Thiết kế đồ họa có tương tác - xu hướng mới ở Việt Nam
(ICTPress) - Một sản phẩm thiết kế đồ họa có tương tác biến môi trường xung quanh thành một phần của tác phẩm và công chúng có thể “chạm”, thậm chí “sống” trong tác phẩm đó.
“Kéo” công chúng vào tác phẩm thiết kế
“Thiết kế đồ hoạ” được hiểu đơn giản là sử dụng các tín hiệu thị giác có liên quan đến các yếu tố như: hình ảnh, màu sắc, bố cục, chữ...từ những tín hiệu thị giác đó toát lên những ý tưởng, thông điệp truyền tải tới người xem.
“Thiết kế đồ hoạ có tương tác” là ngoài những yếu tố về tín hiệu thị giác, ý tưởng, thông điệp thì người thiết kế cần nghiên cứu tới các yếu tố xung quanh như: môi trường, con người, con vật, thời tiết, ánh sáng... tác động lên tác phẩm và kiểm soát sự thay đổi của tác phẩm sau khi có sự tương tác đó.
Như vậy, khác với các sản phẩm thiết kế thông thường, thiết kế tương tác không chỉ tạo một thế giới hình ảnh đa chiều mà còn “kéo” người xem tham gia vào tác phẩm đó.
Thiết kế tương tác ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quảng cáo, giáo dục, y tế… Điển hình như biển quảng cáo điện tử tại Việt Nam của hãng Coca Cola, từng thành công với việc tương tác với cảm xúc người đi đường:
Một trang trong cuốn Sài gòn phố. Nguồn: http://cep.com.vn. |
Đào tạo thiết kế tương tác trong các trường đại học
Trước đây, các trường đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ chủ yếu tập trung vào giảng dạy đồ hoạ tĩnh, ứng dụng trong thiết kế nhận diện thương hiệu như: thiết kế logo, các ấn phẩm văn phòng, ấn phẩm truyền thông, bao bì sản phẩm...
Ngày nay, ngành thiết kế đồ hoạ phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm được tích hợp giữa thiết kế động và thiết kế có tương tác nhiều hơn, đòi hỏi các trường đại học phải tự đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu đầu ra của sinh viên và nhu cầu thị trường.
Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) là một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo thiết kế đồ hoạ động gắn với tương tác. Không chỉ đào tạo chuyên môn, đơn vị này còn thường xuyên tạo ra các sân chơi bổ ích cho sinh viên trong Học viện và các trường đào tạo về lĩnh vực thiết kế đồ hoạ tại Hà Nội như “Cuộc thi thiết kế đồ hoạ PTIT” được diễn ra hàng năm với sự tham gia của nhiều đối tác trong và ngoài ngành.
Gần đây nhất, trong tháng 11 vừa qua, “Cuộc thi thiết kế đồ hoạ PTIT 2017” đã được tổ chức với sự tham gia của sinh viên các trường ĐH tại Hà Nội và các đơn vị đối tác như: kênh truyền hình quốc gia VTV7, Công ty TNHH Gamelof – chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư và Phát triển Công nghệ Tứ Gia, Công ty TNHH Haki…
Chung kết “Thiết kế đồ hoạ ptit 2017” |
Tại cuộc thi, sinh viên có điều kiện và cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Phần lớn các thí sinh lựa chọn các tác phẩm thiết kế đồ họa động hoặc có tính tương tác cao để tham dự.
Cuộc thi chứng kiến nhiều tác phẩm có tính sáng tạo cao của sinh viên các trường đại học, không chỉ ở hình ảnh mà còn trong thông điệp và câu chuyện của tác phẩm. Tác phẩm đoạt giải nhất ở hạng mục động - “Chiếc hộp ước mơ” - Thuộc thể loại Game PC là một thành công như vậy. Trò chơi dựa trên cốt truyện một cậu bé mồ côi trên đường đi tìm ước mơ của mình phải vượt qua rất nhiều chướng ngại, nhưng gặp được không ít người tốt yêu thương giúp đỡ. Thiết kế của tác phẩm cho phép tương tác trực tiếp với người chơi thông qua các lớp, màn của câu chuyện.
Tác phẩm đoạt giải Nhất ở hạng mục động - “Chiếc hộp ước mơ” - Thuộc thể loại Game Pc có tương tác trực tiếp với người chơi (Ảnh: BTC cuộc thi cung cấp |
Tác phẩm đoạt giải Nhì ở hạng mục tĩnh: - “Con Muốn” - thuộc thể loại sách pop up có tương tác trực tiếp với người đọc (Ảnh: BTC cuộc thi cung cấp). |
Công Huy