Syndicate content

Chuyện dọc đường

Cuốn sách về thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới

Frankfurt -  “Thánh địa của những người làm sách trên toàn thế giới” đã đến gần hơn với độc giả Việt Nam qua cuốn sách “Lịch sử Hội sách Frankfurt”, được Omega Plus xuất bản mới đây.

Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về lịch sử hội sách Frankfurt - Hội chợ sách quốc tế lớn thế giới được tổ chức từ năm 1949. Thông qua cuốn sách, chúng ta không những được tìm hiểu về lịch sử 600 năm thăng trầm của hội sách Frankfurt mà còn là lịch sử châu Âu và sự phát triển văn minh xã hội từ thế kỷ 15 đến thời kỳ hiện đại.

Cuốn sách tái hiện và mô tả lịch sử của Hội sách Frankfurt từ khi bắt đầu đến thời hiện đại, qua đó độc giả như được sống lại không khí từ buổi bắt đầu văn minh in ấn phương Tây và choáng ngợp với sự phát triển trong thời hoàng kim của in ấn và cũng chứng kiến bao thăng trầm của Hội sách Frankfurt, hay nhìn rộng hơn chính là sự phát triển văn minh, với 3 phần chính (25 chương):

Giai đoạn 1 (1454 -1764): Hội sách Frankfurt thuở sơ khai, từ lúc mới bắt đầu có công nghệ in Gutenberg. Tác giả có trích dẫn những tư liệu cho thấy hình ảnh sinh động về hội sách. Các đầu sách nào được quan tâm ở thời kỳ đó, việc buôn bán, vận chuyển sách diễn ra thế nào... Hội sách cứ thế phát triển, nhưng những biến động tôn giáo - chính trị, sự đối đầu giữa Công giáo - Kháng cách Luther, đã dẫn tới việc kiểm duyệt và tịch thu sách, khiến cho hội sách dần thoái trào.

Giai đoạn 2 (1764-1861): Hội sách ở Leipzig phát triển thay thế cho Hội sách Frankfurt.

Giai đoạn 3 (từ thế kỷ 20): Một loạt những nỗ lực nhằm khôi phục hội sách Frankfurt. Sau thế chiến II, hội sách ngày càng đạt được nhiều thành công, với sự tham gia của rất nhiều đơn vị, quốc gia. Nhiều hoạt động với chủ đề mới mẻ, giới thiệu các vùng đất, các nền văn hóa được tổ chức định kỳ đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Tác giả cũng bày tỏ sự quan tâm tới các xu hướng xuất bản mới, dưới nhiều hình thức khác ngoài sách vở.

Tác giả cuốn sách là ông Peter Weidhaas - Nguyên là giám đốc hội sách Frankfurt từ thập niên 1970 tới khi nghỉ hưu. Ông đã góp phần thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn học từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin, tổ chức các sự kiện xuất bản mang tính đổi mới.

Nói về cuốn sách, ông Vũ Trọng Đại, CEO TIMES. “Đọc cuốn sách này, bạn không chỉ biết về một hội sách quốc tế quy mô lớn nhất và quan trọng bậc nhất. Hơn thế rất nhiều, bạn biết về lịch sử khái quát của toàn bộ ngành xuất bản, in ấn và phát hành thế giới kể từ nửa cuối thế kỷ XV”.

ND

Độc đáo Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu

Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bạc Liêu, ghé thăm quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau, ai cũng ngợi khen. Năm 2014, Nhà hát “ba nón lá” đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục “Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”...

Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu được xếp hạng điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: THU ĐÔNG).

Bạc Liêu là tỉnh nằm ở vùng bán đảo Cà Mau, mảnh đất lừng danh một thời bởi nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu”, một vùng quê giàu đẹp, có những cánh đồng lúa, đồng muối thẳng cánh cò bay. Đặc biệt, vùng đất này gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bài “Dạ cổ hoài lang”. Bạc Liêu được xem là “cái nôi” của nền ca cổ nhạc Nam Bộ.

Xuất phát từ đâu mà Bạc Liêu xây dựng Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau độc đáo đến vậy?

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội Chính Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: “Năm 2013, khi tỉnh triển khai xây dựng quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó đã bàn bạc, trao đổi rất dân chủ, sôi nổi và kỹ lưỡng. Khi tôi trình bày ý tưởng và mời kiến trúc sư giỏi tại Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế, giới thiệu rất cụ thể ý nghĩa, chi tiết về mô hình nhà hát “ba nón lá” này, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất rất cao và quyết tâm triển khai thực hiện…”

Quảng trường Hùng Vương và Nhà hát “ba nón lá” là điểm nhấn cảnh quan du lịch của Bạc Liêu. (Ảnh: THU ĐÔNG).

Công trình Nhà hát “ba nón lá” Bạc Liêu được hoàn thành vào năm 2014, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và trung tâm hội nghị. Công trình văn hóa nghệ thuật này trở thành điểm đến mà các du khách phương xa không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình đến thăm Bạc Liêu. Công trình thiết kế mái nhà hình ba chiếc nón khổng lồ chụm vào nhau được xác lập kỷ lục là "Nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.

“Nón lá là biểu tượng của văn hóa phương nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Hình ảnh ba nón lá gần gũi, thân thương với đặc điểm của cư dân Bạc Liêu và đất Việt chúng ta gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ba mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn là biểu tượng cho 3 dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu là người Kinh, người Hoa và người Khmer. Với ý nghĩa đặc biệt và tình cảm sâu sắc đó nên người dân địa phương còn gọi công trình Nhà hát Cao Văn Lầu này bằng một cái tên thân thương là Nhà hát “ba nón lá", một công trình văn hóa độc đáo mang vẻ đẹp rất riêng của Bạc Liêu…”, đồng chí Võ Văn Dũng cho biết thêm.

Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất hơn 24m. Công trình này cũng nhằm để tưởng nhớ, vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng (tên chính thức của công trình là Nhà hát Cao Văn Lầu).

Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất hơn 24m. Công trình này cũng nhằm để tưởng nhớ, vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng (tên chính thức của công trình là Nhà hát Cao Văn Lầu).

 

Vào buổi tối, khu vực mặt nước của hồ còn được khai thác hiệu ứng ánh sáng để hình ảnh cả nhà hát hiện lên lung linh, huyền ảo hơn. Hiện, Nhà hát Cao Văn Lầu thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân địa phương, du khách.

Ba chiếc nón cũng là phần trên cùng của 3 khối nhà. Khối nhà A là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại… với sức chứa hơn 850 chỗ. Khối nhà B là khu vực dành cho trung tâm hội thảo, hội nghị tầm cỡ khu vực và khối nhà C là nơi dành riêng để tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch đến tham quan. Công trình được thiết kế theo mô hình ba chiếc nón lá vừa mềm mại, vừa sống động, gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó.

“Tôi đã từng đưa nhiều đoàn khách là nhà văn, nhà báo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đến tham quan quảng trường Hùng Vương và Nhà hát “ba nón lá” của tỉnh Bạc Liêu, ai cũng trầm trồ khen ngợi và yêu thích hai điểm du lịch này, đặc biệt là Nhà hát “ba nón lá” Bạc Liêu, vì thiết kế độc đáo, mới lạ, vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại, văn minh…”, Nhà văn Phan Trung Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ.

Cô Phan Ngọc Mai, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu), cho biết: “Mỗi khi làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách trong và ngoài nước, trong đó có nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương và các nơi đến thăm, tôi rất vui, rất hạnh phúc vì quê hương mình có công trình văn hóa Nhà hát “ba nón lá” mà hầu hết ai đến cũng rất yêu thích và chụp ảnh làm kỷ niệm…”

Còn Kiến trúc sư Vương Hoàng Lê (thuộc Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Khi nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lúc đó (năm 2013), tôi thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất giàu chất văn hóa này, tìm hiểu về bộ môn cải lương đã thấm đẫm trong dòng máu của người dân nơi đây. Với mong muốn thiết kế một công trình nhà hát truyền tải được những giá trị văn hóa, lịch sử nhưng đồng thời cũng phải thật quen thuộc, gần gũi, hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng của người nông dân trên cánh đồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phương án thiết kế. Bởi lẽ, Không gì gần gũi hơn với người dân Việt Nam là chiếc nón lá từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt và cả trong thơ ca.

Kiến trúc sư Vương Hoàng Lê cho biết thêm: “Có thể nói, Nhà hát “ba nón lá” Bạc Liêu có hình dáng đặc biệt mà giản dị, gần gũi, đó chính là tôi lấy cảm hứng từ biểu tượng của người Việt Nam. Ý tưởng và cảm hứng của tôi đã “hòa hợp” với ý tưởng, tư duy, cảm hứng của người lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thời điểm đó…”.

https://nhandan.vn/doc-dao-nha-hat-ba-non-la-o-bac-lieu-post748068.html

Khai mạc trưng bày ảnh “Hà Nội-Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á"

Đầu thế kỷ 20, từ một đô thị kiểu phương Đông cổ điển, Hà Nội có nhiều thay đổi khi tiếp thu nhiều yếu tố của văn hóa phương Tây. 30 tấm ảnh màu đầu tiên về Hà Nội những năm tháng ấy đã được giới thiệu tại biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Các đại biểu tìm hiểu về sự phát triển của đô thị Hà Nội cách đây hơn 1 thế kỷ qua những bức ảnh màu.

Chào mừng Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (12/4/1973-12/4/2023), chiều 15/4, tại khuôn viên biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), thành phố Hà Nội phối hợp chính quyền Vùng Ile-de-France (Pháp) tổ chức khai mạc trưng bày ảnh “Hà Nội-Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á".

Trưng bày giới thiệu 30 bức ảnh màu chụp trên nền kính do tác giả Léon Busy thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến 1921. Đây là những bức ảnh màu đầu tiên về Hà Nội.

30 tác phẩm mang đến công chúng những góc nhìn khác nhau về thành phố Hà Nội, giới thiệu về những con phố, những di tích lịch sử như: Đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh hay cuộc sống của người dân...

Điều dễ nhận thấy nhất trong những bức ảnh là sự chuyển mình của Hà Nội, khi ngay cả các con phố, công trình cổ bắt đầu xuất hiện những yếu tố phương Tây. Đó là chiếc đèn chùm cỡ lớn nhập khẩu trực tiếp từ Pháp trong đền Quán Thánh, những chiếc xe kéo, những áp phích báo chí bằng tiếng Pháp hay hình ảnh những cô gái Việt Nam kiêu sa với mái tóc theo kiểu macaron, đi giày có khóa lớn - phổ biến trên tạp chí thời trang Pháp những năm 1910...

Những tấm ảnh cũng giới thiệu về các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội, rất nhiều trong số đó vẫn tồn tại đến nay như: Nhà hát Lớn, Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch)…

Những bức ảnh cho thấy cho thấy một Việt Nam vừa xưa cũ, vừa đang chuyển mình để hướng tới thế kỷ XX.

Được trưng bày trong một không gian đậm “chất Pháp” - biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài, những tấm ảnh về Hà Nội trong bước chuyển mình từ một đô thị phương Đông cổ điển sang một đô thị mang ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Về địa điểm diễn ra trưng bày, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: “Đây là công trình biệt thự Pháp đầu tiên được thành phố Hà Nội trùng tu, tôn tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về quá trình hình các khu phố cũ, những ảnh hưởng, giao thoa văn hoá Pháp và Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Chúng tôi mong muốn Hội đồng vùng Ile-de-France tiếp tục quan tâm, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án Trung tâm thông tin phố cũ tại biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo-46 phố Hàng Bài”.

https://nhandan.vn/khai-mac-trung-bay-anh-ha-noi-khoi-dau-mot-do-thi-phuong-tay-o-dong-nam-a-post747967.html

Cuốn sách lý giải đầy đủ chi tiết về pháp quyền

“Về pháp quyền” có thể coi là cuốn sách lý giải đầy đủ chi tiết nhất từ trước đến nay về pháp quyền - nền tảng của sự văn minh và công bằng trong xã hội.

Pháp quyền là gì?

Pháp quyền, khái niệm đã được các học giả truy tìm lại từ giai đoạn Aristote, tạm dịch: “Quốc gia tốt hơn nên được cai trị bởi pháp luật, thay vì bởi một kẻ trong thứ dân”, và tiếp rằng “do vậy, ngay cả những kẻ được cho là người gác đền của luật pháp cũng phải tuân thủ chính thứ luật pháp đó”.

A . V. D I C EY, giáo sư về luật Anh Quốc tại Đại học Oxford, thường được biết đến như người đặt nền móng cho khái niệm “pháp quyền”.

Theo Dicey, pháp quyền được hiểu theo nhiều nghĩa: “Trước hết, thuật ngữ này nghĩa là không ai có thể bị trừng phạt hoặc phải chịu tổn thương một cách hợp pháp về thân thể hay tài sản của mình, trừ khi kẻ đó đã thực hiện hành vi vi phạm rõ ràng với thứ pháp luật được thiết lập theo phương cách pháp lý phổ thông và định rõ trước những pháp viện phổ thông xứ này.”

Nghĩa thứ hai của thuật ngữ này được giải thích như sau: “Khi nhắc đến pháp quyền như một nét đặc trưng của xứ sở này, ta không chỉ cần nhấn mạnh rằng không kẻ nào được đứng trên luật pháp, mà (theo một cách hoàn toàn khác) bất kỳ ai, không kể thứ bậc hay điều kiện, đều phải chịu khuất phục trước luật pháp phổ thông của vương quốc, và phải tuân theo quyền tài phán của các pháp viện phổ thông.” Do vậy, không ai đứng trên pháp luật, và pháp luật đó áp dụng chung cho mọi người bởi cùng một hệ thống tòa án. 

Còn theo tác giả Tom Bingham, cốt lõi của pháp quyền là mọi người và mọi cơ quan quyền lực tại một quốc gia, dù công hay tư, đều được bảo vệ và bị ràng buộc bởi các quy tắc pháp luật được tạo lập công khai, có hiệu lực chung trong tương lai và được áp dụng công khai bởi các tòa án.

Công thức mà Tom Bingham trình bày trong sách cũng được lấy cảm hứng nhiều từ Dicey. Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh thêm nó cũng nắm trọn chân lý căn bản được đúc kết bởi triết gia Anh Quốc vĩ đại John Lockei vào năm 1690 rằng: “Nơi luật pháp suy tàn cũng chính là nơi bạo quyền lên ngôi.” Đồng tình với quan điểm này, năm 1776, Tom Paineii đã nói rằng “ở Mỹ, LUẬT PHÁP CHÍNH LÀ VUA. Trong chế độ toàn trị thì Vua là luật pháp, còn ở những đất nước tự do, luật pháp và chỉ có luật pháp mới được làm Vua”.

Tác phẩm “Về pháp quyền” có gì đặc biệt?

Đây có thể coi là cuốn sách đầu tiên trên thị trường xuất bản Việt Nam cung cấp cho độc giả những thông tin đầy đủ, chi tiết và dễ tiếp thu nhất về pháp quyền.

Trong tác phẩm, Tom Bingham, một trong những bộ óc sắc bén nhất thế giới về pháp lý, đã bàn luận ý sự hình thành và nghĩa của pháp quyền. Theo ông, pháp quyền không phải là một lý thuyết khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự đảm bảo của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo cho sự hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.

Cuốn sách trình bày ngắn gọn về lịch sử các nguyên tắc pháp quyền, tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của khái niệm này, đồng thời thảo luận những căng thẳng đối với pháp quyền đến từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Sách có ba phần chính:

Phần thứ nhất, gồm hai chương đầu, bàn về tầm quan trọng của pháp quyền và một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp quyền.

Phần hai (Chương 3-10) bàn về tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của pháp quyền

Phần ba (Chương 11-12) thảo luận về những căng thẳng đối với pháp quyền từ chủ nghĩa khủng bố và nguyên tắc chủ quyền nghị viện (Anh).

Pháp quyền là nền tảng của xã hội văn minh. Và theo lời tác giả “trong một thế giới bị chia rẽ bởi những khác biệt về quốc tịch, chủng tộc, màu da, tôn giáo và của cải, pháp quyền là một trong những yếu tố vĩ đại nhất (và có thể chính là yếu tố vĩ đại nhất) giúp chúng ta đoàn kết lại”. Có thể thấy pháp quyền, luật pháp là những tri thức căn bản cần có với mỗi công dân trong xã hội, chứ không chỉ riêng ai làm trong ngành Luật.

Tác phẩm “Về pháp quyền” xuất bản lần này cũng như những tác phẩm tới đây thuộc Tủ sách kinh điển Pháp luật của Omega Plus hy vọng sẽ đáp ứng được mong muốn trau dồi tri thức lĩnh vực Luật học của độc giả trên cả nước.

ND

Trải nghiệm xe đạp công cộng

Thành phố Đà Nẵng đang triển khai thí điểm lắp đặt 61 trạm xe đạp công cộng trong thời hạn một năm với khoảng 600 xe trên địa bàn năm quận. Người dùng cài đặt ứng dụng TNGo về điện thoại, quét mã QR gắn trên xe để thuê và mở khóa xe và có thể thanh toán qua các ví điện tử.

Trạm xe đặt ở các vị trí có nhu cầu sử dụng cao.

Trong thời gian thí điểm, giá thuê mỗi lượt 5.000 đồng/30 phút và vé ngày là 50.000 đồng/ngày cho tất cả người sử dụng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 420 lượt thuê, khoảng 325 giờ, di chuyển hơn 2.100km.

Sau thời gian thí điểm, thành phố Đà Nẵng sẽ tổng kết, đánh giá và xem xét nhân rộng mô hình nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới hệ thống giao thông xanh bền vững.

Cùng đạp xe trên phố.

Nguồn: https://nhandan.vn/trai-nghiem-xe-dap-cong-cong-post746305.html

Khánh thành Nhà hát “Đó” tại Vega City Nha Trang

Ngày 1/4, tại Nha Trang, tập đoàn KDI Holdings, chủ đầu tư quần thể phức hợp nghỉ dưỡng-giải trí-nghệ thuật Vega City Nha Trang tổ chức khánh thành Nhà hát “Đó”, một công trình trọng điểm trong tổ hợp dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Nhà hát “Đó”.

Tham dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Lấy cảm hứng thiết kế từ chiếc đó - một nông cụ bắt cá dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, nhà hát “Đó” có quy mô 536 chỗ ngồi, đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe về trình diễn nghệ thuật mang đẳng cấp quốc tế.

Trong kế hoạch hoạt động, hằng ngày tại sân khấu “Đó” trình diễn vở diễn nghệ thuật “Lite Puppets - Rối mơ”, là show diễn cách tân di sản rối nước và các loại hình rối mới như rối bóng, rối dây kết hợp với dàn nhạc bản địa Đông Nam Á. Ngoài ra, đây còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động về văn hóa trong nước và khu vực.

Toàn cảnh Nhà hát “Đó”.

Trong khuôn khổ sự kiện này, tỉnh Khánh Hòa - Hội điện ảnh Việt Nam và Công ty cổ phần Vega City, thuộc tập đoàn KDI Holdings công bố thỏa thuận hợp tác phối hợp tổ chức thường niên giải thưởng Cánh diều tại Nhà hát “Đó” bắt đầu từ năm 2023.

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: Nha Trang là điểm đến du lịch, nơi nghỉ dưỡng lý tưởng được du khách trong nước và quốc tế biết đến từ lâu. Để giữ vững thương hiệu và tiếp cận các giá trị dịch vụ du lịch cao cấp của khu vực và thế giới, Nha Trang rất cần hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ, đặc biệt là các sản phẩm du lịch riêng có, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương chủ đầu tư đã xây dựng công trình nhà hát tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn chủ đầu tư Nhà hát “Đó” tiếp tục nghiên cứu văn hóa truyền thống của đất nước nhằm phát huy tốt các giá trị đặc sắc, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp tục hoàn thiện mô hình hoàn chỉnh kết hợp giữa Nhà nước với tư nhân, giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư với công chúng để tạo động lực, cảm hứng phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải cùng doanh nghiệp phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo động lực phát triển, phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Tưng bừng Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2023

Tối 24/3, tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023, với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch”.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tới dự Lễ hội.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 có quy mô 150 gian hàng với sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước, 12 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội và gần 100 đơn vị gồm các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch lữ hành, doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, làng nghề...

Trong đó, tỉnh Thanh Hóa tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa Du lịch Thanh Hóa với 17 gian hàng giới thiệu du lịch, sản phẩm OCOP và ẩm thực địa phương tại lễ hội.

So với các năm trước, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 có nhiều nét mới, sáng tạo như: Famtrip “Tìm về kinh đô người Việt cổ” tại khu di tích thành Cổ Loa; Hội chợ xúc tiến thương mại du lịch 2023 tại huyện Mỹ Đức, Famtrip “Hành trình di sản” tại Hoàng Thành Thăng Long và làng cổ Bát Tràng; Hoạt động diễu hành xích lô tái hiện nghi lễ cưới hỏi của người Hà Nội cùng các hoạt động trình diễn văn hóa, thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật sôi động...

Famtrip "Tìm về kinh đô người Việt cổ" với các câu chuyện của thành Cổ Loa.

Người dân đến với lễ hội được trải nghiệm những sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn Hà Nội như tour giả lập kết nối di sản Hoàng Thành Thăng Long-chùa Vĩnh Nghiêm-Tây Yên Tử, tour Tìm về kinh đô người Việt cổ... tại không gian phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.

Tại Lễ hội, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành còn công bố một số sản phẩm du lịch mới, xây dựng trên cơ sở những điểm di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội và các địa phương. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn tour kích cầu du lịch với mức giá ưu đãi, hàng nghìn vé máy bay khuyến mại...

Đơn cử, Công ty du lịch ANZ giảm giá 30% một số tour du lịch trong nước, quốc tế và tặng kèm voucher một số dịch vụ du lịch; Công ty Vietnamtourism Hà Nội cũng có gói giảm giá cho khách đi xe buýt 2 tầng “Hanoi City Tour”. Công ty du lịch Vietravel giới thiệu hơn 20 hành trình mới cho các tour du lịch hè-thu, có ưu đãi khuyến mại lên tới 20%... 

Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết, đơn vị đang phối hợp Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thực hiện tour du lịch học đường trong khu phố cổ; tour khám phá cổ nhạc Hà Nội... ra mắt đúng dịp lễ hội...

Các chương trình kích cầu du lịch thu hút đông đảo người dân quan tâm.

heo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, lễ hội là dịp đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tôn vinh và kết nối các di sản, phát triển các sản phẩm du lịch, thông qua đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương liên kết.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ hơn 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so năm 2022.

Để đạt được những mục tiêu này, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch Thủ đô cần thay đổi tư duy, đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, tạo sự phát triển đột phá. Phát triển du lịch phải gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải kết hợp chặt chẽ với bản sắc độc đáo, riêng có trong văn hóa, di sản của Hà Nội - Việt Nam.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng các đại biểu đi tham quan gian hàng tại Lễ hội.

“Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và hội, hiệp hội du lịch cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới; đa dạng hóa các hình thức như du lịch hội thảo, du lịch hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp các giải thi đấu thể thao…”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Với nhiều hoạt động trải nghiệm tour du lịch văn hóa, các hoạt động trình diễn quy mô đến hết ngày 26/3, Ban Tổ chức hy vọng người dân và khách quốc tế tham dự Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 sẽ có những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa.

https://nhandan.vn/tung-bung-le-hoi-du-lich-ha-noi-nam-2023-post744611.html

TIME: Luang Prabang là 1 trong những địa điểm tuyệt vời nhất thế giới

Tạp chí TIME đã gọi Luang Prabang cùng với Phuket và vùng Isan của Thái Lan, là ba địa điểm duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào danh sách các điểm đến hấp dẫn năm 2023.

Luang Prabang lọt vào danh sách các điểm đến hấp dẫn năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, nối tiếp bình chọn của nhiều ấn phẩm thế giới, mới đây trên tạp chí TIME đã gọi Luang Prabang, Lào là: “thiên đường tiềm ẩn” và đề xuất đây là một trong 50 địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới vào năm 2023.

Tờ tạp chí này cho biết Luang Prabang cùng với Phuket và vùng Isan của Thái Lan, là ba địa điểm duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào danh sách các điểm đến hấp dẫn năm 2023.

Luang Prabang là một địa điểm du lịch có thiên nhiên tươi đẹp và cảnh quan tráng lệ như thác nước màu ngọc lam, những ngôi chùa Phật giáo cổ kính hay những chuyến đi thuyền ngắm cảnh hoàng hôn trên sông Mekong là những điểm nổi bật khi đến cố đô này.

Tờ tạp chí này cũng chỉ ra rằng, “Mặc dù Luang Prabang nằm ở vị trí xa so với trung tâm thủ đô Vientiane, nhưng nơi đây từng là Cố đô và luôn thu hút được đông đảo lượng khách du lịch. Ngoài ra Luang Prabang còn là nơi có những khách sạn cổ kính từ thời Pháp thuộc như Amantaka và Sofitel Luang Prabang và đây có thể là điểm đến lý tưởng để khách du lịch nghỉ ngơi và trải nghiệm những Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Trước đó, nhiều ấn phẩm nổi tiếng trên thế giới như National Geographic, CNN, Wanderlust, Traveller của Australia… cũng đã xếp Lào là một trong những điểm du lịch hấp dẫn năm 2023./.

Nguồn: Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/time-luang-prabang-la-1-trong-nhung-dia-diem-tuyet-voi-nhat-the-gioi/852113.vnp

Life & English: Enjoy Spring

In many countries, the winters are very cold, the trees are bare, the sap is deep in the roots of the trees in the ground and the animals also find shelters for the cold days. By the fireplace, fairy tales were telling when the snow was felling outdoor, the ground was white, the sky was also white... Everything was hidden in winter, waiting for spring to come to life again.

Spring knocks on the doors in March. March 17 is St Patrick's Day, a holiday that originated in Ireland. According to legends, St Patrick was a cheerful boy, dressed in green to signal the arrival of spring and the sprouting of trees. Following in the footsteps of immigrants from Ireland, Patrick has become familiar with American residents from many other countries.Through many years, Patrick has always been a cheerful young boy like the day he first arrived in this country. On this holiday, green is the main color in festivals, creating a fresh and lively atmosphere.

A new spring is coming, the rain is still mixed with a few small snowflakes, but the color of the sun has already turned pink. Everywhere, trees, plants, animals and people are enjoying moments of spring.

- Quy Minh -

Cuốn sách chuyên khảo về quyền lập pháp

Lập pháp là một trong ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, một thiết chế được sinh ra trong lòng nhân loại một cách muộn màng nhất nhưng lại được giao trọng trách nặng nề nhất và cũng khó khăn nhất trong việc tạo nên hiệu năng cho mọi quyết sách của quốc gia.

Nhìn lại lịch sử của quyền lập pháp là một vấn đề rất lớn cả trong lý thuyết và trên thực tiễn, đòi hỏi không những phải phân tích được các dòng tư tưởng khác nhau của các tư tưởng gia, mà còn cả thực tiễn hình thành quyền lập pháp, sự tác động qua lại giữa thực tiễn và tư tưởng, và cả chiều ngược lại, sự tác động giữa tư tưởng đến thực tiễn áp dụng tại các quốc gia.

Cuốn sách chuyên khảo “Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” sẽ là tài liệu hữu ích dành cho những ai đang quan tâm đến chủ đề này; đặc biệt là nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia nghiên cứu về Luật hành chính - Hiến pháp; những độc giả, sinh viên quan tâm tới hành trình ra đời, phát triển lý luận về quyền lập pháp trên thế giới cũng như Việt Nam.

Tác phẩm do GS. TS Nguyễn Đăng Dung là Chủ biên - một chuyên gia đầu ngành của Việt Nam chuyên nghiên cứu về Luật Hiến pháp - Hành chính, hiện đang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mặc dù lập pháp là một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước nhưng mô hình của lập pháp cùng những thành tựu của lập pháp hiện đại có được như ngày nay là bắt đầu từ thời xa xưa đến cách mạng dân chủ tư sản, mà khởi đầu bằng tư tưởng của thời Hy Lạp cổ đại đến của những nhà lý thuyết phân quyền J. Locke và S. Montesquieu và của rất nhiều tác giả khác sau này.

Quyền lập pháp trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, từ tư tưởng cho đến thực tế, và cho đến khi nền dân chủ tư sản ra đời, quyền lập pháp mới được tách ra khỏi sự tập quyền của nhà vua cũng như tập quyền của các thể chế độc tài khác và giao cho thể chế dân chủ do dân trực tiếp bầu ra, với tên gọi rất khác nhau là Quốc hội, Đại hội công dân, tùy theo quy định của các quốc gia, nhưng tên gọi chung nhất vẫn là Nghị viện.

Quyền lập pháp được Hiến pháp của các quốc gia dân chủ trao cho cơ quan đại diện được nhân dân bầu ra thực hiện. Mặc dù không theo nguyên tắc phân quyền nhưng trong các Hiến pháp Việt Nam vẫn có một thiết chế do dân bầu ra có nhiệm vụ quan trọng nhất là làm luật. Khác với trước đây, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam là bản Hiến pháp đầu tiên quy định rõ quyền lập pháp thuộc về Quốc hội (Điều 69). Quyền lập pháp không chỉ giản đơn được hiểu là quyền ban hành các đạo luật, mà cần phải được hiểu rộng hơn nữa, bao gồm tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ việc thảo luận, tranh luận, thông qua các dự thảo luật, đến quyền thành lập và giám sát các cơ quan nhà nước khác.

Cuốn sách “Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013” là sự tổng hợp từ nhận thức, khái niệm cho đến những đặc điểm, cơ cấu, hình thức của hoạt động Quốc hội theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Những điều đó đã và đang được tổng hợp thành văn hóa nghị trường - những thứ mà chúng ta cần phải học hỏi, cần phải trao đổi và cần phấn đấu làm cho bằng được trong tương lai.

Tác giả cuốn sách, GS. Nguyễn Đăng Dung. là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam chuyên nghiên cứu về Luật Hiến pháp – Hành chính, hiện đang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các tác phẩm tiêu biểu: Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Lịch sử các học thuyết chính trị, Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật, Quyền lập pháp, Sự hạn chế quyền lực nhà nước...

ND