5 lý do để học lập trình
(ICTPress) - Ngày 12/9 không chỉ là ngày thứ 256 của năm 2016 mà cũng là ngày Quốc tế Lập Trình Viên, thời điểm để chúng ta tôn vinh những kiến trúc sư, những chuyên gia thầm lặng thúc đẩy sự phát triển không ngừng của thế giới kỹ thuật số.
Nếu còn băn khoăn tại sao lại là ngày 12/9 thì câu trả lời là: 256 chính là số lượng các giá trị khác nhau hiện diện trong 1 byte (8-bit).
Chúng ta hiện nay đều mặc nhiên cho rằng việc giữ liên lạc với người thân, mua hàng trực tuyến, hoặc đọc thông tin này thông qua các thiết bị di động là điều cực kì dễ dàng. Thực ra, mọi tiện ích công nghệ đó chỉ trở thành hiện thực nhờ sự nỗ lực của các lập trình viên. Như vậy, việc lập trình nắm vai trò khá quan trọng trong xã hội hiện đại.
Nhân ngày Quốc tế Lập trình, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt nam chia sẻ 5 lý do khuyến khích mọi người nên thử học lập trình:
Trình độ kỹ thuật số đi đôi với tăng trưởng kinh tế:
Theo một nghiên cứu gần đây của Accenture, hiện nay, hơn một phần năm (22%) GDP của Thế giới được tạo ra bởi các hình thức năng lực khác nhau của kỹ thuật số như kỹ năng, vốn, hàng hóa hoặc dịch vụ số hóa.
2. Thị trường lao động đang ngày càng có nhu cầu cao về kỹ năng lập trình:
Những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi, một phần lý do nằm ở khả năng thay thế con người trong công việc. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hơn năm triệu việc làm sẽ bị mất đi vào năm 2020 là hệ quả của việc đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nghiên cứu đó cũng cho thấy công nghệ có thể tạo ra công ăn việc làm và kích thích tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế bằng cách tạo ra một hiệu ứng lan tỏa với các ngành công nghiệp khác. Ví dụ, ở New Zealand, mỗi công việc mới trong các ngành công nghệ cao tạo ra năm công việc khác trong các lĩnh vực liên quan.
Những công việc trong tương lai sẽ đi kèm với những nhu cầu mới – và việc lập trình liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học) sẽ vẫn là những kỹ năng đòi hỏi được cập nhật và nâng cao.
3. Lập trình dẫn đến sự đổi mới:
Mặc dù, dường như khái niệm một ứng dụng đáp ứng cho tất cả nhu cầu hiện đang tồn tại, nhưng thế giới luôn luôn chờ đợi một điều gì đó lớn lao hơn. Những ứng dụng công nghệ dự kiến sẽ mang lại gấp đôi lợi nhuận, lên đến 101 tỷ USD vào năm 2020, vì vậy, nếu có một ý tưởng tuyệt vời và biết lập trình, đó chính là lợi thế trong tương lai. Ai biết được, đứa con tinh thần đó có thể sẽ định nghĩa lại những hoạt động trong các ngành công nghiệp truyền thống, giống như những gì Uber và Airbnb đã làm cho giao thông vận tải và du lịch!
Theo số liệu mới nhất từ Bloomberg, năm công ty hàng đầu thế giới về vốn trên thị trường chứng khoán hiện tại là Apple, Alphabet , Microsoft , Amazon và Facebook – đây chính là phản ánh rõ rệt rằng,. cán cân tăng trưởng đã được chuyển từ các ngành công nghiệp truyền thống là Dầu khí, Ngân hàng và Tự động hóa sang các ngành liên quan đến Công nghệ.
4. Ngôn ngữ lập trình là ngoại ngữ:
Tương tự như cách chọn một ngoại ngữ để tiếp cận thêm một nền văn hóa mới, ngôn ngữ lập trình cũng vậy. Hiện nay, bốn tiểu bang Mỹ đang mong muốn đưa ngôn ngữ lập trình vào danh sách các ngoại ngữ bắt buộc của chương trình học. Như vậy, khả năng thuần thục ngôn ngữ lập trình cũng quan trọng không kém khả năng ngoại ngữ trong thế giới việc làm đầy cạnh tranh ngày nay.
Có hàng ngàn ngôn ngữ lập trình với một số loại phổ biến. Dù một số ngôn ngữ lập trình thông dụng sử dụng bảng chữ cái Latin, thì vẫn có các ngôn ngữ lập trình sử dụng tiếng bản địa như Indonesia (Baik) , Hàn Quốc (Changjo) , Nhật Bản (Dolittle) , Mandarin (PerlYuYan) và thậm chí cả tiếng Hin-di. Thống kê cho thấy có hơn 20 ngôn ngữ lập trình ở Châu Á!
5. Kỹ năng lập trình giúp bổ sung và củng cố kỹ năng quan trọng trong giải quyết vấn đề và làm việc theo nhóm:
Lập trình mang lại lợi ích nhiều hơn cho những người muốn theo đuổi nó một cách chuyên nghiệp. Trong quá trình học tập, người học có thể xây dựng những nguyên tắc cơ bản quan trọng riêng, như cách đơn giản hóa các hệ thống phức tạp. Học lập trình giúp nuôi dưỡng những tư duy sáng tạo, góp phần vào khả năng giải quyết vấn đề, phát triển logic và nuôi dưỡng tiềm năng cá nhân, tạo động lực hướng đến nền kinh tế công nghệ.
Chi tiết hơn có ở Code Trip, là một bộ phim tài liệu do Microsoft và Roadtrip Nation sản xuất, kể về câu chuyện của ba sinh viên ngành khoa học máy tính khi gặp các lập trình viên, các nhà nghiên cứu và các kỹ sư robot, nhận được chỉ dẫn và được truyền cảm hứng để xây dựng những sự nghiệp trong ngành công nghệ từ chính những con người bất chấp định kiến này. Trong thế giới bao la của ngôn ngữ lập trình sẽ không tồn tại khuôn mẫu, nhờ đó ai cũng có khả năng trở thành một nguồn động lực cho những đổi mới và sáng tạo.
Hãy tham gia thế giới công nghệ để tạo ra những khả năng mới và thay đổi thế giới!