Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2016: Nhiều sản phẩm phần mềm sáng tạo, thực tiễn cao
(ICTPress) - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXII sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 8/8/2016 tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với 3 phần thi: Kỹ năng (bảng A, B, C), Phần mềm sáng tạo (bảng D2, D3) và Lập trình phần cứng (bảng E2, E3).
Hội thi Tin học trẻ tỉnh Kon Tum năm 2016 vừa kết thúc ngày 28/6/2016 |
Theo Ban Tổ chức Hội thi cho biết có 15 phần mềm sáng tạo (Bảng D2, D3) và 20 sản phẩm lập trình phần cứng (bảng E2, E3) đã lọt vào chung khảo Hội thi.
Đánh giá chung về các sản phẩm dự thi bảng D và bảng E, Ban Tổ chức cho biết số lượng sản phẩm dự thi tăng hơn năm trước 05 sản phẩm với các chủ đề đa dạng, phong phú. Các công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật. Các công nghệ hỗ trợ lập trình nhúng và lập trình trên các thiết bị di động theo xu hướng công nghệ hiện nay cũng được nhiều thí sinh sử dụng. Có nhiều sản phẩm dự thi tốt, sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn cao. Chất lượng các sản phẩm tốt hơn nhiều so với các năm trước, đặc biệt là bảng E.
Cụ thể, các phần mềm sáng tạo ở Bảng D2 và D3 như sau:
Tham dự hội thi phần mềm sáng tạo bảng D2- học sinh THCS có 38 sản phẩm đến từ 9 đơn vị (nhiều hơn năm ngoái 11 sản phẩm). Trong đó Hà Nội và Đà Nẵng là 2 đơn vị có số thí sinh tham dự đông nhất với 11 sản phẩm dự thi.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các sản phẩm dự thi năm nay có chủ đề khá phong phú và đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dụng và giải trí. Các công nghệ được sử dụng cũng khá đa dạng, từ các công nghệ phát triển web, ứng dụng đến các công nghệ phát triển cho di động. Chất lượng các sản phẩn dự thi là tương đối tốt và khá đồng đều.
Bảng D2 dành cho học sinh THCS có 7 sản phẩm nổi trội được đầu tư tốt và có ý nghĩa thực tiễn cao, đã được ban giám khảo lựa chọn vào vòng chung khảo gồm: “Làm quen với chữ cái trên di động” của các em Nguyễn Xuân Thái, Khổng Minh Đức (Lớp 8A1, Lớp 7A5, THCS Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội); Phần mềm “quản lý kỳ thi Tin học ICM” của các em Nguyễn Sơn An, Hồ Tiến Đức, Lớp Tin học lập trình, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai; Phần mềm “Giám sát trực tuyến GPS Tracking” của các Lê Tấn Phong, Võ Đức Minh, Nguyễn Huy Tùng (Lớp Tin học lập trình, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai); “Geobook-Ứng dụng học tốt địa lý 9 trên hệ điều hành Android” của em Trần Quốc Khang (Lớp 9, THCS Lương Nghĩa, Hậu Giang); “Trang sử Việt - Theo dòng lịch sử” của các em Võ Nguyễn Đức Thịnh, Huỳnh Trung Đức, Dương Nguyễn Ánh Hằng (Lớp 7, THCS Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng); Cẩm nang Y tế học đường của em Ngô Tiểu My (Lớp 9, THCS Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) và phần mềm “hỗ trợ học Tiếng Anh trên ĐT di động” của em Nguyễn Đức Hưng (Lớp 6, THCS Tây Sơn, Đà Nẵng).
Ban Tổ chức cho biết với kết quả này, hy vọng rằng các thí sinh sẽ phát huy hơn nữa, chuẩn bị và hoàn thiện sản phẩm để đạt kết quả tốt nhất ở vòng chung khảo sắp tới.
Bảng D3 năm nay thể hiện sự phong phú về mặt ý tưởng cũng như nền tảng thực hiện của các đề tài với 35 sản phẩm dự thi, ít hơn năm ngoái 6 sản phẩm. Các sản phẩm dự thi rất đa dạng, từ những ứng dụng đơn giản giải quyết các bài toán thường gặp của học sinh cho đến những giải pháp tổng thể cho các vấn đề trong cuộc sống.
Nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao về mặt giao diện, chức năng, thuyết minh, và mã nguồn. Trong đó, một vài sản phẩm nổi trội có ý nghĩa thực tiễn và tiềm năng như dự án VietDE-môi trường hệ điều hành đầu tiên ở Việt Nam, Sản phẩm Game tuyên truyền an toàn giao thông, v.v.
Dựa trên các tiêu chí đánh giá từ ban tổ chức, ban giám khảo đã lựa chọn 8 sản phẩm vào vòng chung khảo có chất lượng tốt hơn hẳn so với các sản phẩm còn lại. Chủ đề các sản phẩm đa số tập trung vào những loại sau đây:
Bảng D3 dành cho học sinh THPT có 8 sản phẩm phần mềm sáng tạo bao gồm: “Game tuyên truyền an toàn giao thông” của em Võ Trường An (Lớp 11, THPT Chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng); “Dự án VietDE-môi trường hệ điều hành đầu tiên ở Việt Nam” của em Trần Mạnh Cường (Lớp 12, THPT Anh Sơn 2, Nghệ An); “Magic ABC Kids” của em Huỳnh Lê Minh Nhật (Lớp 11, THPT Đốc Binh Kiều, Tiền Giang); Hệ thống gửi thư điện tử tiện dụng - Smart Email Sender của em Lương Tấn Khang (Lớp Tin học lập trình, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai); Hóa học trực tuyến - HoaHocTrucTuyen.com, Bộ phần mềm Hóa học dành cho máy tính và điện thoại của em Đỗ Thành Đạt, Nguyễn Đức Tông (Lớp 11, 10 THPT Long Mỹ, Hậu Giang); “Hệ thống SmartBots” của em Huỳnh Đức Duy, Tống Xuân Bảo, Trần Tuấn Anh (Lớp 11, THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng); “nKiD – phần mềm dạy lập trình phần cứng dành cho trẻ em” của các em Đặng Huỳnh Khánh Ly, Trần Minh Tân, Nguyễn Thiện Nhân (Lớp 12, THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) và Quản lý thời gian chơi game trên điện thoại của em Phạm Nhật Trường (Lớp 12 TH, THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp).
Phân loại các sản phẩm bảng D3 như sau:
Sản phẩm giáo dục: Các sản phẩm hỗ trợ tra cứu/học tập môn Hóa Học (VD: Hóa học trực tuyến, Từ điển Hóa học), Địa Lý (Solar System Simulation), Lịch Sử (Học lịch sử THPT), Tiếng Anh (Magic ABC Kids) của em Huỳnh Lê Minh Nhật (Lớp 11, THPT Đốc Binh Kiều, Tiền Giang); phần cứng (nKiD - PM dạy lập trình phần cứng dành cho trẻ em) của các em Đặng Huỳnh Khánh Ly, Trần Minh Tân, Nguyễn Thiện Nhân (Lớp 12, THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), gửi thư điện tử cho nhiều người (Hệ thống gửi thư điện tử tiện dụng - Smart Email Sender) của em Lương Tấn Khang (Lớp Tin học lập trình, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai), quản lý thời gian (Quản lý thời gian chơi game trên điện thoại) của em Phạm Nhật Trường (Lớp 12 TH, THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp), học luật giao thông (Sản phẩm Game tuyên truyền an toàn giao thông) của em Võ Trường An (Lớp 11, THPT Chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng), v.v.
Sản phẩm ứng dụng đời sống: Hệ thống SmartBots của em Huỳnh Đức Duy, Tống Xuân Bảo, Trần Tuấn Anh (Lớp 11, THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), Hệ thống báo cháy thông minh,v.v.
Chủ đề khác: Một vài chủ đề khác như tra cứu/tìm kiếm thông tin địa điểm (Hanoi like a pro, FoodGuru), hỗ trợ soạn thảo (Stime - Bộ gõ dạng bảng cho VIM, Hỗ trợ soạn thảo văn bản – HQEDITOR), hệ điều hành (Dự án VietDE-môi trường hệ điều hành đầu tiên ở Việt Nam), v.v.
Các công nghệ và ngôn ngữ lập trình sử dụng phổ biến được thể hiện theo loại sản phẩm: Nền Web (JavaScript, PHP,…), Ứng dụng desktop: C#, Java, Visual Basic, Python; Ứng dụng di động: Java, Swiftl Công nghệ: Thực tế ảo (VR). Môi trường phát triển sản phẩm là: Unity Engine, Android, IOS, Visual Studio, Linux, v.v.
Các sản phẩm phần cứng lọt vào chung khảo bao gồm các sản phẩm của các em từ các tỉnh, thành như Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Phú Yên.
Bảng E2 năm nay có 16 sản phẩm dự thi (nhiều hơn năm ngoái 7 sản phẩm).Năm nay, các đề tài thuộc bảng E2 mang tính thực tiễn khá cao, nhiều ý tưởng được xuất phát từ thực tiễn quan sát của các em học sinh. Tuy nhiên, một số bài dự thi đề tài còn tương đối đơn giản, cần được hoàn thiện nhiều hơn nữa. Nhìn chung các đề tài được chuẩn bị khá công phu, nhiều sản phẩm được đầu tư tương đối lớn về mặt thời gian và kinh phí. Một số sản phẩm có độ hoàn thiện tương đối tốt và tính ứng dụng cao.
Bảng E2 có 10 sản phẩm lọt vào chung khảo, cụ thể:
Đà Nẵng: Hệ thống vườn thông minh của các em Huỳnh Văn Ngọc Sơn, Hồ Ngọc Thống; Máy đo nhịp tim bằng cảm biến của em Trần Phan Quý Hoàng; Hệ thống khay trồng rau sạch tự động của các em Huỳnh Huy Hoàng, Nguyễn Phú Quý, Nguyễn Phú Thịnh; Bàn học thông minh của các em Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Thanh Ngọc.
Cần Thơ có các sản phẩm “Hộp thuốc thông minh cho người lớn tuổi” của các em Ngô Minh Tân, Phan Minh Tâm, Trần Thiện Diễm Quỳnh; Thiết bị phát hiện té ngã thông minh (SmatrFDS) của các em Trần An Khánh, Đặng Thế Thiên Anh, Trương Võ Quốc Huy;
Hậu Giang có 3 sản phẩm: “Ứng dụng điều khiển đèn Led bằng chuột” của các em Nguyễn Quang Sang, Đoàn Lê Phương Vy; Đèn giao thông "thông minh" của Nguyễn Lê Như Ý; Điều khiển thiết bị điện bằng Remote- ứng dụng cho nhà thông minh của Huỳnh Minh Trận.
TP. HCM có sản phẩm “Robot thu hoạch nông sản” của em Võ Thành Thái.
Theo Ban giám khảo, một số đề tài thuộc Bảng E2 vẫn còn tồn tại các hạn chế. Đặc biệt là hạn chế về việc biến ý tưởng thành hiện thực trong điều hạn hẹp về thời gian.
Bảng E3 năm nay có 16 sản phẩm dự thi (ít hơn năm ngoái 3 sản phẩm). Cũng theo Ban giám khảo, các sản phẩm dự thi bảng E3 năm nay có chất lượng khá đồng đều, đa dạng về lĩnh vực, ý tưởng và đạt đến độ hoàn thiện cao. Trước khi phát triển các sản phẩm, các thí sinh đã dành nhiều thời gian để khảo sát những sản phẩm tương tự, với mong muốn tạo ra sản phẩm khắc phục được những hạn chế hiện tại và sáng tạo sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng cao.
Bảng E3 năm nay, các thí sinh còn chủ động tiếp cận nhiều công nghệ mới, mô hình hiện đại. Nhiều em đã biết sử dụng những API phổ biến (nhận dạng giọng nói, bản đồ, ...) để tích hợp vào sản phẩm của mình.
Cụ thể 10 sản phẩm lọt vào chung khảo Hội thi:
TP. HCM có các sản phẩm: “Robot Rùa thám hiểm đại dương” của em Phạm Khắc Phi Long, La Tuyết trinh; NeXus- Mô hình quản lý phân lớp thông minh của Hoàng Phạm Gia Khang; GBOT - Robot leo tường của Bùi Mạnh Giỏi;
Đà Nẵng có các sản phẩm: “Hệ thống theo dõi và cảnh báo chất lượng không khí” của các em Hồ Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Kim Bình; HLSmartGlasses của Vũ Đình Nghĩa Hưng, Phạm Thành Long; Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị của các em Nguyễn Văn Hoài Linh, Ngô Quang Hiếu; “Hệ thống chăm sóc cây trồng thông minh” của em Trần Quang Hiếu
Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Cần Thơi mỗi đơn vị có 1 sản phẩm gồm: “Găng tay thông minh dành cho người khiếm thị” của em Lê Ngô Duy Phong và “TBOT- Robot tiện ích” của em Trương Trọng Thân và “Ứng dụng Công nghệ IoT trong mô hình ngôi nhà thông minh” của các em Trần Bảo, Nguyễn Thanh Hoàng, Nguyễn Chánh.
Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Hội thi là cuộc thi tài có quy mô lớn nhất và truyền thống lâu năm nhất trong lĩnh vực tin học cho thanh thiếu nhi, nhằm tạo ra phong trào học tập, ứng dụng CNTT một cách rộng rãi trong thanh thiếu nhi cả nước, góp phần thiết thực vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trẻ cho đất nước.
QA