TT&TT đã kêu gọi và chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) như Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Viettel Post phát huy thế mạnh của từng đơn vị để cùng chung tay hỗ trợ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh.

Để chuyển hơn 533.000 suất quà tặng đến đúng người cần nhận tại TP. Thủ Đức và 20 quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hai DN bưu chính lớn là Bưu điện Viêt Nam (Vietnam Post) và Vietel Post hiện đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng của Thành phố để lập danh sách và thống nhất phương thức thực hiện tại từng địa bàn.

Ngay trong ngày đầu tiên triển khai, 2 DN bưu chính đã trao hơn 1.600 phần quà cho người dân tại các quận Bình Tân và Quận 12. Mỗi túi quà tặng của Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" bao gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: 5 kg gạo, dầu ăn, đường trắng, bột canh, nước tương, bí đỏ, khoai tây, trứng gà, nhằm đảm bảo bữa cơm của người dân TP. Hồ Chí Minh những ngày chống dịch vẫn luôn dẻo thơm, đầy đủ dưỡng chất và ấm tình đồng bào.

Do hiện nay các điểm phong tỏa tại TP.HCM ngày càng tăng, Bưu điện TP.HCM cùng với Viettel TP.HCM đã lập danh sách các điểm cách ly phong tỏa thuộc địa bàn dự kiến phát quà lên bản đồ số để từ đó thuận tiện hơn trong việc di chuyển và lên kế hoạch. Cả 2 đơn vị cũng sẽ thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời gian diễn ra chương trình.

Ghi nhận thực tế tại Quận 12, ngay sau khi được tổ dân phố thông báo về chương trình và danh sách các hộ, cá nhân được nhận quà, nhiều lao động tự do không khỏi xúc động bởi phần quà rất thiết thực ngay cho bữa cơm chiều của mỗi gia đình.

"Gia đình nhà tôi có 5 người, cuộc sống trở nên bấp bênh khi cả 2 vợ chồng đều phải nghỉ việc và không có thu nhập, chúng tôi phải cố gắng chạy vạy lo ăn từng bữa cho mẹ già và 2 cháu nhỏ, hôm nay nhận được món quà của chương trình, ít nhất gia đình chúng tôi cũng đảm bảo được bữa ăn trong vài ngày tới", anh Huỳnh Tấn Hải ngụ tại Quận 12 cho biết.

Đẫm mồ hôi vì luôn tay luôn chân cùng anh chị em Bưu điện Thành phố trân trọng trao từng gói quà đến từng người trong một xóm trọ nhỏ, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TP. Hồ Chí Minh tự hào vì Vietnam Post đã trở thành cầu nối vững chắc để chuyển món quà nhỏ đầy ân tình của Bộ TT&TT cùng các mạnh thường quân đến với những người dân khó khăn của Thành phố.

Với trách nhiệm của DN bưu chính quốc gia và kinh nghiệm chuyển phát hàng hóa cũng như chi trả an toàn các dịch vụ, cùng với việc triển khai bài bản chương trình "Hạt vàng Bưu điện", Bưu điện Thành phố được giao nhiệm vụ phát các phần quà này nhanh chóng và chính xác tới từng người cần nhận.

"Chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để nắm bắt danh sách người nhận, đồng thời trao đổi với đầu mối các cấp, nhất là các tổ dân phố để phối hợp lực lượng chức năng của địa phương thống nhất địa điểm, thời gian, hình thức tổ chức để vừa phát nhanh, phát chính xác mà vẫn đảm bảo giãn cách và các công tác phòng chống dịch. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện tốt nhất chương trình này để những hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận được gói hỗ trợ ý nghĩa này. Dự kiến trong ngày hôm nay 18/8 thông qua hệ thống Bưu điện các quận huyện toàn thành phố chúng tôi tiếp tục trao11.000 phần qua đến tay những người dân đang gặp khó khăn", bà Vân chia sẻ.

Cũng trong ngày 17/8, đại diện của Tổng công ty cổ phần Viettel đã trực tiếp trao hơn 600 phần quà cho những người dân, gia đình đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, Viettel Post cũng đã làm việc với các cơ quan địa phương, tổ dân phố thuộc các quận huyện do Viettel chịu trách nhiệm để lấy danh sách những người dân yếu thế trong khu vực để lên kế hoạch tặng quà cho các cá nhân, hộ gia đình trong khu vực này.

Đã hơn 2 tháng nay TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, khiến rất nhiều người dân yếu thế, người lao động không có việc làm phải cố gắng tằn tiện chi tiêu mỗi ngày, thậm chí có người đã phải nhịn ăn để tiếp tục bám trụ khi Chỉ thị giãn cách có thể kéo dài thêm 1 tháng nữa.

"Trước tình hình này, Viettel Post đã nhanh chóng phối hợp cùng Bộ TT&TT và các đơn vị, DN tham gia triển khai chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" để kịp thời mang tới những món quà thiết yếu, giúp cho người dân phần nào vượt qua khó khăn và thiếu thốn, có thêm động lực để vượt qua dịch bệnh", ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post chia sẻ./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Bộ TT&TT tổ chức chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" với kinh phí tới 160 tỷ đồng

Bộ TT&TT đã kêu gọi và chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) như Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Viettel Post tham gia đồng hành cùng chương trình.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid" của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ TT&TT đã tổ chức Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" với kinh phí lên tới 160 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình diễn ra từ 17/8 - 15/9.

Đối tượng thụ hưởng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh (lao động tự do, người bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; người lao động làm thuê thời vụ tại cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động… ).

Trên cơ sở danh sách người thụ hưởng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh lập, Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Viettel Post sẽ phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức phát quà tặng. Mỗi túi quà tặng của Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" bao gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như: 5kg gạo, dầu ăn, đường trắng, bột canh, nước tương, bí đỏ, khoai tây, trứng gà, nhằm đảm bảo bữa cơm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh những ngày chống dịch vẫn luôn dẻo thơm, đầy đủ dưỡng chất và ấm tình đồng bào..

Mỗi người dân sẽ nhận được 01 túi hàng hóa trị giá 300.000 đồng. Dự kiến sẽ có hơn 533.000 người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nhận các suất quà này. Toàn bộ hàng hóa cung cấp trong chương trình đều được cung cấp bởi các doanh nghiệp uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vietnam Post và Viettel Post được Bộ TT&TT giao tổ chức phát quà tặng theo hình thức: phát tại đầu các chốt phòng chống dịch của tổ dân phố, tại các bưu cục, điểm phục vụ bưu chính hoặc phát lưu động…Căn cứ vào tình hình, địa bàn thực tế, hai doanh nghiệp bưu chính sẽ phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức địa điểm, thời gian, số lượng phát phù hợp.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với UBND Thành phố để tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi về chương trình, cách thức đăng ký nhận quà tặng đến tận đối tượng thụ hưởng của chương trình. Đặc biệt, Vietnam Post và Viettel Post tại TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với UBND phường, xã để đưa thông tin về chương trình trên hệ thống loa truyền thanh, bảng tin xã phường, các group của từng tổ dân phố để đông đảo người dân được biết và tới điểm nhận lương thực, thực phẩm.

Đối với các hộ gia đình thuộc khu vực hạn chế đi lại, phong tỏa, Vietnam Post và Viettel Post TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương để nhanh chóng chuyển các suất quà tặng của chương trình đến người nhận an toàn và kịp thời. Tại các điểm phát hàng, Vietnam Post và Viettel Post sẽ tổ chức phân luồng lối đi riêng cho từng người ra - vào nhận lương thực, thực phẩm để tránh tối đa việc tiếp xúc. Nhân viên phục vụ tại điểm và người đến nhận đều được đo thân nhiệt, thực hiện các biện pháp khử khuẩn, khoảng cách theo quy định.

Những phần quà đầu tiên của chương trình được Bưu điện Việt Nam trao tận tay người dân ở TP. Hồ Chí Minh

Trước đó, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử tại 19 tỉnh phía Nam trong dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và Quyết định số 1035/QĐ-BTT&TT phê duyệt Kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo 2 DN là Vietnam Post và Viettel Post đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đảm bảo mục tiêu đề ra. Tính đến ngày 16/8, Bộ TT&TT đã thiết lập được 4.346 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 30.945 tấn hàng hóa; trị giá 828 tỷ đồng tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính lớn thực hiện Chương trình chung tay vì cộng đồng, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân tại một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn các xã hội. Đến ngày 16/8/2021, đã phát được 509,7 tấn lương thực (trị giá hơn 8,68 tỷ đồng) đến gần 233.000 người dân. Trong đó nổi bật là Vietnam Post vẫn đang triển khai chương trình "Hạt vàng Bưu điện" trao tặng gạo cho người dân gặp khó khăn tại 8 tỉnh, thành phố phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre); Viettel Post tổ chức chương trình "Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương" vận chuyển hàng hóa từ các nhà hảo tâm tới người dân TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài các hoạt động trên, Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp khác, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, người dân và tuyến đầu chống dịch bằng rất nhiều hình thức khác nhau./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Bưu điện triển khai gói cước vận chuyển đồng giá na Lạng Sơn

Từ 10/08 đến 31/08/2021, Bưu điện Việt Nam (BĐVN) sẽ áp dụng gói đồng giá cước vận chuyển na Lạng Sơn với mức 20.000đ đồng/đơn đến 5kg, 30.000đ/đơn đến 10kg cho khách hàng đặt mua sản phẩm na Lạng Sơn trên sàn TMĐT Postmart.vn.

Đặc biệt, riêng vào các ngày từ thứ 6 đến chủ nhật trong tuần, khi khách hàng đặt mua tại link: nachilang.postmart.vn sẽ được giảm cước vận chuyển thêm 5.000 đồng/đơn.

Mức giá cước này sẽ áp dụng cho khách hàng tại 20 tỉnh miền Bắc bao gồm: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Nội, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.

Để phục vụ khách hàng tốt nhất trong thời gian một số tỉnh giãn cách xã hội, BĐVN đã bố trí các loại xe vận chuyển chuyên dụng cấp giấy thông hành "luồng xanh" (qua mã QR Code) để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại Lạng Sơn nhanh chóng đưa sản phẩm đến địa chỉ mua hàng. Thời gian vận chuyển na tối đa không quá 48 tiếng để đảm bảo độ tươi ngon, chất lượng của loại trái cây này khi đến tay người tiêu dùng.

100% nhân viên bưu điện tham gia vào quy trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Lạng Sơn đều đảm bảo quy định 5K theo khuyến cáo bộ Y tế, các xe vận chuyển đều được phun khử khuẩn nên việc hỗ trợ tiếp cận người dân ở tỉnh được bảo đảm về mặt sức khỏe.

BĐVN cho biết, gói cước đồng giá của đơn vị này trong việc vận chuyển na Lạng Sơn sẽ hỗ trợ khách hàng vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể nhanh chóng thưởng thức đặc sản na Lạng Sơn ngay tại nhà mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

BĐVN sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng những nông sản được trồng đúng quy cách, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và có các chứng nhận OCOP, VietGap.

Tại Lạng Sơn, BĐVN đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông của tỉnh để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn. Trong đó, na Chi Lăng là sản phẩm đầu tiên được lựa chọn để mở đầu cho chương trình chuyển đổi số cho bà con nông dân tại Lạng Sơn thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn (landing page: langson.postmart.vn).

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 3.000 nhà cung cấp tại địa phương đưa sản phẩm na lên sàn Postmart.vn với gần 1.000 đơn hàng đã được bưu điện chuyển phát an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

Được biết, mới đây, Sở TT&TT cũng đề nghị các Bộ ngành, địa phương giải quyết vấn đề đứt gãy khâu vận chuyển đến tận tay người mua khi các thị trường lớn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các cửa hàng số của các hộ sản xuất nông nghiệp của Lạng Sơn mỗi ngày có từ 82-100 đơn hàng na/ngày, với sản lượng 500 kg/ngày. Từ ngày 3/8 chuỗi cũng ứng bị đứt gãy, nhiều đơn hàng xuống đến Hà Nội, không phát được đến người mua, dẫn đến sau 48 tiếng Na bị hỏng và xảy ra khúc mắc trong quá trình đền bù. Bà con trồng na hoang mang, sản lượng lập tức bị sụt giảm mạnh.

Với phương châm "Postmart - Gửi trao nông sản sạch khắp mọi miền tổ quốc", qua kênh tiêu thụ nông sản mới, hiệu quả, an toàn và thuận tiện cho cả người mua và người bán và tạo thói quen tiêu dùng hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ và bùng nổ TMĐT, BĐVN đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ, trở thành cánh tay nối dài để cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tới 100% huyện

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Hệ thống khám chữa bệnh từ xa được kết nối 100% đến tuyến huyện sẽ góp phần cứu sống thêm nhiều bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên khi năng lực cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở được nâng cao.

Ngày 8/8, Bộ TT&TT và Bộ Y tế công bố kết nối Nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% bệnh viện tuyến huyện, ra mắt Trung tâm công nghệ Quốc gia phòng, chống Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT cùng các cơ sở y tế tại tuyến huyện trên toàn quốc tham gia sự kiện. 

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa đã kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện

Kết nối Nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth đến 700 điểm cầu tuyến huyện. (Ảnh: Anh Dũng)

Được đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, Nền tảng Telehealth đã kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có 1.600 hồ sơ, 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức và được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Kể từ ngày 6/8, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa được kết nối tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại sự kiện. (Ảnh: Anh Dũng)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành gần 2 giờ đồng hồ để kết nối đến hơn 20 điểm cầu, trong số 700 điểm cầu ở các Trung tâm y tế tuyến huyện cùng lúc được kết nối trực tuyến trên Nền tảng Telehealth.

Qua nền tảng này, các y, bác sĩ ở các Trung tâm y tế tuyến huyện như: Cao Lộc (Lạng Sơn), huyện Thống Nhất (Đồng Nai), Đức Trọng, Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, Bù Gia Mập, Hớn Quảng (Bình Phước), Châu Thành (Tiền Giang), Gò Công Đông (Tiền Giang), Dung Quất (Quảng Ngãi)…đã chia sẻ về số lượng bệnh nhân và tình hình chữa trị các bệnh nhân Covid-19 đang tiếp nhận, tình hình chữa trị cũng như những thắc mắc cụ thể được gửi đến các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Chợ Rẫy.

Trực tiếp điều hành phần kết nối tại các điểm cầu tới các chuyên gia y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: “Đây là phương tiện để chúng ta giảm tử vong ở mức tối đa nhất. Chính là phải làm chủ ngay từ tuyến dưới. Như vậy, chúng ta có thêm một công cụ, có thêm một phương tiện để tự tin hơn. Có thêm một số trang thiết bị máy móc thì có thể điều trị ngay, điều trị sớm, điều trị từ xa cho bệnh nhân. Đây là mục tiêu lớn nhất của hệ thống này”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Anh Dũng)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ sự cảm ơn với Bộ TT&TT trong việc hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế triển khai đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Theo Bộ trưởng Long, trước đây, mất 45 ngày để kết nối được 1.000 điểm, nhưng lần này chỉ trong 2,5 ngày đã kết nối được 328 điểm tới tất cả các huyện. “Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành TT&TT”, Bộ trưởng Y tế nói.  

Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 còn 2 nhiệm vụ nữa là tiêm chủng online (qua Sổ Sức khỏe điện tử)và xét nghiệm. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chuẩn bị rất tích cực cho 2 nhiệm vụ này và đang triển khai toàn quốc. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc bắt buộc phải sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử, về sau này sẽ triển khai sang một bước nữa, là đăng ký khám bệnh, chữa bệnh online, trực tuyến. Như vậy sẽ có một Cổng duy nhất cho người dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố kết nối Nền tảng Teleheath. (Ảnh: Anh Dũng)

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: Kết nối truyền hình để thực hiện Teleheath tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế. Nhưng mơ ước ấy lại được thực hiện trong 2,5 ngày. Được thực hiện là vì có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất; là vì trong bối cảnh khẩn cấp, không ai còn lo cho bản thân mình. Nó được thực hiện vì có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp nhà nước, có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận”.

“Covid làm cho chúng ta nhận ra những tiềm năng vô hạn, những năng lượng lớn lao chưa được khai thác. Chuyện 10 năm có thể làm 1 năm, một tháng, cũng có thể 1 ngày. Vậy thì đất nước chúng ta tại sao lại không thể phát triển đột phá, phát triển nhanh?”. 

“5K – Vắc-xin – Thuốc - Công nghệ và các biện pháp khác”

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của Bộ TT&TT, Bộ Y tế khi triển khai kết nối hệ thống đến toàn bộ các huyện. (Ảnh: Anh Dũng)

Trực tiếp trải nghiệm Nền tảng Telehealth kết nối tại hơn 700 điểm cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá rất cao ý nghĩa khi Nền tảng kết nối khám chữa bệnh từ xa được kết nối tới 100% tuyến huyện. Thủ tướng cho rằng, điều này đã góp phần vào công cuộc chuyển đổi số, là cơ hội để phục vụ cho chuyển đổi số - đã và đang làm được.

Theo Thủ tướng, Hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ góp phần để các cơ sở y tế cứu chữa kịp thời, cứu sống người bệnh sớm hơn, nhiều hơn bởi ngay từ tuyến huyện đã có cơ sở, tự tin, có thêm kiến thức và giữ lại được và giảm quá tải tuyến trên nhưng quan trọng nhất là kịp thời cứu chữa cho người bệnh.

“Hệ thống này giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế tuyến huyện, ở cấp cơ sở. Các trung tâm y tế tự tin hơn, độ bao phủ an toàn lớn hơn cho người bệnh nhất là trong lúc này”, Thủ tướng nói.

Hiện nay, quy trình chống dịch đã dần hoàn thiện. Từ “5K – Vắc-xin” ban đầu, hôm nay, chúng ta sẽ thêm“5K – Vắc-xin – Thuốc - Công nghệ và các biện pháp khác” để thành một quy trình chống Covid-19 phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ TT&TT và Bộ Y tế sẽ cùng có các quy định, hướng dẫn cụ thể từng bước, từng khâu cho rõ ràng, xuất phát từ thực tiễn để hoàn thiện dần. Đồng thời, có kế hoạch tập huấn sớm cho các trung tâm tuyến huyện.

“Sử dụng chung nền tảng công nghệ thống nhất chung trên toàn quốc là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để chống dịch. Đây là một biện pháp và chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện. Đề nghị ngành TT&TT, ngành Y tế tiếp tục đổi mới sáng tạo các nền tảng công nghệ để phục vụ thiết thực cho cuộc chiến chống Covid này”, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.

Duy Vũ, ẢnhLê Anh Dũng/vietnamnet.vn