Facebook: Đã đến lúc phải thay đổi
CEO Mark Zuckerberg cho rằng việc đổi tên thương hiệu là nhằm củng cố vị thế của “gã khổng lồ” truyền thông xã hội về “metaverse”, thứ mà ông Zuckerberg coi là tương lai của Internet.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị Facebook Connect ngày 28/10, Facebook- công ty mẹ sở hữu mạng xã hội cùng tên và các ứng dụng đình đám khác như Instagram và WhatsApp - cho biết họ sẽ đổi tên thành Meta. Động thái này phản ánh tham vọng ngày một lớn của “gã khổng lồ” nước Mỹ, nhằm hướng tới thế giới “metaverse” (vũ trụ ảo), vượt khỏi phạm vi mạng xã hội hiện tại.
Facebook, Instagram và WhatsApp – những ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook đang được hàng tỷ người sử dụng trên toàn thế giới - sẽ vẫn giữ nguyên tên hiện có, bất chấp việc công ty mẹ thay đổi nhận diện thương hiệu.
Tên mới của Facebook lấy cảm hứng từ “metaverse”, mô tả tầm nhìn làm việc và giải trí trong thế giới ảo. Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook (và sắp tới là Meta) Mark Zuckerberg cho biết: “Mọi người đang nhìn nhận chúng tôi như một công ty mạng xã hội, song chúng tôi thực sự là một công ty phát triển công nghệ để kết nối mọi người và ‘metaverse’ là mặt trận tiếp theo, giống với mạng xã hội khi chúng tôi vừa bắt đầu”.
Ông Mark Zuckerberg nói thêm: "Chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học từ việc giải quyết các vấn đề xã hội và trong nền tảng đóng, giờ là lúc tận dụng mọi thứ chúng tôi đang có và hướng tới xây dựng chương mới. Các ứng dụng và tên nhãn hiệu của chúng tôi vẫn vậy, không có thay đổi".
* Vậy, “metaverse” là gì?
Thuật ngữ "metaverse" lần đầu được nhắc đến năm 1992 trong tiểu thuyết khoa học Snow Crash của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson. Đây là "một vũ trụ do máy tính tạo ra", tồn tại song song với đời thật. Trong đó, ông đề cập đến một thế giới ảo 3D, nơi mọi người đều có nhân vật đại diện thay thế.
Còn trong lĩnh vực phim ảnh, bộ phim khoa học viễn tưởng ra mắt năm 2018 có tên "Ready Player One" là một ví dụ rõ ràng hơn.
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì meta có nghĩa là "vượt ra ngoài”, còn verse là viết tắt của từ Universe tạm hiểu là "vũ trụ". Do đó, chúng ta có thể hiểu đơn giản “metaverse” là một khái niệm nằm ngoài vũ trụ thực. “Metaverse” có thể được xem như là một thế giới mở, người tham gia có thể xây dựng và sống trong thế giới đó.
Thuật ngữ này có thể đề cập đến một không gian kỹ thuật số được các công nghệ như thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) làm cho sống động hơn.
Theo nhật báo SCMP, khái niệm "metaverse" càng trở nên phổ biến trong đại dịch COVID-19, khi nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Báo cáo gần đây của Bloomberg ước tính ngành công nghiệp “metaverse” sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.
Nói một cách đơn giản, Facebook hình dung “metaverse” sẽ là nơi kết nối chéo giữa web và các thiết bị VR, để người dùng có thể chuyển đổi liền mạch từ Facebook sang một thế giới số khác được tạo ra bởi các công ty công nghệ khác như Google, Apple hoặc một nhà phát hành game lớn.
Microsoft cũng đã đề cập đến việc hội tụ thế giới kỹ thuật số và vật lý và công ty đang âm thầm có những bước tiến lớn về AI và thực tế hỗn hợp, để giúp các công ty bắt đầu phát triển ứng dụng “metaverse”.
Một số công ty game nổi danh như Roblox hay Epic Games cũng tự mô tả hoặc coi mình là một phần của “metaverse”. Thậm chí vào tháng 9 vừa qua, hàng triệu người đã xem nữ ca sĩ Ariana Grande biểu diễn ảo trong game Fortnite của Epic Games.
Các công ty thời trang lớn nhất thế giới cũng đã thử nghiệm sản xuất quần áo ảo, thứ mà mọi người có thể mặc cho nhân vật đại diện (avatar) của mình trong môi trường “metaverse”.
Có thể nói, “metaverse” được xem là bước ngoặt công nghệ quan trọng tiếp theo của loài người, sau kỷ nguyên Internet. Những người ủng hộ cho rằng “metaverse” sẽ mang đến tiềm năng kinh doanh khổng lồ như bán hàng và dịch vụ kỹ thuật số.
* Cái tên mang tham vọng mới
Trở lại với Facebook, trong báo cáo tài chính quý III/2021, lần đầu tiên Facebook tách biệt bộ phận “metaverse” với tên gọi bộ phận Facebook Reality Labs.
CEO Zuckerberg bày tỏ hy vọng rằng thập kỷ tới, “metaverse” sẽ tiếp cận 1 tỷ người dùng, giao dịch hàng trăm tỷ USD thương mại điện tử, hỗ trợ việc làm cho hàng triệu tác giả và nhà phát triển.
Trước đó, Facebook đã công bố kế hoạch thuê 10.000 lao động ở Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng “metaverse”. Công ty này cũng thông báo kế hoạch chi 10 tỷ USD trong năm 2022 để phát triển các công nghệ cần thiết trong xây dựng “metaverse”.
CEO Zuckerberg dự báo đây là chặng đường dài và các khái niệm về “metaverse” sẽ phổ biến trong 5-10 năm tới. Công ty sẽ phải đầu tư nhiều tỷ USD trước khi “metaverse” đạt quy mô lớn.
Đã có ý kiến cho rằng việc công ty mẹ Facebook thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực để đánh lạc hướng dư luận khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng của Facebook liên quan đến Cambridge Analytica, bao gồm việc biết rõ tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lời; kiểm duyệt không chặt chẽ các nội dung sai lệch và gây thù hận, hay cách những những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch...
Tuy nhiên, ông Zuckerberg cho rằng thương hiệu Facebook đã bị gắn quá chặt với một sản phẩm là mạng xã hội, vì vậy thương hiệu này có thể là rào cản để phát triển các dự án khác tương lai của công ty. Việc đổi tên thương hiệu là nhằm củng cố vị thế của “gã khổng lồ” truyền thông xã hội về “metaverse”, thứ mà ông Zuckerberg coi là tương lai của Internet.
CEO Zuckerberg cũng chia sẻ thêm rằng ông đã từng suy nghĩ về việc đổi thương hiệu công ty kể từ khi Facebook mua lại Instagram và WhatsApp vào năm 2012 và 2014, nhưng tới đầu năm nay vị CEO này mới nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi./.
Nguồn: Phương Nga (Tổng Hợp)/bnews.vn
https://bnews.vn/facebook-da-den-luc-phai-thay-doi/219044.html