Kết hợp truyền hình số mặt đất và vệ tinh để đẩy nhanh số hóa truyền hình
(ICTPress) - Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo - tọa đàm về kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất đã đồng thuận phải kết hợp để thực hiện số hóa truyền hình Việt Nam.
Ngày 21/2, Bộ TT&TT và Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình Hội thảo - Tọa đàm nhằm chia sẻ các khó khăn của các Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) địa phương trong việc triển khai số hóa truyền hình mặt đất, nhằm làm rõ các mong muốn và cam kết của doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng (DN TDPS) khi tham gia thị trường TDPS, các định hướng chính sách của Bộ TT&TT trước mắt và dài hạn.
Toàn cảnh Hội thảo - Tọa đàm |
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành triển khai giai đoạn 1 và 08 tỉnh thuộc giai đoạn II. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo, các tỉnh gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (ATV) từ ngày 1/7/2017. Dự kiến một số tỉnh thuộc nhóm III tại khu vực Nam Bộ bao gồm Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng ATV từ ngày 31/12/2017. Do đó, việc phủ sóng truyền hình số mặt đất, truyền tải các kênh truyền hình chính trị, thiết yếu của đại phương cần được sớm hoàn thành để có thể triển khai công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất.
Một số tỉnh thuộc nhóm II như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và phần lớn các tỉnh thuộc nhóm III và nhóm IV có địa hình trung du, miền núi phức tạp. Tại các địa phương này, ngoài hệ thống trạm phát sóng ATV chính còn duy trì các trạm phát lại truyền hình tương tự ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng lõm. Tuy nhiên, hiệu quả phủ sóng truyền hình mặt đất tại các địa bàn này rất thấp.
Trong bối cảnh 61/63 Đài PTTH địa phương đã phát sóng kênh chương trình thiết yếu của địa phương trên sóng vệ tinh, các khu vực trung du, miền núi thuộc một số tỉnh nhóm II và phần lớn các tỉnh nhóm III, IV có tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất khá thấp, tỷ lệ thu xem truyền hình số mặt đất khá cao, nên sẽ thích hợp với việc chuyển đổi sang truyền hình qua vệ tinh (DTH).
Tại Hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết Ban chỉ đạo đã xác định nguyên tắc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các địa bàn miền núi và hải đảo.
Mỗi phương thức truyền hình (truyền hình số mặt đất DTT và truyền hình qua vệ tinh) đều có những ưu, nhược điểm riêng, phù hợp với việc triển khai ở các điều kiện địa hình riêng. Việc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa bàn nằm trong vùng phủ các trạm phát chính và sử dụng truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn phủ sóng bằng các trạm phát lại để thực hiện số hóa là rất phù hợp với điều kiện địa hình của một số tình nhóm II và phần lớn các tỉnh nhóm III, IV có địa bàn trung du, miền núi.
Tại Hội thảo, Các đài PTTH vùng miền núi khó khăn như Lào Cai… thì cho rằng cần kết hợp TDPS số mặt đất và vệ tinh. Cụ thể, TDPS số mặt đất ở thị trấn, đồng bằng và phát vệ tinh ở khu vực vùng núi của địa bàn.
Nhiều đại biểu từ các Đài PTTH địa phương đã bày tỏ lo ngại về kinh phí chi cho TDPS trong bối cảnh khó khăn về nguồn kinh phí hạn hẹp, còn lúng túng trong việc lựa chọn DN TDPS và cũng bày tỏ mong muốn nếu chuyển đổi phương thức TDPS thì khả năng phủ sóng chương trình địa phương phải được mở rộng hơn, có thể trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết trong 3 năm cuối của lộ trình số hóa truyền hình đến năm 2020 còn nhiều thách thức vì các địa phương triển khai số hóa sắp tới đều khó khăn về kinh tế, địa hình để triển khai phủ sóng số hiệu quả. Theo đó, việc triển khai số hóa truyền hình thành công dựa vào 3 yếu tố: chọn hạ tầng truyền dân, kinh phí cho TDPS và lựa chọn DN nào để TDPS.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định việc lựa chọn giải pháp TDPS tùy thuộc vào kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương khó có thể đưa ra giải pháp chung cho tất cả các địa phương. Theo đó, phải kết hợp một cách hài hòa hạ tầng truyền hình số mặt đất và truyền hình vệ tinh. Theo Quy hoạch dịch vụ PTTH quốc gia đến năm 2020, thị trường truyền hình số mặt đất vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở VN là khoảng 30%, nên vẫn phải quan tâm thích đáng hạ tầng TDPS số mặt đất.
Về việc lựa chọn hạ tầng truyền dẫn, Nhà nước không ấn định một giải pháp cụ thể nào. Nhà nước chỉ quan tâm kết quả cuối cùng cùng của Đề án số hóa là tắt truyền hình analog vào 31/12/2019. Và vào thời điểm tắt thì người dân đang xem truyền hình tương tự tiếp tục được xem truyền hình số, đặc biệt người nghèo, cận nghèo có thể nhận được thiết bị đầu cuối số để được xem truyền hình số.
Để phủ hợp với tình hình thực tế, Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án đã chỉ đạo tinh thần là báo cáo Thủ tướng, sẽ hỗ trợ TDPS lên vệ tinh nhưng chỉ hỗ trợ TDPS các kênh truyền hình thiết yếu. Các địa phương nếu được xem xét hỗ trợ qua vệ tinh cũng cần còn phải tìm thêm các biện pháp, nguồn hỗ trợ khác để hoàn thành số hóa truyền hình vào năm 2020.
Thứ trưởng lưu ý một nguyên tắc chỉ khi nào thấy rằng giải pháp số hóa qua vệ tinh hiệu quả hơn số hóa qua mặt đất thì mới có thể đưa vào diện xem xét hỗ trợ bằng nguồn của nhà nước.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các Đài PTTH địa phương cần sớm bắt tay đánh giá, khảo sát hiện trạng hạ tầng thực tế của mình, khu vực nào thay các trạm lặp tương tự bằng trạm phát lại kỹ thuật số rồi dẫn đến chi phí đầu tư, toàn bộ máy, con người duy trì hoạt động của trạm phát lại tốn kém mà truyền dẫn qua vệ tinh hiệu quả hơn thì sớm bắt tay đánh giá từng tình huống cụ thể.
Thứ trưởng khẳng định quyết tâm của Bộ là đẩy nhanh hơn nữa lộ trình số hóa, các Đài địa phương chia sẻ, đồng hành cùng với Bộ để cụ thể hóa các lợi ích của số hóa mang lại. Thị phần truyền hình số mặt đất còn 30 - 40% ở VN là không nhỏ. Khi chuyển đổi sang xem truyền hình số hóa thì chắc chắn trang thiết bị, sử dụng năng lượn, chi phí vận hành… thấp hơn nhiều so với truyền hình analog. Vì lợi ích chung của ngành truyền hình cần quyết tâm đẩy nhanh lộ trình số hóa.
Trong khi đó, các đơn vị thuộc Bộ phải tích cực đi thực tế hơn nữa, làm việc sâu với các Đài PTTH địa phương để tháo gỡ khó khăn, Thứ trưởng đề nghị.
HM