5 năm phần mềm quản lý thông tin cán bộ và khả năng mở rộng trên cả nước

(ICTPress) - Phần mềm Quản lý thông tin cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC) do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (DNICT) nghiên cứu, xây dựng và phát triển đáp ứng được các yêu cầu quản lý của ngành Nội vụ.

Ban quản lý Dự án cải cách hành chính Bộ Nội vụ cuối tháng 3 vừa qua đã chủ trì tổ chức Hội thảo Tổng kết thí điểm Phần mềm Quản lý thông tin CBCCVC tại tỉnh Bắc Giang với sự tham gia của Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ; Sở Nội vụ Bắc Giang; Cần Thơ; đại diện các ban quản lý dự án cải cách hành chính (CCHC) và đại diện lãnh đạo sở TT&TT các địa phương: Bắc Giang, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Đà Nẵng và DNICT.

Ông Phạm Văn Tính, Phó Giám đốc DNICT đã thông báo kết quả triển khai phần mềm  tại Bắc Giang và một số tỉnh/ thành khác như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tiền Giang, ...

Tại tỉnh Bắc Giang, năm 2015, DNICT đã tư vấn và triển khai phần mềm tại một số đơn vị: Sở Nội vụ; Sở Ngoại vụ; Sở Tư Pháp; huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên. Tính đến ngày 20/3/2016, tổng số hồ sơ được nhập mới là 1.437 hồ sơ.  Tổng số hồ sơ hiện tại trên phần mềm quản lý (nhập mới và chuyển đổi dữ liệu ngành Giáo dục) là 6.470 hồ sơ.

Báo cáo cũng khẳng định phần mềm được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở và đáp ứng các quy định của Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT (ngày 23/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông) về Tiêu chuẩn kỹ thuật ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; Thông tư số 11/2012/TT-BNV (ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ) Quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức. Đặc biệt, với nhiều tính năng mới của phần mềm sẽ thuận lợi cho việc xây dựng chuẩn dữ liệu CBCCVC giúp Bộ Nội vụ thống nhất quản lý thông tin CBCCVC trên toàn quốc thông qua Cổng thông tin quản lý ngành Nội vụ.

Đại diện các địa phương, các ban quản lý dự án cải cách hành chính và các chuyên gia phản biện độc lập cũng tham gia nhiều ý kiến sâu sắc. Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá rất cao về tính năng nổi trội và dễ sử dụng của phần mềm đã được cài đặt và đang vận hành tại các tỉnh/thành.

Ông Phạm Minh Hùng - Giám đốc Ban quản lý Dự án Cải cách hành chính Bộ Nội vụ tại Hội thảo đã đánh giá cao kết quả triển khai thí điểm của Bắc Giang tại các đơn vị, sự quyết tâm của Ban quản lý dự án cải cách hành chính Bắc Giang, sự phối hợp của các đơn vị thí điểm, Trung tâm CNTT và Truyền thông Đà Nẵng.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: “Phần mềm đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó là tin học hóa, thống nhất quản lý, khai thác phục vụ tốt công tác quản lý, chế độ thông tin báo cáo nhanh, kịp thời, chính xác; Công nghệ hiện đại, kết cấu hợp lý, đơn giản, dễ sử dụng, có khả năng cập nhật, nâng cấp, chuẩn hóa theo yêu cầu của nhà nước”.

Được biết, phần mềm Quản lý thông tin CBCCVC được DNICT nghiên cứu, xây dựng và triển khai vận hành thành công lần đầu tiên tại Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng từ năm 2010. Hiện nay, phần mềm vẫn đang vận hành ổn định với hơn 30.000 hồ sơ CBCCVC và 600 đầu mối quản lý. Sản phẩm đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu quản lý của ngành Nội vụ với 158 trường dữ liệu đặc thù và khả năng tùy biến cao.

Ảnh minh họa (baodanang.vn)

Như vậy, sau hơn 5 năm xây dựng và nghiêm túc hoàn chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của người dùng, phần mềm Quản lý thông tin CBCCVC của DNICT khá hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào thành quả ứng dụng Công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của ngành Nội vụ; hoàn toàn có thể triển khai nhân rộng sản phẩm cho 63 tỉnh thành trên toàn quốc và hướng đến tích hợp vào một Cổng thông tin quản lý thống nhất của ngành Nội vụ.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành Nội vụ, DNICT đã và đang tập trung nghiên cứu mở rộng và tích hợp nhiều phân hệ mới như: Phân hệ Đánh giá kết quả làm việc của CBCCVC; Phân hệ Thi đua – Khen thưởng; Phân hệ Quản lý vị trí việc làm; Phân hệ Cấp mã số CBCCVC; Phân hệ Đánh giá CCHC; Phân hệ Khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng đối với CBCCVC; Phân hệ Quản lý thôn - tổ dân phố; … nhằm đưa Phần mềm Quản lý thông tin CBCCVC thành “Hệ thống Quản lý thông tin ngành Nội vụ” trong một tương lai không xa.

Bộ Nội vụ và các địa phương mong muốn DNICT cần phát huy những thành quả đạt được, hướng mạnh vào việc nghiên cứu và hỗ trợ tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam - nhất là trong ngành Nội vụ.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Giám đốc DNICT khẳng định sẽ đồng hành cùng Bộ Nội vụ và các địa phương để quản lý, vận hành, khai thác các sản phẩm của Trung tâm lâu dài.

Thu Nguyệt

Tin nổi bật