Cần thêm cơ chế để báo chí chống “tự chuyển hóa"

Theo ông Lê Quốc Vinh, nghề báo là nghề nguy hiểm, nên cần có thêm cơ chế đảm bảo để báo chí chống tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên những năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức và hành động.

Báo chí luôn thể hiện vai trò tích cực, quan trọng của mình khi đồng hành với cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức. Làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Ảnh: KT).

Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên những năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức và hành động.

Báo chí luôn thể hiện vai trò tích cực, quan trọng của mình khi đồng hành với cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức. Làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh.

PV: Xã hội đòi hỏi báo chí nêu cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, nhưng thực tế đã có nhiều nhà báo gặp nguy hiểm khi tác nghiệp. Theo ông, cần cơ chế nào để báo chí làm tốt hơn?

Ông Lê Quốc Vinh: Nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Họ đang ở trên mặt trận không tiếng súng nhưng rất nguy hiểm đến tính mạng khi họ tham gia điều tra, khám phá những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến tham nhũng.

Với thể chế hiện nay, mặc dù vai trò của nhà báo khá được tôn trọng nhưng chưa đảm bảo. Chúng ta cần có cơ chế khác nữa, một sự thỏa thuận và một sự đảm bảo của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan hành pháp.

PV: Để báo chí đưa tin, phản biện một cách chính xác, ông nghĩ sao về vai trò của người phát ngôn của các cơ quan Bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cho báo chí?

Ông Lê Quốc Vinh: Các cơ quan quản lý nhà nước hay các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cần xây dựng cơ chế, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà báo tham gia tiếp cận các nguồn thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời tạo cho xã hội một cơ hội tương tự như thế để họ kiểm chứng thông tin mà các cơ quan đưa ra và các nhà báo đăng tải.

Khi tạo ra được cơ chế thông tin thông thoáng và minh bạch thì niềm tin vào cơ quan báo chí và những người phát ngôn từ cơ quan đó sẽ nâng cao hơn. Bởi cách chúng ta hạn chế thông tin càng tạo ra mối nghi ngờ và nghi ngờ sự khách quan của các cơ quan báo chí.

PV: Cũng vì muốn đưa thông tin một cách kịp thời, đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh thông tin hết sức gay gắt của chính cơ quan báo chí để thu hút công chúng, đôi khi một số nhà báo đã mắc phải những sai phạm nghề nghiệp. Theo ông, làm thế nào để tăng cường nghiệp vụ cũng như đạo đức của đội ngũ nhà báo?

Ông Lê Quốc Vinh: Đạo đức nhà báo là một vấn đề rất nóng và lần đầu tiên chúng ta đưa vào luật. Tôi cũng nghĩ rằng cần tạo cơ chế để các nhà báo không bị liên quan đến các vấn đề thương mại trong các cơ quan báo chí nhằm tạo ra một sự khách quan nhất định.

Mặc dù các cơ quan báo chí cũng cần các hoạt động thương mại nhưng các nhà báo, phóng viên cần phải giữ cho họ tránh xa các hoạt động thương mại thì họ sẽ giữ được tính khách quan, từ đó tính đạo đức có thể được duy trì.

PV: Gần đây báo chí đã để xảy ra sự cố truyền thông về nước mắm chứa thạch tín và một số sự cố khác. Theo ông, có nên đặt vấn đề về đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống tham nhũng ngay trong chính đội ngũ những người làm báo?

Ông Lê Quốc Vinh: Tôi nhất trí với ý kiến trên. Khi nói về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong làng báo cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, sự vững vàng về đạo đức, nghiệp vụ của nhà báo hiện nay vô cùng quan trọng.

Bên cạnh những nhà báo có uy tín thì cũng không thiếu những nhà báo chưa đặt cao vấn đề đạo đức của cá nhân mình, dễ dàng sa ngã, nhất là về vấn đề cơm áo gạo tiền, về yêu cầu câu view của các cơ quan báo chí sẽ tạo cho họ áp lực và hành xử có thể khác đi với những quan niệm đạo đức của họ.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: Nguyễn Hằng-K.Anh/VOV.vn

Tin nổi bật