Phát thanh, chính là Bạn

Với mong muốn lấy thính giả là đối tượng trung tâm để hướng đến, Ngày phát thanh thế giới năm nay có chủ đề “Phát thanh, chính là bạn”.

Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, phát thanh - một trong những loại hình báo chí lâu đời nhất của loài người, đang đứng trước nhiều thách thức để tồn tại và phát triển. Với mong muốn lấy thính giả là đối tượng trung tâm để hướng đến, Ngày phát thanh thế giới – Ngày 13 tháng 2 năm nay có chủ đề “Phát thanh, chính là bạn”. 

Không chỉ có phát thanh, báo in mà cả truyền hình, báo điện tử đang phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội. Hiện nay, có gần 2,3 tỷ người sử dụng internet, chiếm xấp xỉ 1/3 số dân trên toàn thế giới; có hàng trăm mạng xã hội khác nhau và có khoảng 1,3 tỷ người sử dụng điện thoại di động để kết nối với mạng xã hội. Six Degrees là trang mạng xã hội đầu tiên xuất hiện năm 1997, (đóng cửa năm 2001), cho phép người sử dụng đăng tải một hồ sơ cá nhân để tự giới thiệu, kết bạn, gửi tin nhắn và đăng tải các mục tin.

Các biên tập viên và khách mời trong phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh minh họa)

Sau này, xuất hiện thêm các trang mạng xã hội khác như Wordpress, MySpace, Facebook, WhatsApp, Twitter, Weibo, Google+, Youtube... trong đó, Facebook là mạng xã hội lớn nhất với gần 1,6 tỷ thành viên, tiếp đến là Youtube với hơn 1 tỷ thành viên, WhatsApp với gần 1 tỷ thành viên.

Các trang mạng xã hội có phương thức tiếp cận và trao đổi thông tin đa dạng, tiện dụng, có tính cá thể cao, nhờ thế mà có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng và trở thành kênh truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới, vượt qua tất cả các loại hình báo chí truyền thống.

Riêng  tại Việt Nam, sau khi kết nối chính thức với internet toàn cầu ngày 19 tháng 11 năm 1997, chỉ trong vòng 20 năm, hiện đã có tới 40 triệu người sử dụng internet, khoảng 20 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook. 

Hiện nay, cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi. Cách làm báo do vậy cũng đã có nhiều thay đổi. Việc “ độc quyền” cung cấp thông tin không còn nữa. Mạng xã hội trở thành nguồn đề tài, là nguồn thông tin, tư liệu tham khảo, là kênh quảng bá hữu hiệu các sản phẩm báo chí và cũng là nguồn cảm hứng của các nhà báo.

Mạng xã hội là kênh tương tác giữa báo chí với công chúng, làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Mỗi người dân có thể là một nhà báo, một chủ bút, một nhà phê bình, một nhà xuất bản, một người phát hành... Chính vì vậy, nếu không có những thay đổi về cách tiếp cận thông tin, phương thức truyền tải thông tin, các loại hình báo chí truyền thống chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức để tồn tại và phát triển.     

Đối với phát thanh, thính giả giờ đây không chỉ là đối tượng hướng đến mà còn là người đồng hành cùng với các chương trình. Họ giờ đây không chỉ thụ động nghe thông tin qua đài mà còn tham gia sản xuất chương trình, đóng góp xây dựng chiến lược và chính sách của các đài phát thanh.  

Bản thân những người làm báo nói cũng cần nhìn nhận lại xem nên giao tiếp như thế nào để phát thanh có thể đóng góp vào đối thoại mang tính xây dựng và tích cực giữa mọi người, góp phần vào việc gắn kết cộng đồng, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Trong lịch sử của mình, phát thanh cũng có lúc này lúc kia trồi sụt, nhưng loại hình báo chí này vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.

Phát thanh vẫn là một trong những phương tiện truyền thông năng động, có tính tương tác cao, thiết thực, gần gũi với cuộc sống. Thông qua việc cung cấp thông tin, các chương trình giải trí, phát thanh đã thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng. Nhiều câu lạc bộ thính giả, cộng tác viên được thành lập để trao đổi thông tin, đề xuất, kiến nghị những vấn đề xã hội quan tâm. 

Chủ động đón nhận mạng xã hội, tận dụng những ưu thế của mạng xã hội mang lại, những người làm báo nói đã có những cách tiếp cận, truyền tải thông tin dưới nhiều hình thức đến với công chúng, khẳng định sự cam kết trách nhiệm đối với xã hội của những người làm báo.

Bằng cách lắng nghe thính giả và đáp ứng nhu cầu của họ, phát thanh phản ánh những quan điểm đa dạng và tạo cơ hội cho mọi người đóng góp ý kiến để giải quyết các thách thức trong đời sống thường nhật mà chúng ta phải đối mặt. Có một chiếc radio bên cạnh có nghĩa là bạn không cô đơn.

Bạn luôn có một người bạn tin cậy bên mình để trao đổi, tâm tình. Khi đó, Phát thanh, chính là Bạn./.

Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN

Nguồn: vov.vn

Tin nổi bật