Sắp tổ chức hội thảo, đánh giá đóng góp to lớn của Lê Đại Cang với lịch sử dân tộc
(ICTPress) - Ngày 8/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã thông tin về hội thảo khoa học “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội”.
Theo đó, hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” diễn ra ngày 16/12 do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện sẽ có sự góp mặt của hơn 100 nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá những đóng góp to lớn của Lê Đại Cang trong gần 20 năm ông thực thi trách nhiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tổng kết, đánh giá toàn bộ sự nghiệp, con người Lê Đại Cang cũng như bài học làm người, làm quan sâu sắc mà ông đã để lại cho hậu thế.
Theo Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc: Lê Đại Cang là một nhân cách đặc biệt trong lịch sử. Cuộc đời Lê Đại Cang đầy kịch tính, là tấm gương phấn đấu không ngừng vì đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, cuộc đời, sự nghiệp của nhân vật lịch sử này chưa được quan tâm nghiên cứu, tôn vinh xứng đáng. Do đó, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, Viện Sử học Việt Nam, UBND thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang tổ chức 2 hội thảo “Lê Đại Cang-Tấm gương kẻ sĩ” và “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang”.
Cuốn sách “Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang” do Nhà xuất bản Sân khấu thực hiện đã được giới thiệu đến công chúng. Lê Đại Cang cũng được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Quy Nhơn, một số thị trấn, thị xã ở tỉnh Bình Định, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Lê Đại Cang, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu Cư Chính Thị, sinh năm Tân Mão (1771) tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là cháu 6 đời của công thần Lê Công Triều tháp tùng Chúa Nguyễn vào Nam. Ông là một vị quan triều Nguyễn, trải qua ba đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Trong 40 năm làm quan từ chức Tri huyện tới quyền Tổng trấn, Tổng đốc, Thượng Thư, Tham tán đại thần…, Lê Đại Cang đã thực thi nhiệm vụ ở khắp ba miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, có đóng góp rất đáng quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, cuộc đời Lê Đại Cang từ năm 31 tuổi cho tới năm 72 tuổi, là cuộc đời một người làm quan bôn ba lận đận thăng trầm, ra Bắc vào Nam, sang cả Cao Miên, nhưng là cuộc đời một ông quan mà đời sau phải kính nể, học tập. Đó là một tấm gương của một quan chức tận tụy vì dân vì nước, trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân, làm điều tốt điều lợi cho dân. Lê Đại Cang đã thể hiện một nhân cách phi thường, một bản lĩnh kẻ sĩ phi thường...
Mỹ Bình