Syndicate content

Thời sự ICT

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng ngôn ngữ trên mạng

Tóm tắt: 

Sự xuất hiện của Internet đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Và từ đây, internet kéo theo một số thay đổi trong cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, trong phong cách, thói quen, sở thích,...

Sự xuất hiện của Internet đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Và từ đây, internet kéo theo một số thay đổi trong cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, trong phong cách, thói quen, sở thích,... của nhiều người. Riêng về ngôn ngữ, bên cạnh những yếu tố tích cực, tiếp cận kịp thời sự phát triển của khoa học-công nghệ, đã xuất hiện thói quen sử dụng "ngôn ngữ mạng" lệch chuẩn ở một bộ phận người dùng với nhiều hạn chế có thể tác động tiêu cực đến giới trẻ, nên sớm cần được quan tâm chấn chỉnh cho phù hợp. 

Học sinh Trường tiểu học Achimedes hào hứng với Ngày hội Ðọc sách năm 2021. (Ảnh chụp trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4)

"Ngôn ngữ mạng" là khái niệm thường được sử dụng để chỉ cách nói/cách viết được sử dụng trên môi trường mạng, chủ yếu là các địa chỉ phi chính thống như các mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, TikTok, Instagram,… đến nhiều kênh giao tiếp khác như Zalo, Viber, WhatsApp, và thường được thể hiện qua livestream, comment, chát... Gọi là phi chính thống nhưng ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cộng đồng lại vô cùng to lớn. Chính vì thế, trước tình trạng thói quen thể hiện ngôn ngữ qua các kênh kể trên của một số lượng người sử dụng không nhỏ có độ chênh nhất định so với ngôn ngữ được sử dụng như chuẩn mực giao tiếp, giảng dạy, học tập, đưa vào sách vở, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo ngại về việc các diễn đạt ngôn ngữ phi chính thống đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp thu ngôn ngữ chuẩn mực của con em mình.

Quan sát các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng thấy nhiều biểu hiện của sự lệch lạc tiếng Việt trong cách nói và cách viết, từ việc làm biến dạng vỏ từ ngữ hay cố tình viết sai chính tả, chẳng hạn: buồn viết thành bùn, luôn thành lun, rồi viết thành rùi, nhé viết thành nhóe, nhá thành ná, xinh thành xưn/xuynh/xynh, mình thành mềnh, yêu thành iu, thế thành thía,… làm sao thành nàm thao, như này thành dư lày, rồi thành dồi, sợ thành xợ, cô giáo thành kô záo, giá cả thành zá cả, trai đẹp thành zai đẹp, đẹp trai thành đập chai… Một số bạn trẻ còn tạo ra lối viết tắt từ đơn giản đến phức tạp như: chồng thành ck, vợ thành vk, trước thành trc, được thành dc, với thành vs, ha ha thành kk… Ðể tránh sự kiểm soát của phụ huynh, nhiều bạn trẻ còn tự quy ước với nhau để tạo ra cách viết chỉ hai người hoặc người trong nhóm mới hiểu được. Những lối ví von kiểu mới được nhiều người ưa dùng thoạt nhìn có dáng dấp như thành ngữ, tục ngữ nhưng thực chất đều là những đơn vị mới được giới trẻ cấu tạo và sử dụng như ngôn từ hằng ngày của họ: Buồn như con chuồn chuồn, phê như con tê tê, ác như con tê giác, chán như con gián, hổ báo trường mẫu giáo, dân chơi không sợ mưa rơi… Ða số đơn vị ngôn từ như thế chỉ liên kết về mặt hiệp vần cho vui tai chứ không có liên hệ về mặt ngữ nghĩa như các câu thành ngữ, tục ngữ cổ truyền, mẫu mực.

Cùng với việc làm méo mó, biến dạng tiếng Việt, hiện tượng chêm xen tiếng Anh vào câu chuyện hằng ngày hoặc trên các kênh giao tiếp của giới trẻ ngày càng trở nên dày đặc, các từ ngữ tiếng Anh được sử dụng với tần số cao. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo ra trở ngại khi người lớn tuổi muốn giao tiếp hoặc muốn đọc thông tin từ phía người trẻ. Nhiều đơn vị từ ngữ nay đã trở thành cửa miệng của giới trẻ như: check in, bill, deadline, online, off, live, show, sale, menu, lập team… Rồi là nói tắt, viết tắt với tiếng Anh như BWF, one for night (149)… Không chỉ có thế, việc chêm xen tiếng Anh còn bị lạm dụng trong nhiều bài hát do giới trẻ sáng tác và đã được phát tán/xuất bản một cách khá tự do trên mạng, đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ðiển hình như trường hợp một số ca sĩ có số người hâm mộ đông đảo thường xuyên sáng tác, thể hiện những ca khúc có ca từ chêm xen các câu, từ tiếng Anh. Có người viết nhạc trẻ tuổi còn "sính ngoại" đến mức không chỉ chêm xen tiếng Anh vào ca từ như "Why it’s me. Làm sao đây? trước mắt tôi là... Tell me... Khi tất cả những yêu thương sau lưng chỉ là dối trá. I can’t suffer unpredictable things you did to me" (bài: Không cần thêm một ai nữa) mà còn sử dụng cả nghệ danh "như Tây" là Mr.Siro ft. BigDaddy!

Tình trạng cách nói, cách viết tiếng Việt lệch chuẩn xuất hiện tràn lan và có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian qua đang gây nhức nhối, phản cảm, lo lắng với nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm tới việc giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ. Thực ra, không phải đến hôm nay chúng ta mới phải lên tiếng về các vấn đề liên quan tiếng Việt. Ngay từ năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng phát động phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Khi ấy, một hội thảo trang trọng được tổ chức đã quy tụ sự tham gia của rất nhiều trí thức nổi tiếng với hàng trăm báo cáo, tham luận đều xoay quanh vấn đề làm sao để nói và viết tiếng Việt ngày càng trở nên hay hơn, đúng hơn, chính xác và hấp dẫn hơn. Ðiều ấy cũng đồng nghĩa với việc tiếng Việt cần đạt được sự chuẩn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các văn bản có tính pháp quy, trong các tác phẩm được xuất bản, in ấn trên lãnh thổ Việt Nam.

Khi internet như đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, chúng ta buộc phải chấp nhận một môi trường hoạt động mới của tiếng Việt, đó là môi trường mạng cùng sự ra đời của "ngôn ngữ mạng". Về cơ bản, tiếng Việt thể hiện qua "ngôn ngữ mạng" vẫn nằm trong cơ chế chung của các quy tắc đã được cộng đồng thừa nhận về từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp. Nhưng sự quá đà của một bộ phận người sử dụng internet, nhất là giới trẻ khiến không ít người lo ngại về việc tiếng Việt mất đi vẻ đẹp chuẩn chỉ, sự trong sáng tự nhiên. Hơn thế nữa, khi trẻ em tiếp xúc với mạng internet ngày càng sớm thì ảnh hưởng của cách nói, cách viết lệch chuẩn như thế vào các tâm hồn ngây thơ, trong sáng là điều khá rõ ràng, ai cũng cảm nhận được. Nhiều phụ huynh không khỏi giật mình khi thấy con em họ mới học lớp 1, lớp 2 đã thuộc rất nhanh những câu rap ngắt nhịp với nội dung khá thô tục và suồng sã, đang bị nhiều người lên án như: "Em đừng la/liếm anh, Anh bỏ hồng/trần vì em, Không bao/giờ bế con…". Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề suốt thời gian qua, nhiều trường học phải đóng cửa, học sinh phải học online, việc truy cập vào internet là điều tất yếu, vì thế sự tiếp xúc với những cách nói cách viết thiếu chuẩn mực ngày càng lan tràn với tốc độ chóng mặt. Vậy làm thế nào để có thể giải quyết được tình trạng nêu trên?

Khi dịch bệnh còn nhiều phức tạp như hiện tại, nhiều trẻ em ở thành phố, ngoài giờ học rất dễ nguy cơ chỉ biết đắm mình trong trò chơi điện tử, phim hoạt hình, hoặc một số trang mạng xã hội. Các em thiếu đi sự định hướng trong đọc sách để mở rộng khả năng ngôn ngữ, và bị hạn chế về vận động, tương tác với môi trường bên ngoài, xa lạ trước những vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Do đó sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường càng phải được tiến hành một cách sâu sát, cụ thể. Chỉ khi đem đến cho các em vẻ đẹp đích thực của đời sống và ngôn ngữ, thì những biểu hiện lệch chuẩn mới từng bước bị đẩy lùi. Các thầy cô giáo dạy Ngữ văn trong trường phổ thông, bên cạnh các tác phẩm bắt buộc phải học trong chương trình, nên giới thiệu với học sinh các tác phẩm cần đọc, phù hợp với từng lứa tuổi của các em. Khuyến khích các em đến với tác phẩm văn học phù hợp, qua vẻ đẹp của ngôn ngữ âm nhạc, qua tục ngữ, ca dao, dân ca, đặc biệt là qua giao tiếp hằng ngày của phụ huynh và người lớn tuổi,… chúng ta có thể giúp các em cảm nhận và tiếp nhận được cái hay, cái đẹp trong tiếng nói của cha ông.

Bên cạnh đó, lối nói tắt, viết tắt, cố tình viết sai chính tả hầu như chỉ có cơ hội tồn tại trên môi trường mạng, bởi khi thực hiện bài vở trên lớp, học sinh, sinh viên vẫn phải viết theo những chuẩn mực đã được tiếp thu từ môi trường giáo dục chính thống. Cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận rằng, xét cho cùng, việc giới trẻ sử dụng tiếng Việt với nhiều lệch chuẩn chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong dòng chảy bất tận của tiếng Việt. Không vì một vài cá nhân hoặc một nhóm người mà tiếng Việt lại dễ dàng thay đổi diện mạo nghìn đời của nó. Chỉ cái hay, cái đẹp, cái hợp lý và tiện dụng mới là những thứ có cơ hội ở lại lâu dài và bền vững cùng cộng đồng. Tuy nhiên, để giảm bớt những tác động tiêu cực đến thói quen sử dụng ngôn ngữ, góp phần định hướng một cách tốt nhất cho các thế hệ con em chúng ta khi nói và viết tiếng Việt, bên cạnh sự chung tay của cả xã hội, rất cần đến sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên, các cơ quan hữu quan, các đơn vị có trách nhiệm trong việc bảo vệ, xây dựng giá trị, chuẩn mực văn hóa cho cộng đồng.

Thực tế, việc sử dụng ngôn ngữ trên mạng đã và đang có sự kiểm soát khá hiệu quả từ phía người quản lý, điều hành. Những phát ngôn, hình ảnh thiếu chuẩn mực đều bị nhắc nhở, thậm chí chủ nhân của phát ngôn, hình ảnh xấu phải chịu xử phạt với những mức độ khác nhau. Ðiều này là cần thiết và cần đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, những cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng, nhất là người nổi tiếng, cần nâng cao trách nhiệm và ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của mình trên các trang cá nhân, từ đó hỗ trợ và đem đến những tác động tích cực với xã hội nói chung, với sự phát triển của trẻ em nói riêng. Và sự nỗ lực của mỗi người sẽ tạo ra động lực để toàn xã hội thêm yêu tiếng Việt như một tình cảm tự nhiên, nhân bản, còn mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. 

Nguồn: ÐỖ ANH VŨ/nhandan.vn
https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/chan-chinh-tinh-trang-lam-dung-ngon-ngu-tren-mang-686524/
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết Nhâm Dần 2022

Tóm tắt: 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc Tết tới toàn thể đồng bào, chiến cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao từ năm cũ Tân Sửu 2021 sang Năm Mới Nhâm Dần 2022, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc Tết tới toàn thể đồng bào, chiến cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước,

Trong thời khắc thiêng liêng chào đón năm mới Nhâm Dần, tôi xúc động thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, cùng đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thương, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Tôi cũng xin gửi tới bạn bè năm châu, nhân dân các nước trên thế giới lời chúc hòa bình, hữu nghị, phồn vinh và hạnh phúc.

Nhớ lại mùa xuân Nhâm Ngọ 1942, trên báo "Việt Nam độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Nǎm này là nǎm rất vẻ vang.

Lời chúc của Bác nay tròn 80 năm. Dù lịch sử đã sang những trang mới, nhưng những phẩm chất được hun đúc từ lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự bền bỉ, giàu đức hi sinh của nhân dân ta vẫn không bao giờ thay đổi.

Năm 2021, trong những thời khắc thử thách nhất, chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp, tấm gương dấn thân vì việc nghĩa, hi sinh vì cộng đồng ở mọi tầng lớp nhân dân: Đó là những bác sĩ, y tá, chiến sĩ, tình nguyện viên không quản ngại nguy hiểm vùng dịch, để lại phía sau gia đình, cha mẹ già, con thơ; đó là những cụ già đã đem hết số tiền tiết kiệm của mình ủng hộ quỹ phòng, chống COVID-19; đó là những cháu thiếu niên, nhi đồng đã vẽ những bức tranh tuyệt đẹp, nhiều bài thơ hay, lá thư thật xúc động, bày tỏ ước mơ, tình cảm với các y bác sĩ, cũng như niềm tin về sức mạnh Việt Nam trong thử thách đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Kính chúc mọi gia đình Việt Nam thân yêu có những ngày Tết vui vẻ, đầm ấm và an toàn. Xin chúc mỗi người dân Việt Nam, đồng bào ta năm mới Nhâm Dần 2022 bình an, mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.

Trong giờ phút này, có những người con Việt Nam đang ở tuyến đầu chống dịch; các chiến sĩ ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên cương, hải đảo hay những anh chị em ở nhiều ngành nghề tiếp tục miệt mài công việc, không thể đón tết trọn vẹn bên gia đình.

Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng những nỗ lực lao động vì trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đất nước ghi nhớ những hy sinh của đồng bào, đồng chí, trân trọng tấm lòng hướng về Tổ quốc của đồng bào ta ở nước ngoài và sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế.

Chính những thử thách ấy càng tôi luyện thêm cho chúng ta sức mạnh của tinh thần đoàn kết một lòng, của ý chí và lòng kiên định, xứng đáng với phẩm chất anh hùng của cha ông chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước.

Kính chúc mọi gia đình Việt Nam thân yêu có những ngày Tết vui vẻ, đầm ấm và an toàn. Xin chúc mỗi người dân Việt Nam, đồng bào ta năm mới Nhâm Dần 2022 bình an, mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc mừng năm mới.

Nguồn: baochinhphu.vn
Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Lật tẩy website mạo danh cơ quan báo chí

Tóm tắt: 

Việc giả mạo, đưa thông tin dễ gây nhầm lẫn, hiểu sai của nhiều trang thông tin điện tử thời gian gần đây là hành vi mạo danh, đáng bị lên án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc giả mạo, đưa thông tin dễ gây nhầm lẫn, hiểu sai của nhiều trang thông tin điện tử thời gian gần đây là hành vi mạo danh, đáng bị lên án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Qua công tác rà soát và tiếp nhận thông tin, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) mới đây đã lên tiếng cảnh báo về một số trường hợp có hành vi mạo danh cơ quan báo chí. 

Theo đó, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam xác định website tại địa chỉ: https://vnexpress****.net có tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, giả mạo Báo VnExpress. 

Không chỉ vậy, website này còn thực hiện hoạt động cung cấp thông tin tổng hợp trên mạng internet khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo, cộng đồng mạng không tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ website này. VAFC sẽ chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lật tẩy website mạo danh cơ quan báo chí.

Trước đó, hồi tháng 1/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cũng đã lên tiếng cảnh báo một trường hợp website mạo danh trang chuyên mục của tờ báo nói trên. 

Cụ thể, trang “Tạp chí kinh doanh làm giàu” với địa chỉ vn-*****kinhdoanh.com đã tự nhận là chuyên mục văn hóa, giải trí của báo điện tử VnExpress (Bộ KH&CN). 

Tại phần nội dung, tạp chí online này tổng hợp rất nhiều tin bài từ báo điện tử VnExpress. Các tin bài chủ yếu viết về thông tin liên quan đến các loại dược phẩm, mỹ phẩm và nội dung làm đẹp. 

Hồi giữa tháng 8/2021, VAFC cũng xác định một trường hợp khác là website https://tuoi*tre.com/ có tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, giả mạo Báo Tuổi trẻ Online. Trang tin này thậm chí còn đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19.

Theo Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam, quá trình xác minh cho thấy, những website giả mạo các cơ quan báo chí đều có chung một cấu trúc tên miền khiến người xem dễ hiểu lầm dây là các trang tin thật. 

Đây thực ra là những trang web hoạt động như một trang thông tin điện tử tổng hợp lấy nguồn tin từ báo chí trong khi chưa được cấp giấy phép cũng như chưa được sự đồng ý trích dẫn nguồn tin từ phía cơ quan báo chí. 

Trọng Đạt/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Tỷ phú Elon Musk được tạp chí Time (Mỹ) chọn là Nhân vật của năm 2021

Tóm tắt: 

Tạp chí uy tín Time của Mỹ ngày 13/12 đã chọn Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla, Tỷ phú Elon Musk, là Nhân vật của năm 2021.

Tạp chí uy tín Time của Mỹ ngày 13/12 đã chọn Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla, Tỷ phú Elon Musk, là Nhân vật của năm 2021.

Tỷ phú Elon Musk tại một sự kiện ở Berlin, Đức ngày 1/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ phú Elon Musk sinh năm 1971 tại Nam Phi. Ngoài việc điều hành Tesla, ông còn là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, công ty phát triển chip Neuralink và công ty dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng The Boring Company.

Ngoài việc theo đuổi công việc kinh doanh chính của mình, tỷ phú Musk đang theo đuổi một hệ thống giao thông tốc độ cao được gọi là Hyperloop. Ông nói rằng các mục tiêu của SpaceX, Tesla và SolarCity xoay quanh tầm nhìn của ông là "thay đổi thế giới và giúp đỡ nhân loại".

Mục tiêu của ông bao gồm giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua sản xuất và tiêu thụ năng lượng bền vững, làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của con người bằng cách thiết lập một thuộc địa của con người trên sao Hỏa.

Việc cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng mạnh đã giúp giá trị tài sản ròng của tỷ phú Elon Musk vượt mốc 300 tỷ USD trên bảng xếp hạng của Bloomberg.

Theo bảng xếp hạng tài sản các tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index) cập nhật ngày 29/10/2021, ông Musk hiện tại có tài sản 302 tỷ USD, nhiều hơn người giàu thứ hai thế giới là tỷ phú Jeff Bezos tới hơn 100 tỷ USD.

Ông Musk hiện cũng giàu gấp đôi các nhân vật tên tuổi khác như Bill Gates hay Mark Zuckerberg hay Lawrence Edward Page (nhà đồng sáng lập Google).     

Năm 2020, Tổng thống và Phó Tổng thống hiện tại của Mỹ, ông Joe Biden và bà Kamala Harris, là những người chiến thắng trong đề cử Nhân vật của năm của tạp chí Time. Trước đó một năm, tạp chí đã trao danh hiệu này cho nhà hoạt động sinh thái Greta Thunberg./.

Nguồn: Phan An/TTXVN

https://bnews.vn/ty-phu-elon-musk-duoc-tap-chi-time-my-chon-la-nhan-vat-cua-nam-2021/224680.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Đẩy mạnh chuyển đổi số để làm lợi thiết thực cho người dân, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước

Tóm tắt: 

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường trong chuyển đổi số...

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường trong chuyển đổi số, làm lợi thiết thực cho người dân, tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng nghe đại diện doanh nghiệp thuyết trình sản phẩm công nghệ tại sự kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 11/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III.

Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngay trước Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam- ngày 12/12 hằng năm.

Cùng dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương…

Đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số

Đây là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”. Các diễn giả đã tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng...

Thủ tướng và các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho tới nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Cũng trong năm nay, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu hướng vào việc giải các “bài toán” Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi số mạnh mẽ, với một thị trường trẻ, đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới; nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021, đồng thời công bố lần thứ nhất các nền tảng chuyển đổi số quốc gia để tạo nền móng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. 35 nền tảng đã được giao cho từng doanh nghiệp xây dựng, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

“Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những doanh nghiệp vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định: Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu đã thể hiện cam kết mạnh mẽ. Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban sau khi được kiện toàn ngày 30/11/2021 đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận của Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ đó đề ra kế hoạch cụ thể cho năm 2022. Theo Bộ trưởng, các chỉ đạo, các định hướng của Thủ tướng Chính phủ về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, đổi mới sáng tạo số và doanh nghiệp số sẽ là kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp số.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện thể chế để xây dựng quốc gia số có vai trò rất quan trọng, thể chế cần đi trước, phát huy vai trò kiến tạo. Phân tích những thách thức trong quá trình này, ông Huy nhấn mạnh, cần cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi ban hành các chính sách và trong trường hợp cần thiết, có thể ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát, một số chính sách tại Việt Nam đã được ban hành theo hướng này. Rất nhiều quốc gia tuy hạn chế tiềm lực, nhưng có bước đi phù hợp, đặc biệt là trong hoàn thiện thể chế đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế, ông Lê Quang Huy nhận định.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, phát triển xanh; phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan tới chuyển đổi số, chúng ta cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu một số suy nghĩ về chuyển đổi số với quan điểm “cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Qua Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy các doanh nghiệp, người dân và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc, tham gia tích cực để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, phù hợp với tình hình và yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, góp phần làm lợi cho người dân, đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ trăn trở, lo lắng bởi trong quá trình chuyển đổi số, các mục tiêu có tham vọng lớn, yêu cầu cao, nhưng thời gian rất có hạn. “Giải quyết mâu thuẫn này thế nào để tại diễn đàn sang năm, các sản phẩm có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn, người dân được lợi hơn, đây là thách thức lớn trong điều kiện hiện nay. Năm 2022 mà các sản phẩm không tốt hơn năm nay thì diễn đàn có hoành tráng đến mấy cũng không vui, không xứng đáng với mong mỏi của nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một số định hướng lớn trong chuyển đối số.

Theo đó, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Do đó, chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. Trong chuyển đổi số, chúng ta phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng và đột phá.

Trả lời câu hỏi: "Chuyển đổi số tham gia những vấn đề gì", Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động chuyển đổi số phải tham gia tích cực vào một số lĩnh vực, tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, phát triển xanh; phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…

Thủ tướng lưu ý, phải tránh cả hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. “Đường gần mấy không đi thì không bao giờ đến, đường xa đến mấy mà đi ắt sẽ đến”, Thủ tướng chia sẻ.

Nhắc lại yêu cầu triển khai các chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng, đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng dữ liệu về truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cấp bách chuyển đổi số trong một số lĩnh vực

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số. “Nếu không có thể chế phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển. Thể chế không thể phủ hết các trường hợp, các góc cạnh của cuộc sống nên phải hết sức chủ động, linh hoạt, phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Thể chế cần ở đâu thì làm ở đó, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, thiếu hụt ở đâu thì bù đắp ở đó”, Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, tăng cường vai trò của quản lý nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Các cơ quan Nhà nước tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, huy động nguồn lực, đánh giá, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật… Điều này phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, tương tác, hợp tác, chia sẻ và thấu hiểu, cảm thông giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp một cách hết sức chủ động, tích cực.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có công dân số thì Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số không thể phát triển. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp để huy động nguồn tài chính theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Thứ năm, chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ mới, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. “Đổi mới sáng tạo không tách rời việc kế thừa. Đổi mới sáng tạo có động lực từ khó khăn, thách thức và đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình. Đổi mới sáng tạo phải bám sát thực tiễn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ thứ sáu là phát triển hạ tầng số, dữ liệu và quản trị số. Nhấn mạnh vai trò của dữ liệu và chỉ ra một số bất cập trong việc xây dựng và kết nối dữ liệu tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo, dữ liệu cần được tích lũy, tập hợp, xây dựng, lưu trữ và khai thác có hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu, cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu để phục vụ tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Nhân dịp này, nhắc lại yêu cầu triển khai các chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Thủ tướng lưu ý cần chú trọng, đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng dữ liệu về truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc, về các di sản, danh lam thắng cảnh của đất nước…, từ đó, phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Thủ tướng cũng nêu rõ, cần cấp bách thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, đất đai, logistics, giáo dục và đào tạo…

Tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Gửi lời chúc mừng các cơ quan, doanh nghiệp tham dự sự kiện, nhất là các doanh nghiệp đạt giải thưởng cao lần này, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều có “tư tưởng đã thông, quyết tâm đã cao”, trong thời gian tới, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, góp phần thực hiện mục đích cuối cùng, điều khát khao lớn nhất của cả dân tộc ta là nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Nguồn: Hà Văn/baochinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Day-manh-chuyen-doi-so-de-lam-loi-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-giai-quyet-nhung-van-de-lon-cua-dat-nuoc/455784.vgp

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Hơn 200 tờ báo kiện Facebook, Google gián tiếp làm giảm doanh thu quảng cáo

Tóm tắt: 

Kể từ khi xuất hiện các nền tảng như Facebook và Google, doanh thu của nhiều tờ báo truyền thống và báo điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là lý do khiến nhiều tờ báo muốn đâm đơn kiện hai ông lớn Facebook và Google.

Kể từ khi xuất hiện các nền tảng như Facebook và Google, doanh thu của nhiều tờ báo truyền thống và báo điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là lý do khiến nhiều tờ báo muốn đâm đơn kiện hai ông lớn Facebook và Google.

Trong thập kỷ qua, các tờ báo đã chứng kiến nguồn lực của họ bị thu hẹp đáng kể khi những công ty như Google hút hết doanh thu quảng cáo. Và bây giờ họ đang kiện các công ty Internet để đòi lại những gì họ đáng được nhận.

Theo trang Axios, khoảng 200 tờ báo đã đâm đơn kiện tập thể Google và Facebook, đồng thời cáo buộc các gã khổng lồ công nghệ đã thao túng thị trường quảng cáo một cách không công bằng và gây thiệt hại trực tiếp cho các ấn phẩm của họ.

Vụ kiện có sự tham gia của rất nhiều luật sư và các công ty luật khác nhau. Phía nguyên đơn đại diện gồm khoảng 30 công ty. Đây là các công ty đại diện cho khoảng 200 tờ báo riêng biệt.

Vụ kiện sau đó đã được hợp nhất ở bang New York và mọi lời bào chữa, phán quyết của các công ty sẽ đều có chung hiệu lực trong phiên tòa này.

Sử dụng các lập luận tương tự được đưa ra trong một vụ kiện của Bộ trưởng Tư pháp bang Texas hồi năm ngoái, các cơ quan pháp lý về cơ bản cáo buộc Google và Facebook độc quyền thị trường quảng cáo kỹ thuật số thông qua các hoạt động bất hợp pháp. Phía nguyên đơn mong muốn các công ty này bù đắp những thiệt hại trong quá khứ cho ngành báo chí, thông qua các khoản thanh toán tương xứng với số tiền đã bị các công ty này lấy mất.

Nếu các tờ báo giành chiến thắng, họ có thể được hưởng một khoản tiền đáng kể nhờ mức đền bù gấp 3 lần mức thiệt hại.

Doug Reynolds, đối tác quản lý của HD Media, một trong những công ty khởi kiện cho biết: “Những công ty này mạnh hơn Standard Oil trong thời kỳ hoàng kim. Vì vậy không ai muốn trở thành người đầu tiên đi kiện họ”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Wall Street Journal, Reynolds tiết lộ: “Chúng tôi cảm thấy môi trường chính trị và luật pháp đang có lợi cho chúng tôi và vì thế chúng tôi sẵn sàng tiếp tục”.

Sự bất bình của các tờ báo lớn đối với các công ty Internet không phải không có nguyên nhân. Một nghiên cứu của Pew Research từ năm ngoái cho thấy, doanh thu từ quảng cáo của ngành đã giảm đáng kinh ngạc 62% trong thập kỷ qua, giảm từ 37,8 tỷ USD năm 2008 xuống còn 14,3 tỷ USD vào năm 2018.

Trong khi đó, việc làm ở các tòa soạn giảm một nửa và quy mô phát hành báo cũng giảm theo với số lượng phát hành trong tuần giảm từ tổng hơn 50 triệu đơn vị trong năm 2007 xuống còn khoảng 28 triệu vào năm 2018.

Trong khi đó, các công ty như Google lại kiếm được khá nhiều tiền, phần lớn là thông qua doanh thu quảng cáo. Riêng trong năm 2020, Alphabet, công ty mẹ của Google đã kiếm được 183 tỷ USD với hơn 80% đến từ hoạt động kinh doanh quảng cáo.

Tất nhiên, Google không nhận thấy mối tương quan giữa thành công của công ty và tình trạng suy giảm doanh thu quảng cáo của nhiều tờ báo ở Mỹ. Khi được Gizmodo hỏi, người phát ngôn của Google đã chia sẻ:

“Những tuyên bố này là sai. Không gian quảng cáo trực tuyến đông đúc và cạnh tranh, phí công nghệ quảng cáo của chúng tôi thấp hơn mức trung bình được báo cáo trong ngành và các nhà xuất bản giữ phần lớn doanh thu kiếm được khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi là một trong những nhà hỗ trợ tài chính hàng đầu thế giới cho ngành báo chí và đã chi hàng tỷ đô la để hỗ trợ chất lượng báo chí trong thời đại kỹ thuật số”.

Đúng là Google đã chi khá nhiều tiền cho các học bổng báo chí và các sáng kiến khác liên quan đến tin tức. Nhưng đó chỉ là một khoản nhỏ so với doanh thu quảng cáo của Google.

Theo Gizmodo/hanoitv.vn

https://hanoitv.vn/hon-200-to-bao-kien-facebook-google-gian-tiep-lam-giam-doanh-thu-quang-cao-d183231.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Bảo đảm điện và sóng viễn thông cho các vùng sâu, vùng xa

Tóm tắt: 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dưới tác động của đại dịch COVID-19 chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dưới tác động của đại dịch COVID-19 chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và giải pháp đặc biệt, phù hợp, linh hoạt, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong kỷ nguyên số". Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới. Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc CMCN lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương

Cùng với dịch bệnh và một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Thủ tướng nêu rõ đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.

"Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và phát triển KT-XH thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.

Thủ tướng nêu một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19 như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vaccine và thuốc điều trị.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số (CĐS); xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh CNH-HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.

Về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng nêu những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. "Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội".

Theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông… "Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…", Thủ tướng nêu ví dụ. Cùng với đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh CĐS.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Cũng tại phiên Diễn đàn cấp cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.

Thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNH, HĐH cần phải tập trung giải quyết để đạt được các mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Toàn cảnh phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về CMCN lần thứ 4

Thúc đẩy phục hồi với 3 chữ "C"

Bà Mary Hallward-Driemeier, Cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) cho biết sự gián đoạn do COVID-19 nhấn mạnh giá trị của khả năng thích ứng cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu GVC - mở ra cơ hội để đa dạng hóa hơn, đồng thời dấy lên các cuộc tranh luận về mức độ của việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trở lại quốc gia ban đầu (on-shoring).

Bà Mary Hallward-Driemeier phát biểu tại phiên toàn thể

Vì vậy, tăng cường môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ cần được đưa vào nội dung của chương trình nghị sự về Công nghiệp 4.0 - xóa bỏ các hạn chế đối với thương mại dịch vụ, thúc đẩy áp dụng và đào tạo công nghệ, đồng thời giải quyết các hạn chế trong những dịch vụ hỗ trợ chính có tác động lan tỏa lớn đến nhiều hoạt động hơn.

Theo bà Mary Hallward-Driemeier, cần lưu ý 3 chữ "C" trong tiếng Anh: khả năng cạnh tranh (Competitiveness); năng lực (Capabilities) và tính kết nối (Connectedness).

Về khả năng cạnh tranh, bà Mary lưu ý có nhiều giải pháp để mở rộng cơ hội trong các dịch vụ mà sẽ là động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp - và của chính các ngành dịch vụ này. Thay đổi công nghệ đang đến với nhiều lĩnh vực mà Việt Nam xuất khẩu - điện tử, máy móc, phụ tùng ô tô, mặc dù ít hơn trong hàng may mặc - nhưng tất cả đều là GVC tích hợp cao nên có thể bị ảnh hưởng bởi một số thay đổi về địa điểm của dự án đầu tư mới

Chất lượng của các dịch vụ chuyên nghiệp có thể được tăng cường và tạo ra sự lan tỏa lớn hơn cho nền kinh tế. Việt Nam còn nhiều quy định hạn chế trong kinh doanh dịch vụ, bao gồm cả đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI

Về năng lực, cần có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận công nghệ trong nội dung của các chính sách KHCN và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam. Điều chỉnh các công cụ hỗ trợ dịch vụ cũng như sản xuất công nghiệp, tăng cường khả năng thiết kế và NC&PT sẽ giúp chuyển sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn

Nhưng theo bà Mary, nên tập trung hơn vào thúc đẩy áp dụng công nghệ để các DN nhỏ và vừa có thể để trở thành nhà cung cấp và có nhiều cơ hội phát triển bao trùm hơn. Nâng cao năng lực quản lý – năng động hơn, xử lý những thay đổi trên thị trường và thúc đẩy áp dụng các cách thức sản xuất mới.

Về tính kết nối, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, điều quan trọng là đảm bảo ngành logistic phát triển vững mạnh và duy trì sự kết nối với các trung tâm sản xuất. Việc mở rộng áp dụng công nghệ số trong sản xuất và trong các dịch vụ hậu sản xuất sẽ yêu cầu các dịch vụ CNTT phát triển và giá cả hợp lý.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy nền kinh tế số trong quá trình phục hồi sau COVID và áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xanh.

Tăng cường đổi mới sáng tạo (ĐMST)

Thứ trưởng Bộ KHCN và Truyền thông Hàn Quốc, Yong Hongtaek chia sẻ 3 nội dung cần thiết để có thể phục hồi, phát triển kinh tế sau COVID-19.

Thứ trưởng Yong Hongtaek: ĐMST, KHCN sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai

Trước hết, Thứ trưởng Yong Hongtaek cho rằng cần tăng cường ĐMST, KHCN sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai, cho phép các nhà khoa học trẻ tạo ra những sản phẩm thiết yếu cho xã hội.

Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, bổ sung ngân sách cho các nhà khoa học để họ có thể giám chấp nhận thử thách, giám chấp nhận rủi ro để thành lập các startup từ phòng thí nghiệm mà không sợ phải thất bại. Dựa trên quỹ thương mại hoá các công nghệ có trị giá 20 tỷ won, Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ cho sự phát triển ổn định, liên tục trong giai đoạn đầu của startup từ phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, trong năm nay Hàn Quốc còn phân bổ hỗ trợ cho các startup và công ty mạo hiểm trong lĩnh vực KHCN và CNTT-TT với trị giá 208,5 tỷ won, tức là tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2018 và khoản hỗ trợ này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch xây dựng và ban hành các chính sách để giảm bớt gánh nặng và lo toan cho các nhà khoa học, kỹ sư trẻ để đảm bảo họ có thể có điều kiện theo đuổi định hướng họ đã lựa chọn.

Thứ hai là cần phải chuẩn bị cho quá trình CĐS. Để chủ động với những biến động hiện nay, Hàn Quốc đã tuyên bố chuyển sang nền kinh tế dữ liệu. Hàn Quốc cũng đã triển khai dự án đập dữ liệu, coi đó là một phần quan trọng của sáng kiến kỹ thuật số mới.

Thứ ba là phát triển các cụm về đổi mới sáng tạo mà Hàn Quốc gọi là các đặc khu nghiên cứu và phát triển ở Hàn Quốc.

Thứ trưởng Yong Hongtaek nhấn mạnh cả ba chính sách này có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau và cần được kết nối chặt chẽ, mang tính chất tương hỗ với nhau. "Khi kết quả nghiên cứu KHCN, tạo ra sản phẩm, dịch vụ thông qua quá trình thương mại hoá thì công nghệ số sẽ thúc đẩy tốc độ đổi mới nhanh hơn nữa trong từng giai đoạn khác nhau".

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen: Việt Nam có vị thế để hưởng lợi từ CMCN 4.0

Cũng với ba đề xuất, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đi tiên phong về xuất khẩu quốc gia, không chỉ tập trung vào ngành sản xuất (manufacturing) mà quan trọng là tạo ra cơ hội để các DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tiếp cận các thị trường mới.

Quá trình CĐS đang thay đổi cấu trúc kinh tế xã hội căn bản và Việt Nam có vị thế để hưởng lợi từ CMCN 4.0 nhưng theo bà Caitlin Wiesen phải ý thức về những rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ số khi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khó tiếp cận với dịch vụ số.

Bà Catheline cũng đề cập cần nâng cao năng lực ĐMST, nhấn mạnh mô hình quản trị với 3 chữ A dự báo, uyển chuyển và thích ứng. Đây là nhu cầu cao hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay.

Thống đốc bang Utah Spencer J.Cox cho biết để khôi phục sau COVID, bang Utah quan tâm ưu tiên 3 lĩnh vực: đảm bảo sức khoẻ của người dân nhờ tiêm chủng càng nhanh càng tốt. Khi người dân được bảo vệ sức khoẻ, người dân sẽ tin tưởng vào hồi phục kinh tế và họ có thể làm được những điều tốt nhất cho gia đình và bang để đóng góp nhiều hơn.

Thống đốc bang Utah Spencer J.Cox: cần tăng cường cho giáo dục và đào tạo để phục hồi

Tiếp theo, bang Utah tập trung củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế, có nghĩa không chỉ dừng phát triển kinh tế mà tập trung vào phát triển bao trùm các lĩnh vực và tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển ngành sản xuất, dịch vụ tài chính, nông nghiệp và đảm bảo mỗi ngành kinh tế của bang đều phát triển mạnh mẽ và sự cổng hưởng của các nền kinh tế sẽ giúp bang vượt qua ảnh hưởng của đại dịch tốt hơn.

Bang Utah cũng tập trung cho giáo dục và đào tạo, đảm bảo giới trẻ được trang bị các kỹ năng để đảm nhận được các vị trí việc làm trong tương lai… Đó là lý do tại sao người dân Utah có trình độ cao trong các lĩnh vực KHCN và tài chính, trong khi người dân có thể nói được nhiều ngôn ngữ…/.

Theo ictvietnam.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Chính phủ dẫn dắt để người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số

Tóm tắt: 

Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu...

Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Chính phủ sẽ định hướng, dẫn dắt quá trình này để huy động hợp tác công-tư, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của sự phát triển.

Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 24/11 (giờ địa phương), tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng cùng với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia. Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng cho biết: Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, Việt Nam tiến hành chuyển đổi số theo cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công- tư.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…; khả năng thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt.  Các bạn bè, đối tác quốc tế đều ủng hộ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, vừa là động lực thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn.

Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể.

Việt Nam đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông đảo, nhanh nhạy và giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh.

Đại diện các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chuyển đổi số của Nhật Bản tại cuộc gặp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với chương trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…, hướng tới mục tiêu cuối cùng là ấm no và hạnh phúc của người dân, phù hợp với xu thế thế giới. Việc hợp tác chuyển đổi số cũng góp phần giúp Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đây là việc rất quan trọng, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi thể chế phù hợp. 

Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số... “Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, dành nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số; đầu tư về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Về một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm, Thủ tướng chia sẻ chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.

“Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”, Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 20 năm, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%, nhưng chỉ 1 quý trong dịch COVID-19, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 24%. Việt Nam có 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn trung bình của OECD (hơn 60%). “Có thể nói, nhiều việc trong 10 năm, 5 năm đã được thực hiện trong 1 năm”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Nhấn mạnh một đặc điểm của tài nguyên dữ liệu là càng nhiều người dùng càng sinh ra dữ liệu, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển dữ liệu, đạt mục tiêu lọt vào tốp 50 quốc gia dữ liệu mở vào năm 2025, tốp 30 vào năm 2030. Chính phủ có nhiều hỗ trợ  các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về nhân lực, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin và trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần 2-2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như thí điểm xây dựng các chuyên ngành về chuyển đổi số, đào tạo hoàn toàn trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành Việt Nam cùng lãnh đạo các tập đoàn Nhật Bản tại cuộc gặp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, theo đó, mục tiêu tới năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình  và tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tích cực tham gia vào quá trình này.

Nguồn: Hà Văn/baochinhphu.vn

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Chinh-phu-dan-dat-de-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-tham-gia-chuyen-doi-so/453922.vgp

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Facebook: Đã đến lúc phải thay đổi

Tóm tắt: 

CEO Mark Zuckerberg cho rằng việc đổi tên thương hiệu là nhằm củng cố vị thế của “gã khổng lồ” truyền thông xã hội về “metaverse”, thứ mà ông Zuckerberg coi là tương lai của Internet.

CEO Mark Zuckerberg cho rằng việc đổi tên thương hiệu là nhằm củng cố vị thế của “gã khổng lồ” truyền thông xã hội về “metaverse”, thứ mà ông Zuckerberg coi là tương lai của Internet.

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị Facebook Connect ngày 28/10, Facebook- công ty mẹ sở hữu mạng xã hội cùng tên và các ứng dụng đình đám khác như Instagram và WhatsApp - cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta. Động thái này phản ánh tham vọng ngày một lớn của “gã khổng lồ” nước Mỹ, nhằm hướng tới thế giới “metaverse” (vũ trụ ảo), vượt khỏi phạm vi mạng xã hội hiện tại.   

Facebook, Instagram và WhatsApp – những ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook đang được hàng tỷ người sử dụng trên toàn thế giới - sẽ vẫn giữ nguyên tên hiện có, bất chấp việc công ty mẹ thay đổi nhận diện thương hiệu.

Tên mới của Facebook lấy cảm hứng từ “metaverse”, mô tả tầm nhìn làm việc và giải trí trong thế giới ảo. Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook (và sắp tới là Meta) Mark Zuckerberg cho biết: “Mọi người đang nhìn nhận chúng tôi như một công ty mạng xã hội, song chúng tôi thực sự là một công ty phát triển công nghệ để kết nối mọi người và ‘metaverse’ là mặt trận tiếp theo, giống với mạng xã hội khi chúng tôi vừa bắt đầu”. 

Ông Mark Zuckerberg nói thêm: "Chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học từ việc giải quyết các vấn đề xã hội và trong nền tảng đóng, giờ là lúc tận dụng mọi thứ chúng tôi đang có và hướng tới xây dựng chương mới. Các ứng dụng và tên nhãn hiệu của chúng tôi vẫn vậy, không có thay đổi". 

* Vậy, “metaverse” là gì? 

Thuật ngữ "metaverse" lần đầu được nhắc đến năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học Snow Crash của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson. Đây là "một vũ trụ do máy tính tạo ra", tồn tại song song với đời thật. Trong đó, ông đề cập đến một thế giới ảo 3D, nơi mọi người đều có nhân vật đại diện thay thế. 

Còn trong lĩnh vực phim ảnh, bộ phim khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2018 có tên "Ready Player One" là một ví dụ rõ ràng hơn. 

Nếu hiểu theo nghĩa đen thì meta có nghĩa là "vượt ra ngoài”, còn verse là viết tắt của từ Universe tạm hiểu là "vũ trụ". Do đó, chúng ta có thể hiểu đơn giản “metaverse” là một khái niệm nằm ngoài vũ trụ thực. “Metaverse” có thể được xem như là một thế giới mở, người tham gia có thể xây dựng và sống trong thế giới đó.

Thuật ngữ này có thể đề cập đến một không gian kỹ thuật số được các công nghệ như thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) làm cho sống động hơn.

Theo nhật báo SCMP, khái niệm "metaverse" càng trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19, khi nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính ngành công nghiệp “metaverse” sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. 

Nói một cách đơn giản, Facebook hình dung “metaverse” sẽ là nơi kết nối chéo giữa web và các thiết bị VR, để người dùng có thể chuyển đổi liền mạch từ Facebook sang một thế giới số khác được tạo ra bởi các công ty công nghệ khác như Google, Apple hoặc một nhà phát hành game lớn.

Microsoft cũng đã đề cập đến việc hội tụ thế giới kỹ thuật số và vật lý và công ty đang âm thầm có những bước tiến lớn về AI và thực tế hỗn hợp, để giúp các công ty bắt đầu phát triển ứng dụng “metaverse”.

Một số công ty game nổi danh như Roblox hay Epic Games cũng tự mô tả hoặc coi mình là một phần của “metaverse”. Thậm chí vào tháng 9 vừa qua, hàng triệu người đã xem nữ ca sĩ Ariana Grande biểu diễn ảo trong game Fortnite của Epic Games.

Các công ty thời trang lớn nhất thế giới cũng đã thử nghiệm sản xuất quần áo ảo, thứ mà mọi người có thể mặc cho nhân vật đại diện (avatar) của mình trong môi trường “metaverse”. 

Có thể nói, “metaverse” được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Những người ủng hộ cho rằng “metaverse” sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh khổng lồ như bán hàng và dịch vụ kỹ thuật số.  

* Cái tên mang tham vọng mới

Trở lại với Facebook, trong báo cáo tài chính quý III/2021, lần đầu tiên Facebook tách biệt bộ phận “metaverse” với tên gọi bộ phận Facebook Reality Labs.

CEO Zuckerberg bày tỏ hy vọng rằng thập kỷ tới, “metaverse” sẽ tiếp cận 1 tỷ người dùng, giao dịch hàng trăm tỷ USD thương mại điện tử, hỗ trợ việc làm cho hàng triệu tác giả và nhà phát triển.

Trước đó, Facebook đã công bố kế hoạch thuê 10.000 lao động ở Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng “metaverse”. Công ty này cũng thông báo kế hoạch chi 10 tỷ USD trong năm 2022 để phát triển các công nghệ cần thiết trong xây dựng “metaverse”.

CEO Zuckerberg dự báo đây là chặng đường dài và các khái niệm về “metaverse” sẽ phổ biến trong 5-10 năm tới. Công ty sẽ phải đầu tư nhiều tỷ USD trước khi “metaverse” đạt quy mô lớn. 

Đã có ý kiến cho rằng việc công ty mẹ Facebook thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực để đánh lạc hướng dư luận khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook liên quan đến Cambridge Analytica, bao gồm việc biết rõ tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lời; kiểm duyệt không chặt chẽ các nội dung sai lệch và gây thù hận, hay cách những những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch... 

Tuy nhiên, ông Zuckerberg cho rằng thương hiệu Facebook đã bị gắn quá chặt với một sản phẩm là mạng xã hội, vì vậy thương hiệu này có thể là rào cản để phát triển các dự án khác tương lai của công ty. Việc đổi tên thương hiệu là nhằm củng cố vị thế của “gã khổng lồ” truyền thông xã hội về “metaverse”, thứ mà ông Zuckerberg coi là tương lai của Internet.

CEO Zuckerberg cũng chia sẻ thêm rằng ông đã từng suy nghĩ về việc đổi thương hiệu công ty kể từ khi Facebook mua lại Instagram và WhatsApp vào năm 2012 và 2014, nhưng tới đầu năm nay vị CEO này mới nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi./.  

Nguồn: Phương Nga (Tổng Hợp)/bnews.vn

https://bnews.vn/facebook-da-den-luc-phai-thay-doi/219044.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT

Ông chủ Amazon và ba bài học cho báo chí

Tóm tắt: 

Với kinh nghiệm chinh chiến hàng chục năm trong ngành công nghệ, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã áp dụng thành công cho tờ The Washington Post của mình.

Với kinh nghiệm chinh chiến hàng chục năm trong ngành công nghệ, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã áp dụng thành công cho tờ The Washington Post của mình.

Năm 2013, ông Jeff Bezos mua lại The Washington Post với giá 250 triệu USD. Thời điểm đó, quyết định của CEO Amazon làm rung chuyển cả ngành báo chí lẫn giới quan sát công nghệ, những người xem The Washington Post là một tờ báo đang “chết mòn”.

Chỉ một năm trước khi ra quyết định thâu tóm The Washington Post, ông Bezos trả lời trên tờ Berliner Zeitung của Đức rằng: “Sẽ không có báo in trong 20 năm nữa”. Dù The Washington Post có bán báo in vào năm 2032 nữa hay không, những ảnh hưởng của ông Bezos với tờ báo này là không thể chối cãi.

Ông Marty Baron, người phụ trách phòng tin tức của Washington Post từ khi ông Bezos mua lại tờ báo, chia sẻ tỷ phú công nghệ đã thay đổi căn bản chiến lược của báo. Đó là từ một hãng tin tức tập trung chủ yếu vào khu vực của mình thành một tổ chức tin tức quốc gia, thậm chí quốc tế. Với hiểu biết tinh tế về hành vi tiêu dùng, ông Bezos đã giúp The Washington Post thắng lợi.

Sau khi được mua lại, mọi thứ tại The Wasington Post đã cải thiện rất nhiều. Nhờ được bơm vốn, số nhân viên tăng từ 580 lên hơn 1.000 người kể từ năm 2013. Số người dùng trả phí chạm mốc 3 triệu vào năm 2020. Từ một tờ báo lỗ trong khủng hoảng tài chính 2008, The Washington Post có lãi từ năm 2016.

Ông Baron không nghĩ tờ báo có thể thành công nếu thiếu ông Bezos. “Ông ấy cung cấp tiền đầu tư, cung cấp chiến lược, ý tưởng hay, ông ấy nhìn vào ngành công nghiệp với một cái nhìn tươi mới, khác biệt với phần lớn ông chủ hay nhà xuất bản nào khác tôi từng làm việc”. Ông Bezos cũng chưa bao giờ xem The Washington Post như một tổ chức từ thiện, mà là một doanh nghiệp.

The Washington Post "lột xác" hoàn toàn dưới thời tỷ phú Jeff Bezos.

Ưu tiên số hóa trong chuyển đổi doanh nghiệp

Khi nhận được đề nghị mua lại The Washington Post, ông Bezos đáp ông không có kiến thức gì về báo chí. Tuy nhiên, Donald Graham, con trai của Katharine Graham – huyền thoại báo chí, người dẫn dắt The Washington Post từ năm 1969 tới 1979 – giải thích ông sở hữu một thứ còn quan trọng hơn nhiều: đó là làm chủ Internet.

Khi gia đình Graham nhìn vào tương lai của tờ báo, họ nhận ra thiếu hiểu biết công nghệ là một bất lợi. Họ đã liên hệ với các nhân vật nổi tiếng khác như Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg, hỏi họ làm thế nào để thích ứng với kỷ nguyên số. Tuy nhiên, chỉ cuộc trò chuyện với ông Bezos mới thực sự thuyết phục gia đình Graham – chủ nhân lâu đời của The Washington Post – bán đi tài sản này.

Ông Graham nhận xét một ông chủ có hiểu biết sâu rộng về tương lai, công nghệ, về những cách truyền tải thông tin tới độc giả là một điểm cộng lớn. Quyết định chứng minh tất cả đã đúng. Trong ba năm đầu làm chủ, ông Bezos đã tăng gấp đôi lượng truy cập của tờ báo và tờ báo còn có lãi. Ông tuyển dụng hàng loạt nhân tài công nghệ và bảo đảm tờ báo hoạt động trên các nền tảng mới nổi như Reddit, TikTok. Jarrod Dicker, Phó Chủ tịch Thương mại của báo, thậm chí gọi báo là “doanh nghiệp công nghệ 100%”.

Là một doanh nhân công nghệ, ông Bezos mang hàng chục năm kinh nghiệm và kiến thức vào The Washington Post. Tại Amazon, mọi thứ đều được đo lường, tối ưu hóa, tập trung vào tận dụng công nghệ hiệu suất cao. Vài năm gần đây, một số tờ báo lâu đời cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự nhưng không phải tất cả. Chẳng hạn, tại Hội nghị GEN 2018, khi Greg Barber – Giám đốc Sản phẩm Phòng tin tức của The Washington Post, hỏi khán giả có hài lòng với công nghệ phòng tin tức của mình không, không một cánh tay nào giơ lên. Các nhà xuất bản thành công của thời đại ngày nay phải là những người ứng dụng kỹ thuật số vào mọi hoạt động.

“Day 2” không phải là một lựa chọn

 

Vào những ngày đầu của bất kỳ startup nào, nhà sáng lập sẽ điều hành mọi thứ. Khi tổ chức lớn mạnh, kéo theo sự phức tạp và có nguy cơ trở thành một doanh nghiệp cồng kềnh, trì trệ. Để giải thích điều này, ông Bezos đưa ra mô hình “Day 1 vs. Day 2”. Để Amazon thành công, họ luôn phải là ngày đầu tiên – Day 1. “Day 2 là sự ùn ứ, tiếp đến là không liên quan, suy sụp, đau đớn tột cùng. Cuối cùng là cái chết. Đó là lý do vì sao luôn phải là Day 1”.

Chúng ta thường thấy điều đó ở báo chí, khi có nhiều tờ báo in chậm thích ứng với môi trường kỹ thuật số, trong khi một số startup truyền thông kỹ thuật số mới lại tái tạo cuộc chơi. Những tờ báo thành công trong chuyển đổi số luôn giữ tinh thần Day 1. Dù gắn bó với các di sản mà thế hệ trước để lại, họ vẫn có thể đổi mới và vượt xa người khác.

New York Times là một ví dụ nổi bật. Sở hữu túi tiền khủng và cái tên nổi tiếng không phải yếu tố duy nhất dẫn đến thành công. Năm 2012, khi ông Mark Thompson gia nhập với tư cách CEO, ông bật “đèn xanh” cho sự thay đổi căn bản. Thay vì in báo rồi cập nhật các bài báo giấy lên website, ông thay đổi quy trình hoàn toàn. Thay vì định nghĩa tổ chức xoay quanh phương pháp truyền tin, ông nỗ lực định nghĩa New York Times xoay quanh giá trị và sứ mệnh của nó.

Telegraph cũng như vậy. Cốt lõi của tờ báo là báo chí, thứ họ đã thành công trong hơn 160 năm. Không tờ báo nào định nghĩa bản thân thông qua cách phân phối báo chí.

Khách hàng hài lòng, họ sẽ trả tiền

Tại Amazon, ông Bezos không hài lòng nếu chỉ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Ông muốn khiến họ sửng sốt, luôn đi trước kỳ vọng của họ. Tư duy này chính là một phần thiết yếu của tinh thần Day 1.

Tập trung vào độc giả không phải là tôn chỉ mới mẻ đối với các tờ báo, song ông Bezos đã đưa nó lên một tầm mới tại Amazon. Ông còn chia sẻ địa chỉ email, mời khách hàng viết thư trực tiếp để nêu ra lo ngại của họ. Ông đọc các email và chuyển tiếp cho bộ phận liên quan, kèm theo một ký tự duy nhất: “?”. Nhân viên Amazon hiểu rõ khi nhận được “?”, họ phải gác hết mọi việc lại và tìm ra giải pháp xử lý vấn đề vĩnh viễn.

Đó chính là bài học mà Jeff Bezos mang đến cho The Washington Post. Để hấp dẫn độc giả, chìa khóa là hiểu họ đang dành thời gian vào đâu và đáp ứng nó bằng các trải nghiệm sản phẩm số. Nhiều độc giả lớn lên trong thế giới kỹ thuật số, vì vậy họ mong đợi công nghệ của các tờ báo không có độ trễ. Họ tin rằng họ nên được tiếp cận tin tức một cách thuận tiện, không có rào cản.

Xem phim trên Netflix, nghe nhạc trên Spotify, cập nhật qua mạng xã hội: đây là các hoạt động phổ biến nhất của giới trẻ, không có lý do gì để họ phải nếm một trải nghiệm khác biệt khi đọc tin tức. Trải nghiệm sản phẩm số chất lượng sẽ khiến độc giả hạnh phúc và ông Bezos tin rằng nó đồng nghĩa với thuê bao trả tiền. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng khi đề nghị độc giả phải trả tiền để đọc tin tức.

“Ngành công nghiệp này đã dành 20 năm để dạy mọi người rằng tin tức nên được miễn phí. Sự thực là, độc giả thông minh hơn vậy. Họ thừa biết sản xuất báo chí chất lượng cao đắt đỏ như thế nào. Họ sẵn sàng chi tiền cho nó, song bạn phải hỏi họ. Chúng ta thắt chặt “tường phí”, và mỗi lần như vậy, thuê bao sẽ tăng lên”, ông Bezos nói.

Nguồn: Du Lam/vietnamnet.vn

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Thời sự ICT