Thử nghiệm chuyển mạng giữ số: Thuê bao sẽ ồ ạt đổ về đâu?
Sau sự kiện ba nhà mạng lớn của Việt Nam thử nghiệm băng thông cho dịch vụ chuyển mạng giữ số, liệu các thuê bao có đổ dồn về phía nhà mạng tốt nhất?
Với sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của ngành dịch vụ viễn thông, việc áp dụng những bước cải tiến mới trong hệ thống di động là một điều tất yếu trong quy luật.
Người dùng có khả năng sẽ đối mặt với việc đẩy giá số đẹp lên cao?. (Ảnh: internet) |
Hiểu được điều đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng của Việt Nam áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số cho khách hàng, nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ cho người sử dụng. Bộ ba nhà mạng tiên phong trong cải tiến này là MobiFone, VinaPhone và Viettel. Liệu các thuê bao có đổ dồn về nhà mạng có dịch vụ tốt nhất?
Mất tính thương hiệu nhà mạng
Khoan bàn đến vấn đề dịch vụ và giá cả, việc chuyển mạng giữ số hoạt động theo hình thức là giữ nguyên toàn bộ số điện thoại của khách hàng (bao gồm cả đầu số nhận biết mạng) sang một nhà mạng đối thủ.
Việc làm này sẽ gây nên sự xáo trộn các đầu số, bởi mỗi nhà mạng đều đã đăng ký bản quyền đầu số độc, đẹp để phục vụ cho từng đối tượng khách hàng của mình. Ví dụ như MobiFone có 093, 090; VinaPhone có 088, 092…
Bên cạnh đó, việc kinh doanh số điện thoại của các nhà mạng cũng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Anh T.Đ, chủ một cửa hiệu kinh doanh sim số ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, nếu như khách hàng mua số rồi đổi nhà mạng, thì đây sẽ là cơ hội cho những “cò mồi” sim bắt thóp dẫn đến việc đẩy giá sim lên cao.
Ngoài ra, khi được tự do thay đổi nhà mạng, các khách hàng sẽ không phân biệt được những người xung quanh mình sẽ sử dụng mạng điện thoại nào, dẫn đến tình trạng không lựa chọn được gói cước phù hợp với mục đích nhu cầu sử dụng.
Nhà mạng nào sẽ chiếm ưu thế?
Trong các nhà mạng hiện nay, Viettel chính là đơn vị đang dẫn đầu về giá cả dịch vụ cũng như chất lượng.
Đổi mạng giữ số có thể chỉ là xu hướng nhất thời? (Ảnh: Internet) |
Theo đánh giá sơ bộ của Cục Viễn thông, phần lớn các địa bàn trên cả nước đều đã được phủ sóng Viettel bao gồm thuê bao di động, điện thoại cố định, truyền hình và internet.
Các gói cước từ nhà mạng này đưa ra cũng khá hợp lý với nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời cũng là nơi đầu tiên phát hành các gói cước liên quan đến 4G, trong khi MobiFone và VinaPhone vẫn còn đang trong quá trình chạy thử nghiệm.
Nhiều khách hàng cần sử dụng internet chất lượng cao chắc chắn sẽ chọn Viettel. Lý do, Viettel hiện vẫn là đơn vị duy nhất cung cấp 4G. Đã thế, hệ thống cột thu phát sóng và đường truyền của nhà mạng này đã phủ khắp thôn cùng ngõ tận. Sự chuyên nghiệp trong chăm sóc khách hàng, chính sách hậu mãi của Viettel cũng là điểm mạnh chinh phục khách hàng.
Anh Nguyễn Thành An, một khách hàng của nhà mạng ngoài Viettel cho biết: "Nếu thực hiện chuyển mạng giữ số, chắc chắn tôi sẽ chuyển sang mạng Viettel". Nhiều khách hàng khi chia sẻ cũng có chung nhận định như vậy.
Tuy nhiên, đại diện truyền thông của MobiFone và VinaPhone cho biết, hiện tại 2 nhà mạng cũng đã sẵn sàng tung ra những gói dịch vụ tốt nhất nhằm giữ chân khách hàng của mình, đặc biệt là những khách hàng lâu năm và sử dụng đa dạng các gói cước.
Chị Thanh Nga (Bát Đàn, Hà Nội) cho biết, bản thân chị đang sử dụng dịch vụ của Viettel nhưng lại không cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền internet của nhà mạng này.
“VinaPhone đang là lựa chọn của tôi nếu được chuyển mạng bởi dịch vụ 3G và 4G đến từ phía nhà mạng này đang triển khai rất tốt”- chị N cho biết thêm.
Chỉ là xu hướng nhất thời?
Anh Nguyễn Hồng Hải, đại diện Công ty TNHH Công nghệ FPT cho biết: “Việc chuyển mạng giữ số sẽ là một hiệu ứng mở đối với người dân Việt Nam. Thay vì thực sự cần sử dụng một gói cước nào đó, người dân lại chỉ muốn thay đổi nhà mạng bởi sự tò mò và muốn trải nghiệm tính năng khác”.
Anh Hồng Hải cũng cho biết thêm: “Việc chuyển mạng giữ số sẽ không thực sự giải quyết được những vấn đề cho người dùng, bởi nhà mạng nào cũng có những đặc trưng và phong cách riêng, đối với người này thì nhà mạng này tốt, nhưng đối với những người khác thì có thể không”.
Khảo sát nhanh trên khoảng 100 thuê bao di động hiện hành cho thấy, có khoảng 40% người dùng lựa chọn phương thức chuyển mạng giữ số, 45% lựa chọn giữ nguyên nhà mạng và khoảng 15% người dùng chưa đưa ra giải pháp.
Từ đây, chúng ta có thể khẳng định được, việc chuyển đổi nhà mạng mà vẫn giữ nguyên số thuê bao sẽ khắc phục được tình trạng bị người dùng bị “chôn chân” ở một dịch vụ cố định, đồng thời tạo tính cạnh tranh hơn giữa các công ty nhằm thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, người dùng cũng cần xem xét kỹ nhu cầu của bản thân để đưa ra những lựa chọn thích hợp cho công việc và cuộc sống.
Theo Đình Nguyên/VTC News