NXB TT&TT ra mắt 2 cuốn sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

(ICTPress) - Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông (NXB TT&TT) vừa ra mắt hai cuốn sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Những dấu ấn lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập”.

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2016), kỷ niệm 126 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016), kỷ niệm 71 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, PGS.TS Đàm Đức Vượng phối hợp cùng Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tái bản có bổ sung, chỉnh sửa cuốn sách “Những dấu ấn lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập”.

Cuốn sách trình bày một cách hệ thống về toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người sáng lập Nhà nước cách mạng Việt Nam; những tên chữ, bút danh, bí danh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của Người; về các tổ chức tiền thân của Đảng; về Hội nghị thành lập Đảng và toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng trải qua 12 Đại hội đại biểu toàn quốc. Điểm mới mẻ của cuốn sách trong lần tái bản này chính là những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan và chân thực về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa diễn ra đầu năm 2016 vừa rồi.

Với kết cấu 3 phần một cách rõ ràng, cuốn sách trình bày một cách chi tiết, tỉ mỉ về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Độc giả dễ dàng bị thu hút vào những trang viết không hề khô khan, cứng nhắc qua lời văn, cách viết của PGS.TS Đàm Đức Vượng. Qua đó thấy được rất nhiều những sự kiện đầy biến động, những bước ngoặt đầy thăng trầm của đất nước Việt Nam trong diễn trình lịch sử, thêm kính trọng, tin tưởng vào Bác Hồ, vào Đảng, vào Nhà nước Việt Nam.

“Hồ Chí Minh - Biểu tượng của tình Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Người từng là tâm điểm chú ý trong số các nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà văn hoá, những chính khách... trên khắp thế giới vào nửa cuối của thế kỷ XX. Với phong cách nói chuyện thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình, hình ảnh của Người đã lan truyền khắp Đông Dương, châu Á, châu Âu và cả những người ở châu Phi, châu Mỹ Latinh xa xôi.

Trong chuyến thăm chính thức đất nước Ấn Độ tháng 2/958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cụ Phan Kế Toại và các đồng chí Hoàng Minh Giám, Phạm Hùng, Phan Anh được Tổng thống Rajendra Prasad, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đón tiếp trọng thể tại sân bay Palam. Các thành viên Nghị viện và một số vị lãnh đạo thành phố còn thành lập một Ủy ban đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh để biểu thị sự hoan nghênh nhiệt liệt trong thời gian Người đến thăm Ấn Độ. Suốt từ sân bay đến Phủ Tổng thống, hàng vạn nhân dân New Delhi kiên nhẫn đứng đợi hàng giờ hai bên đường để được thấy mặt vị khách quý trong vài giây ngắn ngủi. Đi đến bất cứ đâu, Hồ Chí Minh cũng được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt và hô vang các khẩu hiệu “Hindi - Việt Nam, Bahai bahai!” (Ấn Độ - Việt Nam là anh em!), “Hồ Chí Minh, jindabad!”, Cha cha Hồ jindabad(Hồ Chí Minh muôn năm!),…

Cho đến nay, người dân Ấn Độ vẫn nhớ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đến thăm Ấn Độ năm 1958. Đó là cuộc mít tinh ở Thành Đỏ ngày 07/02/1958, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế lớn để Hồ Chí Minh ngồi trên bục danh dự. Người đã từ chối ngồi trên chiếc “ngai vàng” dành riêng cho mình với lý do: “Tôi muốn được bình đẳng với mọi người”. Cử chỉ khiêm nhường này đã làm xúc động mọi người bằng những tràng vỗ tay vang dội. Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Hồ Chí Minh.

Tin tức về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày ở thăm Ấn Độ đã trở thành tin lớn, in trang trọng trên trang nhất của các báo xuất bản tại Ấn Độ. Báo chí Việt Nam cũng không ngừng cập nhật để thông tin cho nhân dân biết về các hoạt động của Hồ Chí Minh ở Ấn Độ cũng như sự trọng thị của các quan chức và tình cảm của nhân dân Ấn Độ dành cho Người. 58 năm đã trôi qua kể từ ngày Người cùng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thăm chính thức Ấn Độ, tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Người dày công xây dựng và vun đắp đã ngày càng phát triển tốt đẹp. Hai quốc gia đã nâng tầm quan hệ trở thành đối tác chiến lược.

Được đọc những trang tư liệu cách đây đã hơn nửa thế kỷ khắc ghi lại chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Chính phủ, mỗi chúng ta đều không khỏi xúc động và tự hào về hình ảnh vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam đã chiếm được tình cảm và trái tim của nhân dân Ấn Độ anh em, sự kính trọng và khâm phục của những nhà lãnh đạo đất nước Ấn Độ. Đúng như lời của Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam - ông Greetesh Sharma đã viết: “Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở thành hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ… Thật khó có ai không biết về vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Hồ Chí Minh… Thế hệ được nhìn thấy Hồ Chủ tịch trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc.

Cuốn sách là tư liệu quý mà TS Nguyễn Văn Khoan đã dày công sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn từ các tư liệu báo chí trong và ngoài nước viết về chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chỉnh lý trong nhiều năm qua. Cuốn sách đã thành công trong việc tái hiện lại phần nào những tình cảm nồng ấm của các nhà lãnh đạo, nhân dân Ấn Độ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Người mãi là lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân loại.

Minh Anh

Tin nổi bật