Nhà mạng đề xuất tham gia "quản" SIM kích hoạt sẵn

(ICTPress) - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng tại Hội nghị triển khai công tác 6 tháng đầu năm 2017 đề xuất doanh nghiệp (DN) viễn thông muốn tham gia quản lý SIM kích hoạt sẵn cùng cơ quan quản lý để đạt hiệu quả.

Ảnh minh họa

Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng xuất “các DN được tham gia vào việc quản lý thu gom SIM kích hoạt sẵn cùng cơ quan quản lý. Các nhà mạng được phép thu gom SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác nộp cho Bộ TT&TT, Sở TT&TT. Sở TT&TT dựa trên những SIM kích hoạt sẵn đó phạt các nhà mạng theo quy định yêu cầu và bù lại cho nhà mạng đã thu hồi SIM đem nộp. Với cơ chế như vậy thì công việc rất đơn giản và SIM kích hoạt sẵn sẽ không còn tồn tại nữa”.

Tại Hội nghị, đại diện nhà mạng Viettel, ông Hoàng Sơn Phó Tổng Giám đốc và ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc MobiFone cũng nhất trí với đề xuất của VNPT trong việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên mạng. 

"Nếu các nhà mạng cùng ngồi với nhau và tổ chức tốt điều này thì thị trường SIM “rác” sẽ ngày càng tốt hơn", ông Hoàng Sơn nhận định.

Để thể hiện quyết tâm trong việc "quét sạch” SIM kích hoạt sẵn, ông Hùng cho biết, ngay trong tuần tới VNPT sẽ chỉ đạo cho thu hồi SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác nộp cho Bộ, Sở TT&TT. "Mặc dù Bộ TT&TT chưa có ý kiến nhưng chúng tôi thấy đây là trách nhiệm của nhà mạng. Chúng ta phải minh bạch hóa các hoạt động quản lý SIM trả trước nếu không nói mãi sẽ không thực hiện được”, ông Hùng cho hay.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông lưu ý trước đây sai phạm về thông tin thuê bao trách nhiệm đồng chia sẻ giữa đại lý nay và DN viễn thông. Trong Nghị định 49/NĐ-CP (Nghị định 49) nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện quy định rõ những thông tin sai về thuê bao sẽ xử phạt DN viễn thông và người đứng đầu DN chịu trách nhiệm.

Về kiến nghị của VNPT, ông Trung cho biết thực tế một số DN đã nộp lại cho Cục và Thanh tra Bộ một số SIM kích hoạt sẵn. Tuy nhiên, DN phải lưu ý là trước đây khi thu SIM này về không có cách thức xử lý, còn bây giờ khi thu gom về cơ quan quản lý có thể lấy SIM ra phạt DN và người đứng đầu DN chịu trách nhiệm.

Ông Trung cho biết Cục sẽ họp với các DN để thống nhất cách làm cho phù hợp, tuy nhiên,cũng nhấn mạnh: “Cách tốt nhất là DN tự thu gom SIM kích hoạt sẵn của chính mình vì nếu không DN khác thu gom được thì bản thân DN bị thu gom sẽ bị xử lý rất là nặng, không như trước đây bị phạt 70 triệu đồng khi phát hiện 500 SIM, hiện nay thì xử phạt tính theo đầu SIM. Các DN tự thu gom SIM kích hoạt sẵn, sau đó sẽ có cách thức để các DN sẽ phối hợp với nhau”.

Việc tăng cường biện pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường, hạn chế SIM “rác” cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được Bộ TT&TT đưa ra.

Chỉ đạo công tác này tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới Cục Viễn thông cần tập trung xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường Viễn thông phát triển lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau, hạn chế SIM "rác", tăng cường các giải pháp, biện pháp để thu hồi SIM kích hoạt sẵn trôi nổi trên thị trường.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng (SIM "rác", SIM ảo) vẫn còn tồn tại. Bộ trưởng cũng cho biết, nhiều người dùng phản ánh nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, gây phiền phức. "Chính tôi cũng thường xuyên nhận được các cuộc gọi quảng cáo này và đã gọi yêu cầu nhà mạng khóa ngay số đó. Các địa phương cũng nên cung cấp cho nhà mạng các số gọi "rác" để yêu cầu nhà mạng khóa lại”.

Lý giải cho vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, đó là vì mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe, trong khi một số quy định hiện hành chưa phù hợp.

Bộ trưởng đề nghị Cục Viễn thông cùng với các nhà mạng ngồi lại với nhau và lưu ý sáng kiến đề xuất của VNPT để áp dụng. “Chúng ta phải tìm mọi biện pháp, mọi giải pháp để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng SIM "rác" và hệ lụy của nó là tin nhắn "rác”".

Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, trong thời gian qua, tình trạng SIM "rác", tin nhắn "rác" đã có sự chuyển biến mạnh mẽ sau nhiều năm. Đây là vấn nạn của xã hội. Hiện nay tuy chưa có những số liệu chính thức nhưng cũng gần 24 triệu SIM rác đã bị xử lý trong thời gian qua. Dư luận xã hội về vấn đề này rất đồng tình. Đó là bằng chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của Bộ TT&TT, của ngành, nhất là sự phối hợp vào cuộc của tất cả các DN trong quyết tâm làm lạnh mạnh hóa thị trường viễn thông Việt Nam.

Các DN viễn thông đã rất nỗ lực trong việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Cụ thể, theo báo cáo của ông Trần Mạnh Hùng riêng trong tháng 6/2017, VNPT đã chặn hơn 221.000 tin nhắn "rác", trung bình mỗi ngày khoảng 7.300 tin nhắn bị chặn. Tổng số thuê bao bị chặn là 2.200 thuê bao, tương đương với 74 thuê bao/ngày. Tỷ lệ tin nhắn rác bị chặn đạt 90%.

Tháng 10/2016, 5 DN viễn thông di động gồm VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile đã ký kết cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, và tháng 5 vừa qua, 5 doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục ký cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn "rác" (thời gian triển khai bản cam kết là từ ngày 1/7).

HM

Tin nổi bật