Tiềm năng, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT ở VN còn rất lớn

(ICTPress) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong thời gian tới, tiềm năng, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT ở Việt Nam còn rất lớn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 diễn ra trong ngày hôm nay 18/10, tại Hà Nội.

Hội nghị  được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tổ chức. Hơn 500 đại biểu đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương; lãnh đạo các hiệp hội, DN Việt Nam và đại diện các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Anh, Ý, Pháp, Thụy Điển, Úc, Hà Lan, Iran…, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nhà đầu tư và DN nước ngoài đã tham dự Hội nghị.

Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum - VIF 2017) có chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số" được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực TT&TT, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, DN nước ngoài với các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là TMĐT, thành phố thông minh, IoT và các DN khởi nghiệp (start-ups).  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: CNTT&TT đang ngày càng giữ vai trò có tính nền tảng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, đầu tư vào CNTT&TT bắt đầu ngay từ những ngày đầu thực hiện đổi mới, mở cửa, được đánh dấu bằng “sự đổi mới rất mạnh mẽ dựa vào số hoá bắt đầu từ ngành bưu điện”.

“Ngày hôm nay, ở Việt Nam, CNTT&TT đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có đóng góp quan trọng của những dự án đầu tư vào ngành bưu điện cách đây hàng chục năm như dự án đầu tư của Comvik, Thụy Điển vào MobiFone đến những dự án mới đây của các tập đoàn như Samsung”.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, tiềm năng, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-TT ở Việt Nam còn rất lớn. Bởi Việt Nam có quy mô thị trường xấp xỉ 100 triệu dân, đang ở thời kỳ “dân số vàng” với 60% dưới 35 tuổi, 52% người dân sử dụng Internet.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng: “Trong khi doanh thu thương mại điện tử cả thế giới chiếm xấp xỉ 8% tổng doanh thu của ngành bán lẻ thì ở Việt Nam, con số này mới khoảng trên 3%. Chỉ riêng chỉ số này đã cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường CNTT-TT của Việt Nam”.

Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, đây cũng là cơ hội để tăng tỉ lệ, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đồng thời thúc đẩy những ngành, lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng cũng cho biết gần đây có khái niệm mới là “nền kinh tế tuần hoàn”nhưng cũng dựa trên nguyên lý phát triển bền vững, nền tảng ứng dụng CNTT. Hội nghị này và các hoạt động tiếp theo không chỉ mong muốn mở ra những cơ hội đầu tư mạnh mẽ vào ngành CNTT-TT để tăng doanh thu của ngành, tăng số lượng DN trong lĩnh vực này mà điều quan trọng là làm sao để CNTT-TT giúp tất cả các DN khác hoạt động kinh doanh tốt hơn, mở ra cơ hội để các DN hoạt động trong lĩnh vực khác có nhiều dự án .

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu Việt Nam cũng gặp thách thức trong vấn đề tăng năng suất quốc gia, đó là phải chuyển đổi ngành nghề cho trên 40% lao động ở nông thôn. CNTT-TT phải được tận dụng nhằm tạo thêm nhiều DN ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo hiệu quả nhân lực lao động.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ TT&TT, trước hết rà soát lại toàn bộ các quy định về pháp luật để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các DN đầu tư vào lĩnh vực CNTT&TT.

“Tinh thần là phải làm sao tận dụng thật tốt thế mạnh của CNTT, nguồn lực kinh tế số. Tạo điều kiện để mọi người cùng chia sẻ và sử dụng tốt hơn nguồn lực. Tất cả DN vừa và nhỏ, cực nhỏ có thể khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp bằng công cụ CNTT”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng phải bền vững. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Chính phủ và các ngành đang thực hiện nhiều công việc để tập hợp dữ liệu, tạo thành nguồn tài nguyên chung để tất cả cùng khai thác, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là then chốt. 

Theo đó, Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng các quy định có tính đặc thù như khuyến khích các DN tham gia đào tạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo để sát với thực tế hơn. 

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ với cộng đồng CNTT-TT, các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước một số quan điểm, định hướng của Bộ TT&TT trong lĩnh vực quan trọng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết lợi ích đầu tư vào CNTT ở giai đoạn hiện nay gồm: Lợi ích từ ưu đãi và quyết tâm của Chính phủ cũng như các Bộ, Ban, ngành, các địa phương; Các chính sách thuế ưu tiên, các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng; Các quy định luật luôn được cập nhật để theo cùng sự phát triển năng động của ngành. Sự phát triển mạnh mẽ Chính phủ điện tử và hạ tầng CNTT- viễn thông là hai ví dụ cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. 

Lợi ích từ nền kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh, khi có một thị trường mở và nhạy thì CNTT sẽ phát huy được các điểm mạnh của sự linh hoạt và luôn đổi mới của ngành TT&TT. 

Đây là thời cơ lớn và rất thuận lợi nếu các DN, các nhà đầu tư…nếu đủ tâm, đủ tầm và đủ quyết tâm, thì các nhà đầu tư sẽ thành công lớn, đồng thời sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ phát triển và rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Một điều quan trọng nữa, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về CNTT-TT, trọng tâm là sửa đổi Luật CNTT. Đồng thời một yếu tố cần ưu tiên và các nhà đầu tư cần tận dụng đó là đầu tư cho các DN khởi nghiệp, để DN trong lĩnh vực này phát triển vượt bậc cả trong và ngoài nước. 

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bên cạnh phát triển CNTT trong nước, chúng ta sẽ song song chủ động hướng ra khu vực ASEAN và quốc tế. Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước trong khu vực ASEAN, đồng thời đẩy mạnh TT&TT để kết nối với các nhà đầu tư ở cả trong nước và quốc tế. Chính phủ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân ViệtNamkhát vọng chinh phục và đầu tư ra nước ngoài. 

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho DN và phương thức tiếp cận thị trường mới. Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài, năm 2016 tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. 

Tại Hội nghị, VIF 2017 bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng DN trong và ngoài nước về các nội dung chính sau: Các khuyến nghị đối với chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các DN đa quốc gia (MNEs) trong nền kinh tế số; Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các DN số trong nước; Đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số liên quan tới khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số.

Đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ DN số Việt Nam phát triển; Đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, bao gồm TMĐT, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ thành phố thông minh trên nền ICT. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm

 

Cũng tại Hội nghị có 3 hoạt động chính gồm Diễn đàn, Triển lãm ICT và Kết nối (Business Networking). Diễn đàn được chia ra làm 2 phiên họp trong buổi sáng, là kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN, hiệp hội và nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT. Phiên 1: Chính sách về ICT hướng tới thu hút đầu tư trong nền kinh tế số; Phiên 2: Thị trường kinh tế số: Thách thức và cơ hội đầu tư. 

Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và DN ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, thành phố thông minh và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và Internet, TMĐT và khởi nghiệp. Ngoài ra còn có các gian hàng của các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa ... giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.

Phiên kết nối (Business Networking) có sự tham gia của 50 DN trong và ngoài nước. Phiên họp sẽ kết nối các nhà đầu tư, DN và địa phương, trao đổi về giải pháp, công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính.

HM

Tin nổi bật